[Hết quyển 01] Chương 26: Hỗn loạn

Tôi kêu lớn một tiếng, cổ cũng không khống chế được, bất giác quay lại nhìn mặt nữ thi kia, liền thấy trên khuôn mặt nữ thi bao phủ một tầng khí đen, hốc mắt khô héo tụt vào trong, xương gò má nhô ra, vẻ mặt vô cùng dữ tợn khiếp người.

Thi biến!

Trong đầu tôi lúc ấy liền bật ra ý niệm này, ba người lăn một vòng mấy bước tránh xa cái xác. Thiếu Gia phát run nói: "Đàn bà đúng là nắng mưa thất thường, lúc mở quan tài không phải vẫn bình thường sao, sao nói biến liền biến ngay được chứ..."

Tôi đương nhiên là không thể biết lý do, nhưng có thể khẳng định, chúng tôi đã tính sai điểm mấu chốt nào đó, thực ra đối với những kiến thức trộm mộ của Nam Ba Tử mà nói, tôi đều chỉ là nghe lỏm câu được câu chăng, có bỏ sót điểm nào hay không cũng không thể xác định được.

Tôi lấy đèn pin chiếu vào cái quan tài, thấy nữ thi kia đã ngồi dậy, đèn pin vừa chiếu vào cái đầu nó liền lập tức quay lại. Tôi phi như bay qua các vị trí khác nhau, nói với hai người kia: "Đừng có thở, chỉ có như thế lão bánh tông mới không tìm được mấy người."

Bọn họ ra sức bịt lỗ mũi lại, tôi chỉ vào một góc gần đó, ý bảo chúng tôi nên qua đó trốn một chút.

Đi được mấy bước, đột nhiên chúng tôi nghe được âm thanh đồ vật rơi xuống phía sau quan tài. Tôi không cần nghĩ cũng biết là cái thi thể kia đã rơi xuống, xoay người lại soi thử một chút, luồng ánh sáng chiếu đến mọi thứ đều trống trơn, không nhìn thấy cái gì, quả nhiên vật trong quan tài kia đã không còn nữa.

Soi tiếp trên mặt đất, tôi cảm giác có chút mơ hồ không hiểu, cái nữ thi kia bây giờ đã giống như con thằn lằn nằm im trên mặt đất không động đậy.

"Chuyện gì xảy ra vậy? Không phải anh nói chúng ta không thở thì nó cũng sẽ không tìm được sao? Làm sao nó lại biết được vị trí của chúng ta?"

Tôi phát run, nói: "Mẹ kiếp, tôi không biết, chẳng lẽ bên cạnh chúng ta có người thứ tư vẫn thở?"

"Không thể!" Thiếu Gia nói, chắc chắn là không thể, chúng tôi cầm đèn pin chiếu xung quanh, bốn phía đều không có người.

Thiếu Gia cầm nỏ trong tay, kêu lớn: "Con mẹ nó, kiểu gì cũng chết, nó mà lại gần, lão Hứa anh soi đèn cho tôi, hôm nay ông đây sẽ liều mạng với nó."

Vừa dứt lời, bỗng nhiên bước chân mềm nhũn, gạch xanh dưới chân chúng tôi sụp xuống, tôi còn chưa hiểu mô tê gì, bỗng thấy dưới chân bị hẫng, liền té xuống theo.

Lần này tôi ngã đến choáng váng, lia đèn pin khắp nơi.

Kì quái, tại sao phía trên lại có thêm một lớp gạch, chẳng lẽ cổ mộ này có hai tầng?

Tôi buồn bực nhìn ra bốn phía, Thiếu Gia kéo chúng tôi lên rồi nói: "Đừng nhìn nữa, chạy mau."

Tôi vội vàng bò dậy chạy, cũng không biết là đang chạy đi đâu, hai bên đều tối tăm, sâu hun hút, nhìn thấy Thiếu Gia kéo Nhã Nam cắm đầu cắm cổ chạy vào một vùng bóng tối, liền cắn răng chạy theo.

Trong lúc chạy như điên chúng tôi cũng xem thử tình hình xung quanh một chút. Hai bên đường lót gạch là những bức bích họa sinh động, có điều đằng sau lại là tiếng xích sắt kéo lê càng lúc càng gần nên căn bản chúng tôi cũng không có cơ hội dừng lại xem.

Chạy không lâu liền nghe thấy Thiếu Gia hô to: "Ở đây có cửa?"

Tôi lấy đèn pin soi qua, chỉ thấy một cái cửa mộ vĩ đại ở cuối con đường lót gạch, so với cái cửa mộ mà chúng tôi đi vào từ bên ngoài chắc chắn phải lớn gấp đôi, tay nắm cửa gỗ được tạo bằng một khối bạch ngọc lớn, phía trên một chút là Long, Ly trấn cửa, nhìn lướt qua giống y như vật sống vậy.

Tiếng xích sắt kéo lê phía sau đã tới rất gần, chúng tôi không dám dừng lại, Thiếu Gia cầm cái nỏ lên, bảo tôi đi mở cánh cửa, còn gã chiến đấu với nữ thi kia để kéo dài thời gian.

Tay chân tôi lúc này đã bủn rủn hết cả, Vạn Tượng câu cũng không cầm nổi nữa, ngoáy loạn hồi lâu, một khe hở cũng không moi ra được.

Định thần nhìn lại mới phát hiện tuy cửa mộ rất lớn, nhưng khe cửa lại rất hẹp, hơn nữa, bên trong khe còn bị bịt kín bằng đồng hóa lỏng, Vạn Tượng câu căn bản không thể nhét vào được.

Tâm trạng tôi thoáng chốc tệ hại, không lẽ ba cái mạng nhỏ của chúng tôi đành phải chôn thây nơi này sao?

Đang lúc hốt hoảng, nha đầu kia bỗng nhiên kéo tôi, nói: "Mau nhìn dưới chân!"

Tôi cúi đầu nhìn, chỉ thấy dưới chân chúng tôi trước đây vốn là đường lót gạch, giờ đã biến thành một tấm đá xanh lớn, hơn nữa khi đạp xuống tấm đá xanh này, phía dưới còn có tiếng vọng, hình như là rỗng ruột.

Tôi chợt nhớ tới lời mấy lão Nam Ba Tử nói, cái này gọi là kết cấu "cáp tử phiên" (chim bồ câu lật), phía dưới có một thông đạo bí mật, thiết kế vô cùng phức tạp, có thể còn thông đến ngôi mộ bên trong, cửa mộ này thực ra chỉ dùng để nghi binh, căn bản không dùng để cho người ra vào, sau cánh cửa còn chèn thêm sáu bảy lớp đá niêm kín chồng lên nhau, cho dù có mang thuốc nổ đi phá, nổ đến sập cả con đường lót gạch thì cửa cũng không mở được.

Trong sách vở tôi cũng từng đọc qua loại cơ quan này, không thể ngờ hôm nay lại có duyên thấy tận mắt, cơ quan này xuất hiện khá phổ biến trong mộ huyệt thời Tây Hán. Trong đầu tôi chợt nghĩ - Chẳng lẽ nơi này, mới là mộ huyệt của Lưu Khứ? Vậy cổ mộ mang phong cách thời Nam Tống kia là của ai?

Một điều thông trăm sự thông, tôi lập tức biết chuyện gì đang xảy ra, mẹ kiếp, thì ra là mộ trong mộ. Năm đó giáo sư có kể cho tôi nghe một câu chuyện, rằng trong thời kỳ cách mạng văn hóa, có một ngày bọn họ nhận được thư tố cáo, nói ở một nơi phát hiện trộm mộ phá hoại, ông lập tức mang người đến hiện trường, xuống xem thử, phát hiện đồ vật bên trong đã bị trộm quét sạch, chỉ còn lại một đống đổ nát, giáo sư liền đau lòng, có điều sau đó lại phát hiện một dấu vết kỳ quái, hóa ra quan tài từ trong quan quách trên bệ đã được dời sang bên cạnh.

Giáo sư thấy kỳ lạ, cho người mang quan tài ra nhìn thử, mẹ kiếp, dưới đáy quan tài huyệt mộ triều Minh là một đường hầm đen kịt sâu hun hút. Giáo sư khó chịu trong lòng, chuyện quái gì xảy ra vậy, liền phái người đi xem thử, liền hiểu ra, phía dưới huyệt mộ này, vẫn còn một cái mộ nhỏ của Nam triều*, đây chính là mộ trùm mộ.

*Nam Bắc triều là một giai đoạn trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ năm 420 khi Lưu Dụ soán Đông Tấn mà lập nên Lưu Tống, kéo dài đến năm 589 khi Tùy diệt Trần. Về trình tự, thời kỳ Nam Bắc triều nối tiếp thời kỳ Đông Tấn-Ngũ Hồ thập lục quốc, sau nó là triều Tùy. Do hai thế lực bắc-nam đối lập trong một thời gian dài, do vậy gọi là Nam Bắc triều. Nam triều (420-589) bao gồm bốn triều đại: Lưu Tống,Nam Tề, Lương, Trần; Bắc triều (439-589) bao gồm năm triều đại: Bắc Ngụy,Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu.

Kẻ gian trộm mộ chui xuống mộ huyệt nhỏ của Nam triều kia, nhưng bị ngạt thở chết, giáo sư cho rằng có thể là do đồng bọn cho hắn đi lên sau cùng, sau đó đẩy quan tài bịt kín lỗ, nhốt hắn ở bên trong. Có điều quan tài nặng tới hơn hai tấn, đồng bọn của hắn làm sao mà đẩy được đây, điều này không ai trả lời được.

Trong đầu tôi phút chốc tua qua mấy đoạn phim, Thiếu Gia ở bên cạnh đã mở được tấm đá xanh kia, cái mùi vị tanh hôi kia cảm giác cũng đã ở gần vô cùng, tôi cũng không muốn xem thử nó là thứ gì, liền xoay ngươì nhảy xuống chim bồ câu lật lần xuống mật đạo.

Phía dưới mật đạo vô cùng chật hẹp, ngồi xuống mới có thể tạm thời duỗi thẳng được lưng, Thiếu Gia vội vàng đậy phiến đá xanh lại, liền nghe một tiếng "binh", phía trên tấm đá chấn động mạnh một cái, tựa hồ có vật gì đứng trên nó.

Cương thi kia hẳn là sẽ không biết mở cửa chứ, tôi thầm cầu nguyện trong lòng.

Chấn động qua đi, bốn phía liền yên tĩnh trở lại, chúng tôi thở phào một hơi, nhìn chung quanh một chút, phát hiện mật đạo có chiều rộng khoảng hàng bốn người, con đường này căn bản không phải dùng cho người đi, mà nó được gọi là tiên lộ, hay nói cách khác, nó dành cho người chết muốn thăng thiên, người sống rất khó đi. Thông đạo này thường thì được bố trí phía trên cửa mộ, gọi là "khai tiên môn", cũng có loại bố trí dưới đất, có lẽ do Lưu Khứ thích đào đất, nên chọn ở dưới mặt đất.

Thiếu Gia giục tôi mau tiến vào bên trong, để chống trộm, bên trong mộ đạo có thể cũng sẽ bố trí các loại cơ quan, ở đây cử động khó khăn, một khi trúng phải sẽ không còn đường sống.

Mấy người nửa bò lổm ngổm hướng về phía con đường bí mật bên kia đi tới, trong khoảng thời gian hết một điếu thuốc thì đến đầu bên kia, cuối bí đạo trạm khắc một bức tượng đầu thú, hai bên có hình điêu khắc bách quan tiễn đưa, ý là hồn phách từ nơi này đi ra, sẽ được bách quan tại đây đưa lên trời cao thành tiên.

Phía trên đầu thú có một phiến đá, nặng khoảng năm, sáu trăm cân, hai người chúng tôi dùng bả vai nhấc lên, dùng hết sức lực từ thuở bú mẹ mới xê dịch được khối đá này một khe hở.

Tôi thò nửa cái đầu ra, dùng đèn pin chiếu thử, sau đó lục tục bò ra, nhìn xung quanh, bốn người đã bị khí thế của ngôi mộ dọa khiếp.

Nơi này là một ngôi mộ hình tròn lớn chừng nửa cái sân bóng đá, tôi thấy bốn phía có mười hai cây cột lớn bố trí ở hai bên ngôi mộ, chống đỡ cho nóc Minh điện (Minh điện là lầu các xây dựng trong mộ, bắt chước kiến trúc nơi ở của chủ nhân khi còn sống mà xây cất), ở giữa mỗi cây cột là một ngọn trường minh đăng đã tắt, giữa mộ có một đài cao hình kim tự tháp, bốn bề là bốn bậc thang khác nhau, trên mặt đài gắn bốn cái sừng tê giác nhọn hoắt, lớn sừng sững, khéo léo che giấu được vật trên đài cao.

Bốn phía đài cao, lại có một vòng xung quanh lõm xuống tương tự như hào nước bảo vệ thành, chúng tôi chạy đến nhìn thử, sâu không thấy đáy, không biết dưới đó có gì.

"Sông hộ quan" này rộng chừng một hàng sáu người, có biến thành cái lò xo cũng không nhảy qua nổi, chúng tôi thảo luận một chút, nha đầu chỉ chỉ trên đầu, nói:

"Chỉ còn một cách, bám xà ngang mà tiến."

Tôi nhìn thử một cái, xà nhà phía trên có kết cấu lan tỏa, hai cây cột đều có một thanh ngang chống đỡ, sáu nhánh đan xen tạo thành hình cây dù đi mưa, phía trên trạm trổ như tranh vẽ.

Thiếu Gia cầm sợi dây, kêu lên: "Nhìn tôi này, Phi hỏa lưu tinh câu." Cầm móc sắt ngắm nghía một chút, sợi dây bay lên có điều chưa bay tới xà ngang đã bị rớt xuống, sau đó liền rơi vào sông hộ quan.

Xem chừng ném thứ này quả thật không dễ dàng như phim điện ảnh, tôi giúp Thiếu Gia kéo sợi dây lên, không ngờ, kéo được hai cái, lại giống như bị kẹt, không kéo lên nổi.

Chúng tôi lần theo sợi dây đến sông hộ quan xem thử một chút, chỉ thấy sợi dây thẳng tắp, chắc chắn là bị mắc kẹt ở phía dưới.

Không có sợi dây thì chúng tôi không thể qua sông, tôi cùng Thiếu Gia hợp sức kéo, lại kéo lên được một chút. Cả hai đều vui mừng, dồn sức kéo tiếp, kéo lên một cái gì đó đen sì.

Chúng tôi kéo thứ đồ màu đen này lên trên bờ, liền ngửi thấy một mùi hôi thối vô cùng khó ngửi, là một cỗ thi thể, hơn nữa còn không phải cổ thi, tôi thấy trên thi thể là bộ đồng phục màu xanh da trời.

Chúng tôi lật thi thể lên, chỉ thấy trong người thi thể toàn là cát, trong cổ tôi toàn mùi chuột chết, vội mang bình nước ra chỗ khác, bỗng nhiên nghe thấy nha đầu sợ hãi kêu lên: "Giáo sư!"

Tôi nhìn mặt thi thể kia, sắc mặt nhất thời ủ rũ, dường như không dám tin vào mắt mình nữa.

Thi thể này, chính là giáo sư già đã chết bốn ngày trước ở trấn Đông Hoa, nhưng sao bây giờ lại ở chỗ này?

Thấy trên thi thể còn mang túi đeo lưng, chúng tôi mở khóa túi, phát hiện bên trong đều là dụng cụ trộm mộ, nhất thời ngộ ra tất cả.

Chẳng lẽ lễ truy điệu là giả, không hề có di thể của ông lão? Khi đó giáo sư căn bản là chưa có chết? Có điều cuối cùng ông ấy lại mang theo bao nhiêu vật dụng mà chết bên trong cổ mộ, chẳng lẽ là cũng có ý tưởng giống như chúng tôi, đi trộm mộ sao?

Tôi lại nghĩ tới thi thể ở khe hở vách tường bên ngoài đầm, nhất thời hiểu ra sự việc, chắc chắn là sau khi giáo phát hiện ra chuyện lời nguyền của cổ quan đã giả chết để có thời gian mang theo một số người thân tín đi tìm mộ huyệt Lưu Khứ. Có điều bí mật này đã bị Lão Biện phát hiện, cho nên trước khi chết Lão Biện đã viết lại cho chúng tôi tờ giấy đó. Toàn bộ sự việc là như vậy.

Có điều vì sao giáo sư lại chết ở chỗ này chứ? Tôi nhìn khuôn mặt giáo sư đã bị phân hủy, cũng không thể đoán ra ông chết bởi bị nguyền rủa, hay là do bị trượt chân ngã vào sông hộ quan mà chết. Có lẽ giáo sư đã lấy được ấn trấn sông rồi?

Thiếu Gia lúc này đột nhiên nghĩ tới điều gì đó, liền kêu một tiếng, rồi ra sức lôi lưỡi câu mắc trên áo giáo sư, ném lên xà nhà sau đó gọi bọn tôi leo lên.

Tôi không biết gã vì sao lại đột nhiên vội vã như vậy, liền leo lên theo, mấy người leo lên đến trên xà nhà, nhìn lại xuống dưới, thấy trong lòng sông hộ quan đã kín xúc tu loại chúng tôi từng nhìn thấy ở trấn Sa Hạp, quấn quanh thành một nùi, đồng thời ở khoảng giữa để trống thành một hình mặt người to lớn.

Tôi vừa thấy cảnh này, lập tức nhận ra ngay phía dưới là thứ gì? Trong lòng liền ai da một tiếng, đây không phải là loại bạch tuộc bọn tôi từng thấy ở Hoàng Hà hay sao?

Giữa đài cao có một ngọc quan màu trắng nhợt. Điều khiến chúng tôi cảm thấy kì quái chính là, trên bệ quan lại không phải quan quách, mà là một thi thể mặc khôi giáp.

Thiếu Gia nhìn kĩ, liền chửi thề một tiếng: "Mẹ kiếp, chuyện chó gì đang xảy ra thế, thi thể sao lại không bị phân hủy?"

Tôi cho tới bây giờ tôi cũng chưa từng thấy hình thức táng người kì lạ như thế này, nên cũng không dám vọng ngôn.

Trong lòng nghĩ, chỗ này là đài cao trong địa cung, có khả năng là một cái mộ gió, quan quách của Lưu Khứ rất có thể đang ở bên trong, còn thi thể mặc khôi giáp bên ngoài, có thể chỉ là một trò đùa, hoặc người giả.

Tôi lưu ý bọn họ một tiếng, để cho bọn họ cẩn thận, ba người nhắm hướng đài cao đi tới.

Đi thẳng một đường, cơ hồ mỗi bước đều phải dừng lại nghỉ, cẩn thận đề phòng cơ quan được bố trí, nhưng Thiếu Gia nói với bọn tôi, bên trong ngôi mộ kiểu này rất ít có cơ quan, bởi vì toàn bộ ngôi mộ đều đặc biệt chú trọng bố trí tường cách âm, nếu cài đặt cơ quan ở đây, sẽ trái với quy tắc cơ bản của tiên nhân hợp nhất.

Chúng tôi đi tới trên đài ngọc, khẽ nín thở, định xem qua thi thể một chút, xem rốt cuộc là người thật hay là người giấy.

Thi thể mang một cái mặt nạ sáu mắt, bên trong là cái gì cũng không thể thấy được, một màu đen nhánh, tựa hồ thân xác bên trong khôi giáp đã thối rữa, chỉ còn lại cái vỏ.

Chúng tôi lấy mặt nạ ra, nhìn một cái, bên trong quả nhiên không có thi thể, nhưng ở vị trí đại não có một viên cầu nhỏ, nhìn qua vô cùng giống với hình vẽ trên quan tài cổ bằng đồng thau.

Chẳng lẽ đây chính là Trấn Hà ấn?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top