CHƯƠNG 5: MƯỜI NGHÌN NĂM VÀ MƯỜI NGHÌN NĂM ÁNH SÁNG



1.

Cả hội đánh nhau bị bắt lại, đám thanh niên phải bồi thường tổn thất cho quán, dưới sự tận lực làm chứng của ông chủ cộng thêm chỉ có mình tôi là thương tích đầy người mà tôi trở thành người bị hại, cảnh sát dạy dỗ một lúc rồi bảo tôi ký tên để đi.

Đêm về khuya mưa cũng nhỏ dần, không ngờ tôi vừa ra khỏi đồn cảnh sát thì đã thấy Tiểu Tụ đang đứng bên đường, khuôn mặt nhỏ căng thẳng nhăn lại, ánh mắt tràn ngập vẻ lo lắng. Tôi xoa đầu con bé, nói:

- Buồn ngủ rồi đúng không?

Tiểu Tụ đưa cho tôi tờ khăn giấy con bé cầm từ lâu, nói:

- Chú ơi, lau mặt đi.

Tôi nhận lấy, hỏi con bé:

- Concert hay không?

Tiểu Tụ cúi đầu nói:

- Mới bắt đầu chưa được nửa tiếng thì mưa to quá, lại còn sấm sét nữa nên bị huỷ rồi.

Tôi nói:

- Thế sao con lại đến đây?

Tiểu Tụ nói:

- Con đến khách sạn trước, nhân viên khách sạn nói với con là cảnh sát bắt chú đi rồi, sau đó con lại hỏi ông chủ tiệm thịt nướng thì ông ấy bảo có lẽ là ở đây.

Tôi thấy hơi có lỗi, vờ như không để tâm nói:

- Thế con cứ đợi chú ở khách sạn là được rồi, trẻ con chạy linh tinh là bị lạc đấy.

Tiểu Tụ thở dài:

- Lại chả vì chú à, chú làm người ta lo quá đấy.

- Hả - Tôi ngạc nhiên - Đứa trẻ bảy tuổi nói câu này không hợp lý lắm nhỉ?

Tiểu Tụ chỉ chiếc xe đa dụng màu đen.

- Chị y tá nói chú không đáng tin, chị Trần Nham cũng nói chú không đáng tin, chị ấy đến đây luôn rồi kìa.

Tôi nhìn theo hướng chỉ của con bé, thấy cửa sổ xe đa dụng hạ xuống để lộ một khuôn mặt quen thuộc trong ký ức. Cô ấy mỉm cười với tôi, giống y như cô bạn năng động đầy sức sống thời đại học.

Chúng tôi từng uống rượu trong nhà ăn, viết nhạc trong thư viện, làm concert quy mô lớn, tất nhiên tôi chỉ là người đi cùng ban nhạc. Trần Nham nói đọc tiểu thuyết tôi viết cảm thấy lời văn của tôi cũng được, hy vọng có ngày tôi sẽ viết được lời một bài hát khiến cô ấy thấy sáng rực cả vùng trời. Lúc cùng nhau uống rượu, tửu lượng của tôi rất kém, hễ say là lại khóc; tửu lượng Trần Nham còn kém hơn, hễ say là lại giành thanh toán. Cách hình dung đơn giản nhất chính là tôi mất mặt, cô ấy mất tiền. Đến năm ba đại học, cô ấy thôi học để ký hợp đồng với công ty, từ đó chưa gặp lại nhau lần nào nữa.

Năm năm không gặp khiến tôi cẩn trọng hơn. Nghĩ lại thì cô ấy có thành công hơn đi chăng nữa chẳng chẳng liên quan đến tôi, một người đang muốn kết thúc đời mình như tôi còn sợ mất gì trước mặt cô ấy nữa.

Không khí trong xe yên tĩnh, tiếng bánh xe ma sát với mặt đường khiến tôi lim dim buồn ngủ.

- Cậu sống không tốt à?

- Ừm, cũng bình thường.

- Tiểu Tụ gửi tin nhắn wechat cho mình bảo cậu gặp chuyện nên mình đến xem xem có giúp được gì không.

- Sao con bé lại add được wechat với cậu?

Trần Nham cười:

- Con bé viết trong ghi chú lời mời kết bạn rằng nó là con gái của Tống Nhất Lý, thế nên mình đồng ý.

Tiểu Tụ vốn đang nghe lén ở ghế sau nhanh chóng ngoảnh đầu, vẻ mặt điềm tĩnh.

- Nói đi, sao cậu lại đánh nhau? Mình biết rõ tính cách của cậu mà, cậu đâu phải kiểu người xốc nổi.

- Bọn nó ức hiếp người thật thà.

- Liên quan gì đến cậu?

- Mình cũng là người thật thà, dốc bồ thương kẻ ăn đong.

- Làm sao? Cậu cũng bị ức hiếp à?

- Bị cắm sừng rồi.

Trần Nham đang uống nước mà suýt chút nữa phun hết ra ngoài. Cười đi, tôi không có ý kiến, mới thế này không làm tôi đau được đâu. Cô ấy làm bộ nghiêm túc, nghiêm mặt hỏi:

- Hai cậu cưới nhau rồi cơ mà?

Tôi nói:

- Ừ, tốt nghiệp xong thì cưới.

Cô ấy nói:

- Cậu chưa bao giờ liên lạc với tôi.

Tôi nói:

- Tại vì cậu biến mất.

Cô ấy nói:

- Trừ chia tay và chết ra thì không có gì là biến mất cả. Con người chỉ liên lạc với người họ nhớ nhung thôi. Thế Lâm Nghệ đâu, mất tích thật rồi à?

Tôi nói:

- Cô ấy có thai rồi, nhưng không phải con mình.

Cuối cùng Trần Nham cũng không nhịn được nữa bật cười thành tiếng, cười đến mức rung cả vai, chai nước trong tay cũng lắc lư theo.

Tôi nói:

- Buồn cười lắm hả? Đúng là buồn cười thật.

Cô ấy vỗ vai tôi:

- Người anh em à, cậu thảm quá đấy, thảm phát nực cười. Hay là mình mời cậu uống một ly nhé.

Nữ tài xế trên ghế lái bỗng nói một câu:

- Chị Nham, mai sáng chị còn phải lên máy bay sớm đấy, không uống nhiều được đâu.

Trần Nham nhún vai, nói:

- Ừ nhỉ, huỷ trạm Vũ Hán nên mới thêm trạm Côn Minh, mình phải qua đấy chuẩn bị.

Cô ấy không nhìn tôi nữa, hướng mắt ra ngoài cửa sổ xe, không trêu đùa nữa mà bình thản nói:

- Cậu không có hành lý, để mình mời cậu ở khách sạn, mình có vài chuyện muốn nói với cậu.

Đèn đường hắt lên cửa kính xe những dải sáng màu vàng, như lưỡi dao cắt miếng bánh kem, chất màu chia cắt đêm tối.

Cô ấy nói:

- Con người cậu chính là ngọn cỏ dại, chỉ cần người khác đối xử tốt với cậu một chút là cậu nguyện móc cả tim mình trao đi. Nhưng cậu là cỏ dại thì móc được gì chứ, cùng lắm cũng chỉ có thể tự đốt cháy mình để sưởi ấm tay người ta thôi.

Khuôn mặt tôi đẫm nước mắt, lồng ngực nghẹn ngào không thở nổi.

Một cái đầu bé nhỏ thò ra từ hàng ghế sau, lấm la lấm lét hỏi:

- À thì, chị Trần Nham ơi, thêm trạm ở Côn Minh là sao ạ?

2.

Hành lang khách sạn, Trần Nham đã thay bộ đồ khác, cô ấy ngồi đối diện tôi, đốt ngón tay gõ gõ xuống cạnh bàn. Nhân viên phục vụ thành thạo mở rượu. Xung quanh đều là tường thuỷ tinh mà sâm panh, ánh đèn và âm nhạc đều mờ mờ ảo ảo, hoá ra người có tiền uống rượu lại yên lặng đến thế.

Trần Nham nói:

- Cảm thấy hai chúng ta không thân thuộc lắm đúng không?

Nhìn cô ấy vừa tinh tế vừa nhàn nhã, kết hợp với sofa mà đỏ đậm và mặt bàn màu đồng cổ, vừa khẽ cử động bóng ngược đã lay động không ngừng, xa xôi với tôi đến thế.

Trần Nham nói:

- Mình có một yêu cầu nho nhỏ, xem như cậu giúp đỡ mình đi.

Tôi nói:

- Thôi khỏi.

Trần Nham ngửa đầu uống cạn một ly rượu vang, nói:

- Thật ra là việc cậu vẫn chưa hoàn thành.

Cô ấy lấy một tờ giấy ố vàng trong túi ra, nhẹ nhàng đặt lên bàn:

- Cậu viết cho xong đi, xem như kỷ niệm.

Tôi ngơ ngác nhìn tờ giấy đó:

- Cậu vẫn còn giữ à?

Trần Nham nói:

- Mình rất thích nó nên vẫn luôn đợi cậu viết nốt.

Tôi nói:

- Thôi, chẳng có ý nghĩa gì cả.

Trần Nham đứng dậy vươn vai.

- Tống Nhất Lý, cả đời này của cậu đúng thật là chẳng làm nên chuyện gì.

Cô ấy cũng biết câu này, rốt cuộc Tiểu Tụ đã nói với cô ấy bao nhiêu chứ.

Cô ấy xoay người rời đi, để lại tờ giấy đó. Trên giấy là nửa bài hát tôi viết từ hồi đại học. Vài dòng chữ mãi vẫn chưa viết tiếp, cuộc đời tôi nặng nề đến thế, làm gì có tư cách theo đuổi ước mơ với họ.

Trợ lý của Trần Nham đặt một phòng tiêu chuẩn có hai giường, Tiểu Tụ một giường, tôi một giường. Tôi vừa bước vào phòng, Tiểu Tụ giả vờ ngủ ngáp dài một cái như vừa tỉnh giấc nồng.

- Chú ơi, chị Trần Nham nói nếu con đi thì không cần vé, còn được ngồi chỗ tốt nhất nữa...

Tôi nói:

- Con không đi.

Tiểu Tụ "Ồ" một tiếng rồi leo lại về giường, chưa yên tĩnh được hai phút lại bắt đầu hỏi:

- Chú ơi, mai phải về Nam Kinh thì đáng tiếc lắm nhỉ?

Tôi không muốn nói chuyện, hai mắt nhắm nghiền.

Giọng Tiểu Tụ hơi nghẹn ngào:

- Chú ơi, sau này chú có đến thăm con không?

- Chú sẽ cố.

Tôi nghĩ, nói vậy không phải nói dối nhỉ, một ngày nào đó Tiểu Tụ nhớ đến câu này, hỏi đến thì tôi đã chết rồi, thế cũng không xem như phản bội lời hứa.

Tiểu Tụ không hài lòng với câu trả lời này, con bé đổi câu hỏi khác:

- Thế chú gọi điện thoại cho con mỗi ngày được không ạ?

Tôi đau lòng ngồi dậy, phòng không bật đèn, tôi thấy được bóng dáng nhỏ bé của Tiểu Tụ đang ngồi trên giường, thậm chí nhận ra được cả ánh mắt tràn đầy hy vọng của con bé.

Tôi rất buồn ngủ, rất mệt, im lặng một lúc, tôi nói:

- Tiểu Tụ, một thời gian dài sau này chú sẽ không xuất hiện đâu, không phải vì không muốn gặp con mà tại nguyên nhân ở chú. Đợi con lớn lên rồi con sẽ hiểu.

Cô bé con gật đầu trong bóng tối:

- Con hiểu.

Chúng tôi ngồi trên giường của mình cứ vậy nhìn nhau không nói gì, con bé lại phá vỡ im lặng tiếp:

- Nhưng con không còn cơ hội lớn lên nữa, thế nên tuy con hiểu nhưng con không đồng ý.

Giọng con bé vang vang:

- Hoặc là chú đưa con đến Côn Minh, hoặc là chú phải gọi điện thoại cho con mỗi ngày.

Tôi trùm chăn lại không muốn để ý con bé nữa.

- Con nằm mơ đi, chú liên quan gì đến con? Con tưởng con là con gái chú thật hả? Cùng lắm chỉ là hai người bệnh như nhau thôi, chú không có nghĩa vụ phải giúp con. Con nhớ lấy, về Nam Kinh rồi chúng ta sẽ xem như không quen biết.

3.

Sáng ra tôi trông Tiểu Tụ đánh răng rửa mặt, con bé ủ rũ không nói năng gì. Thu dọn đồ và xuống sảnh trả phòng xong, tôi đưa con bé ra xe. Thấy cũng chẳng cần thiết phải hơn thua với đứa trẻ con, tôi chủ động xách balo giúp con bé. Con bé lùi vài bước, trừng mắt nhìn tôi:

- Chú là đồ lừa đảo.

Tôi cố gắng để giọng mình thật ôn hoà:

- Chú đưa con đến bến xe khách, một mình con ngồi xe không vấn đề gì chứ?

Tiểu Tụ mếu máo nói:

- Chú đồng ý đưa con đi xem concert rồi, chưa xem được ở Vũ Hán thì chú phải đưa con đi Côn Minh.

Tôi mất hết kiên nhẫn, ném cả người cả balo con bé vào xe. Tiểu Tụ nhẹ đến đáng thương, tôi xách trên tay chẳng khác gì xách con mèo con. Con bé túm chặt lấy cửa xe khóc rống lên:

- Chú nói lời không giữ lời!

Tôi nói:

- Chú đưa con đi rồi còn gì, không xem được cũng đâu phải lỗi của chú, con nói cho có lý lẽ đi được không?

Tiểu Tụ hét lên:

- Con sắp chết đến nơi rồi sao còn phải nói có lý lẽ chứ...

Tôi miễn cưỡng đẩy con bé vào xe:

- Con còn nhỏ, không chết được đâu. Chắc chắn bác sĩ sẽ chữa khỏi cho con, khỏi bệnh rồi thì muốn xem bao nhiêu concert cũng được, không ai ngăn con đâu...

Mặt Tiểu Tụ đỏ bừng, ánh mắt ngập tràn tuyệt vọng và giận giữ, hét lớn:

- Bệnh của con còn chữa khỏi được hả? Tất cả mọi người đều biết con sắp chết rồi, bác sĩ lừa con, mẹ lừa con, chú cũng lừa con!

Tôi không khống chế được cảm xúc, thét với con bé:

- Con tưởng mọi người muốn lừa con lắm hả? Còn không phải vì muốn tốt cho con à?

Câu nói này hoàn toàn chạm đến giới hạn của con bé, nó khóc xé ruột xé gan.

- Ai cũng bảo muốn tốt cho con nhưng có ai từng nghĩ con muốn gì không! Bị bệnh chẳng thể trách ai được, tại con đen đủi thôi. Nhưng tổng cộng con cũng chỉ có một nguyện vọng, có mỗi một! Con đen đủi đến mấy cũng không đến mức không hoàn thành được một nguyện vọng chứ?

Càng nói con bé càng khóc không ra hơi:

- Bác sĩ bảo con sống thêm được ngày nào thì hay ngày đó, con đã gắng sức sống rồi, mọi người đừng để con phải sống trong bệnh viện nữa...

Tôi bất lực nói:

- Lần sau nhé, Tiểu Tụ, lần sau chúng ta đi.

Tiểu Tụ nói:

- Lần sau là bao giờ, mười nghìn năm sau ạ?

Tôi ngơ ngẩn nhìn con bé, thật ra tôi cũng từng nghĩ: kết hôn, đi làm, có một đứa con gái đáng yêu với đôi mắt to, để mái bằng, cười lên ngọt ngào như dâu tây giống Tiểu Tụ vậy.

Tôi chẳng có gì cả.

Tiểu Tụ dần bình tĩnh trở lại, bàn tay nhỏ bé của con bé khẽ nắm lấy ngón tay tôi, ngẩng đầu nhìn tôi với đôi mắt ướt đẫm.

- Chú ơi sao chú lại run hết cả người thế? Con không chọc giận chú nữa, con sẽ về.

Con bé ngoan ngoãn ngồi vào xe, còn vẫy tay với tôi:

- Chú ơi đi thôi.

Đến bến xe khách Vũ Hán, tôi đưa Tiểu Tụ đi xếp hàng mua vé. Bế con bé trên tay, tôi nói:

- Con gọi điện thoại cho mẹ đi, để mẹ con đến bến xe đón con.

Tiểu Tụ im lặng lấy điện thoại ra, còn chưa kịp gọi thì đã có chuông vang lên.

- Alo, Tiểu Tụ đúng không?

Giọng nói đầu kia mang theo vẻ vui mừng.

Tiểu Tụ buồn bã hỏi:

- Chú là ai ạ?

- Chú là cảnh sát của sở cảnh sát Thành Nam, sáng nay mẹ cháu đến trình báo, nói là cháu bị bắt cóc.

Tiểu Tụ nhìn tôi, nói:

- Chú cảnh sát yên tâm đi ạ, cháu an toàn lắm.

Cảnh sát không hề tin:

- Bây giờ cháu đang ở đâu? Có người lớn ở bên cạnh không?

Tôi thở dài mệt mỏi, cuối cùng phiền phức cũng đến. Vốn dĩ định nghe điện thoại để tự giải thích thì nghe tiếng Tiểu Tụ đang cố gắng bảo vệ:

- Chú ấy là người tốt, tại cháu nhờ chú ấy đưa đi đấy ạ. Trường hợp như cháu xem như bỏ nhà ra đi chứ không phải bị bắt cóc đâu.

Đầu kia điện thoại có tiếng lo lắng của người phụ nữ:

- Tiểu Tụ, con đang ở đâu?

Tiểu Tụ nghe thấy giọng của mẹ, hai mắt lập tức đỏ ửng, con bé khịt mũi nói:

- Mẹ ơi mẹ đừng lo, con đi xem concert giờ sẽ về luôn. Con đang ở bến xe mua vé rồi, về đến Thành Nam con sẽ gọi cho mẹ, con xin lỗi.

4.

Tôi cảm thấy dường như mình đã bị cuốn vào một chuyện vô cùng kỳ lạ. Trong những giày vò suốt mấy năm nay, tôi trải qua từ giằng xé đến tuyệt vọng, cuối cùng thực hiện kế hoạch tuần tự theo từng bước: bán tiệm cơm, đưa mẹ vào viện dưỡng lão, gặp mặt Lâm Nghệ lần cuối. Vốn định sẽ lặng lẽ kết thúc cuộc đời mình trong tình trạng không ai hay biết, vậy mà chẳng hiểu sao giờ lại ở Vũ Hán, vừa đánh nhau lại vừa bị xem là kẻ buôn người. Tôi không còn biết mình phải làm gì, muốn đi về đâu nữa.

Tôi nghĩ hay là đưa Tiểu Tụ về xong sẽ quay lại "Biệt Thự Bên Sông", nằm vào bồn tắm rồi cắt động mạch, dùng mạng sống của mình để biến khách sạn này thành nhà ma, cảnh báo mọi người đừng vào ở nữa. Như vậy cũng xem như tích được chút công đức trước khi lìa đời.

Trong lúc suy nghĩ lan man chúng tôi đã mua vé xong, Tiểu Tụ kéo áo tôi:

- Chú ơi chú đang nghĩ gì thế, cả buổi không chớp mắt lấy một cái.

Tôi nói:

- Đi, chú đưa con lên xe.

Tiểu Tụ nói:

- Chú có về Nam Kinh không ạ?

Tôi nói:

- Đối với chú thì ở đâu cũng như nhau thôi.

Sau khi đợi ở sảnh đợi xe mười lăm phút, màn hình hiển thị thông báo xe sắp khởi hành. Tôi dắt Tiểu Tụ đi theo dòng người ra đến quảng trường rồi tìm thấy xe khách về Nam Kinh.

Tôi dắt tay Tiểu Tụ mà càng lúc càng đau lòng, không kìm được ngồi xổm xuống:

- Đói chưa? Để chú mua chút đồ ăn cho con mang lên xe.

Tiểu Tụ túm chặt góc áo tôi, hai mắt long lanh, nói:

- Chú ơi, kiểu gì con cũng sẽ chết thôi, chú phải sống cả phần của con, giúp con sống thật tốt, gắng sức mà sống tiếp chú nhé.

Tôi nói:

- Đừng nói linh tinh, con không sao đâu.

Bỗng nhiên có ánh nắng chiếu lên mặt Tiểu Tụ, ánh sáng vàng nhạt hắt lên trán, hoá ra mưa tạnh một lúc rồi. Đôi mắt con bé trong veo đen láy, viền mắt vừa được nước mắt rửa qua hiện ra một màu xanh thuần khiết.

Con bé hỏi:

- Chú ơi, chúng ta có còn gặp lại nhau nữa không?

Tôi chẳng thể nào nói dối trước đôi mắt ấy được, chỉ có thể gượng cười:

- Tiểu Tụ, về phải nghe lời mẹ nhé, dù thời gian còn bao lâu cũng phải sống thật vui vẻ.

Trong lòng Tiểu Tụ đã có được đáp án, nhưng dù sao con bé vẫn chỉ là đứa trẻ bảy tuổi, không biết mình có thể làm được gì. Xe hú còi giục hành khách lên xe.

Con bé từ từ buông tay, cúi đầu nói:

- Tạm biệt chú.

Một giọt nước mắt lăn dài trên má con bé.

Thời gian chúng tôi quen biết rất ngắn, thật ra tôi cũng không hiểu nổi sự quyến luyến của đứa trẻ này với tôi từ đâu mà có, như thể nó thật sự xem tôi là người thân vậy. Nhưng quả thật trái tim tôi cũng đang đau nhói. Dù hôm nay tôi có chết đi thì ông trời cũng đã cho tôi cơ hội được lớn lên. Tôi không cần thiết phải sống tiếp, chẳng tìm thấy bất cứ lý do nào cả, thậm chí tôi còn gánh vác tội lỗi không thể nào tha thứ. Nhưng con bé thì sao, Tiểu Tụ vô cùng yêu thế giới này.

Tôi muốn nói rằng, nếu hôm nay chết đi, tôi sẽ sẵn lòng đưa hết tuổi thọ vô dụng của mình cho Tiểu Tụ. Nhưng tôi không nói gì cả, một đứa trẻ bảy tuổi không thể hiểu được, vậy nên cũng không cần thiết phải kể.

Vừa đưa Tiểu Tụ lên xe ngồi thì tài xế nói người nhà xuống xe được rồi. Tôi lại gần tài xế rồi đưa cho anh tay 100 tệ.

- Bác tài ơi, đứa trẻ ngồi ở hàng thứ bảy kia không được khoẻ, trên đường đi nhờ bác để ý giúp.

Tài xế nhận tiền xong, không thèm quay đầu, nói:

- Được rồi, xuống xe đi.

Tôi do dự một lát rồi lấy hết tiền ra nhét vào túi áo tài xế, sau đó quay người xuống xe. Tài xế bất ngờ nhìn tôi, tôi hét với anh ta qua cánh cửa xe:

- Bác tài ơi, con bé vẫn chưa ăn sáng, lát nữa đến trạm nghỉ nhờ bác mua gì đó cho con bé ăn, còn nữa, nếu đến Nam Kinh không có ai đón thì nhờ bác đưa con bé đến bệnh viện Thành Nam...

Cửa "roạt" một tiếng đóng chặt.

Tôi lùi lại vài bước, nhìn khuôn mặt đang tựa vào cửa sổ xe ở hàng ghế thứ bảy, dường như tôi nghe được tiếng nước mắt lã chã rơi.

Tạm biệt nhé, nhóc con.

5.

- Không như mình nghĩ nhỉ, tuy cậu ăn nói khó nghe thì về cơ bản cũng xem như người thật thà, nhưng cũng đâu đến mức có lòng tốt đến thế.

Trần Nham ngồi đối diện đang ăn cháo, tôi không muốn ăn nên chỉ gọi một chai bia, cũng chẳng buồn đáp lại lời cô ấy. Một giọng nói trẻ con lanh lảnh cất lên:

- Chú là một người tốt bụng, đẹp trai, hào phóng, là anh hùng lợi hại nhất trên đời này.

Trần Nham "hứ" một tiếng:

- Anh hùng lợi hại nhất trên đời này mới sáng sớm đã ngồi uống bia.

Cô ấy lau miệng, đoạn hỏi tôi:

- Cậu có kế hoạch gì?

Tôi nói:

- Đưa con bé đến Côn Minh, xem concert của cậu.

Trần Nham nói:

- Đây là Thanh Thanh, trợ lý của mình.

Cô gái đang rót nước cho cô ấy thoáng dừng tay, nhìn tôi gật đầu.

- Chào anh Tống.

Trần Nham nói:

- Thế này đi, tôi để Thanh Thanh lại cho cậu, cậu đi đường mang theo trẻ con không tiện, để Thanh Thanh đi cùng giúp cậu.

Cô ấy vỗ cánh tay Thanh Thanh:

- Lát nữa em gặp lão Lưu để bàn giao công việc, lái xe đến Côn Minh khá xa, em trông chừng tên này giúp chị, đừng để cậu ta để lạc mất đứa trẻ.

Thanh Thanh nói:

- Vâng ạ, chị Nham.

Tôi chẳng buồn để ý.

Một tiếng trước lúc xe khách vừa khởi hành, đột nhiên tôi nghĩ, hai người đều sắp chết như nhau thì còn gì phải băn khoăn nữa. Sao tôi không thể hoàn thành nguyện vọng cho con bé, cùng lắm thì bị xem như kẻ buôn người rồi bị xử bắn thôi. Tôi, Tống Nhất Lý, hôm nay chết hay một tháng sau chết thì có gì khác nhau?

Có khác, Tiểu Tụ sẽ được xem concert.

Tôi vừa đuổi theo xe khách vừa đập vào cửa xe, tài xế lập tức phanh lại, tôi ôm chầm lấy Tiểu Tụ đang chạy xuống.

Trần Nham cầm thìa uống từng chút sữa đậu.

- Nếu có điều muốn nói với Lâm Nghệ, cậu sẽ nói gì?

Chẳng có gì để nói cả. Trần Nham xắn ống tay áo sơ mi trắng, ngửa cổ tay để lộ hai vết sẹo dài ba bốn cm.

- Cậu nhìn xem, mình từng làm chuyện dại dột. Thời gian đó mình chỉ cảm thấy đang sống trong bóng tối, hít thở thôi cũng khó khăn, mất ngủ trầm trọng, ngày nào cũng đau đầu đến mức chỉ muốn lấy dao bổ ra xem thứ gì trong đó đang giày vò mình.

Tôi đặt cốc bia xuống, hai mắt trợn trừng, tim đập nhanh thình thịch.

Trần Nham bỏ tay áo xuống.

- Mọi người không hiểu nổi một người có tiền, cuộc sống sung túc như mình thì có chuyện gì không vượt qua được, Nhưng khi đó mình chẳng tìm thấy được ý nghĩa gì của việc sống cả, cứ khóc hết đêm này qua đêm khác.

Cô ấy khẽ cười.

- Lúc bố mình mất, mình nhìn mẹ mình ôm quan tài bố không rơi một giọt nước mắt. Lúc mẹ mình mất, mình cũng ôm quan tài mẹ không rơi một giọt nước mắt. Làm tang lễ xong, mình về nhà giữa đêm khuya, mở tủ lạnh ra, bên trong vẫn còn nửa chai sinh tố mẹ mình mua. Mình cầm chai sinh tố đi vào phòng bố mẹ, thấy đầu giường chăn gấp gọn gàng, cạnh gối còn đặt một quyển sách.

Trần Nham nâng tay vuốt tóc phía sau tai, tôi thấy cô ấy lặng lẽ lau nước mắt.

Cô ấy nói:

- Mình sụp đổ lắm, con người ta không chỉ sống vì bản thân, vậy sau này thì sao, mình chỉ còn một mình thôi, không sống tiếp được nữa.

Tim tôi đập càng lúc càng nhanh, như thể sắp nhảy ra khỏi cổ họng. Cô ấy cũng có những đêm khuya như thế, cũng có những lúc tối đen đưa tay không thấy rõ năm ngón như tôi.

Cô ấy nói:

- Những ngày tháng không gắng gượng được ấy cứ từ trên trời rơi xuống, liên miên không dứt như đoạn đường hầm vô cùng vô tận. Mình đi qua được rồi, Tống Nhất Lý, mình nói với cậu chuyện này vì mình đoán, điều khiến cậu tuyệt vọng chắc chắn không phải Lâm Nghệ. Cậu không còn gì muốn nói với cô ấy, vậy đối với thế giới này thì sao, cậu có muốn nói gì không? Nếu có, cậu hãy viết nó ra nhé.

Tôi ngồi đến trưa mới nhận ra Trần Nham đã đi rồi. Tiểu Tụ cuộn tròn người ngủ trên chân tôi. Phía đối diện bàn ăn, trợ lý Thanh Thanh đang ngồi thẳng lưng gõ bàn phím laptop.

6.

- Anh uống rượu rồi, không được lái xe.

Thanh Thanh có khuôn mặt thanh tú, đeo một cặp kính viền đen, mặc áo sơ mi màu kaki và quần bò xanh nhạt, mái tóc gọn gàng xõa đến ngang vai. Cô gái này làm việc rất có nề nếp, ngoại hình bình thường như giọng nói, bình thường đến mức khiến người ta nảy sinh ảo giác như thể từng gặp mặt nhưng nghĩ kỹ lại chẳng thể nhớ nỗi.

Tôi uống cạn lon bia rồi đưa chìa khoá xe cho Thanh Thanh.

Đây là lần đầu tiên tôi làm hành khách trên chiếc xe van này. Tôi ngồi ghế sau trằn trọc qua lại, Tiểu Tụ ghét bỏ nên leo lên ghế phụ lái, để tôi một mình phía sau.

Tôi tìm một tư thế thoải mái nằm xụi lơ ra ghế, để mặc cơ thể trượt dần trượt dần, không muốn động đậy thêm nữa.

Ghế xe ngăn cách không gian trước sau, bầu trời và những cành cây của mùa thu lướt vụt qua cửa sổ, từ lúc trời còn xanh sẫm đến khi xám nhạt, cuối cùng là hoàn toàn không nhìn rõ. Cảm giác mê man bất lực lắng đọng tựa những dãy núi trùng điệp tối đen ven đường.

Hàng ghế trước có tiếng trò chuyện.

- Tiểu Tụ, em đang làm gì thế?

- Em uống thuốc ạ, đến giờ rồi!

Việc này thì tôi biết, tối qua vừa nhìn thấy trong balo con bé có chiếc hộp chia thuốc sặc sỡ sắc màu, trên hộp thuốc dán từng hàng ghi chú viết tay, chú thích thời gian và lượng dùng.

- Em uống nhiều thuốc thế? Bị bệnh gì à?

Tiểu Tụ bình thản đáp:

- Ung thư não ạ.

Rõ ràng Thanh Thanh không phải người giỏi nói chuyện, tôi không thấy được nét mặt lúng túng của cô ấy nhưng vẫn hoàn toàn cảm nhận được, vì cô ấy trực tiếp giảm tốc độ xe thể hiện sự bàng hoàng.

Thanh Thanh thử thể hiện sự quan tâm, thốt ra một câu:

- Thế em uống nhiều vào.

Tâm trạng tôi đang buồn mà nghe câu này cũng suýt bật cười thành tiếng. Lật người ngồi dậy định nói đỡ thì thấy Tiểu Tụ nhìn Thanh Thanh bằng ánh mắt đồng tình, nói:

- Mẹ em nói là nếu một người không biết nói gì thì có thể không nói, như vậy sẽ tốt hơn là nói sai.

Thanh Thanh đỏ mặt tía tai miễn cưỡng đổi chủ đề:

- Em nói với mẹ chuyện đi Côn Minh chưa?

Tiểu Tụ gật đầu:

- Em nói rồi ạ.

Thanh Thanh hỏi:

- Có đủ thuốc không?

Tiểu Tụ gãi đầu tính toán số thuốc dự phòng.

- Viên màu xanh uống trước ăn, mỗi ngày một lần, mỗi lần ba viên. Viên màu đỏ uống sau ăn, mỗi ngày ba lần, mỗi lần hai viên. Viên màu hồng đắt nhất, cũng may mỗi ngày chỉ uống một viên.

Những viên thuốc xinh đẹp va vào hộp thuốc tạo thành âm thanh trong trẻo vui tai.

- Viên này... í viên này... viên trắng này... viên này...

Tiểu Tụ nói ngắc ngứ dường như không nhớ rõ. Con bé cầm chặt hộp thuốc:

- Tóm lại là đủ uống. Bác sĩ nói uống hết số thuốc này thì em có thể làm phẫu thuật rồi.

Thanh Thanh hỏi:

-Thế làm phẫu thuật xong thì sao?

Tiểu Tụ cười hi hi đáp:

- Chắc là sẽ chết ạ.

Xe lại đột ngột giảm tốc độ lần nữa. Từ gương chiếu hậu, tôi thấy vẻ mặt như chỉ muốn nhảy khỏi xe của Thanh Thanh.

Tiểu Tụ lại an ủi ngược cô ấy:

- Chị Thanh Thanh ơi, em đùa đấy. Phẫu thuật có nguy hiểm đến mấy thì em cũng nhất định sống tiếp được.

Con bé nắm tay lại cỗ vũ cho chính mình, còn rút từ trong balo ra một bộ đồ màu trắng:

- Nhất định em sẽ sống tiếp được, vì em còn phải lớn lên để bảo vệ mẹ mà. Chị Thanh Thanh xem này, năm sáu tuổi em từng đoạt quán quân karate nhi đồng đấy!

Con bé chăm chú mở bộ đồ karate ra, phía cuối đai áo có thêu một chữ "nhất" bằng chỉ vàng.

Thanh Thanh hỏi:

- Giỏi quá đi, thế ai bắt nạt mẹ của em thế?

Tiểu Tụ đáp:

- Bố em ạ.

Khoang xe lại rơi vào thinh lặng, cửa sổ xe vẫn có những chỗ lọt gió vang lên tiếng vù vù rung cả màng nhĩ.

Tiểu Tụ tiếp tục bình thản nói:

- Bố em khỏe lắm luôn, đá một phát mà mẹ em đã bay ra ngoài. Tuy bây giờ bố em ngồi tù rồi nhưng vì mục tiêu sau này có thể đánh thắng bố, em đã điên cuồng tập luyện. Huấn luyện viên nói chưa từng thấy đứa trẻ nào chịu được khổ như em đấy.

Con bé vui vẻ đắc ý, tuổi thơ chẳng có ánh mặt trời, vậy mà con bé vẫn ghi nhớ ánh sáng do tự tay mình tạo ra.

7.

Tôi ngủ suốt cả đường, giữa cơn mơ màng tôi có cảm giác xe đã lái đến một trấn nhỏ. Mở mắt nhìn, xe đang dừng trước cổng khu nhà trọ. Thanh Thanh vừa xuống xe vừa nói với tôi:

- Anh cứ ngủ tiếp đi, tôi vào làm thủ tục thuê phòng rồi đi mua ít đồ ăn cho anh và con bé, lát nữa về sẽ gọi anh dậy.

Tiểu Tụ ngủ vật vờ trên ghế phụ lái, tôi cũng nằm xuống, một chiếc điện thoại rung ù ù cạnh mặt tôi. Tôi nghe máy trong tình trạng đầu óc mơ hồ, vừa đặt lên tai đã nghe tiếng khóc của phụ nữ làm tôi giật mình tỉnh cả ngủ.

Hoá ra là điện thoại của Tiểu Tụ.

- Tiểu Tụ, con đang ở đâu?

Tôi nói:

- Con bé ngủ rồi, để tôi gọi nó dậy cho chị.

Người phụ nữ sững người:

- Anh là người họ Tống đấy phải không?

Nói xong lại sợ như chọc giận tôi, cô ấy bắt đầu van nài:

- Anh Tống, con gái tôi bị bệnh không rời xa mẹ được, anh trả con gái lại cho tôi đi được không?

Tôi cố gắng giải thích:

- Tại con gái chị không chịu về, con bé muốn đến Côn Minh xem concert.

Cô ấy hoàn toàn không nghe lọt tai, chỉ vừa khóc vừa nói:

- Trả con gái lại cho tôi đi, tôi xin anh đấy, trả con gái lại cho tôi!

Tiếng gọi khản cổ ấy khiến tôi khắc khoải đau nhói.

Tôi hiểu chứ. Hồi bé ham chơi, tan học xong tôi đến quán game chơi quên cả giờ giấc, trời tối mới về nhà. Lúc đó mẹ tôi đánh một trận, nhưng nửa đêm mẹ lại ôm tôi khóc rưng rức, tôi tỉnh ngủ thấy bà đang ngồi đầu giường tôi, vừa sờ mặt tôi vừa khóc.

Tôi hít sâu một hơi, đánh thức Tiểu Tụ dậy:

- Mẹ con gọi này.

Tiêu Tụ dụi mắt nghe điện thoại:

- Mẹ ạ?

Tôi đứng ngoài xe hút thuốc lá, Tiểu Tụ xuống xe lấm la lấm lét nhìn tôi:

- Chú ơi, con nói với mẹ rồi, chú là người tốt.

Tôi nghĩ ngợi rồi nói:

- Tiểu Tụ, để chú đưa con về, mẹ con đau lòng lắm đấy.

- Mẹ cho phép con đến Côn Minh rồi.

Con bé chớp mắt.

- Nhưng mẹ con vẫn sẽ lo lắm.

Tiểu Tụ sốt ruột:

- Chú định nuốt lời ạ?

Tôi vứt đầu lọc thuốc, nhìn con bé:

- Không nghe thấy mẹ con đang khóc hả? Chú mà không đưa con về thì kiểu gì mẹ con cũng liều mạng với chú.

Tiểu Tụ lắc đầu nguầy nguậy:

- Không đâu không đâu... chú mà đưa con về thì chính là không giữ chữ tín! - Con bé tìm kiếm trong vốn từ nghèo nàn - Nói lời không giữ lấy lời! Nói xong bỏ đó!

Tôi hoàn toàn không để ý đến con bé, châm một điếu thuốc khác.

Con bé hét lên:

- Vợ chú nói không sai tí nào, cả đời này của chú chẳng làm được chuyện gì ra hồn cả...

Tôi lạnh lùng liếc con bé:

- Còn làm ồn nữa chú đưa con về ngay lập tức.

Thanh Thanh cầm đồ ăn quay lại, tôi chỉ vào đứa trẻ đang buồn rầu kia.

- Cô đưa con bé vào đi, tôi muốn đi dạo cho khuây khoả.

8.

Trấn nhỏ đêm khuya chẳng có mấy nơi sáng đèn, ven đường cũng có mấy tên say rượu và quán đồ nướng. Tôi vào một quán tạp hoá mua mấy lon bia, đứng dưới ánh đèn đường vừa bật một lon thì có cuộc gọi video.

Trên màn hình hiện lên khuôn mặt của Tiểu Tụ, con bé đảo mắt ngó nghiêng:

- Chú đi đâu thế ạ? Chú không bỏ mặc con để bỏ chạy một mình đấy chứ?

Tôi buồn bực uống một ngụm bia.

- Mau đi ngủ đi.

Vừa định ngắt điện thoại thì trước mắt có một bóng đen vụt qua, chớp mắt tay đã trống không, chẳng thấy điện thoại đâu cả.

Một bóng sáng hình chữ nhật dao động lên xuống trong bóng tối, càng ngày càng xa dần. Lúc này tôi mới nhận ra điện thoại của mình vừa bị cướp.

Tôi ném bia xuống rồi vội đuổi theo, hô lớn:

- Mẹ nó chứ, mày đứng lại cho tao, bắt trộm!

Tên trộm luồn lách qua mấy con ngõ, đuổi theo hắn ta được bốn năm trăm mét mà nước bọt trong miệng tôi đã xộc lên mùi máu, đang định từ bỏ thì tên trộm dừng lại, nhìn tôi giơ ngón tay giữa lên, sau đó rẽ ngoặt sang bên cạnh.

Tôi đang chống đầu gối thở dốc thấy thế lập tức đuổi theo, vừa rẽ vào đã thấy hắn ta đứng đó, tôi không nghĩ nhiều nhanh chóng nhảy lên xô ngã hắn ta.

Chiếc điện thoại trong tay tên trộm bay ra ngoài rồi rơi vào chỗ tối. Tôi giơ nắm đấm:

- Có giỏi thì chạy tiếp đi, dám cướp điện thoại của ông hả, ông đánh chết mày!

Tên trộm kêu oai oải:

- Xin anh tha mạng!

Tôi nói:

- Lại còn tha mạng à, nói cho cậu biết, cmn không thể bỏ qua được!

Tên trộm cười hí hí, tôi phát giác thấy có điều bất thường, bỗng nhiên tay giơ nắm đấm bị ai đó túm lại, vừa quay đầu nhìn đã thấy mấy tên cao to lực lưỡng đứng thành hàng phía sau.

Lúc này tôi mới phát hiện một bên là công trình xây tường kín mít, một bên là nhà mái bằng san sát, phía cuối đường bị một đống đất chặn lại, tóm lại là đường cùng. Ánh đèn công suất cao chói mắt chiếu sáng mấy tên to cao lực lưỡng kia, không phải nghi ngờ gì nữa, bọn họ và tên trộm kia đều cùng một giuộc.

Hôm qua vừa bị đánh hôm nay lại phải chịu một trận nữa à? Tôi không sợ chết, nhưng bây giờ còn chưa say, tôi sợ đau lắm.

Tôi thoáng nghĩ ngợi, nói:

- Xin anh tha mạng!

Tên trộm đẩy phắt tôi, đứng dậy nói:

- Lại còn tha mạng à, nói cho cậu biết, cmn không thể bỏ qua được!

Tôi ngồi xếp bằng xuống đất, hai tay khoanh trước ngực:

- Đánh, lại đánh đi, cho tôi toàn thây là được.

Không phẫn nộ cũng chẳng đau thương, tôi tê liệt rồi. Nếu mấy hôm trước Tiểu Tụ không xuất hiện thì tôi cũng đã chết thanh thản yên bình, đâu cần phải chịu trận đòn này nữa. Đây là suy nghĩ cuối cùng trước khi tôi hôn mê.

Có người đá vào đầu tôi, tôi mất đi ý thức.

9.

Ở viện dưỡng lão mẹ có khoẻ không?

Mẹ từng làm bánh mướp nướng, cá chua ngọt, thịt nộm lá hẹ cho tôi ăn, hương vị ấy vẫn luôn vương vấn trong ký ức tôi. Tôi học cách làm cho Lâm Nghệ thử nhưng không thành công, cô ấy ăn một miếng rồi nhíu mày, nói vẫn phải luyện thêm. Chúng tôi cùng ngồi trong phòng bếp, trong tiếng xèo xèo của chảo dầu, cô ấy ngồi trên chiếc ghế đẩu ở góc tường, dựa đầu vào cửa ngủ thiếp đi.

Tôi còn kém cỏi hơn cả người bình thường, gian khổ lớn nhất mà cuộc đời mang đến cho tôi chính là vô dụng. Tôi hâm mộ những đứa trẻ chỉ việc học và chơi, làm bất cứ chuyện gì dù có được kết quả tốt hay không thì chí ít chúng vẫn có tự tin. Còn đầu óc tôi chỉ toàn những thù hận, tôi không muốn hằn thù ai, nhưng lại chẳng thể kiềm chế nỗi thù hận ấy lớn dần lên.

Tôi hận bố mình. Ông bỏ rơi mẹ con tôi một cách im hơi lặng tiếng, nhìn di ảnh của ông, thậm chí tôi còn chẳng thế nào khớp dáng vẻ trong ảnh với hình tượng trong đầu mình.

Tôi hận mẹ mình. Tôi hận bà vất vả đến vậy, suốt hơn hai mươi năm nay bà chưa từng một lần suy nghĩ cho bản thân, ngày ngày thức khuya dậy sớm như loài vật chẳng biết đớn đau, khắp người toàn những vết thương, mỗi bước đi dưới chân lại thêm ứa máu.

Tôi hận những bóng người mờ nhạt, những thờ ơ rõ ràng, những quyết định chẳng thể kháng cự và cả vận mệnh như đinh đóng cột.

Suốt một năm nay tôi thường xuyên gặp ác mộng: nghe thấy tiếng hô kinh ngạc của mọi người, tôi ngờ vực đi đến lề đường, nhón chân lên nhìn qua gáy của những người đi đường, thấy mẹ đang nằm trên mặt đường, máu từ trong cơ thể chảy lênh láng.

Tôi hận bản thân mình, chỉ mong sao mình chưa từng được sinh ra, mong sao mẹ không hề yêu mình, mong sao người rơi từ tầng ba xuống chính là tôi.

10.

Không biết qua bao lâu thì tôi tỉnh, ánh đèn đường chiếu thẳng vào mắt, khoé miệng toàn mùi tanh của máu. Tôi nhọc nhằn ngồi dậy dựa nửa người vào tường, lòng bàn tay bỗng đau nhói - chống tay vào trúng mảnh vụn thuỷ tinh, khắp mặt đất toàn là chai rượu vỡ.

Không chết được đúng là đáng tiếc, trộm vẫn chỉ là trộm, đánh chẳng ra làm sao. Tôi cười xòa, có vẻ lưng bị đá ghê lắm, khẽ hít thở thôi cũng đau như đứt đoạn.

Chẳng buồn để tâm xem mình bị thương như thế nào, tôi đưa tay sờ vào túi áo, không ngờ vẫn còn thuốc lá. Tôi run tay châm một điếu, khói thuốc cay nồng xông vào cổ họng, nhả khói vào màn đêm, tôi lẩm bẩm một câu:

- Chán phèo.

Lại có tiếng bước chân gấp gáp truyền đến, tôi ném điếu thuốc. Đám người này còn định quay lại xử lại lần nữa à, đến đi đến đi, huỷ diệt hết luôn đi. Tôi sẽ dùng cuộc đời còn lại của mình đổi lấy tù vô thời hạn cho chúng.

Cái bóng dài dài nhảy nhót theo bước chân, tôi ngẩng đầu nhìn, chủ nhân của cái bóng vừa lùn vừa nhỏ đang chạy lại phía tôi, lại còn làm bộ làm tịch mặc bộ đồ karate.

Con bé bày ra tư thế sải bước giậm chân, mếu máo hét: "Hâyyy". Nó quay đầu nức nở hỏi tôi:

- Chú ơi, người xấu đâu?

Tôi mệt mỏi không còn chút sức lực:

- Tiểu Tụ, sao con lại đến đây?

Con bé kìm nước mắt cảnh giác nhìn ngó xung quanh, tay trái và tay phải đổi vị trí cho nhau, thở hổn hển nói:

- Con... con nhìn thấy trong màn hình điện thoại có một biển hiệu tên là Thịt Nướng Anh Ba nên chạy theo app chỉ đường đến đây... Chú ơi, người xấu đâu rồi?

Trước đó đang gọi video với con bé còn chưa tắt, điện thoại bị tên trộm lấy mất rồi bị ném ở xó xỉnh nào đó, chắc là hướng về phía tiệm thịt nướng ở đối diện, không ngờ con bé chạy một mạch đến đây. Nó tưởng đang chơi game chắc, lại còn chạy đến chi viện nữa chứ.

Tôi chống tay vào tường đứng thẳng dậy, lấy ống tay áo lau máu trên mặt:

- Sao con không ngoan ngoãn tí nào thế, chạy đến đây thì làm được gì? Nếu thấy không ổn thì phải bảo chị Thanh Thanh báo cảnh sát chứ.

Tiểu Tụ tròn mắt nhìn:

- Tại không kịp nữa rồi, con từng tập karate đấy, con có thể bảo vệ chú!

Con bé nắm chặt bàn tay bé nhỏ, hét về phía con phố:

- Ra đây! Tôi không sợ các chú đâu!

Tôi kéo con bé lại:

- Về thôi, người xấu chạy rồi.

Cả người Tiểu Tụ cứng đờ:

- Chạy thật rồi ạ?

Tôi kéo con bé:

- Chạy rồi, đi thôi.

Tôi không kéo được nó, hai chân cô bé con này như cắm rễ xuống đất, nắm đấm hơi run run, tôi hỏi:

- Sao thế?

Tiểu Tụ ngẩng đầu, đôi mắt to tròn đẫm nước mắt:

- Chạy thật rồi ạ? Không quay lại nữa đúng không ạ?

Thấy tôi gật đầu, cả người con bé mềm nhũn ngã xuống đất, khóc rống lên:

- Làm con sợ muốn chết huhuhuhuhu.... chân con chuột rút luôn rồi này huhuhuhu... con kể chú nghe, lúc nãy con sợ lắm luôn huhuhuhu... không còn gì sợ hơn được nữa huhuhuhu...

Tôi dắt tay con bé đi về phía nhà trọ, tay con bé lành lạnh ướt nhẹp.

- Đã sợ thế rồi sao con còn đến?

- Còn cách nào khác đâu, chúng ta là anh em mà, đâu thể để chú bị đánh được...

- Chúng ta biến thành anh em lúc nào thế?

- Con nói đại thế thôi, chú không thích thì con lại gọi là chú vậy.

- Thôi đừng khóc nữa, người anh em.

- Điện thoại chú hỏng rồi ạ? Chú dùng điện thoại của con đi.

- Chú lấy điện thoại của con làm gì?

- Chú đừng đuổi con đi nữa rồi con sẽ đưa điện thoại của con cho chú. Chú đừng chê nó cũ, con còn chưa được đổi bao giờ đâu...

Hôm nay tôi thấy quá nhiều nước mắt, cũng không ngăn nổi nước mắt của bản thân. Tôi hy vọng bố mẹ Tiểu Tụ hạnh phúc khỏe mạnh, hy vọng gia đình con bé giàu có văn minh, hy vọng Tiểu Tụ chưa từng bị bệnh, mãi mãi lạc quan vui vẻ lớn lên.

- Điện thoại chú chưa hỏng, không cần dùng của con.

- Thế chú ơi, chú sẽ đuổi con đi ạ?

- Để chú suy nghĩ xem sao.

Trong khoảnh khắc đó, dường như tôi được trở về hai mươi năm trước, mẹ dắt tay tôi đi qua ngõ Yến Tử, hoa quế ngát hương, ánh trăng soi sáng hiên nhà, trên nền gạch in bóng hai bóng người một lớn một bé.

Giờ đây tôi cách xa ánh trăng đêm đó cả mười nghìn năm ánh sáng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top