CHƯƠNG 3: HÀNH TRÌNH MÙA THU
1.
Tôi và Lâm Nghệ kết hôn nửa năm thì mẹ đột ngột bị nhồi máu não. Giữa đêm, cũng may tôi nghe tiếng tivi phòng mẹ mãi vẫn đang mở nên định vào tắt, vừa vào cửa đã thấy mẹ nằm dưới đất dãy dụa trong vô thức, miệng sùi bọt trắng.
Sau đợt cấp cứu đó, trí nhớ mẹ giảm sút hẳn đi, cùng một vấn đề sẽ hỏi đi hỏi lại nhiều lần, tình trạng mất trí càng ngày càng nghiêm trọng. Tôi không có tiền thuê hộ lý nên đã nghỉ việc về nhà quản lý tiệm cơm, như vậy có thể tiện chăm nom mẹ luôn.
Phòng bếp lúc nào cũng có tiếng nước chảy, sàn nhà đầy dầu mỡ và mặt bếp lau mãi không sạch. Tôi đờ đẫn làm quen với những điều này. Có vị khách uống say gây chuyện rồi không chịu thanh toán, còn lật đổ cả bàn ghế. Vị khách nọ nhấn tôi xuống sàn, khăng khăng rằng tôi lừa tiền, quần áo tôi dính đầy vết nôn mửa của ông ta.
Mẹ tôi khóc oà lên như đứa trẻ, tôi gắng sức bật dậy chạy đến quầy tính tiền, mẹ bị chứng tiểu không tự chủ, tiểu ra cả ghế. Tôi vừa ôm bà vừa mỉm cười với khách:
- Các anh đi đi, bữa này tôi mời.
Đêm khuya tôi thu dọn cửa tiệm hỗn loạn, Lâm Nghệ đứng ở cửa. Tôi không dám nhìn về phía cô ấy, không dám đối mặt với ánh mắt tuyệt vọng của vợ mình. Kim giây trên đồng hồ treo tường vang lên từng tiếng tích tắc nho nhỏ, tôi chợt nhận ra, phải chăng đây chính là thời khắc đếm ngược đến lúc Lâm Nghệ rời xa tôi.
Nửa năm nữa trôi qua, Lâm Nghệ đề nghị ly hôn. Cô ấy không đợi tôi đồng ý đã đi luôn khỏi ngõ Yến Tử.
Một kẻ đang ở dưới vực thẳm như tôi lại càng không có nơi nào thấp hơn để ngã xuống nữa. Rõ ràng tôi biết phải đồng ý với yêu cầu của cô ấy từ lâu nhưng tháng ngày có cô ấy tựa như ánh sao rơi xuống mái vòm, là lý do còn lại để tôi ngẩng đầu trông ngóng.
Cuộc sống mà Lâm Nghệ không thể nhẫn nhịn chịu đựng đã được sắp đặt chính là cuộc đời còn lại của tôi.
Con người ta sống để làm gì? Làm chuyện không phải sở trường của mình, tiếp nhận những phê bình không thiện chí, nở nụ cười với người mình không ưa để kiếm thêm được chút tiền, để bản thân sống thêm một ngày.
Tôi vẫn phải tiếp xúc với họ, trong mắt họ, tôi vẫn sống rất bình thường, một ông chủ tiệm cơm khiến người ta phát chán ghét.
Trong một đêm khuya nào đó, tôi rửa bát xong thì đặt vào ngăn kéo, lúc đẩy ngăn kéo vào bỗng bị mắc lại. Tôi kéo ra rồi đẩy vào lại nhưng vẫn không được, lại tiếp tục kéo ra, đẩy mạnh vào, lặp đi lặp lại kéo kéo đẩy đẩy như tên điên mắc chứng cuồng loạn. Cho đến khi lấy hết sức mình đạp một đạp, ngăn kéo vang lên tiếng bát đĩa vỡ nát.
Tôi biết tôi cũng vỡ vụn rồi.
Tôi đi khám bệnh, bác sĩ bảo tôi bị trầm cảm nặng, kê cho tôi một ít Escitalopram và Lorazepam [*]. Tôi uống thuốc một thời gian, cảm xúc càng ngày càng tồi tệ. Trầm cảm có bản chất của nó, từ thể xác cho đến nội tạng đều bị bao bọc kín không lọt gió, thuốc uống chỉ như giọt nước lọt vào kẽ hở, chẳng thể nào dập tắt được ngọn lửa dưới vực sâu.
[*] Tên hai loại thuốc điều trị chứng trầm cảm và rối loạn lo âu.
Thời gian không thể chữa lành tất cả, chỉ tích tụ bùn lầy hết ngày này đến ngày khác mà thôi. Mẹ tôi ngồi trên xe lăn, tay ôm hộp thiếc, người nghiêng sang một bên dựa vào quầy tủ, mắt không có tiêu điểm, thi thoảng sẽ gọi tên tôi như vừa tỉnh lại từ giấc mơ.
Tôi lại gần, mẹ hỏi:
- Con trai đâu?
Tôi nói:
- Con đây con đây.
Mẹ hỏi:
- Lúc nào con cưới vợ?
Tôi đáp:
- Cưới rồi cưới rồi.
Mẹ hỏi:
- Mẹ phải đợi con cưới vợ, mẹ phải đợi con trưởng thành...
Bà lẩm bẩm lầm bầm, tay vẫn ôm chặt hộp thiếc, trong đó có bảo hiểm nhân thọ của bà.
2.
Giây phút nước mưa rơi vào mặt, tôi cứ ngỡ người chết đi vẫn có xúc giác. Tôi nằm ngửa trên ghế dài, bầu trời đêm và cành lá trong tầm mắt đan quyện vào nhau, đầu đau như muốn nứt ra. Xoay người ngồi dậy, chân đạp vào mấy lon bia vang lên tiếng leng keng.
Tôi chỉ nhớ mơ màng lúc đó mình uống cả lọ thuốc ngủ, phần lớn ký ức đều vụn vặt đứt đoạn. Lấy điện thoại ra xem thấy còn chưa đến năm giờ, chắc tôi mới ngủ được vài tiếng, từ đầu đến chân chỉ toàn cảm giác nôn nao.
Tôi bước loạng choạng được vài bước rồi nôn khan, đầu choáng mắt hoa phải vịn vào gốc cây lắc lắc đầu một lát mới nhận thức rõ một vấn đề: Tôi chết không thành.
Thế là tôi gắng cúi người nhặt mấy lon bia ném vào thùng rác rồi loạng choạng đi về khu nội trú, lần mò đến giường của mình, vừa đặt đầu xuống đã ngủ. Hôm nay nhất định phải chết được, chết thật dứt khoát. Nhưng mà để tôi ngủ thêm lát nữa đã, đầu óc chếnh choáng hỗn loạn quá không nghĩ ra được cách chết mới.
Giấc ngủ này vô cùng dài, trong mơ có một giọng nói quen thuộc cứ ngân nga mãi một bài hát.
I don't live in a dream
I don't live in a dream
I don't live in a dream
Cô ấy có hàng lông mi dài, nước da trắng mịn, khăn quàng cổ màu xanh dương che lấp cằm, Lâm Nghệ cẩn thận dè dặt gặp miếng măng, ngại ngùng nhìn tôi cười: "Xin lỗi, tôi cũng không có nhiều tiền, thế nên chúng ta ăn chung đi."
Lúc tỉnh lại lần nữa đã đối diện thẳng với vẻ mặt tràn đầy ghét bỏ của y tá.
Trừ cơn đau đầu ra thì tôi chẳng nhớ được gì cả, cứ thế ngơ ngơ nhìn cô y tá đang nổi giận. Cô ấy đưa một chai nước nói:
- Nhập viện ba ngày thì uống cả ba ngày,anh vào bệnh viện để đi quẩy hả?
Y tá cầm chăn lên, lên tiếng đuổi người:
- Đã hết ba ngày, anh có thể đi được rồi.
Tôi nhìn trái ngó phải, thuận miệng hỏi một câu:
- Ông cụ nằm giường bên đâu rồi?
Y tá cười như không cười, nói:
- Sáng nay ra viện rồi, anh còn đi tiễn ông cụ mà, quên rồi à?
Tôi cố gắng nhớ lại nhưng đầu óc chắc có tí ấn tượng nào.
- Thật hả?
Y tá bày vẻ mặt vui sướng khi người khác gặp hoạ:
- Tất nhiên là thật rồi, con cái người ta đã bàn bạc thống nhất đón ông cụ về nhà, ai ngờ anh lại khóc như trời long đất lở đến nơi, quỳ luôn trước xe không cho người ta đi.
Tôi lại ngơ ngác hỏi lại lần nữa:
- Thật hả?
Y tá gật đầu:
- Anh còn uy hiếp họ, bảo ngẩng đầu có thần linh chứng giám, nếu họ đối xử tệ bạc với ông cụ thi sẽ bị trời đánh.
Tôi không muốn nghe thêm nữa:
- Câu này nói cũng đúng lắm...
Y tá nói tiếp:
- Sau đó anh còn đập tay vào cột đèn, cũng may mà không gãy xương, không là anh lại được ở đây thêm ba ngày nữa.
Bảo sao tay phải đau thế, tôi nhìn ngón tay út vừa đỏ vừa sưng, ngồi trên giường bệnh lại chợt ngẩn ngơ.
Y tá biết tôi không nhớ rõ, do dự một lát, nói:
- Ông cụ Đinh nhờ tôi chuyển lời, bảo cảm ơn anh, bảo anh phải sống tiếp cho thật tốt.
Cô ấy thở dài, nói:
- Nếu thấy khó chịu trong lòng thì ra ngoài đi dạo nhiều vào.
3.
Tôi không chết, vậy biết đi về đâu.
Không có nơi nào để đi cả.
Nhà đã bán, giường bệnh đến hạn, Lâm Nghệ còn đang đợi tôi đến Cục Dân chính làm thủ tục ly hôn.
Tôi dầm mưa đi ngang qua bãi cỏ, cả người ướt như chuột lội, đi đến bãi đỗ xe tìm chiếc xe van của mình rồi chui tọt vào. Cởi áo khoác ướt sũng ra, tôi kéo chiếc chăn bên ghế phụ lái đắp lên người. Bình thường mẹ ngồi trên xe sẽ dùng chiếc chăn này, vì khi đi giao hàng để mẹ một mình ở tiệm tôi không yên tâm.
Cửa sổ xe rạn vỡ nứt mất một nửa, từng hạt mưa đan xen bay vào trong xe. Chuông điện thoại vang lên, màn hình hiển thị tên Lâm Nghệ. Tôi ném điện thoại sang một bên rồi xoay chìa khoá xe. Chiếc xe van ọp ẹp khó nhọc thở hổn hển, rung lắc thê thảm một hồi mới khởi động được. Tránh đi tuyến đường có cảnh sát, chiếc xe van như sắp tan nát đến nơi thu hút bao ánh mắt sửng sốt ven đường, tôi vẫn thờ ơ lái tiếp.
Trên đường đi tôi nghĩ, sao mình lại chọn kết thúc cuộc đời ở bệnh viện chứ?
Vốn dĩ tối qua tôi định uống hết lọ thuốc an thần rồi lặng lẽ chết đi ở bệnh viện, những thiên thần áo trắng thánh thiện vốn đã quen với chuyện sống chết, ắt sẽ xử lý ổn thoả cho thi thể của tôi.
Giờ nghĩ lại mới thấy kế hoạch này toàn là lỗ hổng. Trước hết, xác suất tôi được cứu sống quá lớn, kết quả chưa đợi cấp cứu thì tôi đã tự tỉnh lại trước rồi.
Tiếp đó, bệnh viện chẳng nợ gì tôi cả. Đâu thể vì người khác có thể làm vậy mà mình cũng được voi đòi tiên, họ không nợ gì mình, có thể làm vậy cũng không có nghĩa là nên làm.
Nghĩ linh tinh cả đoạn đường, xe đã đến ven hồ.
Tôi ngồi lặng yên trên xe, đầu xe hướng ra mặt hồ trong cơn mưa. Chiếc xe này là do Lâm Nghệ đề nghị mua, hàng cũ. Tiệm cơm sau khi chúng tôi tiếp quản vẫn ế ẩm như thế, tôi và Lâm Nghệ bèn mua chiếc xe này, tháo bỏ ghế sau sửa thành quầy bar và tủ đựng.
Chúng tôi làm cơm hộp, lái sẽ đến trường học hoặc khu dân cư bán, như một tiệm cơm lưu động nho nhỏ.
Mẹ không tự chăm sóc cho mình được nên chúng tôi để bà ngồi ghế phụ, thắt dây an toàn cẩn thận. Lâm Nghệ ngồi phía sau khe khẽ ngân nga một bài hát.
Tôi nhớ mãi có một hôm mẹ ngủ say trên xe, tôi đang lái xe, Lâm Nghệ rướn về phía trước, nói:
- Anh nhìn kìa, đẹp quá.
Phía cuối đường Tiến Hương Hà là chùa Kê Minh, những rặng mây hồng rực rỡ bao phủ cả vùng trời phía núi rừng xanh um tươi tốt.
Lâm Nghệ nói:
- Đợi mẹ khỏi bệnh rồi chúng mình cùng lái xe đi du lịch nhé, đi đến nơi tận cùng của thế giới.
Bệnh của mẹ sẽ không khỏi được. Hôm đó chúng tôi chỉ bán được ba bốn hộp cơm, một người phụ nữ vừa đi đến gần xe bỗng kêu lên:
- Mùi gì thế? Chỗ cậu toàn mùi gì thế này? Toàn mùi nước tiểu khai nồng nặc!
Ngay sau đó mẹ tôi lấy tay tự đánh lồng ngực, khóc như đứa trẻ bị ai bắt nạt. Bà tiểu trên xe rồi.
Trên đường lái xe về nhà, cả khu phố lộn xộn rối tung, các cửa hiệu mở nhạc, xe bus lăn bánh trên đường nhựa, trẻ con chơi đùa, chai thuỷ tinh rơi vỡ, xe điện đụng nhau... Nhưng tôi lại nghe rất rõ tiếng hít thở của mình, nhìn gương chiếu hậu, tôi thấy ánh mắt ảm đạm u tối của Lâm Nghệ.
Tay cầm vô lăng của tôi run lên, cả người lạnh toát, một nỗi sợ hãi tột độ dâng lên trong lòng tôi tựa như có một con cá bén nhọn đang vẫy vùng trong cơ thể.
4.
Cũng đến lúc phải đi rồi. Tôi nhìn gương chiếu hậu, cố gắng nở một nụ cười với bản thân nhưng thử mấy lần mà chỉ thấy vừa khó coi vừa thê lương.
Tôi hít sâu một hơi, cười lại lần nữa.
Không thành công.
Thôi vậy.
Trước mặt là nước mưa không biết từ đâu đến và nước hồ không biết chảy về nơi đâu. Tôi nhắm chặt mắt, đạp chân ga. Cứ vậy đi, cứ lặng lẽ cả người cả xe biến mất trong nước hồ vậy đi.
- Chú ơi, chú định đi đâu thế ạ?
Gió đêm hiu hiu, phía sau bỗng có tiếng trẻ con trong veo vang lên làm tôi giật mình đạp nhầm chân, cứ thế giẫm lên phanh xe, xe van chết máy ngay tại chỗ. Cứ tưởng mình sinh ra ảo giác, tôi sửng sốt quay đầu, một cô bé để tóc mái bằng thò đầu ra từ hàng ghế sau, ngước đôi mắt to tròn ngốc nghếch nhìn tôi.
Một cô bé sống sờ sờ, còn đeo một chiếc balo hồng be bé. Hai chúng tôi bốn mắt nhìn nhau, tôi bị doạ sợ đến mức não dừng hoạt động, đôi mắt cô bé thì tràn đầy nghi hoặc, cuối cùng tôi cũng chuyển nỗi sợ thành nổi đoá:
- Con là ai hả? Sao lại ở trên xe của chú?
Cô bé chun mũi:
- Con tên Tiểu Tụ, chú còn nợ con một thứ đó, chú quên rồi hả?
Tôi tìm kiếm trong ký ức một hồi mới nhớ ra cô bé đòi ăn xúc xích đó.
- Con con con... chú đã nhờ y tá mua xúc xích cho con rồi mà, gì thế hả, mới tí tuổi đầu đã đòi tống tiền rồi à?
Tiểu Tụ cười tít mắt:
- Chú đừng vội nổi giận, con chỉ thấy hai chúng ta có duyên...
- Duyên gì mà duyên.
Tôi không thèm khách sáo dứt khoát ngắt mấy lời làm thân của con bé:
- Con đang trong bệnh viện thì chạy lên xe chú làm gì? Đi đi đi, chú đưa con về.
Đứa bé này cần phải cấp cứu bất cứ lúc nào, tuy bây giờ tôi cũng chẳng sợ liên luỵ gì nhưng trong lòng vẫn thấy hơi hoảng.
Tiểu Tụ vội đứng dậy ngăn tôi lại từ phía sau.
- Chú ơi, về bệnh viện cũng vô ích thôi. Con bị ung thư não giai đoạn cuối không chữa khỏi được đâu. Chú nể tình con sắp chết đến nơi chú giúp con một việc được không ạ?
Ngữ điệu con bé cẩn thận dè dặt, chóp mũi ửng đỏ, đôi mắt đen láy long lanh ánh nước, tràn đầy vẻ khẩn cầu.
Tôi biết lời con bé nói là thật, đối mặt với cô bé có sinh mệnh ngắn ngủi, tôi quả quyết trả lời:
- Không được.
Đều là người sắp chết như nhau cả, sao cứ phải làm phiền nhau.
Tiểu Tụ ngẩn người thỏ thẻ:
- Con mà quay về bệnh viện thì không ra được nữa mất. Chú ơi, khó khăn lắm con mới lén trèo vào được xe chú, năm nay con mới bảy tuổi thôi, còn chưa được thấy thế giới ngoài kia nữa...
Tôi quay đầu thử khởi động xe lần nữa:
- Thế thì tranh thủ trên đường về nhìn ngắm nhiều vào.
Thấy không có được sự đồng ý của tôi, con bé lập tức không khóc nữa, ngồi bịch xuống ghế khoanh hai tay trước ngực, liếc xéo tôi:
- Nhưng nếu chú có chút lòng thương xót thì chí ít cũng hỏi cháu một câu xem cần giúp gì chứ?
Da đầu tôi lập tức tê rần, sao nghe quen tai thế nhỉ? Đây chẳng phải từa tựa lời tôi nói với Lâm Nghệ ở phòng bệnh đấy à? Con nhóc này nghe lén lúc nào vậy?
Xe đã khởi động, tôi quẹo đầu xe không thèm để ý lời con bé.
Tiểu Tụ càng hăng hái hơn, xì xà xì xồ tích cực lên tiếng:
- Con thấy chú chẳng khác gì chị đi giày cao gót đó, chỉ biết nghĩ cho mình thôi, hoàn toàn không hề quan tâm đến người khác.
Con bé này cũng biết nhiều phết chứ, chưa gì đã ràng buộc đạo đức rồi.
Không muốn nghe con bé nói tiếp về Lâm Nghệ, tôi hỏi cho có lệ:
- Thế con nói xem, con muốn chú giúp việc gì?
Con bé tưởng có cơ hội xoay chuyển tình thế, bèn lựa gió bỏ buồm nịnh nọt rút một tấm vé ra:
- Chú, con có một tấm vé xem concert của thần tượng, ngay hôm nay luôn, ở Vũ Hán, chú đưa con đi được không ạ?
Tôi âm thầm lái xe về phía bệnh viện, ậm ờ trả lời:
- Vũ Hán xa lắm, con có thể đi tàu hoả mà.
Tiểu Tụ không phát hiện ra điều gì bất thường, giải thích:
- Con không có chứng minh thư nên không mua vé được.
Tôi nói:
- Thế bố mẹ con đâu, bảo bố mẹ đưa con đi.
Từ gương chiếu hậu, tôi thấy nét mặt con bé thoáng ảm đạm:
- Sau khi con bị bệnh thì bố cũng bỏ đi, ngày nào mẹ cũng phải bán hàng kiếm tiền nên không có thời gian đi với con được.
Tôi quan sát một lát, con bé ma lanh này nhắc đến bố mẹ lại có vẻ buồn thật. Nhưng trẻ con thì vẫn là trẻ con, gia cảnh đã khó khăn đến thế rồi mà vẫn muốn đu idol.
Tôi dập tắt sự đồng cảm trong lòng, thấy phía trước tắc đường nên đổi tuyến đường khác trên app dẫn đường.
- Mẹ con có biết con trốn ra ngoài không?
Tiểu Tụ đảo mắt, còn chưa kịp sắp xếp xong lời nói dối đã nghe tiếng nhắc nhở trên app dẫn đường: "Còn cách bệnh viện Thành Nam 12km nữa, trời mưa đường trơn, hãy lái xe cẩn thận."
Bầu không khí trong xe sượng trân, tôi sợ con bé kích động rồi lại công kích cá nhân nên vừa lái chậm lại vừa suy nghĩ tìm cách đối phó.
Tiểu Tụ thở dài:
- Con cứ nghĩ chú là người tốt nên sẽ giúp con việc này chứ.
Con bé ngừng lại một lát:
- Chị gái đó là vợ chú đúng không? Chị ấy nói đúng lắm, cả đời chú đúng là không làm được gì nên hồn, ngay cả giúp đỡ đứa trẻ con cũng không xong.
Tôi tức đến mức suýt lật xe.
- Trẻ con nói chuyện cho đàng hoàng, đừng có cái gì cũng nghe lén.
Con bé nói:
- Chú nghĩ xem, chú mà giúp con thì chẳng phải chứng minh lời vợ chú là sai rồi còn gì.
Tôi nói:
- Im miệng.
Không khí trong xe im lặng thật lâu, xe vẫn đi tiếp đến ngã tư cạnh cổng chính bệnh viện, đèn đỏ chuyển sáng.
Mưa tí tách đáp xuống cửa sổ xe, tôi không cất lời, cô bé tựa đầu vào cửa sổ nhìn mưa rơi và dòng người bên ngoài, nói:
- Chú ơi, nếu chú sắp chết thì có nơi nào chú nhất đinh phải đến không?
Tôi nghĩ đến một nơi: Thế giới này có nơi tận cùng. Ấy là ở cuối đại dương phía nam, nơi những tảng băng trôi nổi dập dềnh, mây và nước đều đóng băng cả.
Tôi nói:
- Chú không đi được, cũng không cần đi nữa.
Cô bé con bảy tuổi thở dài thườn thượt, khuôn mặt nhỏ bé áp vào cửa kính lạnh băng, ánh mắt lộ vẻ tuyệt vọng.
Con bé nói:
- Chú ơi, con không nên bám lấy chú. Con vẫn luôn nghĩ sau này lớn lên sẽ bảo vệ mẹ, sẽ học thật giỏi để kiếm tiền mở siêu thị cho mẹ, như vậy thì mẹ không phải vất vả nữa. Con nghe lén bác sĩ nói chuyện, bác sĩ bảo con chống chịu được đến bây giờ đã là bất ngờ lắm rồi. Chú ơi, con không còn cơ hội lớn lên nữa rồi.
Nước mắt tôi bỗng trào ra. Tôi cũng từng có ước nguyện như con bé. Tôi lớn lên rồi nhưng vẫn chẳng thể thực hiện nổi.
Con bé nói khẽ:
- Con xin lỗi chú, con chỉ nghĩ dù sao cũng không còn cơ hội được lớn lên nữa thì được xem một buổi concert thôi cũng được. Nhưng đâu thể nào chứ, vốn dĩ đâu có cơ hội đó.
Dường như con bé thong thả ngồi thẳng dậy, nói:
- Thế chú để con xuống ở đây luôn đi.
Đèn đỏ tắt, chuyển sang đèn xanh.
Con bé mở cửa xe:
- Tạm biệt chú.
5.
- Nói với mẹ con và bác sĩ rằng con sẽ ngoan ngoãn uống thuốc, có vấn đề gì sẽ lập tức về bệnh viện.
- Vâng ạ.
- Mẹ con mà báo cảnh sát thì chú lập tức đưa con về.
- Vâng ạ.
Xe van ọp ẹp lái vào mùa thu, mưa giăng trắng trời kín lối.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top