CHƯƠNG 2: VẾT TÍCH CỦA BI THƯƠNG
1.
Mẹ nói hồi bé tôi rất thích cười, vừa trêu đã cười. Sữa lem trên mặt sẽ cười, đũa rơi xuống đất sẽ cười, được người lớn bế lên hái hoa quế cũng sẽ cười. Bố dừng xe đạp bên lề đường, để một đứa trẻ hai tuổi là tôi đây ngồi trên ghế trẻ con gắn ở yên sau rồi vào siêu thị mua đồ, tôi sẽ cười nhìn dòng người qua lại như nêm, cười mãi không ngừng.
Mấy điều này tôi đâu thể nhớ được gì, đều là mẹ nói với tôi cả. Lúc bố mẹ ly hôn, tôi ba tuổi. Lên cấp 1 tôi từng tra từ điển rồi hỏi cô giáo "ly hôn" nghĩa là gì, cô né tránh chẳng đáp.
Trong giờ ngủ trưa năm lớp năm, tôi không ngủ được, mắt đang lim dim thì thấy thằng Béo ở hàng trên đang lén chạy lên bục giảng giấu miếng bông lâu bảng. Cô dạy toán không tìm thấy, nghiêm nghị hỏi ai đã làm mất.
Tôi ngốc nghếch cười hi hi, cô véo tai tôi, hỏi:
– Có phải em không? Em cười cái gì, em cười thì em chính là người giấu.
Tôi cứng rắn đứng đó, vì tai bị véo lên cao nên đầu cũng nghiêng sang một bên. Nhưng các bạn đều đang nhìn, tôi nhịn đau làm như không sao, nói:
– Không phải em, em biết là ai làm.
Cô vẫn không buông tay:
– Ai?
Tai tôi đau như đứt ra, cảm giác cô càng véo mạnh hơn, tôi chẳng thể cười tiếp được nữa, mếu máo nói:
– Em không thể mách lẻo được.
Cô nổi giận nói:
– Cậu đứng đó cho tôi, đứng mà nghe giảng. Cả lớp nhìn đi nhé, loại người này không ai được lại gần. Chơi với loại người thế này chỉ có một cách thôi: đi đại tiện cũng phải cách xa nó cả mét.
Cả lớp cười phá lên, tôi nhìn thấy thằng Béo cũng cười vô cùng khoái chí.
Trên đường về, tôi vừa ra khỏi cổng trường thì bị ai đó đẩy ngã vào bồn hoa, cành lá làm xước cả mặt. Thằng Béo nhảy ra từ chỗ tôi đứng ban nãy rồi chạy lại chỗ đám bạn, chúng nó cùng chỉ tôi hét to:
– Đại tiện cũng phải cách xa nó cả mét!
Không thể biểu hiện mình quá thảm hại, nhưng nước bọt tôi nhổ ra có cả vài tia máu, trong tiếng cười vang của chúng nó, thậm chí tôi còn ngửi thấy một mùi thôi thối, vì tay áo tôi dính cả một bãi phân chó.
Tôi muốn cười với chúng nó nhưng chẳng thể cười nổi. Một đứa trẻ cố gắng che đậy đi sự nhếch nhác thảm hại lại chẳng thể che đậy nổi. Tôi khóc cả đường về nhà, vừa đi vừa nâng cánh tay phải, ống tay áo vẫn còn dính phân chó.
Tiếng khóc hôm đó vẫn mãi đọng lại trong giấc mơ của tôi lên tận đại học.
Mọi người luôn tưởng tôi thích cười, thật ra tôi chỉ muốn che giấu những bối rối khó khăn của mình. Tôi hiểu rõ một chuyện: trước nay tôi chưa bao giờ dám đối diện với những ánh mắt tối tăm ấy.
Tôi cố gắng cười vì muốn thể hiện mình chẳng để tâm, không phải vì dũng cảm và bạo dạn mà bởi sợ sệt và tự ti.
Bởi vì tôi để tâm.
Lâm Nghệ không hiểu được điều đó. Đương nhiên, những điều tôi không hiểu về cô ấy còn nhiều hơn.
2.
Sau khi tốt nghiệp, tôi và Lâm Nghệ nhanh chóng kết hôn.
Hồi đại học chúng tôi yêu nhau ba năm, cả quá trình cứ tan rồi lại hợp. Chúng tôi đều học Đại học phổ thông [1], cô ấy thi chuyển từ trường trung cấp ở nơi khác đến, quen nhau ở nhà ăn.
Chú thích: [*] Đại học phổ thông: Đại học tuyến 2 ở Trung Quốc. Bậc đại học ở Trung Quốc phân làm ba đợt tuyển sinh: Đợt 1 dành cho các trường đại học trọng điểm (tuyến 1) (điểm cao, học phí thấp), đợt hai dành cho các trường đại học phổ thông (tuyến 2) (chủ yếu là trường công) và đợt ba là dành cho các trường đại học tư (tuyến 3) (điểm thấp, học phí cao)
Lúc đó tôi đang quẹt thẻ cơm thì số dư không đủ, người xếp hàng ngay sau tôi chính là Lâm Nghệ. Tôi quay đầu nhìn cô ấy, thật ra chỉ tại tôi hơi hoảng loạn, định tìm xem có người quen không nhưng cô ấy đứng quá gần nên thành ra bốn mắt nhìn nhau.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, cô ấy có hàng lông mi dài, vầng trán trắng mịn, khăn quàng cổ màu xanh dương che lấp cằm, cổ áo phao trắng dính chút vết mực.
Cô ấy rất trắng, trắng như phát sáng. Hai chiếc lúm đồng tiền như hai bông tuyết, nếu đưa tay khẽ búng, hoàng hôn sẽ sáng đến tận bình minh.
Cô ấy chợt ngây người rồi lùi lại một bước, lập tức gây nên sự oán trách của người đang xếp hàng phía sau. Tôi đói cồn cào, đúng lúc đang định mặt dày xin cô ở nhà ăn cho nợ thì Lâm Nghệ nói khẽ:
– Để tôi trả cho.
Lâm Nghệ bảo đầu bếp múc thêm một môi thịt xào khoai tây, một bát măng xào.
Tôi nói:
– Không cần nhiều vậy đâu.
Lâm Nghệ mỉm cười:
– Đây là phần của tôi.
Chúng tôi ngồi đối diện nhau, Lâm Nghệ đỏ mặt nói:
– Xin lỗi anh, tôi cũng không còn nhiều tiền. Thế nên ăn chung đi.
Không có bữa cơm nào bức bối hơn thế này nữa, hai người ăn chung một khay cơm, ăn miếng nào cũng phải cẩn thận dè dặt, chỉ sợ ăn vào phần của nhau. Không hiểu sao tôi luôn nhớ rõ những chi tiết trên người cô ấy: vết mực trên cổ áo, hạt cơm dính trên khoé miệng, vết nhẫn hằn trên ngón tay út, khi cô ấy cúi đầu lông mi sẽ khe khẽ rung, ánh nắng chiếu lên người cô tựa như những ngọn lau rực rỡ.
Từ hôm đó trở đi, tôi và cô ấy cùng nhau tự học buổi tối.
Mùa đông, Nam Kinh đón một trận tuyết lớn. Trong giảng đường đèn đuốc sáng choang, tuyết theo gió bay sượt qua mặt ngoài cửa sổ kính. Cô ấy ngồi cạnh tôi, dừng bút viết, nhìn điện thoại rồi bảo tôi:
– Anh đi mua cho em một hộp sữa được không?
Tôi đến siêu thị mua sữa, định hâm nóng lại ai ngờ lò vi sóng lại bị hỏng.
Đứng trên hành lang, tôi nhìn ra chiếc cây lạ ngoài lan can. Đèn đường chiếu sáng một nửa cây, cành lá nhuốm màu ánh đèn vàng, những bông hoa tuyết trắng ngần, màn đêm chìm vào sâu lắng, tất cả tựa như một lễ tang diễn ra trong hư không.
Tôi ủ ấm hộp sữa trong áo, ủ được mười lăm phút sữa cũng hơi ấm lên. Lúc trở lại lớp tự học thì chỗ ngồi ban nãy đã chẳng còn ai. Wechat không rep, điện thoại cũng không gọi được, tôi cứ ủ hộp sữa như thế mãi đến khi tiếng chuông vang lên, mọi người đã thu dọn đồ đạc lần lượt ra khỏi lớp mà vẫn chẳng thấy bóng dáng cô ấy đâu.
Ánh đèn trong lớp vẫn sáng như thế, tôi gọi điện thoại đến ký túc của cô ấy, Thố Tử – bạn cùng phòng cô ấy nghe điện thoại.
Thố Tử nói:
– Anh đừng tìm nó nữa, không tìm được đâu.
Tôi nói:
– Sao có thể không tìm được chứ? Tôi sẽ tiếp tục tìm.
Thố Tử nói:
– Nó vừa dọn đồ chuyển ra ngoài ở rồi.
Tôi nói:
– Thế tôi cũng sẽ đi tìm cô ấy.
Thố Tử:
– Không phải cô ấy ở một mình.
Tôi:
-Là sao?
Thố Tử:
– Thôi, nói cho anh biết luôn vậy. Hồi học ở trường cũ nó cũng có người yêu, giờ người yêu nó cũng thi chuyển từ trung cấp lên đại học, thi vào trường chúng ta.
Tôi:
– Là sao?
Thố Tử im lặng một lúc rồi nói:
– Hôm qua nó đứng ngoài ban công một lúc lâu lắm. Tôi mang áo khoác ra cho nó mới biết nó đang khóc. Thế nên anh đừng ép nó nữa, anh không phải tương lai của nó.
Tôi không phải tương lai của cô ấy, khay cơm hai người ăn chung khi ấy, bữa trưa mà cả hai đều cẩn thận dè dặt khi ấy chẳng qua chỉ là một món quà ngẫu nhiên của mùa đông mà thôi.
Đứng trong sân trường tuyết bay đầy trời, tôi uống hết hộp sữa ấy như thể uống cạn hơi ấm trong cơ thể mình.
Nửa năm sau, sinh nhật tôi. Vì từ nhỏ tôi đã không có thói quen đón sinh nhất nên cũng chẳng mời bạn bè gì cả, đến đêm mới tìm một tiệm mì vào ngồ ăn.
Chủ quán mang ra cho tôi một bát mì nóng hôi hổi, tôi vừa cầm đũa lên thì bên cạnh có giọng của một cô gái:
– Chú ơi, cho cháu thêm một quả trứng.
Tôi tưởng như mình nghe nhầm, từ từ quay đầu sang. Lâm Nghệ nói:
– Xin lỗi, em cũng hết tiền rồi nên chỉ có thể thêm cho anh quả trứng thôi.
Tôi hoang mang gật đầu, nước mắt không kìm được rơi xuống. Lâm Nghệ nói:
– Cảm ơn anh đã không tìm em, nên em tìm đến anh rồi đây.
Đầu óc tôi chợt trống rỗng, trống rỗng y như cuộc sống của tôi nửa năm nay vậy. Hai tay tôi run run, định hỏi cô ấy "Em về rồi à?", "Em có đi nữa không?"
Nhưng những câu hỏi ấy lại chẳng thể thốt nên lời.
Thật ra khoảng thời gian cô ấy biến mất, mỗi ngày từ sáng đến tối tôi đều nghĩ: Lúc ở bên người đó cô ấy có gắp thức ăn cho cho anh ta không? Hai người họ có khi nào nói mãi không hết chuyện không? Những lời từng nói với tôi, cô ấy cũng sẽ nói với anh ta ư?
Lâm Nghệ ngồi cạnh tôi, khẽ nói:
– Tống Nhất Lý, sinh nhật vui vẻ nhé.
Trước khi tốt nghiệp, ký túc xá bỗng trở nên trống trải, người đi hết chỉ còn lại toà nhà trơ trọi, căn phòng vốn ngổn ngang đủ thứ đồ đạc giờ đây chỉ còn lại ánh nắng tĩnh lặng. Tôi tìm việc mấy lần, mẹ nói chẳng bằng về nhà mở quán ăn, ít ra cũng có thu nhập.
Những điều ấy không phải cuộc sống mà tôi muốn, thậm chí đó còn là thứ tôi thử rũ bỏ trong lòng. Chưa đi được bốn biển, chưa trải hết bốn mùa, đâu ai muốn chôn chân mình nơi vừa sinh ra đã phải vật lộn giằng xé chứ.
Trong một khách sạn rẻ tiền, Lâm Nghệ ôm chân ngồi trước cửa sổ, rèm cửa cũ kĩ lay động theo gió, màn đêm vùng ngoại ô vô cùng yên tĩnh, vài ngọn đèn xa xa như thế đông cứng lại giữa đêm đen vô tận.
Bóng lưng cô ấy vừa bé nhỏ vừa yếu đuổi, tôi chẳng thấy rõ mặt khuôn mặt cô phản chiếu trên tấm cửa kính. Cô ấy nói:
– Khó quá nhỉ, thử thêm nữa đi.
Tôi nói:
– Chắc chắn sẽ ổn thôi, mọi người đều như nhau cả.
Cô ấy nói:
– Nếu em không thể sống tiếp ở Nam Kinh nữa, anh có nuôi em không?
Tôi nói:
– Có.
Cô ấy nói:
– Từ nhỏ em đã thể rằng lớn lên sẽ không sống nghèo khổ nữa. Anh có biết điều kiện nhà em kém đến thế nào không? Anh có biết ngoài học đại học thì em chẳng còn cách nào có thể thoát nổi không? Anh có biết đối với em, thi chuyển từ trung cấp lên đại học khó đến thế nào không?
Tôi chợt nhớ đến ngày nào Lâm Nghệ cũng đến phòng tự học, nhớ đến cuốn vở ghi chép kín giấy của cô ấy, nhớ cả lần duy nhất chúng tôi đi dạo phố, nhớ đến chiếc váy hoa nhí duy nhất mà cô ấy mua.
Cô ấy nói:
– Em khổ sở vất vả lắm mới đi được đến hôm nay, cuối cùng lại về nhà anh mở quán ăn, anh làm đầu bếp, em làm chạy bàn à?
Tôi nói:
– Không đâu.
Cô ấy quay đầu lại, khuôn mặt ướt đẫm nước mắt.
Cô ấy nói:
– Tống Nhất Lý, chúng ta kết hôn đi.
Kết hôn được một năm, ngày Lâm Nghệ rời đi, chiếc vali được kéo đến trước cửa quán cơm, xe taxi dừng bên vệ đường, cô ấy chẳng cần tôi giúp mà tự xách vali bỏ vào cốp sau xe.
Ngõ Yến Tử lúc nữa đêm yên lặng tĩnh mịch, đèn trên biển tên của quán vẫn chưa tắt. Lâm Nghệ dựa vào cửa xe, nhìn tôi cười nói:
– Anh đi chuẩn bị đồ ăn đi, đừng làm lở dỡ công việc ngày mai.
Phía trên kệ gỗ cạnh quầy tính tiền có treo một sợi dây, mười mấy chiếc kẹp kẹp những tấm ảnh của chúng tôi, nhìn từ góc độ của tôi, giây phút Lâm Nghệ mở cửa xe bống biến thành tấm ảnh cuối cùng, đặt cạnh ảnh kết hôn của cả hai.
3.
Sau khi Lâm Nghệ rời khỏi ngõ Yến Tử, cuộc sống của tôi càng ngày càng vô vọng và bất định. Chuyện bắt buộc phải hoàn thành mỗi ngày chỉ còn lại việc ăn mặc ngủ nghỉ của mẹ thôi. Cách tôi có thể nghỉ đến chính là liên lạc môi giới bán đi tiệm cơm, ít ra còn có thể lấy tiền đó lo liệu cho mẹ.
Còn tin nhắn mỗi tháng Lâm Nghệ gửi cho tôi cũng chẳng có gì khác ngoài một câu hệt nhau: giục tôi làm thủ tục ly hôn.
Tôi không xoá mấy tin nhắn đó nhưng cũng không trả lời. Đây là sợi dây gắn kết cuối cùng của tôi với thế giới này, đồng ý với cô ấy cũng đồng nghĩa với việc một người đã treo cổ đá phăng chiếc ghế dưới chân, chẳng thể nào hối hận, cứ vậy đi vào giấc ngủ vĩnh hằng.
Tôi tạo ra vụ tai nạn này chỉ để cô ấy đến gặp mình một lần, dù chỉ một lần mà thôi.
Lâm Nghệ đi khỏi phòng bệnh, cơ thể tôi cùng khô dần héo mòn theo.
Không bao lâu sau cô ấy gửi tin nhắn đến: "Ba ngày sau tôi lại đến, chúng ta đến cục dân chính ly hôn thôi. Đây là lần cuối cùng tôi nhờ vả anh, nếu anh vẫn cứ không đồng ý cũng không sao, đành tố tụng giải quyết vậy."
Tôi nằm trên giường bệnh rất lâu, không nghĩ nổi phải trả lời ra sao.
Lâm Nghệ lại gửi tin nhắn tiếp: "Nhà tôi sửa xong rồi, tôi có cuộc sống của riêng tôi."
4.
Tôi ở lại bệnh viện ba ngày. Ban ngày tôi nằm cuộn tròn trong chăn kiểm tra điện thoại thật kỹ, xem xem còn chuyện nào trong ghi chú vẫn chưa hoàn thành, còn thứ gì trong lịch sử tin nhắn và thư viện ảnh cần xoá. Ban đêm tôi mua vài lon bia lên sân thượng, uống một mình đến lúc ngủ thiếp đi. Gió đêm hiu hiu, ánh đèn phủ khắp đầu đường cuối ngõ Thành Nam, người người nép mình sâu vào nơi thuộc về riêng họ.
Nếu tôi chết đi chắc sẽ không có lễ truy điệu. Hồi ở thị trấn xa xôi kia, tôi đã từng tham gia tang lễ của bố. Theo tập tục ở nông thôn, tang lễ diễn ra ba ngày, từ lúc trông linh cữu đến khi tụng kinh trời vẫn mưa xối xả. Nhiều họ hàng và hàng xóm tôi chưa từng gặp mặt đứng chật kín trong chiếc lều bạt dựng tạm. Lúc đó tôi bảy tuổi, vẫn chưa hiểu được những biểu cảm trên mặt họ. Mẹ ở nhà trọ của trạm xe trong trấn chứ không tham gia tang lễ, sáng mẹ đưa tôi đến mái hiên bạt che mưa trước cửa, tối lại đến đón tôi về nhà trò.
Sau này lớn lên tôi hỏi mẹ:
– Mẹ có hận ông ấy không?
Mẹ nói:
– Hận.
Tôi cũng hận, nhưng ký ức của tôi về bố quá đỗi mơ hồ, thậm chí tâm trí tôi cũng chẳng thể nào phác hoạ ra khuôn mặt ông ấy. Sự ghét hận với người xa lạ ấy cứ ghim vào nội tâm tôi. Cho đến khi mẹ phải cấp cứu nhồi máu não, sau khi ra viện chỉ có thể nói ú ớ không rõ thành lời, tôi mới cảm nhận rõ được sự căm hận cuộn trào mãnh liệt trong cơ thể, lồng ngực lúc nào cũng run rẩy tựa bờ đê ngập lũ không có nơi nào để xả hết nước.
Trong túi tôi có một lọ thuốc an thần. Ba ngày sau Lâm Nghệ đến nghe được tin tôi chết, chắc cô ấy sẽ buồn đấy nhỉ. Tốt nhất là thêm chút áy náy nữa, để cô ấy giữ chút áy náy ấy sống hết cuộc đời còn lại, cũng xem như đây là chuyện cười cuối cùng của tôi đi.
Chết trong bệnh viện sẽ có sẵn nhà xác, không phải lo chuyện hậu sự, đỡ gây phiền phức cho người không liên quan.
Mẹ tôi trong viện dưỡng lão thi thoảng khi tỉnh táo một chút sẽ nhớ đến tôi. Trong túi áo bà có một tấm ảnh cưới của tôi và Lâm Nghệ, mặt sau viết một hàng chữ bảo với bà rằng con trai bà phải đi kết hôn rồi.
Tôi còn mua xúc xích nhờ y tá đưa hộ cho cô bé ham ăn nọ, có lẽ đây chính là chuyện cuối cùng tôi nợ thế giới này rồi.
Đêm ngày thứ ba, tôi vào cửa hàng tiện lợi phía đối diện đường cái, mua bánh mì và bia về bệnh viện. Mưa phùn ở Nam Kinh mãi không tạnh, khu nội trú bệnh viện đèn điện sáng trưng, tôi chọn một băng ghế dài ở góc bãi cỏ, chẳng thèm phủi sạch mà cứ thế ngồi xuống thẫn thờ.
Ánh đèn đường chiếu sáng từng giọt mưa be bé, bóng của tôi hoà vào làm một với bóng cây đại thụ. Bốn bề lặng ngắt tĩnh mịch tựa vũ trụ thuở hồng hoang, mọi vật sinh sôi hay biến mất cũng chẳng ai hay biết.
Bánh mì, bia và thuốc an thần lại được bày ra như trước, đây là sắp xếp của tôi đêm nay. Chẳng nhớ uống đến lon bia thứ bao nhiêu, những hạt mưa phát sáng cứ xoay vòng trước tầm mắt tôi như vô số ánh khuyên tai lấp lánh đang nhảy múa không ngừng giữa đất trời bao la.
Có lẽ chuyện vui của kiếp sau sẽ nhiều hơn chút nhỉ?
Tôi thử cố mỉm cười, nước mắt lại cứ tí tách rơi.
5.
Lần đầu tiên xuất hiện ý nghĩ không còn muốn sống nữa, tôi đã nghĩ đến mẹ. Nghĩ đến bà cũng từng sống một cuộc sống bình thường thuở còn trẻ khoẻ, tất thảy những nhọc nhằn vất vả sớm hôm của bà đều làm vì tôi.
Tiệm cơm bà làm lụng cả đời, tôi bán đi. Ngay cả ngôi nhà nhỏ tổ tiên để lại cho bà tôi cũng bán nốt, sáu trăm nghìn tệ đều nộp hết vào viện dưỡng lão. Sau khi bố mất, chi phí sinh hoạt của hai mẹ con tôi đều phụ thuộc hết vào việc kinh doanh tiệm cơm nhỏ đó. Tôi chẳng thể phân biệt nỗi tình cảm của mình với tiệm cơm, mẹ nuôi lớn tôi bằng nơi đó, nhưng tôi lại chán ghét việc mình chỉ có thể chôn chân nơi đó.
Băng ghế lạnh lẽo, chiếc quần ướt sũng nước dần trở nên nặng nề, nhận ra giây phút dã từ sắp đến, lòng tôi bỗng nhớ đến một người.
Hồi đại học tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ về tiếp quản tiệm cơm. Tôi có cậu bạn cùng phòng ký túc tên là Ngô Thê – Vì mặt quá vuông nên mọi người toàn gọi là Bảy Rô (*) Cậu ấy là người vẫn luôn tin tôi sẽ có tương lai tươi sáng.
Chú thích: (*) Bảy Rô gần nghĩa với mặt vuông
Bảy Rô đạp xe ba bánh ra chợ buôn lấy hàng về bày một sạp hàng vật dụng nho nhỏ trước cửa nhà ăn, ngày nào cũng rao bán bốn tiếng đồng hồ không quản nắng mưa. Cậu ấy chia số tiền kiếm được làm hai phần, một phần gửi về quê, một phần để trong ngăn kéo, bảo tôi tiền trong đấy cứ lấy dùng thoải mái.
Tôi chưa từng lấy dùng, cho đến tận lần đầu tiên hẹn hò với Lâm Nghệ, tôi mới cắn răng mượn tiền Bảy Rô. Cậu ấy mở ngăn kéo lấy hết tiền ra nhét vào túi áo tôi, nói:
– Đừng vào KFC, đến một nhà hàng đồ Âu ấy. Tôi cũng không biết hết bao nhiêu nữa, cậu cứ cầm cả đi.
Bảy Rô nói:
– Không phải lo trả cho tôi đâu, sau này cậu kết hôn thì xem như đây là tiền mừng của tôi đi.
Bảy Rô nghỉ học vào năm ba. Ở chợ buôn có trận đánh hội đồng, vì che chắn hàng của mình mà cậu ấy chịu đánh mười mấy gậy, chấn động não nặng, cũng chẳng điều tra ra được là kẻ nào gây nên.
Sau khi tốt nghiệp tôi dành dụm tiền ngồi xe đường dài đến Thái Châu – quê của Bảy Rô. Hai năm không gặp, có nằm mơ tôi cũng không ngờ được giờ đây Bảy Rô đã hoàn toàn không còn khả năng tự chăm sóc mình nữa, cậu nằm trên giường, ăn uống vệ sinh đều phải phụ thuộc vào người bố lớn tuổi lo liệu. Lúc đó tôi ngồi cạnh giường, Bảy Rô nhìn trân trân, ánh mắt điều chỉnh phương hướng, miệng há ra làm nước miếng chảy liên tục, cổ họng bật ra tiếng ú ớ ngắt quãng.
Bố cậu vội kê thêm gối cho cậu rồi nói với tôi:
– Nó thấy cháu rồi, nó nhận ra cháu, nó nhận ra cháu đấy.
Bảy Rô dựa vào gối, cả người mềm oặt, cánh tay đặt sát bên người, chỉ có ngón tay là run rẩy như gõ bàn phím. Não không phản ứng được kịp nên chỉ đành đưa mắt nhìn nghiêng sang tôi, từng giọt từng giọt nước mắt cậu cứ thế tuôn xuống.
Bố cậu nói:
– Nó muốn nói chuyện với cháu nhưng không nói được, sốt ruột.
Tôi nắm lấy tay Bảy Rô, nói:
-Thế cậu nghe tôi nói. Tôi nói, cậu nghe.
Nói liên miên suốt hơn nửa tiếng đồng hồ, bố Bảy Rô bắt đầu ngủ gà ngủ gật.
Tôi kéo chăn lên cho cậu, đứng dậy nói:
– Tôi đi đây.
Im lặng một lúc, nói:
– Tôi sống không ổn, giờ đang làm tiệm cơm của nhà, cả đời này cũng cứ vậy mà thôi.
Bảy Rô đang bình tĩnh nãy giờ bỗng nhiên cổ nổi gân xanh, miệng há lớn, cố nghiêng đầu từng chút về phía trước, lấy hết sức toàn thân hét to một tiếng khàn đặc.
Tôi giật mình lảo đảo chạy ra ngoài cửa rồi ngồi xuống ngay ngoài sân bật khóc.
Tôi biết, Bảy Rô không chấp nhận được cuộc sống của cậu, cũng không thể chấp nhận được cuộc sống của tôi.
Hai chúng tôi từng người nằm giường trên người nằm giường dưới, những hôm đêm khuya tán gẫu, Bảy Rô đều nói: "Sau này chắc chắn cậu sẽ làm nên việc lớn". Tôi hói: "Việc lớn gì?" Bảy Rô nói: "Cậu xem, tôi bày sạp hàng gắng sức đến vậy cũng xem như nhân tài, sau này cậu làm nên việc lớn rồi nhớ phải dẫn dắt tôi đấy."
Tôi nói: "Tôi chẳng thấy mình có chỗ nào giỏi giang cả"
Bảy Rô đạp chân lên sạp giường, nói: "Tống Nhất Lý, cậu cứ tin tôi, chỉ cần còn sống thì chuyện gì cậu cũng có thể làm được."
Trên xe quay về, tôi mỏi mệt buồn ngủ, bên tai vẫn văng vẵng tiếng hét đau đớn của Bảy Rô, như thể chỉ có kẻ câm bị người ta lấy chày cán bột đè vào lồng ngực như đang cán vỏ sủi cảo mới có thể bật ra tiếng hét thê thảm đến vậy.
Trong cơn hốt hoảng mơ hồ, tiếng khóc của Bảy Rô, tiếng khóc của mẹ hoà lẫn với cả tiếng khóc của tôi cứ liên tiếp vang lên từng đợt từng đợt giữa màn mưa bụi. Tôi với lấy lọ thuốc an thần trên ghế, đổ hết cả lọ vào miệng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top