TIỂU THUYẾT
2.4. Tiểu thuyết
Quá trình hình thành và phát triển
Tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi tự sự cỡ lớn, có khả năng tiếp cận con người và cuộc sống chi tiết, sinh động trên cả chiều rộng và bề sâu. Không bị giới hạn về dung lượng, tiểu thuyết có thể dung chứa trong tác phẩm nhiều cuộc đời trong những điều kiện văn hoá, lịch sử, xã hội không giới hạn. Tiểu thuyết lên ngôi trong thời kỳ văn học cận, hiện đại, trở thành một thể loại giầu tiềm năng và uy lực. Không thể hình dung được diện mạo một nền văn học, nếu nền văn học đó thiếu vắng tiểu thuyết. Bakhtin từng gọi tiểu thuyết là "thể loại chúa tể" trong các nền văn học. Nhiều tác phẩm tiểu thuyết nhân loại đã trở thành những cuốn "bách khoa toàn thư" bất tử. Những bậc thày văn chương nhân loại lỗi lạc đa phần là các tiểu thuyết gia, chẳng hạn Gôgôn, Lép Tônxtôi, Đoxtôiépxki, Víchto Huygô, Ban Giắc, Đích Ken, Xtăngđan...
Một thể loại có vị trí đặc biệt quan trọng như vậy nhưng lại có một lịch sử sinh thành và phát triển đầy thăng trầm. Ở châu Âu, tiểu thuyết xuất hiện khi xã hội cổ đại tan rã, ý thức cá nhân bắt đầu được khẳng định. Thực ra tư duy tiểu thuyết vốn gắn với những bất trắc của thế giới đời tư con người đã xuất hiện từ khá sớm ở châu Âu.
Tiểu thuyết cổ Hy Lạp thường kể về những chuyện ly kỳ, ngẫu nhiên, dồn đẩy con người vào những hoàn cảnh éo le qua những cuộc phiêu lưu mạo hiểm.
Các truyện về tình yêu trắc trở phải qua bao lang bạt mới xum họp, chuyện về các hiệp sĩ trung cổ phiêu lưu qua các vương quốc, lâu đài... cho thấy con người cá nhân đã bắt đầu cảm thấy số phận của mình đã không còn được bảo lãnh an toàn trong cuộc sống cộng đồng xã hội cổ đại. Nhiều thách thức mới đã buộc ý thức cá nhân con người buộc phải trỗi dậy và tự khẳng định. Bêlinxky từng khẳng định "đời sống cá nhân bất luận thế nào cũng không thể là nội dung của anh hùng ca Hy Lạp nhưng có thể là nội dung của tiểu thuyết".
Tiểu thuyết châu Âu được khẳng định vào thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ XIV - XVI) khi ý thức cá nhân con người đã hoàn toàn thoát khỏi sự cương toả của thần quyền nhà thờ. Ý thức cá nhân cùng với lý tưởng nhân văn mới dựa trên cơ sở phê phán hoàn cảnh đã làm cho tiểu thuyết có được cơ hội phát triển mới về chất lượng.
Păngtagruyen của Rable, Đônkihôtê của Xecvantét... là những tác phẩm có sức phản kháng quyết liệt không chỉ đối với chế độ phong kiến mà với cả những hạn chế của các quan hệ tư sản, khẳng định nhu cầu sống thiết yếu của con người cả về vật chất lẫn tinh thần. Các tiểu thuyết sau đó của Bôcaxiô, Prêvô, Vichto Huygô... khiến tiểu thuyết của châu Âu giầu có thêm về chất tiểu thuyết nhờ khả năng miêu tả chiều sâu tâm lý con người.
Thế kỷ XIX tiểu thuyết châu Âu đạt được thành tựu nở rộ trọn vẹn với sự xuất hiện của các nghệ sĩ bậc thầy như Bangiắc, Xtăngđan, Đíchken, Tháccơrây, Gôgôn, Đoxtôiépxki, Lép Tônxtôi... Thế giới tinh thần phong phú của con người trong các mối quan hệ xã hội rộng lớn, những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình... đã được tiểu thuyết hiện thực châu Âu khắc hoạ thành công. Quy mô tiểu thuyết thế kỷ XIX đạt đến tầm vóc đồ sộ chưa từng có như bộ Tấn trò đời của Ban giắc; Dòng họ Rugông Macca của Dôla, Chiến tranh và hoà bình của L.Tônxtôi... Đây là giai đoạn phát triển hoàng kim của tiểu thuyết châu Âu để đến khoảng những năm 50-70 của thế kỷ XX tiểu thuyết Tây Âu rơi vào khủng hoảng qua số phận "sớm nở tối tàn" của dòng tiểu thuyết mới khởi sinh từ Pháp. Thế kỷ XX tiểu thuyết hiện đại Âu Mỹ tuy không có những tác phẩm mang quy mô đồ sộ như thế kỷ XIX song cũng đã xuất hiện những tiểu thuyết có ý thức đi sâu vào thế giới bí ẩn của đời tư con người như Giăng Crixtốp củ Rômanh Rôlăng, Ngọn núi kỳ diệu của Tômax Mann, Đi tìm thời gian đã mất của Mácxen Prút; Chuông nguyện hồn ai của Hêmingwê... Nhiều tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô đã đem đến cho tiểu thuyết những sắc màu mới trong việc tiếp cận cuộc sống con người như Người mẹ của Goóc Ky, Suối thép của Sêraphimôvich, Sông Đông êm đềm của Sêkhov...
Ở Trung Quốc, tiểu thuyết sơ khai ban đầu xuất hiện khá sớm (khoảng từ thế kỷ III - IV) dưới dạng chí nhân, chí quái ghi chép các sự kiện quái dị hoặc số phận và sinh hoạt của các danh sĩ nằm ngoài phạm vi quan sát của thông sử. Đến đời Đường xuất hiện các tiểu thuyết truyền kỳ như Truyện Hoắc Tiểu Ngọc, Truyện Lí Oa, Truyện Oanh Oanh... Đến đời Tống xuất hiện tiểu thuyết thoại bản tiếp tục lý giải vấn đề số phận và phẩm chất cá nhân con người trong xã hội. Đời Minh, tiểu thuyết Trung Quốc đạt được đỉnh cao với sự xuất hiện của các tiểu thuyết chương hồi nổi tiếng như Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Thuỷ Hử của Thi Nại Am; Tây du ký của Ngô Thừa Ân... tiểu thuyết chương hồi thường đậm chất sử thi anh hùng. Sang đời Thanh, do sự suy thái trầm trọng của đạo đức xã hội, các tiểu thuyết đi sâu lý giải đời tư và thế sự đã xuất hiện như Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cầm, Chuyện làng nho của Ngô Kính Tử...
Ở Việt Nam, tiểu thuyết hình thành và phát triển muộn. Đầu thế kỷ X -XII mới xuất hiện các tác phẩm văn xuôi tự sự dưới dạng thần phả như Việt điện u linh hoặc ghi chép các truyền thuyết dân gian như Lĩnh nam chích quái... Thế kỷ XV- XVIII mới xuất hiện những truyện quan tâm đến đời tư và số phận của những con người bình thường trong xã hội như Thánh Tông di khảo của Lê Thánh Tông, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm...Quy mô đáng kể của tiểu thuyết trung đại Việt Nam được khẳng định với sự xuất hiện của Hoàng Lê nhất thống chí đầu thế kỷ XIX. Những tiền đề văn hoá xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, đặc biệt thời kỳ 1930 - 1945 đã tạo cơ hội cho sự xuất hiện của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại qua hai trào lưu tiểu thuyết đặc sắc là tiểu thuyết hiện thực phê phán và tiểu thuyết lãng mạn (Tự lực văn đoàn). Thời kỳ chiến tranh 1945 - 1975 tiểu thuyết Việt Nam vẫn có được quy mô đáng kể nhưng thi pháp tiểu thuyết không có điều kiện để phát huy. Môi trường chiến tranh chủ yếu rèn đúc ra các tác phẩm tiểu thuyết giầu tính chất sử thi có giá trị biểu dương ý chí và sức mạnh của cộng đồng dân tộc. Thời kỳ 1975 - 1985 tiểu thuyết có phần thưa vắng hơn và chủ yếu vẫn được sáng tạo theo quán tính của văn học chiến tranh. Thời kỳ đổi mới 1986 đến nay, tiểu thuyết Việt Nam lại có cơ hội phát triển rực rỡ và đạt được những chất lượng mới về nội dung và hình thức nghệ thuật. Các cây bút Nguyễn Mạnh Tuấn, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Trí Huân, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Xuân Khánh,... đã tạo nên một giai đoạn mới cơ bản thay đổi về chất cho tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Vượt qua những khó khăn của môi trường sinh thái văn hoá mới đầy cạnh tranh khốc liệt, tiểu thuyết Việt Nam đương đại đang có những bước cách tân tích cực với những hứa hẹn mới.
Những đặc điểm cơ bản của thể loại tiểu thuyết
Tiểu thuyết phản ánh, miêu tả con người và cuộc sống dưới góc độ đời tư. Đời tư được hiểu như là những giá trị riêng biệt ở đối tượng phản ánh. Đó là những cảnh ngộ, nỗi niềm, những số phận cá biệt... hợp thành diện mạo "con người này" (Hêghen). Đời tư riêng có của mỗi số phận là thông số khu biệt con người này với con người khác. Trong văn học, cái cá biệt hợp thành chiều sâu cá tính của mỗi con người là tiêu đích để nhà văn hướng tới khám phá và lý giải. Tuy nhiên, cái cá biệt đó không phải là cái lập dị, khác thường, chối từ các giá trị phổ quát của cộng đồng. Những nét riêng cá biệt của mỗi đối tượng phản ánh nhất thiết phải gắn bó máu thịt với cộng đồng dân tộc, nhân loại mới có giá trị như một điển hình nghệ thuật chân chính. Nhìn chung thể loại văn học hiện đại nào ít nhiều cũng đều chú ý đến đời tư con người như một tiêu điểm cần soi chiếu, song chỉ có tiểu thuyết mới có điều kiện chạm khắc đời tư con người một cách sắc nét và thấu triệt. Tiểu thuyết có được ưu thế này do nó không bị hạn chế cả về dung lượng lẫn việc khai thác các thủ pháp nghệ thuật cần thiết để tiếp cận và phản ánh đối tượng về mọi phương diện. Tuỳ theo sự chi phối của mỗi hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể mà ý thức lý giải đời tư của tiểu thuyết có thể được tăng cường hay giảm thiểu. (Chẳng hạn trong điều kiện chiến tranh 1945 - 1975, tiểu thuyết Việt Nam thường ít chú tâm khía cạnh đời tư đa dạng của con người hơn là hoà tan cõi riêng của các số phận vào trong cái ta rộng lớn của cả cộng đồng dân tộc). Thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay, tiểu thuyết có điều kiện khám phá đời tư con người trong mọi chiều kích đa dạng của nó). Mức độ khám phá đời tư càng sâu sắc, chất tiểu thuyết càng tăng, hiệu quả lý giải con người và cuộc sống càng có được những chiều sâu lý thú. Đây là điểm khác biệt giữa tiểu thuyết với sử thi (anh hùng ca) hay tiểu thuyết sử thi hiện đại thường có xu hướng lược quy cái riêng hoặc đặt cái riêng dưới tầm áp chế và định đoạt của cái chung phổ quát mà người đọc có thể dễ dàng kiểm chứng từ thực tiễn tiểu thuyết chiến tranh cách mạng thời kỳ 1945 - 1975.
Tiểu thuyết tái hiện con người và cuộc sống bằng cái nhìn giầu chất văn xuôi. Cái nhìn giầu chất văn xuôi là hệ quả tất yếu của cái nhìn nghệ thuật được khởi phát trong điều kiện xã hội có dân chủ, ý thức cá nhân được khơi dậy. Đó là cái nhìn hiện thực chân cảm, thành thực, không thi vị hoá. Ở đó đối tượng phản ánh được tiếp cận trong trạng thái vốn có của nó với tất cả những vẻ gai góc, ngổn ngang bề bộn bao gồm cả cái bi lẫn cái hài, cái cao cả lẫn cái tầm thường, cái tốt lẫn cái xấu, cái phi thường lẫn điều đê tiện... Cái nhìn giàu chất văn xuôi trong tiểu thuyết thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ giữa nhà văn với nhân vật. Đó là mối quan hệ thân mạt, bình đẳng, thậm chí suồng sã. Các nhân vật bất luận thuộc tầng lớp, đẳng cấp nào trong xã hội cũng đều được nhà văn hướng tới mô tả bằng một nhãn quan không thiên vị, bằng một thái độ tự nhiên. Nhà văn không vì họ có vị trí cao sang mà thi vị hoá hoặc họ thuộc đẳng cấp thấp hèn mà biếm hoạ, coi thường. Nhà văn viết tiểu thuyết thực sự mang tư cách là "người thư ký trung thành" của lịch sử bởi lẽ họ mang lại cho người đọc những bức tranh mô tả hiện thực trung thực và khách quan. Kutudốp trong Chiến tranh và hoà bình vừa được miêu tả như một vị tướng tài ba, mưu lược, giầu lòng yêu nước... theo lối sử thi, lại cũng vừa được khắc hoạ sinh động ở những nét sinh hoạt đời thường có phần tầm thường. Tiểu thuyết thời kỳ đổi mới ở Việt Nam khái quát cuộc sống con người trong bản chất tự nhiên vốn có của nó. Các nhân vật lãnh đạo, những người lính chiến, hình tượng người phụ nữ trước đây... thường được nhìn nhận ở cái phần tích cực, cao cả mà bỏ qua những khoảng tầm thường, nhỏ bé... nay bước vào trang viết tiểu thuyết của các nhà văn với những phẩm chất tự nhiên "tổng hoà các mối quan hệ xã hội": có tốt, có xấu, có cao cả lẫn thầm thường, có tích cực lẫn tiêu cực. Cái nhìn văn xuôi giúp các nhà văn có đảm lực xăm xới vào mọi góc cạnh đời thường của các nhân vật. Hiện thực hiện lên từ đó sẽ không chỉ là mặt phải huy hoàng của tấm huân chương mà có thể cả mặt trái hoen ố của nó nữa. Các tác phẩm tiểu thuyết hiện thực phê phán của Ban Giắc, Xtăngđan, Lép Tônxtôi, Đôxtôiépxki, Sêkhốp, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố... đều chan chứa nhãn quan nghệ thuật tiếp cận hiện thực cuộc sống trong tầm gần trực diện, trong sự dung nạp mọi yếu tố ngổn ngang bề bộn vốn có của đối tượng phản ánh.
Nhờ chất văn xuôi, tiểu thuyết có khả năng tiếp cận với mọi phạm vi hiện thực, khiến cho nội dung phản ánh của tác phẩm có điều kiện mở rộng tới mọi giới hạn khôn cùng. Cái nhìn văn xuôi có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc sử lý các nội dung đề tài lịch sử dân tộc. Nhiều nhân vật lịch sử đã được tạo dựng chân dung sinh động, tươi mới nhờ cái nhìn văn xuôi dân chủ của các nhà văn hiện đại. Vua Quang Trung, Gia Long, Nguyễn Trãi... qua các trang văn xuôi dân chủ của Nguyễn Huy Thiệp đã có thêm những phẩm chất đời thường gần gũi hơn với người đọc hôm nay.
Nhân vật trong tiểu thuyết thường là những "con người nếm trải". Quả vậy, không mấy khi nhân vật tiểu thuyết sống trong những khoảng đời bình yên, phẳng lặng. Vốn là sản phẩm tự nhiên của hoàn cảnh xã hội, nhân vật trong tiểu thuyết thường xuyên phải đặt mình trong các tình huống thách thức, vật lộn hoặc bị truy đuổi quyết liệt. Họ thường trực ý thức và tự ý thức về hoàn cảnh. Giăng Van Giăng, chị Dậu, anh Pha, Giang Minh Sài..., đều là những con người "nếm trải" và tư duy, gặp nhiều oan nghiệt của số phận. Các thể loại văn học khác ít nhiều đều đặt nhân vật vào các cảnh huống quan hệ và nếm trải song chỉ có tiểu thuyết sự nếm trải và kinh lịch của cuộc đời nhân vật mới có điều kiện được mở ra sâu rộng trên các chiều kính khác nhau. Trong tiểu thuyết, nhân vật không chỉ nếm trải qua những cuộc cọ sát với môi trường, hoàn cảnh giao tiếp phức tạp giữa người với người mà còn nếm trải trong nội tâm. Ngay cả khi nhân vật tiểu thuyết sống bình yên một mình trong căn phòng, giữa ngôi nhà... nhân vật vẫn không nguôi những day dứt, trăn trở, thậm chí khi ấy lại là lúc để nhân vật có cơ hội hồi ức lại những thách thức, những quan hệ mà thao thức trăn trở với những dự định kiếm tìm lối thoát. Những lúc Kiều ngồi một mình, những đêm chị Dậu nằm xuống trong căn phòng bất an ở nhà quan phủ, những khi Giang Minh Sài sống cô quạnh ở văn phòng cơ quan... là những thời khắc nhân vật tự đối mặt với mình trong một cõi nội tâm đầy sóng gió, vật lộn... Vậy là nhân vật trong tiểu thuyết chẳng mấy khi thoát khỏi những vây bức tai ương của hoàn cảnh cuộc sống. Mỗi nhân vật trong tiểu thuyết quả thực "là những thao trường tranh cãi và vật lộn quyết liệt" (Phan Ngọc).
Đặt nhân vật trong các môi trường nếm trải rộng lớn, không hạn định, tiểu thuyết có ưu thế vượt trội các thể loại văn học khác ở khả năng phân tích thế giới nội cảm đa dạng bên trong của nhân vật. Nhờ đó các nhà văn có khả năng tạo dựng được những bức chân dung nhân vật đa dạng về tính cách, sinh động, chân thực và hấp dẫn hơn trong ý thức tiếp nhận của người đọc.
+ Tiểu thuyết có một hệ thống chi tiết nghệ thuật dồi dào, đa dạng, phong phú, vượt trội dung lượng chi tiết của các thể loại văn học khác. Dung lượng lớn lại ít chịu sự chi phối của các giới hạn không gian, thời gian... nhà văn trên trang viết tiểu thuyết có thể tự nhiên trình bày cặn kẽ các suy tư, cảm nhận của các nhân vật về thế giới, về đời người, ... Có thể phân tích tường tận những diễn biến tâm lý, tình cảm... Có thể trình bày tỉ mỉ về tiểu sử các nhân vật, về môi trường sống, về quan hệ con người với quá khứ, hiện tại, tương lai... Nghĩa là mọi tồn tại sống có liên quan đến thế giới sinh tồn của con người đều có mặt và được phân tích chi tiết trong tiểu thuyết. Theo đó dung lượng chi tiết trong tiểu thuyết không ngừng được gia tăng.
Dung lượng chi tiết lớn cũng khiến cho tiểu thuyết có khả năng tổng hợp được sức mạnh nghệ thuật của nhiều loại hình, loại thể văn học khác. Tiểu thuyết cận hiện đại thế kỷ XIX và XX là những bằng chứng sinh động về khả năng tổng hợp thể loại của tiểu thuyết với tư cách là một "thể loại chúa tể" (Bakhtin). Nói đến tiểu thuyết sử thi - tâm lý của Lép Tônxtôi như Chiến tranh và hoà bình, tiểu thuyết - kịch của Đôxtôiépxki như Tội ác và trừng phạt, tiểu thuyết thế sự - trữ tình của M.Goócky như Kiếm sống, Thời thơ ấu..., tiểu thuyết trữ tình - tâm lý của Hêmingwêy như Chuông nguyện hồn ai, tiểu thuyết hiện thực - huyền ảo của Mác két như Trăm năm cô đơn... là nói đến hình thái tồn tại dưới dạng tổng hợp thể loại của tiểu thuyết. Tuy nhiên khả năng tổng hợp thể loại không phải là đặc điểm riêng có của tiểu thuyết. Kịch, thơ, truyện vừa, truyện ngắn... ít nhiều đều có khả năng tổng hợp sức mạnh từ các thể loại khác, chẳng hạn thơ trữ tình - chính trị của Tố Hữu, kịch tự sự của Béctôn Brêt, truyện ngắn giầu chất tiểu thuyết của Nam Cao, phóng sự ghi chép của Xuân Ba, phóng sự truyện của Vũ Hữu Sự... Chỉ có điều, so với các thể loại khác, tiểu thuyết có ưu thế vượt trội hơn về năng lực tổng hợp thể loại. Chính nhờ năng lực tổng hợp thể loại đã khiến cho bản thân thể loại tiểu thuyết không ngừng vận động, ít định hình trong quá trình phát triển.
Số phận của tiểu thuyết
Cũng như các thể loại văn học khác, bên cạnh tính chất ổn định
tương đối, tiểu thuyết cũng luôn luôn vận động và phát triển qua những thăng trầm phức tạp. Khoảng giữa thế kỷ XX ở phương Tây người ta đã đề xuất ra "phản tiểu thuyết" chủ trương sáng tạo một kiểu tiểu thuyết mới không có nhân vật và cốt truyện, đắm chìm vào dòng ý thức, chú tâm miêu tả đồ vật, cách tân ngôn từ tiểu thuyết trái với tiểu thuyết truyền thống theo kiểu "Ông già Ban Giắc". Từ chủ trương đó họ sáng tạo ra các kiểu loại tiểu thuyết dòng ý thức, tiểu thuyết đồ vật (như tiểu thuyết của Alanh Rôbơ Grê), tiểu thuyết ngôn từ (tiểu thuyết của Natali Xrốt)... Diện mạo tiểu thuyết thế kỷ XX đã cho thấy thể loại này vẫn tiếp tục phát triển trong sự cách tân đa dạng. Tiểu thuyết phương Tây hiện đại cách tân theo hướng giảm bớt vai trò trần thuật toàn năng theo lối "biết hết" của thế giới, trao quyền trần thuật cho nhân vật theo trường nhìn nhân vật. Ở Mỹ có khuynh hướng tiểu thuyết tư liệu, xây dựng bằng thủ pháp lắp ghép tư liệu. Ngoài ra còn có khuynh hướng cách tân bằng cách miêu tả các phương diện bề ngoài của hiện thực khách quan hoặc của dòng ý thức, ký ức... Bên cạnh tiểu thuyết "phi cốt truyện" là tiểu thuyết thiên về những cốt truyện gay cấn... Tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa là hình thức sáng tạo mang tính lịch sử cụ thể cũng đã góp phần đem đến cho lịch sử tiểu thuyết nhân loại những kinh nghiệm và bài học sáng tạo quý giá. Tiểu thuyết đương đại của thế giới ngoài việc sử dụng các hình thức trần thuật truyền thống còn có khuynh hướng sử dụng các hình thức kết cấu liên tưởng, mở rộng thời gian nghệ thuật, tăng cường lối trần thuật tiềm chứa ẩn ý...Ở bình diện ngôn từ, tiểu thuyết hiện đại cũng có những sáng tạo rất đáng kể theo hướng khách quan, chân xác hơn...
Do nhu cầu khám phá cuộc sống hiện thực trong các tầm sâu chiều rộng và đòi hỏi của sự lý giải đời sống tâm lý con người ngày càng đa dạng, phong phú, tiểu thuyết vẫn còn những cơ hội lớn để tiếp tục cách tân, đổi mới và phát triển trong điều kiện văn học hiện đại và hậu hiện đại.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top