CHÍ PHÈO
- Nam Cao là nhà văn hiện thực lớn, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn, có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình hoàn thiện truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam! Trên bước đường hiện đại hoá nửa đầu thế kỉ xx. Ông là nhà văn hiện thực xuất sắc, tràn đầy tinh thần nhân đạo, chuyên viết về hai chủ đề: người tri thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ và người nông dân bị bần cùng hoá, lưu manh hoá trước cách mạng tháng 8. Trong đó, Chí Phèo là một truyện ngắn kinh điển của nhà văn Nam Cao viết vào năm 1941. Truyện kể lại cuộc đời của một người nông dân lương thiện tên là Chí Phèo. Chí Phèo là nhân vật điển hình cho người nông dân lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh không lối thoát, sinh ra là người nhưng không được làm người. Câu chuyện có nhiều bi kịch nhưng trong đó quá trình hồi sinh ( bi kịch bị cự tuyệt) của Chí Phèo trong tác phẩm là một trong những đoạn thể hiện sâu sắc ý nghĩa nhân văn và nhân đạo của tác phẩm.
Chí Phèo là một đứa con hoang bị bỏ rơi trong mộ cái lò gạch cũ ngay khi vừa mới chào đời, qua tay hết người này đến người khác. Lớn lên Chí làm canh điền cho nhà lí Kiến, vì ghen nên lí Kiến đẩy Chí vào tù. Sau 7,8 năm biệt tích Chí trở về với bộ dạng và tính nết khác trước. Uống rượu say, Chí đến nhà bá Kiến chửi bới, rạch mặt, ăn vạ. Với bản chất gian hùng và thủ đoạn, bá Kiến biến Chí trở thành tay sai đắc lực, thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại để tác oai tác quái cho bao nhiêu dân lành.
Cứ tưởng Chí sẽ kết thúc cuộc đời mình bằng cách vùi xác ở bờ bụi nào đó. Nhưng bằng tài năng và trái tim nhân đạo, Nam Cao đã để Chí trở về kiếp người một cách tự nhiên. Cuộc gặp gỡ với thị Nở- một người đàn bà dở hơi, xấu xí trong một đêm trăng thơ mộng nơi vườn chuối, họ ăn nằm với nhau. Để rồi sau đó là một trận ốm nặng là một bước ngoặt lớn diễn ra trong cuộc đời Chí. Trận ốm và tình yêu thương, sự chăm sóc của thị Nở đã đánh thức phần người trong Chí, lương tri của Chí đã bắt đầu thức tỉnh sau bao nhiêu năm phải bán linh hồn cho quỷ dữ.
Kể từ khi đi tù về, đây là lần đầu tiên Chí hết say, lần đầu tiên hắn tỉnh. Khi tỉnh rượu, Chí cảm thấy lòng chợt bâng khuâng, mơ hồ buồn. Những lần trước, mỗi khi tỉnh rượu, hắn lại uống, vì thế say kế tiếp say. Còn lần này, Chí Phèo tỉnh rượu với trạng thái khác hẳn:"người thì bủn rủn, chân tây không buồn nhấc; hay là đói rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tí. Hắn sợ rượu như những người sợ cơm." Sau bao nhiêu năm, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời Chí tỉnh dậy, nhận ra nơi căn lều ẩm thấp là ánh nắng ngoài kia đẹp rực rỡ biết bao. Hắn nghe thấy được những âm thanh của cuộc sống thường ngày:" tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng cười nói của những người đi chợ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá ven sông." Những âm thanh quen thuộc ấy hôm nào mà chả có, nhưng hôm nay Chí cảm nhận được và nghe thấy. Phải chăng, những âm thanh ấy chính là tiếng gọi thôi thúc của cuộc sống đã vang lên đánh thức tâm hồn đang khơi dậy của Chí. Sau đó, Chí tỉnh ngộ nhìn lại cả cuộc đời mình và ý thức được sự tha hoá của mình:"đã gây ra bao tội ác, đạp đổ biết bao hạnh phúc của bao nhiêu gia đình vô tội." Hơn hết Chí nhớ lại ao ước bình dị ngày xưa:"có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn,làm thuê,vợ dệt vải." Chí đã tỉnh rượu và thức tỉnh về tình cảm và nhận thức. Hắn nghĩ đến cái hiện tại của mình thật đáng buồn:"hắn thấy già mà vẫn cô độc, hắn dã tới cái dốc bên kia của cuộc đời, cơ thể đã hư hỏng nhiều." Tương lai đối với Chí còn đáng buồn hơn, hắn còn lo sợ hơn bởi vì hắn đã trông thấy trước "tuổi già, ốm đau, đói rét và nhất là cô độc." Sau những tháng ngày sống gần như vô thức, Chí đã tỉnh táo và triền miên trong suy nghĩ và xúc động. Hắn suy nghĩ về cuộc đời mình, hắn thấy lòng buồn man mác. Hình như, hắn đang ăn năn hối hận về những việc làm của hắn. Như vậy, với sự trở lại của lí trí và nhận thức về chính mình, cùng với những tình cảm, cảm xúc của một con người Chí đang thức tỉnh môt cách toàn diện về nhận thức và ý thức. Đây chính là dấu hiệu của sự hoàn lương, bắt đầu hồi sinh để trở về kiếp người.
Đúng lúc đang suy nghĩ vẫn vơ, thị Nở mang một nồi cháo hành còn nóng nguyên. Bát cháo hành là chi tiết nghệ thuật ẩn dụ cho tình người đơn sơ, giản dị mà nhân ái vô tư, xuất phát từ sự cảm thông không tính toán thiệt hơn của thị Nở. Do đó, bát cháo hành có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Chí Phèo. Việc làm này của thị nở khiến hắn từ ngạc nhiên cho đến xúc động "thấy mắt hình như ươn ướt" vì xưa nay không ai tự nhiên cho không hắn cái gì. Hắn vui vì "lần đầu tiên được săn sóc bởi bàn tay của một người đàn bà." Hắn còn cảm nhận về hương vị của bát cháo hành nó ngon và thơm lắm. Hành động của thị làm Chí suy nghĩ nhiều. Bát cháo hành như một liều thuốc giải độc, góp phần thức tỉnh phần người trong con quỷ dữ. Hắn cảm thấy ăn năn hối hận về những việc mình làm:"hắn thèm lương thiện, khao khát được làm hoà với mọi người." Cùng với mong ước được làm người lương thiện, Chí khao khát hạnh phúc và một mái ấm gia đình. Hắn nói:"Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?." Lúc này nội tâm của Chí đã bừng tỉnh, lương tri của Chí đã trổi dậy mà thôi thúc tình cảm của hắn. Hắn thật sự muốn "thế này" đó là ngày nào cũng được ăn cháo hành, được yêu thương, quan tâm và được làm nũng với thị. Câu nói:"Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui?" Câu nói này giống như một lời cầu hôn của Chí với thị Nở, lời cầu hôn rất chất phát giản dị. Hắn hi vọng thị Nở sẽ là chiếc cầu nói đưa hắn trở về cái xã hội bằng phẳng của những người lương thiện. Đó chính là bản tính lương thiện của người nông dân Chí Phèo, không thế lực tàn bạo nào có thể huỷ diệt. Nó như một ngọn lựa âm ỉ cháy dưới lớp tro tàn, bất chợt một cơn gió tình yêu thổi qua thì bùng cháy. Cuộc gặp gỡ thị Nở là một bước ngoặt cuộc đời Chí Phèo. Sự chăm sóc giản dị và tình yêu thương chân thành của thị Nở đã thức tỉnh Chí, đánh thức bản chất lương thiện trong con người Chí, kéo Chí từ thú vật trờ lại làm người.
Nhưng mong ước bình dị của Chí Phèo không thể thành hiện thực được vì những định kiến của xã hội thực dân nửa phong kiến thối nát bất công. Nó đã đẩy Chí Phèo đến bi kịch phải tự kết thúc cuộc đời mình ngay khi cánh cổng trở về xã hội vừa hé mở. Đối với làng Vũ Đại, Chí Phèo không phải con người mà là "con quỷ dữ", nó "không xứng" với con người dù dở hơi, xấu xí như thị Nở. Bị thị Nở cự tuyệt, lúc đầu Chí ngạc nhiên rồi chợt hiểu:"hắn ngồi im, không nói gì." Chí đau đớn, nuối tiếc, Chí chạy theo với lấy tay cố níu kéo nhưng "thị gạt tay hắn ra, lại còn giúi thêm một cái làm hắn ngã nhào ra đất." Chí thật sự rơi vào tâm trạng tuyệt vọng " với bi kịch tinh thần của con người sinh ra là người nhưng không được làm người." Đó chính là bi kịch của một con người chết trên ngưỡng cửa trở về với cuộc sống lương thiện. Chút hạnh phúc nhỏ nhoi cũng vẫn không đến được với Chí Phèo. Và thật khắc nghiệt khi bản tính người nơi Chí Pheo trổi dậy, cũng là lúc Chí Phèo hiểu rằng không thể trở về với cuộc sống lương thiện được nữa. Cái XHTD nửa phong kiến đó đã cướp đi của Chí quyền làm người và vĩnh viễn không trả lại. Nó đã tiêu huỷ và bẻ gãy chiếc cầu nối Chí với cuộc đời. Càng ý thức rõ về nỗi đau bị cự tuyệt khỏi xã hội loài người "hắn ôm mặt khóc rưng rức", khóc vì tuyệt vọng. Chí Phèo uống thật say, nhưng lần này không như mọi lần "hắn càng uống, càng tỉnh", càng nhận ra bi kịch của cuộc đời mình. Trong cơn phẫn uất và tuyệt vọng, Chí nhận thức kẻ thù đã hủy hoại cuộc đời mình không phải chỉ mình bá Kiến mà là cả xã hội thối nát và độc ác đương thời. Nên không còn con đường nào cho Chí, buộc Chí sau khi giết bá Kiến thì cũng tự kết liễu đời mình. Hành động của Chí cũng nhanh chóng và đột ngột nhưng ai cũng thấy tính tất yếu phải xảy ra của nó, hợp với sự phát triển tính cách và tâm lí nhân vật. Lấy sự hủy hoại của đời mình để giải quyết cái bế tắc của đời mình. Chí Phèo đã chết ngay trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời. Cái chết đó là sự phê phán gay gắt đối với xã hội TDPK đã chà đạp lên quyền sống chính đáng của con người, không những đẩy người nông dân lương thiện vào con đường lưu manh hóa mà còn đưa họ vào chỗ chết. Đấy chính là giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm.
Với nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã đặt ra bi kịch của người nông dân trước cách mạng: đó là bi kịch sinh ra là người nhưng không được làm người. Điều này thể hiện sự cảm thông sâu sắc của Nam Cao với khát vọng lương thiện trong con người và bế tắc của những khát vọng hiện thực trong xã hội ấy. Tác giả đã khéo léo lựa chọn những chi tiết rất chân thực, miêu tả tâm lí nhân vật, xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình cộng với cốt truyện với các tình tiết hấp dẫn, biến hóa bất ngờ.
Tác phẩm đã lên án, tố cáo tội ác chế độ thực dân nửa phong kiến đã đàn áp và bóc lột nhân dân lao động. Qua đó nhà văn đồng cảm với những khổ đau, bị đày đọa và sự bế tắc với những khát vọng của người nông dân. Đồng thời nhà văn cũng kịp thời phát hiện và trân trọng trước vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật và khao khát thay đổi thực tại của nhân vật để mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top