Lời nói đầu
LỜI NÓI ĐẦU
"Công quá cách" là "Những cuốn sổ ghi công – lỗi". Công Quá Cách là một dạng bảng tự kiểm hàng ngày. Thiện ngôn thiện hành (lời lành việc tốt) được xem là công và được ghi vào công cách;Ác ngôn ác hành (lời ác việc ác) được xem là quá và được ghi vào quá cách (chữ "quá" nghĩa là «sai lầm, tội lỗi»).
Lời tựa của Thái Vi Tiên Quân Công Quá Cách viết: «Tu Chân chi sĩ, minh thư nhật nguyệt, tự ký công quá, tự tri công quá đa quả» (Người tu chân mỗi ngày mỗi tháng phải ghi rõ công và tội của mình để tự biết công và tội ấy nhiều hay ít). Cũng theo lời tựa này, đời Kim (1115-1234) năm Đại Định Tân Mão (1171) (triều vua Thế Tông), một đạo sĩ tên là Hựu Huyền Tử đã mộng du tử phủ (cung trời, cung tiên), triều lễ Thái Vi Tiên Quân và nhận lĩnh yếu chỉ Công Quá Cách; khi tỉnh mộng, chấp bút viết thành sách này (Trích Thiện thư của Lê Anh Minh)
Trong cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn (1535-1609) (hay Bốn điều khuyên dạy của tiên sinh Viên Liễu Phàm - thời nhà Minh), kể lại câu chuyện của chính cuộc đời của Tiên sinh Viên Liễu Phàm cho con cháu: Ông đã cải tạo được vận mệnh của mình, từ một người đã được Khổng tiên sinh đoán định số mạng công danh đỗ đạt không cao, không con trai nối dõi, năm 53 tuổi thì chết. Ông được Vân Cốc thiền sư dạy cho cách chuyển đổi số mạng, ông chân thực làm và ông đã cải tạo được vận mạng của mình: Ông đỗ tiến sĩ vào hiệu Vạn lịch thứ 14, có con trai là Thiên Khải, thọ 74 tuổi. Ông đã được Vân Cốc Thiền sư đưa cho cuốn "Công quá cách này" bảo ông ghi hết những điều đã làm trong ngày; thiện thì được điểm, ác thì trừ điểm, để quyết tâm sửa đổi. Ông đã chuyển họa thành phước, cải tạo được vận mệnh của mình. Qua đó nêu rõ tính xác thực của lý nhân quả, khuyên người phải biết sợ sệt tránh xa những việc xấu ác và nỗ lực làm thiện.
"...Cho nên vào thời nhà Minh, "Công quá cách" rất phổ biến. Chúng tôi từ trên lịch sử xem thấy, vĩ nhân có thành tựu rất nhiều, đều là đã từng dùng phương pháp "Công quá cách" để kiểm điểm lỗi lầm của mình.
Công quá cách, hiện tại tại ở Đài Loan và Hương Cảng cũng rất lưu thông, nên có thể tìm thấy. Chúng tôi trong quá khứ cũng đã từng in ấn rất nhiều. Mỗi ngày đều đánh dấu, việc tốt đã làm trong ngày tôi tự mình đánh dấu. Mỗi ngày sai sót đã tạo, phản tỉnh lỗi sai, sai cũng đánh dấu vào. So sánh thiện ác, tôi ngày hôm nay đến cuối cùng là thiện nhiều hay ác nhiều? Thời gian đầu tôi làm, nhất định là thiện ác lẫn lộn, có khả năng là ác nhiều hơn thiện, cảnh giác của bản thân liền tăng cao. Ngày ngày đều chân thật nỗ lực sửa sai, hi vọng đến một ngày, một khi mở công quá cách ra đều là thuần thiện không ác, thì bạn đã thành công rồi...." (Trích Liễu Phàm Tứ Huấn Giảng giải – Chủ giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không).
Công quá cách có rất nhiều chủng loại, tương truyền Phạm Trọng Yêm (989-1052) và Tô Tuân (1009-1066) luôn có cuốn "Công Quá cách" theo bên mình.
Nhận thấy cuốn "Công quá cách" này quá quan trọng cho xã hội cũng như cho các đông tu học Phật, chúng tôi đã mạo muội biên tập lại cuốn "Công quá cách" trên cơ sở cuốn "Cảm Ứng – Âm Chất Giác thế - Công Quá cách - Tỉnh thế ngộ Chân" (Nguyên bản: Của Ông Mạch Quốc Thoại – Ở chùa ông Tân Uyên (Biên Hòa), do Cư sĩ Trảng Bàng Ấn Tống – Nhà xuất bản Xưa và Nay - Sài gòn năm 1925 ) để cúng dường những người hữu duyên, giúp cho liên hữu xa gần trong quá trình tu tập sao cho có thể chuyển họa thành phước, cải tạo vận mệnh của mình, đồng thời cũng góp phần hướng tới gia đình hạnh phúc, xã hội hài hòa tốt đẹp, an định, thế giới hòa bình, tạo nền tảng vững chắc cho việc thành tựu đạo quả.
Trong quá trình biên tập, do trình độ nông cạn, học vấn thấp kém, chắc chắn không thể tránh được sai sót. Kính mong các liên hữu xa gần đóng góp ý kiến, chúng tôi xin tri ân và chân thành sửa đổi để lần tái bản sau được tốt hơn.
Nhóm da giớiđệ tử đạo tràng 1108 thành tâm cúng dường
Hà Nội tháng 1/2017
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top