Nhật ký
Lấy cảm hứng từ đồng nhân "Chân Tướng Là Thật", nếu Hiểu Tinh Trần ghi chép lại cuộc sống đời thường suốt mấy năm ở Nghĩa Thành.
.
.
.
"Nơi này được gọi là Nghĩa thành, Nghĩa trong nghĩa trang."
"Ta dừng chân tại nơi này đã được vài tháng. Thôn dân ở đây hiền lành và tốt bụng, ta thi thoảng giúp họ xua đuổi vài thứ yêu nghiệt quấy phá."
"Cứ bình bình như vậy mà trôi qua cũng tốt. Tử Sâm, hy vọng huynh sống tốt."
...
"Ta gặp một tiểu cô nương. Ban đầu nàng còn định lấy túi tiền của ta. Khờ quá, người như ta thì có bao nhiêu ngân lượng mà lấy cơ chứ. Hoá ra nàng cũng là một người mù giống như ta, tội nghiệp, còn nhỏ tuổi như vậy."
"A Thiến thật ra rất hoạt bát và hồn nhiên, cũng ngoan ngoãn biết điều. Ta không muốn nàng còn nhỏ như vậy đã quen với thói trộm cắp vặt lề đường. Thế nhưng, đi theo ta sẽ cực khổ lắm, Tử Sâm đã phải gánh chịu tai ương do ta liên lụy rồi."
...
"A Thiến và ta tìm thấy một thiếu niên bị thương rất nặng. Thế sự vô thường, có phải hắn cũng bị cuốn theo những cuộc tranh giành đó đây chăng? Ngoài kia còn biết bao kẻ khác phải vong mạng nữa đây?"
"Thiếu niên này thật kỳ lạ. Bị thương nhưng hắn cực kỳ ồn ào náo nhiệt, lại thường nói những câu vô thưởng vô phạt mà buồn cười lắm. Rõ ràng hắn là một thiếu niên vô cùng lanh lợi, bị thương ở chân phải nằm mãi một chỗ như thế, chắc hắn cũng ấm ức lắm. Chịu khó nằm tĩnh dưỡng mấy hôm, kiểu gì hắn cũng chạy nhảy tung tăng chẳng kém gì A Thiến cho xem."
"Vết thương của thiếu niên kia vẫn chưa lành, ta biết đó là vết thương gây nên bởi thế gia vọng tộc. Hắn tránh được đến nơi này, hy vọng sẽ bình yên. Nơi này chẳng có gì nhiều nhặn, ta và A Thiến là hai người mù, cuộc sống chẳng sung túc đủ đầy, cơm rau hai bữa lại đơn sơ đạm bạc, có lẽ cũng ảnh hưởng nhiều đến thời gian hồi phục của hắn. Xin lỗi, lại là ta làm liên lụy các ngươi."
...
"Thiếu niên này lanh lợi và tinh ranh như một con cáo con vậy. Không biết hắn học được ở đâu, hay kể cho ta và A Thiến nghe những câu chuyện vẩn vơ nhưng cũng thật mới mẻ. Câu chuyện của hắn vốn buồn cười, mà giọng hắn lúc kể còn ra vẻ khiến nó càng buồn cười hơn. A Thiến hình như không thích hắn cho lắm, hai đứa nói chuyện qua lại với nhau chưa được mấy câu đã đổi giọng cãi vã rồi. Thật là! Rõ ràng là một thiếu niên mười bảy mười tám tuổi đầu còn đi chấp nhặt một tiểu cô nương, cứ như một đứa trẻ chưa trưởng thành vậy. Có lẽ, tiểu bằng hữu này cũng là người đáng tin."
"Tiểu bằng hữu rất cố chấp với mái tóc của ta, tuy ngày nào hắn cũng sáng bảnh mắt mới dậy nhưng tỉnh lúc nào liền kéo ta ngồi xuống cho hắn chải tóc lúc ấy. Có lẽ hắn quan tâm đến vẻ ngoài lắm, hẳn là một thiếu niên thập phần tuấn lãng mới phải. Dù sao chân còn tập tễnh chẳng đi được đến đâu, lấy việc chải tóc cho ta làm trò tiêu khiển cho bớt cơn buồn chán cũng được. Kể ra, một đạo nhân như ta, tóc tai bề ngoài phù phiếm cần gì phải trau chuốt cơ chứ, huống chi ta còn mù. Hay là, bình thường ta trông nhếch nhác lắm sao?"
"Tiểu bằng hữu hồi phục khá nhanh, chỉ còn mỗi chân là chưa lành, thế mà hôm nay lại nằng nặc theo ta đi chợ, rồi lại đòi theo ta săn đêm. Đi chợ còn được, coi như ta dẫn theo cả hắn lẫn A Thiến là hai đứa trẻ ra ngoài dạo chơi. Gọi là đi chợ, chi bằng nói ta đi mua thức ăn, hai đứa ở sau tranh giành cãi cọ suốt cả quãng đường. Còn săn đêm, thường ngày hắn vừa mở miệng ta liền cười, ta mà cười kiếm liền không vững nữa, hắn mồm mép như vậy, sao ta tập trung được? Hơn nữa, ta mù lòa, làm sao chiếu cố hắn chu toàn đây?"
...
"Ta đoán chân của tiểu bằng hữu cũng lành rồi, đôi lúc lại thấy hắn đi đâu đó từ sáng đến chiều mới về. Có lẽ hắn sắp rời khỏi nơi này chăng? Cũng phải thôi, làm gì có ai nguyện ý ở lại nơi vắng vẻ nghèo nàn này cơ chứ, lại còn ở với hai người mù. Hắn vốn tính tình hoạt bát ham chơi, có lẽ chẳng nơi nào có thể giữ chân hắn lại cả, trời cao biển rộng ấy là để mặc hắn tung bay. Thiếu niên như vậy, sau này muốn không thành danh cũng thật khó. Thế nhưng ta thật sự rất thích những câu bông đùa hài hước mà vô lo vô nghĩ của hắn."
"Mấy ngày nay thường đến sẩm tối mới thấy tiểu bằng hữu về nhà, la cà nơi đâu mà khi về quần áo đều lem nhem rách rưới hết cả, đúng là chẳng ngoan ngoãn chút nào. Chúng ta vốn không dư dả gì, lại thêm thôn dân nơi này cũng nghèo, chẳng thể nào cứ mua quần áo mới cho hắn suốt được. Ta vừa khâu lại vai áo hắn hôm qua, hôm nay hắn đã nghịch ngợm làm bục cả mảnh vá, vá mãi rồi áo mới cũng thành áo cũ chứ. Rõ ràng cầu toàn trau chuốt đầu tóc như thế, nhưng y phục lúc nào cũng tùy ý chẳng màng. Ta đoán nếu ta cứ mặc kệ, hắn có thể cứ thế mà khoác áo rách ra khỏi nhà lắm."
...
"Ta biết chân hắn đã lành hoàn toàn, còn biết bày trò phân công đi chợ với ta và A Thiến: ta đi chợ hôm qua, thì A Thiến đi chợ hôm nay, còn hắn đi ngày hôm sau. Ta phải công nhận rằng, hắn rất biết đi chợ, mua được nhiều thức ăn hơn, cũng mua được rau củ tươi ngon hơn, lâu lâu cũng tích cóp mua được một ít thịt về nuôi hai đứa nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn. Hắn hay mua táo, mua về cắt miếng thật tỉ mỉ, rồi ngồi tỉa thành hình thỏ con khéo léo vô cùng. Kể cũng thật lạ, hắn bỗng dưng xung phong nhận trách nhiệm giặt giũ quần áo cho cả ta, nhưng nhất quyết không chịu làm gì giúp A Thiến dù con bé có dọa dẫm cầm gậy đuổi đánh ầm ĩ khắp cả nhà."
"Hôm nay tiểu bằng hữu bỗng đề cập đến chuyện săn đêm, hắn nói muốn đi săn đêm cùng ta. Ta vốn lo lắng cho vết thương cũ mang dấu tích thế gia của hắn, còn hắn lại cho rằng kẻ địch sẽ lợi dụng điểm yếu ở đôi mắt của ta. Ít nhiều ta cũng từng hành tẩu giang hồ mấy năm, nên nói hắn tỉ mỉ tinh tế hay phải nói hắn ngốc nghếch ngây thơ đây? Ta mới nói với hắn rằng, "Ngươi chỉ vừa mở miệng ta liền cười, ta mà cười, kiếm liền không vững nữa". Nào ngờ, hắn đáp lại ta một câu, "Không sao, ta làm trợ thủ của ngươi, xách kiếm giúp ngươi, ta sẽ trở thành đôi mắt của ngươi". Tiểu bằng hữu, ngươi biết không, có câu này của ngươi, Hiểu Tinh Trần mãi không quên."
...
"Mùa mưa ghé đến Nghĩa thành, căn nhà lụp xụp cứ lâu lâu lại dột. A Thiến và ta đều ngủ trong quan tài, chỉ có tiểu bằng hữu ngủ trên giường là khổ, mưa đêm mấy bận khiến hắn ướt nhẹp từ đầu đến chân. Thế mà hắn chẳng hé miệng bảo với ta câu nào, cứ lặng im cáu bẳn như thế mà đi ngủ, hoặc lại ôm cục tức ấy mà thao thức đến sáng chăng? Nếu không phải vừa nãy ta nghe tiếng động bèn chạy lại kiểm tra, làm sao biết mấy ngày nay hắn đều bị ướt. Thật ngốc quá. Vậy mà hắn chỉ đùa cợt bảo, "Ta muốn ngủ trong quan tài cùng với đạo trưởng". Quan tài vừa nhỏ hẹp vừa chật chội, sao ta nỡ để hắn chịu khổ đây, thôi thì đành đợi đến sáng, trời tạnh rồi ta sẽ leo lên sửa lại mái nhà vậy."
"Sáng nay, ta vốn đang loay hoay lợp lại mấy chỗ mái nhà bị dột, hắn bỗng trèo lên ngồi bên cạnh, rồi chỉ rõ tỉ mỉ cho ta cần thêm cỏ rơm vào đâu, cần buộc lại rạ chỗ nào. Sống ở Nghĩa thành bấy lâu, ta có thể quen thuộc đường đi lối về, thế nhưng cho dù đây không phải lần đầu tiên ta lên nóc nhà sửa chữa cũng không khỏi có chút chậm chạp. Chỉ dẫn cho một người mù lòa như ta có phải đã khiến ngươi mất kiên nhẫn lắm hay không? Quả thực, y lời hắn nói, hắn làm trợ thủ của ta, hắn trở thành đôi mắt của ta, tỉ mỉ như vậy, chân thành như vậy, và ngốc như vậy."
"Mưa suốt mấy ngày, mái đã lợp lại, tưởng hắn sẽ được ngủ yên, vậy mà đúng chỗ hắn nằm đêm qua lại dột. Hắn không hé răng nửa lời, ta cũng không biết, cho đến sáng mới hay tiểu bằng hữu lên cơn sốt rồi. Mấy hôm mưa rả rích, ngoài chợ cũng chẳng có mấy hàng rau củ tử tế để mua nữa là thịt, ta đành nấu tạm cho hắn bát cháo trắng đạm bạc. Tiểu bằng hữu ngày thường hay cười đùa nhưng lại khá dễ tính trong việc ăn uống, ta và A Thiến nấu gì cũng không phàn nàn một câu, thế mà hôm nay cháo trắng thì không chịu ăn, cứ giở thói trẻ con đòi ăn kẹo, không cho kẹo không chịu ăn. Cứ bướng bỉnh như vậy, đến bao giờ mới khỏi bệnh được đây?"
"Cho đến tối qua, lúc thay khăn đắp trán cho hắn, ta biết hắn đã hạ sốt rồi, nhưng lại nhất định giữ chặt tay ta không buông, miệng thì liên tục càu nhàu đòi ta ngủ cùng hắn, rằng "Ta không muốn bị mưa ướt một mình đâu". Ta đành tháo giày nằm xuống cạnh hắn. Tiểu bằng hữu ốm rồi tính tình bắt đầu y chang một đứa trẻ, hắn vòng tay ôm lấy ta, có lẽ do ta chăm sóc mấy ngày nay khiến hắn nhớ tới cha mẹ khi còn nhỏ. Thế nhưng, cảm giác đó thật lạ, ta không tài nào chợp mắt được, tiểu bằng hữu thế này thật khiến ta khó xử. Ngoài trời mưa lích rích cả đêm, còn ta cũng thức cả đêm."
...
"Thì ra mới đó đã qua một năm, so với cả đời người thì ngắn, so với khoảng thời gian ta rời sư môn lại thật dài. Tiểu bằng hữu vẫn ở lại Nghĩa thành trong căn nhà lụp xụp cùng ta và A Thiến. Vẫn là những buổi sáng chúng ta phân công nhau đi chợ, vẫn là vài đêm ta cùng hắn đi săn. Lắm lúc ta tự hỏi, một kẻ lanh lợi hoạt bát như hắn, tại sao cam chịu ở lại nơi tẻ nhạt này nhỉ? Hắn không nói, nhưng ta vẫn biết cánh cửa bếp bị hỏng đã được sửa lại, mái nhà dột cũng chẳng đến lượt kẻ mù như ta leo lên lợp lại nữa,... Hắn cũng vô cùng nhạy bén với tung tích của tẩu thi xung quanh, thường chỉ cho ta phương hướng chính xác vô cùng. Thật hy vọng những ngày tháng an yên này sẽ kéo dài thật lâu."
"Tiểu bằng hữu đã đi đâu mất rồi? Hai ngày nay không thấy hắn về nhà. Ta chưa từng biết Nghĩa thành thì ra cũng trống trải đến như thế, có lẽ do ta quen với sự vui đùa hàng ngày của hắn mất rồi. Căn nhà thường ngày có tiếng cãi cọ của hắn và A Thiến, nay im ắng hẳn. Hắn ồn ào, nhưng chưa từng khiến người khác khó chịu, tính cách hắn hoàn toàn trái ngược với ta, nhưng chưa từng khiến ta nảy sinh chút cảm giác bài xích nào."
"Bốn ngày tiểu bằng hữu không về. Tối nào ta cũng treo sẵn đèn lồng trước cửa, phòng khi hắn quay về còn nhận được phương hướng. Sáng nào ra khỏi cửa ta cũng nghe ngóng tiếng bước chân, liệu hắn đã về hay chưa. Có phải trời cao thương xót ta chăng, gửi hắn tới bầu bạn với ta bấy lâu? Thế nhưng, một thiếu niên tinh nghịch và hoạt bát như thế, làm sao chấp nhận một đời sống ẩn dật nơi an tĩnh này cho được đây. Rồi cũng đến lúc hắn phải đi, tự do tự tại, giống như Tử Sâm, không phải kéo theo một kẻ như ta làm vướng bận gì. Cũng phải, ta và hắn vốn chỉ là bèo nước gặp nhau."
...
"Hắn về rồi. Bảy ngày. Hắn quay về, nhưng chỉ lẳng lặng đứng im một chỗ, ta có gọi dò thử hắn cũng chẳng đáp câu nào. Hắn biết cách che giấu hơi thở, hắn không muốn ta nhận ra hắn đã về, nhưng ta biết hắn đã về. Tiểu bằng hữu đang giận dỗi điều gì ư? Hay lòng ngươi đang nơi đâu mất rồi? Hắn không vào nhà, có lẽ hắn không muốn vào, có lẽ hắn bắt đầu chán nơi này rồi, có lẽ đã đến lúc hắn rời đi. Ta cảm giác được, hắn vốn chói chang như mặt trời trên cao, nhưng lại chầm chậm đem đến ấm áp ở Nghĩa thành này giống như tia nắng lan tỏa xung quanh. Có phải ngươi quay lại để chào tạm biệt ta và A Thiến không? Tại sao ngươi không vào nhà?"
"Hắn quay về được hai ngày, nhưng vẫn không chịu vào nhà. Ta không biết buổi tối hắn ngủ ở đâu, ta vẫn để cửa không cài then chờ hắn, nhưng hắn thậm chí còn chẳng bước vào sân. Đêm xuống không lạnh ư? Ta cũng không biết hắn ăn uống thế nào, hay lại chỉ ăn mỗi kẹo thôi, hôm qua ta vẫn dặn A Thiến để lại một ít cơm phần hắn, nhưng hắn đâu có vào nhà, đến trưa ta lại đành ăn nốt. Hắn định tuyệt giao với ta và A Thiến ư? Hay là hôm nay hắn đã rời đi rồi, và cái thứ cảm giác của ta về sự hiện diện của hắn phía xa kia chỉ là ảo giác ta tự mình huyễn hoặc? Thì ra ngươi đã tiến sâu vào cuộc sống của ta đến thế."
"Ngày thứ ba, tiểu bằng hữu mới đẩy cửa vào nhà. Hắn nói với ta, hắn mới đi thăm một người bạn cũ, rằng hắn quên mất mình đã đi mà không một lời từ biệt. Có phải ngươi nghĩ lại rồi không, rằng ngươi sẽ không rời đi nữa? Tối nay, A Thiến ăn xong bỗng đòi nghe ta kể chuyện xưa. Chuyện cũ, ta kể câu chuyện sư môn mình, về sư phụ, về các sư huynh sư tỷ, về ta lúc đó. Còn ta của sau này, A Thiến không nên nghe thì hơn, đó là bi kịch ta gây ra, là món nợ riêng ta phải trả. Tất nhiên, câu chuyện của ta không được A Thiến hưởng ứng. Và hắn chợt lên tiếng. Câu chuyện hắn kể nói về một đứa trẻ bảy tuổi bơ vơ, đứa trẻ ngây ngô vì thích ăn kẹo mà bị người ta lừa rồi đánh cho không thương tiếc, câu chuyện về hắn thuở nhỏ. Hóa ra tiểu bằng hữu của ta từng có một tuổi thơ bất hạnh như thế. Cuối cùng ta cũng hiểu vì sao hắn cứ cố chấp với món kẹo ngọt rồi. Quá khứ đã qua, mong ngươi từ nay về sau hãy sống thật vui vẻ."
"Kể từ khi hắn vắng mặt, cứ sẩm tối ta liền treo đèn lồng trước bậu cửa, treo suốt mấy ngày liền cũng thành thói quen, cho dù mấy hôm nay hắn về rồi ta vẫn như trước mà treo đèn lên. Hắn hỏi ta, "Ngày nào đạo trưởng cũng chờ ta như vậy sao?", rồi quay đi, nhưng ta vẫn nghe thấy câu nói hắn thì thầm ngay sau đó, "Trần đời thiếu gì người sẵn lòng bầu bạn với ngươi". Phải, ta chờ ngươi trở về, chờ niềm vui nhỏ, chờ chốn bình an. Còn ngươi lại nhẫn tâm cầu ta là kẻ bội tình bạc nghĩa. Ngươi làm sao biết được đây, ta từng một lần lầm tưởng vĩnh viễn, rồi từng một lần nếm trải đau thương, yên ấm nhỏ bé lần thứ hai này, làm sao ta nỡ bỏ qua cho được. Tiểu bằng hữu, phải chăng ngươi quá vô tâm?"
"Có vẻ như tiểu bằng hữu đã quên mất câu hỏi ngày hôm qua của mình, sáng hôm nay còn vô cùng hớn hở kéo tay ta bày trò rút thăm, ai rút phải nhánh cây ngắn hơn thì kẻ đó phải đi chợ. Ta thừa biết, tám phần là tính lười biếng của hắn lại nổi lên rồi. Thế nhưng cuối cùng vẫn là hắn xách giỏ đi chợ. Hắn bảo, bao giờ hắn cũng giấu sẵn một nhánh cây dài nhất để phần thắng luôn thuộc về mình, rồi chê ta ngốc. Ta ngốc, ta thấy mình sắp chiều ngươi đến hư rồi thì có, muốn kẹo có kẹo, muốn nghịch ngợm liền mặc ngươi nghịch ngợm, chỉ thế thôi."
"Hắn vắng nhà chục ngày, Nghĩa thành vẫn vậy, chỉ là có chút trống vắng. Hắn quay về vài ngày, dường như mấy năm rồi ta mới được thấy lại ánh dương rực rỡ ra sao, thế gian ấm áp thế nào. Quả nhiên, hắn như dần trở thành đôi mắt của ta thật. Sáng sáng, hắn kéo ta ngồi xuống chải tóc. Chải xong, A Thiến làm chút điểm tâm, rồi ba chúng ta thay phiên nhau đi chợ. Hắn vẫn thích ăn kẹo, vậy nên đầu tháng nào ta cũng mua sẵn mấy túi kẹo, để dành ngày ngày đưa cho hắn mấy viên, hy vọng nó bù đắp được nỗi đau thuở nào. Tối đến, hắn lại tiếp tục kể những câu chuyện hài hước trên trời dưới biển, và cuối cùng là một mực thay băng mắt cho ta. Dải băng ấy, ta cũng cảm thấy đã lâu lắm không ẩm ướt rỉ máu nữa rồi, ký ức đau khổ ấy có lẽ đã nguôi ngoai, hy vọng Tử Sâm cũng được thanh thản như thế. Chỉ là, gần đây ta đột nhiên rất muốn chạm vào gương mặt hắn, biết được diện mạo hắn ra sao, rất muốn cầm lấy đôi tay lạnh lẽo của hắn, mặc dù tay ta cũng chẳng ấm áp hơn là bao."
"Hắn nói, đêm nay là đêm Thất tịch, trời quang đãng, có vài vì sao lấp lánh trên cao, có vầng trăng lưỡi liềm cong cong toả sáng. Hắn kéo tay ta ngồi xuống trước hiên nhà, rồi từ đâu lôi ra một bầu rượu đặt vào tay ta. Ta trước nay không uống rượu. Hắn im lặng một hồi, có lẽ hắn tự mình đối ẩm chăng. Một lát sau, hắn bỗng cất lời khẽ nói với ta, "Hiểu Tinh Trần, ngươi là trăng, là sao, là mây cao trên trời, ta với không tới". Ta có thể tưởng tượng được cảnh hắn ngồi cạnh ta, ngửa mặt lên trời, một tay cầm bầu rượu, một tay chỉ lên cao. Có lẽ hắn say rồi, bởi vì hắn sẽ không dẹp cái tính cách xù lông của mình mà nhẹ nhàng nỉ non với ta như thế. Ngươi đang buồn phiền điều gì sao? Ngươi như thế này thật khác quá. Thế nhưng, nếu ngươi đã nói vậy, tiểu bằng hữu, ngươi có biết không, "So với ta, lòng ngươi tựa trời, tựa bể, tựa cả thế gian bao la, ta cũng hiểu không ra". Ngươi nói ta xa vời, vậy ngươi nào có khác đâu? Và hắn cúi đầu, chạm môi ta, vị rượu cay xè. Tiểu bằng hữu, ngươi làm như vậy, nhưng lòng ta, ngươi liệu có hiểu không, có chịu hiểu hay không? Còn một điều nữa mà có lẽ ngươi chẳng ngờ đến bao giờ, trăng sao hay mây gió cũng đều treo trên trời, đều soi xuống biển."
"Ta đã tự hỏi bản thân nhiều lần, cảm giác của ta đối với hắn là thế nào vậy, qua đêm qua, ta lại tự nhủ thêm một lần nữa, chúng ta bây giờ là mối quan hệ gì đây. Thế nhưng sáng nay hắn lại quên sạch tất cả, quên mình đã nói gì, quên mình đã làm gì, cứ cười sang sảng như thường rồi thông báo một câu, "Ta đi chợ đây, đạo trưởng cùng nhỏ mù ở nhà ngoan nhé". Tiểu bằng hữu, là ngươi cố tình hay thật lòng vô tâm? Ta sẽ ganh tị đấy. Ngươi biết rõ tên ta, còn ta lại chỉ gọi ngươi một tiếng "tiểu bằng hữu". Ngươi thấy được dáng vẻ của ta, thấy được đôi mắt khiếm khuyết đằng sau lớp băng vải của ta, còn ta chỉ dựa vào chút cảm giác mà nhận ra ngươi, dựa vào thính giác mà lắng nghe tiếng ngươi lảnh lót. Thật muốn biết gương mặt ngươi trông ra sao. Tất cả những gì ta mường tượng được chỉ là một thiếu niên tuấn tú với sống mũi cao thẳng. Ngày đầu tiên ta cứu ngươi về, ngươi không đồng ý để ta lấy khăn lau mặt, cũng không đồng ý để ta thử bắt mạch cổ tay ngươi. Ta biết ngươi vẫn luôn đeo bao tay, dù bàn tay ấy ngươi chẳng cho ta chạm vào bao giờ. Ngươi thích nghịch ngợm chải tóc cho ta, nhưng chẳng bao giờ động đến đầu tóc của A Thiến, ta chỉ biết con bé từng gào to mắng ngươi vò đầu nó xù lên như tổ chim thôi. Ngươi thích tự mình thay băng mắt cho ta, rồi khe khẽ hỏi ta rằng, "Đạo trưởng, còn đau không?", nhờ ngươi, vết thương ấy đã lành. Ta đoán, vết thương lòng ta ngày trước chắc cũng đã lành."
...
"Gần đây, ta thường nhớ lại những ký ức ngày bé. Khi đó, sáng nào sư phụ cũng kiên nhẫn ngồi chải tóc cho ta, kể cả khi đó ta chưa bị mù, có thể tự làm được. Người tuy nghiêm khắc nhưng cũng rất ân cần và dịu dàng, người yêu thương ta vô cùng. Còn ngươi, tiểu bằng hữu, ngươi lúc nào cũng tỏ vẻ bất cần, nhưng ta vẫn luôn cảm nhận được sự dịu dàng của ngươi mỗi sáng ngươi chải tóc cho ta, mỗi tối ngươi thay băng vải bịt mắt cho ta. Nhưng, ngươi với ta là loại cảm giác gì vậy? Có giống thứ cảm xúc mấy ngày nay ta vẫn luôn hoảng hốt tự mình lý giải hay không? Dù sao, không quản ngươi nghĩ về ta thế nào, ta vẫn nhớ một lần ngươi từng nói, ngươi làm trợ thủ của ta, xách kiếm cho ta, trở thành đôi mắt của ta. Bây giờ vẫn vậy, vẫn là câu nói ấy của ngươi, vẫn đủ khiến Hiểu Tinh Trần mãi không quên."
"Chẳng mấy nữa mà tới trung thu. Ngày ta còn nhỏ, sư môn năm nào cũng tổ chức Trung thu thật to, chúng ta quây quần quanh một chiếc bàn vừa uống trà, ăn bánh trung thu, vừa thưởng thức vầng trăng to tròn vành vạnh, ta nghe các sư huynh sư tỷ kể chuyện, ta cũng thấy sư phụ mỉm cười hiền từ. Đến khi ta xuất sư xuống núi, ta ít khi ngắm trăng, cũng ít khi tham gia lễ lạt, chỉ nhớ trăng nơi này xa hơn và lạnh hơn so với những gì ta từng thấy trên núi. Sau nữa ta cũng chẳng còn nhìn thấy trăng. Trung thu đầu tiên ở Nghĩa thành, tiểu bằng hữu vẫn chưa hồi phục, còn nằm bẹp trên giường ăn bánh trung thu, có lẽ mặt trăng còn chẳng thấy. Ta còn nhớ khi đó ta và A Thiến cắt một phần bánh trung thu đem cho ngươi, ngồi bên cạnh giường mà nói chuyện vu vơ. A Thiến hỏi một câu thế này, "Đạo trưởng, Trung thu là tiết đoàn viên, ai cũng ở cùng người thân, ta tuy không có người thân, nhưng cũng có đạo trưởng như trưởng bối trong nhà. Trên cao kia chỉ có Hằng Nga một mình nơi cung Quảng Hàn, nàng có cô độc không?" Ta vẫn nghĩ Hằng Nga dù có cô độc vẫn có thể dốc bầu tâm sự cùng Thỏ Ngọc, còn tiểu bằng hữu lại nói tỉnh bơ, "Hằng Nga chọn bay lên trời làm thần tiên, chọn tự do tự tại không vương bụi trần, làm gì còn quan tâm đến cái thứ cô độc ấy." Thật ra, có lẽ ngươi không hiểu, dù là ai đi chăng nữa, dù là ác quỷ hay là thần tiên, mỗi người đều có một miền cô độc trong lòng."
"Sáng nay vốn đến phiên ta đi chợ, chẳng ngờ tiểu bằng hữu đã dậy sớm tranh phần đi chợ trước tự lúc nào. Đi sớm về sớm, hắn hào hứng khoe ta cái giỏ, một cái bánh trung thu thật to, một đống táo, một nắm kẹo. Hắn ném cho A Thiến mấy viên kẹo gọi nàng xách giỏ vào bếp sửa soạn bữa trưa. Hình như hắn im lặng lẽo đẽo đi theo A Thiến, ta biết kiểu gì hắn cũng gọt tỉa hết chỗ táo thành hình thỏ con. Cơm nước xong xuôi, hắn dường như lại lỉnh đi đâu mất, ta chẳng thể quản nổi bước chân hắn, nhưng ta biết, kiểu gì hắn cũng về trước giờ ăn tối thôi. Vậy mà hắn về sớm hơn ta tưởng, túm lấy mớ rau ta đang định nhặt rồi đẩy ta ra ngoài sân ngồi. Hôm nay là Trung thu, ta đoán có lẽ hắn mới học được thứ gì hay ho ngoài trấn. Vậy mà cuối cùng hắn còn tạo cho ta một bất ngờ lớn hơn, "Hiểu Tinh Trần, sinh nhật vui vẻ" - hắn đặt cái bát lên bàn đá, bảo rằng đây là mỳ trường thọ hắn mua ngoài phố, mới đem hâm nóng lên. Ta từ nhỏ đã đi theo sư phụ học đạo, bản thân không biết ngày sinh nên cũng bỏ qua sinh nhật, vì vậy cũng chẳng có cơ hội ăn mỳ trường thọ bao giờ. Có lẽ hắn hiểu thắc mắc của ta nên mới giải thích, "Ngươi đẹp như trăng rằm tháng tám, thế nên ta quyết định, từ nay về sau Trung thu sẽ tổ chức sinh nhật cho ngươi". Làm gì có ai khen một nam tử đẹp như trăng rằm cơ chứ. Hắn nói mua ngoài phố, nhưng ta vẫn ngửi thấy mùi bột mỳ sống thoáng qua, hắn thích giấu thì cứ kệ hắn vậy. Ấm áp thế này, đời này đây mới là lần đầu tiên ta cảm nhận được, cảm tạ ngươi, tiểu bằng hữu của ta."
...
"Chẳng mấy chốc nữa mà Tết về. Những ngày cuối năm này thậm chí còn lạnh hơn gấp bội, tiểu bằng hữu nói tuyết phủ trắng xoá ngoài kia, A Thiến thì thích thú chạy nhảy ngoài sân vừa đùa nghịch với tuyết vừa để cho ấm người, thỉnh thoảng lại nghe tiếng nàng đùa nghịch ném tuyết với tiểu bằng hữu ngoài sân. Đông sắp qua xuân sắp đến, năm nay là năm thứ hai ta đón năm mới cùng hắn và A Thiến rồi. Tết đầu tiên ở Nghĩa thành cũng trong rét buốt. Tiểu bằng hữu từng chê nơi này quá đỗi đìu hiu và ảm đạm, khắp nơi chỉ toàn tiền giấy với quan tài, không đen thì trắng xoá. Ta biết không khí vốn có của Tết chứ, rộn ràng, hân hoan, rực rỡ. Một nơi như Nghĩa thành phù hợp hơn với bình yên và tĩnh lặng, chứ không phải ồn ào náo nhiệt. Cái Tết đầu tiên, ta mua cho A Thiến một dải lụa buộc tóc mới, mua cho tiểu bằng hữu một đôi găng tay. Chúng ta đã đón năm mới rất mực giản dị, ăn một bữa cơm tất niên đạm bạc với rau luộc, kèm một đĩa thịt nướng ít ỏi. Tiểu bằng hữu khi đó có nói, hắn muốn Tết năm sau trang hoàng căn nhà thật tươm tất, treo hai câu đối trước cửa, ăn một bữa tất niên thật thịnh soạn. Được thôi, vậy thì năm nay theo ý ngươi nhé."
"Hôm nay đã là hai lăm tháng mười hai, mấy hôm trước ba chúng ta đã sửa soạn lại từng góc của căn nhà, tiểu bằng hữu bảo bây giờ các gian đều trông ngăn nắp gọn gàng lắm, chỉ thiếu ít giấy màu thôi. Và hắn ngay lập tức chạy đi mua giấy màu về thật. Hiếm khi thấy hắn và A Thiến không náo loạn mà cùng nhau làm việc hài hoà như thế này, hắn dọn dẹp trong bếp, chỉ đạo A Thiến quét sân, còn ta, hắn nhất định ép ta ngồi ở cái ghế tre trước hiên, bảo rằng "Đạo trưởng chữ đẹp, ngươi nên ngồi viết câu đối treo cửa đi". Hắn vẫn giống như bao đứa trẻ khác, cũng không khác A Thiến là bao, đều mong ngóng trông chờ Tết về."
"Niên niên như ý xuân
Tuế tuế bình an nhật"
"Sáng hai chín, ba chúng ta cùng nhau đi chợ sắm sửa, đã lâu rồi chúng ta mới cùng nhau đi chợ, thường ngày toàn chia nhau mỗi người một việc mà làm. Giữ đúng lời, ta mua tặng hắn và A Thiến mỗi người một bộ y phục mới. A Thiến kéo ta đi mua thêm mấy dải pháo giấy treo trang trí trước nhà, mấy dây hành tỏi về treo trước bếp. Lúc về, tiểu bằng hữu mới kéo ta đi theo hắn. Quả nhiên không ngoài dự đoán của ta, hắn đi mua kẹo và mứt quả. Một nam nhân lớn đùng lại chọn chọn thử thử trước quầy đồ ngọt, hẳn là vừa ngốc nghếch vừa buồn cười biết bao. Dường như hắn rất vui, đưa ta thử hết loại kẹo này đến loại mứt khác, cứ như chính ta mới là đứa trẻ hảo ngọt chứ không phải hắn vậy. Tết đầu tiên chúng ta là ba kẻ bèo nước gặp mặt, Tết thứ hai có lẽ chúng ta là gia đình, ta thật lòng mong chờ cái Tết thứ ba, thứ tư,... thứ mười, thứ hai mươi ở Nghĩa thành."
"Hôm nay là tất niên, từ sáng hắn và A Thiến đã tất bật dưới bếp, bảo là muốn nấu một mâm cỗ thật to mừng năm mới. Càng ngày ta càng thấy tiểu bằng hữu nấu ăn ngon hơn, nhiều lúc còn khiến ta tự hổ thẹn không bằng. Cũng phải thôi, vốn những ngày đầu đến đây hắn đã thường trổ tài cắt tỉa trái cây thành hình thú vật hết sức khéo léo rồi. Ta nghĩ, chỉ cần hắn thích, có lẽ không gì là không thể. Đêm giao thừa, chúng ta ngồi ngoài sân, ta uống trà, hai đứa trẻ còn lại thì tranh nhau mấy túi kẹo. Ta mới hỏi hai người họ về ước muốn năm mới, A Thiến bỗng buột miệng thốt lên, "Ta muốn thấy pháo hoa". Pháo hoa, nếu có cũng chỉ có thể nghe, chẳng thể chiêm ngưỡng khung cảnh diễm lệ của nó, năm xưa ở Lan Lăng thành phồn vinh, ta từng được thấy rồi, quả thực rất kỳ diệu. Cứ như đáp ứng nguyện vọng của nàng, bất chợt tiếng pháo nổ vang lên, không phải pháo hoa, bởi ta nghe tiếng nổ rất gần. "Đạo trưởng, nhỏ mù, tặng các ngươi pháo hoa nè!" Tiểu bằng hữu lại một lần nữa đem đến bất ngờ cho chúng ta rồi. Nhưng bất ngờ của A Thiến chỉ dừng lại ở tiếng "pháo hoa" thoả nguyện bấy lâu của nàng. Còn ta bỗng rơi vào một cái ôm đầy đột ngột, trên vai bỗng cảm nhận thêm chiếc cằm của một người, người đó thì thầm nói với ta, "Đạo trưởng, năm mới vui vẻ". Ta định đưa tay đón lấy, nhưng cái ôm chỉ vụt đến và thoáng qua rồi lại vụt đi, có lẽ bởi chủ nhân của nó ngượng ngùng rồi. Năm mới bình an, ngươi cũng vậy nhé!"
"Một lần nữa đón năm mới ở Nghĩa thành, cuộc sống ở ở đây nhiều lúc khiến ta có cảm giác là chốn dừng chân cuối cùng của mình. Có lẽ ta thật sự nên cảm tạ ông trời vì đã để cho ta được gặp A Thiến và ngươi. Nhiều lúc ta cũng nghĩ, thiếu đi tiếng cãi cọ của hai đứa sẽ trống vắng ra sao, thiếu tiếng nói lảnh lót của ngươi mỗi sáng kéo ta ngồi xuống chải đầu, thiếu tiếng giục có chút mất kiên nhẫn của A Thiến khi gọi ngươi về ăn cơm, ta sẽ lại là ta cô độc. Ta ước gì, chúng ta hàng ngày thức dậy thì chia nhau đi chợ, cùng ăn bữa trưa bữa tối, thi thoảng tối tối ngồi bên bếp lửa kể chuyện vu vơ, đêm đến ta cùng ngươi đi săn. Ta cũng ước, mỗi ngày thức dậy ngươi đều nhận được một viên kẹo, ta đều được cảm nhận ngón tay ngươi khẽ lướt qua mái tóc ta, khẽ chạm nhẹ băng vải bịt mắt ta. Ta không dám tham lam quá nhiều, ước nguyện năm mới của ta chỉ cầu năm tháng mãi bình yên như thế."
.
.
.
.
.
.
.
.
.
Tiểu bằng hữu, ta nên gọi ngươi thế nào đây? Ngươi là tiểu bằng hữu của ta, là người sớm tối kề bên, là người có tiếng nói lảnh lót, tiếng cười giòn tan. Nhưng ngươi cũng là Tiết Dương, kẻ mà ta sợ hãi nhất, kẻ mà ta căm thù nhất. Phải than vận mệnh trớ trêu, hay phải khen ngươi đã kỳ công biết bao nhiêu để dựng nên màn kịch hoàn mỹ và trọn vẹn này. Chẳng hay, trong lúc ngươi diễn, có từng đem một chút chân thành?
Ngươi biết không, khi A Thiến nói với ta ngươi là tên ác nhân Tiết Dương, ngươi có chín ngón tay, ngươi vẫn luôn mượn tay ta giết trăm mạng người, ta còn cho rằng nàng nói đùa, rằng nàng đang bịa đặt nói xấu ngươi, bởi các ngươi vẫn hay khắc khẩu. Ta muốn nghe ngươi giải thích, muốn nghe chính miệng ngươi nói một câu không phải, ta cũng không biết nếu ngươi nói dối ta như thế ta có mù quáng mà tiếp tục tin ngươi hay không. Nhưng ngươi đã nói gì hả tiểu bằng hữu của ta? Ngươi chơi vui chứ? "Vui", Ngươi đã trả lời ta như vậy. Giống như một vết dao sâu hoắm, không phải đâm một nhát chí mạng rồi dứt khoát rút ra, mà là khẽ chém vào rồi từng chút một khoét trọn cõi lòng. Nực cười biết bao, ta còn khắc ghi lời ngươi hứa hẹn lừa gạt, rằng ngươi sẽ làm trợ thủ của ta, xách kiếm cho ta, trở thành đôi mắt của ta.
Ngươi nếu thấy vui, có thể đùa bỡn một mình ta thôi, cớ sao kéo theo cả trăm mạng người liên luỵ? Trăm mạng người, theo sự chỉ dẫn của ngươi, đều chết dưới kiếm của ta! Ngươi biến ta thành ác quỷ, ngươi khéo léo dùng tay ta, kiếm ta mà vấy máu hàng trăm mạng người! Uổng thay ta còn ngây thơ khen ngươi tinh nhanh, nhạy bén. Uổng thay ta còn tin tưởng ngươi mà nghi ngờ cả A Thiến. Quả nhiên, ngươi vẫn thay thế được cho đôi mắt mù lòa của ta, thay nó bằng con mắt của kẻ thập ác bất xá là ngươi.
Ngươi ngày ngày thay băng vải bịt mặt cho ta, ngày ngày hỏi ta còn đau không, thì ra chỉ để cười nhạo ta ngu ngốc đặt niềm tin vào kẻ gây nên nỗi bất hạnh của cả ta và Tử Sâm. Ngươi ngày ngày chải tóc cho ta, có phải ngày nào cũng mất công suy nghĩ xem lúc nào thì nên ngửa bài với ta, đúng chứ? Chẳng qua, ngươi yêu thích trò chơi này, ngươi muốn nhìn thấy con rối là ta đây giãy dụa trong vở kịch bình yên ngươi dựng ngươi diễn.
Ta cho rằng ông trời rủ lòng thương hại, đem ngươi đến với ta, ban cho ta một bằng hữu, một tri kỷ thứ hai. Thì ra, tất cả đều là ta tự hoang tưởng. Từng khoảnh khắc ngươi thân cận với ta, có phải đều cười nhạo ta dễ dãi ngu ngốc? Từng lời nói ngươi bất chợt thốt lên, có từng lẩm nhẩm trước trăm lần sao cho chân thật đáng tin? Ta vẫn luôn cho rằng tình cảm của ta là đáng giá, nhưng ta không ngờ thứ cái giá của nó lại đắt đến vậy. Ta thực lòng cho rằng Nghĩa thành sẽ là nơi dừng chân cuối cùng, cũng ảo tưởng ngươi cũng nghĩ như vậy, hoặc ít nhất ngươi cũng từng hồi tâm chuyển ý. Nhưng hoá ra, nơi này chỉ là một nơi ngươi tạm thời ghé qua, tạm thời hứng thú chơi đùa.
Còn ta, cũng chỉ là một con rối tạm thời của ngươi...
Và ngu ngốc yêu ngươi...
---END---
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top