Mùa xuân trở về (2)

      Lúc Toàn tỉnh lại vẫn thấy súng nổ. Có lẽ anh bị ngất đi một lúc. Anh nghiêng mắt nhìn sang bên, cố xác định vị trí và thấy tiếng 12 ly 7 phía sau lái vẫn bắn quyết liệt, đạn bay đỏ lừ mặt biển. Xung quanh anh, ngay trên nóc hầm hàng, vài người nắm bất động, ở mũi tàu vẫn có tiếng RPĐ nổ đanh gọn. Thuyền phó Chiến quỳ, dựa vào lan can thành hầm hàm đang siết từng loạt đại liên. Toàn nhìn lên, qua ánh lửa vẫn chưa dập hết ở cửa buồng lái, thấy kính buồng lái vỡ hết. Anh cố nghiênh người ngồi dậy, thấy thuyền trưởng thò đầu ra khỏi cửa kính vỡ gọi xuống:
        - Chiến ơi! Thằng Toàn tỉnh lại kìa!
        Phó Chiến ngừng bắn bò lại dỡ Toàn dậy bảo:
        - Sắp vào bờ rồi, bọn nó tụt lại phía sau không dám vào gần.
        Vừa nói xong, thuyền phó bị một viên đạn trúng vào đầu, văng người ngã vật xuống. Toàn nghiến răng, một tay ôm bụng, một tay bóp cò khẩu đại liên. Đã thấy bờ đen sẫm sừng sững trước mặt. Đạn từ bờ cũng bắn ra chặn bọn giặc, nghe chớp lửa đầu nòng dữ dội.
        Tàu bị thương nặng. Nó chui tọt vào dòng kênh rộng, rừng đước ôm gọn lấy nó, nuốt chửng nó. Bọn giặc bên ngoài lồng lộn. Tàu được giao cho địa phương, các thủy thủ được chuyển lên bờ băng bó. Ông Chín vừa chỉ huy nhanh chóng bốc hàng và chuẩn bị chống càn. Ông xuýt xoa kêu lên:
      - May! Cũng còn may, thằng Năm còn gặp được vợ con.
      Ông Năm bị thương rất nặng vào đầu và vai ngực, về đến bờ thì xỉu. Vợ con đã biết chuyện từ lâu và chờ tàu ông quay trở về. Họ lặng lẽ cùng bà con khênh ông và các chiến sĩ bị thương, tử sĩ lên ghe chở đi. Toàn lại ngất đi một lần nữa, kịp nhìn thấy cô gái mà anh mong gặp lại, cô nhìn anh, ánh nhìn rất đỗi thân thương.
        Lúc Toàn tỉnh dậy, mọi người cho biết ông Năm đang hấp hối. Anh nài cho gặp thuyền trưởng bằng được. Tiếng trực thăng quần đảo, bắn rốc két ngoài bờ biển; bọn Ngụy đang chuẩn bị càn vào. Dân quân và bộ đội địa phương đang chống càn. Ông Năm nằm thiêm thiếp trên chiếc sạp giữa rừng đước. Các chiến sĩ bị thương cũng nằm ở đó cả. Toàn nhìn thấy vợ con ông cũng ở đây. Họ đều khóc. Một lúc sau ông Năm tỉnh lại; người vợ nắm chặt tay ông. Ông thều thào:
      - Tha lỗi cho tôi! Tôi có lỗi...
      - Ông không có lỗi gì cả! Gặp được như thế này là phúc cho tôi với con Hai quá rồi ông ơi.
      Bà khóc, làm mấy người chảy nước mắt. Ông Năm kéo tay con gái bảo:
      - Gắng tiến bộ, mạnh giỏi theo các chú, các anh trả thù cho ba.
      Cô gái vâng, gật đầu lia lịa, nước mắt trào ra. Vết thương ở ngực ông Năm chớm chỗ tim. Y sĩ của tàu nói ông không qua được. Ông dặn dò các đồng chí gắng đưa tàu ra Bắc, tiếp tục chiến đấu. Ông còn nói nếu ai còn gặp lại ông Tư Mau và cả Đại tướng Tổng tư lệnh, cho gửi lời chào chiến thắng. Ai cũng biết ông đã được gặp Đại tướng và được gặp cả Bác Hồ.
       Độ nửa giờ sau, ông Năm bắt đầu nấc và lịm dần đi. Vậy là tàu bị hy sinh 6, bị thương 6, còn 6 người lành lặn. Chiến thắng mùa khô 65 - 66 cổ vũ các chiến các chiến sĩ quyết tâm bám trụ và sẵn sàng trở ra Bắc nhận nhiệm vụ. Khu vực biển này bị phong tỏa gắt gao và họ chưa thể quay ra được.
***
       Một buổi, ông Chín bí thư tìm gặp Toàn, xem ra có vẻ xúc động. Ông bảo:
       - Này, cháu quê Hải Hậu, Nam Định hả?
       - Dạ! - Toàn trả lời, bỗng nhiên thấy cảm giác rất lạ, như là sắp đoán ra cái gì đó, nhưng anh chưa rõ cái linh tính ấy.
       - Cháu ở xã nào?
       - Dạ, Quần Phương ạ!
       Mang tai ông Chín hơi giật giật. Ông run run bảo:
       - Qua cũng quê Hải Hậu đây, xã Quần Phương đây!
       Giờ thì đến lượt Toàn ngạc nhiên:
       - Nhưng sao bác nói tiếng Nam?
       Ông Chín cười:
       - Quen theo hoàn cảnh thôi!
       Ông bắt đầu nói chuyện giọng đặc miền Bắc, có lúc có câu pha chút lơ lớ của Nam Bộ, nhưng cái chất giọng Hải Hậu kéo dài âm tiết cuối nghe không lẫn đâu được.
      - Thế cậu con cái nhà ai, tên bố mẹ là gì? Xóm nào?
      Toàn kể xong, ông Chín ôm lấy anh và khóc, lặng đi. Ông chính là bác ruột của anh. Ông Chín kể cho Toàn nghe cái ngày ông bỏ làng vào Nam để trốn Pháp bắt lính trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Lúc ông đi, em trai của ông, tức là cha của Toàn mới 5 tuổi. Ngày bé, lúc bà nội còn sống có kể cho Toàn nghe có người bác bỏ đi mất tích. Ông Chín được giác ngộ cách mạng tại Phú Riềng, hoạt động cách mạng, bị bắt và bị đầy đi Côn Đảo, vượt ngục về Thới Bình hoạt động tiếp. Không ai biết gốc tích của ông là người Bắc. Ông kể lại như in những cảnh quê hương làm Toàn ngồi lặng nghe xúc động. Ông nói:
       - Bác mong có ngày chiến thắng, được trở về, nhìn lại quê hương. Gặp cháu ở đây coi như là đã gặp lại gia đình mình, có chết cũng được rồi!
       Toàn được gặp các con Ông Chín, họ đều là fu kích. Chỉ có người chỉ huy của Toàn và Hai được biết điều đó. Ông Chín có ý gán Hai với Toàn.
***
     ... Toàn đã biết chèo ghe đi bắt cá lóc, bắt rùa trong rừng đước. Một lần, Hai chèo ghe chở Toàn vào rừng. Toàn ngồi trên mũi, mân mê khẩu súng trong tay, đắm đuối nhìn người yêu. Anh bảo:
      - Em hò đi!
      - Hò chi? - Cô gái hỏi lại
      - Hò gì cũng được.
      Rất tự nhiên, Hai cất tiếng hò, tiếng cô trong, cất lên giữa bao la rừng đước nghe xao xuyến lạ lùng. Toàn ngồi ngắm người yêu, lòng tràn lên niềm thương yêu. Anh nói:
      - Chiến thắng rồi sẽ đưa em ra Bắc, đồng lúa quê anh bao la, hết tầm mắt...
      - Nhưng em hổng ở miền Bắc, em phải ở đây với má!
      - Thuyền theo lái, gái theo chồng chứ! Cho má ra Bắc ở luôn.
      - Má phải ở lại hương khói cho ba.
      - Mang cả ba ra Bắc.
      - Không! Ba đã trở về quê rồi, mang ba đi đâu nữa?
      Cô gái như muốn khóc, Toàn phải rối rít nịnh:
      - Thế thì anh ở rể cũng được, như bác Chín có sao đâu - Anh nhảy lại ôm người yêu, cô gái giãy, làm con thuyền tròng trành. Cả hai người ngã xuống sạp. Được thể, Toàn ôm ghì lấy và họ hôn nhau rất lâu, giữa ban ngày, giữa rừng đước mênh mông. Cô gái buông Toàn ra:
      - Con trai Bắc Kỳ liều dễ sợ!
      - Quá liều! - Toàn đai lại.
      - Con trai Bắc Kỳ kể ra cũng hiền phải không anh?
      - Thế anh có đẹp giai không?
      - Không! Anh xí lắm!
      - Thế mà mấy o bảo anh đẹp giai mới chết chứ!
      - Đó là mấy o mắt lác đấy! - Cô gái cười khúc khích. - Coi kìa! Người ta mới nói thế, mặt đã trông ngố dễ sợ!
      Mùa đó là mùa xuân.
      Toàn hăm ba tuổi. Đến hè ông Chín cưới vợ cho Toàn. Cô dâu là con gái thuyền trưởng Năm. Họ phải ở lại căn cứ thêm mấy tháng nữa. Và một đêm tối trời, sau khi đã sửa chữa và chuẩn bị tàu xong, tình hình thuận lợi, tàu xuất phát vượt qua vòng vây của kẻ thù, trở ra miền Bắc.
Ba
      Sau lần đó, Toàn được điều chuyển sang một thuyền khác, theo luồng khác. Khu vực biển Khu Chín địch phong tỏa gắt gao, các chuyến tàu xuất phát đều phải quay trở lại hoặc bị đánh chặn, phải hủy tàu. Trong một chuyến đổ bộ vào Phú Yên, tàu của Toàn đụng độ giặc buộc phải hủy tàu, thủy thủ hy sinh gần hết. Toàn bị thương nặng, nhưng lại một lần nữa thần chết thua anh. Anh được bà con đùm bọc, sau đó vượt Trường Sơn ra Bắc. Ở trong Cà Mau, Hai nghe được tin Toàn đã hy sinh cùng con tàu, nhưng cô vẫn tin anh còn sống, sẽ trở về. Cô vẫn nói với mọi người như vậy. Hai xin với cán bộ chủ lực của khu, chiến đấu gan dạ, đến năm 1975 là thượng úy, phụ trách Ban binh vận của trung đoàn. 
      Giải phóng Trường Sa xong, vào tháng 9-1975, Toàn lúc này là thượng úy thuyền trưởng, tranh thủ trở về Cà Mau tìm vợ.
      Vào một buổi chiều, có một anh bộ đội khoác sắc - cốt, hông đeo súng lục theo tàu khách lên bến Kinh Nước Mặn. Anh rắn rỏi và cương nghị, thoăn thoắt bước tới phòng khách Ban đại diện chính quyền và hỏi ông Chín Tân. Cả làng, cả xã ai cũng biết ông Chín. Họ bảo ông chết rồi. Anh bộ đội hối hả theo ghe đi vào con lạch. Các con ông Chín tả cho Toàn nghe cái chết của ông trước ngày giải phóng hai năm. Lúc đó Thiệu phá Hiệp định Pari, cho quân lấp líp các vùng giải phóng. Ông Chín tổ chức dân quân đánh lại và hy sinh. Trước lúc chết ông dặn: Nếu Toàn còn sống quay lại, phải đưa ông trở về quê cha đất tổ.
        Tối hôm sau, thượng úy Hai được tin Toàn trở về, cô tức tốc về Biển Bạch. Đứng bên này kinh cô gọi sang bên: - Anh Toàn ơi! Ra đón em... Toàn nghe tiếng vợ gọi, buông bát cơm, lao lên ghe qua kinh. Họ gọi nhau tiếng lan qua sóng nước. Bà con lối xóm đổ ra kinh chứng kiến cuộc gặp gỡ của vợ chồng họ. Hôm sau, vợ chồng Toàn chèo ghe đi chào khắp bà con.
       Vào dịp mùa xuân năm sau, Toàn đưa vợ ra Bắc và đưa di hài ông Chín về quê. Tính từ khi ông Chín bỏ quê trốn đi là tròn 60 năm; tính từ khi ông Năm ra đi và trở về là tròn 10 năm; tính từ khi Toàn gặp rồi xa người yêu cũng là 10 năm.

       Biển rộng dài vĩ đại, nhưng cũng chỉ có một con đường theo hướng Bắc - Nam, mang họ trở về với đất mẹ, với mùa xuân của đất nước.

*** Ngồi mà muốn trĩ luôn, uhuhu lâu quá***


      

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top