Tôi nghe thấy
Một chiều tan trường, tôi đạp xe chở con bạn thân về như mọi ngày. Ngồi nhấp nhổm sau xe, Nó hỏi:
- Chiều nay mày có rảnh không?
- Bây giờ là mấy giờ chiều rồi mà mày hỏi chiều nay tao rảnh không? Chả phải cả buổi chiều tao học trên lớp cùng với mày rồi còn gì.
Gió nhẹ làm tóc nó bay bay. Cứ mỗi lần Nó hỏi hay nói một câu gì là Nó lại ló cái đầu qua vai tôi. Tóc quật vào má tôi rất khó chịu.
- Ý tao là sau khi chở tao về rồi á.
- Thường thì tao cũng về nhà.
- Vậy là chiều nay mày rảnh hả?
- Ừ.
Tôi nghe thấy tiếng Nó ngập ngừng vài ba giây, và tiếng hỏi:
- Vậy chở tao đi mua đàn được không? Đàn ghi-ta í.
Tôi cười giòn:
- Có thế mà cũng ấp a ấp úng. Mà sao nay chị trẻ lại nghĩ ra trò chơi này vậy?
Bọn tôi đi ngang một dải những cánh bướm trắng chập chờn bay quanh những bông hoa cỏ dại ven đường. Tôi ngoảnh lại thấy đôi mắt Nó đang cười, tươi tắn như những bông hoa.
- Nghĩ sao mà mày gọi đó là trò chơi vậy cu? Anh Phong ở gần nhà tao chơi ghi-ta hay lắm. Tao xem ảnh đàn hoài. Đến mùa thu vừa rồi ảnh lên Sài Gòn học cao đẳng thì chả còn ai đàn cho tao xem nữa. Nên giờ tao muốn tự mình chơi đàn.
Phong là thằng cha ở gần nhà Nó, hơn tôi một tuổi, đẹp trai và có tài đàn hát. Nghe Nó nói về hắn ta bằng vẻ say mê như vậy tôi rất bực mình. Tôi nói:
- Thế sao mày không theo anh Phong của mày lên Sài Gòn luôn để hắn đàn cho mày nghe?
- Mày điên hả?
Tôi nén tức bằng cách cắm đầu cắm cổ đạp xe. Nhưng sau khi nghĩ ngợi đủ điều, tôi lại trìu mến hỏi:
- Vậy muốn mua đàn ở đâu? Tao chở mày đi.
- Ở trên phố á - Nó vô tư trả lời.
" Ké...ét". Tôi nổi giận thắng xe lại, và mắng Nó như mắng một con mèo.
- Ở TRÊN PHỐ - Tôi thét to từng tiếng một - Sao không mở mồm ra nói sớm? Đi được một quãng xa thế này rồi lại bắt tao phải quay lại đèo mày lên phố nữa hả?
Nó trả lời nhỏ xíu:
- Vì anh Phong bảo sẽ tặng tao một cây đàn mua từ Sài Gòn về. Tao đắn đo lắm mới quyết định nhờ mày chở đi mua chứ cũng đâu có muốn làm phiền mày.
- Phải, phải rồi - tôi vừa nói vừa thở dốc - mày không việc gì phải nhận đồ của thằng đó. Nếu muốn mua, tao sẽ chở...
- Mày sẽ chở tao đi hả?
Nó nhảy cẫng lên vui mừng, nhưng rồi lại hụt hẫng tột độ khi thấy tôi ngao ngán nhìn con đường lên phố dài dằng dặc.
- Ngày mai đi, chiều nay tao không rảnh.
Hai đứa leo lên xe về, trên đường Nó cứ im thin thít làm tôi bứt rứt không nguôi. Rốt cuộc tôi cũng buộc phải quay xe chở Nó lên phố. Mãi đến tối chúng tôi mới mua được đàn về. Nó thì hớn hở ngồi sau gảy đàn tưng tửng. Tôi ngồi trước chở Nó mà mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm lưng áo. Mệt vậy nhưng được nhìn thấy Nó vui, trong tôi cũng nở ra một niềm vui rạng rỡ. Do trời tối nên tôi cán phải đá làm hai đứa ngã bật ngửa, há mồm cười.
Nó với tôi chơi thân với nhau từ rất lâu rồi.
Xưa giờ vẫn vậy, tôi luôn phải chiều theo ý thích của Nó. Hồi nhỏ là thả diều, hái hoa, lớn thêm tý nữa là trốn học đi lang thang, còn bây giờ là đàn ghi-ta. Nó lôi kéo tôi theo những sở thích sến súa ấy nhiều lần đến nỗi tôi không thể nhớ được sở thích của riêng tôi là gì. Nhưng mỗi lần đi chung với Nó, nhìn thấy Nó vui tôi cũng vui lây. Vả lại, tôi còn được trả thêm một niềm vui thầm kín khác. Đối với một thằng con trai mười tám tuổi đầu mà ngày nào cũng có một đứa con gái ngồi sau xe để mình chở về vậy là quá vui rồi. Tính ra tôi cũng đâu có thiệt lắm. Đã thế, thì cứ xem như sở thích của riêng tôi là Nó đi.
Năm nay là năm cuối cấp của chúng tôi. Tôi học rất dốt, Nó thì khá hơn nhiều. Bọn tôi sống ở một vùng nông thôn có nhiều cánh đồng. Thời gian thấm thoát trôi đi, mới đấy mà mùa thu sang năm nó sẽ phải lên Sài Gòn học. Có khi lên đó nó lại gửi về cho tôi một cây đàn để khi một mình chơi cho đỡ buồn cũng nên.
Từ ngày đó, Nó hay tập đàn ở nhà, Nó bảo tôi vậy. Cứ mỗi hôm gặp nhau trên lớp, Nó lại trình bày cho tôi biết hôm qua Nó tập đàn những gì, tập tới bước nào: luyện ngón, rải điệu, hợp âm, quạt chả... lung tung cả lên trong khi tôi có biết gì đâu. Một hôm tôi đang ngồi say sưa ngoáy mũi trong giờ học toán thì Nó vo một cục giấy ném vào đầu tôi.
Tôi mở tờ giấy ra xem, nét chữ của Nó đẹp phết.
- Hôm qua tao vừa đàn vừa hát được rồi đấy mày ơi! Tao tập đàn đến tận khuya mẹ tao ngủ không được mắng cho một trận.
Tôi nhìn sang thì Nó nhe răng ra cười. Lớp học đang rất im ắng, chỉ có tiếng giảng bài của thầy giáo.
Tôi viết thư trả lời rồi ném một cú thật mạnh vào đầu Nó cho Nó tỉnh ra.
- Thế mày không học hành gì à? Dở hơi dở hồn vừa chứ.
Nó hý hoáy rồi lại ném cục giấy ấy lại cho tôi.
- Nhưng mà tao vừa đàn vừa hát được rồi đó mày.
Tôi chán nản chuyền cục giấy lại cho Nó, trong đó chỉ có vỏn vẹn một từ:
- Ừ.
Chỉ có thế thôi mà Nó phá lên cười hầm hố giữa lớp học đang yên tĩnh. Cả lớp ai cũng sững sờ, thầy giáo cũng sững sờ. Thầy nói:
- Em kia. Tôi giảng bài này hài lắm à? Nếu em cảm thấy hứng thú vậy thì mời em lên bảng giải bài tích phân này hộ tôi.
Nụ cười của Nó xẹp lại thành một cái trề môi trước khi Nó làm theo lời thầy. Nhờ Nó lên bảng nên tôi mới biết thời gian qua Nó học hành sa sút cỡ nào. Bài tích phân đó dễ đến nỗi ngay cả tôi còn suýt nữa là giải được. Thế mà Nó giải không ra, cứ đứng tần ngần mãi cho đến hết tiết học.
Tan học, tôi hùng hổ mắng Nó:
- Con hâm. Đàn với chả hát. Mày xem có ai vô duyên như mày hôm nay không?
Nó xừng xỏ đáp trả, nhưng thực ra là lý sự cùn:
- Phải. Tao vô duyên. Vì một lời cộc lốc của cái thứ hững hờ như mày mà tao biến thành một con thần kinh bệnh hoạn. Thế đấy! Rồi sao?
Nói xong Nó khóc. Tôi nghĩ nó không cố ý khóc đâu vì Nó quay mặt đi để giấu đôi mắt đỏ hoe. Nó tính vụt chạy, nhưng tôi kịp chụp lấy tay Nó kéo lại.
- Có cái gì mà phải khóc?
Tôi nhìn vào bàn tay Nó và sửng sốt khi thấy những cục chai loang lổ, xấu xí. Có ngón chưa chai hẳn mà sưng tấy lên, hằn sâu vết cứa của dây đàn. Bàn tay con gái mỏng manh của Nó giờ trông thật dị hợm, chẳng biết phần nào mới là da thịt.
Nó vẫn khóc. Tôi bưng bàn tay Nó đưa ra trước mặt, hỏi:
- Có đau không?
Nó lắc đầu.
- Đau.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top