mở
"Mày nghĩ ba má chịu chị Tiên không út?"
Đêm nay, trăng sáng vằng vặc. Dưới bụi tre già sau nhà, Thy Ngọc và út Hậu ngồi thì thầm tâm sự. Con Thy nốc ừng ực từng ly rượu trắng, vừa uống vừa vân vê chiếc nhẫn bạc ở ngón áp út. Đôi mắt mơ màng cứ long lanh như trăng trên trời.
"Ba Phương thì dễ rồi còn má thì...tao không chắc"
Rồi không khí lại chìm về thinh lặng, chỉ còn tiếng dế cùng tiếng ếch nhái kêu ngoài đồng. Chợt có tiếng lục đục phía trong bếp, hai đứa hoảng hồn vội giấu cái bình rượu với mấy cái ly xuống dưới chân, may sao người lú đầu ra nhìn là 2 Quỳnh
"Hai đứa bây nhậu không rủ tao hả?"
Quỳnh trách yêu, vừa ngồi xuống, vừa nhìn gương mặt đăm chiêu của đứa em mình. Nhìn là đủ biết Thy Ngọc đang nhớ Tóc Tiên, đâu còn lí do nào khác biện minh cho cái việc nó trốn ra đây uống rượu giờ này đâu?
"Ủa chị tưởng Thy mới lên Sài Gòn về? Nhớ người ta lẹ vậy?"
Câu hỏi bâng quơ của Minh Hằng khiến ánh mắt Thy Ngọc càng thêm mông lung. Chị từ trong nhà bước ra, mang theo dĩa đậu phộng rang cùng vài quả trứng vịt lộn. Thấy đồ ăn, út Hậu sáng mắt hẳn lên, lén bóc trước một quả, bỏ mặc ba đứa lớn còn đang bàn chuyện của 3 Thy.
"Hôm qua em lên thăm xong về đây liền. Tiên còn đang sốt cao, mà em không bỏ việc nhà mình được." Giọng Thy lè nhè, do men rượu thì một, do nỗi nhớ thì mười. "Ba cái Tết rồi, em thiệt tình là không muốn để Tiên một mình trên đó nữa."
Nó dứt lời, không gian lại rơi vào yên lặng. Ánh Quỳnh, Minh Hằng và út Hậu chỉ biết ngồi nhìn con Thy, chẳng đứa nào cất nổi lời an ủi. Nhỏ này coi vậy chứ số nó khổ. Không phải khổ tiền khổ bạc mà là khổ tâm.
Thy Ngọc là con giữa của nhà Phan Bùi – một gia đình tiếng tăm lẫy lừng khắp lục tỉnh Nam Kỳ, nhắc đến không ai là không biết.
Bà hội đồng Bùi, tên đầy đủ là Bùi Lan Hương, thuở nhỏ từng sống trong cơ cực, lam lũ bươn chải từ sớm để xây dựng cơ đồ từ hai bàn tay trắng. Mất bao nhiêu mồ hôi và nước mắt mới dựng nên sản nghiệp đồ sộ như ngày hôm nay. Năm ba mươi hai tuổi, bà kết hôn với trưởng nữ của Phan gia, Phan Lê Ái Phương – một người phụ nữ thông minh, sắc sảo, rồi sau đó sinh liền 3 đứa tiểu quỷ: đứa lớn là Ánh Quỳnh, đứa út là Thuý Hậu, còn giữa chính là Thy Ngọc.
Tuy là sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, lệch nhau vài phút đồng hồ nhưng ba đứa mỗi đứa một tính, mỗi người một vẻ. Bề ngoài thì xinh xắn, sáng ngời còn cái cốt đàn ông bên trong thì 3 đứa như một, thêm cái ngữ quậy làng phá xóm thì thôi không ai bằng. Từ người già tới trẻ nhỏ trong làng, chưa ai là chưa bị 3 đứa này dợt qua một lần. Nuôi dạy được tụi nhỏ lớn lên, Bùi Lan Hương và Ái Phương hao công tổn sức bao nhiêu mà nói.
Đứa lớn, Ánh Quỳnh giống hệt ba Phương, từ dáng người cao gầy, nước da ngăm ngăm cho đến nụ cười duyên có đồng điếu. Tính cách thì lại thừa hưởng phần nhiều từ mẹ: ngay thẳng, quyết đoán nhưng khá trầm lặng. Vì vậy, Ánh Quỳnh từ sớm là người theo mẹ học cách quán xuyến chuyện trong nhà, từ sổ sách, lương bổng, đến ruộng đồng, gia công. Lớn lên, Quỳnh trở thành cánh tay phải của mẹ, cùng mợ Hằng lo liệu mọi chuyện nội bộ gia đình.
Út Hậu giống cả ba lẫn mẹ. Gương mặt và dáng vóc mảnh mai là di truyền từ Ái Phương, nhưng chiều cao thì lại thừa hưởng trọn vẹn từ bà Hương. Sinh sau hai chị có vài phút, nhưng từ nhỏ Hậu thường xuyên đau ốm nên được cả nhà cưng chiều hơn hết. Tính nó hiền hòa lại dễ chịu, gặp ai cũng được thương được quý. Việc lớn việc nhỏ trong nhà đã có hai đứa lớn lo liệu, Hậu vì thế chẳng cần phải bận lòng nhiều. Phần lớn thời gian, nó dành cho niềm đam mê nhiếp ảnh, thỉnh thoảng phụ giúp công việc lặt vặt cho ba má hoặc lo giấy tờ chứng từ cho Quỳnh với Thy.
Còn Thy Ngọc, đứa giữa, lại giống bà Hương nhất. Dáng người không quá cao nhưng đầy đặn, làn da trắng bóc, đặc biệt đôi mắt và nụ cười y hệt bà hội đồng thời trẻ, không lẫn vào đâu được. Tính cách Thy Ngọc lại vượt trội nhất trong cả 3, sởi lởi, khéo ăn khéo nói, có tài ngoại giao, rất giống Ái Phương. Những việc cần giao thiệp bên ngoài như hợp tác với chủ đồn điền hay giao tiếp với quan chức phần nhiều do Ái Phương cùng Thy Ngọc đảm đương.
Bề ngoài, ai cũng tưởng Thy Ngọc là một đứa vô tư, chỉ biết nghịch ngợm, phá phách, chẳng bao giờ để tâm tới chuyện lớn. Cũng vì lẽ đó mà khi bà hội đồng cho Thy Ngọc đi Pháp du học, xóm giềng không ngớt lời ra tiếng vào, cho rằng bà đang "ném tiền qua cửa sổ", rằng gửi con Thy đi học chẳng khác nào lãng phí, vì sớm muộn gì nó cũng phá sạch gia sản chứ chẳng giúp ích được gì.
Người ta nhìn vào chỉ thấy Thy Ngọc được nuông chiều, không phải lao động vất vả. Nhưng ít ai biết, nó không khổ vì sức, mà khổ vì tâm. Những suy nghĩ, những áp lực, những nỗi niềm về gia đình và tương lai – những điều nó chưa từng giải bày với ai – mới là thứ khiến Thy Ngọc mệt mỏi nhất.
Bởi vì thực ra, trách nhiệm đặt trên vai Thy Ngọc nặng nề hơn người ta tưởng, nó cũng ý thức được điều đó. Từ nhỏ, nó đã phải suy nghĩ, tính toán trước sau vì gia đình. Những bữa tiệc, những cuộc họp mặt, những mối làm ăn đều trông cậy vào tài ăn nói của 3 Thy. Thậm chí, nó còn chấp nhận từ bỏ công việc mơ ước để trở về cùng Quỳnh gánh vác cơ nghiệp. Không phải vì muốn, mà vì bổn phận không cho phép nó làm khác.
Chuyện tình cảm của Thy Ngọc chẳng được suôn sẻ, ấm êm như cậu mợ Hai hay út Hậu với cô giáo Yến. Hễ nó để ý ai, thì y như rằng người đó lại lợi dụng; còn khi thật lòng với ai, thì người ta lại bỏ nó đi. Tình duyên của 3 Thy, nói không ngoa, chính là chuỗi ngày trăm bề trắc trở.
Đến khi trở về Sài Gòn sau những năm học ở Pháp, Thy Ngọc mở một xưởng vẽ nhỏ cạnh một tiệm may. Duyên số thế nào lại đưa đẩy cho cô chủ tiệm may ấy khâu lành những vết thương lòng của nó. Và rồi, lần đầu tiên sau những năm tháng lận đận, Thy Ngọc tìm được người mà bản thân thực sự muốn gắn bó cả đời.
Nguyễn Khoa Tóc Tiên là một người phụ nữ không chỉ xinh đẹp mà còn thông minh, khéo léo và đảm đang. Tóc Tiên dáng người thanh mảnh, cao ráo, phong thái dịu dàng nhưng dứt khoát, ai gặp cũng quý mến. Và cũng rất được lòng cậu mợ 2 lẫn út Hậu.
Lý do mà ba Phương và má Hương chưa được hay biết là vì gia cảnh của Tóc Tiên phạm phải cái "huông" mà người lớn thời ấy rất kiêng dè. Nàng là người mồ côi cha mẹ, lớn hơn Thy Ngọc vài tuổi, đã qua một đời chồng và từng là đào hát – một cái nghề mang đầy định kiến từ xã hội.
tbc
tôi lại đào cái hố mới, nhưng mà toi hong biết khi nào viết xong nữa. gia đình mình đọc tới đâu hay tới đó nhaaa, hỗ trợ nha, thương tui nha❤️🔥
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top