Tiềm thủy đỉnh tự sát P1
năm mới truyện mới!!!
trong thời Đệ Nhị Thế Chiến tinh thần Nhật Bản đã trở nên bất tử và nổi tiếng, để giúp thêm cho các bạn hiểu về tinh thần vị nước quên mình của những Kamikaze, Kaiten v.v... Mình giới thiệu với người một trong những quyển sách ưa thích của mình TIỀM THỦY ĐỈNH TỰ SÁT, qua quyển sách này hi vọng mọi người sẽ có thêm những thời gian giải trí hữu ích và hiểu thêm về tinh thần cảm tử của người Nhựt.
Quyển sách này sẽ được mình đánh máy lại và giữ vững nguyên gốc của NXB Sông Kiên và bản dịch của Nguyễn Nhược Nghiễm với lối hành văn cũ.
Ngoài ra, cũng mời anh em tham gia cùng với mình trong việc post lại quyển sách nầy bằng việc sưu tầm thêm các bản đồ cũng như những loại vũ khí xuất hiện trong quyển sách.
Chúc mọi người một năm mới có hạnh phúc mới, niềm vui mới và ... tình yêu cũ với gia đình và ... mô hình.
Sakaifan
--------------------------------
TIỂM THỦY ĐỈNH TỰ SÁT
Tháng 8 năm 1944, Yutaka Yokota, tác giả quyển sách này, đã tình nguyện hiến dâng mạng sống của mình để bảo vệ nước Nhựt.
Cùng với 100 người khác, anh được chuyển từ trường huấn luyện phi công chiến đấu cơ sang một căn cứ huấn luyện hải quân tối mật. Nơi đây, lần đầu tiên anh được nhìn thấy vũ khí tự sát, và chính anh tình nguyện chết với loại vũ khí nầy.
Đó là một trái thủy lôi dài 54 bộ (khoảng 16 thước) và mang 3.000 cân Anh chất nổ cực mạnh ở trước đầu, có thể đạt tốc lực 40 gút dưới mặt nước, mau hơn bất kì loại chiến hạm nào khác.
Một người lái, đâm thẳng vô một chiến hạm Hoa Kỳ, đó là công dụng của loại "tiểm thủy đỉnh tự sát" nầy.
Yukuta Yokota, nhờ phép lạ đã sống sót trong cuộc chiến, sẽ kể lại câu chuyện anh đã học hỏi để lái trái thủy lôi tự sát của anh ra sao, và mô tả buổi lễ vĩnh biệt của những người ước hẹn với thần chết như thế nào.
Khi đệ nhị thế chiến kết thúc, người Nhựt nghĩ rằng họ đã đánh chìm khoảng 40 chiến hạm Đồng Minh bao gồm một tuần dương hạm thuộc loại Leader của Anh quốc, với nổ lực Kaiten của họ. Chín trăm mạng sống của thanh niên Nhựt đã hy sinh cho nổ lực tuyệt vọng nầy.
1. MỘT ĐI KHÔNG VỀ
"Tất cả khóa sinh thủy thủ ra tập hợp trước nhà chứa phi cơ chánh"
Tôi nguyền rủa cái loa phóng thanh. Nó luôn luôn bắt tôi phải làm cái nầy cái nọ. Tôi được ở tại căn cứ không quân hải quân Tsuchiura, đó là ý nghĩa duy nhứt khiến tôi cảm thấy dễ chịu trong nhiều tháng qua. Nếu tiếp tục khóa huấn luyện phi hành, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, tôi sẽ tốt nghiệp, thoát khỏi cái loa phóng thanh đó. Tôi sẽ được ở trên một chiếc hàng không mẫu hạm, với một chiếc phi cơ trong tay tôi. Tôi sẽ có một đối thủ mới, mấy tên Mỹ thay vì cái hộp đen gắn trên tường kia.
Tôi chạy ra ngoài doanh trại và đứng vô hàng. Toàn thể khóa sinh của khóa Huấn Luyện phi hành 13 đã có mặt, hai ngàn người tất cả. Tôi đứng ngay ngắn, liếc mắt vừa đủ để nhìn vị chỉ huy trưởng căn cứ, Đại tá Kenjiro Watanabe, đang rảo bước đến một cái bục gỗ. Dáng đi thật thẳng và oai nghiêm, ông ta là một loại người mang khuôn thước mà chúng tôi nhìn thấy ở tất cả những sĩ quan hải quân Hoàng gia.
Tất cả im phăng phắt khi Đại tá Watanabe bắt đầu lên tiếng. Thoạt đầu tôi tưởng sẽ lại được nghe từ các huấn luyện viên, nhưng nhìn gương mặt nghiêm trọng của Đại tá Watanabe, tôi biết mình đã lầm, nhứt là gương mặt có nước da màu vàng ấy có hơi biến thành màu xanh tái. Ông lướt mắt qua những bộ đồng phục màu trắng của toàn thể căn cứ tụ hội nơi đây, và bắt đầu cất tiếng:
"Tôi rất đau đớn khi phải nói với các bạn điều nầy. Tuy nhiên, nhiều tin tức không mấy tốt đẹp được những đồng đội của chúng ta từ mặt trận gởi về. Sự chênh lệch trên phương diện sức mạnh vật chất giữa chúng ta và kẻ thù ngày càng to tát."
Mặt trời tháng Tám chiếu rọi trên bình nguyên Kanto, ánh nắng mùa hạ gay gắt không thể tưởng ấy, đang bao trùm lấy chúng tôi. Tôi có thể cảm nghe những giọt mồ hôi chảy xuống sóng lưng, nhưng tôi chỉ chăm chú nghe từng lời của vị chỉ huy trưởng. Đây là mùa hạ năm 1944, và những lời nói của Đại Tá Watanabe không gây một mãy mai ngạc nhiên nào cho chúng tôi, bởi lẽ chúng tôi đã nghe nói đến cuộc chiến bại đầy bi thảm của hải quân Nhựt ở quần đảo Mariana đúng 2 tháng trước đây. Các lực lượng phòng thủ trên Guam và Saipan của chúng tôi đã bị quét sạch, và trong một trận hải chiến, chúng tôi đã thiệt mất ba hàng không mẫu hạm Shokaku, Taiho và Hiyo cùng với trên bốn trăm phi cơ. Sau biến cố nầy, công cuộc huấn luyện của chúng tôi gia tăng tốc độ, và chúng tôi hi vọng tốt nghiệp trước thời gian dự định. Đại tá Watanabe tiếp tục, tiếng nói càng lúc càng đượm vẻ buồn bã hơn:
"Mặc dù chiến đấu dũng cảm, như binh sỹ của chúng ta đã từng chứng tỏ, nhưng sức mạnh của đối phương hiện gia tăng hơn bao giờ hết. Saipan đã nằm trong tay của họ, và vấn đề tiếp tế cho các lực lượng của chúng ta ở Rabaul gian nan không thể tưởng.Đã đến lúc chúng ta phải đối diện với sự thật phủ phàng, trước những gì đang xảy ra. Nhật Bản đã rước lấy những chiến bại. Quá nhiều chiến bại. Xứ sở của chúng ta không thể nói tới chuyện lùi bước, không thể để cấp đến một sự thoái bộ nào. Nếu chúng ta tiếp tục nhường đất, các bạn tưởng tượng số phận sau cùng của chúng ta sẽ ra sao? Do đó, sự thoái bộ còn nữa hay không đều tùy thuộc vào những người như các bạn. Xứ sở tùy thuộc vào các bạn để đẩy lui kẻ thù. Hy vọng của mọi người, đàn ông, đàn bà và trẻ con Nhật Bản đều đặt vào các bạn."
Đại tá Watanabe ngưng lại hồi lâu, như người Nhựt thường làm khi muốn lôi cuốn sự chú ý hoàn toàn của mọi người trên vấn đề sắp nói kế đó. Ông tiếp:
"Giữa lúc tình thế khủng hoảng trầm trọng nầy, các khoa học gia của chúng ta đã phát triển một loại vũ khí mới. Loại vũ khí nầy không giống bất kì loại vũ khí nào đã có từ trước. Một khi được xử dụng, nó có thể đè bẹp kẻ thù và mang chiến thắng đến cho xứ sở thân yêu của chúng ta. Loại vũ khí nầy đã được thử nghiệm, và chúng tôi tin chắc rằng nó sẽ có hiệu quả. Những người để điều khiển loại vũ khí nầy, đó là những gì mà chúng ta cần ở hiện tại."
Ông ngừng hồi lâu rồi tiếp tục:
"Tôi biết rằng sở thích của tất cả các bạn ở đây là muốn được bay. Các bạn chịu khó học hỏi, tập tành, với chỉ một mục đích đó, để bay chiến đấu chống lại những kẻ thù của Nhật Bản. Điều nầy giải thích tại sao toi lấy làm khó khăn khi phải lên tiếng yêu cầu các bạn rút ngắn thời gian huấn luyện phi hành, để tình nguyện chuyển sang huấn luyện loại vũ khí mới vừa nói. Nhưng tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến việc yêu cầu các bạn phải chịu sự hi sinh như vậy, nếu tôi không tin chắc vào giá trị vô song của loại vũ khí nầy. Nó có thể làm thay đổi chiều hướng của cả cuộc chiến, một khi được xử dụng."Kỷ luật cao độ đã thấm nhuần trong chúng tôi suốt thời gian ở Tsuchiura nới lỏng được một vài giây, khi tiếng thì thầm đầy tò mò càng lúc càng lan rộng. Một khóa sinh đứng gần quay qua hỏi tôi: "Nandai, Yokota? Gì đó, Yokota?" Rồi tiếng nói rõ ràng và to lớn của Watanabe lôi cuốn sự chú ý của chúng tôi trở lại.
"Nếu có người nào trong số các bạn có nhiệt tâm cứu giúp xứ sở, muốn điều khiển loại vũ khí mới nầy tham dự vào cuộc tấn công vĩ đại chống lại kẻ thù của chúng ta, người đó có thể tình nguyện. Tôi không thể tiết lộ thêm về loại vũ khí nầy, nhưng tôi có thể nói nó mạnh hơn bất kì loại phi cơ nào mà các bạn có thể bay. Bây giờ hãy lắng nghe những gì tôi sắp nói. Các vị chỉ huy phi đoàn sẽ trao cho mỗi bạn một mảnh giấy. Nếu bạn nào nôn nóng tình nguyện học hỏi xử dụng ngay loại vũ khí mới nầy, hãy viết tên của mình và con số của phi đoàn lên đầu tờ giấy, rồi khoanh hai vòng tròn, nếu các bạn thật sự muốn đi. Tuy nhiên, các bạn nào không muốn đi, nhưng sẵn sàng hi sinh cho xứ sở một khi được gọi đến, các bạn đó chỉ khoanh một vòng tròn. Đây là điều quan trọng nhất, do đó tôi lập lại.... Hai vòng tròn nếu các bạn muốn nhận lãnh sứ mạng nầy sau đó. Còn các bạn nào không muốn đi, muốn tiếp tục với khóa huấn luyện phi hành, hãy xé bỏ tờ giấy."Tiếng bàn tán xôn xao của cả hai ngàn người đứng trong hàng nổi lên, giống như tiếng sóng vổ rì rào trên bãi biển trong một đêm trăng. Nhưng một lần nữa, tiếng nói đanh thép của Đại tá Watanabe lôi chúng tôi ra ngoài sự kinh ngạc:
"Có một điều cần phải nói thêm trước khi những tờ giấy được trao đến tay các bạn.Loại vũ khí nầy, tôi phải nói với các bạn, là loại vũ khí chỉ sử dụng một lần, những ai thực hiện sứ mạng với nó sẽ không hi vọng được sống sót trở về. Người thi hành sứ mạng chắc chắn sẽ gây thương vong nặng nề cho đối phương, nhưng mà cũng chắc chắn phải hy sinh tánh mạng của mình. Phải đắn đo cân nhắc trước khi tình nguyện. Trước hết, phải chắc rằng một khi ra đi, các bạn sẽ không còn lưu tâm đến những gì bỏ lại phía sau lưng. Đầu óc của các bạn tuyệt đối sáng suốt, vì như vậy các bạn mới có thể tập trung tất cả cho nhiệm vụ trước mắt của các bạn."
Những tờ giấy được phân phát, rồi chúng tôi tan hàng và chậm rãi tìm nơi để làm theo lời hứa chỉ dẫn trước khi được gọi tập hợp trở lại. Một số tụ tập cạnh sân bay, một số khác vô các lớp học, nơi chúng tôi học hỏi mỗi tuần 24 giờ. Tôi trở về doanh trại, trên đường tôi lắng nghe những lời bàn tán của đồng đội.
- Ông Đại tá nầy "kichigai"! ông ta "điên khùng" mới nghĩ rằng sẽ có người tình nguyện làm những công việc mà ông ta không nói rõ chi tiết cho chúng ta biết, ngoại trừ câu "chúng ta sẽ chết".
- Chúng ta sẽ đi ngay ra tiền tuyến?
- Một dịp may đầy danh dự! Kiêu hãnh với gia đình và bạn bè biết mấy
- Còn tôi, tôi xé tờ giấy nầy! Tôi có người yêu tôi muốn kết hôn với nàng sau khi chiến tranh kết thúc
- Tôi nên khoanh hai vòng tròn hay một vòng tròn? Tôi không muốn ai nghĩ rằng tôi không phải là một tên Yamato damashii. Tình yêu tổ quốc của tôi không thể thua kém một ai cả
- Tôi khoanh hai vòng tròn! Các bạn nghĩ coi, đó có phải là một cuộc phiêu lưu không? Tên của một người sẽ xuất hiện trong những quyển sách lịch sử.
Những lời bàn tán không làm tôi lưu tâm , vì tôi đã biết sẽ làm gì. Tôi quyết định ngay trong đầu ngay trước khi Đại tá Watanabe dứt lời. Qua lời nói của ông, tôi cảm thấy máu trong tôi sôi sụt. Những cuộc chiến bại mà ông vừa đề cập khiến tôi xúc động mạnh mẽ. Bọn Mỹ, Anh và Hòa Lan đã cố dìm xứ sở của tôi cho đến chết, và bắt buộc chúng tôi phải lâm chiến. Binh sĩ Anh và Mỹ ở trên đất Trung Hoa để bảo vệ quyền lợi của quốc gia họ, nhưng khi Nhật Bản làm như vậy, Nhật Bản lại bỗng nhiên trở thành kẻ thừ của mọi người. Số phận tối hậu của Nhật Bản sẽ được định đoạt, những lời lưu ý ấy của Đại tá Watanabe đã nâng cao sự can đảm trong tôi. Không ai có thể đánh bại dân tộc tôi. quê hương của chúng tôi bị tiêu diệt, tất cả nền văn hóa sẽ biến mất? Không thể như vậy được! Ngay khi bước vô doanh trại, tôi sẽ khoanh hai vòng tròn và chuyển đến chỉ huy trưởng phi đoàn của tôi. Nghĩ tới đây, chân tôi rão bước. May ra tôi sẽ chiếm được danh dự là kẻ tình nguyện đầu tiên của phi đoàn.
Buổi chiều và đêm hôm đó, doanh trại của chúng tôi ồn ào như một cái chợ. Ai ai cũng bàn tán về loại vũ khí mới nầy. Tất cả đều đồng ý rằng chắc chắn nó phải khủng khiếp lắm nen mới giữ bí mật như vậy. Ở Tsuchiura cũng như các căn cứ quân sự khác, sự bí mật lội ra không bằng cách nầy cũng bằng cách khác. Nhưng lần nầy lại kín như bưng. Có lẽ, chúng tôi tự nhủ, việc nầy tối mật đến nổi ngay cả chính Đại tá Watanabe cũng không nắm vững đầy đủ vấn đề.
Đêm đó, giờ luyện tập đô vật, nhu đạo hoặc đùa giởn trong các doanh trại của chúng tôi bị dẹp qua một bên. Ngay cả mấy cái miệng ong óng nhứt cũng câm lại. Họ ăn nói rất trầm tỉnh và nghiêm trang. Và những người điềm đạm lại còn điềm đạm hơn nữa.Tôi nằm trên vỏng và nhìn lên trần nhà, chỉ góp đôi lời trong các cuộc thảo luận kéo dài đến sáng. Tờ giấy của tôi đã được chuyển đi, với hai vòng tròn màu đen to tổ bố khoanh trên đó. Bây giờ tôi mới suy ngẫm lại quyết định của mình.
Cả đời tôi, tôi chỉ muốn lái phi cơ cho hải quân Hoàng gia. Những chiếc hàng không mẫu hạm vĩ đại đậu trong vịnh Đông Kinh là một quang cảnh tuyệt mxy đối với tôi. Giống như nhiều ngàn thiếu niên Nhật Bản khác, tôi thèm thuồng troeri thành một sĩ quan hải quân, oai nghiêm và hùng dũng trong bộ quân phục màu trắng với cây kiếm chỉ huy bên hong. Sự thật, tôi đã tham dự hai kì thi tuyển toàn quốc vô Etajima, Hàn Lâm Viện Hải Quân Nhật Bản. Kỳ đầu tôi đậu phần thi viết, nhưng bị loại vì lí do sức khỏe. Không chịu, năm sau tôi cố gắng một lần nữa, nhưng cũng bị loại vì lý do đơn giản là hàm răng của tôi hư mất mấy chiếc. Những đòi hỏi để được nhập học Etajima quá hốc búa, và đa số thanh niên sức khỏe hầu như hoàn toàn bị loại chỉ vì một vài khiếm khuyết nhỏ nhoi. Như tôi chẳng hạn, chỉ thiếu có ba cái răng.Năm 1943, lúc vừa đúng 18 tuổi, từ bỏ hi vọng vô học Etajima, tôi ghi tên vô trường sĩ quan phi công và được gởi đến thụ huấn tại Tsuchiura, cách Đông Bắc Đông Kinh một giờ xe lửa. Ba cái răng thiếu không được để ý đến và thị độ của tôi hoàn hảo. Hiện thời, sau gần một năm huấn luyện, tôi quyết định vứt bỏ giấc mộng trở thành một phi công hàng không mẫu hạm. Tôi tình nguyện chuyển sang học hỏi loại vũ khí bí mật vừa nói. Loại vũ khí nầy là cái quái gì? Tôi có thành công khi sử dụng nó hay không? Giữa loại vũ khí nầy và một chiếc phi cơ, cái nào tôi thực sự phục vụ cho xứ sở nhiều hơn? Những câu hỏi nầy luôn luôn vơ vẩn trong trí khi tôi thiếp ngủ.
Sáng hôm sau, tôi cùng với những người khác chạy ùa ra tấm bảng thông báo để coi danh sách những người tình nguyện được chấp thuận. Tên tôi nằm trong danh sách. Tim tôi gần như nổ tung với nỗi vui mừng. Tôi sẽ là con người của loại vũ khí mới! Tôi sẽ gặp kẻ thù! Không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi đứng thật thẳng và kiêu hãnh khi các bạn chung phòng thoi vào vai tôi và la lớn:
- Yokattana, Yokota
Khi tôi nhận những lời chúc mừng của họ, một cảm giác kì lạ bao trùm lấy thân thể tôi, không thể nào mô tả một cách chính xác. Nó giống như tôi vừa đổi thể xác và đang tự nhìn ngắm mình lần đầu tiên. Tuy nhiên, cảm giác nầy trôi qua nhanh chóng để nhường lại cho sự nôn nóng. Chừng nào chúng tôi sẽ nhìn thấy loại vũ khí mới nầy? Chúng tôi sẽ được huấn luyện trong bao lâu? Khi nào chúng tôi thi hành sứ mạng? Tôi không chờ đợi quá lâu.
Chỉ 100 người được chọn trong số những người tình nguyện, con số nhỏ nhoi nầy đã khiến tôi kinh ngạc. Bởi vì tinh thần của những người ở Tsuchiura cao như vậy, tôi đinh ninh ít ra cũng có cả mấy trăm người tình nguyện. Gần một năm nay, chúng tôi đã trãi qua sự học hỏi và huấn luyện nghiêm nhặt, tinh thần của chúng tôi được cũng cố mạnh mẽ, cũng như thể xác mọi người đều cường tráng nhờ những giai đoạn huấn nhục gian nan và lâu dài. Trong mỗi lần huấn luyện, các huấn luyện viên luôn luôn nhắc nhở bổn phận của chúng tôi đối với tổ quốc. Tất cả đều đòi hỏi, và hầu như đẩy chúng tôi đến mức tối đa của sức chịu đựng tinh thần và thể xác. Cũng như mỗi khi có một tin tức không đẹp liên quan đến Hạm Đội Hổn Hợp bay đến Tsuchiura, giọng của các huấn luyện viên trở thành hằn học hơn, tiếng nói của họ rít trong kẻ răng:
- Chiến thắng chưa đủ! Các bạn phải đè đầu kẻ thù xuống sát đất
Chúng tôi đã dõi theo tinh thần nầy, nhứt là từ khi gương mặt của các sĩ quan ngày mỗi hung tợn hơn
- Nếu cần, chúng ta có thể hiến dâng mạng sống của mình cho Thiên Hoàng
- Đừng phí mạng sống của các bạn! Chết phải có một mục đích. Không chấp nhận chết, ngoại trừ cái chết đó gây tổn thương trầm trọng cho kẻ thù!
Những câu như vậy, được nói nhiều lần trong ngày bởi các huấn luyện viên và sĩ quan, được lập đi lập lại trên loa phóng thanh, được dán khắp nơi trên tường và trên những tấm bảng tin tức, ngay cả trong phòng tắm và cầu tiêu, biến ý chí chúng tôi thành sắt thép. Và chúng tôi có thể nghe hàng chục lần mỗi tuần câu nói sau đây của Merji nội tổ của Thiên Hoàng. " Cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhưng nhiệm vụ nặng như núi non."Sau nầy chúng tôi được biết, suốt đêm đó, các sĩ quan cao cấp đã đắn đo, suy xét trên danh sách những người tình nguyện. Sự chọn lựa của họ dựa trên ba tiêu chuẩn căn bản.
1. Người nầy có thể xác và tinh thần mạnh mẽ hay không?
2. Tinh thần chiến đấu và trách nhiệm đối với tổ quốc của hắn có cao hay không?
3. Hắn có trách nhiệm nào đối với gia đình của hắn hay không?
Những người đã lập gia đình rồi đều bị gạt tên, chỉ những kẻ ít hoặc không bị một sự ràng buộc nào mới được chọn. Tôi chắc rằng gia đình của tôi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tôi được chọn lựa. Má tôi qua đời lúc tôi lên năm, tôi còn một người anh và hai người chị. Tôi là đứa em trai út, một phần tử không được quan tâm mấy đối với gia đình Nhật Bản. Nếu tôi chết, anh Hiroshi của tôi sẽ nối dõi, và nếu có chuyện gì xảy ra cho anh tôi, con trai của hai chị tôi sẽ lập tự và mang họ Yokota. Tôi chắc các sĩ quan khi chọn những người tình nguyện đã cảm thấy rằng sự mất mát hy sinh cho Thiên Hoàng của người con trai út không có gì quá đáng, khi người cha còn ba đứa con khác. Tuy nhiên, không phải tất cả bạn bè đều chúc mừng tôi. Có một số trong nhóm bạn bè nầy chạy đi kiếm vị chỉ huy trưởng phi đoàn và khiếu nại về việc họ không được chọn. Suốt nhiều tuần lễ trôi qua chậm chạp sau đó, họ lập đi lập lại yêu cầu điền thêm tên họ vô danh sách. Nhưng họ đã làm một việc vô ích. Vẫn chỉ 100 tên trên dánh sách, như lịnh đưa xuống từ Bộ Chỉ Huy cao cấp hơn. Con số đó không thay đổi. Vào ngày mãn khóa, khi những người khác chuẩn bị chuyển qua giai đoạn huấn luyện phi hành trên hàng không mẫu hạm, nhóm 100 người chúng tôi xếp thành hai hàng với Đại úy Komatsu cầm đầu, chúng tôi bước ngang qua trước hàng những người ở lại. Tiếng hoan hô và cổ võ vang dậy. Chúng tôi lên xe lửa hướng về Nam, xuyên qua Đông Kinh, mà vẫn không thắc mắc nào về nơi sẽ đến. Không khí bí mật vẫn bao trùm lúc chúng tôi lướt ngang qua Yokohama, và không rẽ xuống bán đảo Miura để đến căn cứ không quân lớn Yokosuka, gần cửa vịnh Đông Kinh. Khi chúng tôi đến thành phố bờ biển vịnh Sagami, với Phú Sĩ Sơn bí ẩn hiện lờ mờ bên phía phải, chúng tôi mới quyết đoán hoặc là chúng tôi sẽ đến Kure, công xưởng hải quân khổng lồ ở Nội Hải (Inland Sea, tức biển Nhật Bản) hoặc là căn cứ hải quân vĩ đại Sasebo, nằm ở phía Nam hòn đảo chánh Kyushu.Chúng tôi đi xe lửa suốt ngày hôm đó và cả ngày hôm sau để cuối cùng xuống xe trong đêm và leo lên các quân xa hải quân. Giây lát sau chúng tôi chạy về cổng một dãy doanh trại. Trong vòng một đôi phút, chúng tôi căng võng và thiếp ngủ nhanh chóng vì kiệt sức và căng thẳng trong chuyến đi vừa rồi. Ngày hôm sau, chúng tôi mới biệt thật sự chúng tôi đã ở hải quân công xưởng Kure, nơi đặt Tổng Hành Dinh của Đệ Lục Hạm Đội, lực lượng tiểm thủy đỉnh của chúng tôi.Ngày hôm sau đó chúng tôi tiêu pha thì giờ như các du khách, ngắm nhìn quang cảnh chung quanh. Khoảng trưa ngày hôm sau, Đại úy Komatsu đến và tập hợp chúng tôi vây tròn quanh ông và nói:
" Tôi muốn cảm ơn các bạn đã giữ được kỷ luật trong suốt chuyến đi vừa qua. Bây giờ tôi phải trở về Tsuchiura, tôi đến đây để từ biệt các bạn. Người ta không nói cho tôi biết chút gì về loại vũ khí mà các bạn đã tình nguyện được huấn luyện, nhưng tôi biết các bạn sẽ phục vụ cho nước Nhựt một cách can cường và dũng cảm. Một trăm người khác sắp đến từ căn cứ hải quân Nara. Vị chỉ huy trưởng tương lai của các bạn, tôi quen biết nhiều. Ông ta đặt nhiều hy vọng vào các bạn, vì tôi đã cho ông ta biết các bạn thuộc thành phần ưu tú của Tsuchiura."
Giọng Đại úy Komatsu thật trầm, và khi dứt lời đôi mắt ông đẩm lệ. Một số người trong chúng tôi cũng khó. Đại úy Komatsu là sợi giây liên lạc cuối cùng giữa chúng tôi với Tsuchiura.Trưa hôm đó chúng tôi được lịnh mang tất cả hành trang bước xuống hai chiếc tàu nhỏ. Đây là lần đầu tiên tôi được đi tàu. Một sĩ quan trẻ, thiếu úy Miyake hướng dẫn chúng tôi, hắn ta không nói một lời nào. Không khí bí mật, bắt đầu từ buổi nói chuyện với Đại tá Watanabe, vẫn còn bao trùm chúng tôi.
Cuối cùng, khi tàu chạy được một quảng, thiếu úy Miyake đứng dậy và nói lớn với nhóm người đi trên tàu của tôi: "Các bạn nghe đây! Chúng ta đang hướng đến đảo Otsujima, nằm cạnh thành phố Tokuyama! Trước đây có lần tôi đã ở Otsujima. Đó là một căn cứ đặt biệt, thiết lập riêng cho loại vũ khí bí mật. Hàng chục sĩ quan đã có mặt ở đó nhiều tuần lễ để huấn luyện chúng ta. Chút nữa đây chúng ta sẽ gặp họ. Các bạn và tôi sẽ trở thành nhân viên trong các nhóm tấn công đặt biệt của họ! Điều nầy có nghĩa là kể từ bây giờ trở về sau, tất cả chúng ta đều là anh em!"Viên Thiếu úy nầy chắc mới tốt nghiệp Etajima, tôi nhũ thầm, vì hành vi của hắn giống như mấy tân sĩ quan khác mà tôi đã từng gặp. Người ta nghĩ rằng hắn đang đứng trên bục giảng trong một thỉnh đường đồ sộ ở Đông Kinh. Hắn hét lớn quá đổi.
"Các bạn hiểu chớ?"
"Hiểu, thưa Thiếu úy!"
Chúng tôi đáp, nhiều gã còn hét lớn hơn câu hỏi.
Miyake hầu như không nói gì thêm nữa trong suốt chuyến đi đầu óc tôi lại đầy ấp nỗi suy tư về việc hiến dâng mạng sống của mình cho xứ sở. Tuy nhiên tôi không mẩy may hối tiếc. Gia đình tôi sẽ hãnh diện khi nhận được tin tức về phương cách mà tôi đã chết. Văn chương, âm nhạc và lịch sử của Nhật Bản sẽ phong phú thêm nhờ câu chuyện những vị anh hùng liều than để bảo vệ xứ sở và gia đình của họ. Tên tuổi họ sẽ nằm trong tim của mọi đứa trẻ cấp sách đến trường.
Nhiều giờ trôi qua, chúng tôi đến Otsujima, và quang cảnh đầu tiên ít gây phấn khởi cho chúng tôi. hai chiếc tiểm thủy đỉnh cũ kỹ nằm trọng ụ có mái che, và khi tàu cập sát vô chân cầu, chúng tôi có thể nhìn thấy hai tòa nhà sơn màu đen rộng lớn. Đó là chổ chứa phi cơ. Tàu buông neo, chúng tôi xếp thành hai hàng leo lên cầu thang. Một sĩ quan bước ra khỏi một trong hai tòa nhà tiếp đón chúng tôi. Ông ta hỏi:
"Các bạn từ Tsuchiura đến?"
"Dạ phải!"
Chúng tôi đáp một lượt. Ông ta tiếp:
"Tốt, hình như người nào cũng có nhiệt tâm hết! Tôi là tân chỉ huy trưởng của các bạn. Thiếu tá Itakura. Từ bây giờ trở về sau, tôi có nhiệm vụ chăm sóc các bạn. Tôi đã được cho biết các bàn là thành phần chọn lọc trong số hơn 1000 người tình nguyện ở Tsuchiura. Tốt lắm! Tôi muốn các bạn tận lực với công việc mới của mình."
Ông quay qua nói gì đó với Thiếu úy Miyake, và quay bước.
Sĩ quan hải quân nào cũng có một giọng điệu như nhau, tôi thầm nói. Mọi sĩ quan, bắt đầu là Đại tá Watanabe, mỗi khi chấm dứt một buổi tiếp xúc với chúng tôi đều nói: "Hãy tận lực!" hoặc một câu giông giống như vậy. Cũng có một cảm giác phấn khởi trên chúng tôi khi vị tân chỉ huy trưởng nói, bởi ông ta có vẻ khác biệt với các sĩ quan ở Tsuchiura. Sĩ quan ở Tsuchiura là sĩ quan huấn luyện. Hiện tại, ở Otsujima, chúng tôi sẽ đâu mặt với những sĩ quan chiến đấu. Sự thật, hiện thời chúng tôi đã là những người lính chiến. Chúng tôi có thể phân biệt một cách rõ ràng giữa quân nhân huấn luyện và chiến đấu trong một đôi phút đầu tiên ở Otsujima, qua dáng vẻ lặng lẽ nhưng nhanh nhẹn của những người đang đi lại xung quanh chúng tôi. ngay cả cái lối nhìn của họ, chúng tôi biết họ coi chúng tôi như những kẻ cùng chung cảnh ngộ với họ. Ở Tsuchiura, chúng tôi cung kính vị Chỉ Huy Trưởng phi đoàn như một Oyaji (cha), vị chỉ huy phó như Ofukuro (mẹ) và các hạ sĩ quan như Aniki (anh). Mặc dù kỷ luật nghiệt ngã, vì họ đối xử với chúng tôi không khác gì những bậc cha mẹ nghiêm khắc, nhưng họ luôn luôn theo dõi các nhu cầu thiết yếu của chúng tôi, đặt biệt khi chúng tôi đau bịnh hoặc mang thương tích. Không phải là chuyện bất thường khi một vị chỉ huy trưởng phi đoàn ngủ đêm trong phòng bịnh với một trong những thuộc cấp đau yếu của ông ta. Trái lại, thiếu tá Itakura hình như cách biệt với chúng tôi, và mãi sau nầy chúng tôi mới ý thức rằng sở dĩ ông không coi chúng tôi như là những người em, bởi lẽ ông coi chúng tôi như là những người cùng chiến đấu với ông, vai kề vai.
Trong hai hàng dọc, chúng tôi rời khỏi bến tàu và khoảng 50 thước đến một trong những tòa nhà to lớn. Bên ngoài cửa có gắn một tấm bảng với hàng chữ: "Không được phép vô, nếu không có phép đặt biệt của Tổng Trưởng Hải Quân".
Vũ khí mới chứa trong đó! Tôi chắc chắn như vậy. Thiếu úy Miyake, bước qua cửa, rồi trở ra khi nhận thấy không ai theo hắn. Hắn la lớn:
"Sao lại đứng đây! Tan hàng và đi theo tôi!"
Không ai nhúc nhích, nhưng mọi mắt đều đổ dòn về phía tấm bảng. Bấy giờ, Miyake mới cười ngất và, lần đầu tiên từ khi chúng tôi gặp hắn, hắn nói giọng bình thường
"Bất cần tấm bảng đó! Nếu các bạn không được phép của Tổng Trưởng Hải Quân, làm sao các bạn có thể héo lánh đến hòn đảo nầy được."Chúng tôi lần lượt từng hai ba người một bước qua cánh cửa nhỏ. Vô trong, vật đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là một hình thể tròn như điếu xì gà, mập và dài, nằm trên hai cái giá to lớn. Tôi biết ngay đó là vật gì, qua tiềm vọng kính nhô lên phía trên thân, một trái thủy lôi chở người. Loại vũ khí mới và tối mật đối với chúng tôi là như thế đó! Tôi, Yutaka Yokota, tôi đã tình nguyện trở thành một trái thủy lôi người.
2. NGUYÊN NHÂN PHÁT SANH LOẠI VŨ KHÍ MỚI
Khắp nơi, bên trong tòa nhà, tôi nhìn thấy nhiều người đang làm việc, lặng lẽ và hối hả. Nhiều nhóm thợ máy dính đầy dầu mở đi đi lại lại, và tôi chạm phải cái nhìn của các sĩ quan trẻ. Đôi mắt họ đều sáng ngời lúc họ nhìn hoặc rờ mó những trái thủy lôi khổng lồ. Hầu hết những người nầy đều để râu, tôi lấy đó làm kinh ngạc. Người Nhựt ít ai để râu, ngoại trừ những người ở Hokkaido, hòn đảo cực Bắc của Nhật Bản, và những người lớn tuổi. Tôi nghĩ những bộ râu nầy, lưa thưa và lởm chởm, có lẽ là dấu hiệu của tình huynh đệ. Một vật tượng trưng, hoặc một sự đoàn kết, giữa những người sẽ cùng thi hành sứ mạng với loại vũ khí khủng khiếp nầy. Sau đó, tôi nhớ lại, có thể họ là thủy thủ tiểm thủy đỉnh, vì vậy họ vẫn còn giữ thói quen không cạo râu trong những chuyến hải hành.
Khi một trăm người chúng tôi vô hết trong nhà, thiếu tá Itakura gọi chúng tôi lại:
"Hãy tụ họp quanh tôi!"
Ông vừa ra lịnh vừa đưa tay vẩy, và chỉ về phía một trái thủy lôi gần nhứt. Ông nói tiếp:
"Còn lâu lắm mấy bạn mới leo lên loại vũ khí nầy. Các bạn sẽ được huấn luyện thuần thục, rồi sau đó các bạn sẽ mang chúng ra biển và hạ gục kẻ thù"
Vị tân chỉ huy trưởng của chúng tôi ngừng nói trong giây lát rồi tiếp:
"Chúng tôi gọi loại vũ khí mới nầy là "Kaiten", nhưng để bảo mật, nó luôn luôn được gọi bằng cái tên "Maru roku kanamoto", sáu khuyên sắt. Với cái tên sau nầy, trường hợp Kaiten được đề cập đến các công điện, thơ từ hoặc phiếu nhu cầu, sẽ không ai biết được ngoại trừ một số nhân viên giới hạn của Bộ Tư Lịnh Tối Cao và Bộ Tham Mưu Đệ Lục Hạm Đội tiềm thủy đỉnh. Người ngoài sẽ cho rằng đây là một dụng cụ hoặc trang bị trên tàu. Họ sẽ không thể nào biết chúng ta đang làm gì ở đây, và hoạt động của chúng ta cũng không thể nào đến tai đối phương. Chắc các bạn biết rõ, đây là một trái thủy lôi người có khả năng chở được một người, tức người lái nó. Kaiten chạy mau hơn bất kì loại tàu chiến nào trên mặt biển, do đó không một vật gì có thể chạy thoát nó được.
Đôi mắt của Itakura bây giờ nhìn thẳng vào chúng tôi và nói:
"Tất cả các bạn đã tình nguyện đến đây, chắc hẳn các bạn đều có sự hy vọng nào đó về loại vũ khí nầy. Các bạn vốn được huấn luyện để trở thành phi công, và có lẽ không mấy hài lòng khi biết mình sẽ xử dụng một loại vũ khí không phải là phi cơ. Tôi thông cảm điều nầy, do đó, trong số các bạn đây nếu có ai thay đổi ý kiến, hãy đến gặp tôi trong ngày hôm nay. Tôi bảo đảm rằng các bạn sẽ trở về tiếp tục tham dự khóa huấn luyện phi hành và sẽ không có vấn đề nào được đặt ra.
Một số chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Chúng tôi không thốt lời nào, nhưng tôi có thể đọc được tư tưởng của các bạn tôi. Viên sĩ quan nầy điên? Hắn nghĩ chúng tôi đi từ Tsuchiura đến đây là để ngoạn cảnh? Chúng tôi đã tình nguyện hiến dâng mạng sống của mình! Chết cách thì chết, miễn là đè bẹp kẻ thù, như lời đại tá Watanabe đã nói. Riêng tôi, từ khi đến căn cứ Kure, tôi đã cảm biết loại vũ khí khoa học mới nầy sẽ là một loại vũ khí dưới nước, và tôi vẫn muốn đi.
Tiếng nói của ông trở thành xúc động:
"Cách đây một vài ngày, Hiroshi Kurolo, một trong những người phát minh ra loại vũ khí nầy, đã thiệt mạng trong một tai nạn huấn luyện. Cái chết của ông ta là một hơi thở, một nguồn hy vọng và tin tưởng cho tất cả chúng ta. Tôi tin rằng các bạn sẽ cố gắng tập tành và thi hành nhiệm vụ tốt đẹp, do đó, cái chết của Kuroki sẽ không uổng phí."
Một lần nữa, lại vẫn nghe câu kết thúc đó của một sĩ quan, nhưng lần nầy có vẽ trầm trọng hơn nhiều. Tiếng nói của vị chỉ huy trưởng thật dịu dàng, không la hét, không sắt máu. Tiếng nói của ông gây tin tưởng hơn là bơm hơi tinh thần.
Thiếu tá Itakura dứt lời. Ông ngắm nhìn chúng tôi khắp lượt. Ông nhìn để coi có ai xuống tinh thần sau khi biết rõ loại vũ khí mới nầy hay không. Tôi liếc nhìn bên cạnh, các bạn tôi đều bình thản. Tôi chắc khuôn mặt của ai cũng bình thản, khi ông ta nhìn đến tôi . Thiếu tá Itakura hài lòng, ông cười và nói:
"Câu chuyện chỉ có vậy, bây giờ tôi muốn giới thiệu vị phân đội trưởng của các bạn"
Một sĩ quan thấp lùn nhưng rất rắn rõi bước đến. Ông ta tự giới thiệu:
"Tôi là Trung úy Chosa. Tôi sẽ chịu trách nhiệm phân đội Tsuchiura trong thời gian các bạn được huấn luyện."
Tôi chú ý ngay vị sĩ quan nầy. Mặc dù nhỏ thó, ông ta có đôi vai rộng, và trong giống như một tay đô vật. Những bắp thịt cuồn cuộn có thể nhìn thấy qua lớp áo quần của ông ta. Ông ta giống như một hòn đá tảng, và cũng như đám bạn của tôi, tôi cảm thấy hân hoan khi được người nầy cầm đầu. Trung úy Chosa là một loại người mà tôi muốn được như vậy nếu tôi trở thành một sĩ quan.
Dĩ nhiên, tôi không có dịp may để trở thành sĩ quan. Đời sống của tôi sớm chấm dứt. Nếu tôi có thể trở thành sĩ quan đi nữa, cũng chỉ vì tôi được thăng hai cấp một lần, theo hệ thống truy thăng của Hải Quân Hoàng gia dành cho những người tử trận sau khi được chiến công phi thường cho xứ sở, giống như những thủy thủ tiềm thủy đỉnh tham dự cuộc tấn công Trân Châu Cảng ba năm rưởi trước đây. Không một ai trong Hải Quân Hoàng gia nhận được huy chương trong khi còn sống. Có nhiều người phản đối việc nầy, nhứt là thời gian Bộ Tư Lịnh Tối Cao từ chối tuyên dương công trạng đặt biệt cho nhiều phi công tài ba tham chiến trên các mặt trận Đông Indies, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, New Guinea và Solomon. Lý do đơn giản là tuyên dương công trạng chưa bao giờ được dành cho người sống, do đó không thể phá bỏ tiền lệ ở hiện tại. Trong suốt cuộc chiến Thái Bình Dương, không một sĩ quan hoặc thủy thủ Nhật Bản nào được ban tặng huy chương vì chiến đấu dũng cảm. Một người phục vụ trong Hải Quân Hoàng gia Nhựt, dù là một tên thủy thủ hay một vị Đô Đốc, nếu cần, hắn ta phải chiến đấu và chết cho xứ sở một các đơn giản, bởi vì đó là nhiệm vụ của hắn ta. Hắn ta chiến đấu để giữ gìn xứ sở hoặc để đánh bại kẻ thù, chớ không phải để được huy chương hay danh dự. Đặc quyền chiến đấu và chết, được coi là phần thưởng đầy đủ cho hắn rồi. Cả những người tình nguyện thực hiện sứ mạng Kamikaze hoặc Kaiten cũng không có đặc ân hơn những người khác.
Như vậy, tôi bắt đầu ngày đầu tiên của tôi ở Otsujima một trong những căn cứ bí mật nhứt của Nhật Bản trong cuộc chiến. Mật danh của nó là "Căn cứ P" và loại thủy lôi vĩ đại là "Maru roku Kanamoto", ngoài ra không còn gì khác, và chỉ một ít người trong số 75 triệu dân Nhựt biết chúng tôi đang ở đâu và làm gì. Thơ từ của chúng tôi đến và đi xuyên qua khu bưu chính của hạm đội ở Kure, giống như những người phục vụ ở các không đoàn và trên những chiến hạm.
Phần còn lại của ngày đầu tiên chúng tôi được tự do đi lại và muốn làm gì thì làm. Tôi đã ngạc nhiên khi nhận thấy chổ ở mới của chúng tôi được cung cấp loại tatami (chiếu đang bằng cọng lác), hầu hết gia đình người Nhựt đều xử dụng để trải ngủ. Lúc còn ở Tsuchiura tôi luôn luôn ngủ trên võng, bây giờ nằm dưới đất tôi không thể chợp mắt dễ dàng.
Trong ngày đầu tiên, và ngày hôm sau, chúng tôi học hỏi lý lịch của "Kaiten". Nghĩa đen của chữ Kaiten là "Biến thiên" và, thoe nghĩa bóng mà người Nhựt thường dùng, "Kaiten" là danh từ chỉ những gì được xóa bỏ tất cả để làm lại từ đầu. Tên của loại vũ khí nầy do các nhà phát minh đặt ra. Lý do chế tạo Kaiten cũng cần phải được đề cập đến.
Lúc xảy ra trận hải chiến Midway, tháng Sáu năm 1942, thiếu úy Sekio Nishina và Trung úy Hiroski Kuroki, cha đẻ của Kaiten, là hoa tiêu của loại tiềm thủy đỉnh bỏ túi. Cả nước Nhựt, nhờ việc truy thăng hai cấp một cách công khai cho các thủy thủ tiềm thủy đỉnh bỏ túi thiệt mạng trong trận tấn công Trân Châu Cảng, đều biết loại tàu nhỏ nầy đã đóng một vai trò quan trọng vào ngày khai chiến. Chúng được coi như là loại vũ khí vô giá. Đô đốc Isoruku Yamamoto, Tổng Tư Lịnh Hạm Đội Hỗn Hợp, khi xua hạm đội gần hai trăm chiếc của ông tiến đánh Midway, ông có mang theo một số tiềm thủy đỉnh bỏ túi, tất cả được xếp trên hai chiến hạm chở thủy phi cơ Chiyoda và Nisshin. Sau khi chiếm giữ Midway, những chiếc tàu nhỏ nầy rời khỏi tàu mẹ và trú đóng ở Midway. Nên biết, lúc trận đánh xảy ra, Chiyoda và Nisshin còn chạy cách nhiều dặm với thành phần chánh của Đô đốc Yamamoto, bao gồm thiết giáp hạm Yamato, chiến hạm vĩ đại nhứt của Nhật Bản.
Ai ai cũng biết rằng Nhật Bản mất bốn hàng không mẫu hạm trong trận hải chiến Midway. Đó là Soryu, Hiryu, Koga và Akagi, hai chiếc tàu sau là tuần dương hạm biến cải. Hơn hai mươi tiềm thủy đỉnh bỏ túi mang theo để phòng thủ Midway, nếu chúng tôi chiếm được hòn đảo nầy bằng cách tung ra tấn công và đánh chìm bất kì chiến hạm nào tiến đến để pháo kích dọn đường cho một cuộc đổ bộ phản công của đối phương.
Với sự mất mát bốn hàng không mẫu hạm, Nhật Bản kể như thất bại dù đã chiếm được Midway. Các nhà lãnh đạo hải quân hàng đầu của chúng tôi kinh hoàng và đưa ra mọi nổ lực để ngăn chặn những tin tức nầy đến tai dân chúng Nhựt. Ngoại trừ một vài sĩ quan cao cấp, không người nào từ Midway trở về hải cảng ở Nhựt được phép lên bờ. Tất cả thủy thủ, bao gồm một số đề đốc phải ở lì trên tàu của họ gần hai tháng. Thời gian đó, tin tức của sự mất mát khủng khiếp nầy cũng được tiết lộ ra ngoài và đồn lan khắp xứ. Tuy vậy, chính phủ của chúng tôi vẫn cố dấu diếm thêm một thời gian nữa trước khi công bố, dù cho các đài phát thanh của Hoa Kỳ đã loan đi loan lại nhiều lần chiến thắng của họ.
Việc bốn hàng không mẫu hạm bị đánh chìm trở thành mối quan tâm đặt biệt đối với Kuroki và Nishina. Họ biết hải quân Hoàng gia đặt hết tin tưởng vào chiến pháp trên không. Tất cả chiến lược đều được sắp xếp trên quan điểm cho rằng các phi công hải quân chúng tôi, huấn luyện tốt nhứt thế giới, có khả năng thực hiện nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm, trong bất kì thời tiết nào, sẽ làm chủ không phận đang diễn ra những hoạt động trên mặt biển hoặc thủy bộ. Quan niệm nầy đã tỏ ra thành công trước đó, nhưng hiện thời nó đã chìm theo bốn hàng không mẫu hạm. Kỹ thuật chế tạo chiến hạm của Hoa Kỳ sẽ sớm cân bằng cán cân lực lượng hải quân của họ với chúng tôi trừ phi có một cái gì lấp đầy khoảng trống do bốn hàng không mẫu hạm đã mất để lại.
Nishina và Kuroki biết rằng loại tiềm thủy đỉnh bỏ túi có nhiều giới hạn trên phương diện tốc độ, trang bị, và lặn sâu. Chúng không thể nào lẫn tránh hoặc truy đuổi địch quân. Phải cần có một loại tàu chạy mau hơn, phóng ra dễ dàng hơn, mạnh mẽ hơn, và có cơ hội săn đuổi địch quân tốt hơn. Nhiều hàng không mẫu hạm của đối phương phải bị đánh chìm, để giữ tư thế vượt trội của hải quân Nhật Bản.
Hai sĩ quan trẻ cặm cụi nghĩ suy, rồi cuối cùng họ tìm ra chân lý. Một trái thủy lôi người! Đó là câu giải đáp. Một vật như vậy phóng ra từ một tiềm thủy đỉnh lớn dễ dàng hơn là loại tàu lặn bỏ túi chuyên chở hai ba người. Một chiếc tiềm thủy đỉnh lớn có thể mang đến 6 trái thủy lôi người, luồn lỏi tiến sát vô địch quân và nhả chúng ra để tấn công. Với sự khéo léo và cơ hội thuận lợi, những cuộc tấn công lập đi lập lại như vậy có thể đánh chìm các hàng không mẫu hạm và thiết giáp hạm địch, đủ để điều chỉnh cán cân hải quân ở Thái Bình Dương.
Hai đòi hỏi thiết yếu của Kaiten: tốc độ cao và sự chính xác. Tốc độ cao khiến cho địch quân dù khám phá ra, cũng không thể nào tránh né hoặc chạy thoát. Còn sự chính xác sẽ tùy thuộc vào người lái.
Việc tìm ra người tình nguyện xử dụng loại vũ khí nầy không thành vấn đề, như hai sĩ quan đều biết, vì tinh thần quốc gia mạnh mẽ của mọi quân nhân Nhựt. Trong trận chiến Hoa Nhựt, binh sĩ Lục Quân Nhựt đã từng ôm bom nhảy vô để chọc thủng hệ thống phòng thủ của địch quân. Chắc chắn binh sĩ hải quân cũng có thể làm như vậy.
May mắn cho Nishina và Kutoki, trong thời gian đó hải quân Nhựt nắm trong tay loại thủy lôi mạnh nhất thế giới. Đó là loại thủy lôi "Model 93" đẩy bằng sức ép oxy. Loại thủy lôi nầy đã chứng tỏ sức mạnh khủng khiếp của nó trong các trận hải chiến ở quần đảo Solomon sau nầy, và chỉ có Nhật Bản mới sản xuất được mà thôi.
Năm 1922, khi thỏa ước Hoa Thịnh Đốn về Giải trang hải quân được ký bởi Anh Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp và Ý Đại Lợi, các chiến lược gia hải quân của chúng tôi đã buồn rầu. Những nhà ngoại giao Nhật Bản đã đồng ý giữ trọng tấn tàu chiến sở hữu của chúng tôi ít hơn Hoa Kỳ và Anh Quốc đến 60 phần trăm. Các chiến lược gia hải quân cảm thấy sự phân định nầy khiến cho hai địch quân vĩ đại nhứt có khả năng hải quân gấp ba lần Nhật Bản, và một khi chiến tranh xảy ra. Hải quân Nhựt sẽ không thể nào bảo vệ xứ sở nổi. Tuy nhiên sự ưu tư của họ ít được lưu ý đến. Thế giới đang trong thời bình và Nhật Bản đang hưởng một số quyền lợi trên các hải đảo ở Thái Bình Dương. Hơn nữa, xứ sở đang tiến mạnh trên đà thương mãi, sự thịnh vượng nhìn thấy khắp nơi, không ai chịu đóng thêm thuế để gia tăng sức mạnh hải quân. Ý kiến này có vẻ bao đồng, hải quân và Lục Quân càng mạnh chừng nào chiến tranh càng lớn chừng nấy. Dân chúng Nhựt nói như vậy. Nhật Bản đang giao hảo gần như với tất cả các quốc gia trên thế giới. Có việc gì phải lo lắng? Do đó, sự phản đối của các sĩ quan hải quân cao cấp đã bị nhận chìm.
Nhưng các kế hoạch gia chiến lược của chúng tôi không chịu thua. Nếu họ không thể có lượng ít thì ít ra cũng phải có phẩm. Họ sẽ canh tân hải quân Hoàng gia Nhựt, theo đúng thỏa ước, bằng cách tàu đổi tàu, người đổi người. Mỗi chiến hạm được gia tăng khả năng gấp đôi. Một chương trình canh tân bắt đầu. Những chiến hạm cũ được đưa vô ụ sữa chữa và thiết dựng lại hoàn toàn. Các thiết giáp hạm Hiei, Haruna, Kirishima và Kongo được gia tăng tốc lực đến 30 hải lý giờ, vượt hơn tất cả những thiết giáp hạm chạy mau nhứt của Mỹ. Không lực hải quân được huấn luyện tác chiến là hai vấn đề trọng tâm. Điều động chớp nhoáng trong đêm tối được diễn tập đi diễn tập lại mặc du gây đụng chạm cũng như mất mát người và phi cơ khá cao. Lần đầu tiên trên thế giới, những dấu hiệu được tạo ra để các phi công đáp đêm xuống các hàng không mẫu hạm, qua hệ thống ánh sáng và kiếng phản chiếu thiết trí trên hàng không mẫu hạm cũ Hosho. Mãi đến khi đệ nhị thế chiến kết thúc, Anh quốc mới phát triển được kỹ thuật tương tự, còn riêng Hoa Kỳ thì "ăn cắp" kỹ thuật của Nhật Bản. Mọi thứ đều đã được tấn dụng, nhưng Bộ Tổng Tham Mưu hải quân Nhựt vẫn còn cảm thấy thiếu thốn. Họ muốn phải làm sao nắm lấy hắn ưu thế một khi địch quân mò đến tận lãnh thổ Nhật Bản.
Các kỹ thuật gia quân cụ Hải Quân của chúng tôi tìm ra giả đáp: thủy lôi đẩy bằng sức ép oxy. Loại thủy lôi nầy đã được thí nghiệm từ hồi đệ nhất thế chiến, và nhiều năm sau đó. Từ trước đến nay thủy lôi được đẩy bằng hơi nước, và hiện thời đã đạt đến mức cuối cùng của nó. Các chuyên viên hải quân nghĩ rằng một trái thủy lôi được đẩy bẳng sức ép oxy có thể đạt tới tốc lực và tầm xa vượt hẳn loại thủy lôi cũ. Thủy lôi oxy cũng sẽ mang đầu đạn lớn hơn, và không để dấu vết trên mặt nước khi lướt đến mục tiêu. Có thể nó đây là loại vũ khí ngầm hoàn toàn.
Nhưng chính chất oxy lại vấp phải những vấn đề khó khăn nghiêm trọng. Chất nầy khó giữ gìn. Qua các cuộc thí nghiệm của Nhật Bản, và của cả Anh Quốc, người ta thấy loại thủy lôi oxy hay nổ bất thần, hủy diệt luôn người phóng và kỹ thuật gia. Vấn đề không mấy phấn khởi nầy, đi đôi với việc ngân khoản nghiên cứu không được gia tăng, khiến cho kế hoạch phát triển loại thủy lôi nầy của Nhật Bản trì hoãn vô hạn định. Trong ba năm ròng rã, từ năm 1924, kế hoạch nầy hoàn toàn bất động.
Thế rồi, trong năm 1927, một phúc trình từ Anh Quốc gởi về Đông Kinh đã làm thay đổi hẳn cuộc diện. Theo thường lệ, qui định bởi Thỏa ước Giải trang Hoa Thịnh Đốn, các thanh tra hải quân đến thăm viếng những xưởng đóng tàu và chiến hạm của các quốc gia nằm trong thỏa ước, để coi xem thỏa ước có bị vi phạm hay không. Năm 1927, một thanh tra hải quân Nhật Bản đến Portmouth, Anh quốc, đã hài lòng vị nhận thấy xứ nầy giữ đúng theo thỏa ước. Tuy nhiên, trong lúc viếng thăm thiết giáp hạm HMS Rodney, ông ta nhận thấy trên sàn tàu có một vật xem như đồ bỏ, nhưng qua đôi mắt kinh nghiệm, ông ta biết ngay đó là một máy cung cấp oxy. Tuy vậy ông không lưu tấm mấy. Một vài hôm sau ông nghe nói thiết giáp hạm Rodney sắp sửa thí nghiệm một loại thủy lôi mới. Ông tìm cách vô căn cứ Hải Quân Portmouth đúng hôm người Anh trù định thử loại thủy lôi nầy, và những gì nhìn thấy khiến ông vội vã trở về khách sạn, thảo ngay một phúc trình khẩn cấp cho Bộ Hải Quân Nhật Bản ở Đông Kinh. Trong phúc trình có câu: "thiết giáp hạm Rodney đã thí nghiệm loại thủy lôi oxy" Chỉ một câu nầy cũng đủ thúc giục các viên chức hải quân bắt tay vào hành động tức khắc. Ngân khoản được rút ra từ những nơi khác, và các kỹ thuật gia quân cụ sửng sốt của chúng tôi hối hả lục lọi chồng hồ sơ kế hoạch đầy bụi. Họ được lịnh xả hết tốc lực trong công việc nghiên cứu của họ.
Năm 1923, các kỹ thuật gia nầy đã đưa đến cơ sở thử vũ khí của hải quân một trái thủy lôi khổng lồ, 6 tấc đường kính, chiều dài hơn 9 thước và nặng 6.000 cân anh (khoảng 1.500 kg), trước mũi mang hơn 1.000 cân Anh thuốc nổ cực mạnh, gấp hai lần các loại thủy lôi của Anh.
Trong khi những chuyên viên Nhựt hoàn toàn thành công về loại thủy lôi oxy, Anh quốc đã gặp phải nhiều vấn đề rắc rối kỹ thuật không sao giải quyết được. Và Hoa Kỳ, Anh quốc đã thất bại, nên không hề lưu tâm đến loại thủy lôi nầy.
Cuộc thí nghiệm thủy lôi oxy đã làm hài lòng các nhà lãnh đạo hải quân, qua sự chứng kiến tận mắt của hàng chục chiến hạm và tàu buôn phế thải được đưa đến khu vực thí nghiệm mật, xa hẳn những cặp mắt tò mò. Cuộc thử nghiệm đầu tiên chỉ nhằm thâu thập các dữ kiện về tốc độ, sức mạnh và tầm xa. Riêng về độ sâu của thủy lôi M93, đã được thí nghiệm ở hòn đảo Oshima, nằm ngay phía Nam Vịnh Đông Kinh. Mặc dù hòn đảo nầy du khách thường lui tới, nổi tiếng nhứt là hỏa diệm sơn Mihara vẫn còn phún lửa, mồ chôn những cặp trai gái trắc trở tình duyên, một phía của nó là dốc thẳng, bờ biển hoang vắng. Những trái thủy lôi được phóng thẳng gốc vô các gộp đá ở phía nầy, phía bên kia hòn đảo không thể nghe được. Mỗi lần phóng, hải quân đều kiểm soát lại để xác định khoảng cách lướt ngầm dưới mặt nước đến mục tiêu của thủy lôi là bao xa.
Quang cảnh sống động nhứt của cuộc thí nghiệm đầu tiên là lúc hai thiết giáp hạm cũ Aki và Satsuma được xử dụng làm mục tiêu. Giống như các phi công Hoa Kỳ Billy Mitchell đã chứng minh sự hữu hiệu của phi cơ bằng cách dội bom đánh chìm các chiến hạm to lớn nhứt của Đức ở Đại Tây Dương, những kỹ thuật gia Nhựt đã dùng hai chiến hạm hạng nặng nầy để chứng minh sự hữu hiệu của loại thủy lôi mới cho những chiến lược gia của chúng tôi thấy. Nhật Bản đã lợi dụng dẫn dụ của Mitchell. Điều nầy cho thấy dân tộc tôi luôn luôn nắm lấy những quan điểm và ý kiến mới mà dân tộc các quốc gia khác thường bỏ qua.
Chỉ cần ba trái thủy lôi, hai thiết giáp hạm Aki và Satsuma đã bị đánh chìm, đủ để chứng minh sức mạnh của M93. Tất cả các tuần dương hạm và khu trục hạm Nhựt đều được lịnh trang bị loại "Trường thương". Tầm tối đa của M.93 là 21 dặm khoảng 34 cây số, vận tốc tối đa là 40 hải lý giờ. Đến cuối năm 1938, tất cả khu trục hạm và tuần dương hạm mọi loại của Nhựt đều mang "Trường thương", lúc chưa có lực lượng nào của các quốc gia khác làm như vậy. Các sĩ quan và hạ sĩ quan thủy lôi được lịnh tuyệt đối giữ bí mật, và các hệ thống cung cấp oxy đặt trên chiến hạm luôn luôn được mô tả với du khách, và ngay cả thủy thủ đoàn, như là "những máy cung cấp dưỡng khí đặt biệt".
"Trường thương" được sử dụng lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh đánh bốn đối thủ một lúc. Trong trận hải chiến Java, tháng Hai năm 1942, một lực lượng hải quân hổn hợp của Anh, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi và Hòa Lan đã bị đánh tan khi mưu toan ngăn chận một đoàn convoy có hộ tống của Nhựt trực chỉ về Nam để độ bộ lên Java. Tám trong tổng số 14 chiến hạm của địch quân đã bị "Trường thương" chọc thủng.
Ở đảo Savo, với trận đánh mà người Nhựt gọi là "Đông Solomon Đệ Nhứt Hải Chiến", một hạm đội của chúng tôi dưới quyền Đề Đốc Gunichi Mikawa, mặc dù quân số ít hơn và trang bị kém hơn, nhưng đã gây kinh ngạc cho đối phương bằng cách đánh chìm bốn tuần dương hạm hạng nặng của họ. Đó là những chiếc Quincy, Vincennes, Astoria và Canberra của Mỹ và Úc. Ba chiếc trong số nầy lãnh mũi nhọn của "Trường thương" ngay guồng máy chánh, rồi vỡ tan với hỏa lực đại bác và các loại thủy lôi khác bồi thêm. Trong hai năm đầu tiên của cuộc chiến, "Trường thương" đã đánh chìm hoặc gây hư hại nặng nề cho gần ba mươi tuần dương hạm và khu trục hạm của địch quân, cũng như đã nhận chìm chiếc Hornet, một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ. "Trường thương" có thể làm nên nhiều việc hơn nữa, nhưng hải quân chúng tôi lần lượt đã mất hầu hết các chiến hạm mang loại vũ khí nầy. Đa số mất mát là do oanh tạc cơ của địch gây ra.
Do đó, Nishina và Kuroki thấy cần phải nghiên cứu một loại vũ khí mới, và cơ cấu chánh của loại vũ khí nầy rút ngay từ loại vũ khí trong tầm tay của họ ( tức tiềm thủy đỉnh bỏ túi). Tại cơ xưởng hải quân Kure, cả hai đã hội ý với một nhân vật tài ba, Hiroshi Suzukawa, kỹ thuật gia trưởng của công ty máy chụp hình Canon ở Đông Kinh sau chiến tranh. Suzukawa lúc bấy giờ là một viên chức dân sự của Hải Quân, đã chú ý lập tức sau khi xem qua các phác họa do Nishina và Kuroki đưa ra. Hợp tác làm việc trong mấy tháng còn lại của năm 1942, cuối cùng cả ba người hình thành dự án chế tạo thủy lôi người. Sở dĩ công việc nghiên cứu mau lẹ như vậy là vì các chi tiết của loại vũ khí nầy đã dựa trên căn bản máy móc của một chiếc tàu ngầm, cùng với căn bản hủy diệt của loại thủy lôi oxy M93. Đầu đạn của loại thủy lôi người có thể tháo rời để cho hoa tiêu chung vô gắn trở lại, buồng lái ở phía sau, bao gồm một tiềm vọng kính, chổ ngồi và dụng cụ điều khiển.
Tháng Giêng năm 1943, các kế hoạch đều hoàn tất. Đường kính của thủy lôi người nầy nhơ hơn loại M93 nhiều, nhưng chiều dài lại hơn đến 17 thước và mang một khối chất nổ khủng khiếp, 3.000 cân Anh, tức gấp ba lần loại M93, và gấp năm lần loạt thủy lôi lớn nhứt của địch quân. "Kaiten" có thể hoạt động một giờ và tốc lực tối đa lên tới 40 hải lý. Tốc lực có thể gia tăng nếu bỏ bớt một số lượng chất nổ, nhưng Kuroki và Nishina không lưu tấm đến vấn đề nầy. Họ cảm thấy tầm xa 40 hải lý đủ để Kaiten thực hiện nhiệm vụ đã dự trù, nhứt là đầu đạn 3.000 cân Anh chắc chắn sẽ đánh chìm bất cứ loại chiến hạm nào trên thế giới. Không một vật gì có thể còn nổi được nếu bị Kaiten đánh trúng điểm yếu. Nếu loại M93 "Trường Thương" có thể đâm thủng một tuần dương hạm hạng nặng, như nó đã từng làm hai tháng trước đó trong trận hải chiến gần Tassafaronga, ở quần đảo Solomon, chắc chắn loại vũ khí mới, ba lần mạnh hơn, cũng có thể đâm thủng một chiếc thiết giáp hạm hoặc hàng không mẫu hạm.
Hân hoan trước thành quả, Kuroki và Nishina gọi phát minh của họ là "Kaiten", vì họ hi vọng nó sẽ làm thay đổi hoàn toàn cuộc diện đang diễn tiến của mặt trận Thái Bình Dương. Hoa kỳ đã đổ bộ lên Guadalcanal, và mặc dù hạm đội của chúng tôi gây nhiều thiệt hại cho họ, họ vẫn bám cứng các vị trí đã chiếm giữ. Trong năm tháng cuối cùng của năm 1942, Nhật Bản đã mất hai thiết giáp hạm, nhiều tuần dương hạm và khu trục hạm, và một hàng không mẫu hạm chiếc Ryuju, trong nổ lực thu hồi quyền kiểm soát quần đảo Solomon. Không thể nào để cho tình trạng nầy tiếp diễn. Guồng máy kỹ nghệ của Hoa Kỳ sản xuất tàu chiến mau hơn của Nhật Bản nhiều, và khối lượng cũng to tát hơn. Muốn chận đứng bước tiến của đối phương, Nhật Bản phải đánh chìm chiến hạm địch mau hơn mức độ sản xuất của họ. Nhứt là phải đánh chìm nhiều hàng không mẫu hạm, vì như vậy các cuộc hành quân thủy bộ của Hoa Kỳ sẽ không có phi cơ bao che.
Nhưng không nơi nào chấp nhận kế hoạch của hai nhà phát minh trẻ tuổi. Bộ Tổng Tham Mưu Hải Quân không thèm liếc mắt đến các đồ biểu và phác họa của loại vũ khí kỳ cục như vậy. Gặp ai Kuroki và Nishina cũng phân trần:
"Chúng tôi không hiểu sao dự án của chúng tôi lại bị bác bỏ. Nó giống y như kế hoạch tổng quát mà Hải Quân đã theo đuổi từ hơn mười năm nay. Chúng ta đã từng phỏng đoán rằng hạm đội của đối phương muốn tiến đến Nhật Bản phải nương theo lối quần đảo Mandated. Chúng ta đã từng cho rằng kẻ thùi cần hai đảo Marshall, Caroline và quần đảo Gilbert để thiết lập cứ địa. Sự thật hiển nhiên cho rằng hạm đội Hoa Kỳ sẽ phải xử dụng các hòn đảo san hô để buông neo, và nếu hạm đội Hoa Kỳ làm như vậy, chúng ta sẽ có loại vũ khí nào tốt hơn loại Kaiten để tấn công? Chỉ cần bốn tiềm thủy đỉnh mỗi chiếc mang 4 Kaiten, tiến sát đến nhả Kaiten, và rút lui trước khi đối phương phát hiện. Mấy chiếc Kaiten sẽ len lõi qua san hô và 16 chiến hạm địch sẽ bị đánh chìm trong một cú đấm. Với một loại vũ khí có tốc lực mau hơn bất kì loại chiến hạm nào, thì làm sao né tránh nổi, nhứt là khi cả hạm đội đang buông neo và tụ tập một chổ. Vũ khí của chúng tôi có thể xoay chiều cuộc chiến. Chúng ta vẫn có thể thắng trận."
Họ nói gì thì nói, các viên chức cao cấp không cho họ một cơ hội nào để giải thích. Nishina, Kuroki và Suzukawa vẫn tiếp tục công việc, vừa hoàn hảo thêm đồ án của họ vừa trình hết đề nghị nầy sang đề nghị khác. Cuối cùng trong sự tuyệt vọng, họ áp dụng phương cách thường thấy trong lịch sử của xứ sở tôi, thảo huyết thơ. Đối với người Nhựt, tâm hồn rất lãng mạn, khi họ viết một thỉnh nguyện thơ, một lời đe dọa hoặc một bài thơ tình bằng chính máu của họ, là chứng tỏ sự chân thành nhứt của họ. Phương pháp nầy được việc cho cả ba nhà phát minh. Tám tháng sau khi toàn bộ dự án nguyên thủy của họ được gởi đi theo hệ thống quân giai, họ được chỉ thị đặt biệt phát họa lại đồ án với một sự thay đổi. Loại vũ khí nầy không phải là một loại vũ khí tự sát. Nó phải dành cho người lái một lối thoát, nghĩa là người lái có thể thoát ra ngoài an toàn một khi hắn đã hướng vũ khí thẳng vô mục tiêu. Tháng Hai năm 1944, Bộ Tổng Tham Mưu Hải Quân cuối cùng cũng đã chấp nhận đồ án biến cải của họ, gần hai mươi tháng sau khi hai vị sĩ quan trẻ tuổi có ý kiến sơ khởi về loại vũ khí nầy, và mười ba tháng sau khi họ xin phép xúc tiến công việc chế tạo.
Công việc giữ bí mật hoàn toàn. Căn cứ dấu diếm ở Otsujima được thiết lập, và một vài sĩ quan được chỉ định đến tiếp tay với Nishina và Kuroki. Nhưng đến tháng Sáu năm 1944 chỉ mới chế tạo được vài ba Kaiten. Bộ Tổng Tham Mưu Hải Quân, bận vùi đầu trong một kế hoạch nhằm nghiền nát đối phương để chấm dứt chiến tranh, hình như không lưu tâm đến Kaiten nữa.
Tuy nhiên, mặt trận quần đảo Mariana đã làm thay đổi hẳn thái độ của họ. Mặt trận ở New Guinea cũng đang sa lầy, với sự mất mát trầm trọng, mà Nhật Bản không thể nào tăng viện cho lực lượng phòng thủ ở đây. Quần đảo Solomon rơi vô tay địch quân từ lâu, hai quần đảo Marshall và Gilbert cũng lần lượt thất thủ. Cuối cùng vào ngày 15 tháng Sáu, đối phương đặt chân lên Saipan. Đây là giây phút mà Bộ Tổng Tham Mưu Hải Quân của chúng tôi đã từng chờ đợi, vì họ đã có sẵn một kế hoạch nhận hải quân Hoa Kỳ vô biển máu, bắt buộc dân chúng Hoa Kỳ phải đòi chấm dứt chiến tranh tức khắc.
Kế hoạch nầy mang danh là "A Go". Nó đòi hỏi một lực lượng manh mẽ bao gồm nhiều hàng không mẫu hạm, thiết giáp hạm và tuần dương hạm xuất trận từ Phi Luật Tân ngay khi địch quân đặt chân lên Saipan. Phi cơ hàng không mẫu hạm Nhựt sẽ dọn dẹp cây dù không quân, và luân phiên đánh chìm các hàng không mẫu hạm của đối phương. Chiến đấu cơ và oanh tạc cơ sẽ cất cánh, tấn công địch quân, đáp xuống Mariana tái tiếp tế xăng nhớt và bom đạn, lại cất cánh và tấn công nữa. Nếu cần, chiến thuật nầy sẽ được lập đi lập lại.
Nhưng kế hoạch "A Go" bất thành khi các tiềm thủy đỉnh Hoa Kỳ đánh chìm hai hàng không mẫu hạm của chúng tôi, Taiho và Shokaku, trước khi cả hai tiến vô trong tầm tấn công hạm đội của Hoa Kỳ. Một hàng không mẫu hạm thứ ba, Hiyo, bị đánh chìm vào ngày hôm sau, khi phi cơ trên hàng không mẫu hạm phản công. "Bắn gà ở quần đảo Mariana" là câu mà người Mỹ thường dùng để chỉ 400 phi cơ Nhựt bị hạ trong trận đụng độ nầy. Gần như phân nửa số phi cơ mất mát hoặc chìm theo hàng không mẫu hạm, hoặc là chúi xuống biển vì không có nơi để đáp.
Việc thủy lôi của tiềm thủy đỉnh Hoa Kỳ đánh chìm Taiho và Shokaku đã khiến cho Bộ Tổng Tham Mưu Hải Quân Nhựt cuối cùng cũng nghĩ đến lực lượng tiềm thủy đỉnh của mình. Lịnh đặt công việc sản xuất Kaiten lên hàng ưu tiên được ban ra. Lịnh thứ hai: bắt đầu tuyển mộ hoa tiêu lái loại vũ khí nầy tức khắc! Do đó, 100 người chúng tôi thuộc căn cứ Tsuchiura đến Otsujima.
Dĩ nhiên, ngày đầu tiên chúng tôi không phải học hỏi về loại vũ khí nầy. Tôi và các bạn đã vui hưởng những gì mà chúng tôi không có từ lâu, sự nhàn rỗi và tắm nước nóng.
Lúc 8 giờ 30 tối, khi nằm trên giường ngủ, tôi chìm đắm trong suy tư. Như vậy, Kaiten là loại vũ khí mà tôi sẽ chết theo với nó. Cuộc đời của tôi đã thực sự đổi thay trong một vài ngày qua. Từ khi gia nhập Hải Quân, tôi thường coi như tôi sẽ chết. Mọi người Nhựt đều nghĩ như vậy. Nhưng hiện tại, tôi đã nhìn tận mắt chiếc "quan tài của mình", tôi bắt đầu nghĩ đến những người bạn như Tanaka, Okamura, Miyamoto, Koizumi và một so người khác đã chọn lựa ở lại với mấy chiếc phi cơ của căn cứ Tsuchiura.
Hiện thời, ở Đông Kinh, ba tôi đang làm gì? Và hai chị của tôi, hai người mẹ đối với tôi từ hơn 12 năm nay? Họ đã cực khổ với tôi biết bao. Họ sẽ nghĩ gì, nếu họ biêt đêm nay tôi nằm ngủ tại một căn cứ bí mật trên Nội Hải, sẵn sàng chịu sự huấn luyện để trở thành một trái thủy lôi người.
Bao lâu nữa tôi mới có thể thực hiện được sứ mạng? Nếu là một pc, tôi chúng tôi thi hành nhiệm vụ với một chiến đấu cơ. Lâm trận, tôi có thể hạ một hai đối thủ, nhưng với một Kaiten, tôi có thể hạ cả một chiến hạm. Sức mạnh của tôi có thể so sánh với sức mạnh của một chiến hạm. Khi tôi ra tay, hàng nhiều trăm kẻ thù sẽ tan tác! Nhưng chúng tôi cũng sẽ tan tác với họ. Thân thể tôi biến thành trăm mảnh, bay trong không khí! Ý nầy là một ý nghĩ khủng khiếp.
Nhưng không còn thời giờ đâu để vẩn vơ với ý nghĩ nầy. Xứ sở của tôi đang lâm hiểm. Lực lượng của chúng tôi ở Attu, thuộc quần đảo Aleutian, đã bị quét sạch đến người cuối cùng. Người đồng hương với tôi đã chết trong khi chiến đấu, đã chết vì đói khát, vì kiệt sức trong các khu vực Nam Thái Bình Dương. Quân Mỹ đã có mặt ở Saipan và sắp sửa dấn bước thêm, chống lại mảnh đất quê hương của tôi. nếu không có những trái thủy lôi người, việc gì sẽ xảy ra cho Nhật Bản? Ba ngàn năm văn hiến sẽ bị tiêu diệt. Không thể như vậy được, tôi phải hạ gục bọn ngoại bang! Nhật Bản không thể nằm dưới gót giày của bọn "gaijin"!
Tôi phải làm sao để điều khiển "Kaiten" của tôi một cách khéo léo. Tôi sẽ học hỏi cho đến khi nào thượng cấp của tôi công nhận tôi là một tay lái Kaiten tốt nhứt ở Otsujima. Rồi tôi sẽ ra đi và tiêu diệt kẻ thù, đó là điều quan trọng nhứt, để gìn giữ quê hương của tôi.
3. SỨ MẠNG KAITEN ĐẦU TIÊN
"Tất cả thủy thủ, thức dậy!"
Tôi mở mắt, cảm thấy thoải mái. Những nghĩ suy hồi đầu đêm đều không vướng vất trong giấc ngủ của tôi một chút nào.
Theo thói quen, tôi mau mắn đáp lại lời kêu gọi của chiếc loa phóng thanh. Trong vòng ba phút, cả nhóm Tsuchiura đã xếp hàng bên ngoài doanh trại. Từ nơi đứng chúng tôi có thể nhìn mặt nước vịnh Tokuyama. Chúng tôi ngắm cảnh hít thở gió mát của buổi sớm lúc tập thể dục. Sau đó, chuẩn úy Chosa nói:
"Đủ rồi các bạn! Các bạn đã ở đây được một ngày. Các bạn nghĩ gì về cuộc sống mới nầy?"
Không ai đáp, nhưng tất cả chúng tôi đều mĩm cười. Sự hiện diện của chúng tôi, sau khi được cho nhiều dịp may để rút lui, đã đủ thay thế cho câu đáp.
Chosa tiếp:
"Ba mươi hoa tiêu Kaiten sẽ được huấn luyện trước bởi vì hiện thời chúng ta chỉ có 6 chiếc Kaiten trong tay mà thôi."
Chúng tôi kêu ồ lên một cách thất vọng. Chỉ với 6 chiếc Kaiten khả dụng, hy vọng huấn luyện sớm đã khó khăn rồi, huống chi là hy vọng được chọn để thi hành sứ mạng. Vị sĩ quan biết ngay ý nghĩ tiếng ồ của chúng tôi.
"Đừng lo! Kaiten sẽ sớm có đủ cho mọi người. Hiện thời chúng được sản xuất đồng loạt. Tuy nhiên, chờ cho đến khi đầy đủ, các bạn có thể dùng thời gian để học hỏi hầu hết mọi thứ về loại vũ khí này. Hôm nay, sĩ quan Trưởng xưởng bảo trì sẽ thuyết trình với các bạn về loại thủy lôi M93. Tôi có giờ huấn luyện Jaiten ở ngoài vịnh. Đêm đến tôi sẽ gặp lại các bạn. Các phương tiện giải trí ở đây rất hạn chế. Chúng ta không có chiếu bóng, do đó không có nơi nào trên đảo để rong chơi , và không có đàn bà, do đó có lẽ các bạn sẽ buồn bực. Nhưng thức ăn ở đây rất ngon, ngon hơn tất cả những căn cứ khác. Và chúng ta có một quầy hàng quân tiếp vụ tuyệt diệu, bán nhiều món hiếm có. Tất cả những loại thuốc chẳng hạn, và kẹo. Nếu các bạn thích món gì khác, xin cho tôi biết, tôi sẽ ra lịnh họ mua cho các bạn."
Ông ta quay lưng và chúng tôi đi ăn sáng, nói quanh quẩn về Kaiten, bàn coi bao giờ chúng tôi được huấn luyện và thi hành sứ mạng. Không có thời giờ để buồn bực.
Sau bữa ăn, Thiếu tá Itakura bước vô doanh trại của chúng tôi. Tất cả chúng tôi ngồi trên tatami. Cảnh tượng nhắc tôi nhớ đến các lớp học trong chùa, lúc học sinh ngồi nghe thầy giảng dạy. Với tấm bảng đen và phấn, vị chỉ huy trưởng vạch cho chúng tôi thấy diễn tiến từng ngày của cuộc chiến. Nhiều mẫu tin do ông đưa ra đã gây xúc động cho chúng tôi, nhứt là tin tức liên quan đến Đệ Lục Hạm Đội, lực lượng tiềm thủy đỉnh của chúng tôi. Có lần hạm đội nầy được coi là hùng hậu nhứt thế giới, nhưng hiện thời đã giảm sút một cách khủng khiếp. Chỉ còn một vài tiềm thủy đỉnh lớn, tức loại cần thiết cho cuộc hành quân Kaiten.
Thiếu tá Itakura nói:
"Tôi biết các bạn luôn luôn giữ niềm kiêu hãnh đối với hải quân của chúng ta, và tôi bảo đảm với các bạn là hải quân đã hết lòng chiến đấu ở khắp nơi. Tuy nhiên, giòng thủy triều của cuộc chiến đã xoay ngược về phía chúng ta. Càng ngày đối phương càng vượt trội chúng ta về số lượng chiến hạm và phi cơ. Chiến hạm của họ có thể khai hỏa ở tầm xa hơn, và sớm hơn chiến hạm của chúng ta, bởi lẽ ra đa của hộ siêu việt. Họ nhìn thấy chiến hạm và phi cơ của chúng ta trước khi chúng ta nhìn thấy chiến hạm và phi cơ của họ
Các xạ thủ và nhân viên thủy lôi của chúng ta không thua kém đối phương, nếu không nói là tài ba hơn, nhưng trọng pháo và thủy lôi của chúng ta chỉ hữu hiệu khi ở trong tầm gần, còn địch quân hữu hiệu ở cả tầm xa, vì họ có rada hổ trợ. Ngay cả đại kiếm khách Musashi Miyamoto có sống lại đi nữa, ông ta cũng đành bó tay trước một đối thủ xử dụng trường thương."
Niềm tin của chúng tôi tắt dần. Thiếu tá Itakura tiếp:
"Dù vậy, vẫn còn hi vọng. Khi hạm đội của người Mỹ tiến sát vô Nhật Bản hơn, chúng ta sẽ tấn công với loại thủy lôi "thị giác". Các bạn, và những người như các bạn sẽ là những đôi mắt của loại vũ khí vĩ đại nhứt trên biển, chưa từng được sáng chế nầy. Nếu mỗi người trong các bạn đánh trúng một mục tiêu, các bạn nghĩ coi kết quả sẽ ra sao? Ngay cả Hoa Kỳ, với tất cả nền kỹ nghệ và sự giàu có tột bực, họ cũng không thể nào chịu nổi sự mất mát 100 chiến hạm. Có một việc mà tôi cần phải nói thêm trước khi các bạn bắt đầu công việc học hỏi. Chúng ta đã từng tạo ra một sai lầm, đó là sự đánh giá ý chí của địch quân của chúng ta quá thấp. Chúng ta không nghĩ họ sẽ chiến đấu bền bĩ như vậy. Tốt, họ chiến đấu bền bĩ, tinh thần chiến đấu của họ mạnh, vì như các bạn, họ yêu xứ sở của họ. Do đó, các bạn phải yêu xứ sở của các bạn hơn, các bạn phải chiến đấu bền bĩ hơn, và đánh bại họ. Mặc dù các bạn có Yamato damashii (Tinh thần Nhật Bản), kẻ thù cũng có tinh thần quốc gia của họ. Tinh thần quốc gia của các bạn phải mạnh hơn của họ!"
Ông bước ra, chúng tôi đi đến lớp học. Trong tuần lễ thứ hai của tháng Chín năm 1944, và những tuần lễ kế tiếp, đời sống của chúng tôi diễn tiến đều đều một mực. Buổi sáng nghe giảng về loại thủy lôi oxy M93, buổi chiều học về Kaiten. Công việc học hỏi khó nhọc, nhưng chúng tôi thích thú, vì chúng tôi vừa học hỏi vừa chờ đợi được xử dụng riêng một chiếc Kaiten.
Hai ngày sau khi chúng tôi bắt đầu học tập, nhóm Tsuchiura được phép dự một buổi hội thảo. Mở đầu, thiếu tá Itakura nói:
" Đây là một buổi hội thảo thứ bảy cảu chúng tôi, và tôi hy vọng các bạn mới đến có thể học hỏi những kinh nghiệm của một số người đã từng lái Kaiten. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu buổi hội thảo, tôi muốn giới thiệu với các bạn các sĩ quan ở đây. Đầu tiên là sĩ quan phụ tá của tôi.
Một sĩ quan đứng lên và tự giới thiệu là Đại úy Mizoguchi. Kế đến là sĩ quan khác, và khi người cuối cùng đứng lên, tôi nhìn ông ta một cách kinh ngạc. Vị sĩ quan nầy có mái tóc thật dài, bận một quân phục dơ bẩn, dính đầy dầu mở, mặt mày ông ta lem luốc, có vẽ mệt mỏi. Tại sao ông ta vô đây, tôi hỏi. Chắc ông ta không thể là một sĩ quan hải quân. Ông ta trông thô lậu, nhưng đôi mắt ngời sáng và dữ tợn. Khi ông ta nhìn chúng tôi, tôi tự nhủ đây là loại người sẽ ném cả linh hồn lẫn thể xác vô công việc đảm trách.
Ông ta cất tiếng, giọng rất nhã nhặn"
"Tôi là Sekio Nishina!"
Ông ta ngần ngừ trong giây lát. Thì ra đây là một trong những nhà phát minh Kaiten. Thật khó tin, vì ông ta coi giống như một thi sĩ đầy mơ mộng. Ông ta tiếp:
"Gặp các bạn, tôi rất hân hạnh, và tôi hi vọng các bạn sẽ có một tinh thần vĩ đại như người bạn thân yêu nhứt của tôi, Đại úy Hiroshi Kuroki."
Chúng tôi biết Kuroki đã thiệt mạng và ngày 6 tháng Chín, khi Kaiten của ông mất kiểm soát và chúi xuống đáy vịnh. Nishina lại nói:
"Mặc dù tôi sẽ không được ở với các bạn lâu dài, bởi vì tôi hy vọng được thực hiện sứ mạng Kaiten đầu tiên, tôi sẽ tận tâm giảng dạy cho các bạn tất cả những gì tôi hiểu biết, trong thời gian tôi còn ở đây."
Ông ta khom mình chào, ngồi xuống và cuộc hội thảo bắt đầu. Các sĩ quan lần lượt trình bày những kinh nghiệm của họ.
Sự thiếu kiên nhẫn bao trùm nhóm Tsuchiura khi công cuộc huấn luyện tiếp tục. Chúng tôi luôn luôn hỏi các huấn luyện viên khi nào có thêm Kaiten để chúng tôi có thể bắt đầu công việc huấn luyện dưới nước. Họ nói:
"Không lâu nữa đâu! Sẽ có bây giờ!"
Nhưng lúc chúng tôi vẫn còn chờ đợi, sứ mạng Kaiten đầu tiên được công bố. Tinh thần của mọi người ở Otsujima rung chuyển với tin nầy. Trong tháng đầu tiên của chúng tôi ở đây, lực lượng Hoa Kỳ đã đổ bộ lên Palau, và cơ quan tình báo của chúng tôi tiên đoán cuộc đổ bộ nầy là sự chuẩn bị cho một mũi dùi chỉa vô Phi Luật Tân, rồi xử dụng quần đảo nầy là bàn đạp cho một cuộc đổ bộ khác gần Nhật Bản hơn. Đối phương chiếm giữ đảo san hô Ulithi, thuộc quần đảo Caroline, một vùng thả neo lí tưởng, có thể tập trung cả một hạm đội, việc nầy cũng báo hiệu cho một cuộc đổ bộ quan trọng nữa sắp xảy ra. Cuộc đổ bộ nầy phải được chận đứng bằng một cuộc tấn công Kaiten. Mười hai người được chọn để thực hiện cuộc tấn công Kaitan đầu tiên. Ngoài Nishina, Murakami và Utsunomiya, còn chín người nữa: Đại úy Yoshinori Kamibeppu, các trung úy Kentaro Yoshimoto, Hitoshi Fukuda, Kazuhisa Toyozumi, và các thiếu úy Taichi Imanishi, Kozo Watanabe, Yoshihiko Kudo, những sĩ quan nầy đều thiện nghệ về Kaiten.Một buổi lễ đặt biệt được tổ chức vào buổi trưa ngày 7 tháng 11 năm 1944. Bây giờ lực lượng Hoa Kỳ đã đặt chân lên Phi Luật Tân, và hạm đội của chúng tôi đã chịu đựng những thảm họa khác quanh hải phận của quần đảo nầy. Trong vòng năm ngày, ba mươi chiến hạm của chúng tôi bị đánh chìm, bao gồm thiết giáp hạm Musashi, chiếc tàu đàn chị của Yamato vĩ đại. Bốn hàng không mẫu hạm, gồm chiếc Zuikaku đã từng tung phi cơ tấn công Trân Châu Cảng, và hai mươi tuần dương hạm và khu trục hạm đã biến mât dưới đáy biển. Cơ cấu phòng duyên xa của chúng tôi rách te tua, nước Nhựt thực sự lâm hiểm. Mũi dùi, theo kế hoạch "Sho go" của Bộ Tham Mưu Hải Quân, di chuyển đến để đập tan các cuộc đổ bộ thủy bộ ở đảo Leyte của địch quân, đã bị nghiền nát. Ánh sáng duy nhứt lóe lên, đó là sự ra đời của lực lượng tấn công đặt biệt Kamikaze dưới quyền Phó Đô đốc Takejiro Onishi. Kamikaze là tên của ngọn "Gió thần" đã tiêu diệt hạm đội Mông Cổ xâm lăng xứ sở chúng tôi vào năm 1281. Lúc đầu, các phi cơ tấn công đặt biệt nầy đạt được hiệu quả. Vào tháng Mười, Kamikaze đánh chìm hai hàng không mẫu hạm nhỏ của Hoa Kỳ, gây thiệt hại cho sáu chiếc khác, cũng như nhiều chiến hạm hạng nhẹ hơn. Những gì mà các phi công tự sát có thể làm được, các hoa tiêu Kaiten cũng có thể làm được. Như lời đầy lạc quan của Phó Đô đốc Shigeyoshi Miwa, Tư Lịnh Đệ Lục Hạm Đội, vừa nói chúng tôi vừa chỉ các tiềm thủy đỉnh I.36, I.37 và I.47 của hạm đội đậu trong vịnh gần đó. Mỗi chiếc tàu sẽ mang hai Kaiten đến đảo san hô Ulithi, phía Tây Bắc quần đảo Palau, với hi vọng đánh chìm các chiến hạm quan trọng của địch quân đang tụ tập ở đó. Sau khi chào hiệu kỳ của Hải Quân Hoàng gia, và khom mình thật sâu hướng về Thiên Hoàng ở Đông Kinh, Phó Đô đốc Miwa quay mặt lại toán Kikusui, tức tên gọi của Nishina và 12 đồng đội của họ. Miwa trao cho mỗi người một thanh đoản kiếm, một vật tượng trưng quan trọng đối với người chiến sĩ Nhật Bản. Ngày xưa ở Sparta, một thành phố cổ Hy Lạp, có chuyện kể rằng khi người con trai lâm trận lần đầu tiên, người mẹ trao cho hắn một cái mộc và nói: "Với nó hoặc trên nó!" Câu nầy có ý nghĩa là nếu chiến thắng, người con mang cái mộc về, còn nếu chiến bại, hắn sẽ được khiêng về trên cái mộc đó. Ở Nhật Bản, thanh đoản kiếm cũng có một ý nghĩa tương tự khi được trao. Một chiến sĩ hoặc là chiến thắng hoặc là sử dụng thanh đoản kiếm để "seppuku", người Tây phương gọi là "Hara kiri", nếu hắn chiến bại. Một khi thanh kiếm nầy được trao, một mạng sống đã hiến dâng cho Thiên Hoàng, hoặc là chết trận hoặc là mỗ bụng. Chúng tôi hãnh diện khi nhìn thấy 12 người lần lượt khom mình để nhận kiếm, vì chúng tôi biết rằng những ánh thép ấy sẽ không bao giờ thắm máu của họ. Họ tiến đền cùng chết với kẻ thù.Đêm đó, các sĩ quan mở tiệc tiễn đưa 12 hoa tiêu Kaiten. Mặc bộ quân phục áo nâu với quần xanh lợt, và thắt cà vạt màu xanh của hải quân, họ ngồi ở bàn danh dự. Tất cả gói ghém vật tùy thân để gởi về quê nhà, bao gồm những nhúm tóc và móng tay của họ. Hai vật sau nầy được mang về đền thờ. Sau khi các sĩ quan cao cấp mở lời, Đại úy Kamibeppu thay mặt cho toán Kikusui nói:
"Chúng tôi quyết tâm tiêu diệt những chiến hạm lớn nhứt mà chúng tôi có thể tìm thấy, và trước khi ra đi, chúng tôi muốn cảm ơn tất cả quí vị đã góp tay vào chuyến đi của chúng tôi. Chúng tôi mong cho quí vị đều khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn nhứt."Sake, ân tửu của Thiên Hoàng được rót ra, và phó Đô đốc Miwa nâng ly chúc cho sứ mạng thành công. Chúng tôi thưởng thức một buổi tiệc truyền thống của người Nhựt, gồm những thức ăn như hồng ngư, rong biển khô, cơm và "Kachi kuri" (Hạt dẻ chiến thắng). Những hạt dẻ nầy luôn luôn hiện diện trong những buổi lể có sự mong ước thành công. Hiện thời, các tay đô vật "sumo" của chúng tôi thường ăn hạt dẻ ngày trước khi tham dự một trận đấu lớn. Cuối năm 1944, Nhật Bản thiếu thốn mọi thứ, bởi lẽ nhiều tàu buôn của chúng tôi bị tiềm thủy đỉnh Mỹ đánh chìm, nhưng trái cây hộp và nhiều vật khó kiếm khác rất phong túc. Sake rót tự do. "Hải Quân Hành Khúc" được hát đi hát lại, và những giòng lệ chan chứa dành cho các đồng đội thân yêu sắp ra đi. Phải chi những ai nghĩ rằng người Nhựt chúng tôi là một chủng tộc khắc kỷ, không tình cảm, có mặt ở Otsujima đêm đó, hoặc trong những dịp khác từ thời gian nầy cho đến tàn cuộc chiến. Lúc buổi tiệc sắp tàn, Đại úy Sekio Nishina ra ngoài và đến gặp nhóm Tsuchiura. Ông chúc chúng tôi gặp nhiều may mắn và yêu cầu chúng tôi chịu khó luyện tập để đặt thắng lợi, rồi bắt tay từng người một trước khi giã biệt. Lúc 8 giờ sáng hôm sau, 12 người cúi rạp trước một ngôi miếu xây dựng đặt biệt cho họ. Mỗi người đều có một thanh kiếm sĩ quan đeo ở hong mặt và đoản kiếm ở tay trái. Đại úy Nishina cũng mang theo hài cốt hỏa táng của người bạn, Đại úy Kuroki, trong một cái hộp nhỏ. Nhúm tro hài cốt nầy sẽ ở trong Kaiten khi ông tấn công địch quân, như vậy hai người bạn có thể thực hiện chung sứ mạng đầu tiên. Sau đó, tất cả leo lên các tiềm thủy đỉnh, và lúc 9 giờ, tiềm thủy đỉnh I.37 hướng đến eo biển Kossol ở quần đảo Palau để tấn công tàu địch ở đây. Trong khi đó I.36 và I.47 trực chỉ Ulithi. Nơi đây, cả hai sẽ phóng các Kaiten xuyên qua hai ngõ khác nhau vô vũng biển san hô khổng lồ để tấn công hạm đội địch đang thả neo. I.37 không có cơ hội tiến đến mục tiêu. Mặc dù 6 quan sát viên trên đài chỉ huy mỗi khi nổi lên mặt nước, I.37 vẫn bị so na (máy dò tìm tàu lặn) của khu trục hạm Hoa Kỳ Nicholas phát hiện vào chiều ngày 12 tháng 11. Tấn công bất thần, đối phương chụp dính I.37 trước khi nó có thể lặn xuống và né tránh. Chiếc tàu bị đánh chìm với toàn thể thủy thủ đoàn, và Murakami, Utsunomiya, Kamibeppu và Kondo không còn cơ hội để đánh địch quân nữa. I.47, dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Zonji Orita, một trong những hạm trưởng tiềm thủy đỉnh tài ba nhứt của Nhật Bản, chạy êm xuôi đến mục tiêu với vận tốc 20 hải lý trên mặt nước. Cho đến khi vô hẳn trong tầm phi cơ tuần thám của đối phương, ban ngày ông chạy dưới mặt nước và ban đêm ông nổi lên để lấy dưỡng khí cũng như nhận công điện của Tổng Hành Dinh Đệ Lục Hạm Đội ở Kure. Chiếc tàu của ông cũng phối hợp hoạt động với trinh sát cơ Nhựt ở đảo Truk. Trinh sát cơ sẽ cung cấp những tin tức về hạm đội địch ở Ulithi. Tin tức tốt đẹp do vô tuyến chuyển đến I.36 và I.47 vào ngày 17 tháng 11. Ngày trước đó, một trinh sát cơ bay ở cao độ cất cánh từ Truk đã gởi một báo cáo cho biết tình hình hiện tại của các chiến hạm địch ở Ulithi. Hạm đội Hoa Kỳ qui tụ hết bên trong vũng san hô, và chia ra làm ba nhóm. "Ở phía Bắc có khoảng 30 chiến hạm, bao gồm ba thiết giáp hạm. Ở chính giữa khoảng 100 quân vận hạm và những loại bổ trợ hạm khác. Ở phía Nam có khoảng 50 chiếc, hình như đây là một lực lượng đặt nhiệm nên có cả thiết giáp hạm và hàng không mẫu hạm."Khi đọc báo cáo do thiếu tá Orita trao, Nishina kêu lên:
"Thật xui xẻo! Gần 200 chiến hạm như thế trong khi chúng ta chỉ có 8 Kaiten để tấn công. Chừng nào mới gặp dịp may nầy nữa"Nhưng có lý do tại sao chỉ có hai tiềm thủy đỉnh được gởi đến Ulithi. Đó là những chiếc tàu khả dụng duy nhứt của Đệ Lục hạm đội có thể thực hiện hải vụ. Nhật Bản đã nhảy vô vòng chiến với một lực lượng tiềm thủy đỉnh hùng hậu, nhưng đã rút nhỏ dần trước những trang bị và chiến thuật tuyệt hảo của Hoa Kỳ. Đối phương đã đặt chiến pháp tiềm thủy đỉnh và chống tiềm thủy đỉnh kên hàng quan trọng ngay khi khởi đầu cuộc chiến, trong khi Đệ Lục hạm đội của Hải Quân Hoàng gia gần như luôn luôn được xử dụng như một đứa trẻ mồ côi. Vả lại, các tiềm thủy đỉnh của chúng tôi không bao giờ được xử dụng từng nhóm đông đảo, như người Đức và người Mỹ thành thử bị tỉa dần từng chiếc một. Ngày 18 tháng 11, khi còn cách Ulithi đúng 50 dặm, Hạm trưởng Orita nổi lên mặt nước kiểm soát các Kaiten lần cuối cùng. Cả bồn đều tốt. Trưa ngày hôm sau, ông cho tiềm thủy đỉnh hướng theo hải trình phía Nam, tiến sát vô hòn đảo san hô hơn nữa. Giữa đêm, khi mảnh trăng lưỡi liềm lặn xuống chân trời, bốn hoa tiêu Kaiten chuẩn bị lần cuối cùng. Họ cở quân phục ra rồi gói lại cùng với một số vật tùy thân khác, và viết những dòng chữ cuối cùng trao cho Thiếu tá Orita. Sau đó, tất cả bốn người đều buộc "hachimiki" quanh đầu.
"Hachimaki" trông giống như một chiếc khăn tay, có ý nghĩa của một lời nguyền quyết tâm. Những chiếc khăn nầy đã từng được 47 "Ronin" (Samurai mất chủ) lừng danh buộc quanh đầu từ nhiều thế kỷ trước đây. Bị mắc mưu của một đối thủ gian giảo, vị lãnh chúa chủ nhân của 47 người nầy cảm thấy nhục nhã nên đã "seppuku"(mổ bụng). Do đó, tất cả đều trở thành "Ronin", và họ thề nguyền phục hận cho chủ nhân. Để hoàn thành lời thề nguyền nầy, họ giải tán và cố gắng xóa bỏ nếp sống cũ của họ, sinh hoạt như bao nhiêu thường dân khác. Co người biến mình thành một tay nghiên rượu, như một kẻ vô dụng. Một người khác đem bán mấy cô con gái của mình, hành động sĩ nhục nhứt đối với một Samurai. Câu chuyện về sự hi sinh khủng khiếp của 47 người nầy đã cung cấp đời sống ấm no cho vô số kịch tác giả, tiểu thuyết gia, thi sĩ, những người kể chuyện đạo, và sau cùng là những nhà sản xuất phim điện ảnh của Nhật Bản. Nhiều năm sau cái chết của chủ nhân, lúc ai ai cũng tin rằng 47 "Ronin" không còn theo bushido (giáo điều của giới Samurai) nữa, và họ đã trở thành "heimin" (thường dân), thình lình họ gặp nhau lại ở Đông Kinh vào ngày giờ đã sắp xếp trước, tất cả võ trang và mặc giáp sắt. Quấn khăn "hachimaki" quanh đầu, đêm đến họ lẻn vô lâu đài của viên lãnh chúa gian giảo, hạ sát kẻ đã gây ra cái chết của chủ nhân họ. Sau đó, họ đi ngay đến ngôi mộ của chủ nhân, cùng quì xuống và mổ bụng tự sát. Hiện thời ở Đông Kinh, phần mộ của 47 liệt sỹ nầy là nơi du khách thường lui tới chiêm bái viếng thăm.Một cái khăn quấn quanh đầu, qua câu chuyện nầy cho thấy có những ý nghĩa như thế nào đối với người Nhựt. Nó chứng tỏ rằng không có một vật gì ngăn trở được sự quyết tâm chiến thắng. Hiện tại, các bạn có thể nhìn thấy "hachimaki" ở Nhật Bản khi bọ học sinh tham dự những cuộc tranh tài trên sân vận động, khi kéo bè kéo đảng đi đánh nhau, hoặc bọn sinh viên phẩn nộ đứng lên phản đối một việc gì có tánh cách xúc phạm đến họ.
Hai Thiếu úy Sato và Watanabe chui vô "Kaiten" của họ từ trên sàn tàu, lúc chiếc I.47 nổi lên mặt nước, vì chỉ hai chiếc Kaiten của Nishina và Fukuda là có hai ông tiếp để họ chui vô từ phía bên trong tàu ngầm mà thôi. Sau đó, Hạm trưởng Orita cho chiếc I.47 lặn xuống nước và chạy mãi cho đến cửa phía Nam dẫn vô vũng biển San Hô Ulithi. Sato và Watanabe ngồi trong Kaiten của họ suốt ba giờ, liên lạc với bên ngoài bằng điện thoại. Lúc 3 giờ sáng, Nishina, vẫn dơ bẩn như bao giờ, leo xuyên qua một ống tiếp để chui vô Kaiten số 1, kế đó Fukuda, chui vô Kaiten số 2.
Mỗi Kaiten buộc dính với tiềm thủy đỉnh bằng bốn sợi dây cáp. Hai sợi đã được tháo ra khi chiếc I.47 nổi lên mặt nước vào giữa đêm, hai sợi cáp còn lại có thể tháo ra từ bên trong chiếc tàu. Lúc 4 giờ, Hạm trưởng Orita lướt về phía rừng đèn nhấp nhánh của hạm đội địch nhìn thấy xuyên qua tiềm vọng kính. Tất cả 4 Kaiten báo cáo trên đường dây điện thoại: "Sẵn sàng đợi lịnh!"
Sợi dây cáp thứ ba của Kaiten số 1 được tháo ra, và Orita nói: "Mở máy!"
Bên trong tiềm thủy đỉnh có thể nghe tiếng động cơ nổ.
"Đã mở máy!"
"Sẵn sàng!"
"Đi!"
Sợ dây cáp thứ tư được tháo ra. Lúc đó là 4 giờ 15 phút của ngày 20 tháng 11 năm 1944. Hạm trưởng Orita, xuyên qua tiềm vọng kính, có thể nhìn thấy một đường sủi bọt, kéo dài trong một giây, khi Kaiten của Nishina lướt đi. Soát lại vị trí, độ sâu và chiều hướng, Nishina tiếp tục lướt đi dưới mạng lịnh xâm nhập càng sát hạm đội địch chừng nào hay chừng nấy, trước khi đẩy tiềm vọng kính lến để chọn lựa mục tiêu tấn công.Thiếu úy Sato rời khỏi chiếc I.47 lúc 4 giờ 20 phút, tiếp theo sau là Watanabe và Fukuda, mỗi người cách nhau 5 phút. Những tiếng nói cuối cùng của các hoa tiêu Kaiten được nghe trong phòng chỉ huy của I.47 là tiếng nói của Fukuda: "Tennoheika banzai!" Thiên Hoàng vạn tuế! Hiện thời bốn Kaiten đang lăn hướng đến mục tiêu với tốc độ hơn 30 hải lý, và mỗi Kaiten kiếm được một mục tiêu lớn hơn nó gấp 1000 lần. Mặc dù Kuroki và Nishina chế tạo theo lịnh của Bộ Tham Mưu Hải Quân một bộ phận có thể phóng hoa tiêu ra ngoài khi hắn còn cách mục tiêu 150 bộ (khoảng 50 thước), nhưng không ai có ý định xử dụng bộ phận nầy. Và cũng chưa có một ai thoát thân trong những sứ mạng Kaiten được thực hiện sau đó. Một người chỉ có thể nắm chắc phần đánh trúng mục tiêu khi hắn nắm chắc phần chết. Bỏ Kaiten nghĩa là bỏ mục tiêu. Phương pháp tốt nhứt là ngồi yên và tiến tới. Thiếu tá Orita cảm thấy chiếc I.47 trồi ngược lên khi sức mạnh 12 tấn rời khỏi sàn tàu. Ông chúi nhẹ xuống lướt về phía Đông Nam, dự định nổi lên trong giây lát trước 5 giờ sáng, thời gian dự trù tất cả các Kaiten chạm mục tiêu, kể cá các Kaiten của chiếc I.36 ở phía Đông Bắc. Orita muốn đứng trên sàn tàu, nhìn quang cảnh xuyên qua tiềm vọng kính lớn, hơn là nhìn xuyên qua tiềm vọng kính nhỏ bé. Ông muốn xác định hẳn các mục tiêu bị đánh trúng để mang tin tức trở về Nhựt. Lúc 5 giờ sáng, I.47 trồi lên mặt nước. Bầu trời mờ của giây phút bình minh, cả thủy thủ đoàn đều căng thẳng, vì họ biết ánh sáng đầu ngày sẽ hiện đến nhanh chóng ở Thái Bình Dương. Một, hai, ba phút trôi qua. Rồi một phút và một phút nữa. Sau đó, 5 giờ 7 phút, một bụng lửa đỏ ối tung lên khỏi hòn đảo san hô Ulithi, ngay chính giữa hạm đội địch. Trúng thẳng!
Orita la lên:
"Chúc mừng anh, Nishina!"
Vì bựng lửa nằm ngay bên trong vũng biển san hô, nơi dự trù tấn công của nhà phát minh Kaiten. Lúc 5 giờ 11 phút, một bựng lửa vĩ đại khác xuất hiện. Lại trúng nữa! Thủy thủ đoàn I.47 trở nên cuồng nhiệt, la hét và cười lớn tiếng. Nhưng họ vội vã trở về vị trí, vì Orita bất ngờ phát hiện một khu trục hạm Hoa Kỳ. Chiếc tiềm thủy đỉnh to lớn chúi ngay xuống nước, nhưng chiếc tàu địch không đến. Do đó, Orita lại nổi lên mặt nước, vừa kịp lúc chào đón mặt trời mọc. Ông có thể nhìn thấy khu trục hạm địch chạy xa xa, theo hướng các hoa tiên Kaiten vừa đi, lướt đến đảo Ulithi. Lúc 5 giờ 52 phút, thêm một tiếng nổ vọng đến. Lúc 6 giờ, Thiếu tá Orita ra lịnh dành mặc niệm cho bốn người vừa ra đi vĩnh viễn. Sau đó, ông cho tàu lặn xuống nước, lướt lặng lẽ ra xa với tốc độ hai hải lý, đảo một vòng rộng lớn quanh quẩn phía Tây Nam của hòn đảo san hô và hướng về Nhật Bản. Tất cả thủy thủ đoàn vừa khóc vừa cười, hân hoan vì sự thành công của các chiến sĩ, nhưng buồn thảm về cái chết của họ.
Tuy nhiên, I.36 không được may mắn bằng. Thiếu tá Teramoto cho hai Thiếu úy Imanishi và Kudo chui vô Kaiten của họ lúc 3 giờ sáng, rồi tới phiên hai trung úy Yoshimoto và Toyozumi. Mọi việc hầu như diễn tiến suông sẽ cho đến khi I.36 tiến đến điểm chỉ định để phóng bốn người nầy, ngay sát ngõ phía Đông đưa vô vũng biển san hô Ulithi. Nơi đây, lúc sắp phóng đi, hai Kaiten số 1 và số 2 vướng dây cáp. Mọi người đều chửi thề, và tiếng chửi thề càng lớn hơn khi người Kaiten số 4 bị hở nước. Người duy nhứt có thể ra đi là Thiếu úy Imanishi, trong Kaiten số 3. Hắn lướt đi hồi 4 giờ 54 phút, giữa lúc máy ddienj thoại trong phòng chỉ huy I.36 vang vang những lời nói đầy nôn nóng của Yoshimoto, Toyozumi và Kudo. Cả ba đã cố gắng một cách vô vọng trong việc giải thoát cho các Kaiten của họ. Lo sợ địch quân phản công, Đại úy Kiyotake Ageta, chỉ huy toán Kikusui đi theo trong chiếc I.36, ra lịnh đình chỉ nhiệm vụ. I.36 chạy xa xa và nổi lên mặt nước, mang Thiếu úy Kudo vô tàu rồi lặn xuống và tắt máy, do đó họ có thể nghe tiếng nổ vọng đến từ đảo san hô. Thiếu tá Teramoto hi vọng sửa chữa ba Kaiten gặp rắc rối bằng cách nổi lên mặt nước, nhưng lực lượng phòng vệ của Hoa Kỳ đã ngăn chặn việc nầy. Từ ngõ phía Đông của vũng biển, nhiều chiến hạm địch xã hết tốc lực chạy ra và bắt đầu thả thủy lôi nổ ngầm khắp mọi nơi. Hiển nhiên, địch quân chỉ nghĩ rằng những tiếng nổ vừa rồi là do các thủy lôi thường phóng từ một chiếc tàu lặn. Thêm hàng trăm khối thuốc nổ ngầm được thả xuống, nhưng không có khối nào nổ gần I.36.Chiếc tàu phải ở dưới mặt nước gần 19 tiếng đồng hồ, thán khí đã tràn ngập. Cuối cùng, Hạm trưởng Teramoto quyết định liều lĩnh nổi lên để lấy dưỡng khí và giải tỏa tình trạng kiệt sức của thủy thủ đoàn. Hai mươi phút trước nửa đêm, ông cho tàu nổi lên, không bị phát hiện, và xả hết tốc lực về phía Bắc, rời xa khu vực nguy hiểm.Tôi rời Otsujima bốn ngày trước khi I.36 và I.47 thực hiện hải vụ tấn công. Với phân nữa người của nhóm Tsuchiura, tôi được lịnh đến Hiraki, gần Kure. Chương trình Kaiten diễn tiến nhanh chóng hơn, hiện thời loại vũ khí nầy đã được sản xuất thêm, và ở Hiraki, một công xưởng hải quân được coi là lớn nhứt Đông phương, nhiều hoa tiêu Kaiten đã hoàn tất công việc huấn luyện. Tại đây, tôi nghe tin tức thành công của toán Kikusui. Tôi cảm thấy buồn cho Kamibeppu, Kondo, Murakami và Utaunomiya, những người đã chết trước khi có dịp may tấn công kẻ thù. Đó là định mạng của họ. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng các cuộc tấn công sau nầy sẽ gây cho đối phương sự hủy diệt to tát hơn, để bù đắp vào những mất mát nầy.
Hai tiềm thủy đỉnh I.36 và I.47 trở lại Kure vào ngày 30 tháng 11, trên hải trình có dừng lại Otsujima. Ngày 2 tháng Chạp, một phiên họp đặt biệt mở ra trên chiếc Tsukushi Maru, soái hạm của Đệ Lục hạm đội, để học hỏi các kết quả của cuộc tấn công Ulithi. Trên 200 người tham dự, bao gồm nhiều sĩ quan cao cấp từ Đông Kinh, và những chuyên viên chiến pháp tiềm thủy đỉnh hàng đầu, cũng như các chiến thuật gia Kaiten của Nhật Bản. Phiên họp khai mạc lúc 10 giờ sáng, và nhiều sĩ quan đã phải lau nước mắt khi thiếu tá Orita nói về tinh thần dũng cảm của Nishina, Sato, Watanabe, Fukuda trong thời gian toán Kikusui thực hiện sứ mạng. Nhiều cuộc thảo luận được đưa ra, và Thiếu tá Gunichi Sakamoto, thuộc Bộ Tham Mưu Đệ Lục hạm đội, tóm lược các kết quả sau đó. Ông lưu ý rằng I.47 đã nhìn thấy hai cột lửa khổng lồ và I.36 nghe những tiếng nổ, rồi ông mô tả kế hoạch tấn công, hướng tiến và tốc độ của mỗi hoa tiêu Kaiten đã được chỉ thị thi hành. Kế nữa, Sakamoto trưng ra các không ảnh do trinh sát cơ của Truk chụp được vào ngày 23 tháng 11, ba ngày sai khi nhiệm vụ được thực hiện. Ông nói:
"Qua các không ảnh nầy, chúng ta có thể nghỉ rằng Đại úy Nishina, Trung úy Fukuda và Thiếu úy Imanishi đã đánh chìm ba hàng không mẫu hạm. Thiếu úy Sato và Watanabe đã đánh chìm hai thiết giáp hạm."
Mọi người đều tỏ ra hân hoan. Ba hàng không mẫu hạm! Và hai thiết giáp hạm! Đối phương vỡ mặt vỡ mày rồi! Hiện thời Kaiten đã được thực nghiệm, và đã chứng tỏ hiệu năng của nó. Nếu may mắn đến với tôi, tôi cũng có thể tung ra một cú đấm như vậy vào kẻ thù của quốc gia tôi. tôi cũng sẽ chôn một hàng không mẫu hạm xuống đáy biển!.
4. MỘT KAITEN TRONG TAY TÔI
Sự thành công của toán Kikusui đã khiến chúng tôi hân hoan trong nhiều tuần lễ. Tinh thần chúng tôi dâng cao tột độ, cho dù còn lâu lắm chúng tôi mới được thực hiện nhiệm vụ. Một số người ở Otsujima đã hoàn tất công cuộc huấn luyện. Chúng tôi chắc chắn họ sẽ ra đi đầu tiên. Điều nầy trở thành sự thật. Nhiệm vụ kế đó, toán Kongo, lên đường từ Otsujima. Lần nầy cuộc tấn công hùng hậu hơn. Sáu tiềm thủy đỉnh I.36, I.47, I.48, I.53, I.56 và I.58, được xử dụng để chở 24 Kaiten, và một kế hoạch lớn nhằm tấn công đối phương tại nhiều điểm khác nhau cung một lúc. Sự thành công ở Ulithi, sự thành công tiếp theo nầy, qui mô và đồng loạt, có thể hi vọng chặn đứng bước tiến của đối phương, với một thời khoảng vừa đủ để cho Hải Quân Nhựt lấy lại hơi thở. Do đó, các nhà lãnh đạo của chúng tôi mới có thể chuẩn bị để tung ra một trận đánh vĩ đại. Theo kế hoạch, toán Kongo sẽ tấn công địch tại hơn 5 địa điểm khác nhau. Thiếu tá Zenji Orita, đã từng thành công trong sứ mạng Ulithi, sẽ hướng đến hòn đảo Hollandia thuộc New Guinea, nơi mà mặt trận đang nghiêng phần thất lợi về phía Nhật Bản.Tiềm thủy đỉnh I.36 do thiếu tá Mashiko Morinaga chỉ huy, sẽ thực hiện nhiệm vụ ở quần đảo Admiralty, phía Tây New Britain, nơi qui tụ một số lượng chiến hạm to tát của Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi. Giống như I.47 tiềm thủy đỉnh nầy cũng mang theo 4 Kaiten.Thiếu tá Iwao Teramoto, với 4 Kaiten, sẽ quay lại Ulithi, tấn công mục tiêu nầy lần thứ hai. Một mục tiêu khác, nương theo hải trình mà chiếc I.37 bị đánh chìm trong nhiệm vụ của toán Kikusui trước đó, sẽ do tiềm thủy đỉnh I.53 của thiếu tá Seihachi Toyamasu đảm trách, với 4 chiếc Kaiten được cầm đầu bởi Trung úy Hiroshi Kuzumi, xuất thân Hàn Lâm Viện Hải Quân Thiếu tá Mochitsura Hashimoto, vị hạm trưởng lừng danh sau nầy qua chiến công đánh chìm tuần dương hạm Indinapolis của Hoa Kỳ, chỉ huy tiềm thủy đỉnh I.58, với 4 Kaiten, cầm đầu bởi một sĩ quan xuất thân Etajima khác, Trung úy Seizo Ishikawa. Nhóm Kaiten thứ sáu, cũng do một sĩ quan Etajima hướng dẫn, Trung úy Kentaro Yoshimoto, đi trên chiếc I.48, hạm trưởng là Thiếu tá Zenshin Toyama. Năm tiềm thủy đỉnh đầu tiên sẽ tấn công các mục tiêu vào ngày 11 tháng Giêng năm 1945. Chiếc thứ sáu, I.48, chín ngày sau đó sẽ tái tấn công Ulithi, vùng thả neo vĩ đại nhứt ở Thái Bình Dương.Kể từ cuộc hành quân Kikusui, có nhiều biến cố xảy ra. Địch quân đã đánh chiếm đảo Mindaro ở Phi Luật Tân, và theo sự xét đoán, họ sẽ thọc mũi dùi khác xa hơn về phía Bắc. Trong thời gian nầy, hai tiềm thủy đỉnh đáng giá của Nhật Bản, I.46 và I.156 đã bị đánh chìm. Phi công Kamikaze của chúng tôi ở Phi Luật Tân vẫn tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho hạm đội Hoa Kỳ. Nhưng những phi vụ tự sát nầy ngày càng giảm sút, vì phi cơ đông như kiến của Hoa Kỳ cất cánh từ các hàng không mẫu hạm đã càn quét Phi Luật Tân hết đợt nầy sang đợt khác, tiêu diệt hầu hết phi cơ nằm trên mặt đất của chúng tôi. Trong khi đó, tiềm thủy đỉnh địch vô ra các bờ biển của chúng tôi như chổ không người, nhờ Bộ Tổng Tham Mưu Hải Quân Nhựt lơ là với chiến pháp chống tàu ngầm từ hồi đầu cuộc chiến. Những chiến thắng vĩ đại của Nhật Bản trong hai năm 1941 và 1942, khi tiềm thủy đỉnh của chúng tôi còn xông vô tận duyên hải thuộc khu vực của Hoa Kỳ, và đánh chìm hầu hết chiến hạm địch bắt gặp, hiện thời hoàn toàn không còn nữa. Trong khi người Mỹ chú trọng kỹ thuật săn tàu ngầm, các kế hoạch gia hàng đầu của chúng tôi nằm ngủ. Kết quả, cả một hạm đội tiềm thủy đỉnh của chúng tôi hầu như biến thành con số không, trong khi đối phương càng ngày càng mạnh trên phương diện nầy. Trong số 24 Kaiten của toán Kongo chỉ có 14 chiếc được phóng vô địch quân. Bốn Kaiten trên tiềm thủy đỉnh của Thiếu tá Orita, do hai Trung úy Kawakubo và Hara, hai trung sĩ Muramatsu và Sato lái, chỉ đánh chìm một chiến hạm lớn trong Vịnh Humbold, New Guinea. Thiếu tá Hashimoto tiến vô Apra (Guam) an toàn, và phóng bốn Kaiten ra. Được cầm đầu bởi Trung úy Ishikawa, Thiếu úy Kudo, hai Trung sĩ Mori và Misueda đánh chìm một hộ tống hạm và hai quân vận hạm địch.Tại quần đảo Admiralty, chiếc I.56 của Thiếu tá Morinaga đụng đầu với mạn lưới chống tiềm thủy đỉnh dầy đặc của đối phương, nên bắt buộc phải mang bốn hoa tiêu Kaiten là Kakizaki, Maeda, Furukawa và Yamaguchi trở về căn cứ nhà. Chiếc I.53 gặp vận xấu. Thiếu tá Toyamasu vận dụng tài khéo léo đưa tiềm thủy đỉnh của ông vô eo biển Kossol, ở Palau, nơi chiến hạm địch tập trung đông đảo. Sau đó, lúc sẵn sàng khai hỏa Kaiten của Thiếu úy Kuge không chạy. Thiếu tá Toyamasu phóng Kaiten của Thiếu úy Kuzumi, nhưng Kaiten nầy phát nổ ngay khi rời tàu mà không hiểu lý do nào. Hai Kaiten còn lại lướt đến mục tiêu suông sẽ. Thiếu úy Ito và Trung úy Arimori sau đó đánh chìm một quân vận hạm lớn của địch quân.Bốn Kaiten của chiếc I.36 của Thiếu tá Teramoto, thực hiện nhiệm vụ ở Ulithi , đã đánh chìm bốn chiến hạm của địch, bao gồm một thiết giáp hạm và một tàu chở dầu. Riêng tiềm thủy đỉnh I.48 bị các khu trục hạm Hoa Kỳ đánh chìm gần Ulithi vào ngày 2 tháng Giêng với 4 Kaiten mang theo. Một lần nữa, Đệ Lục Hạm Đội đã đạt được thành công, mặc dù mất một tiềm thủy đỉnh. Tuy nhiên, tất cả tin tức nầy mãi đến tháng Hai mới đến tai tôi, trong khi tôi học tập chăm chỉ và nôn nóng chờ đợi ngày được huấn luyện dưới nước trong một Kaiten riêng của tôi. Như đã nói tôi rời Otsujima bốn ngày trước khi toán Kikusui thực hiện cuộc tấn công vào ngày 20 tháng 11 của họ. Tôi vẫn hi vọng được giao phó sứ mạng. Nhưng dĩ nhiên không một ai được chọn cho đến khi hoàn tất công việc huấn luyện. Giữa tháng Chạp, hình như hy vọng tắt hẳn, tôi mong muốn trở lại Otsujima.Ở Otsujima, hầu hết mọi người là thủy thủ tiềm thủy đỉnh, và giống như các thủy thủ tiềm thủy đỉnh khác trên thế giới, họ có một cá tính đặt biệt. Các sĩ quan đối xử thân mật với các tân binh, nhứt là các hạ sĩ quan, họ không bao giờ áp chế thuộc cấp. Cả căn cứ giống như một đại gia đình.Do đó, tất cả chúng tôi đều buồn bã khi một số được lịnh đến căn cứ Kaiten mới ở Hikari. Cho nên, vào ngày 15 tháng 11, chúng tôi vui mừng khi thấy tàu chở chúng tôi không đến. Có lẽ lịnh đã được thay đổi! Không phải như vậy. Sáng hôm sau, 48 người thuộc nhóm chúng tôi lên đường và hai giờ sau đến Hikari. Những giây phút đầu tiên ở đây đã cho chúng tôi một ấn tượng khó quên.
Chúng tôi xuống tàu, xếp hàng, vai vác hành trang và bước uể oải đến bộ chỉ huy căn cứ. Một sĩ quan chặn chúng tôi lại và hét lớn:
"Cẩu thả! Trở lại tàu xếp hàng đi lại."
Chúng tôi chạy thối lui, xếp hàng lại, và bước đều dưới sức nặng oằn vai. Viên sĩ quan nói lớn:
"Tốt lắm! Tôi hi vọng các bạn sẽ nhớ bài học nầy! Từ đây trở về sau, bất kì việc làm gì làm không đúng, các bạn có thể hy vọng làm đi làm lại cho đến khi nào đúng mới thôi."
Nhưng lời nói kế tiếp của viên sĩ quan đã quét sạch nổi đắng cay đầu tiên của chúng tôi.
"Các bạn đã hoàn tất giai đoạn huấn luyện căn bản. Vì vậy, chúng tôi dự định huấn luyện trên mặt nước ngay cho một số các bạn. Ngày mai! Bây giờ, các bạn đến nơi cư trú mới. Tôi là Đại úy Keisuke Miyata, sĩ quan phụ tá căn cư. Các bạn sẽ gặp một số các sĩ quan khác sau đó."
Nơi cư trú mới khiến chúng tôi hài lòng. Thật tuyệt diệu, phòng ở thông thoáng, và những vật bày biện gây kinh ngạc cho chúng tôi thật sự. Ở Tsuchiura chúng tôi ngủ trên võng, ở Otsujima chúng tôi ngủ trên đệm, nhưng ở đây chúng tôi được ngủ trên những chiếc giường của người Tây phương, giống như trong một khách sạn tân tiến nhứt. Có lẽ Hikari không đến nỗi tệ !
Chiều đó, chúng tôi được lịnh tập họp để nghe giới thiệu các sĩ quan mới. Lúc nầy tất cả chúng tôi đều cảm thấy dễ chịu. Những câu nói ở buổi tập họp chúng tôi đã từng nghe lại nhiều lần, nên không có gì đáng thích thú. Nhưng cuối cùng, chúng tôi được một trận cười. Một trong số sĩ quan bước ra ngoài với một cây gậy trong tay. Hắn ta vừa chỉ gậy về phía chúng tôi vừa vận nội lực để nói:
"Tôi là Thiếu úy Mamoru Miyoshi. Người quanh đây gọi tôi là Miyoshi Seikai Nyudo!"
Tất cả chúng tôi không thể nín cười nỗi. Viên sĩ quan này có khuôn mặt trẻ con quá, tất cả chúng tôi đều biết qua các quyển lịch sử, Miyoshi Seikai Nyudo là một người có sức mạnh chưa từng thấy, thủy tổ môn thể thao quen thuộc của Nhật Bản, môn đô vật "Sumo". Còn Miyoshi trước mặt chúng tôi cao không đầy một thước mốt và hơi bị nhẹ ký, mặc dù hắn ta cố làm cho mình "lớn bằng con bò" với chút ít ồn ào.
Ngày hôm sau, đôi mắt của chúng tôi ánh lên niềm lạc quan khi bắt tay vào công cuộc huấn luyện. Có hơn 70 Kaiten ở Hiraki và, mặc dù có đến 200 khóa sinh, những người thuộc nhóm Tsuchiura chúng tôi cảm thấy sẽ sớm được ra ngoài vịnh thực tập với loại vũ khí nầy. Bởi lẽ hơn phân nửa số khóa sinh khác là những người đến từ căn cứ Nara, chắc chắn sự hiểu biết của họ không hơn chúng tôi.
Nhưng chúng tôi thất vọng. Mặc dù có hơn 70 Kaiten nhưng chỉ có khoảng mười hai người được huấn luyện mỗi ngày, phân nửa buổi sáng và phân nửa buổi chiều. Lý do dễ hiểu: thiếu chuyên viên. Chúng tôi chỉ co khoảng 45 chuyên viên bảo trì biết về thủy lôi M93 và Kaiten. Riêng Kaiten là loại vũ khí mới, nên mỗi chiếc cần phải có một nhóm 7 chuyên viên để kiểm soát, thử đi thử lại, cũng như bom dưỡng khí vô bình mỗi lần huấn luyện xong. Công việc nầy phải mất từ bốn đến năm tiếng đồng hồ. Do đó, sự ngã lòng lại tràn ngập chúng tôi một lần nữa. Có lẻ chúng tôi chỉ được thực hiện sứ mạng khi kẻ thù lướt ngang qua Nội Hải?Tiềm thủy đỉnh Mỹ cũng đóng một vai trò trong việc làm trì trệ tốc độ huấn luyện của chúng tôi. Chúng đã đánh chìm nhiều trăm chiến hạm Nhật Bản, bao gồm một số tàu chở dầu từ Đông Indies thuộc Hòa Lan về Nhật Bản. Mỗi Kaiten được một ngư lôi đỉnh vận tốc cao bảo vệ trong khi thực tập trong vịnh. Những chiếc tàu chạy mau nầy tiêu thụ xăng rất mạnh, mà xăng thì càng ngày càng khan hiếm. Sĩ quan chỉ huy của chúng tôi nhiều lần nhắc nhở rằng dân chúng khắp nước Nhựt, ngay cả quân đội, đã bắt đầu tùy thuộc vào các toa xe kéo bằng bò và ngựa, cũng như đầu máy xe lửa chạy bằng than để chuyển vận. Các ngư lôi đỉnh chỉ được phép chạy có giới hạn. Thời gian nầy, một giọt xăng bằng một giọt máu. Do đó, buổi chiều ngày 22 tháng Chạp, khi nhìn thấy tên trên bảng, tôi không tin đôi mắt của mình. Tôi nhìn đi nhìn lại mãi. Phải, Trung sĩ Yukuta Yokota, Kaiten số 27, thực tập ngày hôm sau. Giây phút chờ đợi của tôi đã đến. Nếu tôi lướt qua buổi thực tập đầu tiên nầy, tôi sẽ tiếp tục thực tập và cuối cùng thực hiện sứ mạng. Tôi chạy trở về phòng để báo tin cho người bạn thân của tôi, Trung sĩ Yoshihito Yazaki. Hắn đã được thực tập ngày hôm qua. Tôi hỏi hắn hết câu hỏi nầy đến câu hỏi khác. Hắn kể lại những kinh nghiệm đã trãi qua cho tôi nghe. Suy nghĩ miên man, đêm đó tôi không tài nào ngủ được. Muôn ngàn ý nghỉ vơ vẫn trong đầu tôi. Cuối cùng, không thể nào chịu nỗi, tôi ngồi bật dậy, bắt đầu lục lọi những vật sở hữu. Nếu có gì xảy ra cho tôi, người ta sẽ khó thể tìm thấy chúng trong đóng rối nùi nầy để mang về cho gia đình tôi. Nhìn vô ba lô, tôi cảm thấy khủng khiếp. Phân nửa ba lô nhét đầy quần áo dơ bẩn, mùi hôi hám không chịu nổi. Hồi còn ở Tsuchiura tôi rất ngăn nấp, vì có sự khám xét thường xuyên, nhưng từ ngày ở Otsujima tôi sanh ra bê bối. Tôi bới đống quần áo lên, tính mang những cái dơ bẩn ra phòng tắm để giặt. Sự rọ rạy của tôi khiến Trung sĩ Ozawa thức giấc. Hắn nói:
"Anh làm gì vậy, Yokota? Tôi nghĩ là anh nên chuẩn bị để ngày mai huấn luyện dưới nước. Hãy ngủ đi, anh cần sức khỏe!"
Tôi đáp:
"Tôi không thể ngủ được, Ozawa. Nầy, anh có vui lòng làm giúp tôi việc nầy không? Nếu có việc gì xảy ra cho tôi ngày mai, anh vui lòng quăng mấy thứ nầy đi giùm tôi. Nếu anh làm như vậy, tôi sẽ để lại cho anh tất cả những gì anh muốn có. Có bốn năm bộ quần áo dơ trong ba lô. Anh buộc chúng lại và quăng chúng đi, như vậy tôi đở phải xấu hổ với người khác."
Ozawa bật cười lớn:
"Đừng bi thảm như vậy! Anh chỉ đi ra bốn năm dặm ngoài vịnh mà thôi. Không có việc gì xảy ra cho anh đâu!"
Hắn lại vùi đầu vô mền, và tôi cảm thấy mình ngu đần. Tôi thồn mọi thứ trở vô ba lô và nhảy lên giường.
Hôm sau, ngay khi ăn sáng xong, tôi chạy đến kho chứa Kaiten gần bờ biển. Đó là Kaiten của tôi, số 27, nằm trên một cái máng bằng cây. Thiếu úy Iwao Kitagawa, Trưởng xưởng bảo trì, đã có mặt. Ông hỏi:
"Anh sắp lái Kaiten nầy?"
Tôi đáp mau:
"Thưa Thiếu úy, phải"
"Kaiten nầy tốt lắm, máy móc trong tình trạng hoàn hảo. Tuy nhiên, anh phải cẩn thận. Giống như mấy chiếc mới đưa đến, các xú bắp chưa trơn tru."
Thấy tôi lo lắng, hắn mĩm cười nói tiếp:
"Ồ, không quá xấu đâu. Tôi nghĩ anh có thể điều khiển nó mà không gặp rắc rối mấy. Đừng quá lo lắng. Bây giờ hãy chun vô và kiểm soát Kaiten của anh đi."
Kaiten của tôi! tôi vội vã leo lên và chun qua cánh cửa phía trên. Cánh cửa nầy là một lối thoát đã được chế tạo theo lịnh của Bộ Tham Mưu Hải Quân, nhưng không một ai trong chúng tôi bàn đến việc xử dụng nó. Tất cả chúng tôi đều có ý định lái Kaiten đâm thằng vô mục tiêu. Sau 30 phút nổ máy, tôi cảm thấy hài lòng, mọi dụng cụ kiểm soát đều mới toanh. Bây giờ tôi phải trình diện chỉ huy trưởng căn cứ. Tôi leo ra ngoài, nói với Thiếu úy Kitagawa rằng mọi thứ đều tốt đẹp. Tôi gặp chỉ huy trưởng trên bậc thềm Bộ Chỉ Huy.
Tôi hấp tấp nói:
"Thưa chỉ huy trưởng, Trung sĩ Yokota sẵn sàng để thực tập! Kaiten số 27! Khu vực hoạt động số I! Vận tốc giới hạn 20 hải lý! Mục đích huấn luyện: chúi xuống, vượt lên và chạy dưới mặt nước! Giờ phóng: 8 giờ 30 phút!"
Ông hỏi:
"Đây là lần thực tập đầu tiên của anh?"
"Dạ phải!"
"Anh kiểm soát Kaiten của anh chưa?"
"Dạ rồi!"
"Tàu nào hộ tống anh?"
"Dạ, ngư lôi đỉnh 220! Thiếu úy Tsuboi chỉ huy!"
"Tốt lắm! Hãy đi đi!"
Tôi chạy trở lại chiếc Kaiten của tôi. Các chuyên viên bảo trì đang đẩy nó từ kho chứa xuống bến tàu, và từ đây trở về sau là phận sự của tôi. Ngư lôi đỉnh 220 đang đậu cạnh cầu tàu chờ đợi. Một lần nữa, tôi leo vô Kaiten qua cánh cửa phía trên, và cảm thấy hơi sợ hãi khi cánh cửa đóng lại. Tôi mở đèn, đưa mắt xem qua các đồng hồ và dụng cụ đo xăng, rồi tới tiềm vọng kính. Phòng lái của Kaiten rất hẹp. Tôi là một người nhỏ thó nhưng cũng phải ngồi co rúm bên trong
Ngay trước mắt tôi là một tiềm vọng kính, chỉ một thị kính đơn độc với đôi tay vịn. Bên phải tôi là tay quay tiềm vọng kính lên xuống. Trên đầu tôi, chếch bên phải, là xú bắp kiểm soát tốc độ, và chếch bên tay trái là tay quay kiểm soát góc độ, chúi xuống hoặc vượt lên. Dưới chân phải của tôi là một xú bắp thoát nước, và chân phải tôi là bàn đạp bẻ lái.Trong khi chờ đợi máy trục nhấc bổng Kaiten của tôi đặt xuống nước, tôi cất tiếng hát nho nhỏ. Tiếng hát giúp tôi giảm bớt căng thẳng. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy như bị tung lên không và tôi cũng có thể cảm biết thân Kaiten chạm mặt nước. Những lượn sóng vổ dọc theo hai hông của nó, kến đến là tiếng những sợi dây cáp buộc Kaiten vô cạnh chiếc ngư lôi đỉnh 220.
Thế rồi ba tiếng gõ ở phía trên võ chiếc Kaiten vàng lên để hỏi coi mọi dụng cụ bên trong có thích hợp không. Tôi gõ đáp lại, cho biết tất cả đều tốt. Động cơ của ngư lôi đỉnh vang vang đến tai tôi trong khi chúng tôi chạy ra vịnh. Hồi lâu chúng tôi đến khu vực thực tập. Lại ba tiếng gõ nữa, lần nầy có ý nghĩa tôi sẽ được phóng ra trong vòng 10 giây nữa. Tôi đếm chầm chậm 10 tiếng, nín thở và ngồi bật ngửa phía sau để chống lại sức giật. Tôi lướt đi!
Đầu tiên tôi dự định lặng xuống và vượt lên thật nhẹ nhàng rồi chạy ngầm dưới nước giây lát. Do đó, sau khi chạy trên mặt nước nhiều giây, tôi chúi Kaiten xuống một góc 4 độ. Tôi nhìn đồng hồ đo độ sâu... 30 bộ... 40 bộ... 60 bộ! "Quá mau, Yokota!" Tôi nhủ thầm trong phòng lái nhỏ hẹp, và bắt đầu giảm tốc độ. Cuối cùng, tôi xuống sâu được 70 bộ, mặc dù sợ hãi!. Tôi xuống 50 bộ nữa, đụng đáy bùn của vịnh. Nhưng bấy giờ Kaiten của tôi mất kiểm soát và hướng mũi lên trong một góc 3 độ. Đồng hồ đo độ sâu chỉ con số không. Tôi quyết định giữ độ sâu khoảng 15 bộ, chúi xuống và vượt lên trong vòng độ sâu nầy. Đây là độ sâu tấn công của Kaiten, sẽ đánh trúng yếu điểm của chiến hạm địch, phía dưới mặt nước.
Khi nghĩ chắc rằng mình đã ở độ sâu 15 bộ, tôi vận sức nâng viễn vọng kính lên để nhìn quanh. Nhưng lúc sắp sửa nhìn, tôi liếc mắt về phía đồng hồ chỉ độ sâu: tôi chỉ cách mặt nước có 6 bộ.
Mồ hôi ướt đẩm thân tôi, chảy từ trán xuống mắt. Tôi vừa đưa tay lau vừa lẩm bẩm: "Mày làm bậy cả rồi, Yokota. Nếu mầy tiếp tục như vậy, đời hoa tiêu Kaiten của mày sẽ tiêu sớm! Họ không để mày lái một lần nữa đâu!"
Tôi trồi lên hụp xuống, cố gắng nhiều lần, cuối cùng tôi nghe hai tiếng đại bác nổ vang lúc tôi nổi lên mặt nước. Tôi kinh hãi. Ngư lôi đỉnh chỉ khai hỏa khi nhận thấy chiếc Kaiten đang lâm hiểm. Tôi vội vã nhìn vô viễn vọng kính và tôi dội ngược. Trước mắt tôi, đá tảng chắn ngang. Đó là đạp ngăn sóng của hải cảng Hiraki, cách không đầy 5 thước. Tôi sắp vỡ tan.
Tôi nhắm đôi mắt lại và chờ đợi âm thanh của sự tan vỡ, bất động, ngay cả ý nghĩ thoát ra khỏi cánh cửa ở phía trên cũng không. Nhưng đó chỉ là một cái va chạm nhẹ nhàng. Trong cơn bối rối trước đó, tôi đóng xú bắp xăng, và máy của Kaiten đã chết vì thiếu dưỡng khí. May mắn, đúng là may mắn đã cứu mạng tôi. đầu óc tôi trống rỗng. Tôi ngồi trên ghế, cảm thấy chiếc Kaiten bập bềnh lên xuống trên làn sóng đánh vô đập ngăn nước. Phút chốc chiếc ngư lôi đỉnh chạy đến. Tôi nghe tiếng người xôn xao và cảm thấy âm thanh lộc cộc của cái tay quay kéo tôi đến bên cạnh chiếc tàu. Sau đó, tôi mở cửa phía trên, leo ra ngoài và bước lên boong. Thiếu úy Tsuboi đang chờ đợi tôi. Mặt hắn đanh lại khi tôi trình diện.
"Thực tập lần đầu hoàn tất, thưa Thiếu úy. Không có gì sai chạy cả."
Tôi chào và bước về phía sau tàu. Hắn hét:
"Khoan!"
Tôi quay lại, đôi mắt đầy nghi vấn. Tôi hỏi:
"Thưa Thiếu úy muốn nói gì?"
Hắn hỏi, tiếng nói thét qua đôi hàm răng nghiến chặt:
"Mục đích chạy thực tập là gi, trung sĩ Yokota?"
"Để duy trì độ sâu tấn công thích hợp, thưa Thiếu úy. Đồng thời cũng giữ độ sâu thích hợp để địch quân không khám phá được."
"Hả? Anh giống như một con cá heo. Anh nghĩ cái gì sẽ xảy ra nếu anh làm như vậy trước địch quân? Súng của họ sẽ nhận chìm anh tức khắc."
Tôi câm miệng và đứng đó, đôi mắt nhìn xuống. Tôi đã hiểu, và chờ đợi những lời nói khủng khiếp: loại tôi ra khỏi chương trình Kaiten.
Đáng kinh ngạc, giọng Thiếu úy Tsuboi dịu xuống:
"Đây là lần thực tập đầu tiên, tinh thần của anh bị căng thẳng, tôi bỏ qua cho. Nhưng tôi nhắc nhở anh nhớ, chỉ một lần nầy thôi. Anh đã lạc hướng qua xa, và may mà chiếc Kaiten ngừng lại. Hiện thời đáng lý anh là một xác chết, và chúng tôi sẽ mất đi một Kaiten."
5. TRỪNG PHẠT OAN UỔNG, PHỤC THÙ NGỌT NGÀO
Sau bữa ăn tối, tất cả chúng tôi đều có mặt trong doanh trại. Một số đánh cờ, một số nhai kẹo, một số hút thuốc và một số khác, như thường lệ, ngồi bàn chuyện Kaiten. Tôi kể lại chuyện tôi thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Câu chuyện được dậm mắm dậm muối thêm vô mỗi lần tôi lập lại cho một anh bạn mới vừa gia nhập vô vòng người đang bao quanh tôi.
Thế rồi, Trung sĩ Shigejuki Kobayashi, hạ sĩ quan trực đêm đó, vừa đến trình diện khu cư trú của các huấn luyện viên trở về, đứng trước phòng ngủ của chúng tôi la lớn:
"Tất cả khóa ính Phân Đội I! Tập hợp trước khu cư trú huấn luyện viên!
Họ muốn gì đây, chúng tôi hỏi lẫn nhau. Các sĩ quan ở đây không giống như các sĩ quan ở Otsujima. Họ đối xử chúng tôi như với trẻ con. Và kỷ luật vô cùng nghiêm nhặt. Mặc dù chổ ở tốt hơn và sĩ quan Phân đôi trưởng, Thiếu úy Miyoshi, rất hợp với chúng tôi, nhưng hầu hết chúng tôi đều khoái được ở Otsujima hơn. Trung sĩ Nagata hỏi:
"Chuyện gì vậy?"
Kobayashi đáp:
"Tôi không biết, nhưng tôi có thể nói là tất cả bọn họ đều có vẻ tức giận."
Một người khác hỏi:
"Có Thiếu úy Miyoshi ở đó không?"
Chúng tôi hy vọng ông ta có mặt, nhứt là khi các huấn luyện viên dự tính trừng phạt chúng tôi. Từ hôm Miyoshi giới thiệu và mang đến một trận cười cho mọi người, tất cả chúng tôi đều khoái ông ta. Ông là sĩ quan trẻ tuổi nhứt trong số bảy sĩ quan cán bộ, nhưng lại có vẻ già dặn hơn. Nếu chúng tôi bị trừng phạt, Miyoshi sẽ đứng về phía chúng tôi, nếu ông ta xét thấy sự trừng phạt đó không hợp lý. Kobayashi nói:
"Ông ta có mặt ở khu cư trú, nhưng nằm trên giường ngủ. Đi ngay đi. Tất cả mau lên một chút. Đừng để họ chờ lâu."
Trong một vài phút, tất cả chúng tôi đứng xếp hàng bên ngoài khu cư trú của các huấn luyện viên. Điểm dánh và thấy vắng mặt hai người, Tsuda và Ishibashi, Kobayashi thò đầu qua cửa và báo cáo việc nầy. Chúng tôi nghe tiếng Thiếu úy Inouye nhét:
"Tôi nói với anh là mọi người, "bakayaro"! Tôi muốn mọi người phải có mặt. Tìm cho ra hai tên vắng mặt nầy! Lôi họ tới đây, lập tức!"
"Bakayaroi". Không một người Nhựt nào gọi kẻ khác là "đồ ngu", nếu hắn muốn duy trì tình thân hữu. Thiếu úy Inouye xử dụng danh từ nầy đối với một người không biết lúc nào sẽ chết trong một cuộc tấn công Kaiten, chứng tỏ ông ta bực bội. Bây giờ chúng tôi biết chắc rằng chúng tôi phải tìm hai tên vắng mặt cấp tốc. Chờ đợi càng lâu bọ sĩ quan càng tức giận, và hình phạt càng tệ hại hơn. Tôi, Kobayashi và hai khóa sinh khác rời khỏi hàng chạy về phòng ngủ. Chúng tôi tìm thấy Ishibashi vừa tắm nước nóng vừa rống cổ ca hat. Tôi la lên:
"Ishibashi, ra ngay! Mọi người đã xếp hàng phía ngoài khu cư trú của huấn luyện viên. Hình như chúng tôi sẽ lãnh đủ."
"Lãnh đủ cái gì?"
"Lãnh đủ của huấn luyện viên! Họ lội cổ cả bọn ra xếp hàng. Tất cả đều giận dữ!"
Ishibashi bước ra khỏi bồn tắm, lau mình chậm rãi.
Tôi thúc hối:
"Hayaku!... anh biết Tsuda ở đâu không?"
"Trong một phòng tắm khác!"
Tôi chạy sang phòng tắm dành cho nhân viên bảo trì và tìm thấy một ca sĩ đang sung sướng khác. Tôi lôi cổ hắn ra khỏi bồn nước nóng, và không lâu sau đó tất cả chúng tôi đều trở lại hàng. Trong một thoáng, tôi nghĩ rằng sự sai lầm trong buổi thực tập hồi sáng của tôi đã đưa đến cuộc tập hợp nầy. Thiếu úy Tsuboi muốn bêu xấu tôi trước mọi người.
Bấy giờ sáu sĩ quan bước ra ngoài, tất cả đều là Thiếu úy. Thiếu úy Narumi đi đầu, tiếp theo sau là Inouye, Kajima, Toyama, Tsuboi và Ikegaki, mặt mày sa sầm. Tôi biết ngay tôi đã đoán lầm. Không thể nào cả sáu sĩ quan đề tức giận một khóa sinh phạm lỗi trong khi thực tập.
"Các anh vô lễ với sĩ quan."
Đó là tiếng hét cảu Thiếu úy Narumi. Giọng của ông vang dội theo hành lang. Tôi biết ngay cái gì sắp xảy ra. Một trận mưa đòn. Tôi từng nghe giọng nói như vậy hồi còn ở Tsuchiura, đủ để hiểu ý nghĩa của nó. Một người trong bọn chúng tôi đã là cái gì đó, và nguyên tắc trừng phạt đồng loạt thông thường trong Hải Quân Hoàng gia sắp được áp dụng. Một người lầm lỗi, cả bọn lãnh đủ. Tôi hơi ớn, nhưng lại tò mò muốn biết bị trừng phạt vì tội gì?
"Một người trong bọn các anh, tại buổi hội thảo cách đây hai đêm, đã gọi Thiếu úy Toyama là "donguri", và cũng đặt tên ông ta là "mắt lồi", khi ông vấp phải một lỗi lầm trong lời nói! Bây giờ, người nào đã nói? Chúng tôi muốn biết ai đã nói ra mấy tiếng nầy?"
À, wakatta! Bây giờ tôi mới vở lẻ! Hai ngày trước đây, trong một buổi huấn luyện, Kaiten của Toyama đã chìm xuống đáy vịnh. Đầu đạn Kaiten huấn luyện của chúng tôi chứa nước thay vì chất nổ, và có một bộ phận ép đặt biệt để tống nước trong đầu đạn ra ngoài. Đầu đạn rỗng trở thành một cái phao đưa Kaiten nổi lên mặt nước. Nhưng Thiếu úy Toyama đã cố gắng vận chuyển bộ phận ép nầy một cách vô ích. Do đó, Kaiten của hắn ta nằm luôn dưới đáy vịnh và phải nhờ ngư lôi đỉnh dùng móc trục lên.
Mọi người đều nghĩ rằng Toyama chúi xuống bùn quá mau nên lên không được. Nhưng các kỹ thuật gia sau khi kiểm soát đã báo cáo rằng máy của Kaiten không chạy từ lúc đầu. Do đó, Toyama không chúi xuống đáy vịnh như hắn mô tả, mà chìm xuống từ từ. Hắn có thể nổi lên mặt nước dễ dàng, nhưng các kỹ thuật gia lại thấy bộ phận ép nước trong đầu đạn đóng lại. Xú bắp ép và xú bắp xăng nằm gần nhau trong Kaiten, tất cả chúng tôi đều quen thuộc và có thể đưa tay ấn nút mà không cần nhìn. Vấn đề thật đơn giản! Toyama bối rối nên mở xú bắp xăng đã mở sẵn rồi, và cứ loay hoay với sự sai lầm nầy.
Bây giờ các cuộc hội thảo đêm của chúng tôi không phải luôn luôn trang nghiêm. Có nhiều dịp để chúng tôi cười đều mỗi khi trêu chọc một lỗi nhỏ của đồng bạn. Đêm đó chúng tôi gặp được cơ hội, cho dù người lầm lỗi là Thiếu úy Toyama, sĩ quan thường hay làm khó bọn tân binh.
Trung sĩ Nobumichi Sakamato là người đầu tiên yêu cầu được đặt câu hỏi. Ban đầu hắn hỏi chậm rãi, sau đó hỏi dồn dập, ấn Toyama xuống sát ván quanh vấn đề lỗi lầm một cách ấu trỉ của hẳn. Giống như một phiên tòa, với những câu hỏi vặn cũng như đáp lại giữa luật sư và nhân chứng. Chúng tôi say mê theo dõi các mũi dùi của Sakamoto đẩy ra, và không ai hi vọng còn thì giờ để tới phiên mình được đặt câu hỏi.
Lúc buổi hội thảo sắp kết thúc, mặt của Toyama đỏ như gấc. Nhưng thay vì hắn thừa nhận lỗi lầm của mình để cho buổi hội thảo tiếp tục, hắn cứ cải bướng. Hắn cho là các kỹ thuật gia và nhân viên bảo trì đã báo cáo sai. Việc nầy đối với chúng tôi đáng phì cười, vì tất cả chúng tôi đều coi các kỹ thuật gia làm việc và biết sự thận trọng của họ như thế nào. Chúng tôi tạo "áp lực" đến nỗi cuối cùng hắn nhìn quanh, hy vọng có người nào đó lên tiếng yểm trợ hắn. Bấy giờ chúng tôi mới để cho hắn yên, vì như vậy cũng là quá đủ rồi.
Sau đó, trên đường về doanh trại, có anh bạn nào đó, tôi không biết, đã nói rằng Toyama giống như một "donguri" và đôi mắt của hắn muốn lồi ra ngoài khi cơn bối rối gia tăng. Ở Nhựt "donguri" có nghĩa là "hạt dẽ" hoặc "hột đậu". Danh từ có tánh cách chế diễu phổ thông. Dọc con đường trở về doanh trại vang vang tiếng cười, và nhiều người cùng lập đi lập lại những tiếng "dongur sani" và "ông mắt lồi".
Thiếu úy Inouye tiếp:
"Người Phân Đội I các anh có hơi làm tàng. Lúc nào cũng khoe khoang tự phụ các anh là người của Tsuchiura."
Đó là sự thật. Chúng tôi có cả một truyền thống vĩ đại ở Tsuchiura. Các phi công đại tài nhứt của Hải Quân Nhựt đã được huấn luyện tại đây, trong số nầy có Saburo Sakai và Hiroyoshi Nishizawa. Trong thời gian huấn luyện, chúng tôi nuôi hy vọng hạ sát được hàng nhiều tá địch quân như hai phi công nầy. Thiếu úy Inouye tiếp:
"Một việc khác nữa! Các anh luôn luôn cho rằng mình từng trãi hơn người khác, bởi lẽ các anh đã có một đôi tuần huấn luyện ở Otsujima trước khi đến đây. Có lẻ các anh đã hư hỏng, và quên cả thân phận của mình. Tốt, bây giờ chúng tôi sắp nhắc nhỡ các anh, để các anh nhớ rằng chúng tôi là thượng cấp của các anh và chúng tôi phải được kính nể. Không có một tân binh nào có thể khinh thị sĩ quan, mà hy vọng sẽ không bị trừng phạt. Xếp hai hàng! Mau lên! Đâu mặt với nhau!
Chúng tôi tuân theo lịnh. Thiếu úy Inouye sãi bước đến cuối hàng phía trái, tôi thở dài liếc mắt nhìn thấy hắn. Điểm bắt đầu của hình phạt càng xa chừng nào càng tốt chừng nấy, bởi lẽ khi kẻ trừng phạt tiến đến tôi, tay của hắn đã ê ẩm vì đánh những người khác, do đó cú đấm sẽ nhẹ đi. Đàng nầy, từ người khởi đầu đến tôi chỉ cách có ba người. Sáu người đầu tiên thường lãnh đòn nặng nhứt.
Tôi cắn chặt răng và ngó thẳng về phía trước. Trường hợp nầy tôi không nên tỏ ra nhút nhát. Đến lượt tôi, bất thần, ngay càm bên phải tôi, cú đấm của thiếu úy Inouye như nghiền nát nó ra. Hai giây sau đó, một cú đấm khác của sĩ quan thứ hai ngay chổ cũ. Thiếu úy Kajima là sĩ quan thứ ba đánh tôi. Binh sĩ kể rằng trong thời gian còn học ở trường Công Binh Hải Quân, Kajima đã học về thuật đánh người điêu luyện. Mỗi người hắn đánh mỗi cách khác nhau nhằm đạt đến mức độ gây đau đớn nhứt. Hắn đã thành công. Cú đấm của hắn chạm cả vào mũi lẫn miệng của tôi. Tôi đứng thật vững. Ba tên sĩ quan đã lướt qua. Tôi phải đứng vững khắp lượt. Nếu ngã xuống, bạn sẽ bị dựng dậy và nhận những cú đấm ngoại lệ, để dạy bạn không được tỏ ra yếu đuối như vậy.
Bọn sĩ quan lại ra lịnh cho chúng tôi xếp hàng đâu mặt với họ. Thiếu úy Inouye cất cao giọng:
"Tôi hi vọng đêm nay các anh đã học được một bài học. Nếu còn tái phạm, tất cả các anh sẽ bị quăng ra khỏi căn cứ nầy. Tan hàng!"
Chúng tôi bước khập khiễng về phòng ngủ, nghĩ rằng hành động của sáu tên sĩ quan nầy không khác nào những kẻ cướp.
Khi đi xa hẳn bọn họ, có người lên tiếng hỏi:
"Ai nói gã đó là một "hột đậu"?
Không ai đáp. Có lẽ sáu bảy người đã nói. Tôi không cần biết người nào nói, vì chuyện đã rồi. Nếu có người nhận chịu cũng sẽ không làm thay đổi được gì. Nhứt là cái môi của tôi, nó bị tét một đường khá sâu do cú đấm của thiếu úy Kajima gây ra. Tôi bước vô phòng tắm, gục mặt và đầu trong nước lạnh. Nước chỉ làm tôi lạnh ngoài da. Bên trong tôi nóng bừng bừng.
Một sĩ quan xuất thân ở Etajima, Hàn Lâm Viện Hải Quân của quốc gia chúng tôi như Thiếu tá Itakura, chỉ huy trưởng căn cứ Otsujima, hoặc Phân Đội trưởng chúng tôi, Thiếu úy Miyoshi, không bao giờ đánh đấm thuộc cấp. Họ cho lịnh và bạn tuân lịnh. Nếu bạn thất bại họ có cách trừng phạt bạn còn tồi tệ hơn bất cứ hình phật thể xác nào. Họ sẽ vạch cho bạn thấy tại sao bạn thất bại, và bạn phải cố gắng hơn ở lần sau. Tôi nghĩ đó là nghệ thuật dùng người. Kỷ luật cứng rắn, bằng cách đánh đập, chỉ khiến bạn buồn bực và nghĩ rằng mình bị bạc đãi, thay vì cố gắng hơn. Tôi cảm thấy khinh bỉ sáu sĩ quan vừa đánh chúng tôi. Họ không thể trở thành những sĩ quan chân chánh. Những sĩ quan chân chánh phải quan tâm đến binh sĩ, phải dành cho binh sĩ một sự kính nể nào đó, không nên đánh đập binh sĩ như chó.
Tôi đổ thêm nước lạnh lên đầu và trở về phòng. Khi bước vô, Thiếu úy Miyoshi có mặt trong phòng hồi nào. Gặp ông ta, tôi ứa nước mắt và kêu lên:
"Thiếu úy, chuyện xảy ra thật khủng khiếp!"
Phân đội trưởng của chúng tôi nói:
"Thiếu úy Toyama là bạn đồng khóa của tôi. Bất cứ ai cũng có thể vấp phải lầm lỗi, sao mọi người trong các anh lại chế nhạo hắn. Một thuộc cấp có hành động như vậy là không tốt. Hải Quân Hoàng gia không cho phép. Đó là lí do vì sao các anh bị đánh. Đừng tái phạm nữa. Tất cả sĩ quan đều nằng nặc đòi đánh các anh. Tôi nói với họ Phân Đội I thuộc quyền chỉ huy của tôi, hãy để tôi xử, nhưng họ không chịu nghe. Họ nói tôi quá mềm yếu nên các anh mới hỗn như vậy. Họ lại nói các anh tự cao tự đại, cần phải cho một bài học để đời. Toyama đã giận, nhưng Inouye và Tsuboi còn giận hơn. Cuối cùng tôi nhượng bộ và bỏ đi ngủ. Tôi rất tiếc để cho các anh phải chịu sự trừng phạt. Tôi không muốn trừng phạt các anh, nhưng tôi không thể làm gì hơn. Tuy nhiên, tôi hứa với các anh, họ sẽ không bao giờ đánh các anh nữa. Xin tha thứ cho tôi về những gì xảy ra tối nay. Chuyện nầy sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Nếu cần trừng phạt các anh, chính tay tôi sẽ làm việc đó, dù tay tôi có gảy cũng cam. Chúc các anh ngủ ngon."Thật lạ, câu nói cuối cùng của ông ta khiến chúng tôi hân hoan. Nghĩ đến việc "Seikai-Nyudo" của chúng tôi đánh chúng tôi, tất cả đều mỉm cười, rồi cười lớn tiếng. Chắc chắn ông ta sẽ giữ lời. Ông ta đánh chúng tôi và sẽ đánh mạnh. Nhưng chúng tôi không tin vị sĩ quan nầy, con người có nhiều cách gây ảnh hưởng trên 48 đứa chúng tôi, có thể đánh khắp lượt chúng tôi mà không bỏ cuộc. Một vài ngày sau đó, tuyết đổ dày đặc ở Hikari, một quang cảnh hiếm thấy ở vùng nầy của Nhật Bản. Bởi thiếu cơ khí viên huấn luyện, nên hàng ngày chỉ có khoảng một chục khóa sinh được huấn luyện trong Kaiten, hầu hết những người ở căn cứ Hikari đều rảnh rang. Một vài người thuộc nhóm Tsuchiura được thực tập và sau đó lơi dần. Một ngày của chúng tôi bắt đầu bằng một cuộc tập thể dục buổi sáng, sau đó là ăn điểm tâm, rồi đến làm việc với các kỹ thuật gia, hoặc đi theo ngư lôi đĩnh cho đến trưa. Một phần của buồi chiều chúng tôi tập nhu đạo và đánh kiếm, và thời giờ còn lại hầu như ở không.Những sĩ quan cấp úy của chúng tôi đều dành hết thời giờ để hoàn tất công việc huấn luyện để nhận lãnh sứ mạng của riêng họ, nên chỉ dành chút ít thời giờ cho chúng tôi. Do đó, các huấn luyện viên cao cấp đảm nhận nhiệm vụ giữ vững tinh thần của chúng tôi. Họ tìm mọi cách để chúng tôi khỏi ăn không ngồi rồi. Chúng tôi có những cuộc chạy đua đến ngôi đền Murozumi, cách căn cứ khoảng ba dặm, và những cuộc đua thuyền. Các phân đội khác chia thành từng toán để chơi bóng cầu, môn thể thao của người Mỹ và trở thành môn thể thao hàng đầu của người Nhựt ngay từ ngày nó được du nhập.
Sau đó, trời đổ tuyết, dầy đặc và hiếm thấy. Tuyết rơi suốt đêm, không ngừng nghỉ cho đến khi các doanh trại, cơ xưởng bảo trì, sân vận động và lối đi bap phủ một màu trắng toát. Khi tuyết ngừng rơi, một số chúng tôi nghĩ ra một trò thích thú: trận giặc tuyết. Lúc chúng tôi định xây những pháo đài tuyết khổng lồ chia nhóm nầy phòng thủ để nhóm khác tấn công, Thiếu úy Tsuboi xuất hiện và thét:
"Tất cả thủy thủ tập hợp trên sân huấn luyện !"
Chúng tôi nghĩ có lẽ đây là một trường hợp khẩn cấp xảy ra, hoặc một số tin tức trọng đại liên quan đến cuộc chiến sắp được công bố. Có lẽ tin tức về trận đánh Lingayten ở Phi Luật Tân, nơi đối phương vừa đổ bộ. Có thể lực lượng của chúng tôi đã đẩy lui địch quân ra biển.
Khi chúng tôi đến sân vận động, Thiếu úy Tsuboi và Thiếu úy Toyama đang chờ đợi chúng tôi. Tsuboi nói lớn:
"Ở trường Công Binh Hải Quân, chúng tôi có những môn thao dượt quan trọng trong những ngày tuyết rơi! Chúng tôi thường chơi những mon như phòng thủ và tấn công bằng tuyết, cởi ngựa ..."
Một số sĩ quan Hải Quân Nhựt học ở Etajima, tương đương Hàn Lâm Viện Hải Quân Anapolis của Hoa Kỳ. Một số khác học ở trường Công Binh Hải Quân Maizunu, ở biển Nhật Bản.
Thiếu úy Tsuboi nói tiếp:
"Bây giờ, lần đầu tiên có tuyết rơi ở Hikari, chúng tôi tập hợp các bạn để tham dự một cuộc huấn luyện có tánh cách lợi ích thật sự. Chúng ta sẽ bày ra một trận kỵ mã đấu. Môn nầy sẽ chứng tỏ cho chúng tôi thấy sức chịu đựng của các bạn đến đâu."
Hắn nhìn chúng tôi với vẻ mặt khinh khỉnh. Kỵ mã đấu là một môn huấn luyện thông thường trong Hải Quân Hoàng gia. Hầu như mọi thanh niên Nhật Bản đều biết qua môn chơi nầy trong thời gian đi học. Một nhóm người chia ra làm hai toán, mỗi toán chia ra làm ba hoặc bốn toán nhỏ gồm 4 người. Bốn người nầy sẽ hợp thành một con ngựa và người kỵ mã. Một người chỉ việc có việc đứng thật thẳng, hai người nữa đứng kèm hai bên cạnh và nắm mỗi bên vai của hắn thật chặt bằng cả hai tay. Hai người nầy là hai cặp giò đặt biệt để giữ cho người ở giữa, tức "con ngựa", đứng vững trong trận đánh. Sau đó, người "kỵ mã" mới leo lên, ngồi trên đôi vai của "con ngựa", chồng lên cả đôi tay của hai người đứng hai bên. Trên cái yên vững chắc nầy, hắn hò hét và thúc ngựa lâm trận. Mục đích của người kỵ mã là không để rớt xuống lưng ngựa, đồng thời hạ những kỵ mã địch càng nhiều càng tốt. Cuối cùng, nhóm nào còn nhiều kỵ mã nhứt nhóm đó thắng.
Chúng tôi coi bộ hai tên sĩ quan nầy muốn biểu diễn ngón nghề của họ. Họ có thể chơi trò nầy điêu luyện hơn chúng tôi nhiều, nhứt là chơi trên mặt tuyết trơn trợt. Họ có thể hạ chúng tôi dễ dàng để làm trò cười. Tuy nhiên, môn chơi này cũng giúp thời giờ qua mau, có việc để làm. Do đó chúng tôi sẵn sàng. Phân Đội I của tôi chia ra làm 12 con ngựa, tổng số 48 người. Phân đội VII cũng con số đó, hầu hết là sĩ quan và binh sĩ ở Nara. Đương nhiên, ai cũng muốn làm kỵ mã, vì vậy chúng tôi phải rút thăm. Tôi may mắn, và tôi vừa cười vưa ra lịnh ba anh bạn thắng yên cương cho tôi nhảy lên. Tất cả chúng tôi đều thích những môn thể thao có sự va chạm.
Chúng tôi từng dành nhiều thời gian để tập luyện nhu đạo, đô vật và đấu gươm với những cây tre dài. Tuy nhiên, ít khi chúng tôi đấu quyền, và đây là dịp may để chúng tôi xử dụng nắm tay. Trò kỵ mã nầy không có luật lệ gì hết. Mục đích duy nhứt là chiến thắng. Muốn chơi tốt xấu gì mặc ý.
Tôi đã lên yên, nhìn xuyên qua mặt tuyết về phía nhóm khác, tìm kiếm Thiếu úy Toyama. "Hột đậu" kia, nằm ngay giữa nhóm của hắn. Tất cả đều nhớ lại sáu cú đấm nhận lãnh bởi cái tên nói láo nầy. Đây là dịp may chúng tôi không bao giờ nghĩ nó sẽ đến.
Trung sĩ Nobumichi Sakamato, cũng là một kỵ mã, ở bên cạnh tôi. Sakamato là một người hung tợn đặt biệt tánh nóng như lửa. Không ai dám gây sự với hắn, bởi lẽ hắn mang đai "shodan" cao cấp của nhu đạo. Tôi không có ý nói rằng bạn tôi là một tên anh hùng rơm. Không. Nhưng hắn là một kẻ cứng rắn, không gây rắc rối. Sau khi bị sáu sĩ quan đánh, trên đường trở về Sakamato đã nói: "nếu câu chuyện nầy không xảy ra trong Hải Quân, tôi đã vặn cổ con chó đó". Chúng tôi xúm lại khuyên lơn hắn. Hắn chúng tôi giết chết Toyama dễ dàng chỉ trong một vài giây và điều đó có nghĩa hắn sẽ chết không lâu sau đó.
Hiện thời, khi đôi mắt Sakamato bắt gặp Thiếu úy Toyama, hắn hô hào những kỵ mã đứng gần:
"Mọi người chỉa vô "hột đậu"!"
Đứng gấn hắn nhứt, tôi đáp ngay:
"Hợp ý tôi! tôi và bạn liền tay quần hắn, Sakamato!"
Trò chơi nầy sẽ kéo dài tám phút. Khi kết thúc, nhóm nào còn nhiều kỵ mã nhứt nhóm đó sẽ thắng. Chúng tôi không coi sự thắng lợi nầy là quan trọng. Điều lưu ý nhứt của tôi và Sakamato là chộp cho được Thiếu úy Toyama, và trả hắn lại ít ra bằng những gì mà chúng tôi đã nhận lãnh trước đây, sáu cú đấm trời giáng, và bồi thêm một vài cú đá, khiến cho cả bọn chúng tôi khoái trá hơn.
Hai mươi bốn con ngựa hiện thời đang vương bờm và sẵn sàng xáp chiến. Một số ngựa chúng tôi lãng ra một phía để chọn góc độ tấn công bất thần. Một số khác lùi lại một chút, dự định vòng qua phía sau địch quân để đánh tập hậu. Mắt tôi hướng thẳng về phía Thiếu úy Toyama. Tôi muốn tấn công hắn, tôi nói với con ngựa 6 chân của tôi. Chúng tôi sẽ không áp dụng chiến thuật đặt biệt nào cả. Chúng tôi không đánh xuyên hong mà cũng không đánh tập hậu. Chúng tôi sẽ gây sửng sốt cho hắn bằng cách đánh tiền diện. Có lẽ hắn không ngờ việc nầy xảy ra. Hắn có vẻ dương dương tự đắc. Tôi nghĩ, với mớ kinh nghiệm kỵ mã đấu, hắn nôn nóng xáp chiến thật sự. Có lẽ hắn hi vọng đốn ngã nhiều kỹ mã của nhóm chúng tôi.
Cuối cùng, Thiếu úy Tsuboi, như một loại trọng tài, la lớn: "Đi!!!" Một tiếng thét lâm trận của cả hai phe rập lên. Những đôi chân ngập một phần trong tuyết lướt đến, và tôi nhận thấy hầu hết ngựa của chúng tôi đều tụ về một chổ. Gần như tất cả 48 đứa chúng tôi đều có chung một tư tưởng, hạ "hột đậu".
Trung sỹ Suzuki là kỵ mã đầu tiên tiến sát đến mục tiêu. Ngựa của hắn ta thuộc loại thần mã. Nhưng Suzuki hữu dõng vô mưu. Hắn không phải là đối thủ của viên sĩ quan. Với một cái vặn tay và một cái đẩy, thiếu úy Toyama đã hất tung Suzuki lên trời, con ngựa của hắn trượt chân lảo đảo, cố gắng giữ thăng bằng nhưng vô ích. Thiếu úy Toyama bấy giờ nhìn quanh tìm kiếm đối thủ khác. Coi bộ hắn ngồi rất hùng dũng, sẵn sàng đánh nữa. Tài nghệ hắn vừa chứng tỏ, qua cuộc đụng độ ngắn ngũi với Suzuki, khiến tôi bắt đầu phân vân, không biết có hạ nổi hắn không. Vả lại hắn là lãnh tụ của Phân Đội VII nên có đôi chiến mã chạy kèm bảo vệ hai bên.Tuy nhiên, hoàn toàn bất ngờ, trong khi hai kỵ mã hộ vệ tách ra để chống đở nhiều đối thủ khác, tôi và Sakamato lướt xuyên qua vòng đai, đánh úp Toyama. Sakamato hạ thủ đầu tiên. Thay vì dằng co với viên Thiếu úy, hắn tung ngay một cú đấm. Toyama, thay vì ngồi thật vững, bởi như vậy hắn có thể đẩy Sakamato xuống đất dễ dàng, đã đấm trả đối thủ. "Vó ngựa" của họ lảo đảo, khi cả hai nghiêng thân tung ra những cú đấm quyết hạ lẫn nhau. Trận đấu khá đẹp mắt với tôi. Tôi thúc ngựa tiến sát để giúp Sakamato. Ngay lúc đó, trung sĩ Tsuji của Phân Đội VII đã nhìn thấy ý định của tôi. Hắn lướt đến ngang hong tôi, hi vọng đẩy bật tôi ra ngoài vòng chiến. Hắn chiếm lợi thế, vì được xử dụng được cả hai tay để chống lại một tay. Nhưng, may mắn, tôi tránh được cú đấm của hắn, và trong khi đối thủ còn chồm về phía trước, tôi xử dụng karate chặt vô tay hắn. Miếng đòn nầy đủ để chấm dứt âm mưu bảo vệ "ông xếp" của hắn. Hắn rớt xuống ngựa và bị loại ra khỏi vòng chiến. Tôi nhìn lên khi Tsuji rớt xuống. Sakamato và Thiếu úy Toyama vẫn còn trao đòn mạnh mẽ. Toyama có vẻ trao nhiều hơn nhận, nhưng sáu vó ngựa phía dưới hắn đứng không muốn vững nữa. Con ngựa của Sakamato cũng đang đá và "đánh" dữ dội, do đó mà con ngựa của Toyama lo bảo vệ lấy thân hơn là chú ý đến chỉ thị của người cởi.
"Tôi đến đây! Sakamato!"
Tôi hét lớn và thúc ngựa xáp chiến. Tôi đến như chớp ngang hông Toyama, và vừa đá vừa thoi con ngựa của hắn. Cuối cùng tôi giữ thăng bằng, giơ hai bàn tay ra tóm lấy cổ Toyama. Giữ riết đối thủ, tôi thúc ngựa tiến sát hơn, và choàng hai cánh tay qua cổ hắn. Sakamato chỉ cần có vậy. Hắn bắt đầu rót những cú đấm như mưa vô mặt Toyama. Có lúc những cú đấm nghiền nát nầy trúng cả vô tai và càm của tôi, khiến đầu tôi lùng bùng. Nhưng tôi vẫn bám riết. Có lẽ tôi bị đánh trúng một vài đấm, nhưng Toyama bị đánh trúng gấp mười lần tôi.
Toyama cũng am hiểu các thủ đoạn của trò chơi. Chân của hắn ngoặc lại phía sau lưng ngựa và khóa chặt. Thân thể mạnh khỏe vẫn ngồi vững chắc, hắn nắm hai cánh tay của tôi, lấy thăng bằng để ném tôi qua ngang đầu. Tôi vẫn bám chặt, chỉ muốn giữ cứng hắn mà thôi. Những cú đấm của Sakamato vẫn tiếp tục bay đến, đầy thịnh nộ. Tôi không chắc còn giữ được đối thủ bao lâu nữa. Một sự rung chuyển dữ dội phía trước tôi. Thế rồi một con ngựa nữa thuộc nhóm Tsuchiura nhảy vô vòng chiến. Đó là trung sĩ Kumada, lướt tới mau đến nổi động lực của hắn tung lên và rớt chồng lên Toyama. Thực ra hắn tự tung hắn tới như một trái banh. Cả hai đổ ụp xuống đất ngay khi tôi thoát ra ngoài. Bạn của tôi, người sẽ chết trong sứ mạng Kaiten của hắn ở Iwo Jima, đang nằm chồng lên kẻ sẽ không bao giờ được thực hiện sứ mạng nầy. Chúng tôi đã chiến thắng! Chúng tôi đã dần kẻ cướp tơi bời. Tôi sung sướng thúc ngựa về phía những người khác đang chiến đấu. Tên đầu đảng đã bị đốn ngã bây giờ chúng tôi sẽ hạ đồng bọn của hắn. Con ngựa của tôi không chịu nghe lời chủ. Tôi nhìn xuống để tìm hiểu tại sao, và nhận thấy ba người yểm trợ của tôi, cũng như của Sakamato, vẫn còn đang đá và đạp con ngựa của Toyama. Tôi mặc cho con chiến mã của tôi muốn làm gì thì làm, và chỉ thúc giục vô lưng ngựa khi nó đã thỏa mãn. Hai con ngụa thuộc nhóm Toyama chạy đến để giải cứu hắn, nhưng ngay lúc ấy tiếng còi đã thổi, chấm dứt trờ chơi.Tôi nhìn quanh và đếm. Phía Toyama còn lại hai con ngựa vừa chạy đến để yểm trợ hắn. Phía chúng tôi còn bốn con. Chúng tôi đã chiến thắng. Cảnh đẹp mặt nhứt vẫn là Thiếu úy Toyama. Hắn đứng cách chúng tôi một vài bước, mình mẩy lấm lêm tuyết quến bùn, mũi đổ máu, mặt mày sưng húp, và một con mắt bầm tím. Coi hắn thật tả tơi. Chúng tôi thoáng nghĩ có lẽ Phân Đội VII sẽ thách đấu một hiệp nữa, nhưng Thiếu úy Tsuboi đã nói: "Chúc mừng các bạn! Các bạn đã chiến đấu trong tuyết lần đầu tiên rất khéo léo! Ngày hôm nay như vậy là đủ rồi!"
Tôi nhảy xuống ngựa và bước đến các bạn. Chúng tôi choàng vai nhau hoặc công kênh nhau trên lưng. Vui sướng biết bao! Chúng tôi đã dần thỏa thích tên Thiếu úy đê tiện hơn bảy phút! Hắn không thể làm gì được chúng tôi.
Đêm đó, trong doanh trại tiếng hét la ồn ào. Trận đánh đã khiến một số chúng tôi bầm dặp, một số khác vẫn còn vết tích của hình phạt từ mấy ngày trước, nhưng không một ai lưu tâm. Trong đôi mắt bầm tím là một tia sáng nhấp nhánh. Trên đôi mắt bị bể là một nụ cười hân hoan.
6. TÔI ĐƯỢC CHỌN THI HÀNH SỨ MẠNG
Buổi huấn luyện Kaiten dưới nước lần đầu tiên của tôi thất bại. Trong phiên hội thảo kế đó, tôi bị bạn bè quay tơi bời. Họ tiếp tục quay tôi trong doanh trại, nhưng với tánh cách bạn bè. Nhưng tình cảnh của tôi không như tình cảnh của thiếu úy Toyama. Những người từng lái Kaiten cho tôi kinh nghiệm của họ, và phải giải quyết như thế nào trong trường hợp tương tự sau nầy. Do đó, trong lần thực tập thứ hai, tôi cố gắng tránh được lỗi lầm của lần thực tập đầu tiên, và đã thành công khi chạy ngầm vòng quanh Ojima, cách bến tàu Hiraki ba mươi dặm, và cũng chạy vòng quanh Minase, một hòn đảo nhỏ gần bờ biển hơn.
Do đó, buổi huấn luyện Kaiten thứ hai của tôi diễn tiến một cách hoàn hảo. Tôi điều khiển Kaiten như người ta lái một chiếc xe hơi.
Các kỹ thuật gia càng ngày càng khéo tay, và tốc lực của Kaiten mau hơn trước đây. Nội trong tháng Giêng, tháng gia tăng nhịp độ huấn luyện của tôi, chúng tôi mất hai người trong lúc huấn luyện. Ở Otsujima, vào ngày 14 tháng Giêng, Trung úy Kentaro Nakashima và Thiếu úy Isshin Miyazawa đã thiệt mạng. Họ lái ngầm vòng quanh đảo Nojima. Thời tiết hôm đó xấu và lịnh đình chỉ được đưa ra. Nhưng không một ai biết việc gì đã xảy ra cho hai người nầy. Họ mất tích. Chúng tôi độ chừng Kaiten của họ đã tan vỡ dưới đáy vịnh, hoặc đâm vô hòn đảo và họ đã chết ngay khi sau đó nên không kịp báo động về cho tàu mẹ vớt lên.Chúng tôi đối diện với một thảm kịch khi tiềm thủy đỉnh I.58 trở về từ sứ mạng Kongo. Chiếc tàu chạy vô eo biển Bungo vào đêm 21 tháng Giêng, với một hệ thống qua sát rất bén nhạy. Tiềm thủy đỉnh Hoa Kỳ hoạt động loanh quanh cạnh bờ biển của chúng tôi nhiều tháng nay. Ngay cả eo biển Bungo, cánh cửa ra vô thường xuyên của Hạm Đội Hỗn Hợp cũng còn không an toàn nữa. Một trong những quan sát viên của Thiếu tá Hashimoto thình lình phát hiện một vật màu đen trong đêm tối. Một tiềm thủy đỉnh! Hạm Trưởng của I.58 tấn công lập tức, rồi vượt qua eo biển trở về Nhựt. Cho mãi đến sáng hôm sau ông mới biết mục tiêu của ông là chiếc tiềm thủy đỉnh bạn I.36, cũng trở về từ sứ mạng Kongo. Do đó, Hashimoto mới đánh chìm chiếc tàu nầy dễ dàng. Cuối tháng Giêng, tất cả tiềm thủy đỉnh thực hiện sứ mạng Kongo đều trở về, ngoại trừ chiếc I.48. Sự lượng định kết quả chánh thức khiến cho mọi người hân hoan. Đệ Lục hạm đội lại đánh chìm thêm 10 quân vận hạm, một thiết giáp hạm, một tàu chở dầu và một hàng không mẫu hạm địch. Trước đó, toán Kikusui đã đánh chìm ba thiết giáp hạm và hai hàng không mẫu hạm lớn. Cộng hai nhiệm vụ lại, tổng số tàu địch bị đánh chìm là 18 chiếc. Đổi lại Nhựt chỉ thiệt hại mất hai tiềm thủy đỉnh I.36 và I.48. Nhưng chúng tôi thiệt mất ba tiềm thủy đỉnh khác trong cuộc tấn công đầu tiên ở Ulithi hồi tháng Mười Một, I.46, I.365 và RO.47. Do đó, Nhật Bản thiếu thốn phương tiện để phóng Kaiten một cách trầm trọng. Ngày 14 tháng Giêng, một lực lượng Hoa Kỳ gồm nhiều thiết giáp hạm, tuần dương hạm và khu trục hạm chạy lui chạy tới pháo kích lên đảo Iwo Jima, cách phía Nam Đông Kinh 600 dặm. Chúng tôi biết địch quân sẽ cố đánh chiếm đảo nầy, vì nơi đây sẽ cung cấp phi trường cho chiến đấu cơ yểm trợ các pháo đài bay khổng lồ B.29 cất cánh từ quần đảo Mariana oanh tạc Nhật Bản. Đảo Iwo Jima cũng là nơi dùng để giải cứu các phi công oanh tạc cơ Hoa Kỳ lâm nạn khi bay ngang qua vùng biển nầy. Do đó, công cuộc huấn luyện Kaiten của chúng tôi gia tăng nhịp độ. Kaiten có thể thâu hoạch kết quả tốt ở Iwo, vì tiềm thủy đỉnh mang loại vũ khí nầy không phải chạy xa, và có thể quay về mang thêm Kaiten đến mục tiêu trong một khoảng thời gian ngắn. Trong tuần lễ đầu tiên của tháng Hai, tôi tỏ ra tiến bộ nhanh chóng và ước mong được lựa chọn để thi hành nhiệm vụ. Ước mong của tôi trở thành sự thật trong tuần lễ thứ nhì. Vào ngày 23 tháng Hai, lúc tôi sắp sửa đi tắm sau bữa cơm chiều. Trung sỹ Yoshihito Yazaki gọi lớn:
"Yokota! Thiếu úy Miyoshi muốn gặp bạn!"
Tôi vừa mặc quần áo trở lại vừa hỏi:
"Gặp về việc gì, anh có biết không?"
"Ông ta không nói. Nhưng ông ta muốn nói chuyện với Kitamura, bạn và tôi"
Tôi cảm thấy hồi hộp. Cả ba chúng tôi đã được huấn luyện dưới nước nhiều hơn tất cả những người khác. Chúng tôi có thể được chỉ định thực hiện sứ mạng? Tôi quăng xà bông và khăn lên giường, mặc lại quần áo và hỏi:
"Kitamura đâu?"
"Tôi tìm khắp nơi nhưng không gặp hắn"
Tôi nhớ lại mỗi chiều thường thấy Kitamura đi xuống nhà chứa Kaiten. Tôi và Yazaki đi về phía đó, chúng tôi gặp Kitamura đang ở đây, đang ngắm nghía các vũ khí và nhìn đăm đăm ra biển. Cả ba chúng tôi vội đến chổ làm việc của huấn luyện viên và gõ cửa.
"Vô đi!"
Như thường khi, tiếng nói của Thiếu úy Miyoshi cao và vui vẻ. Khi chúng tôi bước vô, ông nói:
"Sao lâu vậy. Có việc gì xảy ra không?"
Các sĩ quan khác nhìn chúng tôi chăm chú. Họ không thích chúng tôi, và chúng tôi không thích họ. Chúng tôi trình bày lí do chậm trễ. Thiếu úy Miyoshi chờ cho các sĩ quan quay qua công việc của họ mới nói, với giọng nghiêm trọng:
"Tôi gọi các bạn đến đây để nói chuyện nầy. Tôi được thi hành nhiệm vụ và tôi được phép chọn ba hạ sĩ quan để đi theo tôi. Các bạn là ba người tôi muốn chọn. Các bạn có thích đi với tôi không?"
Sự yên lặng đầy oán ghét của các sĩ quan khác không nghĩa lý gì đối với chúng tôi. Tôi nói lớn, trả lời chung cho hai người bạn:
"Chúng tôi rất hân hạnh, thưa Thiếu úy"
Kitamura hỏi:
"Chừng nào chúng ta lên đường, thưa Thiếu úy?"
Thiếu úy Miyoshi đáp:
"Khoảng chừng cuối tháng tới. Tôi vẫn chưa biết ngày giờ nhứt định. Có lẽ khoảng 20 tháng Ba. Chúng ta sẽ đi với tiềm thủy đỉnh I.368. Hiện thời chiếc tàu nầy được ghi vô công tác nhưng có thể thay đổi. Nhiệm vụ của chúng ta là tiêu diệt những tàu chở dầu của Hoa Kỳ mang dầu đến.
Mặt chúng tôi sa sầm. Mặc dù I.368 to lớn và chậm chạp, nhưng chúng ta không lý do đến vấn đề nầy. Điều quan trọng là các mục tiêu của chúng tôi hình như vô nghĩa. Tôi hỏi:
"Dạ thưa chỉ có vậy thôi?"
Tôi vẫn hy vọng đánh chìm một hàng không mẫu hạm như những người khác đã hi vọng. Chúng tôi thường bàn đi tán lại về việc nầy.
Thiếu úy Narumi ngước nhìn và ngắt lời tôi:
"Đừng hỏi lôi thôi. Hiện thời muốn mò đến các hàng không mẫu hạm và thiết giáp hạm địch không phải chuyện dễ dàng đâu. Vây quanh chúng là một màn lưới tuần dương hạm và khu trục hạm dày đặt.
Tôi không ưa hắn. Nhưng hắn nói đúng. Sau sứ mạng Kongo, chiến lược tổng quát của Kaiten đã thay đổi. Đối phương có đầy đủ trinh sát cơ để canh chừng vùng thả neo của họ. Ngoài ra họ còn có màn lưới tuần tiểu đỉnh và tàu chống tiềm thủy đỉnh rất hữu hiệu, như I.56 đã nhận thấy ở quần đảo Admiralty. Do đó, Bộ Tư Lịnh Đệ Lục hạm đội chọn cách tấn công khác. Xâm nhập vô lực lượng đặc nhiệm địch quá khó khăn, vì vậy theo chiến lược mới, chúng tôi sẽ bẻ gãy các đường tiếp tế ở hậu tuyến của những lực lượng tấn công, bởi tàu tiếp tế không được bảo vệ hay chỉ bảo vệ qua loa mà thôi.
Thiếu úy Miyoshi nói:
"Sao thì sao, bàn tán vô ích. Những tàu chở dầu được chọn làm mục tiêu, lịnh đã ban ra như vậy. Ngày mai, chúng ta sẽ diễn tập tấn công. Các bạn khỏi phải lo lắng tới những vấn đề riêng tư của mình. Họ sẽ lo hết cho chúng ta. Nếu các bạn cần bất cứ thứ gì trong vài tuần lễ tới đây, hãy đến gặp tôi."
"Tuân lịnh, thưa Thiếu úy!"
Tất cả đều đáp. Chúng tôi không cần phải hỏi nhiều đối với một người cầm đầu tài ba như thế nầy, và tôi nghĩ là ông ta biết cảm tưởng của chúng tôi. Miyoshi nói:
"Như vậy là xong, tôi tưởng chúng ta cần phải nâng ly để chúc mừng nhiệm vụ thành công."Ông ta đem ly và một chai rượu sake ra. "Campai" Cạn ly! Chúng tôi cùng uống với tất cả sĩ quan khác bấy giờ cũng gia nhập vô buổi lể đơn sơ nầy. Cả ba chúng tôi trở về phòng và thiếp ngủ liền sau đó. Hiện tại tôi là một gả Yutaka Yokota khác hơn gã đã cùng với 100 người trình diện ở Otsujima. Trước đây, tôi thường hay suy nghĩ dong dài lúc nằm trên giường ngủ. Bây giờ tôi cảm thấy thư thả và yên tĩnh. Tôi đã được chọn. Không lâu sau nữa tôi sẽ ra đi.
Ngày hôm sau, Thiếu úy Muneyoshi Kato gia nhập vô toán của chúng tôi, và chúng tôi khởi đầu công việc huấn luyện gay go, chuẩn bị cho nhiệm vụ. Và vào ngày 18 tháng Hai, khi tôi được phóng thử lần đầu tiên từ một chiếc tiềm thủy đỉnh, phi cơ địch cất cánh từ hàng không mẫu hạm đã tấn công Đông Kinh. Tôi nghe các xưởng kỹ nghệ ở khu vực phía Đông Nam thành phố bị trúng bom, nhưng tôi vui mừng vì gia đình tôi không nằm trong khu vực đó. Hai việc xảy ra vào ngày 19 khiến tôi buồn rầu. Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Iwo Jima, và thiếu úy Miyoshi đánh tôi. Việc kẻ thù tiến vô ngay cánh cửa trước Nhật Bản và việc nhận lãnh cú đấm của người mà chúng tôi mến yêu, không hiểu biến cố nào đã ảnh hưởng đến tôi nhiều nhứt.Vụ Thiếu úy Miyoshi đánh tôi là do một sự vi phạm kỷ luật nhỏ. Nhiều người trong chúng tôi không xếp mền ngay ngắn trên giường ngủ. Khi Thiếu úy Miyoshi yêu cầu những ai phạm lỗi hãy bước ra, có sáu người đã làm theo lời ông. Tôi nhớ mang máng hình như mền của tôi không được xếp cẩn thận, nên tôi bước ra khỏi hàng. Lúc tôi còn đang suy nghĩ thì những người khác đã bước ra trước tôi, do đó tôi chậm mất năm giây. Thiếu úy Miyoshi bước đến và lần lượt đánh chúng tôi. Sau đó, những người khác bước trở vô hàng, nhưng Thiếu úy Miyoshi gọi tôi lại:
"Yokota! Khoan đã!"
Ông đến trước mặt tôi và nói tiếp:
"Anh bước ra khỏi hàng sau cùng. Anh sắp thi hành nhiệm vụ, anh nghỉ là tôi sẽ ưu đãi anh hơn những người khác hả? Anh sẽ là người đầu tiên bị loại khỏi nhiệm vụ! Bây giờ tôi không muốn mang anh theo nữa!"
Ông ta bắt đầu đánh tôi, và tiếp tục cho đến khi tôi ngã gục xuống. Khi đứng dậy, đôi má tôi sưng húp. Bị loại khỏi sứ mạng, tôi xấu hổ vô cùng. Xấu hổ với ông ta, với Thiếu úy Kato và hai người được chọn khác.
Tuy nhiên, Miyoshi thật sự đã ưu đãi tôi. Tôi không bị loại. Đêm đó ông tỏ vẽ buồn bã và muốn chúng tôi quên biến cố vừa qua, khi bước vô phòng chúng tôi và phân phát mỗi người một miếng "yokan", loại bánh ngọt bằng đậu, mà ông biết tất cả chúng tôi đều khoái ăn. Tôi cũng được ông cho một miếng, "hãy quên chuyện đã qua", tôi hiểu lời nói của ông qua miếng bánh đó. Ngày hôm sau, toán Chihaya thi hành sứ mạng. Tiềm thủy đỉnh I.368 rời khỏi Otsujima mang theo 5 Kaiten với ba sĩ quan và hai hạ sĩ quan. Cũng ngày đó, I.370 cũng rời Hikari lên đường với 5 Kaiten. Chúng tôi không nghe nói I.368 gây một thiệt hại nào cho địch quân. Nó bị phi cơ của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ khám phá và đánh chìm vào ngày 27 tháng Hai. Ngày trước đó, I.370 cũng bị chiến hạm địch đánh chìm, lúc đã phóng xong 5 Kaiten. Lực lượng của chúng tôi ở Iwo Jima cho biệt họ có nhìn thấy sáu cột khói khổng lồ vượt cao khỏi mặt biển, do đó, có thể đoán chắc rằng Thiếu úy Okayam và các đồng đội của ông đã đánh trúng mục tiêu. Một người thuộc nhóm Tsuchiura, trung sỹ Masao Mori, đi theo I.370 với tư cách chuyên viên Kaiten, đã thiệt mạng với chiếc tàu chìm. Tiềm thủy đỉnh I.44, chiếc tàu thứ ba thuộc toán Chihaya, rời Otsujima vào ngày 23 tháng Hai. Chiếc tàu nầy đã trở về vào ngày 9 tháng Ba, với tất cả Kaiten mang theo. I.44 không thể nào tiến vô gần Iwo Jima được vì màn lưới tuần tiểu của địch quân dày đặc, và cả đến việc nổi lên để lấy dưỡng khí cũng không dám. Phi cơ và chiến hạm địch dìm chiếc tàu dưới nước 46 tiếng rưỡi đồng hồ, và không khí bên trong bắt đầu nhiễm độc. Hạm Trưởng của I.44, Thiếu tá Genhei Kawaguchi, nhận thấy các hoa tiêu Kaiten và thủy thủ đoàn kiệt sức quá nên đã quyết định rút lui.Đệ Lục hạm đội không đồng ý với ông. Ông bị cách chức tức khắc trở về hải cảng nhà, và được một hạm trưởng khác thay thế.
Sau ngày I.44 rời bến Otsujima, tôi được phóng thực tập lần thứ hai từ tiềm thủy đỉnh, chiếc I.58, do Thiếu tá Hashimoto chỉ huy. Đây là tiềm thủy đỉnh sau nầy sẽ đánh chìm tuần dương hạm Indinapolis của Hoa Kỳ, chiếc tàu đã mang bom nguyên tử đến quần đảo Mariana. Giữa chiếc I.58 và chiếc I.368 chậm chạp, kềnh càng, có sự khác biệt lớn lao! Chiếc I.368 nguyên thủy được chế tạo để chuyển vận binh sĩ và đồ tiếp tế, chỉ chạy được 14 hải lý trên mặt biển, so sánh với tốc độ 20 hải lý hoặc hơn nữa của các tiềm thủy đỉnh khác. Ngoài thủy thủ đoàn 50 người vừa sĩ quan vừa binh sĩ, chiếc tàu có thể chở thêm 110 binh sĩ và 60 tấn tiếp liệu. Nó cũng có thể mang thêm 20 tấn trên boong, nhưng sẽ chạy chậm như rùa. Chiếc I.58 trái lại, coi gọn ghẻ và nhanh nhẹn hơn nhiều. Theo thông lệ, trong những buổi thực tập, chúng tôi dùng các ngư lôi đỉnh làm mục tiêu, nhưng chúng tôi thường nhắm vô các chiến hạm chạy ngang qua, để tiết kiệm nhiên liệu cho các ngư lôi đỉnh của chúng tôi. Một số chiến hạm nầy của Thủy Quân Lục Chiến thuộc Lục Quân, trú đóng trên đảo Oshima, ở Nội Hải. Trong cuộc chiến, Lục Quân và Hải Quân thường hay hục hặc với nhau. Hầu hết các sĩ quan cao cấp Lục Quân đều xuất thân giai cấp nông dân ở Nhật Bản, trong khi hầu hết sĩ quan cao cấp Hải Quân đều xuất thân từ giới Samurai. Việc nầy khiến cho Hải Quân nhìn Lục Quân bằng nửa con mắt, và dẫn đến một biến cố buồn cười vào ngày 1 tháng 3. Trung sĩ Yosihito Yazaki, bạn thân và ở chung phòng với tôi, lái Kaiten của hắn ra khơi trong khi tất cả ngư lôi đỉnh đều đã được tung ra để săn đuổi một chiếc tiềm thủy đỉnh của địch quân. Một chiếc tàu bằng gỗ chở đồ tiếp tế của Lục Quân chạy ngang qua gần Hikari. Hắn ta quyết định xử dụng chiếc tàu làm mục tiêu thực tập đặt biệt, bằng cách cho Kaiten chạy thẳng đến. Khi còn cách mục tiêu khoảng 500 thước, hắn nâng tiềm vọng kính lên để quan sát lần cuối cùng. Lúc ấy tôi đang đứng trên một tàu quan sát, và một trong những sĩ quan nói:
"Nếu là một chiến hạm địch, chắc chắn hắn sẽ bị nhìn thấy."
Tôi đáp ngay:
"Thấy cũng không làm gì được! Quá trể để trốn chạy!"
Câu nói rất hổn, đối với một tân binh, nhưng tôi tin bạn tôi. Như tôi đoán, Yazaki lướt ngang qua phía dưới mục tiêu. Rồi hắn quành lại và lướt ngang qua một lần nữa. Lúc đó, chiếc tàu chở tiếp liệu từ Oshima hiện rõ trong tầm mắt, chạy theo một hướng sẽ nằm giữa Yazaki và chúng tôi. Thiếu úy Kozu cố vẩy cho chiếc tàu tránh xa, nhưng nó vẫn tiếp tục tiến thẳng. Yazaki, lúc đó chạy gần như nổi hẳn trên mặt nước, đã đụng ngay vô chiếc tàu. Sau sự va chạm, chiếc tàu tiếp tế chạy xiêng xẹo, trong lúc chúng tôi dõi mắt trên mặt nước để tìm kiếm Yazaki. "Hắn kìa!" một người la lên khi chúng tôi tiến đến nơi vừa xảy ra tai nạn. Tôi cởi quần áo ngoài, chụp sợi dây và chúi xuống biển. Nước buốc lạnh, nhưng tôi vẫn tìm cách buộc sơi dây vô Kaiten của Yazaki. Chúng tôi mang hắn lên boong tàu. Hắn không hề hấn gì, chỉ bất tĩnh trong giây lát. Chúng tôi chạy vô bến, đưa Yazaki lên bờ, và quay tàu trở lại để coi có giúp gì được cho chiếc tàu tiếp tế hay không. Chiếc tàu bị hư hại trầm trọng và phải đưa đến Minase, một hòn đảo không xa bến tàu của chúng tôi mấy.
Lúc ấy trời đã tối, và viên sĩ quan Lục Quân chỉ huy chiếc tàu tiếp tế có hành vi kiêu căng đối với chỉ huy phó của chúng tôi, Đại úy Miyata. Hắn nói:
"Hải Quân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ nầy!"
Đại úy Miyata làm thinh, ông lo đôn đốc việc đưa tiếp liệu lên bờ. Nhưng viên sĩ quan Lục Quân, mặc dù cấp bậc nhỏ hơn, vẫn tiếp tục thóa mạ ông. Do đó, khi công việc chấm dứt, Đại úy Miyata nói với chúng tôi:
"Các anh có thể mang theo một vài món, coi như là phần thưởng cho sự bực mình của các anh."Chúng tôi chỉ cần nghe bấy nhiêu đó, vì chiếc tàu chở đầy mạch nha, kẹo bánh đủ thứ, và nhiều loại đồ ăn đóng hộp. Bọn hoa tiêu Kaiten chúng tôi có thể nhận được những thứ nầy dễ dàng trong trường hợp chúng tôi muốn, nhưng các chuyên viên săn sóc vũ khí của chúng tôi lại không được đặc ân nầy. Tất cả chúng tôi gần muốn sụm với những món đồ có thể mang theo được, và lẻn trốn xuống tàu của chúng tôi. Trở về doanh trại, chúng tôi mở tiệc, mời mọi người ở căn cứ đến tiêu thụ sạch chiến lợi phẩm. Tất cả chúng tôi vẫn còn bàn tán về biến cố, liếm mép và thở khì, "Oishii!" Ngon quá!" khi một đại diện Lục Quân đến Hikari để phản đối sự việc đã xảy ra, và nhứt là phàn nàn về vụ đánh cắp thực phẩm. Dĩ nhiên, không ai bị khám phá, và vụ đụng chạm chỉ là một tai nạn mà thôi. Một lời xin lỗi được đưa ra, nhưng chỉ có tánh cách hình thức. Bọn hoa tiêu Kaiten chúng tôi cũng như các chuyên viên không mấy quan tâm vụ nầy. Tất cả chúng tôi đều có chung cảm nghĩ với câu nói của một người trong bọn. "Lẽ ra chúng ta nên có nhiều tai nạn hơn!"Biến cố vừa xảy ra sau khi tôi đã thực tập phóng từ tiềm thủy đỉnh lần thứ hai.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top