Những lá thư tay không hồi đáp
Ngày xưa, ba quen mẹ được hơn hai năm rồi, nhưng tính ra vẫn còn nhát lắm. Nhiều lúc muốn ngỏ lời mà không biết phải nói với mẹ ra sao. Nhiều lần thấy mẹ cũng có ý, mà ba chỉ dám đoán bắt chứ chẳng biết tỏ tình thế nào.
Hôm đó, ba quyết định lấy hết can đảm, ghi một mảnh giấy và nhét vào tấm vở đi học của mẹ. Trong lúc chở mẹ về nhà trên chiếc xe đạp lạch cạch tróc sơn, mẹ vô tình mở ra và thấy dòng chữ:
"Hay là mình thử yêu đi!
Biết đâu hợp ý, đến khi bạc đầu."
Mẹ chỉ bật cười, rồi giả vờ nói vu vơ:
"Yêu thiệt cũng có sao đâu?
Đàn ông gì nhát mỗi câu tỏ tình..."
Ba nghe xong thì tủm tỉm suốt dọc đường về. Chẳng nhiều hẹn thề mà từ đấy, ba với mẹ chính thức yêu nhau. Bao nhiêu năm về sau chung sống, ba cũng không bao giờ quên được âm giọng và câu trả lời của mẹ ngày đó.
Ba lúc nào cũng gọi mẹ là "nhỏ". Như kiểu- "Nhỏ ơi", "Anh làm về rồi nè nhỏ", "Hôm nay nhỏ có mệt không?", "Nhỏ thay đồ đi anh chở đi hóng gió"...
Chừng năm sau đó, có một khoảng thời gian ba phải đi công tác ở Sài Gòn, mà lúc đấy công nghệ thông tin vẫn chưa phát triển như bây giờ. Thế là mỗi lần muốn liên lạc với mẹ, ba đều phải viết thư tay.
Hễ ba vắng nhà một tháng, thì chắc chắn mẹ sẽ nhận đủ cả thảy 30 lá thư. Bao gồm những dòng ba viết để lại ngay ngày ba vừa rời đi, và các lá thư khác sẽ đến tay mẹ vào đúng hôm ba về đến. Mẹ ngày đấy bận buôn bán, rồi gia đình lại khó nên cũng chỉ biết cầm thư đọc rồi tủi thân, chứ chẳng thể nào chạy đi gửi lại trả lời ngay cho ba được. Vậy mà, ba chưa một lần trách hờn hay giận mẹ dù chỉ một câu.
Có lần mẹ hỏi ba:
"Sao ngày nào anh cũng viết thư cho nhỏ vậy?Tiền giấy tờ, bút mực, tiền gửi, tiền tem, rồi thời gian đâu anh nghỉ ngơi?"
Ba chỉ cười bảo:
"Anh đi đâu, làm gì thì cũng phải viết để nhỏ biết mà an tâm. Nhiều khi anh đi xa, sợ nhỏ ở nhà lại buồn. Thì mấy hôm anh nhịn cà phê sáng, nghỉ thuốc chiều cũng đủ dư tiền tem thư rồi còn gì."
Yêu xa bao lần vậy đó. Rồi ba mẹ cũng cưới nhau. Sau khi có tôi và đứa em gái nhỏ, ba từ chối mọi lời mời đi công tác xa, ba chấp nhận bỏ hết những cơ hội thăng tiến chỉ để ở gần bên gia đình.
Ba nói với mẹ:
"Tiền bạc anh làm cả đời cũng có, anh nhịn chút để nhỏ với hai con đủ đầy cũng được. Chứ anh đi xa, nhỏ ở nhà chăm con khổ lắm"
Rồi thấm thoát yên bình cũng chỉ lưng chừng mười tám, hai mươi năm. Mẹ bệnh nặng, rồi mất. Ba đem hết kỷ vật là những lá thư, hóa vàng xuống đấy cho mẹ giữ.
Cho đến ngày mẹ mất, ba với mẹ cũng chưa từng cãi nhau đến một lần. Ba bảo mình là đàn ông, không chở che và bao bọc được cho phụ nữ thì đừng giữ họ cạnh bên làm vợ. Còn một khi đã sống cùng nhau cả đời vợ chồng, thì thà rằng mình chịu thiệt, cũng chấp nhận đừng làm buồn lòng người phụ nữ cạnh bên.
Vậy mà cuối cùng, mẹ cũng chẳng thể ở chọn với ba đến khi bạc đầu. Giờ ba hai màu tóc, mà tóc mẹ vẫn đen đó, vẫn ngắn đó, vẫn dày đó, vẫn yên vị đó, trên tấm ảnh ba treo gọn trong gian phòng nhỏ.
Từ dạo đó, nếu có nhắc lại lần ngỏ lời đầu tiên, tôi chỉ thấy ba cười hiền, rồi lặng im. Ít ra ba cũng từng có nhiều chục năm trời hạnh phúc.
Ba bảo với tôi, thuở mới gặp nhau, ba hay đi xa để mẹ ở nhà trông ngóng nên chắc bây giờ ông trời bắt mẹ phải ở xa đến vậy, để ba ngồi đây ngóng trông. Đời người, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có chuyện hợp - tan là đau lòng nhất.
Hỏi mỗi lần nhớ mẹ, ba làm sao thì ba nói ba lại tìm giấy, lại viết thư, lại gửi cho mẹ. Mà tiếc là đâu thể nào cứ ra bưu điện, ghi lên vài dòng địa chỉ, rồi đợi đến tay mẹ. Mà ba chỉ có thể ra nơi mẹ yên nằm, đốt từng lá thư giấy, để bên đấy mẹ nhận được. Ừ, chắc có lẽ, mẹ sẽ đỡ buồn, đỡ cô đơn...
Đời.
Vẫn có những người đàn ông như ba, yêu bao nhiêu năm vẫn sợ người phụ nữ mình thương phải gánh chịu tủi buồn và cô độc. Đi bao nhiêu chuyến, vẫn chỉ mong ở gần chăm chút vợ con.
Cũng đời.
Người ta yêu lắm, rồi lại đánh mất. Giữ mãi, mà cứ lạc nhau. Bởi vậy, mình ở gần người thân được bao lần, thì cứ quý. Để nhỡ một ngày có những lá thư gửi đi mà không ai đáp lại cũng đỡ tiếc nhớ vì chưa bao giờ mình bỏ lỡ nhau.
......
Chỉ còn mình với những đau,
Chẳng ai ở lại ngày sau cùng mình.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top