Phần 6-10
Đới Hướng Dương chủ chi mời khách, mời ngôi sao mới nổi trong ngành thương mại. Đây là từ dùng của Yên Vệ Bình, phó tướng dưới trướng Đới Hướng Dương, là cách nói tế nhị khách sáo dành cho những người vô danh. Lương Tiểu Đồng rất hận người cha cho đến giờ vẫn cho anh ta là hạng gà nhép chưa hiểu thế sự, ông ta vẫn không ngớt nhồi vào óc Lương Tiểu Đồng những triết lý sống... Tuy nhiên, Lương Quân cũng có lý khi nói câu này: đời người ngắn ngủi thực đáng buồn, phải biết dùng thời gian hữu hạn để kết giao với những người có thể giúp ta vô hạn. Chắc đó cũng là nguyên nhân khiến Lương Quân có ý đưa Lương Tiểu Đồng vào nắm giữ Hội đồng Quản trị? Ăn cơm với kẻ mới nổi trong ngành, chỉ là lãng phí thì giờ.
Nhưng tại sao Đới Hướng Dương muốn mời vị khách này?
Ngồi ấm chỗ, giới thiệu xong xuôi, Lương Tiểu Đồng mới hơi hơi hiểu ra tại sao Đới Hướng Dương lại không ngại hạ cố chiêu đãi: nhân vật mới nổi kia chính xác là non choẹt, tuổi mới 26 - 27 nhưng trông rất sáng sủa thông minh và cũng chín chắn nữa, nói năng lại sắc sảo. Anh ta có cái tên rất cổ điển: Đới Thế Vĩnh, giọng nói mang âm sắc Thiểm Tây. Khi trò chuyện, anh ta ngẫu nhiên nhắc đến những lề thói phong tục của quê hương, cha đã chuyển đến Tây An sinh sống từ lâu nhưng khi đặt tên con, ông ấy vẫn tuân theo quy tắc tổ tiên chèn một chữ "thế" vào giữa, anh ta là đời chữ "thế" nên giữa họ tên phải có chữ "thế". Đới Hướng Dương liền chú ý, hỏi anh ta quê ở đâu. Anh ta nói quê ở Vị Nam. Vị Nam ở đâu? Ở Cao Dương thuộc Bồ Thành.
Chà chà! Sao trời nhấp nháy, tia lửa tỏa bốn phương, thì ra là quê mình.
Đới Hướng Dương nói, tên mình đáng lẽ ra nên có chữ đệm theo tộc phả là chữ "thiệu". Ông ta chào đời trong thời buổi đang cổ vũ rời xa lối mòn cũ rích, cho nên cha mẹ cũng theo trào lưu mới để đặt tên con theo lối đỏ son cách mạng. Chữ "thiệu" là bề trên của chữ "thế", Đới Thế Vĩnh chính xác là hàng cháu của Đới Hướng Dương.
Và thế là Đới Thế Vĩnh bắt đầu gọi Đới Hướng Dương là "chú".
Tiếp tục trò chuyện, Lương Tiểu Đồng mới biết Đới Thế Vĩnh kinh doanh về ngành năng lượng.
Theo cách nói nửa đùa nửa thật của Đới Hướng Dương, thì Đới Thế Vĩnh thuộc nhóm ranh con ma mãnh mới trỗi dậy trong nghề kinh doanh năng lượng: nhập khẩu than đá. Phong trào khai mỏ điên cuồng suốt dải Sơn Tây Thiểm Tây năm xưa đã tạo ra hàng ngàn hàng vạn triệu phú, mà Đới Hướng Dương là một trong các đại diện nổi bật. Những năm gần đây, giá than trong nước xuống dốc cũng khiến khá nhiều ông chủ than phải phá sản, đối thủ cạnh tranh của họ chính là than nhập khẩu giá rẻ. Tập đoàn Hâm Viễn tuy đã phân chia phạm vi kinh doanh cho các xí nghiệp chứ không chỉ kinh doanh than đá, nhưng rõ ràng là Đới Hướng Dương không chấp nhận ngồi chờ chết, ông ta muốn thông qua gã đại lý ngoại quốc Đới Thế Vĩnh này để đặt chân vào lĩnh vực nhập khẩu than đá.
Lương Tiểu Đồng ngồi nghĩ mà tức, thì ra, quanh đi quẩn lại, vai chính vẫn là Đới Hướng Dương!
Cho nên anh ta lại thỉnh thoảng lại đứng dậy bước ra ngoài, đi sang hai lầu Đông, Tây để thể hiện sự tồn tại của mình. Nhưng dù sao vẫn có Yên Vệ Bình ngồi đó trợ uy cho Đới Hướng Dương.
Yên Vệ Bình là nhân vật thân cận đầu bảng của Đới Hướng Dương, sắm nhiều vai, là phó tổng giám đốc tập đoàn, là cận vệ, và cũng là "con rể" ông ta. Vợ chồng Đới Hướng Dương chỉ có một con trai, nhưng ông ta có cô cháu gái là Đới Quyên cha mẹ mất sớm, được bà mẹ của Đới Hướng Dương nuôi nấng, về sau bà cụ ốm qua đời thì Đới Hướng Dương tiếp tục nuôi nấng chăm lo. Lương Tiểu Đồng đã vài lần gặp mặt Đới Quyên, cũng biết Đới Hướng Dương coi cô ta như con đẻ, mấy năm trước bà vợ đưa con trai sang Mỹ học trung học, thì Đới Hướng Dương còn mỗi Đới Quyên và Yên Vệ Bình là gia đình vậy.
Cách đây ít năm, thông qua các nghiệp vụ của tập đoàn, Lương Tiểu Đồng quen biết Đới Hướng Dương. Nghe nói ông ta cũng được đánh giá cao, ít ra không phải hạng giàu xổi ngông nghênh tự đắc rởm, cũng không dính dáng đến bọn xã hội đen, thậm chí ngày trước Đới Hướng Dương khai thác mỏ ở huyện Dương Quan đã từng mở trại mồ côi, về sau trại mồ côi ấy bị hỏa hoạn xóa sổ nhưng danh tiếng của nhà từ thiện họ Đới vẫn còn dư âm ở huyện đó đến tận bây giờ. Trong giới doanh nhân vẫn rất sẵn các nhà từ thiện giả, tuy nhiên, từ thiện giả vẫn còn hơn là không làm từ thiện, đúng không? Lương Tiểu Đồng không biết rõ về Yên Vệ Bình, chỉ gần đây mới tiếp xúc qua công việc về hội quán Tiêu Tương. Nghe nói anh ta từng học trường quân sự, khi làm quen với Đới Quyên, anh ta là một sĩ quan trẻ hăng hái cầu tiến. Đới Hướng Dương nhận ra Bình là người có tài, nghiêm túc và trung hậu, Đới Quyên lấy được thì cũng có chỗ dựa suốt đời, bèn ra sức tác thành cho hai người. Sau đó dìu dắt Bình vào hàng ngũ lãnh đạo của tập đoàn. Theo con mắt khắt khe của Lương Tiểu Đồng thì những con người tài ba trung hậu thời nay thường không chịu bó mình trong một khuôn khổ chật hẹp, khái niệm chỗ dựa suốt đời chỉ là ảo tưởng.
Cha của Yên Vệ Bình đột ngột ốm nặng, lẽ ra anh ta phải bay đi Vũ Hán thăm, vé máy bay cũng đã mua, nhưng Đới Hướng Dương cứ nằng nặc bảo anh ta gặp gỡ Đới Thế Vĩnh đã rồi hãy đi, Bình bèn đổi vé để bay chuyến tối, vì thế anh ta mới có mặt hôm nay dự lễ khai trương.
Đánh thêm một vòng hai lầu Đông, Tây trở về, lúc đi qua quầy tiếp tân ở lầu chính, Lương Tiểu Đồng nhận ra mặt "em Chân" hơi căng thẳng.
Chân là cô gái tiếp tân của lầu chính, kiêm hướng dẫn vị trí, kiêm giám đốc, kiêm bình hoa. Lương Tiểu Đồng không nhớ được họ tên đầy đủ của cô, lần đầu nhìn thấy nước da trắng ngần như búp bê sứ của Chân, anh ta đã ngất ngây chực ngã, cô ta họ tên gì chẳng quan trọng nữa. Cho nên cũng đừng tưởng rằng anh ta không nhớ nổi những ý tưởng diệu kỳ đối với "em Chân" và không có ý định đưa Chân đi vào miền đất của anh ta để du hí một trận. Thực tế là Lương Tiểu Đồng cũng đã nhiều lần ỡm ờ phát tín hiệu cho Chân, nhưng chỉ được hồi đáp bằng nụ cười có lúm đồng tiền trên má và những âm thanh vu vơ rất không rõ ràng. Lương Tiểu Đồng cũng không truy đến cùng vì anh ta biết Chân không phải hạng các cô em thị cấn lân cận đi làm công vớ vẩn, cô hẳn có quan hệ quen biết riêng, vì được đích thân Đới Hướng Dương chỉ định làm tiếp tân ở lầu chính. Nhưng ai mà biết được, ngoài giờ rất có thể Chân sẽ phục dịch Đới Hướng Dương. Vậy cô ta cũng không đáng để Đồng phải tốn công đeo bám.
"Sao thế?" Lương Tiểu Đồng hỏi.
Chân đáp, "Không vấn đề gì, tất cả đều ổn."
"Đừng tưởng anh không nhận ra... Nên nói thế nào nhỉ? Em cứ như là một bức tranh, tranh của Da Vinci, của Van Gogh, của Ngô Quán Trung... có khối người mô phỏng, cũng có không ít người mô phỏng rất chuẩn, tranh sao chép bày đầy ngoài phố, nhưng chỉ có rất ít chuyên gia giám định nhận ra đâu là đồ thật đâu là đồ giả." Lương Tiểu Đồng vốn rất ghét sự nông cạn và thô thiển, cho nên, dù biết Chân chỉ học xong phổ thông trung học, anh ta cũng nói năng lựa chọn từ ngữ cầu kỳ.
"Thế là ý gì ạ?" Chân mỉm cười. "Chắc anh nói bóng gió rằng em không biết cách ăn mặc? Nhưng em xin nói: chị Quyên thiết kế cho em trang phục hôm nay, nếu khó coi thì anh cứ nói thẳng với chị ấy!"
"Chị Quyên" tức Đới Quyên, cháu gái của Đới Hướng Dương. Lương Tiểu Đồng không rõ có phải Chân không hiểu anh ta đang tán khéo hay là cô ta có ý chuyển sang chủ đề khác, bèn cười nói, "Ý anh là, anh tựa như chuyên gia giám định, rất tinh mắt, chỉ thoáng nhìn là nhận ra những nét thay đổi trên khuôn mặt em. Trông em hơi hồi hộp, như thể anh đến trước mặt em là thành cường hào ác bá định cưỡng đoạt dân nữ!"
Chân bật cười khanh khách, thậm chí chẳng buồn che miệng, cô cứ như một khối ngọc thiên nhiên chưa mài giũ. "Nói theo giọng đám con gái Đông Bắc quê em, thì anh nói phứa quá đấy!" Chân không cười nữa. "Em chỉ hơi lấy làm lạ, Túy Hoa Âm ở tầng ba bỗng dưng phát sinh một bàn ăn, trước đó em không biết gì hết, khi họ đến thì em mới biết hệ thống đặt chỗ đã cập nhật, em bị ăn một chưởng không kịp trở tay."
Nếu là một tình huống khác, với một cô gái khác, Lương Tiểu Đồng sẽ rất "hồn nhiên" hỏi, "Em bị đau ở đâu? Để anh xoa hộ cho?" Nhưng nhìn thấy hoa xanh trên vạt áo dài nền trắng, Lương Tiểu Đồng lập tức loại bỏ ý nghĩ này, như thể bàn tay phàm của anh ta mà đụng vào thì nó sẽ nát vụn thành trăm mảnh. Lương Tiểu Đồng hỏi, "Ai đặt chỗ?"
Chân nói, "Không biết nữa, vậy thì không phải là anh đặt?"
Lương Tiểu Đồng nhún vai, "Đến thì cứ đến, cũng là khách cả, chỉ cần chi tiền là nhà bếp ứng phó được tất! Hôm nay ông ta mời mấy đệ tử đến còn gì?" Lương Tiểu Đồng bỗng nhớ ra lúc nãy ngồi ở tầng hai thấy Chân dẫn hai khách lên tầng trên, bèn hỏi, "Một nam một nữ phải không?"
Chân gật đầu, "Bàn ba người, còn một người nữa lúc này vẫn chưa đến. Anh phải lên phát thẻ hội viên cho bọn họ đi chứ?" Cô ngập ngừng rồi lại tươi cười, "Khách nữ, là một người đẹp, rất cao, cứ như người mẫu."
Vẫn như lúc nãy, nếu là tình huống khác và cô gái khác, Lương Tiểu Đồng sẽ nói: gặp em rồi, trong mắt anh không còn người đẹp nào nữa... Nhưng nghĩ đến đôi mắt hổ báo của Đới Hướng Dương, nghĩ đến "chị Quyên", Lương Tiểu Đồng đành nói đùa, "Cảm ơn bà chủ đã nhắc nhở, tôi sẽ lên trinh sát ngay!"
Anh ta ngước lên, chưa kịp cất bước thì nhận ra hai gã bịt mặt mặc đồ đen đứng sau Chân từ lúc nào không biết, và hai họng súng chĩa vào mình: một súng ngắn một súng trường tự động. Lương Tiểu Đồng hay tham gia câu lạc bộ bắn súng, tuy không nghiên cứu kỹ về súng đạn nhưng cũng không phải là "gà". Anh ta nhận ra đó là súng ngắn nhập ngoại, chắc là mác Glock, một tạp chí nào đó từng đăng nó là súng chuyên dùng của các thám tử FBI, còn khẩu súng tự động là súng nội địa model 95, sản phẩm liên doanh.
Gã cầm súng ngắn đưa một ngón tay lên môi ra hiệu cho Lương Tiểu Đồng "ngậm miệng". Thật ra không cần thiết phải nhắc nhở, vì đứng trước họng súng anh ta trở thành người rất biết điều, lập tức giơ hai tay lên.
Chân cảm thấy có điều bất ổn, vội ngoảnh lại rồi kêu lên "ôi..." liền bị bàn tay đeo găng đen bịt mồm, tiếng kêu tắc tị, ú ớ, nhưng cũng truyền đến cửa gian nhà Đông cách đây không xa. Đó là phòng làm việc kiêm phòng bảo vệ.
Lập tức có tiếng bước chân từ phía đó vọng ra. Lương Tiểu Đồng thầm nghĩ: có người ứng cứu thông thường là chuyện rất hay, nhưng con nai đã nằm trong nanh vuốt con báo thì chẳng còn gì là lãng mạn nữa.
Tiêu Tương chẳng phải thiên đường cũng chẳng phải cung vua, mà chỉ là một hội quán kinh doanh ẩm thực là chủ yếu, nhất là lầu chính mang màu sắc riêng tư, khách đến theo lời mời, không dính líu xã hội đen, không có gái gú chuốc rượu, không có cờ bạc đỏ đen, không cho phép làm việc vụng trộm tệ hại, đương nhiên hội quán có trưng bày một số đồ cổ có giá trị nhưng chưa phải là đồ quý hiếm. Cho nên kể từ khi thiết kế, đã không cần bố trí bảo vệ đầu bảng. Chỉ có hai bảo vệ, trực ban cả ngày, thay nhau trực đêm, công cụ chỉ là dùi cui cao su.
Ngay Lương Tiểu Đồng cũng chưa đến mức cần vệ sĩ, cha anh ta có hai vệ sĩ nhà nghề nhưng vì ông là sếp bự của tập đoàn, lãnh đạo các công ty lớn ở Giang Kinh nhìn chung đều có vệ sĩ. Đới Hướng Dương Luôn có Yên Vệ Bình đi theo và hai vệ sĩ, một trong số đó kiêm lái xe, nhưng vì hôm nay khai trương hội quán, Đới Hướng Dương nói ngày vui thì cần cầu vui, nếu mang theo vệ sĩ thì sẽ bị xui xẻo cho nên ông ta chỉ đi một mình.
Cũng chính là ngày khai trương nên cả hai bảo vệ Tiêu Tương đều có mặt, một anh quan sát hai lầu Đông, Tây, một anh ngồi trấn ở lầu chính. Lúc này, bảo vệ ở lầu chính chạy ra, người to con vạm vỡ, anh ta tên Cát Tam Lạc, mọi người ở hội quán đều khoái cái tên này, cho rằng nghe rất khôi hài. Tiếc rằng lúc này anh ta chạy ra thì lại là bi kịch.
Một tiếng súng nổ, Chân kêu thét lên. Cát Tam Lạc trúng đạn ngã gục. Lương Tiểu Đồng quay lại nhìn, anh bảo vệ to con đang ôm đầu gối phải, máu rỉ ra kẽ ngón tay. Anh ta cố nén không kêu gào, chỉ đau đớn rên rỉ, miệng hơi há ra.
Tên cướp cầm súng ngắn vội vàng chạy về phía cổng, không thèm nhìn anh bảo vệ đang đau đớn, đúng là tác phong kẻ cướp chuyên nghiệp! Hắn rút trong người ra một bánh pháo, bật lửa châm rồi quăng qua cổng chính. Tiếng pháo nổ ran. Lương Tiểu Đồng nhìn tên cướp cầm súng ngắn ấy, nhận ra hắn bị thọt, bước đi khập khiễng, tuy nhiên hắn vẫn hành động rất nhanh nhẹn.
Lúc này, bầu không khí trước cổng lầu chính hội quán Tiêu Tương quả là náo nhiệt với tiếng pháo rộn ràng trong ngày khai trương, có điều, cánh cổng bị đóng chặt. Quăng pháo ra, đóng cổng lại, thao tác dứt khoát, "rất chuyên nghiệp". Lương Tiểu Đồng cay đắng mà không làm gì nổi.
Tên cướp chuyên nghiệp đóng cổng lại, lấy còng ra còng hai tay Lương Tiểu Đồng. Tên cướp cầm súng trường chĩa súng vào Lương Tiểu Đồng rồi lại lia sang Chân, "Hai chúng mày đưa nó lên gác!" Hắn nói tiếng phổ thông khá chuẩn, hơi pha âm sắc miền Nam.
Lương Tiểu Đồng và Chân chật vật đỡ anh bảo vệ đứng dậy rồi dìu anh ta lên cầu thang. Tên cướp cầm súng trường chạy ba bậc một lên gác, trên đầu cầu thang đã có một tên cao to bịt mặt, cầm súng trường đứng đó. Hai tên gật đầu với nhau cứ như là giữa ca sĩ và ban nhạc đệm đứng trên sân khấu, ngụ ý "đã chuẩn bị xong", sau đó cùng lao vào nhà ăn của đại sảnh.
Ngoài kia tiếng pháo đã dứt, bên trong mở màn tiết mục trình diễn mới của ngày khai trương.
"Cấm nhúc nhích!" Tên cướp cao to quát. Cũng nói tiếng phổ thông, nhưng chưa nhận ra hắn là người vùng nào.
"Ối..." Một tiếng thét của phụ nữ. Lương Tiểu Đồng biết trong gian phòng này chỉ có một người phụ nữ, là cô phục vụ bàn Hoa Thanh.
"Câm mồm! Hét nữa tao giết luôn!" Tên miền Nam nói. "Tất cả giơ tay lên, quay người đi!"
Lúc này, dưới sự uy hiếp của họng súng. Lương Tiểu Đồng và Chân đã kéo được Cát Tam Lạc lên đến tầng hai, máu tươi rải khắp các bậc cầu thang, Lương Tiểu Đồng nhìn chết khiếp, khẽ rùng mình. Anh ta từ nhỏ có tật sợ nhìn thấy máu, lớn lên rồi có đỡ hơn nhưng vẫn sợ chứ chưa thể "bình thản như không".
Gian phòng ăn mở cửa, Lương Tiểu Đồng nhìn thấy cả trong lẫn ngoài đều có bọn cướp, mọi người đều quay lưng lại, tay giơ lên. Tên cướp to con bắt đầu còng mọi người với nhau theo cách thức "liên kết": tay trái của người này còng chung với tay phải của người kia, một bộ còng dành cho hai tù binh, rất là kinh tế! Lương Tiểu Đồng cúi nhìn hai tay mình với một bộ còng, nhếch mép cười như mếu. Có phải mình được ưu ái hơn những người khác không?
Tên cướp giọng miền Nam ra hiệu cho nhóm Lương Tiểu Đồng bước vào phòng. Cát Tam Lạc bị đẩy vào một góc, chắc đang rất đau, anh chửi đổng một câu liền bị tên cướp đá một phát vào ngực, đành im re vậy. Tên cướp cao to còng Chân và Lạc với nhau, chắc cũng vì gấp gáp, hắn không đụng đến cái còng của Lương Tiểu Đồng nữa.
Lương Tiểu Đồng thầm nhẩm tính, loạt hành động vừa rồi chỉ xảy ra trong khoảng một phút. Tên cướp giọng miền Nam mau nhanh chóng lục soát áo quần từng người, thu hết di động, ví tiền, chùm chìa khóa... ném lên bàn ăn. Các cửa sổ đều bị đóng lại, những tấm rèm dày nặng cũng bị kéo kín mít. Hắn cảnh cáo, "Chớ ngoái cổ lại! Cấm động đậy."
Trên gác bỗng có tiếng động khe khẽ, Lương Tiểu Đồng sực nhớ Chân nói rằng trước đó không lâu có hai khách đột xuất đến gian Túy Hoa m, chưa biết chừng họ đã báo cảnh sát hoặc tìm cách trốn ra. Đây là một tia hy vọng.
Tên cướp giọng miền Nam cầm súng trường chạy vụt lên tầng ba, rồi lập tức quay lại và lao xuống tầng trệt.
Trong phòng, mọi người đều ngồi xổm. Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình bị còng chung một còng, cậu phục vụ Kiến Vĩ và cô phục vụ Hoa Thanh, Chân và Cát Tam Lạc bị cũng đều bị còng chung.
Thiếu một người.
Là Đới Thế Vĩnh.
***
Lương Tiểu Đồng ngấm ngầm hy vọng, rất có thể, Đới Thế Vĩnh lúc nãy đi vệ sinh... Nếu cậu ta sáng suốt - mà qua bốn mươi lăm phút nói chuyện khi trước, Đới Thế Vĩnh tỏ ra rất nhanh nhẹn thông minh - thì sẽ nán lại trong nhà vệ sinh gọi di động báo cảnh sát, và chỉ vài phút nữa cảnh sát sẽ ra tay kết thúc tình thế nguy hiểm này. Trừ phi...
Trừ phi, lúc đi vệ sinh cậu ta không cầm theo di động, di động lại nằm trong cái cặp da trơ trơ kia.
Lương Tiểu Đồng ráo riết tìm kiếm, rồi phát hiện ra cái cặp da đặt ở ghế ngồi của Đới Thế Vĩnh. Lương Tiểu Đồng nhớ rằng lúc đang ngồi ăn, Vĩnh mở cặp lấy di động ra nghe, và còn nhắn tin hai lần, nhưng không rõ sau đó anh ta cất di động vào cặp da hay nhét vào túi áo.
Ở cầu thang có nhiều tiếng bước chân rầm rập. Thì ra là tên cướp cầm súng ngắn đã chạy xuống dưới nhà từ khi nào, lúc này áp giải đầu bếp và hai phụ bếp lên.
Tên cướp cao kều còng cả ba người này lại với nhau, rồi nói, "Đoàn tụ một nhà rồi!" Giọng miền Bắc.
Tên cướp thọt cầm súng ngắn bước đến trước mặt Đới Hướng Dương, gí súng vào gáy ông ta, "Cho tao biết mật mã của két sắt, nếu không, tao cho mày xơi đạn ngay, rồi bọn tao sẽ phá két." Giọng hắn mỏng, sắc, như kiểu người vùng Xuyên - Tương nói tiếng phổ thông, âm sắc miền Nam rất nặng, đầu lưỡi đưa về phía trước.
Lương Tiểu Đồng lại thở dài, Lương Tiểu Đồng biết tính khí của Đới Hướng Dương là ngoài mềm trong cứng, là người rất rắn rỏi, từng có không ít truyền thuyết về ông ta, ví dụ như năm xưa đi từ khai thác than vươn sang mỏ đá và xi măng, ông ta nhún mình trước tấn công sau, lần lượt hất cẳng các doanh nghiệp địa phương nhỏ lẻ, rồi làm bá chủ cả khu mỏ đá trải dài mấy trăm cây số. Lúc này tuy bị gí súng vào đầu nhưng, đừng nói trong két có đồ quý giá, mà dù không có một xu, thì cũng đừng hòng ông ta dễ dàng cung khai, bó tay chấp nhận.
Cũng tức là sẽ có xung đột.
Xung đột thì sẽ đổ máu.
Lương Tiểu Đồng chán ngán nhưng cũng có cảm giác bị lừa dối: két sắt? Sao mình lại không biết có két sắt đặt ở lầu chính? Khắp các xó xỉnh trong ngoài khu nhà này mình đều biết rõ như lòng bàn tay, thế mà chưa từng nhìn thấy két sắt nào cả! Trong đó cất giữ báu vật gì mà lão phải giấu mình?
Đương nhiên là những thứ quan trọng hơn cả sự thẳng thắn và tin cậy. Chắc chắn là thứ rất quý, đến nỗi cất ở nhà cũng không yên tâm. Thế thì đừng hòng Đới Hướng Dương hé răng!
Nhưng rốt cuộc Lương Tiểu Đồng cũng thấy bất ngờ, vì Đới Hướng Dương nói, "Được! Tôi cho anh biết." Sau đó im lặng.
Tên cướp cầm súng trường, "Không chần chừ!"
Yên Vệ Bình nói, "Chú ơi!" Giọng nài nỉ như muốn Đới Hướng Dương đừng nói tiếp. Lương Tiểu Đồng thầm nghĩ: nói thì nói luôn đi, vào lúc này, mấy đồng tiền là quan trọng hay tính mạng cả đám người ở đây là quan trọng?
Tên cướp cao kều bước đến nện cho Yên Vệ Bình một báng súng vào lưng, "Mày câm mồm! Tất cả ngồi im."
Đới Hướng Dương, "Tôi có nói ra cũng vô ích, vì không có két sắt nào cả!"
Tên cướp cầm súng ngắn nói, "Chắc hẳn mày muốn ăn quả đắng đã rồi mới chịu hợp tác, tội gì phải thế?" Một quả đấm giáng luôn vào mặt Đới Hướng Dương, một bên mặt lập tức sưng vù, mồm rỉ máu. Tên cướp nói, "Bọn tao đã thám thính rồi. Rừng có mạch vách có tai là đương nhiên, mày hiểu chứ?"
Lương Tiểu Đồng không hiểu hắn nói thế là ý gì, nhưng Đới Hướng Dương thì hiểu. "Tôi có thể cho anh biết, nhưng có một yêu cầu là anh phải tha cho những người này. Không đổ máu, không bị thương." Cách nói quen thuộc của ông ra, chậm rãi, nhưng chắc nịch, rắn rỏi.
"Bọn tao không thương lượng gì hết." Họng súng của tên cướp gí mạnh hơn. "Tao muốn xem mày định thế nào."
Đới Hướng Dương, "Thế thì tôi nói đây: thật ra tôi cũng không biết."
Tên cầm súng ngắn liền đầm một quả vào gáy Đới Hướng Dương, ông ta kêu rú lên, suýt nữa ngã lăn. Yên Vệ Bình bị còng chung cũng đổ nhào về phía trước.
"Vào lúc này mà chơi game thì không hay đâu!" Tên cướp nói giọng Xuyên - Tương lại gí súng vào gáy Đới Hướng Dương, "Tao cho mày ba giây cuối cùng."
"Nói thật vậy, mật mã có 11 chữ số, tôi nhớ sao nổi? Cứ xem di động, mở danh bạ, tìm ba chữ 'Đới Hướng Dương', số di động chính là mật mã." Đới Hướng Dương vừa ho vừa nói.
Tên cướp thọt chuyên nghiệp lập tức bới tìm trên bàn, tìm thấy di động của Đới Hướng Dương, mở ra xem một lúc rồi nói, "Tao đi mấy phút, mày trông coi chúng. Đứa nào động đậy bắn luôn, khỏi cần cảnh cáo." Nói rồi hắn tập tễnh rảo bước ra ngoài.
Có vẻ như Đới Hướng Dương đã nói thật, bây giờ chờ xem trong két sắt là thứ gì quý giá.
Lại có tiếng bước chân. Tên cướp nói giọng miền Nam lúc nãy đi ra giờ đã quay trở lại, áp giải một nam một nữ, chắc là hai thực khách ngồi ở Túy Hoa m. Thì ra họ cũng không chạy thoát.
Mắt Lương Tiểu Đồng sáng lên.
Hai người mới tới cũng bị còng chung. Người đàn ông cao gầy, còn cao hơn cả tên cướp nói giọng miền Bắc, cái cổ dài ngoẵng như cổ ngựa vằn. Điểm sáng ở đây là người phụ nữ kia.
Xem ra, em Chân không nói ngoa.
Mọi ngày nghe nói ai đó là người đẹp, Lương Tiểu Đồng chỉ cười khinh khỉnh, chuẩn mực và định nghĩa người đẹp thời nay rất chung chung, yêu cầu quá thấp, không thể tin là đẹp thật. Nhưng cô gái vừa bước vào đã khiến anh ta phải mơ màng. Điều đáng nói nhất là tuy cô ta có vẻ căng thẳng nhưng không lúng túng hoảng loạn, thật khó hình dung một cô gái ngoài hai mươi tuổi với dáng dấp thanh cao thoát tục lại có tư thế già dặn chững chạc như vậy khi phải đối mặt với sự kiện đáng sợ hiếm gặp trong cuộc sông. Lương Tiểu Đồng thầm nghĩ, nếu mình thoát khỏi tai nạn lần này thì phải "tốn công tốn sức" một phen mới được.
Cô ta là ai? Vì sao Lương Tiểu Đồng nổi danh ăn chơi đất Giang Kinh lại không biết đến sự tồn tại của một báu vật như thế này? Xem ra, con nhà giàu thế hệ thứ hai như mình chỉ có cái danh hão chứ không có thực chất! Lương Tiểu Đồng không thể kìm mình ngắm nhìn cô, càng nhìn càng cảm thấy quen, rất có thể mình đã gặp cô gái này ở một hội quán hay một dạ tiệc nào. Nhưng hình như không phải thế. Dáng dấp có trí thức văn minh, rất có thể là một khuê nữ sống ở nơi kín cổng cao tường, đương nhiên không thể nào gặp được.
Tên cướp người miền Nam nói, "Suýt nữa để chúng chạy mất!" Rồi bảo anh chàng ngựa vằn và cô gái ngồi xuống như những người khác. Tên người miền Bắc nói, "Đại ca bảo mày đến rồi thì sang giúp một tay (đào kho báu)." Tên cướp người miền Nam "ừ" rồi chạy ra ngoài.
Tên cướp cầm súng ngắn, có phong cách chuyên nghiệp đúng là tên trùm. Không rõ lúc này hắn đã mở được két chưa, đã lấy được thứ gì? Liệu Lương Tiểu Đồng có cơ hội chiêm ngưỡng không?
Văng vẳng nghe thấy những tiếng "lạch cạch lạch cạch", đám con tin trong đại sảnh cũng hơi xôn xao. Tên miền Bắc quát, "Các người chớ có xúc động, kẻo khẩu súng trong tay tay tao cũng sẽ xúc động lên ngay!" Hắn muốn pha trò một chút nhưng đám đông không ai cười được.
Tên miền Nam đi sang giúp đại ca đào kho báu đã nhanh chóng quay lại và kéo theo một người, người này áo quần xộc xệch, mũi miệng rỉ máu, cánh tay trái thõng xuống bất lực, chắc là bị trật khớp.
Đới Thế Vĩnh.
Tên miền Nam nói với tên miền Bắc, "Hôm nay tao gặp may, tóm được một thằng đang đi ị, người nó thối um lại còn định đọ sức với tao." Hắn đồng thời còng Đới Thế Vĩnh với Cát Tam Lạc. Thế là Chân, Lạc và Vĩnh bị còng dính vào nhau.
Tên miền Bắc hỏi, "Đại ca đâu?"
"Rút trước rồi. Dặn chúng ta sau khi kết thúc thì tập hợp ở chỗ cũ."
Lương Tiểu Đồng cảm thấy dễ chịu, cơn ác mộng sắp chấm dứt.
Nào ngờ, tên miền Bắc cười he hé, rồi nói, "Màn diễn hay thực sự sắp bắt đầu, đến lượt chúng ta sắm vai chính. Trước hết phải chọn các diễn viên quần chúng may mắn đã!"
Chọn xong thì sao? Xử bắn chắc?
Lương Tiểu Đồng cảm thấy lạnh toát sống lưng.
Tên miền Nam chọn một chiếc iPhone trên bàn, hỏi Lương Tiểu Đồng, "Của mày phải không?"
Lương Tiểu Đồng lắc đầu. Tên cướp lại nhìn kỹ chiếc di động, rồi cười, "Nhầm! Đây là hàng nhái. Của ai trong số các người?"
Không ai hé răng.
Hắn lại nói, "Các người cho rằng tao không thể nhận ra chứ gì?" Hắn bước đến trước mặt cậu phục vụ Kiến Vĩ. "Của mày phải không? Nói thật, hay muốn ăn đạn?"
Kiến Vĩ vội nói, "Đúng, của tôi."
Hắn nói, "Có cần tao nói cho biết cách tao suy luận không? Tao đã đọc nhiều tiểu thuyết trinh thám phá án..."
Tên miền Bắc ngắt lời, "Mày nên biết đêm dài lắm mộng. Tiếp tục đi!"
Tên miền Nam cười khẩy, "Nói có lý." Rồi hắn ấn chiếc di động vào bàn tay không bị cùm của Kiến Vĩ, nói, "Mày gọi 110, nói rằng mày là nhân viên của lầu chính Tiêu Tương, bị bắt cóc."
Kiến Vĩ chần chừ. Tên miền Nam gí súng vào trán cậu ta, nói, "Tao hài hước hơn Quách Đức Cương[1] thật, nhưng tao không nói đùa vào lúc này đâu!"
[1] Diễn viên hài kịch, người dẫn chương trình nổi tiếng của Trung Quốc.
Hồ Kiến Vĩ bấm số, nói giọng run run, "Tôi... tôi là nhân viên phục vụ ở lầu chính hội quán Tiêu Tương, tôi... chúng tôi bị cướp!" Vừa dứt lời thì một tiếng kêu thảm thiết vang lên: tên cướp nói giọng miền Bắc đá một phát vào cánh tay bị trật khớp của Đới Thế Vĩnh khiến anh ta rú lên.
Tiếp đó là một tiếng súng nổ.
Lương Tiểu Đồng thót tim. Chết cha rồi, chúng bắt đầu giết người! Anh ta nhắm tịt mắt.
Bốn mươi lăm phút sau khi xảy ra vụ án, tại phòng làm việc tạm thời của ban chuyên án vụ cướp hội quán Tiêu Tương.
"Cũng tức là, lúc đầu có ba tên cướp, nhưng khi cậu phục vụ ấy báo cảnh sát thì chỉ hai tên có mặt ở hiện trường chứ gì?" Khương Minh hỏi. Đây là chi tiết quan trọng. Lương Tiểu Đồng đã kể lại rất rành mạch nhưng vẫn cần xác định cho rõ.
Lương Tiểu Đồng hơi chần chừ, hình như đang cố sắp xếp lại dòng suy nghĩ. Sau đó nói, "Đúng! Tôi nhìn thấy cả thảy ba tên bịt mặt cầm súng, một tên cầm súng ngắn, hai tên kia cầm súng trường tự động. Khi Kiến Vĩ bị ép phải gọi điện, thì ở trong phòng ăn chính chỉ còn lại hai tên cầm súng trường. Nghe hai tên này nói chuyện với nhau, tôi hiểu rằng tên cầm súng ngắn đã lấy được thứ mà chúng cần cướp và chuồn rồi." Dáng vẻ Lương Tiểu Đồng rất nghiêm chỉnh, cứ như đang báo cáo tài chính.
"Nếu chúng tôi thu thập đủ ảnh chụp của những người sống sót, anh có thể nhận ra mình đã từng nhìn thấy những ai không?" Khương Minh hỏi.
"Có chứ. Trừ hai phụ bếp thời vụ, còn các nhân viên ở Tiêu Tương tôi đều quen thuộc cả. Na Lan và anh phóng viên tôi cũng nhớ rõ." Lương Tiểu Đồng nói.
Ba Du Sinh hỏi, "Trong vài phút kể từ lúc báo cảnh sát cho đến lúc xe cảnh sát đến, các anh làm gì?"
"Không làm gì cả, không có chuyện gì xảy ra." Lương Tiểu Đồng lim dim mắt cố nhớ lại. "Sau khi báo cảnh sát thì bọn cướp nổ súng, tôi tưởng chúng sắp giết người, sau đó mới nhận ra là chúng bắn lên trần nhà, nhằm cảnh cáo. Vì khi Kiến Vĩ gọi điện, thì mọi người trong phòng ăn đều hơi hơi... lao xao, rục rịch. Tôi có cảm giác là như vậy. Vì, thứ mà chúng cần cướp thì đã cướp được rồi, chúng sẽ chuồn, tại sao chúng còn ở lại để o ép chúng tôi? Chúng tôi sẽ phải chịu đựng đến khi nào, chúng còn định làm gì nữa... cho nên tôi ngoảnh lại nhìn. Khi súng nổ thì mọi người giật mình, sau đó im phăng phắc không ai xì xào gì nữa... cho đến lúc nghe thấy còi xe cảnh sát, tôi nhớ là một tên cướp nói: kể từ lúc này, các ngươi thực sự là con tin rồi."
"Có cơ hội trốn thoát nhưng chúng lại không bỏ chạy cho nhanh, mà lại cố ý báo cảnh sát. Chúng có nói tại sao không?"
Lương Tiểu Đồng lắc đầu, "Tôi cảm thấy rất kỳ quái. Có lẽ cách giải thích duy nhất là chúng muốn lợi dụng đám con tin chúng tôi để đối thoại với cơ quan chính quyền nhằm moi được nhiều tiền hơn hoặc đòi đáp ứng càng nhiều yêu sách và lợi ích..."
Tất cả im lặng. Lương Tiểu Đồng đoán có lẽ các sĩ quan cảnh sát đang ngẫm nghĩ: nhưng chúng không đưa ra bất cứ yêu sách nào.
Không hẳn là thế. Chúng có thể thương lượng nhưng phải là Na Lan đứng ra.
"Ai nhắn tin yêu cầu tìm Na Lan?" Ba Du Sinh hỏi, dường như xác nhận cách nghĩ của Lương Tiểu Đồng là đúng.
"Tôi."
Tất cả lại im lặng.
Lương Tiểu Đồng nhìn các sĩ quan cảnh sát. "Đương nhiên là tôi bị ép buộc." Lương Tiểu Đồng nhớ đến chiếc iPhone của mình bị một bàn tay giơ lên, một giọng nói giễu cợt: cái này là của anh chứ gì?
Ba Du Sinh hỏi, "Có dấu hiệu nào thể hiện rằng bọn cướp đã biết Na Lan đang ở trong số các con tin không?"
"Không."
"Na Lan có biết rằng bọn cướp đang muốn cô ấy làm trung gian không?"
Lương Tiểu Đồng lắc đầu, "Tôi không trao đổi gì với Na Lan nên tôi không biết. Lúc đó cô ấy không thể nhìn thấy hoặc nghe thấy nội dung tin nhắn. Bọn cướp đưa cho tôi một mẩu giấy đã in sẵn ngần ấy chữ, bảo tôi nhắn tin theo mẫu. À, phải bổ sung rằng, mỗi lần nhắn tin là một mẩu giấy riêng."
"Các mẩu giấy đó còn không?"
Lương Tiểu Đồng ngẫm nghĩ một lát. "Chắc chắn là đã bị cầm đi rồi. Nhưng không rõ chúng nhét vào túi hay chúng tiện tay vứt bỏ. Nhắn tin xong, tôi tiếp tục ngồi quay mặt vào tường, không nhìn thấy các động tác của chúng."
Anh ta ngừng lời, cố nhớ lại.
Ba Du Sinh nhắc, "Anh nói tiếp đi?"
"Na Lan... về Na Lan... khi tôi nhắn tin xong mẩu tin 'còn một phút nữa', thì cô ấy chủ động hỏi: chúng ta còn phải chờ gì nữa?" Lương Tiểu Đồng chật vật kể lại các tình tiết khi Na Lan can đảm đứng lên. "Vì thế cô ấy bị chúng đá cho một phát. Tên cướp nói: cấm các người nói chuyện, cấm mở miệng! Rồi hắn nói to: chờ khi bọn cảnh sát gọi Na Lan đến thì các người không phải chờ đợi gì nữa. Tất nhiên, các sự việc tiếp theo không phải như thế. Na Lan không do dự, nói luôn: tôi là Na Lan đây. Lúc đó tôi sợ quá đờ người ra, cho đến lúc bị tên cướp đập một cái vào đầu, tôi mới tỉnh táo trở lại. Tên cướp bảo tôi nhắn tin trả lời các anh, nội dung là 'không cần nữa'."
Ba Du Sinh hỏi, "Chúng có phản ứng gì?"
Lương Tiểu Đồng nói, "Tôi không nhìn thấy, tôi chỉ ngoảnh sang nhìn Na Lan... vì tôi kinh ngạc nên mới nhìn cô ấy. Tôi cũng không dám nhìn vẻ mặt bọn cướp, nhưng đoán rằng chúng cũng rất kinh ngạc. Tôi nghe thấy âm thanh sột soạt khi chúng lục lọi túi xách của Na Lan để tìm chứng minh thư."
"Anh hãy kể về nội dung thương lượng đi?" Khương Minh xen vào.
Lương Tiểu Đồng im lặng, rồi đáp với vẻ tiếc nuối, "Tôi không biết."
"Không biết?" Cả ba cảnh sát đang có mặt đều nhìn Lương Tiểu Đồng, tỏ vẻ nghi hoặc về câu trả lời này.
Lương Tiểu Đồng nói, "Thật thế! Thoạt đầu, Na Lan chủ động nói với bọn cướp hãy để cô ấy nói chuyện với cảnh sát trước, nói rằng các đối tượng này có thiện chí thương lượng, rằng trong đám con tin này đang có thương vong... không có người chết, ít ra là... chưa chết... Nhưng bọn cướp không đồng ý, chúng nói, chắc cảnh sát đã hiểu rằng họ rất có thiện chí nên họ chỉ ở ngoài chờ, không dám tiến vào, không dám hành động. Còn nói: cô và chúng tôi thương lượng, không cần cảnh sát nhúng vào. Na Lan bèn nói: các anh cứ đưa ra điều kiện. Bọn cướp nói: chúng tôi không đòi hỏi gì hết."
Lương Tiểu Đồng nhìn ba cảnh sát, họ không thể hiện thái độ gì rõ rệt nhưng ánh mắt thì rõ ràng là "không tin nổi". Lương Tiểu Đồng nói, "Tôi biết, nghe thế này thật buồn cười. Hoặc nhìn từ góc độ các con tin chúng tôi, một khi hung thủ bắt cóc con tin không cần điều kiện gì nữa thật đáng sợ, tức là không còn gì có thể khống chế chúng làm những việc tàn bạo và đổ máu! Chắc Na Lan cũng rất sợ hãi, cô ấy vội nói: hai bên chưa chính thức thương lượng, mong các anh đừng bỏ cuộc, các anh đã chờ rất lâu để tìm được tôi đến thương lượng, chắc các anh đã biết quá khứ của tôi. Tôi có thể đối thoại trực tiếp với cấp trên ở Sở Công an phụ trách vụ việc này. Tôi tin rằng các anh phải có một số yêu cầu nào đó, cứ cho tôi biết, tôi có thể giúp các anh."
Ba Du Sinh vẫn giữ vẻ ngoài bình thản nhưng tim đập tăng dần: Na Lan không chuyên nghiệp như Điền Lợi Mẫn để mà thương lượng, trong tình huống đó Na Lan chỉ có thể huy động kiến thức tâm lý học và khả năng ứng biến để đối phó, liệu cô có thuyết phục nổi không?
Lương Tiểu Đồng lại nói, "Sau đó, họ vào một gian phụ ở bên cạnh để đối thoại, chúng tôi không nghe thấy gì hết."
Ba Du Sinh và Khương Minh đều biết về gian phòng nhỏ đó, là một không gian kín đáo hơn dành cho khách dự tiệc trao đổi riêng tư.
Ba Du Sinh hỏi, "Một tên vào nói chuyện với Na Lan, còn một tên đứng ngoài?"
"Đúng!'
"Tên nào vào trong?"
Đồng nghĩ ngợi, rồi nói, "Tên nói giọng miền Nam."
"Anh vừa nói rằng Na Lan và phóng viên họ Quách bị còng chung..." Ba Du Sinh chỉ nhắc lại chi tiết ấy, nhưng Lương Tiểu Đồng cảm nhận được đó là câu hỏi.
"Chúng tháo còng cho Na Lan, Quách Tử Phóng được hưởng còng một mình." Lương Tiểu Đồng nói, không hề có ý đùa cợt.
Khương Minh dường như chưa hiểu, bèn hỏi, "Ý anh là, khi Na Lan nói chuyện với tên cướp trong gian phòng nhỏ, cô ấy không bị khống chế, cô ấy tự do?"
"Đúng! Tên cướp nói: cô đến để thương lượng thì chúng tôi sẽ cư xử đúng mực, phù hợp với thông lệ quốc tế." Lương Tiểu Đồng nghĩ ngợi rồi nói tiếp, "Đúng là cô ấy không bị còng, hình như chúng còn nói là trả lại túi xách cho Na Lan, di động thì tạm thời chúng vẫn giữ. Quách Tử Phóng bị còng cả hai tay, anh ấy khẽ oán trách: nhất định phải thế ư? Nhưng không ai bận tâm cả."
"Họ nói chuyện bao lâu?"
"Không rõ lắm. Khoảng mười lăm hoặc hai mươi phút... cho đến khi Đới Hướng Dương bỗng nhiên đột biến." Lương Tiểu Đồng hít vào một hơi thật sâu, không rõ là vì nhớ đến tình tiết mang tính bước ngoặt ấy hay là chuẩn bị "tổng kết" chấm dứt. Ba viên cảnh sát tập trung cao độ vào bước ngoặt này.
"Đột biến, nghĩa là gì? Anh nói cụ thể được không?" Khương Minh hỏi.
"Tức là khác hẳn mọi ngày, hơi giống như... hóa điên. Tôi hiểu rất rõ về Đới Hướng Dương, ông ta là người vững vàng trầm tĩnh, hiếm khi tỏ ra quá vui mừng hay giận dữ, suy nghĩ kỹ trước khi làm việc chứ không nông nổi bốc đồng. Cha tôi nói, những ai tay trắng làm nên, lãnh đạo một tổ chức kinh doanh, đều có tố chất đó. Nhưng không hiểu sao, có lẽ là vì bị đè nén quá lâu, hoặc ông ta có tinh thần vì đại nghĩa, dám đứng lên giải cứu các con tin cũng nên... Tôi ngồi gần Đới Hướng Dương, dù quay mặt vào tường, tôi vẫn nhận ra ông ấy vụt đứng lên, dùng bàn tay không bị còng nhấc luôn một cái ghế quăng vào tên cướp cầm súng nhưng không ném trúng, cái ghế đập vào kính cửa sổ vỡ tan. Sau đó, ông ta cùng con rể Yên Vệ Bình, vẫn bị còng chung, cùng xông vào tên cướp cầm súng. Tình hình diễn ra rất nhanh, có lẽ tên cướp này chưa thực sự chuyên nghiệp hoặc hắn cũng chưa phải hạng tàn độc vô lương tâm, nên hắn không nổ súng, chỉ né tránh hai cha con Đới Hướng Dương. Ông ta như hóa điên, còn Yên Vệ Bình, anh ta tựa như vệ sĩ của Đới Hướng Dương nhưng tay vẫn bị còng chung thì cũng không thể có nhiều lựa chọn, vì thế cũng dũng mãnh xông lên. Nghe ầm ĩ như thế, tôi liền quay lại nhìn, thầm nghĩ, mình có nên hành động cùng Đới Hướng Dương không? Rất có thể sẽ khống chế được tên cướp. Bây giờ nghĩ lại thấy rằng nếu lúc đó mọi người cùng xông ra trợ giúp thì dù tay đang bị còng cũng vẫn đè bẹp được tên cướp ấy. Nhưng lúc đó tôi vẫn lưỡng lự, và tình hình diễn biến quá nhanh. Tên cướp cố né tránh, rồi ngã lăn ra vì vấp phải cái ghế. Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình đè lên người hắn, hắn kêu lên: Các người coi chừng, trong người tao đang quấn thuốc nổ!"
Lương Tiểu Đồng ngừng lại, thè luỡi liếm đôi môi khô ran. Ba Du Sinh nói, "Anh uống nước đi, cứ từ từ..."
Chai nước khoáng trên bàn liền cạn ngay. Trán Lương Tiểu Đồng lấm tấm mồ hôi.
Khương Minh hỏi, "Tên cướp ấy là người vùng nào?"
Lương Tiểu Đồng thầm nghĩ, tay cảnh sát này đã biết rồi mà còn hỏi lại, "Nghe giọng có vẻ là người miền Bắc, cao to vạm vỡ."
Ba Du Sinh, "Nói tiếp đi."
"Trong phòng bắt đầu rối loạn, mọi người đều quay lại, tên cướp thương lượng và Na Lan cũng từ gian bên kia chạy sang. Mọi người đều kêu la ầm ĩ. Tôi nhớ là mình đã hô lên: Mau đứng dậy, chạy thôi! Nhưng tôi lấy làm là, hình như Đới Hướng Dương không cảm nhận thấy tên cướp kia đang uy hiếp, còn Yên Vệ Bình thì nói: Chú ơi, đứng lên! Nhưng ông ta vẫn cứ đưa hai tay ghì chặt cổ tên cướp, có vẻ như muốn siết chết hắn luôn. Tôi càng nhìn càng thấy không ổn, bèn lùi tránh theo bản năng. Sau lưng tôi là cửa sổ, ô kính đã bị ghế quăng trúng, vỡ gần hết. Nhưng đúng lúc này phần kính còn lại bỗng rơi xuống nốt vì bị chấn động bởi một tiếng nổ!"
Trán Lương Tiểu Đồng càng ướt mồ hôi, anh ta cầm chai nước khoáng lên nhưng chai đã cạn, Khương Minh đưa chai khác, tiện thể hỏi luôn, "Tiếng nổ... phát ra từ chỗ bọn cướp?"
"Có lẽ thế. Tôi bị người khác đứng chắn nên không nhìn rõ. Bấy giờ rất hỗn loạn nhưng đúng là hướng đó, hướng đang vật lộn đánh nhau. Tiếp theo là những tiếng kêu thảm thiết, khói lửa bùng lên. Tôi biết kết cấu lầu Ba Khắc gần như toàn bằng gỗ, nhất là sàn của đại sảnh lầu chính gần đây mới đánh sáp, bắt cháy thì không sao dập được nữa, cho nên tôi tính ngay đến chuyện nhảy qua cưcửaa sổ... Tôi cho rằng mình là người đầu tiên nhảy qua cửa sổ. Diễn biến về sau thì các anh đã biết rồi. Tôi nhảy xuống đất suýt gãy chân, mắt cá chân bị sái rất nặng nên không đứng lên nổi, bị khói lửa từ nhà bếp tầng trệt bốc cháy phun ra, tôi ngất xỉu. Khi được khiêng lên xe cứu thương, tôi mới tỉnh lại." Lương Tiểu Đồng nói, hai tay đặt trên bàn, đầu cúi xuống và lúc lắc liên tục, như thể làm thế thì sẽ tỉnh táo và thoát khỏi ám ảnh về cơn ác mộng vừa trải qua. Khi ngẩng đầu lên, vẻ mặt anh ta rất mệt mỏi, trán đầm đìa mồ hôi, toàn thân run run như bị rút hết sức lực sau khi kết thúc một cuộc trường chinh.
Ba Du Sinh bất giác lại nghĩ đến Na Lan, cô sẽ phân tích thế nào về tay thanh niên đang ngồi đây: thoạt tiên muốn trấn tĩnh và cứng cỏi nhưng rốt cuộc lại xẹp hẳn, bất lực?
Lương Tiểu Đồng rã rời kiệt sức, rõ ràng là một phản ứng tự nhiên.
Chờ anh ta tạm trấn tĩnh trở lại, anh hỏi, "Ba người vật lộn và xảy ra vụ nổ, là chuyện ở góc nào của đại sảnh, anh có thể chỉ ra trên sơ đồ này không?" Anh chìa sơ đồ mặt bằng của đại sảnh bày tiệc, do các kỹ thuật viên phục dựng. "Đây là cửa, đây là bàn ăn, đây là cửa sổ anh đã nhảy qua, cửa sổ phía Đông Nam, đây là hai cửa sổ khác ở phía nam, đây là gian phòng nhỏ bên cạnh, đây là nhà vệ sinh."
Lương Tiểu Đồng nghĩ ngợi rồi chỉ vào góc Đông Bắc trên sơ đồ, "Gần chỗ này, tôi nhớ rằng thoạt đầu Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình ngồi xổm ở góc Tây Nam, tên cướp thì đi đi lại lại trong phòng, khi Đới Hướng Dương ném ghế thì tôi không ngoảnh nhìn nhưng đoán rằng tên cướp đang đi gần của sổ Đông Nam, cái ghế bay ra nhưng không trúng hắn, lại trúng cửa sổ rồi rơi xuống. Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình đuổi đánh tên cướp đến góc này thì cả ba vật lộn, tiếng nổ cũng xảy ra ở đây."
Khương Minh hỏi, "Còn tên cướp thứ hai đang nói chuyện với Na Lan, khi chạy vào thì hắn làm gì?"
"Lúc đó tình hình rất hỗn loạn nên tôi không còn tâm trí đâu mà theo dõi hắn, chỉ biết rằng hắn không nổ sung."
"Anh nói mình là người đầu tiên nhảy qua cửa sổ, sau đó là ai?" Ba Du Sinh hỏi.
Vậy là cảnh sát vẫn đang tìm hiểu về bọn cướp. Lương Tiểu Đồng cảm thấy ổn định hơn, và hơi hối tiếc vì vừa rồi mình tỏ ra quá yếu đuối, nhưng biết làm sao được, nhớ đến giây phút kinh hoàng thì còn tâm trạng nào nữa? Anh ta nói, "Tôi chịu. Các anh nhìn sơ đồ này xem, đại sảnh có ba cửa sổ, hai cửa hướng Nam, một cửa hướng Đông Nam. Tôi nhảy qua cửa sổ Đông Nam. Nếu ai đó cũng nhảy theo thì tôi có thể cảm nhận được tiếng động, nhưng chân tôi quá đau, thử đứng lên mà không đứng nổi, cứ thế loay hoay hồi lâu, có ai rơi xuống ngay bên cạnh tôi cũng không chú ý. Còn nếu ai đó nhảy qua cửa sổ hướng Nam thì tôi lại càng không biết."
Phòng lấy lời khai tạm thời yên tĩnh một lúc. Khương Minh dừng bút, ngẩng đầu, "Anh còn định bổ sung điều gì nữa không?"
Lương Tiểu Đồng im lặng một lát rồi lắc đầu, "Chưa nghĩ ra thêm. Tôi thấy mình đã nói khá dài dòng rồi. Các anh cần hỏi gì nữa không?"
Không hiểu tại sao cả ba cảnh sát cùng mỉm cười, Ba Du Sinh nói, "Tất nhiên là vẫn còn rất nhiều..." Thấy vẻ mặt Lương Tiểu Đồng hơi biến đổi, anh bèn nói, "Yên tâm! Anh đã cố gắng giúp chúng tôi rất nhiều, tạm thời không làm phiền anh nữa. Chân vẫn còn đau, đúng không? Chúng tôi sẽ đề nghị bệnh viện lưu ý điều trị. Có lẽ mai kia chúng tôi vẫn phải liên lạc thêm với anh..."
"Vâng. Không vấn đề gì..." Lương Tiểu Đồng đứng lên. "Nói đến liên lạc... Di động của tôi... Sau khi nhắn tin, bọn cướp quên không lấy đi, lúc tôi nhảy qua cửa sổ thì máy vẫn còn, nhưng các anh lại thu giữ. Tôi cũng hiểu, đó là công cụ liên quan đến tin nhắn của bọn cướp, nên các anh vẫn cần đến. Tôi sẽ mua máy khác để các anh tiện liên lạc."
Ba Du Sinh bắt tay Lương Tiểu Đồng, "Rất cảm ơn anh đã thông cảm. Chúng tôi sẽ nhanh chóng trả lại di động cho anh. Chắc là khi anh ra viện. Nếu anh cần liên lạc với người nhà cứ bảo cảnh sát dân sự cho mượn di động mà gọi, không sao cả."
Lương Tiểu Đồng bắt tay vẫn khá chặt, mỉm cười chào ba cảnh sát, rồi tập tễnh bước ra cửa phòng làm việc. Ba Du Sinh bỗng hỏi thêm, "Vết thương trên cổ anh, là tại sao?"
Lương Tiểu Đồng dừng bước, người hơi run run, rồi quay lại nói, "À, tôi chưa nhắc đến, cũng vì nghĩ rằng không mấy quan trọng. Thực tình tôi cũng không nhớ rõ nữa. Chác là lúc nhảy qua cửa sổ, bị mảnh kính vỡ cứa vào. Khi nhảy xuống đất rồi còn có nhiều mảnh kính rơi theo. Đang đau muốn chết thì lại có tiếng nổ, vô số gạch vụn và mảnh thủy tinh lại rơi xuống..."
"Được! Một lần nữa cảm ơn anh." Ba Du Sinh nói.
Cửa khép lại, bước chân loạng choạng của Lương Tiểu Đồng dần biến mất. Khương Minh than thở, "Thật là kinh khủng. Đây mới chỉ là một bút lục... Đội trưởng, anh nhìn nhận thế nào?"
Ba Du Sinh cầm tập bút lục lên, dường như chỉ nhìn lướt qua, rồi ngẩng đầu, thở dài, "Tôi cho rằng, anh ta vẫn chưa nói hết sự thật."
***
Một tiếng sau khi xảy ra vụ án, tại phòng làm việc tạm thời của ban chuyên án vụ cướp hội quán Tiêu Tương.
Bảo Lương Tiểu Đồng chưa nói hết sự thật, chỉ là phán đoán, thậm chí là trực giác, của cá nhân Ba Du Sinh. Trước mắt chưa có chứng cứ gì nhưng có căn cứ, ví dụ, con người chín chắn già dặn như Đới Hướng Dương tại sao bỗng dưng mạo hiểm chiến đấu với bọn cướp, để rồi bỏ mạng? Hoặc, người bị cùm cả hai tay, không chỉ riêng Lương Tiểu Đồng mà sau đó còn có cả Quách Tử Phóng, và Lý Vạn Tường đầu bếp của Tiêu Tương...
Theo Lương Tiểu Đồng nói, sau khi đầu bếp và hai người giúp việc bị áp giải từ bếp lên, họ bị "cùm liên hoàn" tức là dùng hai bộ còng để còng ba người. Nhưng khi cảnh sát đặc nhiệm cứu đầu bếp Lý Vạn Tường trong đám cháy ra, thì một mình ông ta bị còng hai tay bởi một bộ còng.
Tại sao Lương Tiểu Đồng không nhắc đến tình tiết Lý Vạn Tường được "ưu đãi" hai tay dùng một bộ còng, là do không nhớ rõ chăng? Có thể lắm. Khi vụ việc kinh hồn bất ngờ xảy ra, ít nhất có hơn chục người túm tụm một chỗ, có vô số tình tiết, không thể nhớ hết là điều khó tránh khỏi. Có lẽ không nên đi sâu truy cứu.
Ba Du Sinh nói, "Sau đây chúng ta ghi bút lục đối thoại với Lý Vạn Tường." Nhìn vẻ do dự của Khương Minh, anh hiểu điều Khương Minh đắn đo, bèn nói thêm, "Chúng ta có thể đồng thời đối thoại ghi bút lục với nhiều người mục kích sự việc, sẽ đề nghị các đồng nghiệp ở sở và khu phối hợp làm. Nhưng cuối cùng những người mục kích vẫn phải gặp ba chúng ta. Như thế được không?"
Khương Minh gật đầu, "Được! Tôi sẽ sắp xếp ngay."
Cửa phòng bật mở, một cảnh sát hình sự đưa máy di động chuyên dùng vào, "Sếp Vương và sếp Cát." Ở đầu dây bên kia, Vương Chí Huân nói, "Ngọn lửa ở lầu chính Tiêu Tương căn bản đã khống chế được, cũng may cảnh sát chữa cháy luôn sẵn sàng và đã đến kịp thời để dập lửa, cho nên cả khu lầu vẫn tồn tại, vẫn giữ được các tầng nhà, nhưng cầu thang và sàn gỗ thì hỏng hết. Chúng tôi định dùng thang di động và bắc giàn giáo để lên tầng hai khám nghiệm. Mục tiêu là trước khi trời tối hoàn thành khám nghiệm và có kết luận sơ bộ."
Ba Du Sinh nói, "Được! Cảm ơn cậu. Các cậu phải nhắc nhở chú ý an toàn là trên hết, nhất là anh Cát bị đau lưng, nên chú ý hơn." Anh Cát tức Cát Sơn, là một tổ trưởng của trinh sát hình sự thành phố, là cảnh sát già kỳ cựu mà Ba Du Sinh rất kính trọng. Anh bỗng cảm thấy bứt rứt: Vương Chí Huân và Cát Sơn cùng các anh em khám nghiệm hiện trường ở tòa lầu ọp ẹp sau đám cháy, còn mình thì mát mẻ ngồi đây phán bảo, chẳng phải tác phong vốn có của anh.
Nhưng anh cũng hiểu rằng, vào lúc này ở đây đang rất cần anh.
Những lời tường thuật của Lương Tiểu Đồng căn bản có đầu có đuôi, quá trình xảy ra vụ việc tương đối rõ ràng mạch lạc, nhưng anh vẫn có cảm giác như bị một lớp sương mỏng bao phủ, sự thật thoắt ẩn thoắt hiện chưa rõ ràng. Nếu lúc này Na Lan cho anh biết tất cả, thì có lẽ sẽ bớt đi những đoạn đường vòng, đỡ tốn sức một cách không cần thiết. Anh cũng có thể hỏi Quách Tử Phóng trước, nhà báo vốn nhạy bén, thông tin đưa ra thường có độ tin cậy, nhưng niềm tin vào Quách Tử Phóng liệu có khiến anh rơi vào trạng thái ấn tượng, chủ quan nên khiên cưỡng không?
Tâm trạng hơi nặng nề khi nghĩ đến Na Lan, anh lập tức gọi điện đến phòng hồi sức ICU. Bác sĩ chủ trị là Trương Lỗi cho biết Na Lan đã một vài lần hồi tỉnh nhưng lát sau lại lịm đi, cũng phù hợp với quá trình bình phục của các ca chấn thương sọ não. Trương Lỗi tiện thể hỏi anh xem Na Lan bị thương trong trường hợp nào? Thấy sau gáy Na Lan có vết tụ máu, các bác sĩ liền cho chụp X quang, xác định có vết rạn lõm xương chẩm. Rơi từ cửa sổ gác hai xuống đất, độ cao 3-5 mét rất có khả năng bị chấn thương sọ não nhưng ở vùng chẩm có vết thương rõ rệt, rất có thể đã đập đầu vào vật cứng. Hơn thế, khi Na Lan nhảy xuống đất thì xảy ra vụ nổ thứ hai, một phần tường nhà vỡ bung, gạch vữa từ trên cao rơi xuống cũng có thể trút trúng vào cô.
Ba Du Sinh không thể trả lời câu hỏi này, đành nói là cảnh sát đang điều tra, anh chỉ biết Na Lan có nhảy cửa sổ xuống đất rồi ngất đi, toàn thân bị đất đá, thủy tinh bụi bặm phủ kín.
Điện thoại xong, tâm trạng Ba Du Sinh càng nặng nề.
Khương Minh quay trở vào phòng, đồng thời dẫn theo đầu bếp Lý Vạn Tường.
So với Lương Tiểu Đồng hoàn toàn bình thản lúc mới bước vào phòng thẩm vấn, thì Lý Vạn Tường trái ngược hoàn toàn, trông hết sức hoảng loạn khốn khổ.
Hơi khó đoán tuổi Lý Vạn Tường, nhìn tổng thể thì ở độ tuổi trên dưới 50, nhưng khuôn mặt già hơn tuổi rất nhiều, nhất là làn da đỏ thẫm, mà người ta hay gọi là "màu đồng hun", trán và đuôi con mắt thì đầy vết nhăn. Tai phải và nửa mặt bên phải đang bị băng bó, hai má có hai vết nhăn rất sâu chạy vào đến dưới cái mũi gồ to tướng, trông thật là khổ sở. Mái tóc hoa râm cắt cua bằng phẳng, đôi mắt lờ đờ mệt mỏi, gây cho người ta cảm giác về một con người đã và đang tiếp tục nếm đủ mùi cay đắng.
Chắc không phải chứ! Ba Du Sinh đã đọc lướt tư liệu về Lý Vạn Tường, biết ông ta là tay đầu bếp thượng thặng trong giới nhà hàng Giang Kinh, hội quán Tiêu Tương đã chấp nhận chi cả đống tiền để mời ông ta từ khách sạn Đại Kim Sa về, đây cũng là thương vụ đình đám của Tiêu Tương trong ngành ẩm thực. Mấy đầu bếp hạng sao mà Ba Du Sinh biết đều thuộc loại khệnh khạng kiêu kỳ, nhưng Lý Vạn Tương ngồi trước mặt anh đây trông chân chất như một ông hàng xóm hiền hòa, thậm chí có phần nhếch nhác. Mà cũng có thể là tại mới trải qua một trận phong ba đáng sợ, ông ta vẫn chưa hết bàng hoàng.
Kể cũng đúng thôi, nếu căn cứ vào miêu tả của Lương Tiểu Đồng lúc nãy và thực tế mà anh nhìn thấy, thì bất cứ ai trải qua vụ cướp kinh hoàng kia đều có thể suy sụp tinh thần. Về thể chất, Lý Vạn Tường là một trong những người bị thương nhẹ nhất: chỉ bỏng nhẹ, và ho sù sụ, vì viêm họng cấp tính do hít phải khói nóng.
Vào tới phòng, hai tay Lý Vạn Tường vẫn không ngớt run rẩy, ngồi ghế mà như ngồi trên đống gai nhọn. Ba Du Sinh nói, "Nếu bác cần thêm thời gian thì bác cứ cho biết?"
Ông ta chỉ im lặng, ngây người nhìn ba cảnh sát, hình như không hiểu Ba Du Sinh vừa nói gì.
"Bác Tường." Khương Minh gọi.
Vẫn không trả lời.
Ông ta vùi đầu vào hai tay, toàn thân co giật.
Rõ ràng là lúc này không thể thẩm vấn bút lục gì hết. Ba Du Sinh đứng dậy, nói với anh cảnh sát ghi biên bản, "Chúng ta cùng đưa bác ấy về phòng theo dõi y tế vậy."
Lý Vạn Tường bỗng ngẩng đầu, "Không, không sao. Các anh cứ hỏi đi."
Ba Du Sinh đưa mắt nhìn Khương Minh, rồi lại nói, "Bác đừng cố quá..." Đôi khi ghi bút lục trong tình hình như thế này lại càng lãng phí thời gian.
"Cứ hỏi, cứ hỏi đi, tôi có thể nói." Lý Vạn Tường lại ho một tràng.
Ba Du Sinh ngồi xuống ghế, hỏi, "Các nhân viên cứu hộ của chúng tôi cho biết, khi cứu bác xuống lầu, hai tay bác bị còng với nhau, còn phần lớn những người khác thì hai người bị còng chung một còng, muốn hỏi bác, tại sao?"
Lý Vạn Tường sửng sốt, chắc là không ngờ cảnh sát lại mở đầu bằng câu hỏi kỳ lạ này, ông ta cười nhạt, "Tôi được ưu ái như thế, tôi nên cho rằng đó là vinh quang phải không? Để tôi bảo cho các anh biết tại sao..." Ông ta ngồi thẳng người lên, rồi lại ho, sau đó nói, "Vì tôi là người duy nhất kháng cự bọn chúng."
Lý Vạn Tường
Ai cũng nhận ra, trong những người hùn vốn ở Tiêu Tương, thì "ông chủ nhì" Lương Tiểu Đồng là người dốc tâm huyết nhiều nhất vào hội quán, trước ngày khai trương cũng bỏ ra rất nhiều thời gian thu xếp, nhưng thời gian có mặt ở hội quán thì vẫn thua xa đầu bếp Lý Vạn Tường. Người ngoài không động não, chỉ tưởng tượng thôi, sẽ cho rằng đầu bếp này sẽ là một CEO, xem xét chỉ bảo, còn người tất bật trong bếp là các thuộc hạ xào nấu chế biến các món. Nhầm to! Một đầu bếp xuất sắc thì luôn đích thân mó tay vào đủ thứ việc lớn nhỏ, chẳng phải họ không cần đệ tử giúp đỡ, mà là, họ nhất định muốn nắm bắt các chi tiết cụ thể.
Chi tiết quyết định thành bại, chi tiết quyết định danh tiếng của đầu bếp.
Cho nên, hai ngày trước hôm khai trương, Lý Vạn Tường đã dồn mọi tâm huyết vào khu bếp thánh địa của mình, dường như ông ta là người bận rộn nhất hội quán. Nói cho khách quan, thì nên bỏ hai từ "dường như" mới đúng. Một hội quán mà chủ đề là ẩm thực thì lẽ nào hạt nhân của nó không phải là nhà bếp? Cho nên, từng li từng tí liên quan đến nhà bếp đều quan trọng, và đều cần Lý Vạn Tường quan tâm sát sao.
Nói chuẩn xác hơn, thì Lý Vạn Tường chỉ phụ trách bếp của lầu chính Tiêu Tương, còn hai lầu kia đã có hai nhóm đầu bếp tương đối quy mô đảm đương. Lầu chính của hội quán, nếu tính cả đại sảnh, thì có cả thảy năm phòng ăn riêng biệt, nhưng bốn phòng còn lại chỉ là phòng nhỏ. Lầu chính hầu như mang tính chất của một hội quán tư nhân, về lý thuyết, các món ăn cũng đều phải đặt trước, cho nên trong đa số tình huống, áp lực đối với nhà bếp là không lớn. Nhưng Lý Vạn Tường là đầu bếp cấp độ "huy chương vàng", hợp đồng ký kết đã ghi rõ "ông Tường phải hỗ trợ kỹ thuật cho nhà bếp ở hai lầu Đông và Tây", ví dụ, có những món ăn như sashimi Hokkaido - Nhật, laksa Nyonya - Malaysia, bánh nhân thịt cừu Lebanon - Syria... Các thợ bếp kia cũng làm được, nhưng muốn đạt chuẩn hương vị thì phải nhờ đến Lý Vạn Tường.
Vì Lý Vạn Tường đi khắp bốn phương, biết làm đủ món trên thế giới.
Ông ta không phải sư phụ về các món Tứ Xuyên hay các món Lưỡng Quảng đặc sắc, cũng không phải bậc thầy về các món mỳ, nhưng ông là sư phụ toàn năng. Cuối thập kỷ 1980 ông đã sang Nhật làm công, bắt đầu học nghề nấu ăn. Mười mấy năm sau đó ông hành nghề ở Hồng Kông, Ma Cao, rồi Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Đến đầu những năm 2000 ông trở về Trung Quốc, và đã có chút tiếng tăm trong làng ẩm thực Bắc Kinh, nhưng ông không vội ghi danh trong ngành ẩm thực đang lên phơi phới, mà vẫn hết sức khiếm tốn miệt mài học hỏi, xin được làm đệ tử (và cũng là đệ tử duy nhất) của Tiêu Kính Đức - siêu đầu bếp cấp quốc gia của Trung Nam Hải. Ở Bắc Kinh, Lý Vạn Tường đi sâu vào ẩm thực miền Bắc, kể cả các món hỗn hợp Mãn-Hán, chỉ tiếc là chưa được trực tiếp học các món cung đình của nhà họ Lịch[1]. Tuy nhiên, năm năm sau, danh tiếng của Lý Vạn Tường đã nổi như cồn trong giới ẩm thực thủ đô, ông đã vài lần làm tiệc cưới cho một vài ngôi sao nổi tiếng. Tơ duyên của các ngôi sao ấy đã đứt gãy từ lâu, nhưng tài nghệ của Lý Vạn Tường thì đã nâng lên một tầm cao mới. Nhất là sau thời gian đi Trung Đông.
[1] Một gia tộc ẩm thực chuyên phục vụ hoàng gia, thành lập từ thời Đồng Trị nhà Thanh, hiện vẫn còn cơ sở tại Hậu Hải, Bắc Kinh.
Đang ung dung bước trên đại lộ danh tiếng của kinh thành sao lại đi tận Trung Đông, vẫn là một điều bí ẩn. Lý Vạn Tường theo một công ty sang Kuwait, có người đoán rằng ông muốn kiếm nhiều tiền, nhưng ở Bắc Kinh, dù phải cạnh tranh gay gắt thì ông vẫn kiếm ra nhiều tiền nhờ tài nghệ của mình, cho nên đoán thế chưa đúng. Cũng có người bảo, có lần ông làm hỏng một bữa tiệc lớn nên đắc tội với các quan to hoặc thương nhân cự phách, thậm chí cón đồn đại rằng có người bỏ mạng sau khi ăn món của Lý Vạn Tường... nên ông phải ra nước ngoài để tránh tai họa. Thói đời vẫn thích vuốt đuôi bôi bác, giới nào cũng có những chuyện đen bạc bẩn thỉu.
Chỉ Lý Vạn Tường tự biết: đi Trung Đông là vì nghệ thuật ẩm thực Trung Đông.
Cho đến giờ Lý Vạn Tường vẫn sống độc thân không gì vướng bận, ông dồn mọi tình cảm sâu nặng cho nấu ăn. Ông vẫn khát khao đi đến những vùng xa xôi để thu lượm những điều đặc sắc diệu kỳ, để mở rộng tầm mắt, rèn luyện và nâng cao kỹ thuật ẩm thực. Ông ở Kuwait và Arab Saudi ba năm, học được những điều cơ bản của ẩm thực Trung Đông, biết tiếng Ả Rập tạm đủ dùng, lại gặp dịp công ty công trình triển khai một dự án lớn tại thành phố Dubai viên ngọc của Trung Đông, Lý Vạn Tường rất vui mừng.
Dubai không chỉ là một trong vài thành phố lớn hiếm hoi ở Trung Đông, mà còn là kinh đô của miền đất kỳ lạ đã được quốc tế hóa ở đỉnh cao. Đến đây, Lý Vạn Tường không chỉ hoàn thiện chuyên sâu về ẩm thực Trung Đông mà còn tiếp xúc rất nhiều với văn hóa ẩm thực châu Âu, châu Phi, cho nên, khi ông đến Giang Kinh cách đây hai năm, ông đã trở thành một đầu bếp toàn năng và cực kỳ quý giá.
Tại sao ông lại đến Giang Kinh?
Đã ra hải ngoại "mạ vàng quốc tế" trở về, lại sẵn có danh tiếng từ những năm trước đó, Lý Vạn Tường có thể chinh phục bất kỳ đô thị lớn nào, sao ông không đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Tam Á, Trùng Khánh, Thành Đô... mà lại về Giang Kinh? Giới đầu bếp vẫn thắc mắc về điều bí ẩn này. Nếu so sánh quy mô và tốc độ phát triển đô thị, thì Giang Kinh không hề thua kém các đô thị loại một loại hai, ngoại trừ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, nhưng lại là nơi Lý Vạn Tường không có gốc rễ nào cả, tại sao nó lại hấp dẫn người đầu bếp dư sức thét gió gọi mây trong giới nhà hàng này?
Lý Vạn Tường thì giải thích rằng, Giang Kinh là thành phố có lịch sử lâu đời, có sức sống vô hạn và đầy ắp ý tưởng. Ông rất coi trọng bầu không khí văn hóa của thành phố và ảnh hưởng của nó đối với ẩm thực. Trong một lần giảng bài ở lớp nâng cao tay nghề nấu bếp, ông từng nói: một đầu bếp giỏi sợ nhất là thái độ qua loa thiếu chu đáo, và họ cũng sợ nhất là thiếu nhiệt tình và trí tưởng tượng đối với các món ăn. Không có gì giết chết trí tưởng tượng mạnh hơn cái lối chỉ biết cắm cổ mà đếm tiền, và không có gì kích thích trí tưởng tượng mạnh hơn bầu không khí văn hóa. Nét nhân văn tinh tế trang nhã của Giang Kinh đã hấp dẫn Lý Vạn Tường.
Hội quán Tiêu Tương thành lập là cơ duyên ông hằng chờ đợi bấy lâu.
Nhà bếp và bàn ăn không chỉ là nơi sản xuất giao lưu với thực phẩm, nó còn là nơi ươm trồng và truyền bá vô số lời đồn đại. Lý Vạn Tường đã nghe nói Đới Hướng Dương là một trưởng giả học làm sang, Lương Tiểu Đồng - một anh nhà giàu thế hệ thứ hai càng trưởng giả học làm sang hơn nữa, nhưng điểm nổi bật của Tiêu Tương ở chỗ nó không có mục đích kinh doanh kiếm lời, nhất là lầu chính, kiến trúc của nó là một trong những lầu Ba Khắc được bảo trì tốt nhất, đây chính là nền tảng nhân văn vốn có! Huống chi, lầu chính về cơ bản là mang màu sắc tư nhân, số phòng ăn, số chỗ ngồi đều có hạn và phải đặt trước, nên Lý Vạn Tường sẽ không bị động ứng phó và có thể dồn tâm trí cân nhắc điều chỉnh từng tác phẩm ẩm thực do ông làm ra, coi chúng như một cách thể hiện văn hóa.
Cho nên, khi cô gái tên Chân ở quầy tiếp tân chạy vào nói với ông rằng gian Túy Hoa Âm có thêm một bàn ăn ba người, cũng đã chọn các món, thì Lý Vạn Tường có phần không vui. Vì hôm nay là ngày khai trương, bữa trưa bữa tối đều đã đặt chỗ, nhất là bữa tối, không còn bàn nào, ông có hai phụ bếp cố định và còn gọi thêm hai phụ bếp thời vụ - một trong số đó là đầu bếp trẻ có kinh nghiệm nấu ăn, 3 giờ chiều hai người ấy sẽ đến. Bữa trưa bỗng nhiên thêm thực khách, mà đầu bếp thực sự chỉ có mình ông thì sẽ rất khó ứng phó, và điều đáng nói là sẽ làm hỏng cả quá trình làm việc yêu cầu rất cao của ông.
"Ông chủ nào bổ sung thêm thực khách?" Lý Vạn Tường cho rằng, bất ngờ bổ sung khách là việc chỉ một trong hai chủ nhân làm nổi chứ không thể là ai khác.
Chân nói, "Không rõ ạ. Cháu chưa kịp hỏi. Thật ra mọi người ở hội quán đều có thể đặt chỗ, cháu vừa hỏi Cù Đào, anh ấy cũng không biết. Bây giờ tìm hiểu cho rõ là không cần thiết, khách thì đã đến rồi, bác chịu khó vất vả một chút vậy!"
"Vấn đề không phải là vất vả..." Lý Vạn Tường cũng biết cô ta không thể nói rõ được, mình khỏi cần lãng phí thời gian, "Được! Địch đến có tướng ngăn, chúng tôi sẽ xoay sở được, cô cứ để thực đơn lại đây!"
Chân định nhắc rằng thực đơn hiển thị ở màn hình LED treo ngay trên đầu bác, nhưng nhìn khuôn mặt ông ta đầy nếp nhăn, cô lại mỉm cười, "Vâng. Cháu sẽ in một bản gửi bác." Rồi cô quay ra.
Lý Vạn Tường đăm đăm nhìn theo bóng cô gái đi xa dần, ông rất mến cô ta, không phải mến theo kiểu các bác già "mất nết" mà là mối thiện cảm như đối với con gái, đối với thế hệ sau. Có lẽ, trong lòng người đàn ông độc thân này vẫn còn một thứ tình cảm của người cha, chưa được khai thác, chưa héo khô, và không có nơi để gửi gắm.
Ông không biết nhiều về Chân, nhưng nhìn từ một góc độ nào đó thì cô hơi bí hiểm. Trông cô như bình hoa, nhưng không phải loại bình hoa di động mà người vẫn chế giễu, nói cách khác, Chân như một lọ hoa sứ hoặc ly rượu mong manh, lung linh sắc màu, rất cần được nhẹ nhàng nâng niu. Những ai quen biết Chân đều biết rằng, tuy có giọng nói êm ái nhẹ nhàng nhưng cô làm việc rất quyết đoàn, nhanh nhẹn và chu đáo, hoàn toàn có thể độc lập tác chiến. Cô là do Đới Hướng Dương đích thân sắp đặt đến hội quán kiêm nhiệm vài việc: vừa trực quầy vừa phụ trách tiếp tân. Liệu cô có phải hạng "con nuôi" hoặc vợ hờ của Đới Hương Dưng như một số người đồn đại?
Chân thuê một gian nhỏ trong một ngôi lầu Ba Khắc cũ kỹ ít được tu sửa, Lý Vạn Tường đoán rằng tiền thuê ít ra cũng ngốn mất nửa tháng lương của cô. Ông từng tốt bụng gợi ý sẽ tìm cho cô một chỗ ở khác, giá rẻ, nhưng cô đã từ chối. Nói rằng mình không có xe riêng, lại sợ đi xe buýt dễ bị muộn giờ làm... cho nên chỉ muốn ở chỗ càng gần càng tốt. Hiện nay cô đang học lớp tại chức về tài chính kế toán, nên cần nhiều thời gian để học tập.
Chân nhất quyết thuê nhà ở Dư Trinh Lý... biết đâu, tin đồn cô ta có quan hệ với Đới Hướng Dương là thật cũng nên?
Nhưng ít ra cũng không có dấu hiệu cô ta dập dìu với Lương Tiểu Đồng. Anh chàng công tử ấy đã nhiều lần chớt nhả nhưng đều bị Chân khéo léo hóa giải.
Lý Vạn Tường thầm than thở mình đã già mà vẫn nghĩ lan man chẳng ra sao, nhìn sự đời chỉ thấy "đục ngầu". Người già thì mắt dần mờ đục, có liên quan không? Đó là nguyên nhân hay kết quả? Rốt cuộc ông tự thấy rằng mình nghĩ nhiều chẳng qua chỉ vì quan tâm nhiều đến Chân, giống như sợ đứa con gái mình đi nhầm đường, bị tổn thương, nếu chiếc bình hoa nuột nà mong manh rơi xuống đất thì sẽ vỡ tan tành!
Không khí làm việc trong bếp bắt đầu khẩn trương. Lý Vạn Tường nhắc nhở hai phụ bếp: vì phải phục vụ thêm một bàn ăn nữa nên không thể nhẩn nha, phải nhanh tay và vẫn bảo đảm chất lượng. Lý Vạn Tường tuy rất được ngợi ca về tay nghề nhưng bầu không khí ở bếp và năng lực lãnh đạo của ông thì... thường bị chê bai. Vì ông quá đam mê kỹ thuật chế biến, yêu cầu gắt gao với bản thân, cho nên cũng yêu cầu quá cao với các phụ tá và người giúp việc nhà bếp, muốn họ phải làm thật tốt, phải duy trì quy tắc nhà bếp hết sức ngăn nắp. Đương nhiên là rất khó, bởi lẽ, nhà bếp khi bận rộn thì phải rối tinh rối mù, ô nhiễm hơn bên ngoài là chuyện bình thường, nhưng Lý Vạn Tường muốn nhà bếp sáng sủa như quầy trưng bày hàng mẫu, coi như hành tội các phụ tá rồi. Hai phụ bếp đến đây hôm nay đều có mục đích học nghề Lý Vạn Tường, cho nên dù bất mãn thì cũng không dám nói ra, chỉ thỉnh thoảng đứng hơi xa làu bàu một câu, không để đến tai Lý Vạn Tường.
Quạt hút mùi chạy hết công suất kêu ù cả tai, cũng là một trong các nguyên nhân khiến hai phụ tá ngầm oán trách. Lý Vạn Tường đã chỉ định mua quạt hút mùi nhãn hiệu Locke sản xuất ở Giang Kinh, vì nó có công suất mạnh nhất trên thị trường. Ông đã làm công tác tư tưởng cho hai phụ tá rằng các đầu bếp già đều mắc bệnh nghề nghiệp "hội chứng tổng hợp dầu mỡ và khói", có hại với phổi, phế quản, tim mạch, dẫn đến tai họa béo phì, huyết áp cao, tiểu đường, ung thư... Ngày trước điều kiện nhà bếp không tốt, nên các đầu bếp trở thành nạn nhân của dầu mỡ, các em thời nay may mắn, còn trẻ đã có máy hút mùi mà dùng, sao lại không vui vẻ dùng cho thoải mái? Tạp âm cũng có hại cho sức khỏe, nhưng các em nên xác định hậu quả nào mới nặng nề hơn.
Quạt hút mùi rú rít, tiếng soong chảo thìa bát đĩa va đập... át đi bất cứ âm thanh nào ở bên ngoài, ngoại trừ tiếng pháo nổ vang rền. Khi Lý Vạn Tường cảm thấy có gì đó không ổn là lúc món "Ốc sên - cua bể - dừa cau" vừa hoàn thành, cần đưa lên đại sảnh tầng hai nhưng không thấy ai xuống bưng lên, gần như đồng thời, hai món "Tùng châm kỷ tử" và "Dao trụ động thiên" dành cho gian Túy Hoa Âm cũng vừa nấu xong, đã bấm chuông báo hiệu một phút rồi cũng không thấy người vào bưng.
Lý Vạn Tường chưa nghiên cứu về quản lý khách sạn, nhưng nhà bếp và phòng ăn không phối hợp nhịp nhàng thì rõ ràng không phải một dấu hiệu tốt lành.
Anh chàng Kiến Vĩ lại lơ đễnh?
Hay Hoa Thanh tự ý rời khỏi vị trí?
Kiến Vĩ và Hoa Thanh, một nam một nữ sáng sủa và xinh xắn, là hai phục vụ bàn ở lầu chính của hội quán. Hội quán Tiêu Tương quy mô không lớn, nhưng cho dù kín đáo khiêm nhường đến đâu trước áp lực bên ngoài thì rốt cuộc vẫn hoạt động với tiêu chuẩn cao, nên tuyển người tương đối khắt khe. Kiến Vĩ và Hoa Thanh từng nói rằng, họ phải "qua năm ải chém sáu tướng" mới được tuyển dụng vào đây. Cả hai tuy còn trẻ nhưng đã có khá nhiều năm kinh nghiệm phục vụ, rất thạo việc, thông hiểu quy tắc giao tiếp, nhanh nhẹn, năng lực cơ bản miễn chê. Tuy nhiên gần đây Lý Vạn Tường trong lúc thử việc phát hiện ra rằng Kiến Vĩ hơi vô tâm, chính cậu ta cũng từng nói hồi nhỏ mình bị mắc chứng lơ đễnh, sức chú ý rất dễ bị phân tán.
Nhưng Hoa Thanh thì không vấn đề gì, Lý Vạn Tường hiểu rõ điều này vì Hoa Thanh nhảy việc từ khách sạn Đại Kim Sa sang đây, tính tình kín đáo, điềm đạm, kiệm lời nhưng làm việc hết sức tỉ mỉ, cô cũng tinh ý, biết cách quan sát và đoán ra nhu cầu của khách. Cô là một phục vụ có năng lực.
Nói là một nhẽ. Không có ai bẩm sinh ấn định làm một nghề nào đó, mà đều là do ma xui quỷ khiến, do nhân quả kiếp trước kiếp này, và đều có thể bị thay đổi.
Lý Vạn Tường lại ấn chuông lần nữa. Lập tức có câu trả lời. Ở cửa xuất hiện một người và một khẩu súng ngắn.
"Tất cả đứng im, giơ tay lên!" Khẩu súng chĩa vào Lý Vạn Tường. Kẻ đó mặc đồ đen, khăn đen bịt mặt. Lúc này Lý Vạn Tường không đứng cạnh bếp, nên dù muốn cầm chảo cầm nồi quăng vào hắn cũng không thể, ông đành giơ tay lên. Hai phụ tá cũng ngoan ngoãn làm theo.
Là trò hề gì mà bát nháo thế này? Có kẻ đang đùa chắc? Hay gã này là một tay bạn cùng vui chơi giải trí với Lương Tiểu Đồng, no cơm rửng mỡ đến mượn bộ trang phục đóng phim để làm trò đùa?
"Này người anh em, hôm nay nhà bếp chúng tôi quả là rất bận..." Lý Vạn Tường thăm dò.
"Bọn tôi cũng rất bận, cho nên không đùa đâu! Câm mồm! Cấm động đậy!" Hắn nói giọng vùng Xuyên - Tương, âm thanh hơi sắc nhọn.
Họng súng vẫn chĩa vào Lý Vạn Tường, gã mặc đồ đen ấy bước lại gần hai bếp, tắt ga đi. Chân hắn có tật, bước đi tập tễnh, hắn nhìn vào cái quạt hút mùi đang kêu vù vù, Lý Vạn Tường bỗng cảm thấy có cơ hội. Nhưng hắn không thao tác cái thiết bị hắn mà hắn không quen, vì không muốn con tin có cơ hội ra đòn quật lại, hắn chỉ hô lớn, "Đi lên gác!"
Thì ra là chuyện thật chứ không phải trò đùa. Lý Vạn Tường đành hậm hực đi trước nhất, bụng thầm nguyền rủa. Giá mà có thể đi sau, tương đối gần tên khốn này thì ông sẽ dễ ra tay. Khi làm phụ bếp ở vùng Đông Nam Á, ông đã vài lần gặp bọn cướp, chúng cướp tiền mặt, sự việc chủ yếu xảy ra ở đại sảnh và quầy tiếp tân, không mấy ảnh hưởng đến nhà bếp. Trước khi đi Kuwait ông cũng biết Trung Đông là nơi rất không an toàn, Lý Vạn Tường từng đến câu lạc bộ luyên tập võ thuật phòng thân, ông nghĩ mình đủ sức hạ được một hai tên. Nhưng chút khả năng võ thuật ấy không có dịp dùng ở Trung Đông, và cũng đã quá lâu ông không ôn tập, liệu hôm nay có nên tặc lưỡi ra tay?
Lúc đi lên gác, Lý Vạn Tường đã gặp được cơ hội tốt.
Điều này nên cảm ơn anh chàng phụ bếp Tạ Nhất Bân, một tay sáng dạ nhưng cần cố gắng hơn. Đang đi lên cầu thang, Tạ Nhất Bân bỗng loạng choạng, chắc là do bị tuột dây giày hoặc cũng có thể là do sợ quá bước đi không vững. Khi tên cướp đang chú ý nhìn cậu ta, thì Lý Vạn Tường bắt lấy cơ hội, quay ngoắt lại tiếp cận hắn ta.
Từ chỗ cao, ông nhào xuống xô tên cướp vào tường ngay sát cầu thang, đồng thời ghì chặt bàn tay đang cầm súng của hắn, ông thúc đầu gối lên, tên cướp "hự" một tiếng rồi ngã phệt xuống. Nào ngờ hắn lại ôm siết luôn hai bắp chân của Lý Vạn Tường rồi húc đầu lên, hất ngã ông.
"Cấm nhúc nhích!" Một giọng nói từ đầu cầu thang vọng xuống, Lý Vạn Tường nhìn lên, lại một họng súng đen ngòm, hình như là súng trường tự động. "Thầy chưa dạy rằng kháng cự sẽ chẳng hay ho gì à?" Tên đó nói giọng miền Nam, Lý Vạn Tường không thể xác định cụ thể là vùng nào. Tên cầm súng ngắn bấy giờ đã đứng lên, thúc cùi trỏ vào ngực Lý Vạn Tường khiến ông suýt ngạt thở, tiếp đó lại bị hắn đấm tới tấp vào đầu vào thái dương. Chỉ thấy trước mặt tối sầm, Lý Vạn Tường lăn ra ngất xỉu.
Một tiếng hai mươi phút sau khi xảy ra vụ án, tại phòng làm việc tạm thời của ban chuyên án vụ cướp hội quán Tiêu Tương.
"Khi tỉnh lại, tôi nghe thấy tiếng kêu thét ầm ĩ, mở mắt ra thì thấy vài người đang đánh nhau. Nhìn kỹ, thì đó là ông Đới Hướng Dương và con rể đang đè lên một người. Tôi chưa kịp hiểu ra sao thì vang lên một tiếng nổ. Mặt bàn, khăn trải bàn và các thứ trên đó bay tứ tung, chỉ lát sau tôi đã thấy đau ở mặt, chắc là cốc chén bát đĩa vỡ văng làm rách mặt tôi." Lý Vạn Tường lại ôm đầu.
Ba Du Sinh nói, "Bác nghỉ một lát đi."
"Lửa lập tức bùng lên, cả căn phòng khói lửa mù mịt. Tôi định đứng lên bỏ chạy nhưng hai chân tê dại không sao đứng nổi." Ông ta như vẫn đang chìm trong khói lửa. "Cúi xuống nhìn, mới biết hai tay tôi đã bị còng. Căn phòng nóng kinh khủng, lửa tràn ngập khắp cả. Sau đó mông tôi nóng bỏng, thì ra là quần bị cháy, tôi chẳng khác nào đồ ăn trong chảo nóng, tôi nhảy chồm lên, may được hai anh phụ bếp chạy lại dập lửa giúp."
Các sĩ quan cảnh sát đều nhìn vào cái quần bệnh nhân mà bệnh viện đưa cho ông mặc. Khương Minh hỏi, "Lúc đó hai anh phụ bếp không bị còng à?"
Lý Vạn Tường ngẩn ra, nghĩ ngợi nói, "Có bị còng, bị còng chung một còng. Họ chạy lại dập lửa cho tôi nhưng rất không ăn ý. Lửa ở người tôi tạm bị dập rồi thì Tiểu Tôn lại bị bén cháy, lúc đó quanh tôi vẫn mù mịt khói lửa... và hình như có người nhảy qua cửa sổ. Còn tôi vẫn như đang trong cơn mê không biết chạy đi đâu để thoát chết. Tôi là đầu bếp, suốt đời ở bên ngọn lửa, đầu bếp giỏi thì phải biết kiểm soát lửa cho vừa đủ độ nhưng lúc đó tôi như đồ bỏ đi, không thể làm gì nổi. Bây giờ nhớ lại tôi vẫn thấy rất sợ."
Ba viên cảnh sát không biết nói sao, thậm chí không nhìn nhau, nhưng họ đều đoán rằng Lý Vạn Tường vẫn chưa hết sợ nên nói năng lộn xộn. Ba Du Sinh rất hiểu cảm giác "không thể kiểm soát ngọn lửa" của ông ta. Khi mất kiểm soát, người ta sẽ rối loạn và nỗi khiếp sợ vẫn còn dư âm dài lâu.
Nếu Lương Tiểu Đồng thuật lại các diễn biến cuối cùng là đúng, thì Đới Hướng Dương cũng bị cảm giác "mất kiểm soát" làm cho rối loạn, cho nên ông ta mới có hành động mạo hiểm như vậy.
Không cần đọc lý lịch của Đới Hướng Dương cũng có thể đoán ra ông ta là người đã va chạm thương trường đầy sóng gió, chính ông ta cũng từng nói mình là người có tầm nhìn và rất từng trải, tại sao một con người đầy kinh nghiệm sống lại dễ dàng suy sụp trong vụ việc này?
"Bác cố nhớ lại xem có cả thảy mấy tên cướp?" Ba Du Sinh hỏi.
Lý Vạn Tường do dự, ngẫm nghĩ đến một phút rồi nói, "Chịu, không biết."
Khương Minh hơi vội vã, "Sao lại thế?"
"Tôi chẳng rõ mình ngất bao lâu, sau đó tôi cứ nửa tỉnh nửa mê, có nghe thấy một số tiếng động nhưng tôi không sao tỉnh táo được, cho nên không thể nhận ra ở đó có mấy tên cướp." Lý Vạn Tường hơi băn khoăn.
"Thế thì bác cho rằng mình nhìn thấy cả thảy mấy tên?"
"Hai tên. Một tên cầm súng ngắn thúc tôi lên gác, một tên cầm súng trường đứng ở đầu cầu thang. Về sau tỉnh lại, tôi thấy Đới Hướng Dương và anh con rể đè lên một người... tiếp đó là tiếng nổ. Tôi không nhìn rõ người đó là ai." Chắc là vì nhắc đến "tiếng nổ" nên Lý Vạn Tường lại run rẩy.
Khương Minh tò mò hỏi, "Bác gọi Yên Vệ Bình là con rể Đới Hướng Dương..."
"Ừ, đúng, à không phải." Lý Vạn Tường gượng cười. "Là con rể hờ, đúng ra là cháu rể. Đới Hướng Dương nuôi nấng cô cháu gái là con của người anh trai, coi cháu ấy như con đẻ, thì Yên Vệ Bình cũng tựa như con rể ông ta."
Ba Du Sinh tò mò hỏi, "Hình như bác cũng biết rõ về Đới Hướng Dương?"
"Phải! Ngày trước tôi làm đầu bếp ở Đại Kim Sa, cả nhà ông Đới Hướng Dương rất hay đến đó."
"Bác có thể nhớ ở đại sảnh có mấy lần nổ không?" Ba Du Sinh hỏi.
Lý Vạn Tường do dự rồi nói, "Hai lần."
"Bác cố nhớ xem, tình hình lúc nổ lần thứ hai ra sao?"
Lần này thì Lý Vạn Tường lắc đầu nói luôn, "Lúc đó giữ mạng còn không kịp nữa là! Khi nổ lần thứ hai thì tôi đã chạy đến cửa, nên không thể nhìn nó nổ ra sao... có lẽ là nổ khí gas. Có ống dẫn khí gas lên tầng hai."
Ba Du Sinh không hỏi thêm nữa. Sau khi hỏi ý kiến các chuyên gia kỹ thuật, anh vẫn giữ nguyên phán đoán. Nếu vì rò rỉ khí gas mà dẫn đến vụ nổ, thì trước đó phải mở vòi khí gas hoặc bị bung ra trước, sau đó cần một thời gian nhất định để khí gas khuếch tán trong không khí đạt tới một nồng độ cần thiết, khoảng cách thời gian giữa hai vụ nổ rất ngắn cho nên ít có khả năng là nổ do khí gas. Anh nói, "Cảm ơn bác. Mong bác cứ ở phòng theo dõi chịu khó nghỉ ngơi, để tiện cho chúng tôi liên lạc. Nếu bác cần về nhà..." Anh nhìn tờ ghi bút lục, đã có địa chỉ và số điện thoại của Lý Vạn Tường, "Chúng tôi có thể sẽ còn liên lạc thêm với bác. Mong bác tiếp tục hỗ trợ chúng tôi điều tra."
Lý Vạn Tường nói, "Không vấn đề gì..." Rồi đứng dậy chuẩn bị bước ra ngoài.
Có tiếng gõ cửa phòng họp, một cảnh sát bước vào cầm theo một tập ảnh.
Ba Du Sinh vội nói với Lý Vạn Tường, "Vừa đúng lúc! Bác thử nhìn những người trong ảnh này, bác có nhận ra hết không?"
Ảnh được bày ra bàn. Có tấm mới được chụp chính diện bằng máy SRL, trên mặt còn những vết thương vết bỏng, có một số ảnh được phóng từ ảnh chứng minh thư, chắc là vì những người này bị thương quá nặng nên không thể chụp. Đều là những người may mắn sống sót.
Lý Vạn Tường lục túi áo lấy cặp kính viễn đeo lên, xem từng tấm ảnh rồi gỡ kính ra, nói, "Tôi nhận ra cả, chỉ trừ hai người này..." Ông ta chỉ vào ảnh một nam và ảnh chứng minh thư của một nữ.
Ba Du Sinh gật đầu, đó là ảnh Quách Tử Phóng và Na Lan. Theo Lý Vạn Tường thuật lại, thì ông ta bị đánh ngất và tỉnh lại lúc có vụ lộn xộn cuối cùng. Còn theo Lương Tiểu Đồng nhớ lại, thì Lý Vạn Tường và hai phụ bếp bị tên cướp chuyên nghiệp cầm súng ngắn đưa lên gác, sau đó Quách Tử Phóng và Na Lan mới bị bắt, vì Lý Vạn Tường bị ngất nên không nhìn thấy hai người này. Trong vụ hỗn loạn cuối cùng, Lý Vạn Tường lo thân còn chẳng kịp nên không nhớ được Quách Tử Phóng và Na Lan là phải.
Sự khác biệt lớn nhất trong bút lục của Lương Tiểu Đồng và Lý Vạn Tường là trạng thái của Lý Vạn Tường. Lương Tiểu Đồng chỉ nói rằng bếp trưởng và hai phụ bếp bị giải lên, chứ không nói bếp trưởng được kéo lên vì đã bị đánh ngất. Lúc đó anh ta bị còng ở đại sảnh thì vẫn có thể nghe thấy các động tĩnh đánh nhau ở bên ngoài, tại sao anh ta chỉ miêu tả qua loa tình hình? Có phải anh ta đã quên các chi tiết vụn vặt? Nếu có người vì kháng cự nên bị đánh ngất, thì không thể gọi là chi tiết vụn vặt! Anh ta thậm chí còn nói rằng bếp trưởng và hai phụ bếp bị còng liên hoàn và giải lên gác, còn Lý Vạn Tường thì nói rằng hai tay ông ta bị còng một bộ còng.
Rõ ràng là ký ức của Lương Tiểu Đồng không đáng tin.
Rất dễ kiểm chứng điểm này.
Lý Vạn Tường ra rồi, Ba Du Sinh hỏi Khương Minh, "Hai phụ bếp, ta có thể ghi bút lục anh nào trước?"
Khương Minh nhìn tư liệu đặt trên bàn, gọi điện cho viên cảnh sát túc trực ở phòng cấp cứu. Rồi trả lời, "Một anh bị bỏng độ 2, vẫn cần theo dõi nên chưa thể điều lên đây. Anh kia tay bị bỏng và chân bị bỏng độ 3, có thể đẩy xe lăn lên đây."
Nếu không vì mái tóc cháy xém và đang mặc bộ quần áo trắng, thì người ngồi trên xe lăn trông giống một nghệ sĩ chưa gặp thời hơn là một thợ nấu ăn đang học nghề. Tóc anh ta rẽ đường ngôi giữa, dài gần chấm vai, đeo kính gọng nhỏ màu xanh lam, nhìn kỹ có thể nhận thấy là kính không độ. Khuôn mặt gầy nhỏ, trông cũng ưa nhìn, đôi môi hơi mỏng, khiến người ta dễ có cảm giác nhầm lẫn rằng anh ta sắp sửa kêu ca than vãn.
Nhưng chưa chắc là cảm giác nhầm lẫn.
Ba Du Sinh bước lại bắt tay Tạ Nhất Bân, "Rất xin lỗi, tay chân anh còn đang phải băng bó mà chúng tôi vẫn muốn gặp anh để điều tra."
Đúng là Tạ Nhất Bân đã sẵn sàng tuôn ra bao điều khổ sở, nhưng viên cảnh sát trông giống giảng viên đại học này lại nói năng trịnh trọng như thế, khiến anh ta e ngại không biết nên than thở ra sao. Tạ Nhất Bân không phải dạng thanh niên bất mãn xã hội, cũng coi thường những kẻ a dua thích ra vẻ ta đây, anh chỉ thuộc dạng bất cần.
Chính vì bất cần mọi quy tắc người đời thừa nhận cho nên sau bao năm "giả bộ là dân lưu lạc đến Giang Kinh" anh vẫn không có nổi một bài hát ra hồn, giọng thì hỏng và cũng không có tiền làm phẫu thuật. Chính vì bất cần với cái gọi là tiền đồ nên anh buông xuôi đến năm 26-27 tuổi, rồi bắt đầu đi phụ bếp cho người ta. Tuy hứng thú với ăn uống nhưng lại bất cần quan tâm nấu nướng ra sao cho nên cũng không mấy khát khao trở thành "đầu bếp nổi tiếng".
Là đầu bếp nổi tiếng, rồi đi đến đâu chứ? Cứ nhìn Lý Vạn Tường thì biết, chỉ vì muốn làm món ăn cho ra trò mà suốt ngày cau có đăm chiêu, nói là "không ngừng tìm tòi vươn lên" thực chất là tự làm khổ mình. Có đáng để như thế không? Món "vịt hầm hạt dẻ bơ sâm banh" mà non lửa một chút thì sẽ bị đám thực khách sành ăn nhè ra chắc?
À quên chưa nói tại sao lại là "giả bộ lưu lạc Giang Kinh"? Đơn giản thôi, vì Tạ Nhất Bân là người gốc Giang Kinh. Không thể có chỗ đứng trên sân khấu ca nhạc quê nhà, anh ta quy tội thân phận dân địa phương của mình và cuộc sống êm ả của đứa con một trong gia đình, bởi lẽ cho rằng những ai bứt phá vươn lên được trong ngành giải trí đều phải có quá khứ gian khổ thời niên thiếu để mà khoe khoang.
Sau khi nghe giới thiệu, biết Ba Du Sinh là "tổng bộ khoái" của thành phố Giang Kinh, Tạ Nhất Bân vốn coi thường quyền quý bỗng cảm thấy có phần kính nể.
"Chà! Đội trưởng? Anh có tài liệu nội bộ không? Tôi bắt đầu làm văn sĩ trên mạng, và đã gửi bản thảo cho khá nhiều tạp chí rồi đấy!" Vậy là một quãng lịch sử ngắn ngủi tìm việc làm đã được cáo chung, Tạ Nhất Bân tạm thời nghĩ đến một định hướng nghề nghiệp mới, xem ra số phận vẫn kêu gọi anh hãy kiếm sống bằng khả năng sáng tạo!
Ba Du Sinh mỉm cười, "Có rất nhiều tài liệu hay, ví dụ, chính là cái đại án 185 này - giới truyền thông đang gọi như vậy." Vẻ mặt anh chuyển sang nghiêm túc. "Trước khi mời anh thuật lại các sự việc, tôi muốn hỏi anh mấy câu."
Tạ Nhất Bân nói, "Nên thỏa thuận trước nhé: tôi sẵn sàng trả lời, và anh phải cho tôi ít tài liệu."
Khương Minh có phần sốt ruột. Hai mươi năm làm trinh sát hình sự, anh đã va chậm vô số nhưng không mấy khi gặp những gã trẻ tuổi cứ nhăn nhở mặc cả với cảnh sát. Anh lạnh lùng nói, "Chúng tôi cần ghi bút lục, chứ không phải là thương lượng."
"Thương lượng?" Tạ Nhất Bân hứ một tiếng. "Nếu vấn đề 'thương lượng' hôm nay có thể làm tốt và nhanh chóng, thì không biết chừng tôi lại được tiếp tục ngồi trong nhà bếp Tiêu Tương có quạt hút mùi kêu váng cả óc để mà bóc tỏi, thái gừng, khỏi phải nài nỉ đội trưởng cho xin tài liệu nữa!"
Khương Minh sắp sửa nóng nảy, nhưng Ba Du Sinh như thể vô tình gõ cành cạch cái bút bi trong tay xuống bàn.
Trước mặt Tạ Nhất Bân, anh không muốn nhắc nhở Khương Minh chớ nóng nảy, anh cần tỏ ra tôn trọng cấp dưới của mình. Và anh cũng không muốn Khương Minh bực dọc để rồi mất kiểm soát, sẽ ảnh hưởng đến việc ghi bút lục. Cho nên anh dùng cách cổ điển nhưng hữu hiệu là tạo ra tiếng động để phân tán.
Nếu Na Lan có mặt ở đây, cô sẽ phân tích chàng thanh niên đang ngồi trên xe lăn này như thế nào?
Một cách phản ứng sau khi trải qua một cú sốc dữ dội, dùng cách chớt nhả khinh bạc, tỏ ra đối kháng với cường quyền có sẵn ngay trước mặt để hóa giải nỗi kinh hoàng vẫn tích tụ trong lòng, làm tan đi cảm giác mình không khống chế nổi số phận.
Vẫn là một dạng cảm giác mất kiểm soát.
Ba Du Sinh chỉ phỏng đoán vậy thôi, anh rất biết mình đâu phải nhà tâm lý học. Lúc này Tạ Nhất Bân thả hai tay khỏi tay vịn của xe lăn, buông xuống, là động tác nghỉ ngơi nhưng vẫn run run. Có lẽ là bằng chứng cho điều phỏng đoán của Ba Du Sinh.
Ba Du Sinh, "Bác Tường của các anh kể rằng bọn cướp chĩa súng vào mọi người, lúc đó các anh đang làm gì, bác Tường làm gì?"
Đôi môi mỏng hơi nhích lên, Tạ Nhất Bân cười nhạt, hiển nhiên cho rằng đây là câu hỏi quá bình thường, "Chúng tôi chẳng làm gì cả, bác Tường cũng thế."
Ba Du Sinh không tỏ thái độ, im lặng chờ anh ta. Tạ Nhất Bân thở dài rồi tiếp, "Thật ra không cần hỏi câu này. Khi có kẻ bất ngờ xuất hiện rồi chĩa súng vào sư phụ đáng kính của anh, thì họng súng ấy cũng có thể chĩa ngay sang anh, anh có thể làm gì? Đương nhiên là ngoan ngoãn nghe lời hắn."
"Hắn nói gì?" Khương Minh hỏi.
"Giơ tay lên, cấm động đậy, cấm làm ồn, tuân lệnh, đi lên gác! Chứ còn gì nữa?" Mới trả lời một câu hỏi mà hình như Tạ Nhất Bân đã thấm mệt.
Ba Du Sinh hỏi, "Sau đó thì sao?"
"Chúng tôi làm theo, giơ tay lên, im mồm, và đi lên gác." Tạ Nhất Bân ngả người ra lưng tựa xe lăn, lim dim mắt, nhìn ra ngoài gọng kính, trông như đã nhắm mắt và sắp ngủ. Cảnh sát đưa mắt nhìn nhau, anh ta trông thấy, liền tỏ vẻ thỏa mãn. "Tôi bị tuột dây giày."
Câu nói này gần như thâu tóm được mọi sự chú ý của các cảnh sát, họ đều nhìn vào chân Tạ Nhất Bân: đôi giày vải Converse, cứ như sợi dây màu đen đang chốt giữ tình tiết hệ trọng để phá án!
"Lúc bước lên cầu thang, dây giày tôi bị tuột, hoặc nên nói là tôi làm dây giày tuột ra..." Tạ Nhất Bân lại ngồi thẳng lưng. "Các anh có biết bác Tường đã từng tập võ không?"
Ba Du Sinh khẽ gật đầu. Tạ Nhất Bân tiếp tục, "Tôi đã nghe nói từ lâu, vì thế, khi tên khốn kia xuất hiện, tôi đã quan sát từng cử chỉ của bác Tường. Bác ấy nghe lời thì tôi cũng làm theo, nếu bác ấy kháng cự tôi sẽ phối hợp. Tôi cảm nhận được, kể từ lúc bị họng súng chĩa vào, bác Tường luôn tìm cơ hội để ra đòn. Hắn chỉ có một mình, chân thì thọt, chúng tôi có ba người khỏe mạnh. Nhưng thằng cha áp giải chúng tôi rất xảo quyệt, hắn chỉ đi sau, bắt bác Tường đi đầu tiên, cứ như nhận ra bác ấy là người đáng gờm nhất. Hắn luôn giữ khoảng cách an toàn. Tôi bèn nghĩ cách tạo cơ hội, rút ngắn khoảng cách giữa bác Tường và hắn. Cho nên dây giày tôi tuột ra." Tạ Nhất Bân cầm chai nước khoáng trên bàn uống một ngụm, rồi ngẩng đầu nhìn ba cảnh sát, giống như cậu học trò trả lời đúng câu hỏi và đang chờ thầy giáo khen.
Không thấy gì. Chỉ có sự im lặng.
"Dây giày đương nhiên không tự tuột ra vào cái lúc đó, mà là chân phải của tôi giẫm lên đầu dây giày bên trái, người tôi hơi chao đi một chút... các anh không ở tình huống đó nên có lẽ không cảm nhận được. Tôi làm như thế là cực kỳ mạo hiểm! Vì nói chung, kẻ cầm súng áp giải người khác thường cảnh giác cao độ, hễ thấy có điều bất thường là họ dễ phản ứng quá khích, nhiều khi súng sẽ cướp cò hoặc họ sẽ bắn luôn. Nhưng tên khốn ấy không định giết người, hoặc hắn khá tự tin rằng mình đủ sức khống chế tình hình, nên chỉ hơi ngớ ra, không sao ngờ được bác Tường của chúng tôi là con nhà võ, thân thủ nhanh nhẹn, bác ấy bổ nhào xuống mấy bậc thang rồi đánh nhau với tên kia. Có điều, ngay trên đầu cầu thang lại xuất hiện một tên khác cầm súng chĩa vào bác Tường. Cho nên việc kháng cự thất bại hoàn toàn." Tạ Nhất Bân nói liền một hơi, rồi lại tựa lưng ra sau.
Căn phòng im lặng một lúc, các cảnh sát đều đồng thời ghi bút lục. Khương Minh hỏi, "Sau đó... sau khi bác Tường kháng cự thất bại, thì sao?"
"Đương nhiên là chẳng còn gì nữa. Tên cầm súng ngắn đấm cho bác Tường một quyền, làm bác ngất luôn... rồi hắn ép chúng tôi kéo bác lên đại sảnh tầng trên."
"Có bị còng tay không?" Khương Minh hỏi.
"Có, có!" Tạ Nhất Bân nói ngay.
"Còng như thế nào?"
"Là sao?"
Khương Minh giải thích, "Là mỗi người một còng hay còng theo cách khác?"
"À, thì ra là thế." Tạ Nhất Bân vỡ lẽ. "Bác Tường được ưu ái một mình một còng, còn tôi và Hổ Bì chung một còng. Tên cướp ấy rất biết cách sống, còng người ta mà cũng tiết kiệm."
"Hổ Bì?" Khương Minh đã biết là ai nhưng cứ hỏi.
"Tôn Nguyên Hổ, cùng làm bếp với tôi. Hổ Bì là biệt hiệu của nó. Vì thằng nhóc ấy quá dồi dào sinh lực, rất nghịch ngợm bướng bỉnh, nên mới gọi là Hổ Bì[1]." Tạ Nhất Bân hạ thấp giọng. "Lúc nãy tôi nhìn thấy nó, nó bị cháy khiếp quá."
[1] Da hổ.
Ba Du Sinh ghi chú trên tờ giấy: cần hỏi lại Lương Tiểu Đồng.
Lương Tiểu Đồng chưa nói thật.
Anh ngẩng đầu nhìn Tạ Nhất Bân, "Được! Bây giờ anh kể lại từ đầu xem?"
Tạ Nhất Bân ầm ừ trong họng, ý chừng không bằng lòng. Rồi hỏi, "Đường ống dẫn nước khoáng ở đây có đủ không?"
Một tiếng năm mươi lăm phút sau khi xảy ra vụ án, tại phòng cấp cứu bệnh viện Nhân Dân số 6 thành phố Giang Kinh.
"Cha! Con là Tiểu Đồng."
"Con dùng điện thoại của ai đấy?" Đầu dây bên kia, Lương Quân mở đầu bằng một cơn ho, cứ như bị khói ở hội quán Tiêu Tương xộc vào phổi vậy. Lương Tiểu Đồng thấy buồn bực, ông già chưa đến nỗi già lắm, mới ngoài sáu mươi nhưng bệnh tật đầy mình, sắp xuống lỗ đến nơi. Đó là hậu quả của thời trung niên tổn hao quá nhiều sức lực vật lộn với cuộc sống. Liệu ông ấy còn trụ được bao lâu nữa? Nếu ông ấy đi, thì mình có thể chống đỡ được bao lâu?
"Cha không phải lo. Dù sao con cũng an toàn rồi."
"Không phải lo thì cha dập máy luôn vậy!" Lương Quân thể lực kém nhưng đầu óc và miệng lưỡi vẫn rất sắc sảo.
"Con chỉ báo với cha rằng con vẫn bình an." Đôi khi Lương Tiểu Đồng cảm thấy ông già lạnh lùng quá thể. Có mỗi một đứa con trai, có thành tài hay không cũng chẳng quan trọng, hà tất gay gắt làm gì?
"Mẹ con đã cho cha biết, bà ấy đến hiện trường ở Dư Trinh Lý, nhìn thấy con nhún nhảy bước lên xe cứu thương!" Lương Quân nói giọng châm biếm. Lương Tiểu Đồng dần thấy nóng gáy, tôi dù sao cũng suýt chết, ông thể hiện một chút quan tâm thương xót thì danh tiếng của ông bị bào mòn chắc? Xem ra, tạp chí phụ nữ nói cũng không sai: tình thương của mẹ mới thực sự là tình thương, còn người cha thường chỉ bận tâm đến những cái mẽ tầm thường như sĩ diện hoặc triển vọng của con cái...
"Sao lại nhún nhảy? Con lao từ trên gác xuống bị sái cổ chân! Không thể đi đứng bình thường được!"
Lương Quân "hứ" một tiếng, rồi nói, "Thì ra là con nhảy lầu thoát chết! Con xứng đáng là một... hình tượng vĩ đại đấy!"
"Không nhảy lầu thì ngồi chờ chết à? Có ai ngờ xảy ra cái chuyện kinh khủng ấy! Súng bắn, bom nổ, gần bằng Trung Đông và Ucraina rồi! Sợ chết đi được! Nhưng đáng tiếc hơn nữa là lầu Ba Khắc bốc cháy, coi như đống đổ nát!" Lương Tiểu Đồng cố nén oán trách, dần dần tiếp cận chủ đề.
"Hồi nọ con mua ba tòa lầu, cha đã nói gì? Nói là đốt tiền! Cha cho rằng đốt nhà và đốt tiền cũng đều là đốt, chẳng khác gì nhau." Lương Quân lại ho lụ khụ.
"Không phải con mua mà là con và Đới Hướng Dương cùng mua! Được chưa?"
"Được chưa à? Chưa được!" Lương Quân gần như quát vào điện thoại khiến Lương Tiểu Đồng phải giơ di động ra xa mà nghe. "Cha hỏi đây, Đới Hướng Dương đâu?"
"Đứt rồi!" Lương Tiểu Đồng nói nhỏ.
Im lặng.
"Đới Hướng Dương... chết rồi, thật ư?"
"Chẳng lẽ là chuyện bịa à? Chính mắt con nhìn thấy, vụ nổ kinh hồn, khó mà còn toàn thây. Cha xem, vụ này không phải trò đùa. Coi như Đới Hướng Dương đã liều xả thân, hy sinh rồi. Bây giờ nhớ lại, người chết không phải không có khả năng là con!" Lương Tiểu Đồng nhân thể truy kích ông già, tranh thủ sự đồng cảm của ông lúc này là rất cần thiết.
"Làm gì đến lượt con? Con nhảy lầu cơ mà. Con là hạng người dám nhảy lầu tìm đường sống, cho nên con... là con, dù Đới Hướng Dương có thể làm đến tổng giám đốc tập đoàn..." Lương Quân nói rất đanh thép. Lương Tiểu Đồng hậm hực nghĩ bụng: lại lên lớp nhau rồi! "Bây giờ con về nhà được chứ?"
Lương Tiểu Đồng không rõ có phải mình tự huyễn, cảm nhận được giọng ông già cũng hơi ấm áp không. Anh ta vội đáp, "Có thể hoặc không thể. Vì hình như cảnh sát cũng ỡm ờ, nói rằng có thể ra về nhưng cũng dặn là hễ gọi thì phải có mặt. Trong bệnh viện vẫn có rất đông cảnh sát và cảnh sát mặc thường phục để mắt đến bọn con. Đại khái là vì vẫn chưa xác định được hung thủ, có thể hung thủ đang ở trong số người may mắn sống sót, cho nên về lý thuyết thì bọn con đều là nghi phạm cả. Con đang nghĩ con sẽ nán lại bệnh viện đã, vì không muốn chuốc thêm phiền hà, không muốn cảnh sát phải đa nghi."
"Thế con gọi điện cho cha để làm gì?"
Lương Tiểu Đồng cảm thấy chút ít tình cảm lúc nãy đã biến thành số không, đành nói, "Con không thể báo tin mình vẫn bình an hay sao?" Anh ta nuốt nước bọt, thấy ông già vẫn chưa dập máy, bèn tiếp, "Định nói về vấn đề vốn liếng của ba tòa lầu và hội quán. Tất nhiên có thể để hôm khác nói sau."
Đây mới là nguyên nhân thực sự để Lương Tiểu Đồng gọi điện cho cha. Tuy sẽ được bảo hiểm bồi thường, nhưng làm sao bù đắp hết tổn thất được. Lương Tiểu Đồng nhìn thấy một cơ hội rất hay: chỉ cần Lương Quân bằng lòng ra tay trợ giúp thì có thể trùng tu lầu chính Tiêu Tương, tức gây dựng thành tài sản Lương Tiểu Đồng toàn quyền sở hữu.
Đến lúc đó, Tiêu Tương không còn cổ đông nào nữa, và chỉ có Hình... chủ nhân.
Lương Tiểu Đồng đang chìm trong mơ tưởng thì ông già đã dập máy.
Có nghĩa là, lầu chính Tiêu Tương vẫn chỉ là một đống đổ nát.
Đồng rủa thầm "lão già sống dai", ức quá, muốn tìm điếu thuốc để hút, nhưng biết mình xưa nay không hút thuốc vì rất sợ cái mùi khét lẹt ấy, bọn con gái cũng không thích. Anh ta lại cười nhạt nghĩ bụng, nếu có mặt mẹ thì mình vẫn còn hy vọng. Bèn lấy di động ra định gọi một cú điện thoại quan trọng hơn, nhưng anh ta bỗng thấy ngờ ngợ, bèn ngoảnh nhìn khắp, nhận ra đội trường Đội Trinh sát Hình sự của Sở Công an thẩm vấn mình lúc nãy đang bước lại gần.
Ghi xong lời khai của Tạ Nhất Bân, Ba Du Sinh chủ động đẩy xe lăn cho anh ta. Nhưng Tạ Nhất Bân lại bứt rứt bất an, cứ ngọ ngoạy mãi trên xe như bị sâu róm bò trong cổ. "Thế này thì... không hay lắm anh ạ."
Ba Du Sinh tiếp tục đẩy xe, mỉm cười nói, "Có gì mà không hay? Tôi đang muốn đến phòng cấp cứu để tìm một người, tiện thể..."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top