Phần 11-15
Không phải vì hôm nay là ngày hoàng đạo hay cuối tuần mà phòng cấp cứu được nhàn rỗi. Bỗng dưng phải chứa thêm một số con tin và cảnh sát cứu hỏa bị thương, ngoài ra, thời tiết đẹp của ngày Chủ nhật để đi chơi cũng đóng góp thêm nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông hoặc các tai nạn khác, hơn hẳn mọi ngày. Đương nhiên còn có thêm cảnh sát phải làm nhiệm vụ và các loại người nhà của bệnh nhân nữa. Cả khu cấp cứu đông nghẹt người, rất ồn ào. Ba Du Sinh đẩy Tạ Nhất Bân đi, phải luôn miệng kêu "Cho đi nhờ với... Xin lỗi, cho đi nhờ nào..." thì mới không bị "ùn tắc giao thông".
Đưa trả Tạ Nhất Bân về phòng theo dõi xong, Ba Du Sinh lại sang phòng hồi sức ICU. Ở đây có bốn người sống sót trong vụ án, đều bị thương nặng. Gồm phụ bếp Tôn Nguyên Hổ, 20% diện tích da bị bỏng sâu độ 2, hai người phục vụ Kiến Vĩ và Hoa Thanh, bị bỏng độ 2, sâu độ 2. Cánh tay Kiến Vĩ còn bị thương khá sâu do thủy tinh và thuốc nổ gây ra, các mảnh thủy tinh gắp được đều là mảnh cốc rượu. Và Na Lan, bị chấn thương sọ não.
Ba Du Sinh không tìm bác sĩ để hỏi tình hình, anh chỉ đứng ở cửa nhìn vào phòng theo dõi. Có vẻ như những người bị thương đều không bị đe dọa tính mạng, Na Lan thì nhắm mắt, không rõ đang hôn mê hay nằm nghỉ. Lúc nãy bác sĩ Trương Lỗi nói qua điện thoại, Na Lan đã tỉnh lại hai lần, chắc đang tiến triển khả quan.
Hành lang ngoài phòng ICU chạy đến một cánh cửa, ra khỏi cửa là một khu vực như vườn hoa, có hai cây long não, một cây thông và vài khóm cây thấp. Ba Du Sinh nhìn từ xa, thấy Lương Tiểu Đồng đang đứng bên gốc cây gọi điện. Anh quan sát một lúc, thấy anh ta vừa nói vừa khua tay, vẻ như ngao ngán, nản lòng và không tin nổi...
Lương Tiểu Đồng điện thoại xong, bỗng ngoảnh phắt về phía Ba Du Sinh đang đứng. Ba Du Sinh liền cất bước về phía anh ta.
"Chắc đang báo tin bình an cho nhà?" Ba Du Sinh hỏi, nhưng cảm thấy không đúng. Vụ án xảy ra được gần hai tiếng đồng hồ, nếu báo tin thì đáng lẽ phải báo từ sớm, phòng cấp cứu đã đông nghịt người nhà rồi.
Lương Tiểu Đồng xác nhận, "Vâng, tôi báo rồi." Anh ta định nói rằng mẹ tôi đang ở trong kia, nhưng lại chuyển sang ý khác, "Tôi nghe theo gợi ý của các anh, tạm nán lại đây để nếu cần thì tìm thấy tôi ngay."
Ba Du Sinh, "Cảm ơn anh hợp tác. Nghe nói anh đã giúp chúng tôi xem các tấm ảnh."
"Vâng, tiếc rằng chẳng giúp được gì, vì bộ ảnh đó toàn là người quen và đều là con tin, không thấy ai đáng nghi cả." Lương Tiểu Đồng mang máng bất an, vì Ba Du Sinh đến tìm mình hẳn là có vấn đề chứ không nhằm nói chuyện chung chung. Có phải mình đã nói nhầm gì đó? Có chi tiết nào mà mình nhớ lại đã không hợp tình hợp lý?
"Phòng kỹ thuật của chúng tôi trả lại anh máy di động chưa?"
"Chưa." Lương Tiểu Đồng lắc đầu. "Không sao. Người nhà tôi đã gửi cho tôi chiếc di động mới. Chẳng qua là lũ bạn bát nháo của tôi hơi đông, và tôi cũng có lắm việc phải làm khẩn trương, ngoài Tiêu Tương ra, tôi còn cả đống việc."
"Là con nhà tướng môn có khác, chắc chắn anh sẽ kế thừa y bát của chủ tịch Lương Quân." Ba Du Sinh có vẻ như cố bày trận Long môn.
Lương Tiểu Đồng lại lắc đầu, "Đây có! Tôi còn quá nhiều thứ cần phải học, nghiệp vụ của tập đoàn rất phức tạp, bề bộn, tôi chỉ có thể gặm nhấm từng tí một... cho nên tôi vẫn thích Tiêu Tương, ở đó tôi có thể chuyên tâm làm một việc." Anh ta chuyển đề tài khác một cách rất tự nhiên, giành thế chủ động. "Tôi đã dồn rất nhiều tâm huyết cho Tiêu Tương, cha tôi vẫn trách tôi chưa bao giờ chuyên tâm làm một việc gì. Cho nên, vụ việc vừa xảy ra, người hùn vốn với tôi thiệt mạng... bản thân tôi hiếm khi yếu lòng nhưng xin nói thật, chuyện đó khiến con tim tôi tan nát." Đôi mắt rưng rưng lệ.
Ba Du Sinh khẽ vỗ vai Lương Tiểu Đồng, "Tôi rất hiểu tâm trạng của anh, nhất là, như anh vừa nói, Tiêu Tương là tâm huyết của anh, chẳng ai muốn những nỗ lực của mình, những thứ mà mình yêu quý lại bị hủy hoại một cách tàn nhẫn. Chúng tôi sẽ gắng hết sức để làm rõ vụ án này, sẽ xem xét kỹ từng manh mối." Anh gỡ cặp kính ra, dụi đôi mắt bị khô, rồi nói tiếp, "Vừa khéo, đang có một chi tiết tôi muốn xác nhận lại với anh."
Lương Tiểu Đồng nghĩ bụng: vào đề, cũng tốt thôi, khỏi cần vòng vo tam quốc. Bèn xởi lởi nói, "Được! Anh cứ hỏi đi. Vừa nãy trao đổi, tôi đã gắng nói đúng sự thật, nếu có chỗ nào chưa nhớ rõ thì cũng là chuyện bình thường... Các anh là chuyên gia chắc sẽ hiểu."
"Tất nhiên rồi. Sau bất cứ vụ việc nào, nhất là những vụ việc đáng sợ, người trong cuộc và người chứng kiến đều bị sốc, và khó tránh khỏi không nhớ rõ. Điều này là rất bình thường, chúng tôi hiểu chứ! Bây giờ tôi chỉ muốn hỏi về bếp trưởng ở lầu chính Tiêu Tương."
Lương Tiểu Đồng kinh ngạc, "Ông... ông ta làm sao?"
Ba Du Sinh lại dụi mắt, như thể bỏ lỡ sắc mặt ngạc nhiên của Đồng. "Ông ta có vấn đề."
Lương Tiểu Đồng sững người, "Không, không thể! Ông ấy không vấn đề gì. Nhất định ông ấy không phải là kẻ xấu. Trong suốt quá trình xảy ra vụ việc, ông ấy đều có mặt. Ông ấy yêu nghệ thuật nấu nướng như tính mạng, không bao giờ làm chuyện phạm pháp."
Ba Du Sinh không muốn chỉ ra chỗ phi logic trong cách suy luận này, chỉ bình thản nói, "Tôi chỉ muốn anh nhớ lại xem, khi tên cướp cầm súng ngắn áp giải ba người nấu bếp lên gác, cả ba đều lên, đúng không? Nhất là Lý Vạn Tường, lúc đó bác ấy ở trạng thái nào?"
Lương Tiểu Đồng ngẩn người, tay phải đưa lên chỗ má bôi thuốc cùng những vết xây xước đan xen, khẽ nói, "Để tôi nghĩ lại xem sao..." Tay anh ta tiếp tục sờ má, rồi vò đầu gãi tai, cứ như Ba Du Sinh vừa đưa ra một đề toán cao cấp của khoa toán đại học Cambridge. "Lúc đó, tôi cực kỳ hoảng loạn, phía sau thì mấy tên cướp chĩa súng, đầu óc tôi rối bời, cũng có lúc trống rỗng không biết gì nữa, cho nên tôi rất mơ hồ về mọi việc đang xảy ra xung quanh, chúng tôi bị ép quay mặt vào tường, cấm động đậy. Tôi có liếc trộm, thấy có người vào, nhưng trạng thái của ông Tường ra sao thì tôi không nhớ được. Tôi lại có tật sợ nhìn thấy máu me, cho nên suốt thời gian bị khống chế, tôi cứ như kẻ u mê." Lương Tiểu Đồng lại gõ tay lên trán. "Anh ạ, lúc cuống lên thì tôi không sao nhớ nổi các chi tiết, liệu có thể... Ôi, chán thật!"
"Cứ từ từ." Ba Du Sinh nhẹ nhàng an ủi. "Từ từ nghĩ xem. Hay là thế này vậy, anh cứ nghĩ đi, nhớ được điều gì thì cho tôi biết. Tôi vẫn ở chỗ phòng họp, anh có thể đến gặp bất cứ lúc nào."
Lương Tiểu Đồng gật đầu. Ba Du Sinh bắt tay anh ta. Lần này anh ta bắt tay không quá chặt, lòng bàn tay ươn ướt, lành lạnh.
Ba Du Sinh vội đi lên chỗ ban chuyên án, hỏi một người đang ngồi đó, "Các anh phụ trách điều tra nguồn gốc tài sản và tình hình tài chính của hội quán Tiêu Tương phải không?" Anh ta gật đầu. Ba Du Sinh nói, "Nhắn chuyên gia nghiên cứu văn bản pháp luật của các anh, đọc thật kỹ điều khoản về phân phối sở hữu của hai người hùn vốn, quyền lợi và nghĩa vụ của đôi bên nếu chẳng may xảy ra sự việc bất trắc, cùng cách phân định tính toán tài sản còn lại. Nếu cần, thì hỏi ý kiến văn phòng luật sự đã soạn hợp đồng ấy."
Dặn dò xong, anh đi thẳng sang phòng thẩm vấn tạm thời.
Đới Thế Vĩnh đã đến.
Các bên tự giới thiệu, bắt tay nhau. Đới Thế Vĩnh nói, "Lúc nãy tôi đã trao đổi với nhóm trưởng Khương Minh, rằng sáng nay trước khi đến Tiêu Tương tôi đã quyết ý, phải tổ chức cướp thành công."
Khoảng hai tiếng hai mươi phút sau khi xảy ra vụ án, hiện trường khám nghiệm lầu chính Tiêu Tương.
Kể từ đầu mùa xuân, Cát Sơn cứ bị ho liên tục, khám Đông y, Tây y, chụp CT, đều không có được kết luận gì, uống vô số nước nấu quả La Hán, quả Đại Hải, đều không thấy đỡ. Anh có hứa với vợ: sau khi vụ án nóng này khép lại, anh sẽ xin nghỉ phép để sang với con trai đang ở Nhật tìm thầy thuốc điều trị, nhưng thật ra anh đang nghĩ xem có nên xin đến đảo Điếu Ngư để làm trinh sát. Tất nhiên vợ anh cũng biết anh nói cho dễ nghe vậy thôi, chứ xưa nay các vụ án nóng chưa từng ngơi tay anh. Đúng thế, hôm nay vừa mới xảy ra một vụ, một vụ khiến anh rất hào hứng. Anh không phải hạng người máu lạnh để mà hào hứng trước những tổn thất của người khác. Chết chóc, đau thương, luôn là bi kịch. Nhưng không ai có thể phủ nhận vụ trọng án này là thách thức đặc biệt đối với bất cứ cán bộ trinh sát hình sự lão luyện nào.
Trước mắt là một tòa lầu Ba Khắc vẫn còn bốc khói, dường như nó đang lạnh lùng (đúng ra là nong nóng) khiêu khích phế quản đuối sức của Cát Sơn. Vương Chí Huân ở đội cảnh sát đặc nhiệm, thuộc lớp còn sức vóc, đã vài ba lần nhắc khéo Cát Sơn đừng nên liều mình tiếp cận khói bụi, đặc biệt là hôm nay có kỹ sư trưởng Trung tâm Kỹ thuật Hình sự của Sở Công an là Đường Vân Lãng đích thân khám nghiệm hiện trường, anh cứ ngồi ở ban điều hành là được rồi.
Không có chuyện đó.
Kỹ sư trưởng Đường Vân Lãng là chuyên gia kỹ thuật hình sự nổi tiếng cả nước, ông từng đăng hàng ngàn bài viết chuyên môn, kiến thức về kỹ thuật hình sự rất uyên bác. Cát Sơn đã từng hợp tác với ông, anh vô cùng khâm phục. Tuy nhiên anh cũng biết, cùng là khám nghiệm hiện trường, song cách nhìn nhận của các chuyên gia và trinh sát viên không hoàn toàn giống nhau. Người làm về kỹ thuật nhìn nhận bằng con mắt của nhà khoa học nhà nghiên cứu, còn người làm về trinh sát thì tìm các dấu vết đồng thời khám phá động cơ, thủ đoạn của tội phạm, so sánh các vụ án tương tự với nhau. Nói cách khác, hai người có nền tảng khác nhau khám nghiệm hiện trường sẽ có những phát hiện và thu hoạch khác nhau.
Cát Sơn, Đường Vân Lãng và đội trưởng đội cảnh sát chữa cháy đã trao đổi ý kiến, cân nhắc nguy cơ về an toàn, sau đó cùng nhận định rằng có thể từng bước thâm nhập phế tích lầu Ba Khắc đầy nguy cơ rình rập kia. Cát Sơn không để Vương Chí Huân có cơ hội ngăn cản, anh mặc trang phục bảo hộ, đi giày cách nhiệt, đeo mặt nạ lọc bụi, dẫn đầu tiến vào hiện trường.
Khoảnh sân bên dưới vô cùng bề bộn. Mảnh thủy tinh, gỗ vụn, gạch vữa, những vật dụng cháy thui, đồ gỗ và các dụng cụ văn phòng bắn ra do vụ nổ... coi như đã phủ kín nền đá xanh. Mặt đất thì nhớp nhúa lầy lội do bị phun nước dập lửa. Lầu chính Tiêu Tương bị nổ và cháy thủng toang hoác, nham nhở, bộ khung cơ bản vẫn còn nhưng thủng lỗ chỗ vừa người chui, cửa chính và hành lang coi như đã biến mất.
Cát Sơn đi vào từ cửa chính. Cánh cửa màu đỏ đã bị cảnh sát đặc nhiệm phá tung sau đó bị lửa liếm xám xịt thậm chí đen thui. Bên trong vẫn còn tàn tích quầy tiếp tân, mặt sàn đầy đất đá và thủy tinh, chưa biết chúng vốn là kính cửa hay chùm đèn trần. Cát Sơn nhìn xung quanh, trong thấy Hình Thụy An điều tra viên hỏa hoạn, bèn bước lại vỗ vai anh ta, trỏ tay về hướng nhà bếp.
Lúc nãy, trong khi chờ đợi, Cát Sơn đã nghiên cứu kỹ sơ đồ của lầu chính Tiêu Tương, biết rằng từ tiền sảnh đi thẳng vào, bên trái cầu thang sẽ có một hành lang ngắn, cuối hành lang là nhà bếp, nhà bếp là khu vực duy nhất khiến Cát Sơn thấy hứng thú. Nguyên nhân rất đơn giản: bếp là nơi lửa nóng nhất, dẫn đến vụ nổ lần thứ ba.
Hình Thụy An hơi do dự, rồi gật đầu. Anh vốn có thói quen: khi khám nghiệm hiện trường cháy nổ sẽ bắt đầu từ nơi bị phá hủy nhẹ nhất, sau đó đi ngược lên khu vực bị cháy nghiêm trọng nhất. Như thế có thể thu thập được tối đa các manh mối liên quan đến quá trình hỏa hoạn rồi truy ngược đến nguồn lửa. Nhưng anh cũng biết hiện trường vụ cháy hôm nay rất khác với hiện trường hàng ngàn vụ cháy anh từng làm việc: trước hết xảy ra vụ cướp và khống chế các con tin, chưa rõ hung thủ và hành tung của chúng, nhiệm vụ của anh không chỉ là điều tra hỏa hoạn mà quan trọng hơn nữa là cần hợp tác với các trinh sát để phá án. Cho nên, dù muốn xem xét kỹ khu vực bị tàn phá nhẹ nhất là tiền sảnh và phòng làm việc, nhưng anh vẫn phải tán thành yêu cầu của Cát Sơn là vào nhà bếp trước tiên.
Trong nhà không đủ ánh sáng, Cát Sơn và Hình Thụy An chiếu đèn pin rồi bước đến cầu thang, cầu thang bị cháy nham nhở, rệu rã, khó mà gánh nổi nhiệm vụ vốn có. Mặt sàn hành lang ngắn đi đến bếp cũng tan hoang, hai bên vách bị lở từng mảng lớn, lộ ra khung gỗ đen thui bên trong. Cát Sơn tháo mặt nạ, hỏi Hình Thụy An, "Tôi muốn hỏi anh một câu rất sơ đẳng: nếu tầng hai bị cháy trước, thì đương nhiên lửa sẽ bốc lên trên chứ không cháy xuống dưới đúng không?"
Hình Thụy An cũng gỡ mặt nạ ra, "Nếu không có tình huống nào khác thường, thì đúng là tầng trên dễ bị vạ lây. Nhưng đa số các hiện trường hỏa hoạn đều rất phức tạp, ví dụ, ở đây." Anh quay ngược lại, chỉ tay, "Cầu thang ở ngay trước mặt đại sảnh, lúc đó cửa sổ đã bị vỡ, gió lùa vào sẽ thốc lửa theo xuống cầu thang, nhất là... lúc nãy tôi đọc trên mạng thấy có người tung lên WeChat tấm ảnh trước khi xảy ra vụ việc, cầu thang này trải thảm, thì quá dễ bắt lửa. Cho nên lửa cháy xuống dưới cũng là chuyện rất bình thường."
"Nhưng từ cầu thang cháy lan đến bếp, chắc không dễ đâu?" Cát Sơn đã biết nhưng vẫn hỏi. Anh đã tìm hiểu qua các cảnh sát đặc nhiệm và đội cứu hỏa tham gia chữa cháy, họ nhớ lại rằng có nhìn thấy lửa từ bếp cháy ra hành lang ngắn rồi lan ra các nơi ở tầng trệt.
Hình Thụy An chỉ vào hai vách hành lang nham nhở, "Anh nhìn hai bên tường, sẽ thấy bị cháy loang theo chiều ngang và loe dần, tựa như cái phễu xoay ngang, càng gần bếp thì càng bị tổn hại, càng xa bếp thì diện tích bị hun đen càng lớn, chứng tỏ lửa phun ra từ bếp, khói đen thoát ra ngoài."
Cát Sơn nói, "Khi lính cứu hỏa của chúng ta tiến vào, tầng trệt không một bóng người. Có lẽ nhiệm vụ của hai chúng ta là phải khám phá xem lửa trong bếp bị cháy như thế nào."
Hình Thụy An lại chụp mặt nạ lên. "Nếu không có gì bất ngờ, thì chắc là lửa từ tầng hai lan xuống. Tôi có hai giả thiết sơ bộ, một là lửa bén vào các vật liệu rơi từ tầng hai xuống, hai là các vật liệu đã bắt cháy rơi từ tầng hai xuống bị hút vào cửa sổ nhà bếp nhưng khả năng này không lớn, cho nên chỉ có thể là giả thiết thứ nhất."
Hai người tiếp tục bước vào nhà bếp, cứ như là đi vào một ngôi "nhà đen", tất cả đều cháy thui ngoại trừ một mặt tường đã vỡ tung vì sức nổ.
Mặt tường nào chưa bung thì cũng bục thủng vì lửa cháy xuyên qua, chỉ còn lại bộ khung, khi nào sập xuống thì chỉ ông trời mới biết được. Một số dụng cụ bằng thép không gỉ như tủ ướp đông, giá bát đĩa, xe đẩy, bàn mổ cá thái thịt... đều bị lửa thiêu đen xỉn, bếp ga vốn dĩ màu đen, nồi soong đủ kích cỡ đều bị hun đen, tay cầm của chúng đã cháy sạch, ngay nền gạch men màu vàng và trần màu trắng cũng đều đen sì.
Hình Thụy An lại gỡ mặt nạ, "Căn bản có thể nhận ra rồi, anh xem, ở đây tất cả đen sì, nhất là cái trần nhà, chứng tỏ một điều."
Cát Sơn hỏi dò, "Chứng tỏ lửa từ dưới bốc lên chứ gì?"
"Chứ lại không à?" Hình Thụy An ngồi xổm, tháo găng tay ra, sờ xuống mặt sàn vẫn cứng đanh, "Mặt sàn này đáng lẽ không thể cháy, không dẫn lửa, thực khó tưởng tượng trong điều kiện thông thường nó lại bị thiêu đen như thế này. Anh sờ thử mà xem có cảm giác gì?"
Cát Sơn cũng tháo găng tay, sờ lên những chỗ đen xỉn trên sàn nhà, "Thấy nham nhám sần sùi, có chỗ hơi dinh dính."
"Anh nhìn những chỗ bị hun đen, có thấy đặc biệt không?"
Cát Sơn nhìn thêm một lúc, không nhận thấy có gì đặc biệt, anh đứng dậy bước mấy bước, "Ha, nhận ra điều này: không chỉ có một nơi có những hình loe ra, mà vừa rồi anh gọi là hình phễu..."
Hình Thụy An, "Tinh mắt đấy! Đúng thế. Có thể gọi là hình phễu, hoặc hình chữ V, là dấu hiệu bọn tôi vẫn tận dụng để điều tra phán đoán nguồn lửa bắt đầu từ đâu. Nói chung, lửa cháy sẽ bốc lên hoặc lan ra ngoài, trên tường và sàn sẽ có những vết hun đen theo hình chữ V đúng chiều hoặc xoay nganh. Nếu đồng thời phát hiện ra nhiều hình chữ V thì chứng tỏ được một điều."
"Rằng có bao nhiêu nguồn lửa cháy?" Cát Sơn chưa biết mình phán đoán đúng hay sai, anh hơi cảm thấy bất an.
Hình Thụy An trịnh trọng gật đầu, "Ở phần lớn các sự cố hỏa hoạn, nguồn lửa cháy chỉ có một. Nếu bị vạ lây do vụ nổ và lửa tầng hai tạt xuống, thì chúng ta có thể nhận ra một nguồn lửa chính, nhưng rõ ràng là mặt sàn này có nhiều điểm là nguồn lửa, những hình chữ V xuất hiện khắp mặt sàn, bàn nhà bếp, tủ lạnh và các vật dụng khác, chứng tỏ một khả năng rất lớn là mặt sàn đều bốc cháy. Nguyên nhân thường gặp khiến mặt sàn có nhiều nguồn lửa là trên mặt sàn có nhiều vật dễ bén lửa, ví dụ xăng dầu, rượu cồn... Tôi biết, ngửi thì rất hại sức khỏe, nhưng nếu anh thử ngửi sẽ nhận ra mùi xăng dầu, và không rõ rệt lắm là mùi dầu diesel thoang thoảng. Phải đem đi xét nghiệm thì mới biết được. Hoặc đưa chó nghiệp vụ đến, chúng có thể đánh hơi nhận ra những điểm khác biệt rất nhỏ của các loại chất đốt."
Cát Sơn càng nghe càng thấy khó hiểu, anh hít một hơi thật sâu, nhưng lập tức ho dữ dội. Vận dụng khứu giác không phải là cách để giám định. Anh hỏi, "Ý anh là có ai đó tưới xăng dầu ra sàn rồi phóng hỏa à?" Lòng càng cảm thấy không sao hiểu nổi.
Suốt quá trình kẻ xấu khống chế con tin, đương đầu với cảnh sát, Cát Sơn đều có mặt ở hiện trường. Anh chứng kiến vụ nổ và lửa bốc ra đều xuất phát từ tầng hai, liệu có phải kẻ xấu đã tưới xăng ở bếp trước, sau khi xảy ra vụ nổ tầng hai chúng mới chạy xuống bếp để châm lửa? Có lẽ chỉ có thể giải thích như vậy, nhưng gần như là vô lý, không thể xảy ra. Nổ, rồi cháy, bọn tội phạm cũng chỉ là người, chạy tháo thân và trốn cảnh sát còn chẳng kịp nữa là! Chúng không thể lại vòng xuống bếp để phóng hỏa. Huống chi, lầu đã cháy rồi, hà tất vẽ rắn thêm chân?
Hình Thụy An ngồi xổm xuống, soi đèn pin tìm kiếm trên mặt sàn, "Nếu đúng là có kẻ tưới xăng dầu từ trước, thì chẳng thể tìm được nhiều xăng dầu còn sót lại sau vụ cháy dữ dội như vậy. Nhưng nếu tìm kỹ thì có thể vẫn phát hiện ra chút ít đọng ở các góc tường, khe nứt của sàn..."
Nhưng Cát Sơn biết, nhà bếp này mới được tân trang, khó lòng tồn tại những kẽ nứt cho nguyên liệu cháy đọng lại. Trên sàn có một số vết nứt nhưng là do hậu quả của vụ nổ hoặc các vật dụng rơi xuống đất gây ra, xăng dầu bám trên sàn cũng đã cháy hết cả rồi.
Nhà bếp mới tân trang. Xăng dầu còn sót lại. Nhà bếp mới tân trang!
Cát Sơn bỗng nảy ra một ý, anh nhìn khắp nhà bếp đã được cơi nới mở rộng, diện tích lên đến bảy mươi mét vuông (thông thường, nhà bếp ở lầu Ba Khắc chỉ rộng ba mươi mét vuông), và chú ý đến một bồn nước to ở góc phía Đông Bắc. Nhà bếp này có hai bồn nước kích cỡ vừa phải, nhưng anh để ý đến cái bồn thấp hơn, đáy bồn cách mặt đất chừng nửa mét, rộng và sâu gấp đôi chậu rửa thông thường. Có thể dùng để rửa một lượng khá nhiều rau, thực phẩm. Anh bước lại gần. Trên nền nhà bên dưới bồn nước có một đám tro bụi, gần đó có một thanh kim loại, có lẽ vốn là cái cán chổi quét sàn hoặc lau sàn. Anh cúi xuống gạt đám tro ấy sang bên, rồi hào hứng gọi, "Anh Hình Thụy An!"
Bên dưới là một lỗ thoát nước, nắp chắn rác vẫn còn, nó đã bị lửa hun xám xỉn.
Hình Thụy An không đáp. Cát Sơn nhận ra mình hơi hấp tấp, vẫn đeo nguyên mặt nạ. Anh liền gỡ mặt nạ ra, rồi gọi lại. Lần này Hình Thụy An bước đến, soi đèn pin xuống. Bên dưới nắp chặn rác là một thứ chất lỏng.
"Anh đã tìm thấy báu vật rồi đấy!" Giọng Hình Thụy An cũng phấn khởi. "Lúc này có thể sơ bộ phán đoán rằng, lớp váng ở phía trên chính là dầu diesel!"
Cát Sơn đứng dậy lấy di động, bước ra sau bếp gọi Ba Du Sinh.
"Anh Sinh! Bút lục của các anh sẽ khó ghi chép mất rồi! Tình hình đang trở nên phức tạp. Lửa cháy ở bếp là do bị phóng hỏa."
Hai tiếng hai mươi lăm phút sau khi xảy ra vụ án, tại phòng hồi sức ICU bệnh viên Nhân Dân số 6 Giang Kinh.
Tôn Nguyên Hổ đau quá tỉnh lại, rên rỉ, rồi lại lịm đi.
Cậu vẫn nhớ rõ bác sĩ nói với mình và một cảnh sát - rất có thể chỉ là nói với cảnh sát - rằng mình bị bỏng 20% toàn thân, bỏng độ 2. Cậu không dám tin ở tai mình nữa.
Chỉ 20% thôi ư? Sao mình có cảm giác 120% toàn thân đang bị thiêu đốt, chảy mủ và sưng vù?
Có cha mẹ làm chứng, từ bé cậu đã gặt hái lắm "thành tích" và cũng vì thế mà hôm nay bị cháy đến nông nỗi này chăng? Từng nghịch ngợm đủ trò, trèo tường ngã gãy cánh tay, đá bóng bị gãy chân, đánh nhau bị giập sống mũi, xuống sông bơi suýt chết đuối... nhưng chưa lần nào khốn khổ như hôm nay bị lửa thiêu.
Tra tấn kinh khủng thế này không ai chịu nổi.
Nửa tỉnh nửa mê, nhưng Tôn Nguyên Hổ vẫn cảm thấy có người đi lại bên giường, khẽ nói, lửa cháy rần rật trong nhà bếp... cảm giác như mình đang trở lại Tiêu Tương, ngửi thấy mùi dầu diesel khét lẹt.
Dầu diesel ở đâu ra? À, nhớ ra rồi. Mình đang bị cháy, cảnh sát cứu hỏa lao qua đám khói lửa phun bọt dập lửa... một cái kìm to cắt luôn còng tay... mình bị bốc dậy, chơi vơi... được một cảnh sát cứu hỏa cõng lên, rồi đi xuống cầu thang. Có người hô lớn, "Nhà bếp cháy rồi!"
Sao lại thế? Tầng hai bị cháy kia mà? Đại sảnh ở tầng hai là nơi những người giàu có nâng cốc, là nơi ẩn chứa những trò bẩn thỉu...
Nhà bếp là đất thánh, là căn cứ địa của mình và sư phụ Lý Vạn Tường. (Không tính Tạ Nhất Bân vào đây, hắn chẳng để tâm học nghề nấu ăn.) Mùi dầu diesel nồng nặc xộc vào mũi Tôn Nguyên Hổ. Tuy sống mũi từng bị giập nhưng vẫn rất thính, ngay bác Tường cũng phải khen ngợi "chú em có cái mũi của một vua bếp".
Tôn Nguyên Hổ vẫn còn nhớ mình đã xách cái thùng sắt chứa 10 cân dầu diesel từ cửa sau xe tải chở hàng đi một lèo vào gian chứa đồ của nhà bếp. Cậu còn hỏi bác Tường cần dầu diesel để làm gì. Tạ Nhất Bân đứng bên cười nhạt nói đế vào: Hổ Bì không biết à, ở đây có hai loại bếp, bếp gas và bếp dầu, nếu gas trục trặc thì châm bếp dầu. Cho nên phải dự trữ dầu đun.
Tôn Nguyên Hổ không ưa tính khí quái dị của Tạ Nhất Bân, đôi khi chỉ muốn nện cho một trận. Nhưng thật ra Tạ Nhất Bân không phải kẻ xấu, cậu đành tặc lưỡi không chấp anh ta. Đành thế vậy, thường là người khác không chấp cậu, nay cậu đụng phải một gã quái hơn cả mình.
Mùi dầu khét lẹt, lửa cháy rừng rực. Bỏng rát. Đau kinh khủng!
Khi tỉnh lại lần nữa, Tôn Nguyên Hổ nhớ ra lúc ấy vẫn còn mùi dầu xào nấu. Mùi dầu ăn và mùi dầu diesel khác hẳn nhau, mùi dầu ăn không kinh khủng khé mũi như mùi dầu diesel. Sực nhớ đến cái thùng dầu ăn 20 cân đặt dưới bể nước cũng là do mình xách vào, cậu bỗng rùng mình run rẩy và hiểu ra, tại mình xách nhiên liệu vào nhà bếp, nếu không đã không bị hỏa hoạn, nhà bếp sẽ không bị cháy dữ dội như thế. Thật là xót xa!
Lại đau, rồi ngất đi. Trong mơ, Tôn Nguyên Hổ nhìn thấy một cái bóng mờ mờ đứng bên giường, cúi nhìn mình, cứ như thần chết đang hỏi thăm kẻ hấp hối.
Ông là ai?
Ta là ai cũng thế. Cảnh sát đã gặp anh hỏi chuyện chưa?
Chưa. Họ biết rằng tôi không thể trả lời.
Nếu họ tìm anh, anh biết nên trả lời sao rồi chứ?
Tại tôi xách dầu vào, dầu diesel và dầu ăn bị cháy.
Nói vớ vẩn gì thế?
Tôi nói thật mà!
Anh không được phép nói thật.
Đới Thế Vĩnh
Trước khi đến Tiêu Tương dùng cơm, Đới Thế Vĩnh đã chuẩn bị xong bài vở kế mưu chu đáo tỉ mỉ để thực hiện kế hoạch suôn sẻ. Anh ta biết, đây là cơ hội hiếm có và sẽ trôi đi rất nhanh. Vụ cướp phải được thực hiện gọn gàng, thành công.
Trong lĩnh vực nhập khẩu năng lượng, "cướp" là danh từ hài hước chỉ sự trấn lột nồi cơm của các đại gia năng lượng bản địa. Gần hai năm nay đã xảy ra vô số vụ cướp như thế này. Ví dụ, than đá nội địa chất lượng chỉ tầm tầm mà giá thì cao, than nhập khẩu chất lượng hơn hẳn, giá lại không đắt, cho nên nảy sinh cạnh tranh và tình hình nhanh chóng nóng lên.
Đới Hướng Dương là một trong các đại gia năng lượng truyền thống, khởi nghiệp từ khai mỏ than nho nhỏ tiến lên thành một tập đoàn lớn, và rất có đầu óc so với các đồng nghiệp, ông ta đã nhìn ra hậu quả sinh tử khi giao đấu với năng lượng nhập khẩu, ít ra sẽ là cả hai bên cùng bị thương nặng, và có khả năng rất lớn là nội địa phải bỏ của chạy lấy người. Cho nên ông ta bắt đầu tính kế lâu dài, bắt tay hữu hảo với đám hậu sinh như Đới Thế Vĩnh và những người đối lập của mình, thông qua Yên Vệ Bình, chấp nhận tiếp xúc với Đới Thế Vĩnh vào ngày khai trương hội quán Tiêu Tương, thậm chí gọi cả người cùng hùn vốn là Lương Tiểu Đồng gặp gỡ để cùng làm quen.
Nhưng, với Đới Thế Vĩnh thì lại là một mũi tên bắn hai con chim.
Lương Tiểu Đồng tuy chỉ là nhà giàu thế hệ thứ hai, ý chí và năng lực đều có hạn, nhưng tập đoàn Phong Hành của Lương Quân ông già anh ta làm về năng lượng, tập đoàn ấy sớm muộn gì cũng do Lương Tiểu Đồng tiếp đồng, Đới Thế Vĩnh làm quen chính là để gieo xuống hạt giống hợp tác trong tương lai.
Tuy gọi là "bữa trưa", nhưng bắt đầu từ 10 giờ rưỡi. Trước tiên uống trà, sau đó nâng ly uống rượu. Ngồi trò chuyện với Lương Tiểu Đồng một lúc, Đới Thế Vĩnh mới nhận ra "ông chủ nhì" này non kém hơn hẳn mình hình dung, anh ta chẳng hề hào hứng với rất nhiều cơ hội làm ăn mà Đới Thế Vĩnh nêu ra trong bữa ăn, thậm chí anh ta sắp ngủ gật và đã vài lần viện cớ cần sang hai lầu Đông Tây "thăm hỏi các hội viên mới" để đứng lên bước ra ngoài, chắc chỉ là xuống tầng trệt tán tỉnh con bé xinh xắn ở quầy lễ tân.
Tất nhiên, Đới Thế Vĩnh cũng có vài lần phải rời bàn ăn vì di động để trong cặp đổ chuông, đó là những cú điện thoại liên quan đến làm ăn, các khách hàng mới muốn được tư vấn, hoặc các giao dịch về chuyển khoản, về vận tải đến cảng... Đới Thế Vĩnh mới thành lập công ty, tuy đã hoàn tất thành công vài thương vụ nhưng hiện giờ quy mô vẫn chưa đáng kể, chỉ có vài phụ tá, nên một số vấn đề then chốt anh ta vẫn phải đích thân giải quyết.
Đới Thế Vĩnh thuộc dạng người mà nếu anh ta có mặt thì không lo không khí nguội lạnh, mỗi lần nghe điện thoại xong trở lại bàn ăn, nhét di động vào cặp là anh ta hỏi ngay, "Chú ơi, chúng ta nói đến đâu rồi nhỉ?"
Tuy là đồng hương với Đới Hướng Dương, nhưng Đới Thế Vĩnh rất "thuộc bài", không nói toạc ra điều ấy ngay, mà sử dụng giọng quê nhà Thiểm Tây để Đới Hướng Dương tự phát hiện, sẽ càng tự nhiên và không bị ngờ rằng có mưu đồ gì đó. Thật ra chưa thể nhận định Đới Thế Vĩnh có mưu đồ, anh ta chỉ tương đối yêu nghề và hăm hở làm ăn.
Về việc hợp tác với tập đoàn Hâm Viễn của Đới Hướng Dương, hai bên cùng có lợi ra sao, Đới Thế Vĩnh cũng đã suy tính trước rồi. Chi tiết thì nhiều nhưng định hướng chung đơn giản là: Hâm Viễn có thực lực về vốn sẽ lo nhập khẩu các nhiên liệu giá rẻ như than đá, dầu mỏ thậm chí nhập khẩu kim loại màu, sau đó nâng giá, bán cho đám khách hàng lớn mà Hâm Viễn đã tạo dựng bấy lâu, khách hàng của Hâm Viễn cũng được hưởng lợi vì giá mềm, sẽ tiếp tục được Hâm Viễn phục vụ, vai trò của Đới Hướng Dương không đổi, vẫn là ông lớn trung gian, ăn lãi ít cũng không sao vì bán hàng với số lượng lớn, vẫn no bụng chán. Ba cái lợi.
Yên Vệ Bình tò mò hỏi, cậu Vĩnh còn trẻ sao đã có thể móc nối được với các chủ hàng ngoại quốc? Đới Thế Vĩnh đáp là nhờ tiếng Anh và mạng internet. Hồi nhỏ, anh ta đã theo làm tiếp thị cho một bậc thầy chuyên buôn đi bán lại, về sau lại chạy việc cho một công ty, mà công ty ấy là một trong những đơn vị đi đầu về nhập khẩu năng lượng.
Đới Hướng Dương cười hỏi, "Cậu học lỏm à?"
Đới Thế Vĩnh cũng mỉm cười, "Phải! Đời tôi chỉ làm một việc ám muội duy nhất là học lỏm. Tôi quan sát họ tìm khách hàng ra sao, nói chuyện với đối phương như thế nào, rồi đến các thủ tục thông quan, đón tàu thuyền ra sao. Thoạt đầu họ nói gì tôi cũng như vịt nghe sấm, vì họ nói tiếng Anh." Đới Thế Vĩnh kể rằng từ đó anh ta bắt đầu chuyên tâm học tiếng Anh. Vì chưa bao giờ học đại học, không được thầy giáo có ngữ âm chuẩn phụ đạo cho, Đới Thế Vĩnh tự chế nhạo rằng tiếng Anh của mình hiện nay là thứ "tiếng bồi" sặc mùi Thiểm Tây.
Mọi người đều phì cười.
Chỉ có Lương Tiểu Đồng không cười. Anh ta đang mở di động ra xem WeChat nên bỏ lỡ đoạn đối thoại của họ. Hình như cảm thấy hơi lạc lõng, Lương Tiểu Đồng đứng lên nói đang vào giờ bữa trưa nhộn nhịp, phải sang hai lầu Đông, Tây để làm công tác "giới thiệu hội viên", không rõ là "giới thiệu Tiêu Tương với các hội viên tương lai" hay là "giới thiệu một số thực khách làm hội viên gia nhập hội quán". Không rõ. Nhưng thôi đành, vì anh ta cũng như mình, đều là thế hệ 8x đáng yêu.
Lương Tiểu Đồng ra ngoài không lâu thì bụng Đới Thế Vĩnh bỗng nhiên tưng tức, nhắc anh ta phải đi vệ sinh. Cảm thấy nếu đứng dậy luôn thì dở, sẽ khiến bầu không khí bị hẫng, nên Đới Thế Vĩnh muốn chờ Lương Tiểu Đồng quay lại đã. Nhưng chỉ cố nhịn được một lúc, không thể chống lại quy luật tự nhiên, Đới Thế Vĩnh đành "xin phép" Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình vậy.
Đại sảnh này có một gian vệ sinh nhỏ khép kín, nhưng Đới Thế Vĩnh cần "đi nặng" và cảm thấy mình sẽ gây ra "tiếng ồn và nặng mùi", nên tế nhị đi ra nhà vệ sinh ở tận cuối hành lang tầng hai để giải quyết.
Ở tầng hai, ngoài đại sảnh còn có một gian nhỏ, cô gái tiếp tân đã giới thiệu đó là phòng nghỉ. Cũng như các gian khác của Tiêu Tương, nó cũng được đặt tên riêng, là "Như Mộng Lệnh". Đi qua phòng nghỉ sẽ đến nhà vệ sinh. Đới Thế Vĩnh bước vào, khóa cửa lại, ngồi xuống bệ xí... chắc khỏi cần đi vào chi tiết. Đại khái là nếu nhất định phải miêu tả, thì diễn biến trong nhà vệ sinh là "đúng như suy đoán".
Đang ngồi trên bệ xí, Đới Thế Vĩnh nghe thấy một tiếng súng. Nhưng rồi anh ta biết mình đã nhầm. Vì sau đó là tiếng pháo nổ không ngớt, cho nên tiếng "đoàng" thứ nhất hình như cũng là tiếng pháo.
Đi vệ sinh xong, Đới Thế Vĩnh chỉnh đốn quần áo, rửa tay. Đột ngột nghe thấy tiếng hô, "Cấm nhúc nhích!"
Tiếng phổ thông rất chuẩn. Hình như từ đại sảnh vọng đến.
Rồi một tiếng "ôi..." ré lên. Đoán là tiếng cô phục vụ bàn ở đại sảnh, một cô gái hiền hòa, rất tận tình chu đáo.
Tiếp đó là nhiều tiếng kêu, tiếng hét, Đới Thế Vĩnh nghe không rõ nhưng cũng không dám mở cửa thò đầu ra.
Chỉ còn cách cứ đứng trong này, tim đập thình thịch mà suy đoán.
Bị cướp rồi!
Ngày trước đi theo sư phụ bán thuốc giả kiếm chác, hai thầy trò đã từng bị trấn lột mấy lần. Còn nhớ lần đầu đi xe khách bị kẻ cắp lục soát, Đới Thế Vĩnh sợ đứng tim. Hai lần sau, anh ta đã bình tĩnh hơn, tim vẫn đập nhanh nhưng cũng đã ở trạng thái tỉnh táo, nhanh nhẹn. Rồi rút ra một kinh nghiệm nhỏ là trước mặt họng súng thì nên co mình lại, bị hỏi phải trả lời, dốc túi nôn tiền ra, sau đó "quên đi", coi như mù như điếc.
Phải báo cảnh sát.
Chết thật! Di động vẫn nhét trong cặp.
Chỉ tại cái loại điện thoại thông minh đáng chết này!
Ngày trước dùng di động bé tẹo vừa lòng bàn tay, dù để nói, nghe và nhắn tin, anh ta cũng luôn nhét túi quần như bao thanh niên khác. Ngày nay di động thông minh, lắm chức năng, màn hình to, tuy vẫn có thể nhét túi quần nhưng với người chạy suốt ngày như Đới Thế Vĩnh thì không tiện, riêng năm ngoái anh ta đã đánh mất hai cái (do trồi ra khỏi túi quần rồi rơi mất), thế là chuyển sang túi dết da và nhét di động vào đó. Lấy ra dùng tuy phiền toái nhưng vẫn còn hơn là năm ngày ba bận phải mua cái mới.
Đới Thế Vĩnh gõ trán nghĩ ngợi, cảm thấy rất hối hận. Nếu lúc này có di động thì báo cảnh sát, tuy chẳng phải cử chỉ anh hùng nhưng ít ra cũng là một chút cống hiến. Lúc này đành đứng trong bầu không khí xú uế chờ đợi, mong sao bọn cướp đừng vào đây lục soát và cũng đừng mót đi vệ sinh.
Thử nghĩ mà xem, cướp chuyên nghiệp thì trước khi hành động phải giải quyết xong xuôi đại sự như bài tiết rồi chứ, đúng không? Và còn phải chú ý không uống nhiều trà hoặc cà phê, không ăn các đồ tươi sống, cá gỏi, hàu tươi... để tránh thúc đẩy quá trình tiêu hóa và nhu động ruột, đúng không?
Chẳng rõ thời gian trôi đi bao lâu, thật ra cũng chẳng thiết xem giờ. Đới Thế Vĩnh nghe văng vẳng tiếng bước chân đi về phía đầu xa nhất của hành lang.
Thật ra, những ai đã hiểu về kết cấu của lầu Ba Khắc đều biết rằng, vì diện tích tổng thể đặc biệt là chiều rộng tòa nhà hạn chế, nên hành lang thường chỉ dài bốn năm mét là cùng, vì vậy đầu xa nhất của hành lang cũng chẳng xa tí nào.
Đầu xa nhất của hành lang chính là nhà vệ sinh này.
"Két..." một tiếng. Cánh cửa chếch đối diện mở ra.
Đới Thế Vĩnh dựa vào trí nhớ và âm thanh để phán đoán, đó chính là phòng nghỉ có tên "Như Mộng Lệnh".
Bọn cướp đã thấm mệt hay sao, mà tranh thủ vào đây chợp mắt?
Anh ta bỗng thấy căng thẳng. Bọn cướp vào đó đương nhiên không để nghỉ ngơi, mà là lục soát bằng hết, sợ bỏ sót ai đó. Cho nên, khu vực hôi hám mà Đới Thế Vĩnh đang ẩn náu sẽ là điểm lục soát tiếp theo.
Ví tiền, di động và chìa khóa ô tô đều để cả ở trong cặp da. Nếu kẻ này tóm được mình thì chỉ còn cách thí cho hắn chiếc đồng hồ đeo tay mới dùng ba năm, hàng nhái Oméga, đồ giả nhưng chạy rất chuẩn, đại ca dùng tạm vậy!
Nhưng, kỳ lạ thật, mấy phút trôi qua mà không ai vào đây.
Khi Đới Thế Vĩnh đang dần bớt căng thẳng, cho rằng giây phút nguy hiểm nhất đã qua thì cửa nhà vệ sinh bị đạp tung ra.
Nếu sớm biết kẻ này cầm súng trường tự động thì anh ta đã không nhảy ào ra tấn công hắn. Còn tên cướp, trước khi đạp cửa đã tính đến khả năng bên trong có người nên né ngay sang bên, làm hai tay Đới Thế Vĩnh xẹt qua áo hắn, vồ hụt, mất thăng bằng chúi người tới trước. Tên cướp bồi cho một báng súng vào lưng làm anh ta đau thấu tim, Đới Thế Vĩnh ngã sóng soài trên mặt đất.
Không một giây lơi lỏng, tên cướp giẫm chân lên gáy Đới Thế Vĩnh, làm anh ta đau đến nghẹt thở. Vì vẫn chưa nhìn thấy khẩu súng của hắn, Đới Thế Vĩnh tiếp tục chống cự như một bản năng, đưa tay lên định kéo chân hắn ra. Tên cướp thở dài, hình như thương hại đối phương hành động vô ích và buồn cho thảm án sắp xảy ra đến nơi, hắn tóm luôn tay trái của Đới Thế Vĩnh, bẻ ngoặt lên trên. Lại đau thấu tim, buốt lên tận óc. Đới Thế Vĩnh nhận ra cánh tay mình đã không còn là của mình nữa.
Trật khớp.
"Được rồi! Mày đã chứng minh với tao rằng mày không phải tay vừa, đúng không? Mày không chỉ ị cực thối mà còn dám ra đòn với súng tự động nữa! Mày giỏi nhất rồi!"
Đoạn hắn lôi tù binh mới về đại sảnh.
Thoạt tiên, Đới Thế Vĩnh ngỡ sẽ phải chứng kiến vẻ hy vọng chuyển thành thất vọng trên mặt mọi người, nhưng đa số bọn họ đều đang quay mặt vào tường, nên chẳng trông thấy gì cả.
Điện thoại không thông minh ơi, anh nhớ mày!
Khoảng hai tiếng ba mươi phút sau khi xảy ra vụ án, tại phòng làm việc tạm thời của ban chuyên án vụ cướp hội quán Tiêu Tương.
"Vậy là anh nhìn thấy cả thảy mấy tên?" Khương Minh hỏi.
"Hai tên. Một tên đã ở đại sảnh lầu chính canh gác các con tin, tên kia là tên gay đã bẻ trật khớp cánh tay tôi."
"Gay?"
"Hề hề..." Đới Thế Vĩnh cười. "Nói đùa thôi. Hai đàn ông xoắn lấy nhau trong nhà vệ sinh, chẳng phải gay thì là gì?"
Khương Minh định bảo: anh hãy nghiêm túc đi! Nhưng không nỡ vì thấy anh ta đang bị thương đeo băng treo cánh tay. Đới Thế Vĩnh kể lại sự việc một cách thoải mái và dí dỏm, không như Tạ Nhất Bân chỉ cố soi mói châm chích người ta, nhưng quá hồn nhiên thì cũng không cần thiết.
Ba Du Sinh hỏi, "Lúc trở lại đại sảnh, anh có chú ý đến khu nhà bếp không?"
Đới Thế Vĩnh ngẫm nghĩ, rồi nói, "Tôi chỉ chú ý nhìn hai người, đều mặc đồng phục, một người cao to mặc đồng phục bảo vệ, ngồi ở chân tường cứ như đang hết hơi, chân loang lổ máu chưa được băng bó. Tôi nói, 'Các người cướp đã đành, nhưng nên có chút nhân đạo, băng bó cho người ta thì hơn.' Hậu quả là bị thằng gay ấy đạp cho một phát. Sau đó hắn còng chung tay phải tôi với tay trái của anh bảo vệ, tay phải anh ta thì đang bị còng với tay trái của cô gái ở quầy tiếp tân. Những gã này nếu làm hậu cần, mua sắm, sử dụng trang thiết bị... sẽ rất biết tận dụng vật tư! Và một người nữa hơi có tuổi, mặc bộ đồ trắng của đầu bếp. Ông ta nằm co ro, bất động, cứ như đã chết rồi, bị còng hai tay. Có phải đó là bếp trưởng mà các anh nhắc đến không? Bên cạnh còn có hai người mặc đồ trắng nữa, tuổi tác chênh nhau nhưng đều còn trẻ, chắc không thể là bếp trưởng rồi."
Ba Du Sinh, "Được rồi! Anh kể tiếp đi?"
"Sau đó, chúng làm một việc hết sức quái dị, chúng lục lọi trên bàn, chọn ra một chiếc di động đưa cho anh phục vụ bảo gọi điện báo cảnh sát. Tôi nghĩ bụng: hôm nay gặp phải hai con bệnh trốn khỏi nhà thương điên hay sao? Đời thuở nào ăn cướp rồi lại chủ động báo cảnh sát? Nhưng tôi lập tức nhận ra mình rất ấu trĩ, mình chưa có kinh nghiệm phạm tội. Hai tên ấy chủ động báo cảnh sát, tất nhiên có mục đích, nhằm tạo ra một vụ khống chế con tin, ra điều kiện mặc cả với nhà nước phải chiều ý chúng, vẫn thường thấy trên phim ảnh là thế... Chờ xe cảnh sát hú còi chạy đến bắc loa kêu gọi đầu hàng, chúng lại làm một việc quái dị nữa: bắt Lương Tiểu Đồng nhắn tin cho cảnh sát. Nội dung tin nhắn, tôi không biết, chỉ nghe thấy chúng nói đến hai chữ 'thương lượng'. Nhưng chẳng thấy thương lượng gì hết, cả đám ngồi đợi suông mà không biết phải đợi cái gì. Cuối cùng mới hiểu chúng đợi một cô gái tên là Na Lan."
Khương Minh hỏi, "Anh hãy nói về nội dung trao đổi giữa Na Lan và bọn chúng, chúng định đưa ra điều kiện như thế nào?"
"Điều này thì tôi không biết. Chúng tôi đều phải quay mặt vào tường, thỉnh thoảng nhìn trộm, nếu chúng phát hiện ra thì ăn đòn luôn. Nhưng tôi cũng nghe thấy Na Lan khuyên chúng đầu hàng, hứa rằng sẽ nói đỡ cho chúng phần nào, cô ấy còn hỏi chúng muốn điều kiện ra sao thì sẽ truyền đạt hộ. Một tên nói: bọn tôi không cần gì cả, hoặc nói cách khác, thứ mà chúng tôi muốn có e rằng không thể có được, nên đành phải liều! Na Lan không nói gì nữa. Cũng chẳng thể trách cô ta. Thực ra tôi cũng ù ù cạc cạc không hiểu. Về sau, một tên cướp - nói giọng miền Nam, là tên đã đánh tôi bị thương - đưa Na Lan sang phòng nhỏ bên cạnh lầm rầm trao đổi, nói gì thì không ai nghe rõ." Đới Thế Vĩnh cúi đầu, người giật lên.
"Anh sao thế?" Ba Du Sinh hỏi.
"Không sao, không sao." Đới Thế Vĩnh hít vào một hơi thật sâu, rồi thở ra. "Được, tôi nói thật, vì nhớ đến các sự việc xảy ra sau đó, tôi lại thấy hơi hoảng loạn."
Cả ba cảnh sát đều im lặng, không truy hỏi tại sao.
Khi ghi bút lục ba người trước đó, họ đều gặp tình huống tương tự: ba người ấy nói đến đoạn cuối cùng tức là vụ nổ và hỏa hoạn, đều tỏ ra kinh hãi hoang mang. Đúng là những hình ảnh ghê rợn không nên nhắc lại, vụ nổ ấy là một trải nghiệm cận kề cái chết của mọi người có mặt. Đới Thế Vĩnh tuy mồm mép tép nhảy, không ngớt hài hước nhưng khi nhắc lại giây phút bạo lực kinh hoàng ấy thì vẫn không thể bình tĩnh nổi.
"Ông Đới Hướng Dương... muốn tự sát." Đới Thế Vĩnh hít sâu một hơi, "Nhưng còn định kéo cả bọn chúng tôi chết theo."
Cả căn phòng lại chìm vào im lặng.
Đới Thế Vĩnh tiếp tục độc thoại, "Chắc các anh sẽ nghĩ rằng tôi rất nghiệt ngã, phải không? Vì tôi kết luận rất vô căn cứ như thế về một người vô tội bị hại, với con người mà tôi gọi là chú... Tại sao ông ấy chết, tại sao tôi nói ông ấy tự sát? Nhưng nếu các anh hỏi kỹ, thì rất có thể cũng sẽ có kết luận như tôi. Trước đó tôi và ông ấy ngồi ở bàn ăn nói chuyện về nghiệp vụ và khả năng sẽ hợp tác... đều là những đề tài thông thường trên thị trường, tôi vẫn quan sát phản ứng của ông ấy. Tôi công nhận rằng mình có những ưu nhược điểm về chuyện quan sát người khác, tôi rất thẳng thắn, vì việc quan sát sẽ... chắc các anh cũng biết rồi, tức là nhìn vẻ mặt và nghe cách nói năng. Dù là vẻ mặt hay cách nói, tôi đều rất sát sao. Quan sát đối phương là kỹ năng cơ bản của người kinh doanh bán hàng. Nhiều khi một thương vụ thành bại ra sao rất phụ thuộc vào năng lực của người tiếp thị đánh giá đối phương và nắm bắt thời cơ..."
Khương Minh có vẻ sốt ruột, ngắt lời, "Anh Đới Thế Vĩnh..."
"Xin lỗi, tôi hơi lan man. Tôi định nói rằng, mục tiêu của tôi khi đến bữa ăn đó là chốt được sự hợp tác với tập đoàn Hâm Viễn, được Đới Hướng Dương tin cậy và thiện cảm. Cho nên tôi chăm chú quan sát ông ta, sắc mặt, ánh mắt, và thái độ khi nói chuyện, đánh giá mức độ hứng thú của ông ta đối với sự hợp tác. Nhưng kết quả thì... các anh đoán xem, tôi nhận ra điều gi?"
Ba Du Sinh, "Chúng tôi thời gian hạn hẹp, và cũng muốn nhanh chóng kết thúc để anh được nghỉ ngơi nhiều hơn. Anh cứ nói luôn đi."
"Được." Dù quan sát Đới Hướng Dương như thế nào, anh ta vẫn tỏ ra hào hứng. "Tôi nhận thấy ông ta mệt mỏi, cũng là điều bình thường thôi, vì một tổng giám đốc tập đoàn lại không mệt mỏi tức là không ham công việc. Tôi còn nhận ra ông ta không hứng thú với các nghiệp vụ mà tôi nêu ra, cũng là bình thường, tôi vẫn tự tin vào khoa nói của mình. Nhưng điều tôi thấy rõ nhất là thái độ thờ ơ lạnh nhạt với cuộc sống, công việc và sơn hào mỹ tửu trước mặt hình như chỉ là phù vân với ông ta. Ánh mắt ông ta thậm chí bi ai, cứ như đã linh cảm thấy sau nửa giờ nữa tất cả sẽ tan thành mây khói."
"Được! Tôi tin rằng anh quan sát rất nhạy bén sắc sảo nhưng nếu chỉ dựa vào ánh mắt và vẻ mặt thì rất khó mà..." Ba Du Sinh không biết nên làm gì để đánh loãng trí tưởng tượng dâng trào của Đới Thế Vĩnh.
"Đúng là những điều này không thể coi là chứng cứ gì cả, nhưng còn cách nói năng của ông ta nữa. Tôi đã nói lúc trước rằng ông ta rất hứng thú muốn hợp tác với tôi. Việc ông ta dành thời gian để tiếp kiến một nhà buôn nhỏ như tôi nhân ngày khai trương hội quán Tiêu Tương chứng tỏ điều đó. Nhưng khi nói đến tương lại, thì ông ta đã vài lần nói rằng Yên Vệ Bình sẽ tổ chức tập đoàn Hâm Viễn thế này, thế kia... Vệ Bình là cháu rể ông ta, các anh đã biết rồi, hoặc ông ta nói: e rằng tôi không đợi đến cái ngày ấy nhưng Vệ Bình và Hâm Viễn sẽ thế này thế khác. Nghe có vẻ như Yên Vệ Bình sẽ là người kế thừa Hâm Viễn, điều này thì ai cũng đã biết cả, nhưng hãy nghĩ kỹ mà xem, tại sao ông ta nói không thể đợi đến cái ngày ấy? Tại sao lại tách mình ra khỏi Hâm Viễn? Bấy giờ tôi không đào sâu suy nghĩ nhưng kết hợp với hành động về sau của ông ta, thì rõ ràng là ngụ ý rằng mình chẳng sống được bao lâu nữa, khi ngồi cùng bàn ăn, ông ta đã có ý tìm đến cái chết. Chẳng ai biết ban đầu ông ta dự định thế nào nhưng vụ cướp bất ngờ xảy ra hôm nay đã cho ông ta một cơ hội rất tốt."
Cả ba cảnh sát không thể hiện thái độ gì. Khương Minh hỏi, "Anh kể rõ xem, Đới Hướng Dương đã làm những việc gì?"
Đới Thế Vĩnh uống một ngụm nước, dường như chìm trong suy tưởng, sau đó nói, "Nên bắt đầu từ đâu nhỉ... À, một tên cướp đang thương lượng với Na Lan trong gian phòng nhỏ." Anh ta nhìn lên trần nhà, cố nhớ lại. "Không rõ họ thương lượng bao lâu. Tôi ngồi quay mặt vào tường, vì tay bị trật khớp nên đau lắm, chỉ muốn chết. Bỗng phía sau như có loạn, khiến tôi tỉnh hẳn. Rồi loảng xoảng một hồi, kính cửa sổ vỡ tan, thật kỳ quái, tôi ngoảnh lại nhìn, thấy Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình đã nhảy bổ vào tên cướp, vồ mấy lần đều trượt vì hắn né tránh, nhưng rồi họ cũng đè được hắn xuống đất. Lúc đó cả gian nhà trở nên hỗn loạn, ai cũng la oai oái. Tôi nghe thấy Đới Hướng Dương hét lên: đồ khốn nhà mày có súng chứ gì, sao không bắn đi? Mày có giỏi thì bắn cụ mày xem? Chính câu đó khiến tôi nghĩ ông ta có ý tự sát."
Ba Du Sinh và Khương Minh nhìn nhau. Lần đầu tiên hai anh nghe nói điều này.
"Trước khi anh kể tiếp, tôi muốn hỏi nhanh một câu: giả sử phán đoán Đới Hướng Dương muốn tự sát là chính xác, thì trước đó, khi đang ngồi ăn, trong lúc nói năng ông ta có hé lộ câu nào thể hiện ý định này không?" Ba Du Sinh nhớ rằng có lần Na Lan đến Sở Công an tư vấn, cô nói bất cứ ai định tự sát đều có một vài dấu hiệu báo trước, ngầm ngụ ý thậm chí nói thẳng nguyên nhân khiến cho mình phẫn uất rồi nghĩ quẩn, còn người nghe có nhận ra dấu hiệu hay không lại là chuyện khác. Đới Thế Vĩnh hồi tưởng sự việc, cảm nhận rằng Đới Hướng Dương muốn tự sát, vậy cảnh sát nên gắng tìm hiểu nguyên do khiến ông ta chán sống.
Đới Thế Vĩnh, tay mân mê cái băng đeo cánh tay trật khớp, nghĩ một hồi rồi lắc đầu, "Con người ông ta... có lẽ là gừng càng già càng cay thật, ông ta không tùy tiện bổ bã thiếu chọn lọc nghĩ sao nói vậy như tôi. Tôi và ông ta nói chuyện gần một tiếng đồng hồ, tôi phun ra cả mấy đời tổ tiên nhà mình, mà ông ta thì rất ít nói về bản thân, không kể lể lịch sử phất lên, không nói về các thành viên gia đình và càng không tâm sự các vấn đề tâm lý của mình."
Ba Du Sinh, "À, nhắc đến vấn đề tâm lý... Tôi muốn anh nhớ lại một vấn đề có thể là rất khó, mong anh chuẩn bị. Anh hãy kể về cảnh vụ nổ đó?" Mấy người đã ghi bút lục khi trước, lúc kể về vụ nổ, ít nhiều đều rối trí, không ai chủ động miêu tả cảnh tượng chết người ấy. Ba Du Sinh rất thông cảm, đương nhiên không thể trách gì họ. Thụ động chứng kiến một vụ nổ là cơn ác mộng không bao giờ quên. Đó là một cảnh tượng đáng sợ ám ảnh họ suốt đời. Hai tiếng đồng hồ sau vụ nổ kinh hồn, những người may mắn sống sót đều muốn xóa sạch dấu ấn về nó, chứ mấy ai muốn miêu tả lại cảnh tượng đổ máu ấy? Người may ra đủ khả năng hỗ trợ cảnh sát, chỉ có thể là nhà doanh nhân trẻ nói như rồng leo này thôi.
Đới Thế Vĩnh cúi đầu im lặng. Hồi lâu sau mới ngẩng lên, "Nhất thiết... phải kể về nó à?"
"Việc này rất quan trọng, giúp chúng tôi tìm hiểu các tình tiết vụ án. Hay là chúng tôi cứ hỏi anh một số câu, anh gắng trả lời vậy, được không?" Ba Du Sinh hỏi.
Đới Thế Vĩnh gật đầu, "Như thế... thì dễ hơn."
"Lúc nổ và sau khi nổ, anh có bao quát được tình hình thương vong không?" Ba Du Sinh hỏi.
Đới Thế Vĩnh lại hít sâu một hơi, đầu lúc lắc rất nhanh, rồi thở mạnh. "Máu thịt bắn tung tóe." Sắc mặt tái nhợt từ lúc nào không biết.
Ai nấy nín lặng, chừng mười giây sau, Khương Minh hỏi, "Anh có thể nói cụ thể hơn không? Chết và bị thương... bao nhiêu người, là những ai?"
Sắc mặt Đới Thế Vĩnh càng bợt bạt, nhưng anh ta vẫn gắng trả lời, "Tôi đứng ở cửa ra vào, họ vật lộn đánh nhau đến góc tường đằng xa, cho nên tôi chỉ nhìn thấy lửa chớp sáng lóa rồi khói đen bốc lên, không biết là một người hay nửa thân người bay lên... các khúc chân tay và máu bắn ra tứ tung. Sau đó cả ba người đang đánh nhau đều bất động. Hình như..." Anh ta ngửa đầu, như thể trên trán hiện ra những thước phim vô hình ghi lại cảnh tượng máu me kinh khủng cách đây hai tiếng đồng hồ, "Vì ngay sau đó là hỏa hoạn cho nên tôi không chú ý được nữa, chỉ nhớ rằng một trong ba cái xác tương đối nguyên vẹn, tôi đoán là Yến Vệ Bình, còn hai cái xác kia thì đều nát tan thậm chí không còn ra hình người nữa... Còn mọi người thì... vừa nghe có người quấn thuốc nổ trong mình, ai nấy đã lùi ra, cách họ càng xa càng tốt. Sau tiếng nổ có người kêu thét lên, tôi không nhìn thấy ai ngã thêm nữa, đoán rằng một số người chỉ bị các mảnh vụn bắn vào mà bị thương. Số tôi tương đối may mắn..." Anh ta đập vào dải băng đang treo cánh tay, "Đương nhiên, cũng không thể nói tôi bị thế này là may mắn, nhưng ít ra không sứt sẹo, cũng không bị bỏng vì vụ nổ. Sau đó, đến bệnh viện, tôi nhìn thấy rất nhiều người bị thương."
Ba Du Sinh hỏi một vấn đề mà các sĩ quan cảnh sát đều rất quan tâm, "Anh có chú ý đến tên cướp thương lượng với Na Lan ở gian phòng nhỏ bên cạnh, sau vụ nổ và hỏa hoạn, hắn ta đi đâu không?"
"À..." Đới Thế Vĩnh ngẩn người, dường như chợt hiểu ra. "Hắn ta, đáng lẽ tôi nên chú ý mới phải! Bây giờ thì... đúng là không thể nhớ ra. Sau tiếng nổ mọi người đều hoảng loạn, có người nhảy qua cửa sổ, có người... có hai ba người bị còng liền với nhau, ví dụ như tôi..." Anh ta bỗng run bần bật, ngay giọng nói cũng run run, "Tôi... tôi và anh bảo vệ cao to bị còng với nhau, khi lửa bùng lên tạt thẳng vào mặt tôi, khăn trải bàn trên bàn ăn lập tức bốc cháy, tôi gọi anh ta: mau đứng lên hai ta cùng chạy thôi... Anh ta nói: tôi chỉ còn một chân thì chạy sao được? Lúc này tôi mới nhớ ra một tay mình bất lực, tay kia bị còng, kéo anh ta thế nào đây? Tôi choáng váng, nghĩ bụng: thế là hết, đành đi đời nhà ma mất rồi! Lửa cháy mỗi lúc một to, bàn ghế, tường, đều cháy, tôi nhìn thấy cô gái tiếp tân tên là Chân đang cố kéo anh bảo vệ đứng lên, tôi bèn gọi: này đồ thộn, chúng ta ít ra cũng cứ nên thử xem sao! Nói thì dễ, và có lẽ anh ta cũng muốn cố gắng, nhưng cổ tay tôi dường như sắp đứt, tôi và Chân vẫn không thể kéo nổi anh ta đứng lên. Đúng lúc đó bỗng có một người chạy đến xốc anh bảo vệ đứng dậy và cùng hai chúng tôi dìu đỡ anh ta. Lúc này khói đen dày đặc, nhưng tôi vẫn nhận ra người ấy là Na Lan."
Ba Du Sinh khẽ thở dài, thầm nghĩ: Na Lan, em luôn rơi vào cảnh hiểm nguy, là yếu tố ngẫu nhiên lặp lại hay là quy luật tất nhiên dành cho em?
Đới Thế Vĩnh tiếp tục, "Cô ấy đỡ anh bảo vệ đứng dậy rồi cùng chúng tôi đi xuống tầng dưới. Lúc này lại có thêm một anh cao cao gầy gầy, lúc nãy anh ta bị còng chung với Na Lan, bây giờ thì hai tay bị còng, anh ta kêu lên: Na Lan, cô không bị còng, cứ ra cửa sổ nhảy xuống, tôi đỡ anh ta cho! Na Lan hơi do dự, rồi cũng bằng lòng để anh ta đỡ anh bảo vệ, sau đó nhảy qua cửa sổ. Bốn chúng tôi vừa đi được mấy bước, chưa ra đến cửa, thì tiếng nổ thứ hai vang lên." Đới Thế Vĩnh đưa ống tay áo quệt mồ hôi trán, rồi tiếp tục, "Vụ nổ ấy tuy cách hơi xa nhưng cũng đủ để hất chúng tôi vốn đang đi loạng choạng ngã nhào xuống đất. May sao các nhân viên cấp cứu đã kịp thời chạy đến, nếu không, có lẽ da dẻ tôi còn đen thui hơn nữa."
Khương Minh đưa tờ sơ đồ mặt bằng đại sảng tầng hai ra, "Phiền anh, đánh dấu vị trí xảy ra hai vụ nổ."
Đới Thế Vĩnh nhanh chóng đánh dấu vị trí vụ nổ thứ nhất. Nhưng sau một lúc lâu nghĩ ngợi, anh ta mới miễn cưỡng khoanh một vòng tròn nhỏ ở góc Đông Bắc đại sảnh, rồi ngẩng lên, "Lúc đó trong nhà mù mịt khói, cho nên khẳng định là cái gì nổ, nổ ở chỗ nào thì tôi chịu. Tôi chỉ hơi có ấn tượng và áng chừng phương hướng xảy ra vụ nổ nên đánh dấu ở đây, các anh đừng cho nó là tuyệt đối đúng."
Lúc này di động của Ba Du Sinh bỗng rung mạnh, nhìn tên người gọi đến, anh lập tức bắt máy, "Cát Sơn, anh nói đi!"
Hai tiếng bốn mươi phút sau khi xảy ra vụ án, tại hiện trường khám nghiệm lầu chính Tiêu Tương.
Xe thang di động chạy vào Dư Trinh Lý bị vướng víu rất khó đi vì nó quá đồ sộ. Cát Sơn sốt ruột theo dõi, vừa thấy bắc xong giàn giáo liền trèo lên rồi chui qua một hốc tường bị thủng, bước vào tầng hai. Kỹ sư trưởng Đường Vân Lãng gần đây đang tập giảm béo theo một cách quái dị nào đó, có hiệu quả nhưng rất thấp, người "tóp" đi rất chậm, ông vẫn còn nặng gần một tạ. Thấy "anh già" Cát Sơn trèo lên ngon lành, ông cũng đu lên các bậc thang hợp kim nhôm, nhưng vừa lên được năm sáu bậc đã thấy chóng mặt hoa mắt, cái thang cũng ken két sẵn sàng giở chứng "phản đối", ông đành tụt xuống, tức điên, giá mà ông có thể ra ngoài kia lôi cái xe thang vào đây thì tốt.
Hốc tường mà Cát Sơn chui vào có lẽ vốn là cửa sổ, quanh nó và dưới sàn chất đầy vụn kính. Các "nhiếp ảnh gia" của ban kỹ thuật hình sự và cảnh sát chữa cháy cũng bám theo. Họ đều không phải lính mới chưa từng trải, nhưng nhìn cảnh tượng tan hoang và máu thịt bê bết khắp nơi sau vụ cháy nổ, họ cũng cảm thấy ghê rợn kinh hoàng. Cát Sơn kìm nén cảm xúc, không đợi mọi người chiếu đèn công suất lớn, tự anh bật đèn pin bắt đầu xem xét các dấu vết nổi bật nhất, xem xét vấn đề nạn nhân.
Máu thịt của nạn nhân không tập trung ở thân thể mà bắn tung tóe khắp các hướng. Cát Sơn soi đèn pin, nhanh chóng nhận ra một nửa cánh tay bị nổ đứt văng ra sau đó bị lửa thiêu đen xỉn. Anh ngoảnh sang bên, thở gấp mấy lần trong mặt nạ phòng độc, nhưng vẫn không kìm được một cơn ho rũ rượi. Hai cảnh sát chụp ảnh hiện trường vội chạy đến, nhìn thấy cái cẳng tay ghê rợn ấy, cả hai làu bàu nguyền rủa, vì họ chỉ đeo khẩu trang y tế mỏng nên có thể nghe thấy khá rõ.
Sau nhiều lần lia đèn pin, Cát Sơn đã xác định rõ trong đại sảnh tầng hai có một cái xác tương đối hoàn chỉnh và hai xác bị phá hủy nghiêm trọng. Điều tra viên hỏa hoạn Hình Thụy An cũng đã lên đến nơi, lát sau anh xác định ra hai vị trí khởi nguồn hỏa hoạn.
Rốt cuộc xe thang cũng đã vào đến hiện trường, Đường Vân Lãng được nâng lên từ từ trông như một ca sĩ nhạc Rock, chỉ thiếu ánh đèn pha rọi vào cho thêm phần hoành tráng. Lúc này Cát Sơn và Hình Thụy An đã nghiên cứu điểm phát hỏa thứ hai được một lúc, thấy Đường Vân Lãng bước vào, họ cùng cất tiếng chào hỏi, Cát Sơn gỡ mặt nạ ra, "Anh đến thực đúng lúc, chúng tôi đang nghĩ xem đám cháy thứ hai bùng lên như thế nào. Lúc còn ở hiện trường, vì nghe thấy hai lần phát nổ nên chúng tôi đoán rằng chính nguồn lửa thứ hai đã tạo ra tiếng nổ thứ hai. Nhưng tiếng nổ thứ hai phát sinh như thế nào? Sàn nhà đen thui nên chúng tôi không đủ dữ liệu phán đoán."
Đường Vân Lãng đeo mặt nạ phòng độc, chật vật ngồi xổm xuống, thở một cách nặng nhọc. Ông bật đèn pin, tay đeo găng rờ lên mặt sàn đen xỉn. Rồi ông rờ một khoảng rộng hơn, và nhón một số vụn cứng đặt sang bên cạnh.
Lại rờ rẫm thêm một lúc nữa, thu thập được nhiều mảnh vụn hơn, cuối cùng Đường Vân Lãng đứng dậy tháo mặt nạ ra, nói với Cát Sơn, "Hai điểm phát nổ, hai bọc thuốc nổ, chứng tỏ do hai hung thủ gây ra."
Hai tiếng bốn mươi lăm phút sau khi xảy ra vụ án, tại phòng làm việc tạm thời ban chuyên án vụ cướp hội quán Tiêu Tương.
Ba Du Sinh cảm ơn Cát Sơn rồi cúp máy, đi về gian phòng ghi bút lục. Khương Minh đã đưa cho Đới Thế Vĩnh xem toàn bộ ảnh của những người may mắn sống sót. Anh ta nói không có khuôn mặt nào đáng ngờ cả.
Đới Thế Vĩnh đi rồi, Ba Du Sinh nói, "Chúng ta sẽ hội ý với các nhóm ghi bút lục khác, sơ bộ tổng kết xem có những sai lệch nào. Khám nghiệm hiện trường đã nắm được một số manh mối quan trọng, tình hình xem ra rất phức tạp."
Cả ba người lại đến ban chỉ huy lâm thời, sau mấy phút chờ đợi, ba nhóm ghi bút lục khác cũng dần dần tập hợp về phòng họp. Ba Du Sinh xem nhanh ba tờ bút lục, các đối tượng được hỏi gồm: Ngu Uyển Chân, Hồ Kiến Vĩ và Hoa Thanh. Hỏi tại chỗ, các chi tiết tỉ mỉ chỉ có hạn, đâu phải cảnh sát đều biết tốc ký, muốn biết kỹ, cần nghe lại băng ghi âm. Bút lục của Kiến Vĩ và Hoa Thanh rất ít, chỉ trong phạm vi vài câu mà Ba Du Sinh đã nêu ra. Hai người này đầu óc tỉnh táo nhưng đều bỏng độ 2, đang nhức nhối nằm trên giường để được điều trị giai đoạn đầu, nên không tiện hỏi nhiều.
Cũng giống như các bút lục đã ghi, ba thanh niên này nhớ lại về sự kiện căn bản giống nhau. Từ những phần "căn bản giống nhau" này, cảnh sát đã có được nhận định sơ bộ về số lượng nghi phạm, quá trình gây tội ác, quá trình phát sinh vụ nổ... và cũng có thể loại trừ khả năng nghi phạm nằm trong số những người may mắn sống sót. Các cảnh sát hình sự cũng chú ý đến một số điểm khác biệt trong các bút lục. Ví dụ, mỗi người nói một khác về vị trí xảy ra hai vụ nổ, vị trí của các con tin khi đó, cả Kiến Vĩ lẫn Hoa Thanh đều "nhầm" như nhau ở một điểm: họ cùng không nghe thấy các động tĩnh ở cầu thang khi Lý Vạn Tường giao đấu với tên cướp.
Ba Du Sinh biết, trên thực tế, những khác biệt này là điều khó tránh khỏi.
Thần kinh căng thẳng, sợ hãi, chứng kiến cháy nổ kinh hoàng suốt mười mấy phút xảy vụ việc, nếu dăm bảy người sống sót vẫn có thể miêu tả toàn bộ sự kiện y hệt nhau thì mới là lạ! Xưa nay vẫn thế, những người khác nhau sẽ nhớ lại và miêu tả không thật giống nhau về một sự kiện là chuyện đương nhiên, lần này cũng không phải là ngoại lệ.
Khương Minh cầm một tờ giấy khổ rộng vẽ sơ đồ mặt bằng tầng hai của lầu chính Tiêu Tương treo lên tấm bảng trắng ở đầu phòng họp. Anh bắt đầu tổng kết các bút lục và điểm lại diễn biến vụ án.
"Khoảng 11 giờ rưỡi sáng nay, tại quầy tiếp tân, Lương Tiểu Đồng một trong hai người hùn vốn lập hội quán Tiêu Tương và Ngu Uyển Chân nhân viên tiếp tân đã gặp phải hai tên cướp. Tên A cầm súng ngắn có lẽ là súng Glock, nói giọng Xuyên-Tương, chân tập tễnh, tên B cầm súng tường bán tự động, nói giọng miền Nam, vóc người thấp nhỏ. Cả hai khống chế Lương Tiểu Đồng và Ngu Uyển Chân. Khi Cát Tam Lạc bảo vệ chạy từ phòng thường trực ra, tên A đã bắn vào đầu gối Cát Tam Lạc. Sau đó đốt một bánh pháo ném ra ngoài cổng lầu chính của hội quán, đóng cửa lại, rồi bắt đầu vụ cướp."
Khương Minh tạm dừng lại để thở. Một cảnh sát nói, "Đốt pháo nhằm lấp liếm tiếng súng vừa nãy, mặt khác là tuyên bố vụ cướp bắt đầu. Xem ra bọn cướp cũng muốn tranh thủ sự may mắn cát tường." Không thấy ai bật cười.
"Khó mà nói chắc ý đồ của chúng là gì. Hai tên cướp ép Lương Tiểu Đồng và Ngu Uyển Chân đỡ Cát Tam Lạc lên gác, tập hợp với một tên cướp nữa rồi cùng xông vào đại sảnh tầng hai. Ở đó đang có mặt Đới Hướng Dương, Yên Vệ Bình và hai phục vụ Hồ Kiến Vĩ, Hoa Thanh. Lẽ ra còn có Đới Thế Vĩnh nhưng anh ta đang ở gian vệ sinh bên ngoài." Khương Minh cầm bút chì chỉ vào gian vệ sinh ở tận cùng hành lang trên sơ đồ. "Nhưng vì di động cất trong cặp da đặt ở đại sảnh nên Đới Thế Vĩnh không thể báo cảnh sát."
"Cả ba tên cướp còng tay các con tin, còng chung hai hoặc ba người với nhau để tiết kiệm còng và có thể hạn chế khả năng các con tin kháng cự. Sau đó tên cướp A xuống tầng trệt, vào bếp khống chế ba người nấu bếp giải lên gác. Theo lời khai của Lý Vạn Tường và phụ bếp Tạ Nhất Bân, lúc lên cầu thang, ông Tường đã tìm cơ hội tấn công nhưng không kết quả, và bị chúng đánh ngất xỉu. Việc ông Tường kháng cự, không phải mọi người đều nhận ra. Lương Tiểu Đồng không kể với cảnh sát ghi bút lục, về sau chúng ta hỏi lại, anh ta vẫn không nhớ ra. Còn Hồ Kiến Vĩ thì hầu như không có ấn tượng gì. Điểm này hơi kỳ lạ nhưng cũng có thể giải thích được. Các con tin bị bắt ngồi quay mặt vào tường, đối mặt với súng đạn, tất nhiên họ kinh hãi và rất có khả năng họ không chú ý đến động tĩnh của Lý Vạn Tường ở cầu thang."
"Có thể suy đoán rằng loạt hành động nói trên của bọn cướp xảy ra trong vòng hai phút. Lúc này có tiếng động trên tầng ba, tên cướp B đi lên kiểm tra, sau đó lại xuống. Trên đó có hai thực khách là phóng viên Quách Tử Phóng ở báo Tin chiều Tân Giang và Na Lan mà Sở Công an chúng ta ai cũng biết, đoán rằng hai người này định trèo cửa sổ tầng ba chạy trốn. Chúng ta sẽ còn phải hỏi lại họ. Nhưng lúc đó họ lập tức bị tên cướp B áp giải xuống tầng hai. Lúc này tên A đang ép Đới Hướng Dương nói ra mật mã của két sắt, rồi đi lục soát để lấy chiến lợi phẩm mà chúng muốn giành được trong vụ cướp này."
"Tên B giải Na Lan và Quách Tử Phóng vào, sau đó hắn nói là đi giúp tên A 'đào kho báu', nhưng lại phát hiện ra Đới Thế Vĩnh trong nhà vệ sinh, hai bên ẩu đả, Đới Thế Vĩnh bị thương rồi vẫn trở thành con tin. Tiếp đó, tên A và tên B ép Hồ Kiến Vĩ báo cảnh sát. Nghe chúng nói chuyện, thấy rằng kẻ cầm đầu và giàu kinh nghiệm nhất chính là tên A, đã rời lầu chính Tiêu Tương. Hắn chuồn ra như thế nào, có đem theo két sắt đựng báu vật không, hắn đi đâu... tất nhiên cảnh sát chúng ta chưa biết."
Một tổ trưởng cất tiếng, "Băng ghi hình của camera hội quán cho biết điều gì?"
Khương Minh nói, "Hội quán Tiêu Tương lắp cả thảy 16 camera giám sát, chủ yếu đặt ở tường ngoài, hai camera lắp ở tiền sảnh. Nhưng tất cả coi như vô dụng!"
Mọi người lặng ngắt. Tổ trưởng nọ hiểu ra, vỗ trán nói, "Vì ổ cứng ghi lại các hình ảnh đặt ở lầu chính, mà lầu chính bị hỏa hoạn."
Ba Du Sinh nói, "Đúng thế. Máy chủ và ổ cứng của hệ thống camera đều đặt ở văn phòng lầu chính, chúng ta chưa được báo cáo về tình trạng hư hỏng của các thiết bị ấy, ở đó không chịu ảnh hưởng nhiều của vụ cháy nhưng cũng bị lửa tấn công, e rằng sẽ để lại hậu quả."
Khương Minh tiếp tục, "Ở đại sảnh của Tiêu Tương, tên cướp B và C chờ đến khi phía cảnh sát bố trí xong lực lượng, thì bắt một con tin nhắn tin vào đường dây nóng của chúng ta, nói rằng có thể thương lượng nhưng yêu cầu Na Lan đứng ra đối thoại. Cũng tức là chúng không biết Na Lan đang ở trong đám con tin. Chính Na Lan và các con tin khác cũng không biết bọn cướp đang muốn tìm cô. Phía chúng ta gắng tìm Na Lan nhưng không liên lạc được... những người đã ghi bút lục đều nói trong khoảng thời gian này không xảy ra chuyện gì khác. Cho đến khi anh Ba Du Sinh nhận ra rất có thể Na Lan đang ở trong đám con tin, định báo cho bọn cướp biết, thì Na Lan cũng nghe thấy bọn cướp nhắc đến tên mình, cô bèn đứng ra xưng danh với chúng."
"Không rõ tại sao việc thương lượng chỉ xảy ra giữa tên cướp C với Na Lan. Theo thông lệ, Na Lan muốn bọn cướp để cho cô nói chuyện với cảnh sát, nhưng chúng lại không chấp nhận, chúng chỉ muốn thương lượng với cô. Cho nên tên cướp C và Na Lan sang căn phòng nhỏ để trao đổi. Các con tin đều không biết họ nói những gì."
"Ở thời điểm này, hơi có sai lệch. Phần lớn các bút lục đều nhớ rằng cửa gian phòng nhỏ ấy đóng lại, chỉ có Hồ Kiến Vĩ nói 'hình như vẫn mở cửa', Na Lan và tên cướp ấy lầm rầm nói chuyện. Cho nên không ai biết bọn cướp đưa ra những điều kiện gì."
"Họ đang nói chuyện thì bên đại sảnh, Đới Hướng Dương bỗng tấn công tên cướp B ở lại canh giữ các con tin, ông ta quăng cái ghế, tên cướp tránh được, cái ghế bay đi, đập vỡ kính cửa sổ rồi rơi xuống sân. Sau đó Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình đang bị còng chung cùng lao vào tên cướp C." Khương Minh chỉ lên sơ đồ. "Tôi vừa nói, các bút lục của con tin có chỗ không khớp, không khớp về vị trí ban đầu của Đới Hướng Dương. Nay chúng ta giả định Đới Hướng Dương đứng ở góc Tây Nam hoặc phía Nam đại sảnh này ném cái ghế bay qua cửa sổ phía Đông Nam rồi rơi xuống. Sau đó cả hai vật lộn với tên cướp C, dồn nhau đến góc Tây Bắc căn phòng, Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình thắng thế, đè tên cướp xuống sàn. Lúc đó tên cướp đã cảnh báo rằng trong người hắn buộc thuốc nổ."
"Nhưng Đới Hướng Dương vẫn không buông tha. Hầu hết bút lục của các con tin đều thừa nhận trạng thái của ông ta rất khác thường, thậm chí có người ngờ rằng ông ta cố ý tự sát. Trước mắt, chúng ta chưa thể xác minh điểm này. Tuy nhiên, vụ nổ đã xảy ra rất nhanh. Hậu quả thương vong đang thống kê xem xét, nhưng cơ bản có thể xác định thuốc nổ trong người tên cướp C đã khiến hắn tan xác, ở hiện trường còn các mảnh thi thể của hắn, Đới Hướng Dương cũng tử vong tương tự, xác ông ta bung lở nghiêm trọng, xác Yên Vệ Bình thì còn tương đối hoàn chỉnh nhưng vẫn mất đầu và một cánh tay."
"Sau vụ nổ, cả đại sảnh hỗn loạn nhưng cụ thể hỗn loạn ra sao thì bút lục của các con tin không thống nhất, cũng là lẽ thường tình. Có người nhớ rằng Lương Tiểu Đồng nhảy khỏi cửa sổ đầu tiên, Na Lan giúp hai con tin đứng dậy, rồi cô ta cũng nhảy khỏi cửa sổ rơi xuống. Lương Tiểu Đồng và Na Lan bị thương ở những mức độ khác nhau. Lương Tiểu Đồng bị sái chân, Na Lan bị chấn thương sọ não có lẽ vì đập đầu vào gạch tường vây vườn hoa hoặc bị gạch đá của vụ nổ thứ hai văng từ trên cao xuống rơi trúng đầu. Khám nghiệm hiện trường nhận ra rằng vụ nổ thứ hai xảy ra ngay sau vụ nổ thứ nhất. Vị trí của vụ nổ thứ nhất là góc Đông Bắc đại sảnh, nhưng vụ nổ thứ hai ở đâu thì chưa có con tin nào nhớ rõ được. Cũng không có gì lạ, vì sau vụ nổ thứ nhất thì căn phòng bốc cháy, khói lửa mù mịt, các con tin tìm cách chạy tháo thân, đương nhiên không thể nhớ vụ nổ thứ hai xảy ra ở hướng nào. Có người bảo ở hướng Đông Bắc đại sảnh, có người bảo ở hướng Nam, khác nhau rất xa."
"Các chuyên gia điều tra hiện trường đang tìm cách xác định điều này..."
"Nghe nói Đường chưởng môn cũng ra trận, phải không?" Một cảnh sát hỏi chen vào.
Khương Minh nói, "Đường chưởng môn? Ở Sở các anh đều gọi ông ấy như thế à?" Anh ngừng lại, uống ngụm nước.
"Còn các anh thì gọi ông ấy là gì?"
"Gọi là Lãng Lãng." Khương Minh mỉm cười. "Có thấy ông ấy béo phục phịch, trông rất đáng mến không?"
"Đội trưởng nói các anh nên trở lại chủ đề đi!" Một cảnh sát thiện chí nhắc nhở.
Khương Minh nói, "Theo chuyên gia Đường Vân Lãng, vụ nổ thứ hai xảy ra ở trung tâm căn phòng, hơi chếch phía Tây, nguồn nổ cũng là thuốc nổ như vụ nổ thứ nhất. Đường chưởng môn phát hiện ở mặt sàn có các vụn giấy gói thuốc nổ, cả vụn đã cháy và chưa cháy. Căn cứ vào hướng văng ra của vụ nổ, xác định vị trí nổ là chính giữa căn phòng. Chính giữa hơi chếch hướng Tây, vốn là chỗ kê bàn ăn, phía dưới bàn ăn có ống dẫn gas, vụ nổ đã phá hủy ống dẫn gas, khí gas sẽ rò ra, nhưng may sao trước đó chúng ta đã liên lạc với công ty cung cấp gas đóng van tổng bơm vào khu Dư Trinh Lý, sau vụ nổ, cảnh sát đặc nhiệm đã đóng ngay van dẫn gas vào lầu chính Tiêu Tương, tránh được hậu quả lớn hơn..."
"Nhưng vấn đề là..." Lại có một cảnh sát sốt ruột ngắt lời Khương Minh.
Khương Minh xua tay, "Tôi sẽ nói luôn, vấn đề là ai đã mang theo gói thuốc nổ thứ hai."
Cả phòng họp lắng xuống, mọi người đều đang băn khoăn vấn đề này.
"Ở hiện trường không thấy có thêm thi thể bị phá hủy, chứng tỏ không ai quấn thuốc nổ trong người, vậy thuốc nổ được đưa vào gian nhà ấy như thế nào?" Không phải Khương Minh nêu câu hỏi, anh chỉ ngừng lại chốc lát, và biết chắc sẽ có đồng nghiệp muốn hỏi điều này.
"Chắc vẫn là tên cướp B." Có người suy đoán.
Khương Minh nói tiếp, "Nhưng theo đa số các con tin được hỏi, họ nhớ lại rằng tên B đã bắt đầu thương lượng với Na Lan ở gian nhỏ bên cạnh từ trước vụ nổ, đến khi Đới Hướng Dương nổi khùng thì hắn mới chạy ra, Đới Hướng Dương và Yên Vệ Bình nhanh chóng áp đảo tên C, tên B không có phản ứng gì rõ rệt. Lúc đó, và tình huống đó, hắn có la hét thế nào thì cũng không ai để ý, tiếng nổ phát ra ngay sau đó. Cho nên, vị trí bấy giờ của tên B vẫn là ở cửa gian phòng nhỏ, cũng tức là góc Tây Nam của cả đại sảnh."
Một cảnh sát phân tích, "Nhưng cũng không loại trừ khả năng trước đó hắn đã cài sẵn thuốc nổ trong người, khi nhìn thấy hỏa hoạn, hắn biết lợi thế không còn nữa, hắn không định hy sinh, sợ lửa sẽ bén vào người và phát nổ nên vội tháo thuốc nổ ra rồi ném đi, ném vào giữa gian phòng, hơi chếch về phía Tây."
Khương Minh nói, "Dĩ nhiên có khả năng này. Cho nên, vấn đề tiếp theo là tên B đã đi đâu?"
Cả phòng họp lại im lặng, mọi người đều nghĩ ngợi, Khương Minh tiếp tục bổ sung thông tin, "Nếu tên B cũng bị thương như mọi người đang ở trong nhà, và muốn thoát thân, thì hắn phải là một trong số những người may mắn sống sót và được đưa vào bệnh viện, ngay từ đầu hắn đã bịt mặt, cho nên hắn sẽ là khuôn mặt xa lạ với mọi người. Nhưng các nhân chứng đã xem toàn bộ ảnh mà chúng ta đưa ra, đều không thấy có khuôn mặt nào xa lạ. Cũng tức là tên cướp B không nằm trong số những người may mắn sống sót."
Lúc này, trên tường trắng chiếu ảnh của những người sống sót: Lý Vạn Tường, Tạ Nhất Bân, Tôn Nguyên Hổ, Lương Tiểu Đồng, Hoa Thanh, Hồ Kiến Vĩ, Ngu Uyển Chân, Na Lan, Quách Tử Phóng, Cát Tam Lạc.
"Rất có thể hắn đã tẩu thoát. Lúc đó tình hình hỗn loạn, khói lửa, tiếng nổ... Tôi đứng ở hiện trường, chỉ tập trung chú ý vào việc dập lửa, cứu các con tin và bảo đảm an toàn hiện trường, nếu có ai đó chạy ra khỏi lầu, náu vào một góc nào đó ở sân hoặc giếng trời để tìm cách trèo tường trốn thoát, chưa chắc tôi đã nhận biết được." Một đội phó cảnh sát đặc nhiệm nói.
Khương Minh gật đầu. "Về lý thuyết thì đúng là như vậy. Chúng ta đã sơ bộ hỏi các nhân viên cấp cứu hiện trường, nhưng chẳng ai nhớ rằng có nhìn thấy người chạy ra khỏi lầu. Một số đồng chí đã đi xem xét các tòa lầu Ba Khắc ở gần Tiêu Tương, kể cả hai lầu Đông và Tây, hy vọng tìm thấy manh mối gì đó. Tôi nói tiếp về một phát hiện rất lạ lùng của anh Cát Sơn và anh Hình Thụy An. Họ có đủ chứng cứ chứng tỏ đám cháy ở nhà bếp là do bị phóng hỏa. Sau đó lại có một nhân viên khám nghiệm hiện trường phát hiện ra một mảnh đồng bị cháy biến dạng, tạm thời coi đó là nguồn châm lửa."
"Bật lửa bằng đồng à?" Có người hỏi. "Là thứ hiếm thấy."
Khương Minh nói, "Đúng thế, nhưng không quá hiếm thấy. Vấn đề là ai đã phóng hỏa? Tại sao phải đốt lầu chính Tiêu Tương?"
"Tên cướp B!" Có người nói luôn. "Điều kiện hắn đưa ra không được chấp nhận, nên hắn trả thù cho bõ tức!"
"Có thể." Khương Minh tắt đèn chiếu. "Cho nên, cuối cùng tổng kết rằng, ngoại trừ còn rất nhiều chi tiết phụ chưa được làm rõ, vụ án này hiện tồn tại hai điểm chính chưa sáng tỏ, chưa minh..."
"Không đâu!" Lại có người cắt ngang. "Anh là Khương Minh, anh minh bạch..."
"Này! Rồi tôi sẽ tính sổ với cậu." Tay Khương Minh làm động tác bóp cò vào anh chàng đồng nghiệp hài hước đó. "Một là, chưa rõ về động cơ. Trong két sắt cất giữ báu vật gì? Điều quan trọng hơn nữa là tại sao chúng phải cuống lên thúc giục chúng ta tìm Na Lan để thương lượng? Điều kiện là gì? Hai là, chưa rõ về tung tích bọn chúng. Theo những người chứng kiến, thì tên cướp C bị nổ banh xác, tên cướp B đã rời đại sảnh, hắn đi đâu? Tên cướp A cầm theo chiến lợi phẩm cướp được và chuồn đi trước, hắn ở đâu?"
Di động của Ba Du Sinh rung lên. Cát Sơn gọi. Nghe xong, anh hơi cau mày.
Mọi người trong phòng họp đều nhìn Ba Du Sinh bằng ánh mắt dò hỏi. Ba Du Sinh nói, "Lại thêm một đề toán khó dành cho mọi người rồi. Cán bộ khám nghiệm hiện trường cho biết: trong túi quần của Yên Vệ Bình có một mẩu ống kim loại bị bẹp. Anh Đường Vân Lãng xác định nó là nòng súng ngắn Glock 9 ly."
Ba tiếng năm phút sau khi xảy ra vụ án, tại hiện trường khám nghiệm lầu chính Tiêu Tương.
Cát Sơn sắp đeo mặt nạ lên thì ho sặc sụa, chắc là ngứa cổ vì khói, anh ho dữ dội làm rung cả sàn nhà. Nói thế không ngoa, vì sàn tầng hai sau vụ cháy đã trở nên mỏng tang như cánh ve sầu (nói thế này thì đúng là khoa trương), nhiều chỗ đã hõm xuống lộ ra các thanh giằng ở khe giữa sàn và trần bên dưới. Mặt sàn kham nổi trọng lượng của Đường Vân Lãng đã là quá may mắn rồi. Cát Sơn lo mình ho sẽ xảy ra sự cố, bèn bước chầm chậm để giảm lực tác động.
Trong mười mấy phút trước đó, cảnh sát chưa khui ra hết các dấu tích súng đạn của tên cướp, nhưng tìm ra nhiều mảnh cơ thể rải rác đó đây. Cho đến giờ, đã xác nhận ba người tử vong, dù các mảnh cơ thể bị văng tứ tung nhưng căn cứ vào suy đoán về lượng thuốc nổ, quy luật phân bổ các mảnh cơ thể, Đường Vân Lãng xác định rằng ba người đều chết bởi vụ nổ thứ nhất. Đồng thời chứng tỏ rằng vụ nổ thứ hai không gây ra tử vong. Cát Sơn đứng ở vị trí xảy ra vụ nổ thứ hai, cũng tức là ở chính giữa đại sảnh, bàn ghế đã biến thành các mảnh vụn, thành củi thành than, một số đoạn ống dẫn gas nằm rải rác chỏng trơ như những đoạn cành cây, cút nối vào bếp gas đã văng đi đâu mất. Bên tai anh vẫn văng vẳng câu nói của Ba Du Sinh, "Theo các nhân chứng, khu vực giữa đại sảnh không có ai đứng, rất có thể hung thủ mất bình tĩnh ném bọc thuốc nổ lên bàn. Sau vụ nổ thứ nhất, có lẽ một tên khác đang đứng gần cửa gian phòng nhỏ gần đó." Cát Sơn bước đến cửa gian phòng ấy, thử làm động tác ném bọc thuốc nổ ra đại sảnh xem sao. Nếu mình là thằng cha ấy, đang cuống lên, và không muốn tấn công liều chết vào đám con tin vô tội trong kia, mình sẽ vứt bỏ cái bọc nguy hiểm đó. Anh ngoảnh nhìn, rồi đưa ra kết luận: mình sẽ ném nó vào một góc của gian phòng nhỏ.
Trừ phi hắn cố ý sát hại nhiều người hơn. Cũng không nên loại trừ khả năng này.
Cát Sơn mở cuốn sổ tay nhỏ, ghi lại cách nghĩ của mình, rồi anh bước ra đại sảnh.
Mặt sàn ở gần cửa sảnh la liệt các mảnh thủy tinh. Cát Sơn đi giày cao su đế dày, nhưng vẫn soi đèn pin và bước đi thận trọng, vì hành lang này cũng rất dễ bị sụt lở. Anh băng qua đầu cầu thang, bên trái là một gian phòng khác, bên phải, đi tiếp thì đến một gian nhỏ ở tận cùng hành lang. Ở cửa có một tấm ván cháy đen, một tấm biển vốn treo trên cửa, cũng bị hun đen thui nằm đó, soi đèn pin vẫn có thể đọc được ba chữ "Tô Mạc Già" và bốn chữ nhỏ "Thực Quá Tịnh Duyên". Cát Sơn vốn rất ghét cái lối chữ nghĩa mù mờ khó hiểu, anh nghĩ một lúc. "Thực quá" thì dễ hiểu, nhưng "tịnh duyên" thì là gì? Là "bút chì sạch sẽ" à? Cuối cùng, anh chợt nhớ đến bốn chữ "tẩy quá tịnh duyên". "Tô mạc già" cộng với "thực quá tịnh duyên" thì ra khái niệm "nhà vệ sinh" được dùng phổ biến trong sách cổ.
Cát Sơn tạm thời không cần "thực quá tịnh duyên", anh nhớ rằng sơ đồ mặt bằng ghi rằng gian bên trái là phòng nghỉ, Ba Du Sinh nói hình như tên cướp đã từng vào đó để "đào kho báu". Anh tin rằng sau vụ cướp và vụ cháy, thì không đến lượt anh vào đây để "đào" gì nữa, nhưng anh cũng cứ bước vào.
Thoạt trông thấy ngay trong phòng kê hai cái giường và đã bị cháy sập xuống sàn. Tuy nhiên vẫn nhận ra chúng rất dày nặng và tinh xảo chứ không như chiếc giường tầm thường để ngả lưng ngủ trưa. Đầu và cuối giường đều có thể điều chỉnh nâng lên hạ xuống. Trên sàn vẫn còn một chiếc tủ nhỏ mà trước kia hẳn cũng rất tinh xảo, mặt đất rơi vãi thuốc men và kem dưỡng da, chứng tỏ những cái giường có thể dùng làm công cụ để mát xa thậm chí chăm sóc spa.
Vật dụng còn sót lại mà tương đối nguyên vẹn là chiếc ti vi LED chất lượng cao màn hình rộng choán lấy già nửa mảng tường. "Tương đối nguyên vẹn" ở đây là nó đã đổ nghiêng, màn hình nứt vỡ, nhưng chưa chạm hẳn xuống đất và chưa tan xác pháo. Tuy nhiên, tư thế nghiêng của nó lại hé lộ trước mắt Cát Sơn một cái cửa bí mật nằm trên mảng tường đã biến dạng sau đám cháy.
Cửa này không lớn, và không còn vẻ bí hiểm gì nữa, lửa đã đốt trụi khung gỗ và thiêu đen vào sâu trong tường. Có thể dễ dàng hình dung, nếu kéo khít cánh cửa và nhích cái ti vi lên vị trí cũ thì không ai nhận ra một dấu vết gì. Anh thầm nghĩ, hội quán vẫn là hội quán, dù trước ngày khai trương Tiêu Tương có rêu rao rằng mình thuộc hạng đẳng cấp khác hẳn các lò bán dâm hay cờ bạc thì vẫn không tránh được việc giấu giếm những chuyện bẩn thỉu, nếu không, họ thiết kế cái gian kín đáo này làm gì?
Cát Sơn đẩy cửa bước vào, lẩm bẩm "Ngột ngạt quá!" Anh đã chụp mặt nạ rất kín mà vẫn ngửi thấy mùi khói nồng nặc, không khí ở đây rất thiếu oxy. Anh tin rằng lát nữa Hình Thụy An sẽ tuôn ra một tràng lý luận về đối lưu không khí. Đám khói dày đặc đã len vào mật thất này như thế nào, cánh cửa đóng kín thì không khí nóng và lạnh trao đổi kiểu gì, tại sao khói vẫn bị giam kín ở đây không thể tản đi?
Căn mật thất bị hun đen tuyệt đối, nhưng không bắt cháy. Cát Sơn cảm thấy hơi bất ngờ ở chỗ, ở đây không có chi tiết gì đáng gọi là "bẩn thỉu". Trong không gian khoảng mươi mét vuông này chỉ có một chiếc két bảo hiểm bằng thép, cao ngang đầu người. À, thì ra mục tiêu của "đào kho báu" chính là nó!
Anh giơ đèn pin, từ từ bước lại gần cái két. Trên cửa két có hàng chữ tiếng Anh, Cát Sơn không hiểu nhưng đoán nó là nhãn mác của một thương hiệu quốc tế nào đó. Ở phần ngang trán anh là một màn hình nho nhỏ, không có dấu hiệu gì thể hiện rằng nó còn hoạt động. Cửa két đang đóng kín, nhưng anh vẫn muốn thử vận may, bèn cầm tay nắm và giật mạnh.
Cửa mở ra.
"Khốn kiếp!" Cát Sơn cảm thấy dạ dày ruột gan trào ngược, quá kinh tởm đến nỗi quên cả ho.
Khoảng ba tiếng mười phút sau khi xảy ra vụ án, tại một quán Starbucks đối diện bệnh viên Nhân Dân số 6 Giang Kinh.
Hai tên cướp gặp nhau lần thứ ba sau khi vụ việc xảy ra. Kể từ lúc vụ nổ phát sinh, toàn bộ kế hoạch đã đổ vỡ tan tành. Bất cứ tên kẻ cướp nào có chút đầu óc và ít nhiều chuyên nghiệp cũng đều bỏ chạy, chạy càng xa càng tốt, nhưng chúng lại không thể cao chạy xa bay như kế hoạch đã vạch ra, mà buộc phải quẩn quanh gần khu vực các con tin để giải quyết hậu sự gọn ghẽ, thể hiện "đạo đức nghề nghiệp". Cho nên, trước hết là phải trao đổi tin tức. Chúng không hề hay biết các cảnh sát hình sự đã đánh số cho chúng rồi, tên cướp A, tên cướp B, tên cướp C, giống như cách liệt kê các nhân vật phụ vô danh theo thứ tự xuất hiện khi kết thúc một bộ phim.
Chính vì sự cố bất ngờ xảy ra vào phần cuối của vụ cướp, nên lúc này ba chỉ còn hai, chúng vốn có ba người, nay bị thiếu một.
"Tình trạng Cát Tam Lạc thế nào rồi?" Một tên hỏi.
"Chưa tiến triển, vẫn ở bên bờ vực thẳm. Đây là mối nguy rất lớn." Tên kia nói.
"Na Lan đã tỉnh chưa?"
"Nghe nói tỉnh mấy lần rồi lại hôn mê."
"Thật ra tao lo nhất là cô ta."
"Cũng không có gì phải lo. Từ đầu đến cuối, cô ta đều là một quân cờ then chốt, kể từ thiết kế ban đầu... lẽ nào bài vở chúng ta làm vẫn chưa đến nơi đến chốn hay sao?"
"Người tính không bằng trời tính, trời tính không bằng có kẻ phá rối. Chúng ta đâu lường được rối loạn ở phút chót? Mẹ kiếp, tất cả nát bét, cứ như đạo diễn đã soạn kịch bản đâu ra đấy, nhưng diễn viên thì diễn bừa!"
"Người soạn kịch bản là biên kịch chứ?"
"Mày hiểu ý tao nói gì là được rồi."
"Bước tiếp theo nên thế nào?"
Im lặng. Tên cướp kia nhấp một ngụm cà phê, rồi nói, "Thế nào được nữa? Tiếp tục quan sát, nhất là Na Lan. Nếu cần thì đành ra tay trước vậy."
Khoảng ba tiếng mười phút sau khi xảy ra vụ án, tại phòng làm việc tạm thời của ban chuyên án vụ cướp hội quán Tiêu Tương.
Trong khi hai tên cướp hội ý, thì Ba Du Sinh cũng đang hỏi một vấn đề tương tự, "Tình trạng Cát Tam Lạc thế nào rồi?"
"Chẳng ra sao," một cảnh sát báo cáo, "Cho đến giờ anh ta vẫn chưa nói nổi một câu hoàn chỉnh. Cuộc phẫu thuật đã xong, anh ta ôm đầu gối ngồi ở mép giường và nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh mắt vô hồn, toàn thân run rẩy. Mấy bác sĩ giàu kinh nghiệm nói rằng đó là cú sốc sau khi bị thương, cần mời bác sĩ khoa thần kinh hội chẩn."
"Ban pháp y có ai đến xem vết thương không?"
"Đã xem. Họ nhận định là do đạn 9 ly súng Glock bắn. Viên đạn sượt qua cơ ngoài đầu gối phải, vỡ một phần sụn ở khớp gối. Ngoài ra toàn vết xây xát nhẹ. Nhưng rắc rối là trạng thái thần kinh của anh ta."
Ba Du Sinh gật đầu. Vậy là khớp với miêu tả của Lương Tiểu Đồng. Anh cũng biết, tạm thời không thể ghi bút lục với Cát Tam Lạc. Không còn nhiều lựa chọn, anh quyết định chọn một người may mắn song sót mà anh không muốn ghi bút lục, nhưng đã muốn hỏi chuyện từ đầu, là Quách Tử Phóng.
Dù sao Quách Tử Phóng vẫn là chỗ quen biết cũ. Còn nhớ có lần cùng uống rượu, Quách Tử Phóng đã dốc bầu tâm sự, rằng luôn có một tình cảm đặc biệt đối với tin tức về lĩnh vực pháp chế. Nguyên nhân là vì Quách Tử Phóng từng liên quan đến một vụ án lớn. Sau này, Ba Du Sinh có đọc hồ sơ về vụ trọng án cực kỳ phức tạp ấy, anh công nhận rằng đó là một vụ án rất ly kỳ và tàn khốc, không thể không gây ấn tượng sâu sắc trong đời sống của người đã trải qua nó, tựa như Na Lan sau khi trải qua nhiều vụ án, không tránh khỏi có những thay đổi đáng kể về tính cách và quan niệm.
Sáu bảy năm về trước, Quách Tử Phóng phụ trách tin bài về lĩnh vực pháp chế của tờ báo Tin chiều Tân Giang, anh ta bắt đầu tiếp xúc nhiều với Ba Du Sinh. Xưa nay Ba Du Sinh vốn né tránh giới truyền thông và các phóng viên, nhưng anh cũng nhanh chóng nhận ra Quách Tử Phóng là một nhà báo tài ba thú vị hiếm thấy. Khi phỏng vấn hoặc viết bài, Quách Tử Phóng hầu như không dùng nhãn quan "tôi là phóng viên" để nhìn nhận các vụ án với vẻ cao ngạo, anh thường đứng ở góc độ của các độc giả bình thường với những sắc thái tình cảm tự nhiên để mổ xẻ phân tích, đưa tin về quá trình và kết quả của sự việc đã xảy ra. Ba Du Sinh dần dần nảy sinh thiện cảm với người phóng viên độ tuổi trung niên, cao lêu đêu, trông giống như lạc đà hoặc như ngựa vằn này. Ba Du Sinh không gàn dở tẩy chay giới truyền thông, trái lại anh biết rằng những nỗi gian truân, mồ hôi xương máu của anh em công an cũng cần được nói ra, không nhằm ca tụng công đức nhưng ít ra phải tạo nên một hình tượng đa chiều và sinh động.
Quách Tử Phóng cũng đặc biệt tâm đắc với người đội trưởng trinh sát hình sự có ngoại hình thư sinh này. Xét từ phương diện logic và nhân tình thế thái, thì việc Ba Du Sinh trở thành "tổng bộ đầu" của thành phố Giang Kinh đúng là chuyện thần kỳ hi hữu, tuổi còn trẻ, chưa đủ kinh nghiệm, không ai đỡ đầu ở chốn quan trường, đã từng có tin đồn rằng Ba Du Sinh là con người vợ đầu tiên của ông bí thư tỉnh ủy lân cận nào đó, cha mẹ ly hôn, anh theo họ mẹ. Nhưng sau khi đi sâu tìm hiểu, Quách Tử Phóng đã đưa ra kết luận: tin đồn chỉ là tin đồn, vô căn cứ. Đương nhiên, nếu phân tích kỹ thì thấy rằng, anh có vẻ như suôn sẻ thăng tiến trên đường hoạn lộ cũng không phải là chuyện gì quá xa vời. Một là anh có trình độ học vấn tương đối, mà là học vấn thực sự (chứ không như những năm gần đây một số lãnh đạo có được trình độ cao chỉ trong nháy mắt khiến người ta phải kinh ngạc). Anh chỉ huy phá được một số vụ án lớn "bế tắc tồn kho", ở Sở Công an anh chưa từng theo phe phái nào nên không đứng nhầm chỗ, bên trên cho rằng anh "rất an toàn". Và từ đó nảy ra một cảnh sát trưởng quái thú đeo kính trắng, không thuốc lá bia rượu, không khệnh khạng bố tướng.
Ba Du Sinh là người trong ngoài như nhất, anh tương đối ít nói, sống nội tâm, không phải do cố ý tỏ ra như thế, mà là anh thường suy nghĩ kỹ rồi mới lên tiếng, lời nói ra đều thực bụng chân thành. Quen biết nhau một thời gian, Quách Tử Phóng bắt đầu từ hiếu kỳ chuyển sang mến mộ rồi kính phục. Ngoài quan hệ công tác, hai người dần trở thành bạn thân thiết. Mấy vụ trọng án xảy ra ở Giang Kinh những năm gần đây, tờ Tin chiều Tân Giang đều đăng bài dài với nội dung sâu sắc, tư liệu chuẩn xác, khiến các tờ báo "anh em" là đối thủ cạnh tranh cũng phải khâm phục ngợi ca. Về điều này nên thấy rằng đó là nhờ may mắn của Quách Tử Phóng và Ba Du Sinh gắn kết cảm thông với nhau.
Quách Tử Phóng đi đi lại lại trong phòng chờ cấp cứu. Ba Du Sinh biết ngoài việc hơi bị ngạt lúc hỏa hoạn, anh ta chỉ xây xước và bỏng nhẹ, tình trạng không có gì đáng ngại so với những người khác. Lúc này Quách Tử Phóng cúi đầu như đang nghĩ ngợi. Cái cổ vốn đã dài, cúi xuống trông cứ như con cò đang tìm thức ăn. Một số bệnh nhân và người nhà sốt ruột chờ đến lượt mình đều tỏ ra khó chịu trước việc anh ta cứ liên tục lượn lờ chóng cả mặt như thế, nhưng anh chẳng bận tâm, hoặc coi như không nhìn thấy. Lúc này anh bỗng ngẩng đầu và nhìn thấy Ba Du Sinh, cứ như là có giác quan thứ sáu.
Anh lên tiếng gọi. Chờ Ba Du Sinh bước lại gần, anh nói, "Tôi vẫn đang đoán... anh sẽ thẩm vấn tôi hoặc đầu tiên hoặc cuối cùng."
Ba Du Sinh cười, "Anh đoán sai rồi."
"Hoặc, tôi chỉ có thể làm phóng viên." Quách Tử Phóng tự chế nhạo mình. "À, còn cả Na Lan nữa. Cô ấy mới phù hợp để thẩm vấn đầu tiên hoặc cuối cùng."
Ba Du Sinh, "Tôi cần chỉnh lại, không phải thẩm vấn, mà là hỏi, để thu thập thông tin. Bài báo anh đăng không thể có nhầm lẫn."
Quách Tử Phóng gượng cười, "Bài báo? Chắc anh đã hỏi nhiều người rồi, và hiểu rõ hơn tôi, rằng vụ án hôm nay đầu đuôi ra sao không dễ nắm bắt đâu! Bài báo của tôi đăng lên, chắc chắn sẽ có kha khá dấu hỏi."
Trong ánh mắt của bệnh nhân và người nhà dõi về Quách Tử Phóng, lúc này ngoài sự khó chịu đã pha thêm ít nhiều tò mò. Ba Du Sinh nói, "Cho nên tôi xin giả vờ khách khí một chút, nói rằng muốn được anh giúp đỡ."
Quách Tử Phóng cười, "Khách khí đã là giả vờ rồi, khỏi cần nói 'giả vờ khách khí' nữa. Tôi bắt được một lỗi ngôn ngữ của anh!" Đoạn nghiêm chỉnh hỏi, "Chỉ có mình anh? Tức là không phải là thẩm vấn và ghi bút lục tôi chứ gì?"
"Bên kia đường có một quán Starbucks, hai ta sang đó uống cà phê uống trà và nói chuyện cho tiện."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top