Phẩm XXVI: Bà La Môn 1
1. Bà La Môn Ðại Hỉ
Hãy tinh tấn đoạn dòng ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Bà-la-môn Ðại Hỉ, Pasàdabahula.
Một hôm, sau khi nghe Phật thuyết pháp, một vị Bà-la-môn hoan hỉ đến nỗi từ đó đều đặn mỗi ngày ông thỉnh mười sáu vị Tỳ-kheo đến nhà cúng dường. Mỗi khi các thầy đến, ông ra đón, đỡ bình bát và mời:
- Xin cung thỉnh Ngài A-la-hán vào. Xin mời Ngài A-la-hán ngồi.
Dù thưa thỉnh với bất cứ thầy Tỳ-kheo nào, ông đều xưng tụng là A-la-hán. Những thầy chưa chứng Sơ quả nghĩ thầm: "Ông cư sĩ này tưởng trong chúng ta có thầy chứng A-la-hán". Còn các thầy chứng A-la-hán lại nghĩ: "Ông cư sĩ không biết chúng ta đắc A-la-hán". Kết quả: Tất cả các thầy đều buồn lòng và không đến nhà ông nữa.
Ông Bà-la-môn hết sức buồn khổ. Ông nghĩ: "Tại làm sao các vị Tỳ-kheo cao quý ấy lại không đến nhà mình nữa kìa?". Ông vào tinh xá đảnh lễ Phật và bạch sự việc. Ðức Thế Tôn hỏi các thầy Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, vậy nghĩa là sao?
Các thầy bạch Phật lý do. Phật bảo:
- Nhưng này các Tỳ-kheo, các ông không muốn ông ấy gọi mình là A-la-hán ư?
- Bạch Thế Tôn, không ạ.
- Thế nhưng đây chỉ là cách một người bày tỏ lòng hoan hỉ, và việc biểu hiện niềm hoan hỉ ấy đâu có gì sai trái? Tấm lòng quí mến các vị A-la-hán của ông Bà-la-môn thật là vô bờ. Do đó, việc đúng đắn nhất đối với các ông là phải diệt trừ tham ái và chỉ lấy việc chứng đắc A-la-hán làm sự mong muốn duy nhất của mình.
Ngài nói kệ:
(383) Hỡi này Bà-la-môn
Hãy tinh tấn đoạn dòng,
Từ bỏ các dục lạc,
Biết được hành đoạn diệt,
Ngươi là bậc vô vi.
2. Thế Nào Là "Hai Trạng Thái"?
Nhờ thường trú hai pháp ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài ở tại Kỳ Viên, liên quan đến nhiều vị Tỳ-kheo.
Một ngày nọ, có ba mươi Sa-môn ở xứ khác đến Kỳ Viên đảnh lễ đức Phật và ngồi một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất biết rằng các thầy có đủ điều kiện chứng A-la-hán, bèn đến trước đức Phật thưa:
- Bạch Thế Tôn, Ngài thường dạy về "hai trạng thái", thế nào là "hai trạng thái?".
Ðức Phật dạy:
- Này Xá-lợi-phất, hai trạng thái là Thiền định và Trí tuệ.
Ngài nói kệ:
(384) Nhờ thường trú hai pháp,
Ðến được bờ bên kia,
Bà-la-môn có trí,
Mọi kiết sử dứt sạch.
3. Thế Nào Là Bờ Kia?
Không bờ này bờ kia ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến ma vương.
Một ngày nọ, ma vương giả dạng đến chỗ đức Phật và hỏi Ngài:
- Bạch Thế Tôn, Ngài hay nhắc đến "bờ bên kia". Xin cho biết cái gì là "bờ bên kia"?
Ðức Phật biết đó là ma vương, Ngài bảo:
- Này ma vương, ông liên hệ gì đến "bờ bên kia"? Chỉ có người thoát khỏi tham dục mới đạt đến đó thôi.
Ngài nói kệ:
(385) Không bờ này bờ kia,
Cả hai bờ không có,
Lìa khổ, không trói buộc,
Ta gọi Bà-la-môn.
4. Thế Nào Là Bà-La-Môn?
Tu thiền, trú ly trần ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một người Bà-la-môn.
Ngày nọ, một ông Bà-la-môn chợt nghĩ: "Ðức Phật thường gọi các đệ tử là Bà-la-môn, còn ta cũng sanh trưởng trong dòng Bà-la-môn, ta cũng đáng được gọi như thế".
Nghĩ vậy, y bèn đến chỗ Phật và nói lên vấn đề ấy. Ðức Phật nói:
- Ta không gọi ai là Bà-la-môn, chỉ vì dòng dõi. Ta chỉ gọi những người đạt đến quả vị A-la-hán là Bà-la-môn.
Ngài nói kệ:
(386) Tu thiền, trú ly trần
Phận sự xong, vô lậu,
Ðạt được đích tối thượng
Ta gọi Bà-la-môn.
5. Ðức Phật Sáng Ngời
Mặt trời sáng ban ngày ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại lâu đài Mẹ Migàra, liên quan đến Tôn giả A-nan.
Vào ngày lễ Tự tứ, vua Ba-tư-nặc đến tinh xá, nhà vua trang phục tô điểm thật rực rỡ, tay mang đầy hương hoa, chuỗi ngọc. Lúc ấy Tôn giả Ca-lưu-đà-di ngồi ở vòng ngoài chúng hội Tỳ-kheo, đang nhập định, toàn thân tỏa ra một luồng hỷ lạc, sáng như vàng. Và mặt trời đang lặn, mặt trăng vừa mọc. Tôn giả A-nan ngắm ánh mặt trời hoàng hôn, ngắm ánh trăng đang lên, nhìn vẻ rực rỡ của châu ngọc trên người vua, nhìn vàng hào quang sáng quanh Ngài Ca-lưu-đà-di, và cuối cùng nhìn đức Như Lai. Hào quang trên thân đức Thế Tôn vượt xa hơn tất cả.
Ngài đến bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, hôm nay con ngắm ánh sáng của những thân và vật ấy, chỉ có hào quang Ngài làm cho con mãn nguyện, vì thân Ngài chiếu ánh sáng rực rỡ hơn hẳn các ánh sáng khác.
Ðức Phật bảo:
- Này A-nan, mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm, nhà vua thì sáng khi trang điểm lộng lẫy, các vị A-la-hán thì sáng khi nhập định thoát phàm. Nhưng chỉ có chư Phật luôn luôn chiếu sáng ngày cũng như đêm, rực rỡ hơn gắp năm lần.
Ngài nói kệ:
(387) Mặt trời sáng ban ngày.
Mặt trăng sáng ban đêm.
Khí giới sáng Sát-lỵ.
Thiền định sáng Phạm chí.
Còn hào quang đức Phật,
Chói sáng cả ngày đêm.
Chú giải:
Giới đức của Phật có oai lực sáng tỏ, làm lu mờ điều bất thiện.
Ðức hạnh của Ngài có oai lực làm lu mờ các tật xấu.
Oai lực của trí tuệ che lấp vô minh.
Oai lực của chánh hạnh che lấp điều bất chánh.
6. Thế Nào Là Tỳ Kheo?
Dứt ác gọi Phạm Chí ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo.
Một người Bà-la-môn nọ xuất gia theo thầy khác chứ không theo Phật, rồi lại nghĩ: "Sa-môn Cồ-đàm gọi đệ tử là Tỳ-kheo. Ta cũng đáng được gọi như thế". Y bèn đến gặp Phật và nói lên vấn đề ấy.
Ðức Phật nói:
- Ta không gọi ai là Tỳ-kheo chỉ vì lý do ông đưa ra. Ta chỉ gọi người đã trừ được lậu hoặc và cấu nhiễm là Tỳ-kheo, "Người đã xa lìa".
Ngài nói kệ:
(388) Dứt ác gọi Phạm Chí,
Tịnh hạnh gọi Sa-môn,
Tự mình xuất cấu uế,
Nên gọi bậc xuất gia.
7. Ðức Nhẫn Nhục Chinh Phục Sự Tàn Ác.
Chớ có đập Phạm Chí ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Xá-lợi-phất.
Một ngày nọ, các thiện tín ngồi chung lại và ca ngợi đức hạnh của Tôn giả Xá-lợi-phất:
- Vị Tôn giả thầy chúng ta, thật là đức nhẫn cao đến nỗi dù ai mắng chửi hay đánh đập, Ngài cũng không giận.
Lúc ấy, có một Bà-la-môn ngoại đạo hỏi:
- Ai mà không hề giận dữ?
- Thầy chúng tôi, Tôn giả Xá-lợi-phất.
- Chắc hẳn chưa ai chọc giận được ông ấy?
- Chưa hề có chuyện ấy đâu, Bà-la-môn.
- Ðược rồi, tôi sẽ chọc giận ông ta.
- Ông cứ thử xem.
- Tin tôi đi, tôi biết cách nên hành động như thế nào với ông ta.
Hôm sau, Tôn giả vào thành khất thực. Ông Bà-la-môn đi theo sau lưng Tôn giả tống một quả đấm vũ bão vào lưng Ngài. Tôn giả chỉ hỏi: "Cái gì thế?" mà không hề quay lại dòm và tiếp tục đi. Trước thái độ ấy, ông Bà-la-môn cảm thấy ân hận tràn ngập: "Ô! Thật là tôn quí thay đức hạnh của Tôn giả!".
Ông ta sụp xuống dưới chân Ngài:
- Xin Ngài hãy tha lỗi cho tôi.
- Chuyện gì vậy?
- Tôi muốn thử Ngài nên đã đấm vào lưng Ngài.
- Ðược, tôi không giận ông.
- Nếu Ngài sẵn lòng tha lỗi cho tôi, xin từ đây hãy chỉ đến nhà tôi thọ thực thôi.
Và ông đỡ lấy bát Tôn giả, đưa Ngài về nhà cúng dường bữa trưa. Tôn giả vui vẻ trao bát.
Vài kẻ ngoại cuộc thấy vậy rất tức tối.
- Tên ngoại đạo ấy đã đánh thầy chúng ta, một vị đáng lý không ai được xúc phạm, tội ấy không thể tha thứ. Chúng ta phải giết hắn.
Họ nắm đất, đá, gậy gộc, kéo đến đứng trước cửa nhà người Bà-la-môn. Khi Tôn giả thọ thực xong trở ra, Ngài để bát cho người Bà-la-môn ôm, những người kia thấy ông ta đi ra với Tôn giả, bèn kêu:
- Bạch Tôn giả, xin Ngài ra lệnh cho ông Bà-la-môn trở lại.
- Này các đạo hữu, các ông muốn gì?
- Tên Bà-la-môn ấy đã đánh Ngài, và chúng con muốn xử hắn đích đáng.
- Sao? Ông ấy đánh ta hay đánh các ông?
- Thưa, đánh Ngài.
- Nếu vậy, ông ấy đã xin lỗi ta, các ông về đi.
Tôn giả khuyên các Phật tử, và cho phép ông Bà-la-môn về, Tôn giả trở lại tinh xá.
Các vị Tỳ-kheo hết sức bất bình.
- Thế này là sao? Một người Bà-la-môn đánh Tôn giả Xá-lợi-phất mà Ngài lại đến chính nhà của người ấy thọ thực! Ông ta đánh cả Tôn giả rồi thì còn kính trọng ai nữa? Ông sẽ đánh người này người nọ lung tung cho coi.
Ðức Thế Tôn nghe chuyện, bảo các thầy Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, không có việc người Bà-la-môn đánh Bà-la-môn, chỉ có Bà-la-môn phàm tục đánh vị Bà-la-môn thánh quả. Bởi vị nào đã chứng quả A-na-hàm hoàn toàn dứt trừ hết mọi giận dữ.
Ngài nói kệ:
(389) Chớ có đập Phạm Chí!
Phạm Chí chớ đập lại!
Xấu thay đập Phạm Chí!
Ðập trả lại xấu hơn!
(390) Ðối vị Bà-la-môn,
Ðây không lợi ích nhỏ,
Khi ý không ái luyến,
Tâm hại được chặn đứng,
Chỉ khi ấy khổ diệt.
8. Ngài Di Mẫu Thọ Giới
Với người thân, miệng, ý ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến ngài Ma-ha Ba-xà-ba-đề.
Trước khi công khai công bố Bát kỉnh pháp, đức Phật đã nói riêng cho Ngài Di Mẫu hay, và Ngài cúi đầu thọ lãnh giới pháp ấy, giống như người đã quen thuộc với việc được trang sức cúi đầu nhận vòng hoa thơm. Tất cả các vị trong nhóm của Ngài cũng làm y như vậy. Thầy Tế độ và Thân giáo sư của Ngài không ai khác hơn là chính đức Thế Tôn. Ngài đã được gia nhập Tăng đoàn của Phật.
Về sau, một số Tỳ-kheo ni trong nhóm Ngài lại bàn tán về việc Ngài được thọ giới:
- Bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề không có thầy Tế độ, không có Thân giáo sư. Bà tự tay lãnh thọ y vàng một mình.
Nghe thế, các Tỳ-kheo ni khác bất mãn không chịu làm lễ Bố tát và lễ Tự tứ với bà. Họ đến bạch Phật câu chuyện, Ngài dạy:
- Chính ta trao Bát kỉnh pháp cho bà, ta là thầy Tế độ, là Giáo sư của bà. Kẻ đã từ bỏ được những lỗi lầm cả về thân, miệng, ý, đã thoát mọi tham dục, với nhũng người như thế không nên nuôi dưỡng tư tưởng bất mãn.
Ngài nói kệ:
(391) Với người thân, miệng, ý,
Không làm các ác hạnh,
Ba nghiệp được phòng hộ,
Ta gọi Bà-la-môn.
9. Tôn Kính Người Ðáng Tôn Kính
Từ ai, biết chánh pháp ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Xá-lợi-phất.
Tôn giả Xá-lợi-phất được nghe bài kệ Phật pháp đầu tiên từ Tôn giả Ác Bệ, và từ ngày chứng quả Tu đà hoàn, Tôn giả khi nghe ngài Ác Bệ nơi nào, luôn luôn hướng về phía ấy chấp tay cung kính, và luôn nằm xây đầu về hướng ấy. Các thầy Tỳ-kheo bàn tán:
- Tôn giả Xá-lợi-phất theo tà đạo, mỗi ngày đều lễ tứ phương.
Và họ đến bạch Phật. Phật gọi Tôn giả đến hỏi:
- Này Xá-lợi-phất, họ báo cáo ông kính lễ tứ phương, có đúng không?
- Bạch Thế Tôn! Ngài biết con, Ngài biết rằng con có hay không có kính lễ phương hướng.
Ðức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Xá-lợi-phất không hề kính lễ phương hướng. Chỉ vì kính lễ Tôn giả Ác Bệ, người đầu tiên mà Xá-lợi-phất được nghe pháp nên mới làm thế. Một vị Sa-môn kính trọng người dạy pháp như người Bà-la-môn kính thờ lửa thiêng.
Ngài nói kệ:
(392) Từ ai, biết chánh pháp,
Bậc Chánh giác thuyết giảng,
Hãy kính lễ vị ấy,
Như Phạm chí thờ lửa.
10. Thế Nào Là Bà-La-Môn?
Không vì đầu bện tóc ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một người Bà-la-môn bện tóc.
Chuyện kể rằng, một ông Bà-la-môn chợt nghĩ: "Ta thuộc dòng dõi Bà-la-môn thuần túy. Sa-môn Cồ-đàm thường gọi đệ tử Bà-la-môn. Ta cũng đáng được gọi như thế?".
Nghĩ rồi, y bèn đến chỗ Phật và nói lên vấn đề ấy. Ðức Phật bảo:
- Này Bà-la-môn, ta không gọi ai là Bà-la-môn chỉ vì người ấy đầu bện tóc, chỉ vì dòng dõi, huyết thống. Ta chỉ gọi người đã thâm nhập chân lý là Bà-la-môn.
Ngài nói kệ:
(393) Ðược gọi Bà-la-môn,
Không vì đầu bện tóc,
Không chủng tộc, thọ sanh,
Ai thật chân, chánh, tịnh,
Mới gọi Bà-la-môn.
11. Người Bà-La-Môn Gian Xảo
Kẻ ngu có ích gì...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Pháp đường, liên quan đến người Bà-la-môn gian xảo, treo ngược mình lên cây như dơi.
Tại thành Tỳ-xá-ly, có một Bà-la-môn muốn cầu lợi dưỡng, y bèn leo lên cây xoài gần cổng thành, móc hai chân vào cành, lộn đầu xuống đất, la lên:
- Hãy đem cho ta một trăm đồng vàng! Hãy cho ta xu bạc! Cho ta một người tớ gái! Nếu các người không cho những điều ta yêu cầu, ta sẽ buông chân ra, chết tại đây và trở thành ác thần phá hoại thành này.
Lúc ấy, đức Phật cùng chư tăng vào thành khất thực. Các thầy Tỳ-kheo trông thấy người Bà-la-môn treo ngược người lên cành cây, và khi rời thành, các thầy thấy y còn treo trên cây. Dân cư trong thành thầm nghĩ: "Ông nội này đã treo ngược từ sáng tới giờ, nếu để ổng chết chắc chắn chúng ta không thể sống yên ở thành này". Và lo sợ cho thành Tỳ-xá-ly xinh đẹp, họ đem chất dưới gốc xoài những thứ y yêu cầu. Người Bà-la-môn leo xuống, thu chiến lợi phẩm và ra đi.
Các thầy Tỳ-kheo lại thấy người Bà-la-môn gian xảo kia đi lang thang gần tinh xá đang rống lên như một con bò. Các thầy nhận ra y ngay, bèn hỏi:
- Này bạn, có phải bạn đã đạt được những gì yêu cầu?
- Phải.
Các vị đến bạch đức Phật. Phật dạy:
- Này các Tỳ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên người ấy gian xảo như một tên bợm. Thời quá khứ y cũng như vậy. Nhưng trong kiếp này y lừa gạt được những kẻ chất phác kia, còn kiếp trước, y chẳng đánh lừa được người khôn ngoan.
Rồi Ngài kể chuyện:
Chuyện quá khứ:
11A. Nhà Ẩn Tu Giả Dối Và Kỳ Ðà Chúa
Ngày xưa, có một nhà ẩn tu ở gần một làng sống về nghề nông, và ông ta là một tên đạo đức giả. Lúc ấy, có một gia đình thường hay cúng dường thức ăn cho ông ta, dù ngày hay đêm họ đều chia sớt phần ăn cho nhà ẩn tu như họ đã chia cho con cái họ. Một chiều nọ, họ nướng thịt kỳ đà và để dành một phần cho nhà ẩn tu. Thầy tu nọ ngửi mùi thịt thơm phức bèn hỏi:
- Thịt gì đấy?
- Thịt kỳ đà.
Hôm sau, thầy khất thực được một mớ bơ, sữa đông và tiêu đem về cất trong lều cỏ. Gần lều thầy, có một cái đồi, một con kỳ đà chúa ở đấy. Nó thường viếng thầy và rất kính trọng thầy. Nhưng hôm ấy thầy muốn giết con kỳ đà nọ, bèn giấu một cây gậy trong áo, đến gần đồi cát và giả vờ ngủ. Khi con kỳ đà rời hang, đến gần chỗ thầy, thấy vẻ nằm đặc biệt khác thường, nó nghĩ thầm: "Hôm nay Sư phụ có vẻ làm sao ấy, ta không thích", và nó quay đầu bò trở về lại. Thầy tu thấy kỳ đà bò lui bèn ném cây gậy theo định giết, nhưng cây gậy rơi không trúng. Con kỳ đà lật đật nhảy vào hang, ngóc đầu ra nói:
- Tưởng thầy tu chân thật,
Muốn gần, tôi đến nhanh,
Gậy cầm, thầy toan giết,
Lộ chân tướng giả danh.
Kẻ ngu có ích gì,
Bện tóc với da dê,
Nội tâm toàn phiền não,
Ngoài mặt đánh bóng suông.
Nhà tu còn muốn dùng các thứ vật thực để dụ kỳ đà:
- Kỳ đà, mau quay lại!
Ðến nếm món cháo này.
Muối, tiêu, dầu ta có,
Muốn gì sẽ được ngay.
Kỳ đà đáp:
- Càng nghe thầy nói, tôi càng muốn chạy xa.
Và kỳ đà nói kệ:
Thật đúng khi tôi chọn,
Chỗ ẩn tít trên đồi,
Thầy cho dầu, tiêu, muối,
Với tôi, chúng ích gì!
Rồi nó nói tiếp:
- Rất tiếc khi trước tôi lầm tưởng thầy là nhà ẩn tu, nhưng khi thầy cầm gậy giết tôi, lớp áo đạo đức đã rơi xuống. Hỡi người vô tri, có ích gì khi thắt tóc bím. Có ích gì khi mặc áo da dê mà đầy những móng vuốt? Bên trong là dục vọng, bên ngoài lại điểm tô.
Ðức Phật kết luận:
- Nhà ẩn tu ấy là người Bà-la-môn hiện nay, còn kỳ đà chúa là Ta.
Ngài nói kệ:
(394) Kẻ ngu có ích gì,
Bện tóc với da dê,
Nội tâm toàn phiền não,
Ngoài mặt đánh bóng suông.
12. Bà Kisa Gotami , Vị Tỳ Kheo Ni Tu Hạnh Ðầu Ðà
Người mặc áo đống rác ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ngụ tại núi Linh Thứu, liên quan đến Tỳ-kheo ni Kisa Gotami.
Vào buổi đầu hôm, trời Ðế Thích cùng chư Thiên đến vây quanh đức Phật nghe pháp. Họ kính cẩn ngồi một bên để lắng nghe những lời dạy từ hòa của đức Thế Tôn. Lúc ấy, Ðại Ðức Tỳ-kheo ni Kisa Gotami chợt nghĩ: "Ta sẽ đến viếng đức Thế Tôn". Bà bay lên không trung, đến chỗ Phật, nhưng thấy trời Ðế Thích bèn quay lui. Ðế Thích thấy vậy hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn, ai mới đến vừa thấy Ngài liền trở ra?
Ðức Phật bảo:
- Ðại vương, đó là đệ tử ta, Tỳ-kheo ni Kisa Gotami, người có hạnh Ðầu đà bậc nhất.
Ngài nói kệ:
(395) Người mặc áo đống rác
Gầy ốm, lộ mạch gân,
Ðộc thân thiền trong rừng,
Ta gọi Bà-la-môn.
13. Thế Nào Là Bà-La-Môn?
Ta không gọi Phạm Chí ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một người Bà-la-môn.
Một người Bà-la-môn thầm nghĩ: "Sa-môn Cồ-đàm thường gọi các đệ tử là Bà-la-môn. Ta sanh trưởng trong dòng Bà-la-môn, vậy ông ấy phải gọi ta danh hiệu Bà-là-môn". Nghĩ thế, ông đến yêu cầu Phật điều ấy. Phật nói:
- Ta không gọi ai là Bà-la-môn chỉ vì họ sanh ra từ một người mẹ dòng Bà-la-môn. Người nào không sở hữu những của cải thế gian, không chạy theo những thứ thế tục, chỉ người ấy ta gọi Bà-la-môn.
Ngài nói kệ:
(396) Ta không gọi Phạm Chí,
Vì chỗ sanh, mẹ sanh,
Chỉ được gọi tên suông,
Nếu tâm còn phiền não,
Không phiền não chấp trước,
Ta gọi Bà-la-môn.
14. Diễn Viên Xiếc Uggasena
Ðoạn hết các kiết sử ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Uggasena. Chuyện này đã được kể đầy đủ chi tiết trong phần chú giải bài kệ bắt đầu bằng câu: "Bỏ quá, hiện, vi lai".
Lúc ấy, các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, Uggasena nói: "Tôi không sợ", chắc chắn thầy ấy đã nói dối.
Ðức Phật dạy:
- Này các Tỳ-kheo, giống như con ta, kẻ nào đã dứt trừ mọi ràng buộc, kẻ ấy chẳng còn sợ hãi.
Ngài nói kệ:
(397) Ðoạn hết các kiết sử,
Không còn gì lo sợ,
Không đắm trước buộc ràng,
Ta gọi Bà-la-môn.
15. Tranh Cãi Về Sức Kéo
Bỏ đai da, bỏ cương ...
Ðức Thế Tôn, dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến hai người Bà-la-môn.
Hai người Bà-la-môn nọ có hai con bò, một tên Tiểu Hồng (Culla Rohita), và một tên Ðại Hồng (Mahà Rohita). Một hôm, hai ông Bà-la-môn bàn cãi, so sánh hai con bò của nhau, ai cũng nói "Bò tôi mới là số dzách!".
Cãi lộn hết hơi rồi, họ nghĩ ra cách thử sức kéo của bò. Lập tức họ đánh xe bò ra bờ sông Aciravati, thi nhau chất lên xe bò mình nào cát, đá thật đầy và bắt bò kéo. Nhưng mặc cho họ thúc giục, chiếc xe vẫn không nhúc nhích và thình lình dây thừng đều bị đứt. Các vị Tỳ-kheo lúc ấy ra sông tắm, thấy vậy về bạch Phật. Ngài dạy:
- Này các Tỳ-kheo, đó là những dây bên ngoài, có thể cắt đứt. Nhưng một vị Sa-môn phải cắt đứt những sợi dây giận dữ và tham dục ở nội tâm.
Ngài nói kệ:
(398) Bỏ đai da, bỏ cương,
Bỏ dây, đồ sở thuộc,
Bỏ then chốt, sáng suốt,
Ta gọi Bà-la-môn.
16. Ðức Thế Tôn Chế Ngự Kẻ Sân Giận
Không ác ý, nhẫn nhục ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này trong khi Ngài đang trù tại Trúc Lâm, liên quan đến Akkosa Bhàradvàja.
Khi Phật ở tại Trúc Lâm, có một tín nữ Bà-la-môn đã chứng quả Tu-đà-hoàn, mỗi khi bà hắt hơi, ho, hoặc trợt té, đều buột miệng:
- Nam mô Phật Ðà! Như Lai Tối tôn, Vô thượng giác!
Chồng bà là một Bà-la-môn quạu quọ, không tin Phật, và rất bực mình khi nghe vợ mình cứ xưng tụng đức Phật. Ngày kia, trong khi dọn cơm cho các vị Bà-la-môn, bà trợt chân và cũng buộc miệng niệm danh hiệu Phật rất lớn. Ông Bà-la-môn nổi giận, nghĩ thầm: "Thiệt là hết chịu nổi. Mụ vợ ngốc của ta mỗi lần trợt té cứ lải nhải tôn xưng ông Sa-môn đầu trọc như là thói quen si ám".
Ông bảo bà:
-Này, tôi cho bà biết, tôi sẽ đánh bại ông thầy bà bằng một cuộc tranh luận ngay bây giờ.
- Ông cứ tự tiện, tôi chưa thấy ai có thể thắng đức Thế Tôn cả. Ông cứ đi và hỏi Ngài một câu.
Ông Bà-la-môn đến chỗ Phật, không cần chào, đứng một bên và hỏi Ngài:
Muốn được sống an tịnh,
Phải dẹp bỏ thứ gì,
Ðể không còn ưu bi?
Ðiều gì nên trừ khử?
Xin nói cho nghe thử!
Ông giảng dạy cách nào,
Ðể người nghe được mau,
Thực hiện việc trừ khử?
Ðức Phật đáp:
Sân hận khi không còn,
Sẽ được sống an tịnh,
Sân hận được trừ khử,
Ưu sầu không theo mình.
Gốc rễ sân độc địa,
Ngọn nhánh lại ngọt ngào,
Người trí luôn ca ngợi,
Người dẹp được sân hờn,
Bởi sân khi diệt sạch,
Ưu bi sẽ chẳng còn.
Người Bà-la-môn nghe Phật nói, tin nhận bèn xuất gia và đắc A-la-hán. Em trai ông nghe tin ông đã xuất gia theo Phật bèn giận dữ đến mắng chửi Phật. Nhưng đức Phật cũng chinh phục người này bằng thí dụ "vật thực cho khách", rồi y cũng xuất gia theo Phật chứng A-la-hán. Hai người em út hết, cũng như hai anh, đến rầy rà đức Phật, rốt cuộc cũng bị chinh phục, xuất gia và chứng quả A-la-hán.
Ngày đó, các Tỳ-kheo bàn tán ở Pháp đường:
- Thật là kỳ diệu thay, hạnh nhẫn nhục của chư Phật. Cả bốn anh em đến mắng chửa đức Thế Tôn mà Ngài không đáp lời nào, còn khiến họ quy y.
Lúc ấy, đức Phật đến gần hỏi:
- Các ông tụ họp ở đây bàn tán chuyện gì?
Các thầy bạch Phật. Ngài giải thích:
- Này các Tỳ-kheo, vì Ta có sức từ nhẫn, vì ta là người không gây tội giữa thế gian đầy lỗi lầm, nên Ta là nơi nương tựa chân thật cho chúng sanh.
Ngài nói kệ:
(399) Không ác ý, nhẫn chịu,
Phỉ báng, đánh, phạt hình,
Lấy nhẫn làm quân lực,
Ta gọi Bà-la-môn.
17. Tôn Giả Xá Lợi Phất Bị Mẹ Mắng.
Không hận, hết bổn phận ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Tôn giả Xá-lợi-phất.
Khi Phật ở tại tinh xá Trúc Lâm, một hôm ngài Xá-lợi-phất dẫn năm trăm vị Tỳ-kheo đi khất thực và đến trước nhà bà mẹ Ngài trong làng Nàlaka. Bà mẹ mời chư Tăng vào nhà, chuẩn bị chỗ ngồi và trong khi dọn thức ăn cho Tôn giả, bà mắng Ngài:
- Hừm! Ðồ ăn mày! Mi lang thang từ nhà này sang nhà nọ để xin cơm thừa canh cặn không được, phải liếm láp cháo dính trên vá, trên muỗng! Vậy mà mi cũng từ bỏ gia tài ức triệu để làm thầy tu. Thiệt nhục nhã cho mẹ mi! Ăn đi!
Và khi dọn thức ăn cho các thầy Tỳ-kheo, bà cũng rủa:
- Mấy người đã rũ rê con ta để làm đầy tớ cho mấy người đây hả? Ăn đi!
Tôn giả Xá-lợi-phất không nói một tiếng, nhận thức ăn, và đi về tinh xá. Khi ngài La-hầu-la đem cơm dâng Phật, đức Thế Tôn hỏi:
- Này La-hầu-la! Hôm nay ngươi đi tới đâu?
- Dạ, đến nhà của bà cô con, bạch Thế Tôn!
- Bà ấy có nói gì với thầy ngươi không?
- Bạch Thế Tôn, bà ấy mắng chửi dữ dội.
- Bà ấy nói những gì?
La-hầu-la kể lại cho đức Phật nghe câu chuyện, và Ngài hỏi:
- Rồi thầy ngươi trả lời ra sao?
- Bạch Thế Tôn, Tôn giả chẳng trả lời gì hết.
Các vị Tỳ-kheo nghe chuyện, bàn tán với nhau:
- Này chư huynh! Cao quý thay đức nhẫn của Tôn giả Xá-lợi-phất! Dù cho mẹ Ngài mắng chửi như thế đó, Ngài chẳng hề giận một chút nào.
Ðức Thế Tôn nghe thế bèn dạy:
- Này các Tỳ-kheo, người nào thanh trừ được mọi dục vọng xấu, người ấy không còn sân giận.
Ngài nói kệ:
(400) Không hận, hết bổn phận,
Trì giới, không tham ái,
Nhiếp phục, thân cuối cùng,
Ta gọi Bà-la-môn.
18. A-La-Hán Có Phàm Thân Hay Không?
Như nước trên lá sen ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tỳ-kheo ni Uppalavannà. Chuyện được kể đủ chi tiết trong phần chú giải bài kệ bắt đầu bằng câu: "Người ngu nghĩ là ngọt, khi ác chưa chín mùi". Truyện kể tiếp rằng:
Sau đó ít lâu các Tỳ-kheo bàn tán ở Pháp đường: "Chắc các vị đã trừ hết lậu hoặc vẫn còn phải thỏa mãn nhục dục. Tại sao không? Họ đâu phải cây lá hay đất cục mà cũng mang thân người với máu thịt, do đó thế nào cũng còn ưa khoái lạc".
Ðức Thế Tôn nghe chuyện bèn giải thích:
- Này các Tỳ-kheo, không bao giờ người đã thanh trừ ái dục lại yêu thích khoái lạc hay thỏa mãn nhục dục. Như một giọt nước rơi trên lá sen không bao giờ dính lại, nó lăn tròn và rơi xuống, như hạt cải không bao giờ dính trên đầu cây kim, cũng như tình ái không bao giờ ràng buộc hay còn vương vấn nơi những vị đã tận trừ ái nhiễm.
Ngài nói kệ:
(401) Như nước trên lá sen,
Như hạt cải đầu kim,
Người không nhiễm ái dục,
Ta gọi Bà-la-môn.
19. Người Nô Lệ Trút Gánh Nặng
Ai tự trên đời này ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một người Bà-la-môn.
Khi chưa có điều luật không cho phép nhận nô lệ trốn chủ vào Tăng đoàn, một hôm người nô lệ của một Bà-la-môn đến xin xuất gia. Y được nhận vào Tăng đoàn và chẳng bao lâu chứng A-la-hán. Người Bà-la-môn tìm khắp nơi nhưng không gặp. Một hôm đức Phật dẫn vị A-la-hán ấy vào thành khất thực, người Bà-la-môn trông thấy ở cổng thành bèn níu y của Tôn giả nọ. Ðức Phật quay lại hỏi:
- Này Bà-la-môn, chuyện gì vậy?
- Thưa Ngài Cồ-đàm, đây là kẻ tôi tớ của tôi.
- Này Bà-la-môn, gánh nặng đã rời khỏi y.
Nghe đức Phật nói, người Bà-la-môn lập tức hiểu rằng người ấy đã chứng A-la-hán. Ông hỏi lại:
- Có thật không, thưa Cồ-đàm?
Ðức Phật xác nhận:
- Thật vậy, gánh nặng của người ấy đã buông xuống rồi.
Ngài nói kệ:
(402) Ai tự trên đời này,
Giác khổ, diệt trừ khổ,
Bỏ gánh nặng, giải thoát,
Ta gọi Bà-la-môn.
20. Khamà Trí Tuệ.
Người trí tuệ sâu xa ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại núi Linh Thứu, liên quan đến Tỳ-kheo ni Khemà.
Ngày nọ, lúc đầu hôm, vua trời Ðế Thích dẫn chư thiên đến nghe Phật thuyết pháp, lúc ấy Tỳ-kheo ni Khemà cũng khởi nghĩ: "Ta sẽ đến thăm đức Thế Tôn".
Bà bay đến chỗ Phật, gặp Ðế Thích và chư thiên, bèn đảnh lễ Phật rồi lui ra, Ðế Thích hỏi Phật:
- Ai vậy, thưa Thế Tôn?
- Này Ðại vương, đó là Tỳ-kheo ni Khemà, trí tuệ đệ nhất, biết rõ đâu là đạo và đâu không phải là đạo.
Ngài nói kệ:
(403) Người trí tuệ sâu xa,
Khéo biết đạo, phi đạo,
Chứng đạt đích vô thượng,
Ta gọi Bà-la-môn.
21. Vị Sa Môn Và Thiên Thần
Không liên hệ cả hai ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Tissa Pabbhàravàsì.
Ðại đức Tissa Pabbhàravàsì khi nhận đề mục thiền quán từ đức Phật, bèn vào rừng cư trú. Ðại đức tìm được một cái hang kín đáo thích hợp. Khi vừa đến hang, Ngài thấy lòng an tịnh, bèn nghĩ thầm: "Nếu ở đây, ta sẽ đạt được mục tiêu tối thượng, làm xong bổn phận của Sa-môn". Khi ấy vị thần ở hang cũng nghĩ: "Một vị Sa-môn đạo hạnh đã đến ở đây, thiệt là khó xử cho ta khi ở chung với người. Có lẽ Ngài chỉ trú đêm, rồi đi nơi khác". Thần bèn dắt con cái rời hang.
Ngày sau, Tôn giả vào làng khất thực. Một nữ thí chủ trông thấy Ngài đem lòng kính ngưỡng bèn mời vào nhà cúng dường, và phát nguyện sẽ cúng dường đầy đủ những món cần thiết trong ba tháng an cư. Tôn giả nghĩ rằng: "Nhờ Phật tử này ta sẽ đạt được sở nguyện", bèn nhận lời thỉnh. Rồi Ngài trở về động cũ. Trông thấy Ngài về tới, thần hang nghĩ: "Chắc có ai mời Ngài. Ngày mai hay mốt Ngài sẽ đi". Như thế nửa tháng trôi qua, vị thần thất vọng: "Chắc chắn Tôn giả sẽ ở đây suốt mùa mưa. Thiệt khó cho khi ở chung với vị Sa-môn đạo hạnh, mà cũng không thể mời Ngài đi nơi khác. Ta có thể tìm lỗi của Ngài không?" Nữ thần dùng thiên nhãn quan sát cuộc đời của vị Sa-môn từ khi xuất gia đến lúc vào rừng, chẳng thấy có tỳ vết. "Ðức hạnh của vị này hoàn toàn tinh khiết. Ta sẽ tìm cách kiếm chuyện và có thể nói lỗi Ngài được".
Nữ thần đến nhà thí chủ của Tôn giả, nhập vào đứa bé trai nhỏ nhất, và bẻ cổ nó, đứa bé tự dưng trợn mắt và sùi bọt mép. Người mẹ hoảng sợ kêu lên:
- Sao con tôi như thế này?
Nữ thần nói với bà:
- Ta đã bắt con ngươi, nhưng không làm hại gì. Ngươi chỉ cần xin vị Tỳ-kheo hằng đến đây khất thực một ít cây thuốc cho con ngươi uống, ta sẽ buông tha.
- Thà con tôi chết, tôi không bao giờ xin Ngài điều ấy.
- Nếu không xin, ngươi hãy yêu cầu Tôn giả đặt thuốc vào mũi con ngươi.
- Tôi cũng không thể làm như vậy.
- Thôi được, hãy rửa chân Tôn giả, và lấy nước rảy lên đầu con ngươi.
Khi Tôn giả đến như thường lệ, bà dọn thức ăn ra cho Ngài và bưng một thau nước đến cho Tôn giả rửa chân. Bà xin Tôn giả nước rửa ấy rảy lên đầu con trai, Tôn giả bằng lòng và đứa bé được buông tha.
Vị thần đứng chờ ở cửa hang. Thọ trai xong, Tôn giả đứng lên và vẫn không rời đề mục thiền quán, Ngài từ giã nữ thí chủ trở về hang, vừa đi vừa thầm ôn ba mươi hai thứ cấu tạo nên thân. Tôn giả mới đến cửa hang, nữ thần đã nói:
- Xin chào thầy lang mát tay. Ngài chớ vào đây nữa.
Tôn giả liền dừng lại hỏi:
- Ngươi là ai?
- Tôi là vị thần trú ở đây.
Tôn giả thầm nghĩ: "Ta có từng bao giờ làm thầy thuốc không?" Ngài quán sát suốt cuộc đời mình từ lúc xuất gia vào Tăng đoàn, thấy chẳng có một tỳ vết gì hoen ố, bèn bảo nữ thần:
- Ta chẳng bao giờ làm thầy thuốc cả. Tại sao ngươi nói vậy?
- Chẳng bao giờ ư?
- Ðúng thế, chẳng bao giờ.
- Tôi sẽ cho thầy hay.
- Vâng, xin cứ nói.
- Thầy hãy nhớ lại xem. Ngày hôm nay thôi, thầy có rảy nước rửa chân lên đầu con bà thí chủ đang hộ trợ thầy, bị ma bắt không?
- Có, ta có rảy nước như thế.
- Thầy không thấy là đã làm thầy lang ư?
- Vậy ra ngươi nói ta làm thầy thuốc là việc ấy?
- Ðúng thế.
Tôn giả tự nghĩ: "Quả thực ta đã có quyết tâm đúng đắn. Ta đã thực sự giữ được giới hạnh tương ứng. Ngay cả vị thần này cũng không tìm được tỳ vết nơi đức hạnh ta, do ta nghiêm trì bốn giới thanh tịnh. Bà chỉ tìm được chuyện ta rảy nước rửa chân lên đầu một cậu bé".
Với ý nghĩ đã giữ được đạo hạnh trọn vẹn thanh tịnh, Tôn giả cảm thấy vô cùng hoan hỉ. Rồi Tôn giả chế ngự cảm xúc ấy và chẳng rời đi một bước, Ngài đắc quả A-la-hán.
Ngài dạy nữ thần:
- Ngươi đã vô cớ xúc phạm ta là một Tỳ-kheo phạm hạnh thanh tịnh. Hãy đi đi, đừng ở đây nữa.
Ngài nghiêm nghị nói kệ:
Cuộc sống ta trong sạch,
Phạm hạnh không vết tỳ.
Thanh tịnh tăng chớ mắng,
Mau ra khỏi rừng đi.
Tôn giả ở lại hang đến hết mùa an cư rồi trở về chỗ Phật. Các thầy Tỳ-kheo hỏi:
- Này huynh, huynh đã đạt được mục đích tối thượng, làm tròn bổn phận một Sa-môn chưa?
Tôn giả kể kinh nghiệm vừa qua cho các thầy nghe, bắt đầu từ lúc đến hang ở. Các thầy hỏi:
- Này huynh, khi nữ thần kia nói huynh như thế huynh có nổi giận không?
- Không, tôi không giận.
Các thầy Tỳ-kheo đến bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo này nói dối. Thầy nói khi nữ thần bảo thầy nọ kia, thầy không giận.
Ðức Thế Tôn lắng nghe họ kể hết chuyện. Ngài dạy:
- Này các Tỳ-kheo, con ta không sân giận. Thầy ấy chẳng chuyện trò với cư sĩ hoặc tu sĩ, sống đời độc cư, thiểu dục và tri túc.
Ngài nói kệ:
(404) Không liên hệ cả hai,
Xuất gia và thế tục,
Sống độc thân, ít dục,
Ta gọi Bà-la-môn.
22. Vị Sa Môn Và Người Ðàn Bà
Bỏ trượng, đối chúng sanh ...
Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo.
Một thầy Tỳ-kheo nọ sau khi nhận đề mục thiền quán liền lui vào rừng sâu, chuyên chú hành thiền và đắc quả A-la-hán. Thầy tự nghĩ: "Ta sẽ đến trình lên đức Thế Tôn niềm an lạc vô biên vừa đạt được này". Và thầy rời khu rừng, lên đường trở về. Lúc ấy, tại một xóm làng thầy vừa đi ngang, có người đàn bà cãi nhau với chồng. Khi ông chồng đi khỏi nhà, cô nghĩ: "Ta sẽ về nhà ta". Cô liền ra đi trên đường, thấy vị Sa-môn, cô lại nghĩ: "Ta nên đi gần Tôn giả này", rồi cô đi theo thầy Tỳ-kheo bén gót. Tôn giả chẳng hề nhìn ngó gì đến cô cả.
Ông chồng trở về nhà không thấy cô vợ đâu thì biết ngay: "Chắc cô ả về nhà mẹ", ông liền đi kiếm. Khi trông thấy cô, ông nghĩ: "Cô này không thể nào đi qua rừng một mình được đâu. Cô ả đi với ai?" Bỗng ông thấy vị Sa-môn: "Chắc thầy này dẫn cô ả đi rồi đây". Ông bèn tiến đến đe dọa thầy Tỳ-kheo, cô vợ kêu lên:
- Vị Sa-môn đức hạnh này chẳng hề nhìn ngó hay hỏi han tôi tiếng nào. Xin đừng xúc phạm thầy.
- Bộ bà muốn nói bà bỏ đi kiểu này đây hả? Ta sẽ cho hắn một trận xứng đáng với tội của riêng bà thôi đấy.
Trong cơn tức giận vì căm ghét người đàn bà, ông đánh thầy Tỳ-kheo nhừ tử rồi dẫn cô vợ về.
Thân thể vị Sa-môn đầy những lằn roi khi thầy về tu viện, các thầy khác chà xát người cho thầy để ý thấy các vết roi bèn hỏi. Thầy kể lại đầu đuôi câu chuyện. Các thầy nói:
- Nhưng này huynh, khi ông kia đánh huynh như vậy, huynh có nói gì không? Huynh có nổi xung không?
- Không, thưa chư huynh. Tôi không giận.
Các thầy bạch lên đức Phật câu chuyện và thưa:
- Bạch Thế Tôn, chúng con hỏi thầy Tỳ-kheo có giận không, thầy ấy nói chẳng giận. Thầy ấy nói dối.
Ðức Thế Tông lắng nghe chuyện họ kể và dạy:
- Này các Tỳ-kheo, kẻ nào đã trừ được lậu hoặc liền bỏ hết roi gậy. Dù ai đánh họ, họ cũng không sân giận lại.
Ngài nói kệ:
(405) Bỏ trượng, đối chúng sanh.
Yếu kém hay kiên cường,
Không giết, không bảo giết,
Ta gọi Bà-la-môn.
(Xem tiếp Phần 26b)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top