Thuyết minh
Mỗi 1 đất nước thì đều có những bộ đồ truyền thống của riêng họ, chẳng hạn: Kimono của Nhật Bản tạo cảm giác nhẹ nhàng, nữ tính; Hanbok của Hàn Quốc thì bồng bềnh, thanh lịch; Sari của Ấn Độ kiêu sa, quyền quý; Xường Xám của Trung Quốc thì trông thật quyến rũ và thời thượng... Đặc biệt hơn cả là trang phục truyền thống của Việt Nam - Bộ áo dài tha thướt, mềm mại.
Chẳng ai rõ về nguồn gốc của chiếc áo dài Việt Nam, có rất nhiều ý kiến đưa ra cho rằng áo dài được bắt nguồn từ Trung Quốc hay có nguồn gốc từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát do 1 lần cải cách trang phục ở Đàng Trong. Sau đó các nhà nghiên cứu cùng thống nhất rằng bộ áo dài truyền thống có từ thời Hai Bà Trưng, xuất hiện vào giai đoạn 38 – 42 Công nguyên.
Chiếc áo dài được may vô cùng tinh tế với những đường may cẩn thận, tỉ mỉ. Phần cổ áo người xưa thường đứng, cao khoảng từ 4-5 cm, che đi phần cần cổ trắng nõn của người phụ nữ. Hiện nay, có nhiều kiểu mẫu cổ áo được cách tân như hình cổ tròn, chữ V, cổ vuông, cổ yếm, cổ tim... tạo vẻ phóng khoáng, tươi mới của những người phụ nữ hiện đại.
Phía trên phần thân áo sẽ có cúc áo làm bằng vải hoặc kim loại thường từ cổ sang vai rồi kéo xuống ngang bên hông, ôm dáng người mặc, tôn lên vẻ duyên dáng, dịu dàng của những thiếu nữ còn e ấp hay những quý bà tao nhã, trang nghiêm. Dần dần, những chiếc cúc áo này đã bị thay thế và ít sử dụng hơn, thay vào đó là chiếc khóa kéo ở phần sau lưng từ cổ xuống đến ngang lưng hoặc ngang hông. Phần eo có thể ôm sát người mặc để tăng thêm phần cuốn hút, gợi cảm hoặc có thể để dáng suông cho thật thoải mái, dễ chịu nhưng cũng không kém phần lả lướt, kiều kì.
Phần tay áo thì thường dài từ phần vai cho đến đến cổ tay, rất được người xưa ưa chuộng, nhưng dần dần có nhiều mẫu áo dài có phần tay áo ngắn từ vai xuống đến bắp tay hay bả vai hoặc có những chiếc áo yếm không có phần tay áo. Nhưng thường thường, người ta hay mặc những chiếc áo có phần tay áo dài tôn lên vẻ kín đáo, thanh thoát cho người mặc.
Phần dưới thân áo dài từ eo trở xuống có hai tà: tà trước và tà sau thường dài từ phần eo cho đến gần cổ chân hoặc qua đầu gối khiến người mặc thêm phần uyển chuyển và linh hoạt hơn. Ngày xưa tà trước thường bằng tà sau nhưng ngày nay có thể thấy rằng có nhiều mẫu áo dài có phần tà trước ngắn hơn tà sau. Áo dài của nam giới thì thường ngắn hơn của nữ giới và chỉ dài qua đầu gối.
Thông thường, hoa văn áo dài của phái nữ thường được thêu ở trước ngực hoặc chạy dọc theo thân áo. Những mẫu hoa văn là cây, hoa, lá thường được người mặc yêu thích nhất. Nó mang nét đẹp thiên nhiên hay ngụ ý người mặc đẹp như hoa, tươi trẻ như lá và đầy sức sống như cây cối. Vào những dịp lễ quan trọng thì hoa văn trông sẽ cầu kì và bắt mắt hơn. Còn với những bộ áo dài của phái mạnh thì thường tối màu hơn và ít có hoa văn hơn.
Áo dài thường được phối cùng với những chiếc quần sáng bóng, trơn mịn, dài đến gót chân và có ống rộng. Màu sắc của áo dài không phụ thuộc vào màu sắc của quần nên người mặc có thể chọn màu sắc của chiếc quần theo ý thích của bản thân.
Màu sắc của áo dài thì có nhiều kiểu loại, phù hợp với sở thích của từng người. Chất liệu vải của áo dài thường là vải mềm, mỏng như: nhung, lụa tơ tằm, vải ren, vải gấm, vải voan... Vải nhung, lụa tơ tằm hay vải gấm thì có giá thành khá cao vì chúng được làm từ những chất liệu cao cấp nhất và quy trình sản xuất cũng vô cùng cầu kì, phức tạp, còn vải voan và vải ren thì đơn giản hơn nên giá thành của chúng khá phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Áo dài được sử dụng rất phổ biến trong đời sống và phù hợp với tất cả mọi người. Áo dài thường xuất hiện nhiều vào các dịp lễ quan trọng như đám cưới, đám hỏi, hội làng, Tết... làm tăng vẻ long trọng, tôn kính đối với thần linh, với mọi người. Mỗi khi đến ngày 20-11 thì các cô các thầy cũng đều rủ nhau mặc những bộ áo dài trang trọng với đủ họa tiết, hoa văn trang trí. Hay hầu hết cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có quy định nữ cán bộ, công chức, viên chức phải mặc áo dài khi chào cờ đầu tuần hoặc mặc cả ngày thứ hai hay thậm chí mặc xen kẽ những ngày trong tuần. Nhiều nơi còn khuyến khích, có khi là bắt buộc phải mặc áo dài vào những ngày lễ, hội nghị. Áo dài còn nhiều khi xuất hiện nhiều ở các chương trình truyền hình, các sự kiện lớn hay các lễ hội có tầm ảnh hưởng sâu rộng...
Trên thị trường trong nước ngày càng có rất nhiều những nhà thiết kế đầy tài năng và có lòng yêu thích đặc biệt đối với áo dài. Một trong số những nhà thiết kế áo dài tiêu biểu nhất chính là nhà thiết kế Minh Hạnh, được coi là cây cổ thụ trong làng thời trang Việt Nam. Bà đã nhiều lần đưa tới bộ sưu tập trang phục truyền thống của Việt Nam do chính bà thiết kế tới Nhật Bản, Pháp, Anh, Đức, Thái Lan, Trung Quốc để đem tới cho bạn bè các nước cùng chiêm ngưỡng tinh hoa của trang phục Việt.
Sau khi mặc áo thì nên giặt ngay để tránh hôi mốc, khó làm sạch vết bẩn. Nên giặt bằng tay, còn nếu giặt bằng máy thì phải giặt riêng áo dài ở chế độ giặt nhẹ nhàng. Khi phơi áo dài cần chọn ngày nắng và thoáng gió vừa phải để tránh vải bị khô cứng và phai màu, không nên phơi dưới ánh mặt trời trực tiếp và tránh nhiệt độ cao vì sẽ khiến vải mất đi độ bóng vốn có có khiến cho sợi vải nhanh cũ. Nếu không mặc thường xuyên thì nên cuộn tròn áo dài đặt vào túi giấy để không bị bám bụi và luôn mềm mại, còn nếu thường xuyên mặc thì hãy treo lên trên móc để đảm bảo sự phẳng phiu và thướt tha của áo dài.
Những bộ áo dài tôn vẻ đẹp đằm thắm, yêu kiều mà đầy sự quyến rũ của người phụ nữ Việt. Áo dài đơn điệu mà trang nhã, không quá cầu kì, lộng lẫy nhưng lại mang tới vẻ đẹp lôi cuốn khó tả. Chúng đang và sẽ đang nâng cao thêm vẻ đẹp của người Việt và tôn vinh thêm vẻ đẹp của chúng tới năm châu thế giới.
Áo dài được nhắc đến rất nhiều trong thơ ca, âm nhạc và hội họa. Điển hình là bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" của Tô Ngọc Vân sáng tác năm 1943, là bức tranh nổi tiếng và tiêu biểu bậc nhất trong nền hội họa Việt Nam. Hay trong âm nhạc có bài "Hạ trắng" - 1 sáng tác của Trịnh Công Sơn có câu hát "Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay...", hình ảnh áo dài cũng chập chờn xuất hiện...
Ngày nay, xã hội phát triển, vì thế nên dần dần càng xuất hiện thêm nhiều mẫu áo với nhiều phong cách khác nhau nhưng áo dài vẫn luôn là tượng đài bất hủ trong nền thời trang của Việt Nam. Áo dài như muốn phản ánh lối sống giản dị, dễ mến của con người và đất nước Việt Nam. Vì vậy, cần phải giữ gìn nét đẹp của dân tộc và phong tục của đất nước.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top