thuy quai
PHẦN 1.Quái vật hồ Kanasi
Loạt bài này chỉ mang ý nghĩa tham khảo vì có thể những con "quái vật" này có thật hoặc chỉ do tưởng tượng.
Nhắc tới "thủy quái", ai cũng nghĩ tới Nessie, con quái vật hồ Loch Ness (Xcốtlen) đã làm tốn biết bao giấy mực hơn 1.500 năm qua.
Tuy nhiên, cùng với sự chuyển động của thời gian, con người đã phát hiện thêm rằng ngoài Nessie, trên thế giới này còn rất nhiều con "thủy quái" khác. Chúng có mặt ở Trung Quốc, Thụy Điển, Ucraina..., tiếp tục trở thành tâm điểm gây sự tò mò, chú ý của dư luận bởi tất cả những gì con người có trong tay tới nay chỉ là những bức ảnh, thước phim mờ mờ ảo ảo về chúng.
Hồ Kanasi (thuộc khu tự trị Tân Cương), theo tiếng Mông Cổ nghĩa là "hồ đẹp và thần bí", được liệt vào vị trí đầu tiên trong danh sách những hồ trên núi lớn nhất Trung Quốc. Truyền thuyết kể rằng khi xưa Thành Cát Tư Hãn băng hà, di thể được đem thủy táng ở hồ Kanasi và những người Đồ Ngõa (Tuwa, phân chi của dân tộc Mông Cổ) được tuyển chọn để đi theo hầu cận vị hoàng đế trứ danh này. Từ đó, người ta thấy "thủy quái" bắt đầu xuất hiện ở hồ Kanasi.
Chúng chính là những "vệ sĩ" trung thành bảo đảm vong linh của Thành Cát Tư Hãn không bao giờ bị xâm phạm. Truyền thuyết là vậy, nhưng cũng đủ để kích thích trí tò mò của con người. Giờ đây, hồ Kanasi thu hút ngày càng nhiều du khách, cả những nhà khoa học, thám hiểm không chỉ tới chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp, hít thở bầu không khí thoáng đãng nơi đây, mà còn để nghiên cứu và có một lần may mắn trong đời mục kích con quái vật nổi lên. Ngành du lịch địa phương nhờ đó đã và đang kiếm bộn tiền.
Chuyện rộ lên vào những năm 1980. Sau những gì được cho là "đồn thổi", "huyễn hoặc" về con quái vật hồ Kanasi, đoàn khảo sát do nhà nghiên cứu Viên Quốc Ánh thuộc Viện Nghiên cứu khoa học bảo vệ môi trường Tân Cương dẫn đầu đã lên đường đến hồ Kanasi. Trong hơn 3 tháng ở đây, họ đã phát hiện xương của rất nhiều loại động vật chết ven hồ, trong đó có cả những loài lớn, mạnh như: Trâu, bò, ngựa và cả lợn rừng.
Những nhà nghiên cứu cũng gặp và nghe nhiều người Đồ Ngõa sống quanh hồ kể về con "quái vật" Kanasi từng ăn thịt cừu, ăn thịt ngựa của họ với một vẻ huyền bí. Người Đồ Ngõa phong "quái vật" hồ Kanasi làm một vị thần, cúng tế hàng năm hậu hĩnh và rất sợ đề cập tới "ngài" vì họ coi đó là việc làm kị húy, sẽ bị "ngài" giáng họa. Kết quả chuyến khảo sát không có gì đáng chú ý ngoài một mớ truyền thuyết về "quái vật" hồ Kanasi.
Tuy nhiên, 5 năm sau, khi quay trở lại trong một chuyến khảo sát khác, ông Viên Quốc Ánh đã vô cùng sửng sốt khi tận mắt trông thấy những con "quái vật" hồ Kanasi. Hôm đó, khi đang xuống núi, ông Viên Quốc Ánh nhìn thấy phía xa có một vệt dài như thể ai đó trải tấm vải hồng trên mặt hồ Kanasi. "Thật là điên rồ", ông Viên Quốc Ánh thầm nghĩ.
Bất chợt mấy du khách bên cạnh thốt lên: "Chúng đang động đậy". Ông Viên Quốc Ánh bừng tỉnh. "Cá khổng lồ", một du khách cầm kính viễn vọng thảng thốt. Định thần, ông Viên Quốc Ánh mượn chiếc kính viễn vọng của người bên cạnh. Rõ ràng không phải tấm vải hay sinh vật phù du hoặc một dải tảo hồng, trên mặt hồ có rất nhiều cái đầu tròn há miệng tạo ra quầng bọt lớn.
Một số con nhấp nhô tấm lưng màu hồng lên mặt nước. Tới 12 giờ trưa, số lượng "quái vật" nhập bầy đã lên tới 50-60 con, trong đó có khoảng 10-20 con dài từ 6-9 m, 30-40 con dài từ 3-6 m và con to nhất dài trên 10 m, nặng chừng 2-3 tấn, đầu rộng trên 1 m. Trông chúng như những chiếc tàu ngầm nhô lên mặt nước, dài và to gấp 2-3 lần một cây cổ thụ.
Hai mươi năm sau, vào ngày 7/6, khi đang trên thuyền du ngoại cảnh hồ Kanasi, một nhóm du khách đến từ Bắc Kinh cũng may mắn nhìn thấy hai con "quái vật" đùa giỡn nhau tạo ra những cột sóng cao tới 2 m. Khi vươn lên, chúng cao bằng những cây lớn mọc ven hồ, thân dài ít nhất là 10 m.
Đang cầm trong tay máy ảnh, giảng viên Lý Tiêu Lăng thuộc Học viện Chính trị thanh niên Trung Quốc đã có được bức hình quý báu về "quái vật" hồ Kanasi và nó không chỉ gây chấn động Trung Quốc mà cả đối với thế giới. Tháng 7/2007, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát đi đoạn băng ghi hình 15 con "quái vật" hồ Kanasi đang bơi như tên bắn dưới mặt nước xanh ngằn ngặt, để lại bọt tung trắng xóa đằng sau. Hàng chục thế kỷ nay, có lẽ đây là lần đầu tiên Trung Quốc có được bằng chứng sống động và thuyết phục đến thế về con "quái vật" bí ẩn này
Các nhà ngư học cho rằng hồ Kanasi nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, nước rất lạnh, nên tốc độ sinh trưởng của các loài cá trong hồ rất thấp, khó có thể tồn tại một loại cá khổng lồ. Nhưng, qua quan sát và nghiên cứu nhiều năm, ông Viên Quốc Ánh ước tính con "quái vật" to nhất trong hồ Kanasi dài trên 15 m. Điều đó có nghĩa "quái vật" hồ Kanasi là loài động vật nước ngọt lớn nhất cho tới nay bởi người ta mới chỉ bắt được con vật sống ở nước ngọt lớn nhất là loài cá tầm dài khoảng 9 m (ở Nga).
Theo luận chứng của nhiều chuyên gia Trung Quốc, "thủy quái" hồ Kanasi thực chất là một loại cá hồi Triết La, vẩy màu hồng, thân dài khoảng 12- 15 m, đầu rộng 1,5 m, nặng chừng 2-3 tấn. Đây là một loại động vật ăn thịt dưới nước rất hung hãn. Thức ăn của chúng là các loài cá bé, thủy cần hoang dã và thậm chí là đồng loại. Tuy nhiên, từ lâu, cá hồi Triết La đã bị cho là tuyệt tích và tới nay chưa ai bắt được một con cá loại này dài hơn 2,1 m.
Hồ Kanasi tồn tại từ 200.000 năm nay, có diện tích 24 km x 1,6 km, chỗ sâu nhất khoảng 188 m, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kanasi (Tân Cương, Trung Quốc), được mệnh danh là "Giơnevơ của phương Đông". Nước hồ Kanasi rất trong, môi trường gần như nguyên sinh
PHẦN 2.Quái vật hồ Thiên Trì
Trong khi những cuộc tranh luận về con "quái vật" hồ Kanasi chưa kết thúc, ở một nơi khác giáp biên giới Trung-Triều thuộc tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc), người ta cũng rộ lên chuyện "quái vật" hồ Thiên Trì.
Con "thủy quái" này từng trở thành chủ đề bàn luận chính của chuyên mục "Tới gần khoa học" của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).
1. Những lần xuất hiện gây chấn động
Ngày 9/10/1980, tờ "Quang Minh nhật báo" của Trung Quốc đăng tải câu chuyện của một người từng mục kích sở thị con "quái vật" hồ Thiên Trì. Tác giả của bài báo mang tên "Nhớ lại một lần nhìn thấy 'quái vật" hồ Thiên Trì" cho biết, khoảng 4 giờ sáng ngày 21/8/1980, khi đứng trên mỏm đá cao bên hồ Thiên Trì để ngắm mặt trời lên, ông phát hiện phía xa có một vật thể, thân như con trâu, đầu to như cái vại, đang di chuyển rất nhanh, tạo ra một kệt nước dài phía sau.
Điều làm mọi người khó hiểu là hồ Thiên Trì nằm ở gần đỉnh cao nhất phía đông bắc dãy núi Trường Bạch, hình thành trên miệng một ngọn núi lửa đã tắt, nước rất lạnh (mùa đông băng tuyết phủ, mùa hè lúc chính ngọ ở đây cũng chỉ khoảng 11 độ C), hàm lượng dinh dưỡng trong nước cực thấp, về cơ bản, rất khó để một loại sinh vật nào sống nổi. Kết quả một lần khảo sát cũng cho thấy, hồ Thiên Trì không có động vật có xương sống. Do đó, chuyện hồ Thiên Trì đột nhiên xuất hiện một con vật to lớn đã gây ra cơn chấn động rất lớn.
Ngày 23/8/2003, một đoàn khách du lịch gồm hơn 40 người đang chơi ở hồ Thiên Trì. Lúc đó là khoảng 11 giờ trưa, đột nhiên, một người hô to: "Nhìn kìa, quái thú lại xuất hiện". Tất cả quay lại đổ dồn ánh mắt về hướng tay người khách nọ chỉ. Trong làn nước trong xanh, một sinh vật màu đen, dài khoảng 3 mét đang bơi từ bờ nam sang bờ bắc rồi lặn xuống mất hút.
Trước đó gần một tháng, khoảng 20 con "quái vật" hồ Thiên Trì đã làm một cuộc diễu hành kéo dài khoảng 50 phút. Hai năm sau, vào ngày 7/7, một người có tên Trịnh Trường Xuân, trú ở huyện Phủ Tùng, tỉnh Cát Lâm, trong khi đi vãn cảnh hồ Thiên Trì tình cờ phát hiện trên mặt hồ nổi lên một bóng đen kì quái liền lấy máy ảnh chụp. Cho dù có người cho rằng đó chỉ là một khúc gỗ trôi, nhưng ông Trịnh khẳng định mình đã chớp được ảnh một sinh vật lạ ở hồ Thiên Trì.
Trong khi mọi người còn đang tranh cãi thì ngày 21/7/2005, con "quái vật" tái hiện ở bờ phía bắc và lại phá tan mặt nước phẳng lặng của hồ Thiên Trì vào hơn 10 ngày sau đó. Theo ông Hoàng Tường Đồng, một người có cơ may tận mắt nhìn thấy "quái vật" hồ Thiên Trì, riêng phần đầu và cổ của con "thủy quái" nhô lên mặt nước đã cao trên 2 mét.
2. Bốn điểm nghi hoặc về "quái vật" hồ Thiên Trì
Trước tiên là thân phận đặc biệt của nhiều người nhìn thấy thủy quái. Đa phần họ là "người nhà" của khu vực có cảnh sắc tuyệt đẹp này, cho nên, về lý mà nói không tránh khỏi nghi ngờ rằng liệu có phải họ đã vì lợi ích bản thân (thu lời từ du lịch) mà dựng lên câu chuyện "quái vật"? Thứ hai là sự trùng hợp lạ lùng của những lần "quái vật" hồ Thiên Trì xuất hiện. Thông thường, chúng xuất hiện vào tháng 7 và đó cũng là khoảng thời gian đẹp nhất cho du khách tới vãn cảnh hồ Thiên Trì. Liệu đây có phải là một chiêu quảng cáo thu hút khách thập phương?
Thứ ba là "dụng cụ" dùng để quan sát rất đặc biệt - mắt thường. Theo miêu tả của đa phần những người có cơ may mục kích "quái vật", họ nhìn thấy "một điểm tròn, màu trắng hoặc màu đen di chuyển" ở khoảng cách 2- 3 km. Sau đó, khi sử dụng kính viễn vọng phóng đại 50 lần, con "quái vật" hiện lên vẫn là "một điểm tròn, màu trắng hoặc màu đen di chuyển". Phải chăng kính viễn vọng kia là đồ rởm và những người nhìn thấy "quái vật" hồ Thiên Trì có đôi mắt "thiên lý nhãn"?
Thứ tư là có quá ít, thậm chí là hầu như không có bức ảnh chụp "quái vật" hồ Thiên Trì. Dường như nó không hợp lô gíc với thời điểm "quái vật" xuất hiện (mùa du lịch) và thói quen mang theo máy ảnh của du khách. Trong khi đó, có lần "quái vật" hồ Thiên Trì xuất hiện trong vòng 50 phút trước sự mục kích của hàng chục du khách.
Một vấn đề khác đặt ra là có phải con "quái vật" hồ Thiên Trì là sản phẩm của sự biến dị như trong những bộ phim giả tưởng: Một con vật bình thường, sau khi chịu tác động của bức xạ hóa học đã trở nên khổng lồ, mang hình hài quái dị, thậm chí trở thành ác quỷ gây nguy hại cho nhân loại? Câu hỏi đó tới nay vẫn chưa có lời giải và thế là chuyện về con "quái vật" hồ Thiên Trì vẫn ở trong màn bí mật, tiếp tục hút khách du lịch, góp phần phát triển vùng đất hoang vu này.
Phần 3.Quái vật hồ Somin
Nằm ở vùng đất trũng Polessie ở miền tây Ucraina, hồ Somin chính là phần đáy của một biển nước ngọt thời cổ đại, được nối thông với khoảng 300 hồ lớn nhỏ trong vùng bằng những con sông và đường chảy ngầm.
Với độ sâu 56 mét và khá nhiều hang đá vôi dưới đáy, hồ Somin được đánh giá là nơi trú ẩn tuyệt vời của những con "quái vật" và câu chuyện về chúng đã có từ cách đây cả trăm năm. Theo lời kể của những người có cơ may nhìn thấy, con "quái vật" hồ Somin có cái đầu giống của loài mãng xà trong những phim giả tưởng, thân to lớn, da xù xì như cá sấu.
Các cụ già làng Lukiv, ngôi làng bao đời nay nằm cạnh hồ Somin cho biết, con "quái vật" xuất hiện trong hồ Somin vào khoảng thế kỷ XIX. Khi đó, người đứng đầu chính quyền ở đây đã viết đơn trình báo chính quyền trung ương, báo cáo rằng dân làng Lukiv không thể đào đâu ra tiền để đóng thuế khai thác hải sản hồ Somin.
Vì tất cả cá trong hồ Somin đã bị con "quái vật" ăn hết. Không những vậy, nó còn tấn công cả gia súc chăn thả và người dân địa phương sống ven hồ. Sang đầu thế kỷ XX, nhằm giành giật lại nguồn sống, dân làng đã mở nhiều chiến dịch vây bắt "quái vật" nhưng không thành. Các nhà chức trách Ucraina khi đó cũng đã lên kế hoạch cử một đội thám hiểm tới đây điều tra, nhưng Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất bùng nổ, những nỗ lực của họ đành phải gác lại.
Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, quân đội Đức quốc xã nhiều lần được huy động đến đây để đi tìm lời giải cho bí mật về con "quái vật" nơi đấy. Họ sử dụng lưới và các thiết bị lặn tối tân để tìm kiếm và vây bắt, nhưng kết quả là tay trắng ra về. Con "quái vật" dường như đã đánh hơi được sự săn đuổi, lặn một mạch mấy chục năm.
Cách đây 30 năm, con "quái vật" đột nhiên xuất hiện trở lại và gây ra thảm họa kinh hoàng. Nạn nhân là anh chàng chăn ngựa tên là Stepan. Hôm đó, sau khi nhậu nhẹt cùng bạn bè, Stepan xua đàn ngựa tới bên hồ Somin, bỏ đó cho chúng gặm cỏ còn mình thì nằm lăn ra ngủ. Bất ngờ, con "quái vật" nhô lên khỏi mặt nước, tiến vào bờ, dùng bốn chân ngắn tũn, kéo lê cái bụng ỏng tới gần chỗ Stepan và ra đòn tấn công.
Tội nghiệp chàng trai trẻ đang say giấc nồng, chưa kịp tỉnh thì đã nằm gọn trong bụng con "quái vật". Thảm cảnh diễn ra ngay trước mắt những người hái nấm. "Chúng tôi hét lên, tìm mọi cách xua đuổi, nhưng cũng đành bó tay. Con quái vật há mồm, nhe nanh. Mọi sự diễn ra chóng vánh. Con quái vật vẩy đuôi chuồn xuống nước mất dạng", cụ Ivan Kovalchuk, năm nay 85 tuổi, một trong những người chứng kiến kể lại. Từ đó, dân làng Lukiv luôn tránh xa, không dám bén mảng đến bên bờ hồ Somin.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu Ucraina đã vào cuộc, đang tiến hành thu thập thông tin để vén màn bí mật "quái vật" hồ Somin. Một số người cho rằng có thể là một con cá da trơn khổng lồ, loài động vật dưới nước từng được tìm thấy trong những hồ lớn ở vùng Polessie. "Những con cá da trơn này có thể sử dụng những chiếc vây to khỏe để trườn lên bờ.
Chúng có thể nặng hàng trăm ki lô và dài tới 2 mét", Valentin Lyupa, một nhà nghiên cứu "quái vật" hồ Somin cho biết. Những nhà khoa học khác thì tin rằng con "quái vật" hồ Somin có thể là loài cá mập nước ngọt thời tiền sử, bằng cách nào đó chịu đựng được sự khắc nghiệt của Kỉ Băng hà và tồn tại đến ngày nay. Cơ sở của lập luận này, theo cố vấn Valentin Volonta thuộc trung tâm khảo cổ, Viện hàn lâm khoa học Ucraina, là không ít lần người dân trong vùng đã tìm thấy xương và răng hóa thạch của nhiều loài cá cổ đại ngay trong vườn nhà mình.
Hàm răng được cho là của quái vật hồ Somin
Phần 4.Quái vật hồ Storsjoe
"Sự việc xảy ra được hơn 50 năm rồi, bây giờ đã bước sang tuổi 71, nhưng tôi không bao giờ quên cảnh tượng ngày hôm đó. Nó lúc nào cũng hiển hiện trong đầu tôi như thể mới diễn ra ngày hôm qua. Tôi cùng chị gái Karin định xuống hồ Storsjoe giặt vài thứ. Tôi đi trước, chị Karin ở phía sau.
Khi đang ở ven bờ, tôi chợt thấy một cái gì đó hình chiếc xuồng ngoi lên mặt nước, lao vun vút. Tôi thét lên, gọi chị Karin tới cùng xem. Lúc đó "chiếc xuồng" cũng ở khoảng cách đủ để chúng tôi phát hiện ra rằng nó bị lộn úp. Trong nháy mắt, nó đã rẽ nước phi đến gần hơn. Hai chị em tôi thảng thốt nhận ra đó là một con quái vật. Chị Karin chạy đi nhặt vài hòn đá, quay lại hét lên: Lại đây, con quái vật xấu xí kia. Tao sẽ cho mày biết tay.
Chị Karin vung tay, hòn đá rơi xuống ngay cạnh con quái vật. Dường như, nó tức giận. Hai mắt nó mở to, trợn tròn, rồi bơi nhanh về phía tôi. Không hiểu sao lúc đó tôi lại nhảy được lên bờ nhanh đến thế, thoắt cái đã chót vót ở trên một cái cây cạnh hồ. Con quái vật cứ ở đó trông chừng tôi trong khoảng 4 tiếng đồng hồ bất chấp chị Karin ra sức dùng đá ném. Tôi cũng không biết sẽ xảy ra điều gì nếu nó leo lên bờ.
Nhưng may mắn thay, cuối cùng, nó cũng bỏ đi, mất dạng trong làn nước xanh. Con quái vật trông thật kinh khủng. Nó dài khoảng 3 mét, da xám như da voi, đầu có vòi, lưng rộng mọc mấy biếu, cái miệng rộng ngoác, cái lưỡi đỏ lòm liên tục thụt ra thụt vào. Tôi đoán chắc nó phải có một cái đuôi thật to và khỏe thì mới có thể bơi nhanh đến vậy".
Câu chuyện trên được bà Anna Ralm kể lại, sau đó đăng trên tờ Jamtland của Thụy Điển số ra ngày 12/8/1947. Bà Anna chỉ là một trong hơn 200 người từng chứng kiến sự xuất hiện của con "quái vật" hồ Storsjoe hay còn gọi là Storsjôodjuret. Câu chuyện về con "quái vật" hồ Storsjoe đã có từ khoảng 400 năm trước, nhưng từ năm 1820 trở lại đây, Storsjôodjuret xuất hiện thường xuyên hơn. Danh sách những người có cơ may mục kích sở thị con "quái vật" hồ Storsjoe gồm: Billsta, Hacks (năm 1863), Digerns (năm 1920), Myrviken (năm 1931), Sandviken (năm 1994)...
Đặc biệt, vào tối 28/8/2008, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đã có được hình ảnh được cho là của "quái vật" hồ Storsjoe. Trong số 6 chiếc camera đặt quanh hồ Storsjoe và 2 chiếc đặt dưới nước đã ghi lại được sự chuyển động của một vật thể sống khổng lồ dưới làn nước vào lúc 0 giờ 21 phút.
Ông Gunnar Nilsson, Trưởng nhóm nghiên cứu Svenstavik, gồm các tình nguyện viên tỉnh Jaemtland (Thụy Điển), với sự giúp đỡ của chính quyền thành phố Berg, chuyên nghiên cứu và tìm hiểu về các hiện tượng huyền bí tại hồ Storsjoe khẳng định đó không phải là một con cá lớn bởi đoạn phim cho thấy hình ảnh của một con vật rất giống rắn khổng lồ đang bơi ở khu vực nước sâu của hồ (Các bạn có thể xem đoạn phim này trên trang web: www.storsjoodjuret.nu).
Để làm sáng tỏ bí ẩn về con "quái vật" hồ Storsjoe, nhóm nghiên cứu Svenstavik đã xây dựng một dự án giá trị trên 62.000 USD để có thể nhanh chóng lắp thêm 20 camera nữa, trong đó có một chiếc đặt ở độ sâu 30 mét nhằm nắm bắt được mọi cử động của các sinh vật sống dưới vùng nước hồ Storsjoe cả vào mùa đông.
Tuy chưa xác định rõ "quái vật" hồ Storsjoe thuộc loại gì động vật gì, nhưng từ lời kể của những người từng nhìn thấy, có thể hình dung Storsjôodjuret như sau: mình dài, thân hình giống rắn, đầu có hình dạng giống đầu mèo hoặc đầu chó, tai gắn liền với cổ. Đối với người dân sống quanh hồ Storsjoe, Storsjôodjuret đã mang lại cho họ không ít nguồn lợi từ du lịch.
Để thu hút du khách ưa thích sự hiếu kì, ham khám phá, người dân ở đây còn tổ chức cả nhiều cuộc triển lãm về Storsjôodjuret và làm cả những đồ vật lưu niệm hình Storsjôodjuret. Cũng như "quái vật" hồ Loch Ness, "quái vật" hồ Storsjoe cũng đã xuất hiện trên không ít ấn phẩm thu hút được sự quan tâm chú ý của rất nhiều độc giả.
Kỳ 5: Quái vật hồ Loch Ness
Nessie con quái vật trị giá hàng chục tỉ USD
Ở miền Bắc XCốtlen có 1 dãy núi hùng vĩ mang tên Grampian. Dãy Grampian điệp trùng kéo dài từ hướng tây nam sang đông bắc với ngọn chính - BenNevis cao 1343m so với mực nước biển quanh năm mây che tuyểt phủ. Từ núi BenNevis, đi về hướng đông bắc là tới thành phố Inverness, nơi giáp một hẻm núi lớn.Đến đâ du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí thoáng đãng mát mẻ,không đơn giản vì nơi này cách xa phố thị ồn ào mà còn do góp mặt của hàng loạt hồ lớn. Nếu tính từ tây sang bắc lần lượt là hồ Losh Ness, hồ Losh Oich, và hồ Losh Lochy. Trong đó hồ Losh Oich và hồ Losh Lochy vốn dĩ là hồ kín, chỉ riêng hồ Losh Ness ăn thông với sông Ness chảy ra vịnh Moray. Tuy nhiên, dựa trên vị trí địa lí của chúng, sau này người XCốtlen đã cho đào kênh Caledonian (khởi công năm 1803 hoàn thành năm 1822 làm sâu thêm 1847) dài 96,6 km, không chỉ giúp nối liền 3 hồ này với nhau, mà còn giúp chúng 1 mặt liên thông Đại Tây Dương qua vịnh Lorn, một mặt mở ra biển Bắc, trở thành tuyến giao thông thủy quan trọng ở miền bắc XCốtlen.
Trong ba hồ Losh Ness là hồ sâu nhất, chổ sâu nhất tới 293m kéo dài 39 km, rộng trung bình 1,6km, nước trong mát quanh năm không đóng băng, hồ Losh Ness không chỉ nổi tiếng về thắng cảnh và nguồn lợi thủy sản phonh phú, mà còn nhờ 1 con "thủy quái" trứ danh hàng thế kỉ nay: quái vật hồ Losh Ness hay Nessie
Nessie bắt đều xuất hiện trên giấy năm 565 sau công nguyên. Truyện kể rằng khi đi truyền giáo ở XCốtlen, giáo sĩ Ailen, Saint Columba, được người dân địa phương cho biết sông Ness có quái vật và nó đã giết chết nhiều người. Giáo gĩ Saint Columba liền cho 1 đồ đệ theo hầu lội xuống sông Ness dẫn dụ con quái vật. Ngửi thấy mùi thức ăn, con quái vật nổi lên, lao tới tấn công mục tiêu. Giáo sĩ Saint Columba gọi tên thượng đế, tay vẽ trong không khí cây thánh giá, "lệnh" cho quái vật rút lui. Con quái vật đang hung dữ là vậy, đột nhiên cụp đuôi ngoan ngoãn đi mất. Những người XCốtlen tận mắt chứng kiến hiện tượng thần kì đó vô cùng kinh ngạc và vui mừng, lũ lượt gia nhập tín đồ Cơ đốc giáo.
Hơn 10 thế kỉ sau, câu chuyện về Nessie lại rộ lên, theo thống kê trong 1 năm (1933), đã hơn 20 bài báo viết về sự xuất hiện của Nessie. Con quái vật hồ Losh Ness nổi tiếng đến nỗi ông Bertram Mills chủ 1 đoàn xiếc treo thưởng 20000 bảng Anh (tương đương 1 triệu bảng Anh thời giá hiện nay) cho ai bắt được Nessie. Năm 1934, bác sĩ Robert Kenneth Wilson cho công bố bức ảnh mà tuyên bố ông chụp được Nessie vào ngày 19/4. Bức ảnh tuy không rõ nét, nhưng ai cũng thấy cái cổ dài, cái đầu bé, dẹt của Nessie hiện trên mặt nước. Nhờ bức ảnh này tên tuổi Nessie nhanh chóng loang đi toàn thế giới. Sau đó, ngày 3/4/1960, một kĩ sư hàng không của Anh tên Dinsdale đã quay được 1 đoạn phim cho thấy trên mặt hồ Losh Ness có 1 khối lớn và phần nhô lên mặt nước đen, dài đang di chuyển. Kết quả phân tích của trung tâm tình báo trinh sát không quân Hoàng gia Anh cho thấy, khối lớn ấy là 1 sinh vật, du khách có lí khi ùn ùn đổ về vãn cảnh hồ Losh Ness với mong muốn 1 lần trong đời được nhìn thấy con quái vật "nổi tiếng" ở đây.
Đến nay, hàng nghìn người cho rằng họ đã nhìn thấy Nessie, theo miêu tả của một số người mục kích sở thị, Nessie có cái đầu của loài rắn khổng lồ, thường chỉ nhô đầu và cổ (dài hơn 1m) lên mặt nước, khi lặn xuống nước tạo thành 1 cột sống rất lớn. Riêng về phần lưng, có người bảo Nessie có 1 lưng, có người nói 2, thậm chí là 3. Trong khi đó, mặt dù những đoạn băng, bức ảnh ghi lại hình ảnh Nessie ngày càng nhiều nhưng đáng tiếc là chúng luôn trong tình trạng mờ mờ ảo ảo. Tuy nhiên, nó lại kích thích sự tò mò của con người, trong đó có rất nhiều nhà nghiên cứu. Từ 1 nơi hoang vu, mênh mang những nước, hồ Losh Ness giờ đã trở thành "mỏ vàng" du lịch của XCốtlen. Nessie đã mang lại cho ngành du lịch địa phương của XCốtlen 1 khoảng doanh thu khổng lồ, tính đên nay khoảng 20 tỉ USD.
Để bắt được Nessie không phải chuyện dễ. Đáy hồ Loch Ness địa hình rất phức tạp, có nhiều hang động lớn. Chỉ cần thấy động, Nessie chui vào đó thì không chỉ lưới mà cả máy quét điện tử cũng không thể phát hiện ra.
Những giả thiết về Nessie Giống những con "quái vật" ở một số hồ khác, từ lâu, Nessie đã trở thành đối tượng săn bắt. Năm 1975, qua phân tích những bức ảnh chụp được, một nhóm các nhà khoa học khẳng định: "Chắc chắn trong hồ Loch Ness có một loại động vật thủy sinh khổng lồ chưa rõ loài đang sinh sống".
Ngay sau đó, Anh và Mỹ đã phối hợp tổ chức một chiến dịch săn bắt Nessie quy mô lớn. Hơn 20 chiếc tàu được huy động để kéo những tấm lưới giăng ngang, quét dọc hồ Loch Ness. Kết quả lại không như mong muốn. Nessie vẫn nhởn nhơ ngoài mành lưới.
Quả thật, để bắt được Nessie không phải chuyện dễ. Đáy hồ Loch Ness địa hình rất phức tạp, có nhiều hang động lớn. Chỉ cần thấy động, Nessie chui vào đó thì không chỉ lưới mà cả máy quét điện tử cũng không thể phát hiện ra. Đó là chưa tính tới việc hồ Loch Ness ăn thông với biển, nên Nessie hoàn toàn có thể trốn ra ngoài biển một thời gian, thấy yên lại vào và đáy hồ Loch Ness có một lượng lớn than bùn (dày hàng mét) khiến cho tầm nhìn của các loại camera gần như bằng không.
Trong khi chưa xác định được Nessie thuộc loại động vật nào và chưa bắt được một con Nessie nào để làm chứng, cuộc tranh luận về con "thủy quái" trứ danh này vẫn không dứt. Dưới đây là một số giả thiết chính về Nessie:
"Quái vật" hồ Loch Ness là hậu duệ của loài xà long cổ đại (thằn lằn đầu rắn)?
Giả thiết này bắt nguồn từ việc các nhà khoa học Anh phát hiện hóa thạch 150 triệu năm tuổi của loài xà long cổ đại, bên bờ hồ Loch Ness. Điều đó có nghĩa loài xà long cổ đại - một loại động vật thủy sinh lớn là bà con xa của khủng long, được mệnh danh là bá vương trên biển vào đại Trung sinh, từng sống bên hồ Loch Ness ở kỷ Giura. Kết hợp với việc phân tích những bức ảnh chụp Nessie, người ta thấy giữa loài xà long cổ đại và Nessie có khá nhiều điểm giống nhau, nhất là ở chiếc đầu rắn, cổ dài, thân to rộng, răng sắc nhọn. Nhưng vấn đề đặt ra là loài khủng long đều đã tuyệt diệt sau khi trái đất bị một tiểu hành tinh va phải cách đây khoảng 65 triệu năm. Liệu loài xà long cổ đại đó đã tồn tại được tới ngày nay bất chấp những biến đổi khắc nghiệt của thời tiết khí hậu? Câu hỏi này hiện vẫn chưa có sự trả lời thấu đáo.
"Quái vật" hồ Loch Ness chẳng qua là loài thông cổ đại?
Khi những nỗ lực tóm được một con Nessie thất bại, quan điểm cho rằng hồ Loch Ness không có "quái vật" lại có dịp nổi lên. Theo một kĩ sư về hưu người Anh, cái gọi là "thủy quái" hồ Loch Ness chẳng qua là loài thông cổ đại. Bởi hơn một vạn năm trước, xung quanh hồ Loch Ness xanh ngắt một màu thông. Sau khi thời kỳ băng giá kết thúc, nước trong hồ Loch Ness dâng lên, nhấn chìm những cánh rừng thông xuống đáy. Những cây thông thỉnh thoảng nổi lên, nhìn từ xa giống phần cổ và thân của con "quái vật". Tuy nhiên, những bức ảnh, đoạn phim ghi lại hình ảnh Nessie sau này dường như đã chống lại giả thiết trên.
"Quái vật" hồ Loch Ness là loài cá trèn trăm năm tuổi?
Đây là giả thiết của Friman. Nhà khoa học này cho rằng, trong hồ Loch Ness hiện có ít nhất vài con cá trèn đã sống được khoảng 100 năm. Thông thường, khi lên 10 tuổi, những con cá trèn này ở hồ Loch Ness bơi ra biển tới bang Florida (Mỹ) để đẻ trứng, sau đó chết ở đây. Nhưng có một số con cá trèn thuộc loại "thái giám", do không thể sinh sản được, nên không thể mạo hiểm bơi ra biển, đành lưu lại hồ Loch Ness, càng ngày càng lớn, cuối cùng biến thành "thủy quái", giống như những gì nhiều người nhìn thấy.
"Quái vật" hồ Loch Ness là kiệt tác của ông chủ đoàn xiếc Bertram Mills?
Giả thiết này do chuyên gia nghiên cứu khủng long, sinh vật học cổ đại của Anh, Nil Clark đưa ra. Theo Clark, ảnh chụp Nessie vào những năm 1930 thực chất là chụp một con voi thuộc đoàn xiếc của Bertram Mills đang bơi. Cái cổ dài của Nessie trên thực tế là chiếc vòi voi. Khi xem voi tắm, ông chủ Mills đã liên tưởng tới Nessie và vạch ra kế hoạch đánh bóng tên tuổi đoàn xiếc. Đó chính là lý do ông Mills đã treo giải thưởng ngất trời dành cho ai bắt được Nessie.
Quả thực, sau đó, tên đoàn xiếc Bertram Mills đã được cả thế giới biết đến. Tuy nhiên, nếu đúng là vậy thì những lần xuất hiện sau này của Nessie sẽ phải giải thích ra sao, nhất là sau khi ông Mills qua đời (năm 1938)?
Phần 6.Quái vật hồ Okanagan
Hồ Okanagan nằm ở thung lũng Okanagan thuộc Bristish Columbia (Canada), dài 135 km, rộng từ 4-5 km, với tổng diện tích mặt hồ lên trên 351 km2. Hồ Okanagan có độ sâu trung bình khoảng 235m nơi sâu nhất lên tới 750m. Những thành phố lớn ven hồ Okanagan gồm: Vernon ở phía bắc, Pentiction ở phía nam và Kelowna ở giữa.
1170 là số người tính tới nay đã nhìn thấy Ogopogo - tên con quái vật hồ Okanagan. Cũng tương tự những con quái vật ở các hồ lớn khác trên thế giới,Ogopogo cũng xuất hiện trên nhiều bộ phim, tập sách. Người ta cũng vài lần tổ chức chiến dịch tìm kiếm, nhưng chưa một lần bắt được Ogopogo. Tuy vậy vẫn có rất nhiều người khẳng định việc hồ Okanagan có quái vật là thật và Ôgopogo còn đáng tin hơn cả Nessie.
Trong truyền thuyết kể rằng, ở vùng đất nơi hồ Okanagan ngự trị bây giờ có một người đàn ông tên là Già Kan He Kan, rất được dân chúng kính trọng. Sự ganh ghét đã khiến Già Kan He Han trở thành nạn nhân của kẻ tội đồ Ogopogo. Sau khi Già Kan He Kan bị giết, các vị thần đã biến Ogopogo thành rắn, bắt phải sống mãi dưới làn nước lạnh để ăn năn hối lỗi. Bộ lạc thổ dân là những người đầu tiên nhìn thấy Ogopogo và họ đã để lại những hình vẽ Ogopogo trên đá.
Văn bản đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của Ogopogo ra đờ vào năm 1872 bởi những người da trắng di cư đến Okanagan. Ban đầu những người da trắng cho rằng sự xuất hiện của Ogopogo là sản phẩm của sự mê tín, nhưng dần dần họ đã thay đổi quan điểm. Càng ngày càng có nhiều người nhìn thấy con quái vật. Thậm chí có người khi dùng thuyền kéo ngựa bơi qua hồ đã phải cắt đứt dây thừng buộc ngựa để thoát nạn vì Ogopogo xuất hiện tìm cách kéo chìm hai con ngựa. Sự hung hãn của Ogopogo một thời đã gây ra sự sợ hãi bao trùm lên những người dân sống ven hồ Okanagan. Theo các nhân chứng sống vào thời đó, Ogopogo dài khoảng 6-15m, có cái đầu giống đâu con ngựa, da xanh đen hoặc nâu, lưng có nhiều bướu. Vùng nước Ogopogo hay nổi lên nhất là ngoài thành phố Kelowna, nằm ở đoạn giữa hồ Okanagan.
Tuy nhiên, vào năm 1914. Ogopogo đã xuất hiện trong một diện mạo khác, chỉ dài chưa đến 2m, nặng khoảng 180m, da màu xanh xám, có tai và chi ngắn. Năm 1989 khi đang dạo chơi ven bờ, một người kinh doanh xe cũ tên là Ken Chaplin, đã quay được những thước phim tuy mờ, nhưng quý giá về một con vật giống như rắn khổng lồ đang bơi trong hồ Okanagan, đột nhiên chuyển hướng, vậy đuôi, tạo những cột nước bắn tung toé. Một số người cho rằng sinh vật mà Chaplin nhìn thấy chỉ là một con hải li bình thường bởi loài vật này có tập tính đặc trưng là vậy đuôi tạo sóng nước. Nhưng Chaplin không cho là vậy, bở một con hải li lớn cũng chỉ dài tới 1,2m. Trong đó sinh vật mà ông nhìn thấy lại dài trên 4,5m. Vài tuần sau sự kiến, Chaplin cùng bố và con gái quay lại hồ Okanagan, họ lại thấy Ogopogo xuất hiện một lần nữa. Cũng trong năm 1989, vào ngày 30/7 một đội điều tra về quái vật Ogopogo gồm 4 người, đã phát hiện một con vật lớn đang bơi trên hồ Okanagan ở cách họ khoảng 340m. Khi lại gần (ở cự li khoảng 180m) qua kính viễn vọng Bushnell 40X, một thành viên của đội tên là Kirk đã nhìn thấy một sinh vật có bướu nổi lên trên mặt nước đang bơi. Một thành viên khác của đội là Clake cũng có cơ duyên này khi cầm trên tay chiếc ống nhòm. Kirk và Clake đã kể lại rằng họ đếé được 5-6 cái bướu trên lưng quái vật. Nó có da của loài cá voi, dài tứ 9 - 10m, phần nhô lên trên mặt nước cao khoảng 1m. Theo tiến sĩ Kark Shuker một nhà nghiên cứu động vật người Anh Ogopogo thuộc quái vật hồ có nhiều bướu. Ông cũng gợi ý rằng, Ogopogo có thể cùng họ với loài cá voi thân rắn ở thời nguyên thủy như Basilosaurus, sống cách đây khoảng 34-40 triệu năm.
Phần 7. Quái vật hồ Champlain
Champlain là hồ nước ngọt sâu tự nhiên dài 201 km, sâu trên 120 m, nằm chủ yếu trên lãnh thổ Mỹ thuộc hai bang Vermont và New York, một phần nhỏ nằm ở tỉnh Quebec (Canada).
Vào đầu thế kỷ 19, ông trùm ngành công nghiệp biểu diễn Mỹ, triệu phú P.T. Barnum đã treo thưởng 50.000 USD cho ai mang xác Champ, tên con "quái vật" hồ Champlain, về cho mình. Đến nay, khoản tiền đó vẫn vô chủ.
Dù vậy, chính quyền bang Vermont (Mỹ) vẫn xếp Champ vào danh sách các loài động vật bị đe dọa và rằng nếu con "quái vật" này tồn tại, nó sẽ được pháp luật bảo vệ. Trong khi đó, tính đến nay đã có khoảng 300 trường hợp được báo cáo là đã nhìn thấy, ghi lại hình ảnh của Champ.
Việc Champ xuất hiện được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1609. Người chứng kiến cảnh Champ nổi trên mặt hồ năm đó là thám hiểm gia người Pháp, Samuel de Champlain. Tuy nhiên, trước khi nhà sáng lập xứ Quebec ở Canađa này có cơ may đó, Champ đã có mặt trong những câu chuyện kể của hai bộ tộc bản địa: Iroquois và Abenaki.
Năm 1883, Champ lại nổi đình nổi đám sau khi Cảnh sát trưởng Nathan H. Mooney cho công bố câu chuyện của mình. Theo Mooney, con "quái vật" bất ngờ nổi lên chỉ cách nơi ông đứng trên bờ khoảng 45 m. Nó dài từ 7,5 - 9 m và có một vòng điểm trắng ở trong miệng.
Hơn 90 năm sau, Sandra Mansi cùng với chồng chưa cưới, Anthony Mansi và hai đứa con riêng của mình với người chồng trước lái xe dọc hồ Champlain để ngắm cảnh. Tới trưa, họ dừng xe ở một con dốc. Hai đứa trẻ lội xuống hồ. Anthony quay lại xe lấy máy ảnh. Sandra trông chừng bọn trẻ, bất chợt cô thấy ở cách bờ khoảng 45 m, mặt nước bị khuấy động mạnh. "Một đàn cá chăng?", Sandra thầm nghĩ. Nhưng ngay sau đó cô đã phải thay đổi suy nghĩ ban đầu.
"Trước tiên, tôi nhìn thấy một cái đầu nhô lên, tiếp đến là cái cổ và cuối cùng là chiếc lưng. Tôi vẫn chưa thấy sợ, vẫn cố gắng xác định xem mình thật ra đang nhìn thấy cái gì". Đúng lúc đó, chồng chưa cưới của Sandra quay lại. Nhìn thấy vậy, Anthony vội hét bọn trẻ: "Lên bờ ngay!" Hai đứa trẻ cuống cuồng lội vào bờ. Anthony đưa Sandra máy ảnh, giúp bọn trẻ leo lên bờ. Sandra quỳ xuống chụp một pô ảnh, sau đó bỏ máy, tiếp tục ngắm nhìn con "quái vật".
Champ lắc lư nhè nhẹ cái đầu, chầm chậm lặn xuống nước biến mất. Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng 7 phút. Theo Sandra, phần nhô lên mặt nước của con "quái vật" cao khoảng 1,8 m và thân của nó dài từ 3,6 - 4,5 m. Bức ảnh của Sandra (chụp năm 1977, công bố năm 2002) cho thấy Champ khá giống với Nessie (con "quái vật" hồ Loch Ness ở Xcốtlen). Do đó, một số người cho rằng Champ chính là xà long, một loại thằn lằn đầu rắn từng là bá vương trên biển vào đại Trung sinh.
Thực nghiệm tại chính nơi Sandra chụp ảnh với đúng chiếc máy ảnh hiệu Kodak Instamatic, tiêu cự 110 mm mà Sandra dùng, hình ảnh thu lại được giống hệt với bức ảnh Champ do Sandra công bố. Tuy nhiên, điểm nghi vấn là tại nơi Champ nổi lên, nước chỉ sâu khoảng 4,3 m. Một câu hỏi đặt ra là liệu một sinh vật khổng lồ như Champ (theo miêu tả của Sandra) có thể ngoi lên, lặn xuống dễ dàng ở đó?.
Ngoài ra, Sandra cũng không đưa ra được âm bản của bức ảnh Champ và những bức ảnh khác rửa ra từ cùng một cuốn phim với bức ảnh Champ. Vì vậy, nhiều người tin rằng "quái vật" trong bức ảnh của Sandra chẳng qua là một cây gỗ nổi lên sau quá trình thối rữa vỏ ngoài rồi lại chìm xuống. Năm 2005, một ngư dân tên là Dick Affolter đã quay được thước phim đầu tiên về Champ, được những người bảo vệ Champ cho rằng đó là bằng chứng sống động nhất về sự tồn tại của Champ.
Trong phim, người ta nhìn thấy có một sinh vật gì đó xuất hiện ở dưới nước, gần chiếc thuyền câu của Affolter. Sau khi zoom lại gần, người ta đoán đó là đầu và cổ của một con vật giống loài xà long đang há miệng ra, sau đó lại ngậm miệng lại hoặc chí ít cũng là một con cá hay con lươn khổng lồ. Hai chuyên gia về hưu của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã phân tích hình ảnh đoạn phim trên, khẳng định nó hoàn toàn không chịu sự tác động nào bởi mánh khóe của con người.
Và thế là câu chuyện về Champ lại tiếp tục thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của nhiều người. Qua lời kể của những người có cơ may nhìn thấy, Champ dường như là một sinh vật biến sắc: Lúc màu đen, lúc mày nâu, lúc màu xám, lúc màu xanh rêu và lúc màu đỏ đồng. Champ dài từ 3 - 57 m, trên lưng có rất nhiều bướu, sừng hoặc bờm. Hàm của Champ mạnh mẽ như một con cá sấu.
Phần 8.Quái vật đảo Síp
Câu chuyện về một con vật kỳ lạ sống tại đập Kouris được người dân đảo Síp nhắc đến cách đây 3 năm khi báo chí đưa tin có một con cá sấu bị vứt xuống đập. Mới đây, tin đồn lại rộ lên khi người ta tình cờ chụp được bức hình "quái vật".
Đã có vô số những cuộc trạm trán giữa con người với con "quái vật" vốn thường xuyên xuất hiện tại những khu vực nước sâu. Báo địa phương ngay lập tức đặt có nó cái tên "quái vật Loch Ness của đảo Síp".
Một người dân nói như đinh đóng cột: "Tôi đã tận mắt nhìn thấy nó, không thể nhầm vào đâu được".
Trước những tin đồn xuất hiện ngày một nhiều, Bộ thủy sản của Cộng hòa Síp đã vào cuộc để điều tra.
Việc một quan chức có vai vế trong bộ khẳng định họ đang tích cực tìm kiếm con "quái vật" càng khiến dân tình thêm tin rằng đây đích thị là nơi trú ngụ của một loài rắn khổng lồ.
Theo báo chí thì các nhà chức trách sẽ dụ con quái vật nhô lên khỏi mặt nước bằng cách dùng thịt sống hoặc gà để làm mồi.
Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây những nỗ lực tìm kiếm "quái vật đảo Síp" đã bị cản trở do trời mưa, người ta dự kiến sẽ tiếp tục công việc "săn quái vật" .
Ông Savvas Sava, một quan chức địa phương phát biểu trên báo chí rằng nếu con quái vật bị bắt, đây sẽ điểm "hút" không ít khách du lịch. Đo đó chính quyền cần phải nhanh chóng nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng để chào đón các "thượng đế" hiếu kỳ.
Phần 9. Quái vật sông Baleh
Theo truyền thuyết của Malaysia, Nabau là một loài rắn biển dài khoảng hơn 30 m, mình rắn, đầu rồng và có tới 7 lỗ mũi và nhiều người tin rằng đó chỉ là chuyện hư cấu.
Tuy nhiên, bức ảnh chụp được mới đây trên dòng sông Baleh ở Borneo khiến người dân sống dọc hai bên bờ sông bắt đầu tin rằng Nabau là có thật.
Bức ảnh này do một thành viên nhóm giám sát thiên tai, lũ lụt chụp từ máy bay trực thăng.
Những chuyên gia đã nghiên cứu rất kỹ bức ảnh và loại bỏ khả năng đó là một khúc gỗ. Người khác thì cho đó là một chiếc tàu nhanh, nhưng ngay lập tức giả thiết này cũng bị bác bỏ.
Tuy nhiên, nó vẫn khiến nhiều người nghĩ liệu đó có phải là tấm ảnh chụp chân thực hình ảnh về một loại động vật tưởng chỉ có trong tưởng tượng của người dân hay nó được tạo ra từ phần mềm chỉnh sửa hình ảnh nào đó. Người ta cũng cho rằng màu của dòng sông trên ảnh khác với màu thực của con sông Baleh.
Theo những câu chuyện được người dân quanh vùng kể lại, từ xa xưa, tổ tiên họ đã đặt tên Nabau cho loài rắn biển sống trong con sông này, dựa trên đặc điểm có thể thay hình đổi dạng thành các loài động vật khác nhau của chúng. Rất nhiều người dân địa phương tin là loài rắn này tồn tại và đã có một bức ảnh khác chụp được nó ở tư thế và địa điểm khác, điều đó cho thấy con quái vật đang bơi.
Theo các nhà khảo cổ, khả năng tồn tại của Nabau là hoàn toàn có thể tính đến vì mới đây họ đã phát hiện hóa thạch xương một loài quái vật khác nặng khoảng 1,25 tấn với cái tên Titanoboa ở một trong những mỏ than của Colombia. Những gì còn lại của hóa thạch cho thấy nó đã ăn cùng lúc cả một con cá sấu và một con rùa khổng lồ. Quái vật này sống quanh vùng Nam Mỹ 60.000 năm trước đây. Ngoài ra, các chuyên gia cũng có nhiều cơ sở để khẳng định rằng trên trái đất vẫn tồn tại một loài rắn dài hơn một chiếc xe bus, nặng hơn một chiếc ôtô con và có thể nuốt chửng cả một con vật to bằng một con bò.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top