Thúy Kiều

Mình đã từng đọc một bài văn trên mạng viết với đề bài này, vì vậy hôm nay mình post lên đây, mong có thể giúp bạn phần nào:)

Đã bao năm học và đọc các tác phẩm văn học VN, em luôn tự hào rằng mình đang được thừa hưởng một nền văn học phong phú với nhiều tác phẩm cuốn hút người đọc và để lại nhiều bài học sâu sắc. Cũng chính vì lẽ đó, văn chương lại càng thôi thúc em phải học nó hơn. Vô vàn tác phẩm đặc sắc trong kho tàng văn học VN mang đến những hoàn cảnh, chủ đề khác nhau, mỗi nhân vật đều có những cốt cách, tính chất riêng, những số phận bi thương để khiến cho ta mỗi lần đọc đều phải suy ngẫm và đồng cảm theo họ, hướng đến họ. Nhưng tác phẩm để lại cho em ấn tượng sâu đậm nhất là Truyện Kiều, nó dạy em nhiều điều, nhiều ngôn từ sáng tạo, mượt mà làm xúc động lòng người. Đó là tác phẩm quí cho cả dân tộc, nếu nói rộng ra thì nó là di sản của văn hóa nhân loại.

Hàng trăm năm qua, Truyện Kiều đã sống chan hoà trong đời sống của toàn dân tộc. Không riêng gì Văn học Việt Nam, mà trong Văn học thế giới cũng hiếm có tác phẩm nào chinh phục được rộng rãi tình cảm của đông đảo người đọc đến như vậy.

Một tác phẩm như thế đã là một công trình vĩ đại, một vinh dự tuyệt vời. Truyện Kiều là một tác phẩm có giá trị như một thông điệp cho con người giao cảm với thế giới vô hình, dạt dào xúc động, mơ mà như thực, ảo huyền mà minh bạch lạ lùng. Và cũng là một bản tổng kết cuộc đời, tổng kết nhưng là cáo trạng, cáo trạng về cuộc đời bao nhiêu nỗi thương tâm. Ở kia: 'Những điều trông thấy mà đau đớn lòng'. Ở đây lại là một 'trường dạ tối tăm trời đất!'.

Truyện Kiều mang đến cho người đọc những vinh dự như thế, những nỗi niềm để những ai đồng cảm và thấu hiểu cho người con gái bạc mệnh thời phong kiến. Thế nhưng, vạn vật đều có hai thái cực của nó. Những ai mê Kiều thì cảm thông, trân trọng hết mình, những ai bảo thủ, không đồng tình thì lại chỉ trích không thương xót. Một lần nữa Kiều lại đi về đâu khi các giới sĩ phu, nho giáo kịch liệt phản ứng trước hành động ứng xử không phù hợp với lễ giáo phong kiến mà họ cho là dâm thư, những tâm tình mà Nguyễn Du gửi hết vào tác phẩm đều bị các nhà nho đả kích gây tiếng xấu đến tác phẩm lúc bấy giờ. Vì thế mà ta cũng hiểu được phần nào câu hỏi của Nguyễn Du: “Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Một lần nữa, vòng lễ giáo phong kiến lại khép chặt Kiều qua câu :

“Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều”. Nói như vậy, các nhà nho đương thời với lễ giáo phong kiến hà khắc đã một mực cho rằng Kiều không xứng, không phải là đàn bà. Trong tư tưởng nho giáo thì đó là một sự khinh bỉ mạt hạng nhất, người phụ nữ bị xem là hạng thấp hèn trong xã hội. Thế nhưng, người xưa cho rằng Kiều không phải đàn bà, lại càng không phải đàn ông. Kiều dưới cả mức đàn bà. Không làm được trò trống gì mà chỉ là một người con gái hoang dâm vô đạo, chỉ biết tư tình và ăn nằm, vui chơi với đàn ông…

Đến Chu Mạnh Trinh, một nhà nho đỗ tiến sĩ đệ tam giáp năm Thành Thái thứ 4 (1892) là người nổi tiếng phong lưu đa tình, các nghề chơi đều giỏi cả và năm 1905 ông tham dự cuộc thi bình vịnh truyện Kiều tại Hưng Yên được giải nhất thơ Nôm cũng hạ bút phê:

"vị thông môi chước

Tiên đính tư minh

Nhất trụy phồn hoa

Tiện thành kết tập".

"Chưa liệu mối manh đã riêng thề thốt. Sa chân trót lỡ, mất nết đi rồi”

Có người bảo: Phải chăng tại nước chảy mây trôi, lênh đênh quen thói. Mà xui nên cành chim lá gió, đưa đón dập dìu".

Mới thấy sức mạnh của tập quán, nhất là tập quán đạo đức càng trói buộc con người quen cách nghĩ có sẵn trong xã hội mà khó sẵn lòng xem lại chuyện xưa, nay. Nhưng Nguyễn Du người sống cách chúng ta hơn hai thế kỷ và sáng tác truyện Kiều đã giải quyết vấn đề mang đậm tính nhân văn - giải oan cho nhân thân Thúy Kiều - Ta thử đọc lại đoạn thơ tả khi Kiều sang nhà Kim Trọng đã làm gì và Kim Trọng đã khinh hay trọng Thúy Kiều. Cũng như bao chàng trai khi có cô gái bên mình, Kim Trọng buông lời:

Sinh rằng: “Gió mát trăng trong,

Bấy lâu nay, một chút lòng chưa cam.

Chày sương chưa nện cầu Lam,

Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?”

Thúy Kiều: "Đừng điều nguyệt nọ hoa kia.

"Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai"

Kim Trọng: Rằng: "Nghe nổi tiếng cầm đài,

Nước non luống những lắng tai chung kỳ".

Buông lời, nhưng khi nghe Kiều chấn chỉnh, ngay lập tức Kim Trọng đã dùng điển tích tri âm: Bá Nha - Tử Kỳ để nói rõ lòng mình đối với cô Kiều là chân tình, không chút gợn nhỏ hiểu nhầm. Trong cả truyện Kiều 3.254 câu thì chỉ có 2 lần dùng chữ "tri âm" đều để tỏ tình với Kim Trọng.

Với điển tích "tri âm" diễn giảng bằng hai chữ "Nước non" hẳn Nguyễn Du muốn nói lên điều cao hơn, điều tình yêu muốn nói, hay sự thăng hoa của tình yêu cao hơn những thứ đạo đức tầm thường mà con người thường ước lệ trói buộc lấy mình.

Hai lần ra vào lầu xanh, bao nhiêu người đàn ông qua đời mình nhưng tấm lòng trinh trắng của Kiều vẫn giữ đó với Kim Trọng. Thực là một tình yêu cao thượng mà tình dục có sánh vào đâu. Cho nên mới thấy kết tội Kiều không đoan chính để liệt truyện Kiều vào loại dâm thư thì thật là trông người chỉ thấy bóng mà không thấy tâm. Trong hoàn cảnh ở lầu xanh, Kiều luôn nghĩ đến người tri âm:

"Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,

Giật mình, mình lại thương mình xót xa"

"Thương thân mình nên: Vui thì vui gượng kẻo là

Ai tri âm đó mặn mà với ai?"

Thương mình chính để thương người. Tấm tình ấy thật đáng mặt tri âm. Gặp được người như vậy để thương để yêu thì có sá chi những phê phán tầm thường mà xã hội quen độc miệng độc mồm chê bai dè bỉu.

Phê phán Kiều không chỉ có thế, cả những nhà nho nổi tiếng cũng không dễ thông cảm cho số phận người con gái nổi trôi bềnh bồng. Trong số những người ấy ta thường nhắc đến Nguyễn Công Trứ. Trong một bài hát nói, Nguyễn Công Trứ đã dõng dạc lên án

“Bạc mệnh chẳng làm người tiết nghĩa

Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm!”

Ai tà dâm? Người con gái phải bán mình chuộc cha hay người khách làng chơi đi tìm thú vui trụy lạc? Phong tình có tiếng như Nguyễn Công Trứ đáng lẽ nên dè dặt mới phải!

Tản Đà rất thích Truyện Kiều nhưng đối với nhân vật Thúy Kiều, nhà thơ mang một thành kiến nặng nề thể hiện trong bài Thúy Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến:

... Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng

Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan

Tiền đường chưa chắc mả hồng nhan...

Thật là tàn nhẫn! Rõ ràng Tản Đà không thông cảm một chút nào với nỗi đau đớn của Thúy Kiều sau khi Từ Hải bị giết.

Phê bình tổng quát nhất có lẽ là Linh mục Sảng Đình Nguyễn văn Thích. Ông dẫn chứng ngay trong câu mở đầu của truyện Kiều, và cho rằng đó là truyện phong tình (“Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”) thì không nên cho học trò học .

Đi sâu hơn thì có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Kẻ thì cho truyện Kiều là dâm thư, kẻ thì cho truyện Kiều là hay, có đủ triết lý Nho, Phật, Lão thâm sâu mà Kiều là người hiếu nghĩa đủ đường, (“Người sao hiếu nghĩa đủ đường” -Kiều), vậy phải nên dạy cho học trò học.

Điều rõ ràng nhất thì Kiều là người đa tình, ít ai nói nàng Kiều là người đa dâm. Dù đa tình nhưng trong khi yêu đương thì Kiều rất đứng đắn. Chẳng hạn như khi Kim Trọng tỏ vẻ sàm sỡ thì Kiều sửa lưng ngay:

“Ra tuồng trên Bộc trong dâu

Thì con người ấy ai cầu làm chi.”

Việc trai gái hẹn hò nhau bên bờ sông Bộc là việc dâm bôn, Kiều cũng biết ngăn ngừa giảng giải cho Kim Trọng rõ, Kiều biết gìn giữ cho bản thân thì ai gọi Kiều là người hư.

Có người quả quyết rằng Kiều mượn cớ bán mình chuộc cha để theo Mã Giám Sinh cho thỏa cái tính dâm của nàng. Thật sự đó là một nhận xét không những phiến diện mà còn hồ đồ. Ngoại trừ việc yêu Kim Trọng mà qua mặt cha mẹ thề non hẹn biển, từ đó về sau, chẳng có thể trách cứ việc làm nào của Kiều được. Ngay như việc khuyên Từ Hải ra hàng, Kiều tự chê mình giết chồng mà lại lấy chồng nhưng thật ra vì lòng thương cha nhớ mẹ nên Kiều xui Từ Hải ra hàng, người ta nên thông cảm cho Kiều làm việc nông nổi ấy. Dương Quảng Hàm cho đó là hành động vì lòng nhân.

Trách cứ Kiều, có lẽ bài thơ sau đây phê phán một đau đớn nhất:

“Tiếng sấm ân tình bốn mặt ran

Tướng quân chi tiếc cánh hoa tàn

Đôi làn nước mắt đôi làn sóng

Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan

Tổng đốc ví thương người bạc mệnh

Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan

Trơ trơ nắm đất bờ sông nọ

Hồn có nghe chăng mấy giọng đàn.”

Hồ Tôn Hiến mở tiệc khao quân, bắt Kiều đàn cho Hồ nghe. Kiều đau đớn lắm. Dù tiếng đàn của Kiều như tiếng khóc:

“Ve ngâm vượn hót nào tày

Khiến cho Hồ cũng nhăn mày rơi châu”

Tuy nhiên, việc làm nầy của Kiều không phải là dâm. Dâm là chuyện ăn nằm trai gái. Suốt trong cả truyện Kiều chẳng tìm ra được câu nào nói rằng Kiều ưa chuyện ăn nằm với đàn ông cả. Điều nầy rất dễ hiểu vì khi viết truyện Kiều, chủ ý của Nguyễn Du không phải là viết chuyện khiêu dâm để câu độc giả, hoặc viết có tính dâm theo thời thượng như các nhà văn ngày nay. Chủ yếu Nguyễn Du khi viết truyện Kiều là muốn dựa vào câu chuyện của Thanh Tâm Tài Nhân để gởi gắm tâm sự đớn đau của mình. Bàn về điểm nầy, cũng trong cuốn sách nói trên, Trần Trọng Kim viết: “Bạch diện với hồng nhan đã chịu chung một số kiếp, thì quyển truyện Kiều có phải là chỉ để than người bạc mệnh mà thôi, hay là để cho tác giả nhân đó mà tự than mình nữa? “

“Lời rằng bạc mệnh lẽ là lời chung”

Cho nên than người bạc mệnh, tức là than thân mình. Vậy lấy Kiều mà xét tâm sự Tố Như thì tưởng không lầm được. Không lý Nguyễn Du là người có tư tưởng tam giáo sâu xa, một người có lòng nhân hậu, biết đau xót trước cảnh đời đổi thay ly loạn, vật đổi sao dời mà lại đi ca ngợi một kẻ tà dâm. Nàng Kiều dù là người phải chịu cảnh thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần thì cũng chỉ vì thân phận của người đàn bà trong cảnh giặc giã chứ đâu phải nàng Kiều muốn như vậy. Kiều không phải là người tà dâm và chắc chắn Nguyền Du không muốn vẽ nên một nàng Kiều tà dâm để gởi tâm sự vào mình vào nhân vật ấy. Nguyễn Công Trứ dù có viết “Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm” thì như đã nói, chỉ là một sự phán xét hồ đồ.

Chính những phán xét bảo thủ trên lại mang đến cho nàng Kiều của chúng ta một cái oan đau đớn. Xã hội phong kiến là thế, bao điều khốn khổ, tủi nhục nhất lại vùi dập một con người hồng nhan, bạc mệnh. Cuộc đời lưu lạc đầy đau khổ của nàng là do chế độ phong kiến tàn bạo gây nên, một xã hội vì tiền và chỉ chạy theo đồng tiền đã mang đến sự tàn ác, vô nhân đạo khiến Kiều cố gượng dậy nhưng không được. Riêng em, không chỉ vì yêu thích Truyện Kiều mà em đánh giá thiên vị coi Kiều là biểu tượng đẹp. Kiều không chỉ đẹp bên ngoài mà còn sáng cả trong lòng, một tấm lòng chân tình khá sâu sắc. Một người con gái bé nhỏ nhưng với một tình cảm dạt dào yêu thương vô bờ bến rất đáng để cho mình thông cảm, nể phục đấy chứ.

Trong toàn bộ tác phẩm, Kiều vẫn hiện ra với trái tim trong trắng của một người con gái bạc mệnh, Kiều không mang bản chất đen tối, nhơ bẩn mà lại càng sáng hơn với tài sắc, đức hạnh của nàng. Kiều là đại diện cho người phụ nữ VN. Kiều vẫn là hình tượng của chúng ta trong mọi thời đại. Và nếu Nguyễn Du biết được câu hỏi của ông sau hơn 200 năm đã được thấu hiểu, mọi người đồng tình, cảm thông cho ông thì hẳn ông sẽ không còn ray rứt vì đã thoát khỏi vỏ bọc qui luật phong kiến nghiệt ngã.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: