Hoa xoan
"Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy"
Nguyễn Bính
Hoa xoan trong thơ Nguyễn Bính là dấu hiệu cho mùa xuân đến và mùa xuân đi, cho người con gái thổn thức vì mùa xuân sắp cạn ngày, mà người hò hẹn chẳng thấy đâu. Hoa xoan nở vào mùa xuân, từng chùm tím bạc như những đám mây bềnh bồng ngang trời. Trong làn mưa bụi tháng Ba, hoa mềm xốp như thấm nước, mà vẫn đẹp dịu dàng, nền nã. Làng quê nào ở Việt Nam cũng trồng xoan. Cây xoan cao, dáng thẳng, có hoa đẹp và quả thon dài. Khuôn mặt người con gái đẹp được tả là hình trái xoan, khác với cách người Trung tả là hình trứng ngỗng.
Xoan là loại cây không chỉ có hoa đẹp, gỗ xoan cũng khá tiện dụng. Cùng với gỗ mít, gỗ xoan thường được sử dụng để làm đồ gia dụng, đóng tủ, đóng giường. Còn có một loại xoan nữa là xoan đào, loài cây đã xuất hiện trong truyện cổ tích Tấm Cám: khi cô Tấm bị hại chết hóa thành cây xoan đào, rồi gỗ cây xoan đào được dùng làm khung cửi, phát ra tiếng kêu oán làm kẻ hại người phát điên. Thứ cây xoan đào này chỉ mọc ở vùng rừng núi, và gỗ của nó sánh ngang với gỗ sồi.
Hoa xoan theo tôi lớn lên. Từ khi đi học lớp một trường tôi đã có nhiều cây xoan bao quanh rồi. Mùa xuân năm tôi mười bốn tuổi, học lớp cuối phổ thông cơ sở sắp lên cấp ba, nhìn hoa xoan mà thấy lòng thổn thức. Có lần trong giờ học một ngày trời nổi gió, hoa bị cuốn vào mái ngói, rơi lả tả trên đầu, trên vở chúng tôi. Tôi nhớ mãi thời khắc đặc biệt đó. Hoa rơi như một đám mưa hoa chầm chậm trong hư ảo. Chúng rơi trên sách vở, trên bàn học trước mặt bạn, khoe hết vẻ đẹp của từng bông hoa nhỏ xíu tím nhạt hình sao. Bất chợt bảy năm qua đi như chớp mắt. Mới ngày nào cả lũ còn nắm đuôi áo nhau rồng rắn đi từ lớp vỡ lòng lên lớp một, bây giờ đã có đứa biết tập tọng yêu đương, đã sắp ra trường cả rồi.
Hoa xoan màu tím nhạt lãng mạn nên được bọn con gái ưa thích. Người lớn thì chê hoa lắm bọ chó. Tôi thích hương hoa xoan, và chẳng bị bọ chó cắn bao giờ (ít nhất là không nhớ). Hoa xoan nở vào mùa xuân, mùa hội cho nam thanh nữ tú có dịp gặp nhau, hẹn hò. Qua mùa hè tát nước đêm trăng, tới mùa thu là có thể sắp trầu cau chạm ngõ rồi làm đám cưới. Đến mùa xuân năm sau, cô gái đi hội làng của nhà thơ Nguyễn Bính đã có thể "theo chồng bỏ cuộc chơi".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top