Thương mại điện tử
Thương mại điện tử – 10 điều cần biết
Thương mại điện tử (TMĐT), hầu như tất cả mọi người khi nghe cụm từ này đều nghĩ ngay tới một website bán hàng qua mạng. Nhưng thật sự chỉ có như vậy thôi ?
Nếu TMĐT là dễ thì ai cũng có thể làm được : không phải chỉ cần thuê một nhóm kỹ thuật xây dựng một hệ thống web cho bạn rồi đưa hệ thống này lên mạng là bạn đã tự hào rằng mình đã thực hiện TMĐT. Để thực sự thu lại lợi ích mang lại bởi hệ thống web của bạn, bạn cần phải làm nhiều điều hơn. Để bán được hàng hóa bạn cần phải thực hiện đủ các bước từ chào hàng đến hậu mãi. Thương mại điện tử chỉ là một phần phát triển của thương mại truyền thống.
Marketing : bạn phải dành nhiều thời gian để thu hút đối tượng khách hàng vào xem trang web của bạn. Điều này cực kỳ quan trọng cho những trang web bán hàng trên mạng. Hoặc bạn có thể trả tiền cho dịch vụ marketing website của bạn. Thực ra, đây là hình thức rất phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thay vì phải thuê ít nhất một nhân viên làm việc này và trả tiền cho đường truyền Internet, bạn có thể chỉ phải trả vài chục đô-la Mỹ mỗi tháng để thuê một công ty chuyên nghiệp tiếp thị và quảng cáo website của bạn đến với những đối tượng khách hàng của bạn trên khắp thế giới.
Bạn không thể bán những gì khách hàng không cần : không phải bất cứ thứ gì cũng có thể bán được qua mạng. Ví dụ, sẽ không ai mua gạo hay dầu gội qua mạng bởi vì họ có thể mua chúng dễ dàng ở các cửa hiệu ở mọi nơi. Khi bạn quyết định bán hàng qua mạng, bạn phải khảo sát kỹ liệu sẽ có thị trường tiêu thụ qua mạng cho mặt hàng của bạn hay không. Nếu có, thì ắt sẽ có người khác có cùng ý tưởng với bạn, nên cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi, do đó, bạn phải biết cách làm nên sự khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ của mình để tăng lợi thế cạnh tranh.
Khách hàng sẽ không tìm thấy bạn : Chìm ngập trong hàng tỉ trang web, làm sao khách hàng có thể tìm thấy website của bạn ? Thông thường một người biết được một website là do: tìm kiếm từ Search Engine, bạn bè giới thiệu, hay đọc được thông tin về địa chỉ website đó từ một nguồn nào khác. Cách tìm qua Search Engine là thông dụng nhất. Vì thế, bạn phải đăng ký website của mình với các Search Engine, kể cả trả tiền cho các Search Engine để được liệt kê ở những trang đầu. Ngoài ra, việc bố trí phân loại thông tin hay hàng hóa trên trang web của bạn cũng phải nhắm đến mục tiêu làm sao cho người xem tìm kiếm được cái họ muốn dễ dàng nhất. Nên nhớ, khách hàng sẽ không kiên nhẫn dạo chơi trong website của bạn đâu.
Tốc độ : tốc độ là một yếu tố quan trọng. Tốc độ truyền tải trang web của bạn chậm sẽ khiến khách hàng mất kiên nhẫn và bỏ đi. Có 2 yếu tố để cải thiện tốc độ truyền: trang web của bạn không nên có nhiều hình ảnh, âm thanh không thực sự hữu ích. Lý tưởng là mỗi trang web nên bé hơn 50KB. Và khi mua dịch vụ hosting, nên chọn lựa chất lượng hosting kha khá để có thể đảm bảo tốc độ xử lý và truyền tin không quá tệ. Ngoài ra, những khâu khác cũng cần lưu ý tốc độ như: trả lời email, giao hàng… Bạn cũng luôn muốn được phục vụ nhanh chóng và có chất lượng phải không ?
Website đơn giản : bạn hãy xem thử website www.google.com hay www.amazon.com và sẽ thấy rằng chúng rất đơn giản về thiết kế, không có hình ảnh động, nhiều màu sắc, nhưng điều tối quan trọng là chức năng mạnh của chúng. Đó là mấu chốt của vấn đề: khách hàng không cần một website mang tính “nghệ thuật” cao, mà họ cần một website cung cấp cho họ những chức năng, sản phẩm, thông tin họ cần.
Nếu bạn không hiểu khách hàng thì bạn không thành công : đặc điểm của TMĐT là giao dịch ảo: người bán và người mua không cần phải gặp nhau. Do đó, việc tìm hiểu thói quen, sở thích của khách hàng trong TMĐT lại càng quan trọng và không dễ thực hiện. Do đó, bằng nhiều hình thức, bạn phải nghiên cứu kỹ về sở thích, thói quen, nhu cầu của nhóm khách hàng của bạn, để từ đó phục vụ khách hàng tốt hơn, và cũng là đẩy mạnh doanh số của bạn. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuê một công ty dịch vụ chuyên về lĩnh vực này để nghiên cứu và tư vấn cho bạn sẽ hiệu quả hơn về chất lượng và chi phí.
Không phải ai cũng có khiếu về thiết kế web : cách tốt nhất để xây dựng hệ thống web của bạn, nếu bạn chưa hiểu biết sâu về TMĐT, là thuê một nhóm chuyên môn để làm việc này cho bạn. Ngày nay, chi phí dịch vụ cho việc xây dựng một website quảng cáo thông tin về doanh nghiệp của bạn chỉ vào khoảng trên dưới vài trăm đô-la Mỹ. Nếu bạn bán hàng qua mạng, chi phí này có thể cao hơn 3-4 lần. Ngoài ra, khi viết nội dung, bạn cũng có thể nhờ dịch vụ để chất lượng bài viết và bài dịch (tiếng Anh) cao hơn. Hiện nay có rất nhiều công ty dịch vụ xây dựng website và giá cả dịch vụ cũng rất đa dạng. Bạn nên tham khảo kỹ giá cả và các điều khoản dịch vụ để có quyết định đúng đắn và không bị trả tiền quá nhiều.
Khách hàng dừng chân càng lâu thì càng có cơ hội bán được hàng : điều này cũng dễ hiểu vì nó cũng giống như trong thương mại truyền thống. Khi khách hàng chịu dừng chân lâu trong gian hàng của bạn ở siêu thị hay hội chợ, có nghĩa là họ đã bắt đầu quan tâm đến sản phẩm hay dịch vụ của bạn và họ thật tình muốn mua. Do đó, hãy tìm cách giữ chân khách hàng ở lâu trong trang web của bạn bằng cách cung cấp thông tin hữu ích và hấp dẫn, tổ chức các trò vui chơi…
Những chuyên gia không phải lúc nào cũng đúng : đúng là bạn phải nhờ đến các dịch vụ chuyên nghiệp khi xây dựng website, khi quảng cáo website v.v… Tuy nhiên, tốt nhất bạn hãy tự tìm hiểu những kiến thức chung nhất về TMĐT và mạnh dạn hỏi các chuyên gia những điều bạn muốn biết. Hãy có lập trường riêng của mình, trong khi vẫn biết lắng nghe người khác và sàng lọc các ý kiến. Đây là việc kinh doanh của bạn, và bạn phải có ý kiến riêng của mình.
Biến thương mại điện tử thành “vàng” ?
Thực tế ai cũng đều biết rằng điều quan trọng để thúc đẩy được hoạt động kinh doanh ngày nay chính là dữ liệu, bởi một công ty càng có nhiều thông tin bao nhiều thì thuận lợi cạnh tranh trên thị trường của nó càng tốt bấy nhiêu.
Nhờ việc lấy được dữ liệu “theo đường kích chuột” trên Internet từ các máy chủ mà các công ty có thể phân tích được hành vi khách hàng, nhận biết được những mối quan tâm của khách hàng cũng như xác định được những sở thích của họ đối với các sản phẩm và dịch vụ cụ thể. Kho báu thông tin vô chủ này có thể cũng được sử dụng để dự báo xem khách hàng sẽ mua cái gì, khi nào và ở mức giá nào. Còn bạn thì chỉ cần biết làm như thế nào mà thôi.
Khai thác dữ liệu thay vàng
Hầu hết các nhà tiếp thị đều có một tri giác bẩm sinh về những cái mà các khách hàng của họ muốn. Dẫu vậy, các nhà tiếp thị giỏi vẫn luôn cố gắng tìm cách hợp thức đúng được các giả định đó với “bằng chứng” hơn là đơn giản chỉ tin vào kinh nghiệm và trực giác của họ. Thế nhưng, cho dù nhiều người đều chắc chắn rằng dữ liệu đang nằm đâu đó trên máy chủ của web thì họ cũng vẫn không làm thế nào để lấy nó ra được.
Nơi đầu tiên mà các nhà tiếp thị trực tuyến hướng vào tìm sự trợ giúp thường chính là bộ phận công nghệ thông tin của họ. Mặc dù những nhà quản lý mạng, các nhà quản trị công nghệ thông tin và cả những người quản trị web có thể biết nơi tìm ra dữ liệu quan trọng, nhưng họ không biết làm thế nào để phân tích được nó hoặc lấy ra được tin tức. Dưới áp lực từ bộ phận tiếp thị, một kỹ sư tích cực có thể phát triển được một hệ thống đơn giản nhằm xác định được các khách hàng theo các mẫu hành vi hoặc quá trình giao dịch tương tự. Tuy nhiên, khả năng để hiểu làm thế nào để sử dụng được thông tin đó thì luôn luôn nằm ngoài tầm với của họ.
Nâng cấp “mánh lới” cũ
Hai phương pháp phổ biến nhất đối với sự phân khúc các khách hàng đều đòi hỏi sử dụng dữ liệu nhân khẩu học và tinh thần học. Dữ liệu nhân khẩu học bao gồm thông tin chẳng hạn như thu nhập, giáo dục, dòng tộc, độ tuổi, mối quan hệ với chủ hộ, vân vân... Còn dữ liệu tinh thần học lại kiểm tra về những hành vi và lối sống của từng cá nhân, kể cả việc quyền lợi và giá trị. Những phân khúc này thường dựa trên những số liệu được thu thập trong suốt các giao dịch khách hàng, hoặc từ thông tin được khách hàng cung cấp khi tham gia đăng ký trên một dịch vụ hoặc một trang web.
Vấn đề đối với cả hai phương pháp tách biệt này đó là chúng đem lại sự thấu hiểu nghèo nàn về cái mà khách hàng thực sự mong muốn cũng như trong việc dự đoán về hành vi tương lai của người đó. Lấy ví dụ, các nhà tiếp thị thường đưa ra những kết luận rằng: một phụ nữ với thu nhập 100.000 đô la sẽ cảm thấy hứng thú trong việc mua một chiếc túi xách của một nhà thiết kế bởi cô ta có thể đủ điều kiện mua nó, thậm chí dường như không hề có bằng chứng trực tiếp nào hỗ trợ cho việc khách hàng thực sự muốn mua nó.
Phương pháp thứ ba đó chính là quan sát hành vi. Trong khi ít được áp dụng nhất thì đây lại chính là phương pháp có giá trị nhất. Nhờ vào việc quan sát hành vi của các khách hàng trong lúc trải qua việc mua hàng trực tuyến, các nhà tiếp thị có thể có được một hồ sơ chính xác hơn về những sở thích thật sự và những mục đích mua sắm trong tương lai của một khách hàng. Việc nhắm vào hành vi sử dụng thông tin được thu thập dựa vào hành vi lướt Web của mỗi cá thể - chẳng hạn như những trang đã xem, những tìm kiếm đã làm, những đối tượng được bổ sung, việc kích chuột vào các đường dẫn và cả những quảng cáo đã được xem. Những hành vi đó có thể kết hợp với những dữ liệu nhân khẩu học và tinh thần học đã được thu thập một khi chúng được quan sát.
Kỹ thuật của sự phân khúc
Sau đó, một sự phối hợp phân khúc phải được phát triển. Rốt cuộc, những sự phối hợp phân khúc đó nên được dùng để tìm ra được những bộ khách hàng có giá trị nhất. Những cái đó có thể được tìm thấy bằng phân loại khách hàng theo những mẫu chẳng hạn như: việc mua sắm gần đây, việc đăng ký tham gia chương trình đều đặn hoặc việc sử dụng tiền nong hợp lý. Hầu hết những sự phối hợp phân khúc đều có thể có lợi từ những phân khúc RFM cơ bản (Recency – thời gian, Frequency – tần suất, và Monetary – tiền tệ), cũng như việc xem (hành vi lướt web). Một số phương thức đối với tất cả những điều này có thể được kết hợp để xác định ra được năm nhóm khách hàng đầu tiên.
Đúc tiền từ dữ liệu
Một khi những phân khúc đó được thiết lập, các nhà tiếp thị phải hiểu được giá trị đồng đô la được kết hợp với những thành viên của phân khúc đó. (Nếu một người đi du lịch hạng thương gia sẽ mất chi phí lớn hơn tới 20 lần so với một người đi du lịch mức tiết kiệm thì bạn có biết nơi tốt nhất để sử dụng những đồng đô la tiếp thị của bạn không?) Nếu bạn vừa tạo ra nhiều phân khúc và tất cả chúng đều có cùng giá trị thì sau đó những phân khúc đó có thể không có ích lắm. Dẫu cho một số phân khúc có thể nói cho bạn biết rằng các khách hàng của bạn có những sự ưa thích khác nhau, nhưng chủ yếu phải hiểu được chúng có tạo ra lợi nhuận và bao nhiêu tiền cho công việc kinh doanh của bạn không.Các phân khúc có giá trị cao – hoặc những cái mà tạo ra được hầu hết doanh thu hoặc lợi nhuận cho một công ty – thì là những cái quan trọng nhất để phải quan tâm tới. Nếu phân khúc khách hàng đứng đầu của bạn tạo ra trung bình 500 đô la một người hàng năm cho công ty bạn, nhưng lại chỉ có 1000 thành viên, thì nỗ lực tiếp thị của bạn có thể được tập trung vào việc thúc đẩy những người tạo ra doanh thu cấp hai, với 100.000 thành viên (mà trung bình là 200 đô la một người hàng năm), thành phân khúc cao nhất tiếp theo.
Đầu tư vì lợi nhuận
Khi bạn biết những khách hàng nào là “giá trị hàng đầu” cho công ty bạn thì bạn có thể đưa ra những chương trình tiếp thị phù hợp với họ và đầu tư vào những mối quan hệ đó. Việc có được sự thấu hiểu và cả tin tức đối với giá trị của mỗi phân khúc cho phép các nhà tiếp thị phát triển các chương trình thích hợp với sự đóng góp của họ đối với mục tiêu quan trọng của công ty bạn, hoặc được trù tính để chuyển những nhóm từ dưới lên đứng đầu trong nấc thang phân khúc của bạn.
Không quan tâm tới phạm vi khai thác dữ liệu mà một nhà tiếp thị thực hiện, một chút tin tức cũng có thể được sử dụng để tạo ra rất nhiều lợi nhuận. Khi bạn biết được những khách hàng nào là “giá trị hàng đầu” cho công ty bạn, bạn có thể đưa ra những chương trình tiếp thị phù hợp với họ và đầu tư vào những mối quan hệ đó, bởi bằng cách tập trung vào việc phát triển theo “xương sống’ của các khách hàng, các nhà tiếp thị sẽ có đủ khả năng để làm tăng tối đa gấp nhiều lần việc sinh lời của đầu tư (ROI – Return On Investment).
Tài nguyên "thương mại điện tử" bị bỏ quên?
Thương mại điện tử chính là một nguồn tài nguyên khổng lồ, không những nó không bị cạn kiệt khi được khai thác như các loại tài nguyên thiên nhiên mà trong kỷ nguyên công nghệ thông tin và viễn thông phát triển như vũ bão, nó ngày càng phong phú và đa dạng hơn.
Tuy nhiên, bất cập chính là ở chỗ chúng ta quên khai thác nó hoặc mới chỉ khai thác được ở dạng bề mặt. Và tất nhiên, chúng ta đang lãng phí một “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế.
Chưa xác định được “trữ lượng”
Đó chính là quan điểm của ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử (Bộ Thương mại) trong cuộc trao đổi với VnEconomy.
Ông Hải cho biết, chúng ta đã bắt đầu biết và làm quen với khái niệm thương mại điện tử từ năm 1997-1998 và ngày 15/9 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch tổng thể thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010, nhưng thực chất cho đến nay vẫn chưa có chính sách nào mang tầm cỡ vĩ mô cho việc khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ này.
Hằng năm, Vụ Thương mại Điện tử – cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối cho các chiến lược phát triển thương mại điện tử, đều thực hiện một công trình, tạm coi là sách trắng về thương mại điện tử. Trong đó, báo cáo sẽ tổng hợp các số liệu, thống kê về thương mại điện tử. Song, hiện tại các chương trình phát triển, các giải pháp cho việc khai thác tổng hợp số liệu, thống kê thương mại điện tử vẫn đang rối rắm và lộn xộn như một mớ bòng bong.
Do đó, đối tượng chính mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế là cộng đồng doanh nghiệp và bản thân các cơ quan Nhà nước đều gặp không ít khó khăn.
Nhà báo người Mỹ Thomas L. Friedman, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về kinh tế toàn cầu hóa cũng đã khẳng định trong cuốn sách xếp hạng best seller “The Lexus and Olive”: thương mại điện tử là một nguyên liệu quan trọng, như một tài nguyên, nó sẵn sàng cho bất kỳ ai khai thác, là cái chung ai cũng có thể nắm bắt, có thể biến nó thành tài sản của mình.
Giá trị từ thương mại điện tử
Vậy nguồn tài nguyên này sẽ mang lại cho doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước, tổ chức hiệp hội và hàng triệu cá nhân sử dụng nó những lợi ích gì? Ông Trần Thanh Hải cho rằng, mỗi doanh nghiệp đều có thể tận dụng nó, cụ thể là các phương tiện như website, email, các sàn giao dịch điện tử… như một công cụ quảng cáo vô cùng hữu hiệu mà chi phí bỏ ra rất nhỏ.
Ngoài ra, nó cũng được coi là phương tiện thay thế cho hàng loạt các loại hình giao dịch thông thường. Chẳng hạn, thay vì phải tìm cách này hay cách kia như gọi điện thoại, cử nhân viên đi thu thập thông tin, cập nhật thị trường, cơ chế chính sách mới…, chỉ cần thông qua các trang web đã có thể nắm bắt được tất cả những thứ đó, thậm chí có thể trực tiếp giao dịch mua bán và thanh toán qua hệ thống ngân hàng.
Tất nhiên, lợi ích mà thương mại điện tử mang lại rất nhiều mà đến cả cơ quan quản lý lớn nhất của Nhà nước về thương mại điện tử cũng chưa nắm bắt được toàn bộ.
Minh chứng cho nhận định trên, ông Nguyễn Hữu Tuấn, phụ trách cổng thương mại điện tử quốc gia (Bộ Thương mại) cho biết: Thông qua cổng thương mại điện tử http://www.ecvn.gov.vn/, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ giao dịch và miễn phí hoàn toàn 3 năm.
Ngoài việc được hỗ trợ trực tuyến, các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ ngoại tuyến bằng các hình thức chính sách, văn bản thông qua hệ thống cơ quan của Bộ Thương mại và các Thương vụ tại nước ngoài. Cổng thương mại điện tử quốc gia cũng như một “con triện” đảm bảo cho tính minh bạch, mức độ uy tín và khả năng thực của các doanh nghiệp khi đã được phép lên sàn. Hiện nay cổng thương mại điện tử đã có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia, dự kiến đến 6/2006 sẽ có khoảng 500 doanh nghiệp tham gia.
Hiện không ít các doanh nghiệp đã tìm được bạn hàng xuất khẩu và xuất khẩu nhiều lô hàng có giá trị lớn thông qua sàn điện tử chính thống của quốc gia này. Cũng theo ông Tuấn, Ban quản lý cổng thương mại điện tử cũng liên tục cập nhật thêm những tính năng và hình thức hỗ trợ khác cho đơn vị tham gia.
Để cụ thể hơn, có thể lấy một vài điển hình cụ thể như xã chuyên trồng rau quả sạch Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu – Nghệ An) vừa ra mắt trang http://www.quynhluong.gov.vn/ một cách rất chuyên nghiệp và bước đầu đã tạo nên những hiệu quả kinh doanh nhất định; Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang đã sử dụng trang web của mình rất tốt, vừa là kênh quảng cáo, trao đổi thông tin, tư vấn khách hàng, giao dịch và liên lạc; hoặc như một công ty trong Bình Định đã ký hợp đồng với 1 doanh nghiệp ở Hà Nội về phân urê…
Bên cạnh đó, hiện nay cả nước đã có khoảng 60 sàn giao dịch điện tử chuyên nghiệp và một số trong đó đã tạo được tiếng vang lớn. Ông Nguyễn Hòa Bình, quản lý sàn giao dịch chodientu.com khẳng định, các sàn chuyên nghiệp như chodientu.com chủ yếu dành cho loại hình giao dịch B2C (doanh nghiệp với khách hàng) và C2C (khách hàng với khách hàng), chỉ cần đăng ký và rao bán hàng hóa, sản phẩm thậm chí là thông tin tuyển dụng (hiện miễn phí) chắc chắn cơ hội thành công được nhân lên gấp bội so với việc chạy đôn chạy đáo đi tìm người cần mua, cần bán.
Khai thác thế nào?
Tuy nhiên, câu hỏi làm thế nào để khai thác được hết tiềm năng của nguồn tài nguyên này mới thật sự đau đầu.
Phó vụ trưởng Vụ Thương mại Điện tử cho biết, hiện vụ đang tiến hành 2 chương trình là điều tra hiện trạng ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp, trước mắt là phục vụ cho việc soạn thảo Báo cáo thương mại điện tử 2005; chương trình thứ 2 là tiến hành xếp hạng các website thương mại điện tử hiện có.
Đây là những việc làm thực sự cần thiết nhằm tạo một “đòn bẩy” cho nhận thức về thương mại điện tử của doanh nghiệp và người dân. Bởi lẽ hiện người tiêu dùng thật khó biết được website nào uy tín, trung thực và đáng tin cậy. Song, một khó khăn cần phải thừa nhận là Vụ Thương mại Điện tử tự làm những việc này nên chưa thể chính xác, diện chưa rộng, chưa đủ và phương pháp cũng chưa thực sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm xử lý chưa nhiều.
Cũng theo ông Hải, cái khó là hiện nay nhận thức về thương mại điện tử của doanh nghiệp còn hạn chế, đơn cử là các doanh nghiệp lập website chỉ như một thứ trang sức, vài tháng thậm chí cả năm trời mà giao diện trang chủ vẫn nguyên si, không có thông tin gì mới trong khi thông tin về chính sách, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường trong nước và quốc tế liên tục cập nhật, chi phí cho website cũng chanửg đáng bao nhiêu.
Trở ngại tiếp theo chính là thói quen giao dịch trực tiếp và thanh toán bằng tiền mặt của đa số doanh nghiệp và người tiêu dùng. Từ đó, họ ít khi nghĩ đến việc tìm kiếm thông tin và giao dịch, mua bán, thanh toán qua internet.
Trở ngại thứ ba, theo ông Hải là về chính sách, thủ tục hành chính. Đơn cử là việc lập website phải có được giấy phép của Bộ Văn hóa Thông tin. Một ngày có hàng chục doanh nghiệp lập website trong khi thời gian chờ phép khá lâu nên dễ xảy ra việc không xin phép (và thực tế hiện đa phần các website không phép).
Tất nhiên, sau giấy phép là yêu cầu về an toàn thông tin và vi phạm luật pháp, sai lệch về văn hóa tư tưởng. Song thực tế hàng trăm website mới có vài cái vi phạm, nếu vì 1- 2 cái đó mà làm chậm cho tất cả doanh nghiệp thì qúa lãng phí. Thậm chí cổng thương mại điện tử http://www.ecvn.gov.vn/ của Bộ Thương mại cũng phải xin phép rất lâu.
Theo các chuyên gia, mặc dù hiện trạng về khai thác thương mại điện tử ở nước ta còn nhiều hạn chế, song việc phát triển và khai thác nó dường như là một con đương tất yếu. Bởi lẽ trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, khi khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin phát triển chóng mặt, liên tục cập nhật công nghệ mới, khi dòng thông tin trôi qua internet không chờ một ai thì nếu không theo kịp và tận dụng được nó thì mỗi doanh nghiệp, cá nhân sẽ bị đẩy vào guồng máy đào thải.
Từ đó, hô hào chỉ là chuyện “lý thuyết”, còn những bài học nhãn tiền như những thất bại khi quên mất trong tay mình có thương mại điện tử hay là những thành công thực tế từ các doanh nghiệp biết tận dụng khả năng của thương mại điện tử như xã Quỳnh Lương, công ty Cổ phần Dược Hậu Giang… kể trên, có lẽ không ai có thể tiếp tục đứng ngoài cuộc. Cộng với những chính sách đang được cố gắng hoàn thiện, thiết nghĩ giá trị do thương mại điện tử mang lại sẽ không ảm đạm như hôm nay.
Tương lai và triển vọng nào cho E-business?
Ở giai đoạn đầu, giai đoạn "trứng nước", E-business là tất cả các công việc như : xây dựng một trang web, hấp dẫn người xem và giành lấy những đơn hàng. Những tập đoàn lớn và những khách hàng giàu có đều đổ xô vào web giống như những kẻ đổ xô đi đào vàng. Họ thi nhau xây dựng những giao diện người sử dụng và những giỏ mua hàng điện tử, giống như kinh doanh truyền thống.
Tuy nhiên, chỉ trong vài năm, cũng giống như hầu hết những đứa trẻ mới chào đời, những người kinh doanh E-business bắt đầu khóc. Với việc đầu tư hàng triệu USD và không thu được lãi, nhiều người đã buộc phải đóng cửa những cửa hàng ảo của mình.
Ngày nay, E-business đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng, như đứa trẻ đã biết đi và sắp sửa trưởng thành, mục tiêu cơ bản của E-business hiện nay là hoàn thành đơn hàng của khách hàng. Bước vào giai đoạn này của E-business. Liệu chúng ta có thể hy vọng thấy được gì ở giai đoạn "lấy lại sức" của E-business hiện nay? Các chuyên gia đã chỉ ra một vài xu hướng nổi bật.
Kent Allen, chuyên gia phân tích của Tập đoàn Aberdeen, cho biết, những công nghệ E-business mới đang nổi lên hiện nay đều tập trung vào những vấn đề nguy cấp như quản lý đơn hàng đã phân phối và hỗ trợ các quá trình kinh doanh. Trong khi việc bán hàng trực tiếp và "bán tráo" đều là những việc được chú trọng ở giai đoạn trước đây thì bây giờ việc hỗ trợ các công nghệ dự đoán nhu cầu, đánh giá sản phẩm và việc định giá lại là những vấn đề chủ chốt. Những chức năng sau bán hàng, như việc đối chiếu hoá đơn, quản lý bảo hành, và doanh thu và những vấn đề hậu cần cũng được chú trọng. Allen lưu ý rằng những công ty lớn đang tự động hoá các quá trình và giảm chi phí dịch vụ khách hàng sau bán, tổ chức tốt hơn việc bổ sung hàng và các cơ hội bán hàng sau tiêu thụ.
Theo Allen, vẫn còn có nhiều việc phải làm sau khi bạn giành được đơn hàng và chuyển sản phẩm đến khách hàng. Vấn đề là cần loại bỏ một số phương pháp làm bằng tay.
Hàng hoá nào cho E-Business
Trong thời gian đầu, E-business đều chỉ dựa vào 5 loại hàng: máy tính, môi giới trực tuyến, du lịch trực tuyến, sách và âm nhạc và bán đấu giá - chiếm 75% doanh thu.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng những mặt hàng này sắp tới sẽ chỉ còn chiếm khoảng 50% doanh thu trực tuyến, vì những người đi mua hàng đã đa dạng hoá nhu cầu mua hàng của họ, bao gồm: quần áo, dược phẩm, hàng tạp phẩm, các dịch vụ thông tin và các hàng hoá thông thường. Andrew Bartels, chuyên gia của Tập đoàn thông tin Giga cho biết: "Hàng tạp phẩm là một lĩnh vực mà vài năm trước đem lại tỷ lệ lãi suất khá cao và sau đó trở nên bi đát vào năm ngoái, song có thể bắt đầu từ năm nay sự hưng thịnh của loại hàng này lại trở lại".
Bán hàng đa kênh
Ngoài việc bán những loại sản phẩm khác nhau, các chuyên gia cho biết, những người đi mua hàng trực tuyến cũng nhận thấy ưu điểm của việc bán hàng đa kênh. Các công ty như Best Buy và Circuit City hiện đang thu được những kinh nghiệm với những hệ thống cho phép khách hàng lưu giữ các sản phẩm trên mạng trong giỏ mua hàng của họ. Và những dây chuyền cung cấp như Staples, Office Depot và Office Max cũng đang làm công việc bán hàng đa kênh khá tốt.
Trong một tài liệu sắp phát hành của tập đoàn Aberdeen, Alen tổng kết rằng 86% những khách hàng mới cam đoan tham gia một vài hoạt động E-business. Công ty cũng tự hào có tỷ lệ sử dụng E-business là 90% và hy vọng đến cuối năm nay kênh bán hàng trực tuyến của công ty sẽ đem lại 70% tổng số đơn hàng.
Còn Bartels thì cho biết: "Vấn đề là sự trao đổi thông tin từ kênh này sang kênh khác. Công ty bạn phải đảm bảo rằng vấn đề tồn kho của hàng hoá là do cửa hàng giám sát để tránh trường hợp xảy ra là khi khách hàng cần mua thì lại không có mặt hàng đó ".
Những quy tắc thời gian thực
Vấn đề này có thể nảy sinh do các công nghệ E-business. Do đó, những người tham gia E-business ngày nay hiện đang đầu tư vào năng lực tiềm tàng của thời gian thực để quản lý các đơn hàng, chuyên gia Geri Spieler của GartnerG2 cho biết. Theo ông, việc xử lý đơn hàng thời gian thực có thể tăng năng suất và độ chính xác hoàn thành đơn hàng lên 50%.
Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn đấu tranh để giữ hàng tồn kho và chuyển một đơn hàng đơn lẻ đến một khách hàng đơn lẻ. Theo ông Spieler, các công ty có số lượng khách hàng lớn đang tìm kiếm thời gian thực cho dây chuyền cung cấp và sự lưu trữ của họ để biết được khi nào hàng đến và họ có thể tránh được tình trạng không có hàng tích trữ và tích trữ quá nhiều.
Người sản xuất đồng thời là người kinh doanh trực tiếp
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sẽ có nhiều lợi thế nếu nhà sản xuất đồng thời cũng tham gia trực tiếp vào E-Business. Có như vậy hàng hoá sẽ tiêu thụ nhanh hơn và có uy tín hơn trên các cửa hàng ảo trên mạng. Levi-Strauss, hãng sản xuất thời trang hàng đầu thế giới, đã thu được rất nhiều lợi nhuận từ những đối tác bán lẻ quần jean và quần kaki trực tuyến của mình trong giai đoạn đầu của E-business và nay mối lo ngại về sự xung đột giữa các kênh bán hàng đang giảm dần trong tương lai, lợi nhuận hứa hẹn tăng cao.
"Những người bán lẻ không phải lo sợ lâm vào tình huống mà Amazone đã gặp phải", Bartels nói. "Những nhà sản xuất có cơ hội bán hàng trực tiếp cho khách hàng dựa trên các nguyên tắc cơ bản".
Levi, Mattel, Fisher-Price và Sony là 4 trong số những công ty bán hàng trực tiếp nói trên, trong khi Black & Decker cung cấp những đường kết nối tới những công ty bán hàng là bên thứ 3 trên trang web của công ty.
Có lẽ xu hướng nổi bật nhất của E-business hiện nay và trong tương lai là tận dụng cơ hội tạo ra lợi nhuận được khích lệ bởi những cuộc cách tân như đã đề cập ở trên. Theo các chuyên gia, sắp tới đây, chúng ta có lẽ sẽ không nhìn thấy được sự tăng trưởng ở mức 300% như trước kia, nhưng tốc độ tăng trưởng hàng năm 20% là điều có thật. Theo Allen: "Việc thu lợi nhuận của E-business ngày nay bắt đầu ổn định. Trong tương lai gần các kênh bán hàng luôn gặp phải thách thức, tuy nhiên kết quả kinh doanh xem ra khá khả quan”.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top