Trạng cáo quan(6)
Sau cái hôm thăm hỏi kì lạ đó thì bà hai Hậu không đến nữa, chỉ có cái ngày nào cũng có người để một giỏ nào là thuốc bố rồi trái cây không thì mấy món ngon ngon nghe đâu là trên kinh mới có ở trước cửa nhà thầy Hoàng.
Cứ vậy mà đã trôi qua hơn bảy ngày rồi, thầy Hoàng khoẻ hơn nhiều và bắt đầu đứng lớp trở lại nhưng cái người âm thầm biếu đồ đó vẫn ngày nào như ngày nấy, đều đặn mỗi sáng để trước cửa nhà thầy Hoàng.
Thầy Lam mỗi bữa mở cửa ra quét dọn là trúng ngay cái giỏ đồ đó. Vì vậy mà hôm nay thầy mới quả quyết thức tới sáng, thấy thầy Hoàng ngủ rồi là rón rén bò dậy, kéo cái ghế cây lại ngồi ngay cái khe cửa còn hở một khoảng bằng ngón tay út, nheo mắt nhìn ra ngoài.
Mùi gỗ cũ thoang thoảng ngay cánh mũi, tiếng ve kêu đều đều, cùng âm thanh vo ve của mấy con muỗi làm thầy Lam chẳng thể ngồi im. Mắt thì nhìn qua khe hỡ, tay thì gãi gãi dưới cổ chân, thiệt khổ thân hết sức mà...
Tưởng đâu nay người kia không đến đưa đồ nữa vì trời đã gần sáng, chốc nữa mấy thím cũng dậy đi chợ sớm rồi, thầy Lam ngáp mấy cái định đứng dậy về giường ngã lưng một lúc để sáng còn đứng lớp. Nào ngờ, vào đúng lúc đó, trên con đường hẵng còn tối thui kia thấp thoáng ẩn hiện hai bóng người đang lọ mọ đi đến.
Một người cầm đèn gió, một người ôm cái giỏ tre.
Đến càng gần càng rõ, người cầm giỏ kia chính là cô hai Duyên, còn người cầm đèn chắc là kẻ hầu của cổ.
Đôi mắt thầy Lam hơi nheo lại, môi bất giác mà mím chặt. Thú thật, từ đầu đã nghi là cô hai rồi, vì nhìn cái biểu hiện của cổ cái hôm mà cổ đến thăm thầy Hoàng là biết.
Đôi mắt mà cô hai nhìn thầy Hoàng ngày hôm ấy đâu phải chỉ là của người thấy có lỗi mà đến xin...
Nhưng thầy Lam không dám khẳng định, vì dẫu sao, cổ cũng là con quan lớn, sao có thể canh đêm khuya mà ra ngoài, chẳng những vậy mà còn đến nhà của đàn ông con trai lén lén, lút lút.
Ấy vậy mà... đúng là cổ thật.
Tự dưng, thầy Lam cảm nhận được máu trong lồng ngực mình đang cuộn trào loạn xạ, hỗn độn như đống rơm khô chờ cháy. Nó bức bối, khó chịu lắm, đầu óc cũng đờ ra, tại sao như vậy? Tại sao lại như vậy?
Cô Duyên đặt giỏ xuống trước cửa nhà, còn không quên nhón người nhìn nhìn vào ánh đèn dầu lé lói yếu ớt phía bên trong qua khe hở của mấy tầm ván.
Thầy Lam giật mình thu tay ôm ngực, tựa lưng vào vách gỗ, quên luôn cả thở. Làm sao mà cổ thấy được thầy chứ, tại thầy, tự nhiên thầy lại sợ, sợ cái người đang lén lút ngoài kia, sợ cái người đang say giấc kia đột nhiên tỉnh dậy. Sợ hai người họ nhìn thấy nhau trong hoàn cảnh này, sợ chính bản thân thầy kiềm lòng không đặng mà lao ra ngoài đêm tối.
Bất giác nhớ về tám năm trước, khi ấy, thầy Lam chỉ là một cậu thanh niên mười bảy tuổi, thích nuôi cá trồng sen, thích ngủ trưa trên chiếc ghế gỗ sau sân vườn rộng lớn, thích đong đưa chiếc võng theo hướng gió trời, thích để quạt lên mặt che đi những tia nắng còn sót lại xuyên qua kẻ lá...
"Gia Phúc đâu! Tụi bây kéo nó ra đây cho ông!"
Là cái giọng già nua khàn khàn của ông Trần Phước, vị thái phó được vua kính trọng như cha, như ông. Ông là người thanh liêm, chính trực nổi tiếng gần xa, ông đã theo hầu hai đời vua rồi, đến đời vua hiện tại, đã là đời thứ ba.
Ông có một thằng cháu duy nhất, thông minh lanh lẹ, nhưng được cái lười học. Con người ta thi trạng từ năm mười lăm mười sáu tuổi hết rồi, còn cậu Gia Phúc này thì suốt ngày thi nhau xem con dế nào đá thắng, con gà nào gãy cựa trước chứ nào có để tâm đến việc làm quan chi đâu.
Bởi vậy, việc triều chính chẳng đau đầu, chỉ lo cho thằng cháu suốt ngày lơ mơ ăn chơi thế này. Ông già rồi, chẳng biết sống được bao lâu, với cả ông là người được vua tin tưởng, trọng dụng, chẳng lẽ thằng cháu duy nhất của ông lại chẳng làm nên trò trống gì, cứ ăn chơi lêu lỏng, như vậy làm sao mà coi được.
Gia Phúc được gọi, mặt mày còn bần thần như vừa tỉnh ngủ. Một tay dụi mắt, một tay còn ôm chặt cái hộp đựng con Rồng Đất.
Rồng Đất kêu lên mấy tiếng chít chít.
Ông Trần Phước lập tức cau mày: "Giờ nào rồi mà còn ôm con dế đó, học hành thì không lo, con không định thi hay sao?"
Gia Phúc ngửa cổ hít một hơi sâu, tay vuốt vuốt cái hộp trên tay rồi ngồi xuống cái ghế rót ra một ly trà đẩy về phía ông Phước, sau đó là tự rót cho mình một ly.
Gia Phúc trề môi, giọng nhựa nhựa: "Nội ơi, con không muốn làm quan đâu."
Ông Trần Phước đập lên bàn một cái, làm nước từ ly trà run lên văng hết cả lên bàn: "Con nói cái gì đấy, nhà họ Trần này mấy đời đều là trụ cột triều đình, đời ông cố con, đến đời ông, đến ông, rồi đến cha của con, không ai không làm quan hết. Và hiển nhiên, con thân là cháu nội đích tôn của dòng họ thì..."
Gia Phúc: "Nội ơi, con không thông minh tài giỏi như nội với cha. Nói chung là... Con không làm được!"
"Con..."
Gia Phúc đột nhiên đứng dậy, co giò chạy thật nhanh, còn không quên quay đầu lại vẫy vẫy tay với ông Phước: "Con trễ giờ đấu dế rồi, có gì lát về hẵng nói nha nội."
Ông Trần Phước nhìn theo bóng lưng dần khuất xa của Gia Phúc mà chầm chậm cúi đầu thở dài sườn sượt, ông lẩm bẩm: "Trễ học không lo, lo trễ trận đá dế."
Hết cách rồi, đứa cháu nội này của nhà họ Trần ham chơi hơn ham học, thích cãi bướng hơn là đọc thơ, rồi chẳng biết sẽ làm được trò trống gì cho dòng họ đây.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Đa số con nhà quan lớn mười người hết chín người là ăn chơi lêu lỏng, mà ăn chơi đã đành, còn có kẻ lạm chức lạm quyền hiếp đát dân lành.
Nói chi đến nhà quan, chỉ cần có tiền một chút thì cái mặt đã đủ nghênh nghênh, xem trời bằng vung. Như thằng con cả của nhà ông Phú, lão nổi tiếng gần xa về cái gia tài ăn ba đời chưa hết, thằng cả nhà ổng cũng nổi tiếng chả kém cạnh gì so với cái độ giàu của lão. Thằng này tên Hưng, nghe đâu lúc nó mười chín, hai mươi là đã có hai vợ rồi. Đến nay chắc cũng mới hai bốn, hai lăm tuổi chứ nhiêu, mà vợ của nó ngoại trừ mợ cả, mợ hai ra thì không ai nhớ nổi thứ tự của mấy cổ nữa. Tại sao à? Thì đếm không xuể đấy.
Còn cậu Gia Phúc này, tuy chỉ biết chơi, mỗi lần nhắc đến chữ học là bỏ chạy thật. Nhưng cậu chẳng quậy phá gì ai, ra ngoài chơi cũng chưa bao giờ lấy cái danh con cháu quan lớn để lấy oai, tính tình còn hơi trẻ con nữa. Không phải nói ngoa đâu, nghĩ đi, gia thế cậu lớn vậy mà bên cạnh chẳng có lấy kẻ hầu nào hết, muốn ăn cơm là tự thân đi bưng, muốn làm cái gì cũng tự làm chứ không để ai hầu hạ hết.
Bởi người hầu trong nhà khoái cậu nhất trên đời, cậu chẳng phân biệt chủ tớ gì đâu, cặp vai bá cổ với người hầu là chuyện bình thường trước nay.
Nhớ một lần, quan thiếu sự đến thăm, ổng còn dẫn theo thằng con trai. Cũng cao ráo lắm, nhưng tính tình thì hết sức kiêu ngạo nếu không muốn nói là tự cao. Vào nhà người ta mà giở giọng bề trên, sai người hầu trong nhà chạy chóng mặt, còn bắt họ rót nước đưa lên tận miệng.
Thế là cậu Gia Phúc liền ra tay, giựt ly trà trên tay người hầu hất xuống đất, rồi lấy cái ly khác đặt cái cụp xuống bàn trước mặt hắn ta, bình trà cũng được cậu để như dằn mặt cạnh đó.
"Chi thiếu ngón nào hay sao mà như kẻ liệt?"
Tên kia mặt quạo liền, lập tức đứng dậy. Mà ác cái cậu Gia Phúc lúc đó mới trốn ra ngoài chơi về, cậu còn mặc trên người bộ đồ của người hầu nữa, thế là tên đó định động tay chân với cậu.
Ngay lúc đó thì ông Trần Phước và quan thiếu sự bàn bạc xong đi ra, thế là mới vỡ lẻ. Kẻ kiêu ngạo kia lại dám vung tay muốn "dạy dỗ" cháu của thái phó Trần Phước cơ đấy. Vị quan thiếu sự kia thì lập tức chạy đến giữ tay con lão lại, miệng ú ớ, mặt mày tái mét.
Thật ra vào đời vua trước, tức quốc lão hiện tại. Ông Trần Phước đảm nhiệm chức tể tướng. Chức quan dưới một người trên vạn người. Rồi khi vua hiện tại lên ngôi, ông vẫn bên cạnh phò trợ thêm một thời gian, sau đó thì có ý xin cáo lão, nhưng vua một mực không chịu,cuối cùng là cho ông làm thái phó, tiếp tục việc phò vua dệt nước, tính ra khi làm thái phó, ông Phước cũng đỡ việc hơn trước, nhưng chung quy vẫn là bận bịu cả ngày. Nhiêu đó còn chưa hiểu thái phó quan trọng đến mức nào thì rõ ràng là kẻ ngốc.
Còn Gia Phúc dòng dõi quan, nhưng không chơi với con quan. Có lẽ đến cả nhóm bạn đá dế cùng với cậu, đến nay cũng chẳng biết Gia Phúc là ai.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top