Thương Hải - Phượng Ca 4

Thương Hải
Tác giả : Phượng ca

Tập 30: Bát đồ hợp nhất.
Hồi 63: Bát đồ - ngày 28/09.
Người dịch: livan
Nguồn 4vn.eu - http://4vn.eu/forum/index.php

- Không đúng! Không đúng!

Hai tay Cốc Chẩn khua loạn xạ, đầu gã lắc quầy quậy,
- Cái chữ "Luận" (論) đó, bên tay trái rõ ràng là chữ "Ngôn" (言), tiểu tử ta đọc sách không nhiều, cũng dư biết "Ngôn" có nghĩa xuất phát từ cửa miệng, ý nghĩa nói năng bàn cãi , động khẩu. Còn nếu muốn là "động thủ" , thì thêm bên trái cuả chữ "Lôn" (侖) bộ "Thủ" để thành chữ "Luân" (掄). Tốt hơn hết, lão đầu tử có lẽ nên trở lại tra cứu sách vở, đọc lại "Kinh, Sử , Tử , Tập" xem có thấy chỗ nào nói "Luân Đạo" hay không! "Luân Đạo" ... "Luân Đạo" chắc hẳn muốn nói trước hết đem "Nhân Luân" ném tung lên không trung, rồi sau đó mới bàn đến chuyện đạo lý?

Lúc ban sơ, Cốc Chẩn chỉ định đơn thân độc mã đến dự Luận Đạo Diệt Thần, nhưng Thi Diệu Diệu nằng nặc đòi đi theo, nàng từ đầu đến giờ trong lòng ngập tràn lo âu, hiện thời, nàng thấy gã tánh mạng nằm trong tay địch thủ mà vẫn cứ tươi cười, nói nhăng, nói càn lung tung thiên, nàng bất giác chúm chím làn môi xinh, he hé một nụ cười. Tiên Bích thì không sao dằn được, cô cười rinh rích ra thành tiếng.

Ai dè Vạn Quy Tàng lại không lấy thế làm bực, lão gật gù, nói:
- Được thôi! Theo lời ngươi thuyết, trước hết tạm khoan động thủ, vậy ngươi muốn luận chuyện gì?

Cốc Chẩn đáp:
- Đồ nhi trước giờ vẫn cứ thắc mắc, muốn bàn thử xem cái công phu của lão đầu tử nhà ông nó rốt cục cao đến chừng nào?

Vạn Quy Tàng cười cười, thanh thản nói:
- Cái đó dễ thôi! Nếu ngươi có bản sự trổ ra khiến lão phu phải xuất toàn lực, lúc đó tự nhiên sẽ thấy rõ liền!

Cốc Chẩn chép miệng, nói:
- Cái bản sự cỡ đó, ta chưa thể có được! Vậy trong hiện tại, trên đời này, lão thấy ai có được bản sự tầm cỡ đó không?

Vạn Quy Tàng mắt loé một tia sáng, lạnh lùng đáp:
- Chẳng nói ngoa, lão phu tới giờ vẫn chưa gặp một ai có được bản lãnh như vậy!

- Rõ rồi! - Cốc Chẩn giơ ngón tay cái lên khâm phục, - Hiện thời thì không, vậy thì trước đây, có ai không?

Vạn Quy Tàng nhướng mày, lườm gã một phát:
- Rốt cục, ý ngươi muốn nói sao?

Cốc Chẩn vui vẻ đáp:
- Lão đầu tử ngươi thông minh dường ấy, sao lại không hiểu ý ta? Trong số người đương thời, không ai địch lại lão, vậy trong đám những cổ nhân thì sao? Có Tây Côn Lôn nè? Có Lương Tư Cầm nè?

Chúng nhân nghe câu đó, đều sửng sốt!

Ninh Bất Không lớn tiếng nói:
- Thành chủ coi chừng! Thằng tiểu tử này rõ ràng ăn nói loạn xạ, muốn câu giờ, bên trong tất có mưu thần chước quỷ gì đây!

Vạn Quy Tàng khoát tay ra điều hiểu ý, lão cười:
- Ninh sư đệ hãy nhẫn nại một chút, cái câu hỏi đó cũng lý thú lắm đấy. Nói đúng ra, cái nghi vấn đó đã đè nặng tâm tư lão phu nhiều năm nay rồi! Hai vị tổ sư đều là những nhân vật mà lão phu hằng ngưỡng mộ, chỉ đáng tiếc, thời gian trôi qua, không quay ngược trở lại quá khứ được. Vạn mỗ hùng tâm lớn mấy đi nữa, cũng không thể tranh đua cùng cổ nhân được!

- Không hẳn vậy! - Cốc Chẩn tủm tỉm cười.

- Nói vậy là sao? - Ánh mắt Vạn Quy Tàng quắc lên, - Bộ ngươi có tài vực hai vị tổ sư đó sống lại để tranh đua Vạn mỗ xem thử?

- Đâu có! Đâu có đâu! - Cốc Chẩn cười ầm - Người ta nói: "Nhân tử bất năng phục sanh", hai vị tiền bối qua đời đã quá lâu, nếu luận võ công, chắc chắn là không thể, nhưng luận cái khác, không hẳn là không luận được!

Mọi người nghe mà hoang mang mờ mịt, hoàn toàn không thể hiểu hai người họ đang muốn đi đến đâu? Nhưng Vạn Quy Tàng lại cười khoái trá, lão khoan thai hỏi:
- Luận cái gì đây? Luận Đạo chăng?

Cốc Chẩn vỗ tay, reo lên:
- Đúng thế ... Đúng là Luận Đạo. Không luận võ đạo, mà luận về "Trí tuệ chi đạo"

Cừu Thạch càng nghe càng thấy tức tối, hắn không tự chủ được nữa, hứ lạnh một tiếng, lớn giọng nói:
- "Trí tuệ chi đạo" là cái quái gì, ta thấy ngươi chỉ ăn nói lăng nhăng.

Nhưng Vạn Quy Tàng dường như không nghe câu đó, lão nhíu mày, do dự một lúc lâu, rồi nói:
- Nếu bàn về trí tuệ, tổ sư Tây Côn Lôn toán học thông thần, cổ kim duy nhất có mình người, Vạn mỗ dẫu toán học có hiểu sơ sơ, cũng chẳng dám múa buá trước cửa Lỗ Ban! Tổ sư Tư Cầm đánh đuổi bọn Thát Đát ra khỏi bờ cõi, khôi phục triều đại Hoa hạ, đã xây dựng nên Đế Chi Hạ Đô, tài năng, công đức của người, lưu danh thiên cổ, ta không có duyên sanh đồng thời với người, hận chẳng thể cùng người "Đuổi Hươu", tranh tài "Đoạt chiếm thiên hạ" cùng người. Nhưng nếu luận về thành quả trong Thương Đạo, thu được quyền điều động bọn phú gia dưới trời, ta dám chắc hai vị tổ sư chẳng thể bằng được Vạn mỗ. Trí tuệ ba người ta, ba con đường đi khác nhau, khó thể đem so sánh nhau!

Cốc Chẩn cười bảo:
- Thường nghe câu "Tử Gia Cát năng tẩu sinh Trọng Đạt " (Ông Gia Cát đã chết rồi mà còn làm cho Tư Mã Ý [Trọng Đạt] cụp đuôi bỏ chạy!). Gia Cát Khổng Minh phò Hậu Chủ, sáu lần ra Kỳ Sơn, công trạng chẳng nhỏ! Tư Cầm tiên sinh phò trợ Hồng Vũ (Chu Nguyên Chương), đánh đuổi Thát Lỗ, bình định thiên hạ, dù Khổng Minh tái thế, cũng chưa chắc bằng được! Lão đầu tử ngươi nếu có run sợ tiên sinh, cũng không nên vì thế mà mắc cở!

Vạn Quy Tàng tủm tỉm:
- Chuyện càng lúc càng hay a! Tư Cầm tổ sư có lẽ tài năng hơn hẳn Gia Cát, Vạn Quy Tàng ta nếu đã chẳng thể đấu trí cùng người, sao dám đem so ta thấp hơn Tư Mã Ý được! Thằng ranh kia, lão phu xưa nay chưa hề bị trúng kế khích tướng, ngươi đừng nói năng loanh quanh, luẩn quẩn nữa, đừng ba điều bốn chuyện, có cái gì giấu trong bụng, đem sổ sạch ra cho rồi đi!

- Lão đầu tử anh minh - Cốc Chẩn cười cười - Tư Cầm tiên sinh dù đã qua đời, nhưng người vẫn hãy còn lưu lại một câu hóc búa, dựa vào tài học của tiên sinh, đã gây khó không ít Giống như mười bài toán "Thiên Cơ" hồi trước đã làm từng làm khốn Tây Côn Lôn Lương Tiêu, cái câu đố giấu trong Bát đồ của Tư Cầm tiên sinh, cũng làm khốn khổ biết bao đời đệ tử Tây Thành! Lão đầu tử ngươi nếu giải được cái câu đố đó, trí lực có khi vượt qua được Tư Cầm tổ sư không chừng?

"Gã quậy lão già này một hồi, cuối cùng cũng đã vào đến chính đề", con tim Ôn Đại vụt đập sai một nhịp, bà vừa hiểu ra, chợt cảm giác lòng bàn tay ông Tiên Thái Nô đẫm ướt mồ hôi, bàn tay ông xiết mạnh, xiết chặt hơn vào tay bà!

- "Bát đồ hợp nhất, thiên hạ vô địch" ?- Vạn Quy Tàng lạnh lùng nói - Cái thứ đó, ta biết rõ, to tát mà không thực tế, thứ chuyện xưa tích cũ, coi thì lợi hại, nhưng thật ra vô dụng!

Cốc Chẩn cười, hỏi:
- Biết thời biết vậy, lão liệu giải nổi không?

Vạn Quy Tàng lắc đầu, nói:
- Tổ sư đã có lưu lại lời giáo huấn, người dạy chớ nên hợp nhất bát đồ!

Cốc Chẩn đáp:
- Bát đồ chẳng nên hợp nhất, Thành chủ có thể dùng võ lực để đoạt được mà!

Vạn Quy Tàng ánh mắt thoáng tia băng giá, lão lạnh lùng bảo:
- Tiểu tử, nếu ngươi muốn mau chóng đi đầu thai, lão phu đây sẵn sàng thành toàn cho ngươi tức thì.

Cốc Chẩn cười rộ, nói:
- Lão đầu tử bớt nóng, là ta nói đùa chút chơi ấy mà! - Bỗng gã thò tay vào bọc, lấy ra một quyển trục bằng lụa bạch, thả nó rộng ra, trên mặt tấm lụa có những chữ lớn cỡ đốt ngón tay, tám câu ẩn ngữ của bát đồ, hiện rõ ràng, rất dễ đọc.

Cốc Chẩn cười hì hì, rồi từng chữ từng chữ, gã nói:
- Tây Thành bát đồ, đã hợp nhất xong ở đây rồi. Vạn Quy Tàng, hai ta thử đánh cuộc chơi, lão nghĩ sao?

Tròng mắt Vạn Quy Tàng khẽ lay chuyển, lão vung tay, Cốc Chẩn cảm giác một lực đạo mãnh liệt, quyển trục đã rời tay, nghe tiếng gió vụt một cái, đã thấy nó bị Vạn Quy Tàng nắm chắc trong tay.

Cốc Chẩn khoa tay một cái, dáng vẻ trào lộng, từ tay áo bên trái gã đã đưa ra một quyển trục lụa bạch khác, cười, bảo:
- Lão đầu tử, hãy còn nhiều bản khác nữa đây. Đệ tử Đông Đảo mỗi người giữ một bản, dù lão thần thông cái thế, đừng mong đều chiếm đoạt hết được, có khó khăn đấy!

Chúng nhân lập tức hiểu rõ, hoá ra Cốc Chẩn dám một thân một mình đến đây, nguyên lai gã đã đem sao chép tám câu bí ngữ của bát đồ làm nhiều bản, giao cho đệ tử Đông Đảo, nếu gã bị hại, mấy câu bí ngữ sẽ loan truyền ra tứ xứ, Vạn Quy Tàng mà có không muốn điều đình cũng không xong.

Vạn Quy Tàng cũng đoán đúng ý đồ của Cốc Chẩn, lão biết có giết người trám miệng cũng không được, lão hừ một tiếng, hỏi:
- Ngươi muốn gì?

Cốc Chẩn vui vẻ đáp:
- Ta đã có tính trước rồi, từ thời Tư Cầm tiên sinh đến giờ, Đông Đảo và Tây Thành đã Luận Đạo Diệt Thần mười ba lần, toàn so tài võ công, toàn luận về võ đạo, cái lần hay ho này, nếu cũng diễn ra y hệt như đã làm suốt hai trăm năm nay, chằng nhạt nhẽo lắm sao? Hôm nay Luận Đạo Diệt Thần, vậy hỏi tất cả mọi người, sao mình chẳng luận cái gì khác hơn?

Vạn Quy Tàng hươ trục quyển lụa bạch, lạnh lùng hỏi:
- Vậy luận cái này chăng?

Cốc Chẩn đáp:
- Đúng đó! Bọn mình vậy hãy lấy bát đồ Tây Thành này làm đề mục, dựa theo trí tuệ, xem ai có thể giải câu đố của bát đồ, từ đó tìm ra cái gì chất chứa sau mấy bí ngữ đó!

Vạn Quy Tàng lườm Cốc Chẩn, lạnh lùng bảo:
- Ta việc gì phải đi nghe lời ngươi?

Cốc Chẩn cười, hỏ;
- Lão dám cược không?

Vạn Quy Tàng hỏi:
- Bộ lão phu sợ ngươi à?

Cốc Chẩn đáp:
- Sợ chứ! Lão sợ ghê gớm! Thứ nhất, sợ trí thông minh của ta thắng lão một quắn, giải câu đố trước lão. Thứ nhì, sợ không giải nổi câu đố, sẽ mất mặt trước tổ sư Tây Thành. Thứ ba, sợ đệ tử Đông Đảo ta dựa theo đường lối của câu giải đáp đó mà tìm ra được món thần khí của Tây Côn Lôn.

Vạn Quy Tàng lặng yên nghe gã nói, ánh mắt xoay chuyển, bất định. Được một lúc, lão bỗng cất tiếng cười rộ:
- Ta vốn chẳng thèm để tâm cái trò khích tướng của ngươi, nhưng để ngươi không uổng cái công đã từng theo học ta một thời gian, ngoài tiểu tử nhà ngươi, trên thế gian này sợ chẳng còn ai khác rành biết nổi tâm tư lão phu cả!

Cốc Chẩn vui vẻ đáp:
- Đúng vậy! Lão đầu tử ngươi ưa thích có ba cái "hiếu" (ham): cái thứ nhất, là hiếu kỳ, gặp chuyện gì không rõ, tất phải truy cho ra lẽ. Thứ nhì, là hiếu thắng, gì gì cũng phải đứng trên đầu trên cổ người khác, thứ ba là hiếu đổ (ham cá cược), mà cái đó là thiên tính của thương nhân, lão gặp cá cược dẫu thủ đoạn cao cường đến đâu, cũng không sao làm ngơ cho được.

Vạn Quy Tàng hỏi:
- Nói như vậy, ta không thể thoái thác chuyến cá cược này với ngươi?

Cốc Chẩn tiếu đáp:
- Nói nghe tức cười quá! Tiểu tử ta tài đâu, đức đâu mà dám uy bức túc hạ?

Vạn Quy Tàng hừ lạnh một tiếng, hỏi:
- Đánh cược được cái gì?

Cốc Chẩn đáp:
- Nếu ta thua, Đông Đảo sẽ thần phục lão, muốn đánh, muốn giết, tuỳ lão!

Vạn Quy Tàng do dự một hồi, rồi chậm rãi nói:
- Được Nếu ta thua, từ giờ trở đi, sẽ rời khỏi giang hồ.

Cốc Chẩn cười vang:
- Nhất ngôn vi định.

Vạn Quy Tàng hỏi:
- Nhưng lấy cái gì đảm bảo tám bí ngữ đó của bát đồ là chân thực?

Cốc Chẩn đáp:
- Bí ngữ của Thiên bộ, lão đã nắm từ lâu. Của Hỏa, Thuỷ, Sơn, Trạch bốn bộ, do Ninh Bất Không nắm, lão cứ đi tham khảo lại với hắn là xong. Phong, Lôi , Địa ... ba bộ đó, các hoạ tượng đều đã ra tro, chuyện chân, giả ... cái này thiệt khó có chứng từ!

Vạn Quy Tàng gay gắt:
- Nếu có giả trá thì sao?

Cốc Chẩn đáp:
- Là ta bị thua!

Vạn Quy Tàng dòm vào không trung, giọng lạnh băng:
- Đó là lời quả quyết của Cốc Chẩn nhà ngươi?

- Chẳng phải! Chẳng phải của Cốc Chẩn! - Cốc Chẩn nhẹ một nét cười trên môi - Đó là những cam kết của chúa đảo Đông Đảo.

- Tốt lắm! - Vạn Quy Tàng chìa tay ra. Cốc Chẩn cũng chià tay ra, hai người vỗ song chưởng vào nhau.
Hết hồi 63
- Gượm đã - Ôn Đại bỗng dưng lớn tiếng nói - Vạn Quy Tàng, ngươi là đánh cuộc cho ngươi, đệ tử Tây Thành chưa chắc đều phải nghe theo lời ngươi.

Vạn Quy Tàng nhạt giọng hỏi:
- Ngươi nói vậy nghĩa là sao?

Ôn Đại đáp:
- Ngươi đánh cuộc cùng Đông Đảo, bọn ta cũng đánh cuộc cùng ngươi, cũng dựa vào câu đó đó của bát đồ.

Vạn Quy Tàng cười, hỏi lại:
- Đánh cuộc như thế nào?

Ôn Đại đáp:
- Lúc Tây Côn Lôn rời Trung thổ, có đeo theo thanh "Thiên Phạt" kiếm bên mình. Khi Tư Cầm tổ sư từ ngoài đảo trở về lại Trung thổ, không có đem kiếm về theo. Do sự kiện đó, hiển nhiên thanh "Thiên Phạt" kiếm vẫn còn dính líu vào việc bí ẩn này. Cùng vụ này, người nào có thể tìm và mang về thanh kiếm đó, ta sẽ tôn làm chủ cả Tây Thành. Vạn Quy Tàng, ngươi dám đánh cuộc hay không?

Vạn Quy Tàng vui vẻ nói:
- Gì mà không dám? Ngoài ngươi ra, mấy người kia thì sao?

Ôn Đại đáp:
- Nếu ngươi có thể tìm lại di tích của tổ sư, đem trở về được thanh Thiên Phạt thần kiếm, sẽ không ai còn dám dị nghị ngươi một tiếng nữa!

Vạn Quy Tàng gật đầu, bảo:
- Lời đó có lý! Được rồi, Vạn mỗ cũng sẵn dịp rộng lượng một chút, phàm là đệ tử Tây Thành, đều có thể tham dự đánh cuộc, ai mà có thể mang thanh kiếm "Thiên Phạt" về, Vạn mỗ sẽ tôn làm chủ.

Ôn Đại vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, buột miệng hỏi:
- Lời nói đó chính đính?

Vạn Quy Tàng đã có ý quyết lòng thu phục nhân tâm Tây Thành, lão cả tiếng đáp:
- Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy!

Cừu Thạch chẳng nhịn được, nói:
- Thành chủ phần thắng nắm trong tay, cần gì đi đấu cái gọi là trí tuệ với bọn chúng? Giết sạch bách cả lũ, chẳng hay hơn sao?

Vạn Quy Tàng cười cười:
- Thâm ý cuộc đấu này, ngươi có thể thật sự hiểu được sao?

Cừu Thạch lộ vẻ ngớ ngẩn, Ninh Bất Không cụp mi mắt nghiền ngẫm, bỗng lão kêu lên:
- Thành chủ diệu toán, Ninh mỗ bạo gan nói càn hai câu: Vì điều lệ Tây Thành do Tư Cầm tổ sư lập nên, cái câu đố bát đồ cũng do Tư Cầm tổ sư tạo ra, Thành chủ nếu có thể phá giải cái câu đố bát đồ đó, chẳng phải cũng cao minh ngang Tư Cầm tổ sư sao? Do chỗ Thành chủ cao minh sánh tày Tư Cầm tổ sư, cái Thành quy của Tư Cầm tổ sư thảo ra đó, cũng tự nó không đáng để ràng buộc nữa.

Chúng nhân nghe lão bàn bỗng hiểu ra. Cừu Thạch cũng theo mọi người, gật đầu lia liạ. Vạn Quy Tàng chẳng tỏ vẻ muốn có ý kiến, lão cười cười, quay người, cười lanh lảnh:
- Cái vụ cá cược này thiệt là thống khoái, đã đấu trí dũng, còn cộng thêm phần tỉ thí vận khí, tung hoành thất hải, chẳng là sướng khoái lắm ru?

Nói xong, lão buông một tràng cười to vọng thấu trời xanh, rồi phất áo bỏ đi. Hai bộ Thuỷ, Hoả bám theo sau, chỉ mỗi mình Ninh Ngưng đứng yên bất động.

Ninh Bất Không hỏi:
- Ngưng nhi, sao còn chưa đi theo ta?

Ninh Ngưng đầu lắc lư, khẽ đáp:
- Gia gia, Vạn Thành chủ có nói đó, phàm là đệ tử Tây Thành, ai cũng có quyền tham dự đánh cuộc. Con cũng muốn tham gia.

Ninh Bất Không sững sờ, bỗng chẳng nói năng gì, lão quay phắt người bỏ đi. Sa Thiên Hằng cười nhạt, nói:
- Ninh sư đệ, lệnh ái hùng tâm chẳng nhỏ a!

Ninh Bất Không lạnh lùng đáp:
- Tuổi trẻ máu nóng thôi!

Sa Thiên Hằng cười nhạt, đáp:
- Theo ta thấy, tâm khí sư đệ cũng chẳng kém bọn trẻ mấy, người ta thường bảo, kẻ sĩ cứng cỏi, về già, tráng tâm cũng không dứt. Ninh sư đệ dù mù cả hai mắt, có khi cũng có ý nhắm nhía ngôi Thành chủ?

Hắn trước kia dựa vào Ninh Bất Không, luôn luôn ngoan ngoãn vâng lời lão, bây giờ được phong làm chủ bộ Trạch bộ, lập tức trở mặt, giọng điệu cứng cỏi, ra chiều bằng vai bằng vế với Ninh Bất Không.

Thực ra lúc để Ninh Ngưng ở lại, Ninh Bất Không cũng có ý đồ đó, bỗng nhiên bị Sa Thiên Hằng vạch rõ ra, mặt lão đỏ ửng tận mang tai, lão bực tức thét:
- Sa sư huynh, câu đó huynh nói ra ý tứ là sao? Ninh mỗ đối Thành chủ tuyệt không ăn ở hai lòng.

Sa Thiên Hằng âm hiểm cười, đáp
- Ninh sư đệ thì chẳng hai lòng đâu, chẳng phải lệnh ái vừa nói rõ ra đấy sao, lão tử không làm Thành chủ, để con gái làm thì cũng một giuộc!

Ninh Bất Không nóng mày nóng mặt, lão bíu chặt vào cây gậy trúc, bực tức hừ lên, nói:
- Sa Thiên Hằng, lão phu không đồng kiến thức tầm thường như huynh, phàm là đệ tử Tây Thành, ai cũng tham gia được hết, đó là nguyên văn lời Thành chủ tuyên bố.

Sa Thiên Hằng cười, không đáp, tăng cước bộ, đi sát vào đàng sau Vạn Quy Tàng. Cừu Thạch cũng quày đầu dòm Ninh Bất Không, cười nhạt.

Ninh Bất Không đứng thẫn thờ một lúc, rồi dộng cây gậy trúc, lão tiến bước về phía thuyền của oa khấu.

- Gia gia ...- Ninh Ngưng chẳng dằn được, kêu lên.

Ninh Bất Không cũng chẳng ngoái lại, bóng dáng lão khuất dần, nhoà vào hình dạng đàng sau thân thuyền.

Tròng mắt đẫm lệ nóng, rồi hai dòng nước mắt đổ ập xuống, qua làn nước mắt nhạt nhoà, Ninh Ngưng nhìn những cánh buồm trắng đi mỗi lúc một xa dần, cuối cùng, chúng biến mất hẳn!

Thương Hải
Tác giả : Phượng Ca

Tập 30: Bát đồ hợp nhất.
Mở đầu - Hồi 64: Bi minh (Bài văn khắc trên bia)- ngày 29/09.

Người dịch: livan
Nguồn 4vn.eu - http://4vn.eu/forum/index.php

Diêu Tình chỉ cảm thấy thân thể nhẹ đi nhiều, nàng cảm giác thân mình tựa một tấm lá khô đang bị gió thổi, bay nổi trôi vật vờ, không sao đáp xuống mặt đất. Bốn bề không gian mù sương vây kín, không nghe một tiếng động, không nhìn thấy rõ nét bất cứ gì.

"Mình sao rồi? Mình đang ở đâu?", các ý niệm đó không ngừng lặp đi lặp lại trong đầu, mà nàng không tìm đâu ra sức lực để nghĩ câu trả lời. Từ thuở khôn lớn đến giờ, đây là lần đầu nàng cảm giác thân thể vô lực như vầy, những ý niệm lạnh như giá băng cứ nhấm nhẳn trong lòng, buồng phổi phập phồng khi đứt khi nối, nhưng vẫn còn duy trì một làn hơi ấm mỏng mảnh như tơ.

Nhưng rồi làn hơi ấm áp đó mỗi lúc một lớn, nó dần dần tăng khối lượng, bên tai nàng nghe xì xào tiếng người, vo ve tựa tiếng ong bay. Diêu Tình định lắng tai nghe, ý niệm đó vừa nảy sinh, nàng đang tính xốc tinh thần lên, một cảm giác mệt mỏi đã ào ào tới như nước triều dâng, trong chớp mắt, nó đã ngập tràn toàn cơ thể! Nàng gắng gượng, nhưng vô ích, chúng vụt làm nàng mê man, rồi nàng ngủ vùi.

Giữa giấc ngủ vùi xảy đến vô tri vô giác đó, đột nhiên, con tim chợt rộ một nhịp mạnh, khiến nàng hốt hoảng thức giấc, rồi lúc thần trí dần dần rõ nét, lúc cảm giác thân thể đã gom được đôi chút khí lực, nàng chầm chậm mở mắt.

Từ lò sưởi nóng đặt đâu đó, nàng đang ở giữa một căn phòng sưởi ấm, màn trướng chăng tầng tầng lớp lớp những dải lụa mỏng trắng tinh, xuyên qua đấy, nàng cơ hồ nhận ra đốm lửa của một ngọn đèn đơn độc, đang êm ả toả vầng sáng nhu hoà.

Trong đầu nàng, từng chút từng chút một, ký ức thật nhanh và thật dịu dàng đang quay trở lại, chúng dừng nàng lại giữa một khoảnh vườn, hoa nở ngập trời. "Thực sự là ta đó sao?", Diêu Tình nằm gọn giữa vùng hoa thơm ngát đó, nàng bất chợt cảm giác ngây dại.

Có tiếng những chùm châu ngọc treo cạnh màn trướng lanh canh chạm vào nhau, âm thanh êm ả, đánh thức nàng ra khỏi vùng ký ức đó. Vầng sáng trước mắt chợt gia tăng , nàng nhanh chóng khép mi mắt, vầng sáng đó khẽ lay động, Diêu Tình hầu như có thể cảm giác được đang có hai ánh mắt nồng nàn tiến gần lại, tập trung chăm chú lên khuôn mặt nàng.

Nước thuốc đậm đặc lọt vào miệng, đăng đắng, chan chát pha một thoáng ngòn ngọt. Diêu Tình há to miệng nuốt sâm thang đó, nó vừa vào đến bụng, từ đan điền chợt bốc lên một cỗ kình khí âm ấm, chân khí vận chuyển một vòng toàn thân, từng chập, từng chập, cơ thể nàng dần dà được hâm nóng lên.

Bỗng nàng cảm giác gò má trái hơi ươn ướt, nước mắt đó theo khuôn mặt chảy xuống, rồi ròng ròng đổ ướt đẫm mặt trên cái gối.

Diêu Tình chẳng dằn được ý nghĩ: "Sao mình lại đã vì gã mà xuất ra "Tam Sinh quả" vậy? Mình khùng rồi sao? Tất cả chỉ cho một gã ngốc?". Bỗng chẳng hiểu vì đâu, thâm tâm nàng chợt cảm giác một nỗi ngượng ngùng cực lớn không tên, khiến nàng, suốt buổi, trong vầng ánh sáng mông lung đó, không hiểu vì sao đã chẳng dám mở mắt ra lấy một tích tắc.

Trước mắt tối lại, trướng màn được hạ xuống, nàng chỉ nghe giọng một người hỏi:
- Cô ấy vẫn chưa tỉnh lại à?

Đúng là giọng Cốc Chẩn .

Ngập ngừng một chút, Lục Tiệm buồn rầu đáp:
- Chẳng một động tĩnh gì hết! Mê man đã ba ngày nay! Địa Mẫu nương nương bảo cô ấy là đã phải tỉnh dậy rồi!

Giọng đến ngang đó, cổ họng chợt tắc nghẹn, không sao nói tiếp được.

Diêu Tình trong lòng lạ lẫm, "Mình vừa chỉ chợp mắt một cái, vậy mà đã quá ba ngày rồi!"

Cốc Chẩn rầu rĩ:
- Địa Mẫu có nói, trước mắt duy nhất nhân sâm hạng thật tốt mới duy trì tính mạng được! Trên đảo tuy cũng có nhân sâm, nhưng ít củ loại thượng phẩm, ta đã cử người đi Trung thổ kiếm loại nhân sâm ngàn năm, sớm lắm thì ngày mai mới có được!

Sau một lúc tĩnh lặng, bỗng Lục Tiệm hỏi:
- Sâm ngàn năm liệu có thể cứu?

Cốc Chẩn đáp:
- Thì cũng phải cố thử vậy thôi!

Nói xong, hai người lại im lặng. Trong không khí, ẩn ước một ý vị vi diệu, rồi màn lụa mềm khẽ khua động, thoáng rực hồng màu mành cửa sổ. Nghe két một tiếng, hai cánh cửa sổ đã rộng mở, không khí ẩm thấp bên ngoài tràn vào phòng.

Bỗng Cốc Chẩn chậm rãi hỏi:
- Lục Tiệm, huynh thực tình không chịu đi à?

Lục Tiệm đáp:
- Ta không đi được! A Tình bộ dạng như vầy, ta đi đâu cho được!

Cốc Chẩn bảo:
- Lần này ta đánh cuộc cùng Vạn Quy Tàng, có quan hệ tới vận số của cả Đông Đảo lẫn Tây Thành. Tiếng là đấu trí , khẩn yếu hàng đầu, nếu cần võ lực, trên đời này, lúc này, ngoài huynh ra, còn ai đủ sức chống chọi Vạn Quy Tàng? Huynh không đi, cái vụ Luận Đạo Diệt Thần này, ta thua là cái chắc!

Diêu Tình bỗng thấy rúng động trong lòng, nàng chẳng dằn được, giỏng tai lên nghe.

Lục Tiệm thở một hơi thật dài, giọng trầm trọng:
- Ta mà đủ sức chống chọi Vạn Quy Tàng, A Tình đâu đã ra hình dạng như vầy? Ta .. Ta thực là một đứa tối vô ích trên cõi đời này!

Cốc Chẩn nói:
- Đại ca, tình yêu của huynh với Diêu cô nương, trời đất rồi sẽ chứng giám. Nhưng cái vụ cá cược này, nếu để cho Vạn Quy Tàng kiếm ra được con "Tiềm Long" đó, lão có thể dùng nó thay đổi cả một triều đại, dựa vào cái uy lực gì gì đó, không biết bao nhiêu con dân sẽ mất mạng vì nó!

Lục Tiệm hỏi:
- Đã biết vậy, sao ngươi còn đi cá cược với lão?

Cốc Chẩn đáp:
- Vạn Quy Tàng dã tâm cao quá, nếu không đem câu đố của bát đồ làm cá cược, còn gì khác có thể chuyển đổi được chủ ý lão?

Lục Tiệm hỏi:
- Cá cược như vậy sao? Lão có võ công cùng mưu trí cao cường, chuyện lão thủ thắng chỉ là sớm hay muộn thôi!

Cốc Chẩn cơ hồ hơi bực:
- Huynh nói thế, đúng là đã xem trọng, đề cao người khác quá sức! Vạn Quy Tàng không có sự giúp đỡ cuả Mạc Ất, chưa chắc đã phá giải được câu đố của bí ngữ trong bát đồ, từ đó tìm ra được năm cái đầu mối. Chỉ cần lão một ngày chưa tìm ra được đầu mối, phần thắng ngả về phe mình nhiều hơn!

- Cốc Chẩn, ta xin lỗi! - Lục Tiệm ngập ngừng giây lát, rồi nói - Bộ dạng A Tình như vầy, ta làm sao bỏ cô ấy lại một mình ở đây. Cô còn thở ngày nào, ngày đó ta còn kề cận cạnh cô để thăm nom cô. Nếu rủi cô ấy chết đi, ta ... ta ...

Nói ngang đấy, cổ họng gã dường nghẹn lại, gã không sao nói hết được cả câu!
--- còn tiếp ---

Tập 30: Bát đồ hợp nhất.
Hồi 64: Bi minh - ngày 01/10.

Người dịch: livan
Nguồn 4vn.eu - http://4vn.eu/forum/index.php

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Cốc Chẩn trầm ngâm một hồi lâu, rồi bỗng gã buồn rầu nói:
- Lục Tiệm, lẽ ra ta không nên ép huynh!

Gã nói xong, nàng nghe có tiếng kẹt cửa, rồi tiếng bước chân đi mỗi lúc một xa dần.

Trong phòng yên ắng một lúc, chợt nghe có tiếng nghẹn ngào, Lục Tiệm vừa nức nở vưà nói:
- Cốc Chẩn, ta xin lỗi! Ta xin lỗi ngươi, ta đúng là một kẻ tối vô dụng trên cõi đời này!

Diêu Tình nghĩ thầm: "Hèn chi Vạn Quy Tàng không giết gã, tiểu tử này thiệt không có một chút đấu chí nào hết!" Nàng nghĩ vậy, trong lòng phát bực tức,bỗng khẽ rên. Vụt nghe tiếng xao động, Lục Tiệm nhào ra khỏi ghế, hết sức phấn chấn:
- A Tình, cô tỉnh lại rồi đấy ư?

Diêu Tình thấy gã vừa mừng rỡ vừa sợ sệt, lòng mềm lại, nàng vui vẻ nói:
- Tỉnh rồi! Có hơi đói bụng!

Lục Tiệm nghe nàng nói, thần thái thanh thản, giọng rõ ràng, gã cuống cuồng lên vì mừng! Gã nói:
- Được thôi! Để tôi đi lấy cơm nuớc về cho cô!

Diêu Tình bảo:
- Ta không ăn cơm, ta chỉ muốn cháo gà.

Lục Tiệm vui vẻ nói:
- Cái đó đâu có khó gì! Để đi bảo nhà bếp nấu cho.

Diêu Tình lắc đầu;
- Ta không muốn người khác hầu cơm. Ta chỉ muốn ngươi đút cháo cho ta thôi.

Đừng nói làm món cháo gà, nếu nàng đòi Lục Tiệm mò trăng đáy nước, đòi gã leo cây bắt cá, gã ngố đó cũng ào ào đi liền tức thì. Gã không nói gì thêm nữa, xoay người đi ra ngoài.

Diêu Tình kêu gã dừng bước, rồi nàng bảo:
- Ta không muốn gặp bất cứ ai, chỉ muốn một mình yên tĩnh trong phòng đây, ngươi đừng gọi ai đến hầu hạ ta! Ngay cả đến bên ngoài phòng, cũng tuyệt đối không cho ai lai vãng!

Lục Tiệm vẻ mặt hơi khó khăn, nhưng nghĩ nàng còn sống chẳng đuợc bao lăm, lúc này, mỗi yêu cầu, mỗi ước muốn của nàng, gã đều không mảy may muốn khước từ! Gã chỉ nhẹ gật đầu, rồi lẳng lặng mở cửa bước đi.

Diêu Tình chờ gã đi thật xa, nàng vận sức vào tay, gắng gượng ngồi dậy. Rồi nương tựa vào thành giường, vào màn trướng chăng quanh giường, nàng lần bước đến trước bàn trang điểm, nơi có gắn tấm kính tròn như mặt nguyệt, phản chiếu ánh sáng dìu dịu. Gương mặt nàng hiện ra, ngũ quan tuy vẫn hoàn hảo, nhưng sắc mặt y hệt đào hát phường trò sau khi đã lau sạch phấn son, một mầu xám xịt thê thảm, không phải dung nhan nơi chốn thế gian này!

Diêu Tình lấy một thỏi mực đỏ , xoa lên má, rồi viền viền đôi môi, khi nhìn trở lại vào gương, mặt người trong đó đã giảm bớt phần nào thê lương, đã có thêm vài nét kiều mị dễ nhìn, nhưng xem kỹ, cũng không ra hình dáng người sống!

Diêu Tình chùi hết son trên mặt, rồi nàng thở dài, đưa tay nhặt từ mặt bàn lên một cây kim gài tóc, nàng ướm nhẹ nó vào nơi cổ. Đầu mũi kim nhọn châm vào, có hơi lành lạnh, đau đau. Nàng bỗng nói:
- Đổ máu xuống sàn vài vũng, cái chết đó xem chừng thật khó coi! Mình dù có muốn gã thấy mình chết trên giường, cũng không thể để gã chứng kiến cái chết máu me, đầm đìa như vậy!

Nàng lập tức nhúng ướt thỏi son, viết lên mặt bàn: "Lục Tiệm, ta đi rồi, ngươi ráng sống cho vui khỏe, đừng chịu thua Vạn Quy Tàng!"

Viết đến đấy, nàng cảm thấy trong lòng còn ngàn vạn lời muốn nói, điều đó làm ngay chính nàng giật mình. Nàng chưa khi nào nghĩ đến có nhiều điều cần nói với Lục Tiệm, chuyện to lớn trọng đại còn chưa làm được gì, có nâú cho gã một bữa ăn, có lo cho gã một chỗ ngủ, toàn vì có âm mưu tính toán đàng sau, đối xử gã khi ấm khi lạnh! Giờ đây nàng bỏ gã, vĩnh viễn ra đi, để gã trơ trọi lênh đênh cơ khổ trên thế gian này, nghĩ đến, đúng là làm cho người ta thật không nỡ!

Diêu Tình đôi mắt bắt đầu mờ mịt, nàng bậm môi, vin vào mặt bàn, đứng dậy. Thuốc sâm thang giúp cơ thể nàng ấm lên, cũng đem lại sức lực cho đôi chân. Nàng gượng trấn tĩnh tinh thần, mở cửa đi ra ngoài, rồi men theo bức tường quét vôi trắng, nàng chầm chậm lần bước.

Lục Tiệm quả nhiên vâng lời, bên ngoài không một bóng người, tĩnh lặng lạ thường. Nàng nghe thoang thoảng mùi hương của hoa cỏ theo gió lan đến, làn gió đưa theo cả tiếng sóng vỗ bờ rì rầm từ xa, nho nhỏ vọng về. Diêu Tình một thoáng ớn lạnh, nàng lắng tai nghe ngóng một lúc lâu, rồi nàng nhắm phiá tiếng sóng biển thong thả tiến bước.

Căn phòng nằm ở khoảnh đất trên khu đồi cao của đảo Linh Ngao, đi qua một khung cửa nhỏ sơn son đỏ chót, xuống những bậc thang đẽo vào đá xanh, đường đó dẫn thẳng ra bờ biển. Đi được chừng hơn ba trăm bước, Diêu Tình đặt chân xuống bậc thang cuối cùng, nơi phía trước, tiếng sóng vỗ bờ đá nghe mỗi lúc một rõ dần, gió biển mỗi lúc một mạnh, đang dần dà hút bớt đi nồng ấm thân nhiệt của nàng. Đôi chân trở thành kiệt lực, nàng lo sợ, rủi gặp phải ai đó, sẽ uổng phí bao công trình nàng dò dẫm đến được nơi đây. Nàng bèn ẩn vào một bên đường, nấp mình phía sau một hốc núi, vách đá lạnh tựa băng giá, từng chút từng chút một, đã rút tỉa đi hơi ấm còn sót lại trong thân thể nàng.

Chẳng lẽ đâm đầu xuống biển tìm cái chết mà cũng không xong à? Lòng Diêu Tình chợt rộ một nỗi buồn man mác, nàng định đứng lên, nhưng đôi chân không còn một chút khí lực, nàng dường như người đã chết rồi! Ừ ... cũng được đi, chết xong, không còn khiến gã phải lo lắng nữa! Ồ ...cái đó đúng là tâm ma đây mà, mình, một đứa con gái ngon lành, cớ sao để ý đến gã làm chi? Lúc gặp mặt thì toàn là buồn bực gã, là ghét giận gã, vậy mà những khi xa gã, nằm mơ chỉ mong mỏi hội ngộ! Giờ như vầy mà tốt, người chết đi, tình cảm cũng tan biến theo, hồn phách thôi theo hành hạ, làm khổ sở gã nữa. Ta, Diêu Tình, cũng thuộc hàng cứng cỏi trong đám nữ lưu, chuyện gì ra làm tuyệt không bê bối, nhưng nếu đã chẳng giúp rập gì được cho gã, thì ta cũng không để lụy cho gã. Nghĩ đến đấy, chân đã có thể đứng dậy, nhưng bây giờ, nàng không sao đủ sức để ngồi xuống trở lại. Nàng đưa mắt trông ra ngoài khơi xa xăm, nước biển một mầu đen kịt tĩnh lặng, trông nó hệt một con mắt cực to lớn, đang chăm chú dõi nhìn tất cả các tinh tú trên trời. Ánh sao phản chiếu lung linh xuống mặt nước, theo lăn tăn của các đợt sóng, ẩn hiện như có như không.

Mẹ đã có lần nói, mỗi khi một tinh tú nhấp nháy chớp sáng rồi tắt ngấm, là có một linh hồn vừa ra đi.

Diêu Tình mơ màng nghĩ, không biết ông sao thủ mệnh mình đang nằm tại góc nào, khi nào thì nó mới chớp lóe đây? Gương mặt thắm nét hoan hỉ của mẹ nàng hiện ra, dáng diễm lệ đó, giọng nói êm ru đó của mẹ như còn văng vẳng bên tai, lòng Diêu Tình thoáng một rúng động: "Mẹ à, mẹ có biết con sắp gặp lại mẹ đây không? Không lâu nữa đâu, Tình Nhi của mẹ thể nào cũng sẽ về với mẹ!"

Gió biển rì rào, chợt đưa đến tiếng người nói chuyện.

Diêu Tình nhận ra tiếng Cốc Chẩn, thêm một giọng nữ tử, rắn rỏi, không ủy mị, đích thực của Thi Diệu Diệu. Hai người nói chuyện một hồi, toàn là chuyện tang ma hiếu hỉ của người Đông Đảo, bàn ra tán vào, đàm thoại một thôi một hồi.

Bỗng Thi Diệu Diệu hỏi:
- Khi nào thì lên đường?

Cốc Chẩn đáp:
- Cũng chưa quyết định được, thứ nhất, ta chưa hoàn toàn thông tỏ lời giải của câu đố, thứ nhì, Lục Tiệm không khứng đi theo. Huynh ấy không đi cùng, ta chẳng có lấy một chút hy vọng thắng cuộc!

Thi Diệu Diệu hỏi:
- Phong Quân hầu, Lôi Đế tử, Tiên Bích cô nương chẳng phải đều đồng hành cả sao?

Cốc Chẩn trả lời:
- Bọn họ, ai cũng có sở trường riêng, nhưng chẳng thể chọi với Vạn Quy Tàng? Bằng vào vụ Lục Tiệm từng bị Vạn Quy Tàng ráo riết truy lùng cả mấy ngàn dặm, dưới trời này, chỉ mình huynh ấy có thể đương cự lão ta.

Thi Diệu Diệu buồn bã nhẹ thở ra, nàng nói:
- Cốc Chẩn, chẳng hiểu sao, bỗng dưng muội thấy ơn ớn lạnh!

Cốc Chẩn cười khe khẽ, bảo:
- Mau xích vào đây để ta ôm đi nào!

Thi Diệu Diệu hừm nhẹ một tiếng, rồi nghe có tiếng ậm ự, tựa hồ đôi môi nàng đang bị vật gì chặn nghẹn.

Con tim Diêu Tình bỗng đập mạnh, miệng lưỡi nàng vô cớ như phát nhiệt, nàng lại sợ hơi thở quá dồn dập, bị người ta nghe được, ráng dằn nhịn thật khốn khổ. Đúng lúc đó từ một ghềnh đá xa truyền lại tiếng khóc nho nhỏ.

Diêu Tình nghe khóc hoảng hồn, đôi tình nhân đang thân mật cũng thất kinh hồn vía. Cốc Chẩn quát to:
- Là ai đó?

Thi Diệu Diệu nói:
- À ... là Bình Nhi!

Một thân hình thanh tú vụt đứng lên từ nơi ghềnh đá, tính bỏ chạy.

Cốc Chẩn xuất một đạo Chu Lưu Phong kính, thân ảnh gã bay nhanh tới. Chặn cấp tốc nơi trước mặt kẻ đó, hai mắt chiếu sáng rực, gã buột miệng hỏi:
- Bình Nhi, tâm bịnh của muội khỏi hẳn rồi sao?

Lúc này, Thi Diệu Diệu cũng đã kịp đến nơi, nghe câu hỏi, nàng vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, ôm choàng vào hai vai Cốc Bình Nhi. Nàng xoay mặt cô ra ánh trăng săm soi. Hai mắt Cốc Bình Nhi đã đầm đìa lệ, rồi nước mắt cô rơi xuống như mưa.

Thấy đồng tử cô tinh tường, thần thái sáng suốt, không còn một chút nào dáng vẻ mê muội của quá khứ, Thi Diệu Diệu chẳng khỏi lấy làm lạ, nàng hỏi:
- Bình Nhi, muội đúng là đã khỏi hẳn rồi đấy chứ? Khỏi từ hồi nào vậy?

Cốc Bình Nhi nước mắt không ngừng tuôn trào, cô khóc nấc lên, kêu: "Diệu tỉ tỉ", rồi giụi đầu vào lòng Thi Diệu Diệu, cô sụt sùi.

Thi Diệu Diệu thở ra, dỗ dành:
- Bình Nhi ngoan, Bình Nhi giỏi, muội uất ức chuyện gì, hãy nói cho tỉ tỉ nghe đi!

Từ xa, nghe, nhìn toàn bộ quang cảnh, Diêu Tình chẳng dằn được, nàng tự nhủ: "Thiệt tình mình đã không lầm mà! Cái con nhỏ tiểu hồ li tinh này rõ ràng giả điên. Thi cô nương có ơn cứu mạng mình, sớm biết nó giả trang như vậy, lúc ở trên thuyền, mình đã thanh toán nó phứt cho rồi, dẹp giùm cô ta một kình địch!"

Chỉ nghe Bình Nhi khóc thêm một chặp nữa, rồi cô bỗng sụt sùi:
- Diệu Diệu tỉ, em lưà gạt, làm bậy viới tỉ tỉ, lại còn tệ hại với ca ca!

Thi Diệu Diệu gượng cười, bảo:
- Chuyện quá khứ, qua rồi, còn nhắc lại làm chi? Chỉ cần muội dứt hẳn tâm bệnh, là tỉ tỉ mừng!

Cốc Bình Nhi lại khóc oà, nói:
- Diệu Diệu tỉ, tỉ ... tỉ xử tốt với em hoài, em làm sao sống cho được!

Thi Diệu Diệu bực mình, nạt:
- Phì ... phì ... đừng nói gở nè!

Cốc Bình Nhi nói:
- Thực ra, em đã khỏi từ lâu, hồi ở Đắc Nhất sơn trang, bà Thương a di đối xử em thiệt là tốt vậy đó, em ở cạnh bà, thấy còn thân thiết hơn lúc em ở với mẹ em, mỗi ngày một ít, chuyện quá khứ dần dần trở về trong óc, nhưng mà ... nhưng mà, lúc quá khứ trở lại, thấy chẳng thà mất trí còn hay hơn. Nhớ đến chuyện mẹ và em đặt điều ra những vụ việc, trái tim em, thiệt giống như bị dùi đục vậy đó, em chỉ muốn chạy đi một nơi nào lánh xa mọi người, để không bao giờ gặp lại mọi người nữa. Nhưng càng nghĩ vậy, em càng nhớ mẹ, em càng nhớ bố, em càng nhớ ca ca, đêm nào em cũng nằm mơ thấy mình đã trở về Linh ngao đảo, em mơ lại được nghe tiếng gió hú từ Phong Huyệt, thiệt đau xé trong lòng quá sức. Em đã định suốt đời này sẽ cứ giả điên như vậy, nhưng bữa đó, nghe Lục Tiệm đại ca nói về vụ Luận Đạo diệt thần, về Đông Đảo đang gặp nguy cấp, em nghĩ bụng, em là đệ tử Đông Đảo, tuy chẳng giỏi giắn gì, nhưng lúc Đông Đảo gặp khó khăn, cũng có thể sánh vai cùng chết với ca ca và tỉ tỉ. Em bèn gạt Thương a di, bỏ trốn khỏi Đắc Nhất sơn trang, lẻn lên thuyền Địa bộ. Em cứ giả điên như vậy, lập tâm lừa gạt mọi người, vì không còn mặt mũi nào nhìn mọi người. Lại sợ bị phát hiện, sẽ bị đuổi đi xa lắc. Nhưng vừa rồi ... vừa rồi thấy hai người thân mật với nhau, lòng em đau khổ quá, không nhịn được, em đã buột miệng khóc oà! Diệu Diệu tỉ, em thiệt ngốc nghếch quá, phải vậy không?

Thi Diệu Diệu nghe cô kể lể, nàng chua xót trong tim, khi nhìn vẻ kiều diễm của Cốc Bình Nhi, nàng phát sinh thương hại, nàng bèn ôm cô vào lòng, dịu dàng bảo:
- Bình Nhi, nếu muội thật sự không muốn xa lìa ta và Cốc Chẩn, muội cứ ở kề cận bọn ta là xong!

Cốc Bình Nhi nghe thế trong lòng run run, cô len lén liếc nhìn Cốc Chẩn, thấy đôi mắt gã trợn to, đầy vẻ nghi ngờ, đầu óc Cốc Bình Nhi vụt nghĩ một ý đồ, cô vội nói:
- Diệu Diệu tỉ, thiệt vậy sao? Tỉ không giận em à?

Thi Diệu Diệu gượng cười, bảo:
- Lúc hay biết sự thật, ta oán trách phu nhân, nhưng chẳng hiểu tại sao, ta không hề oán hận gì muội hết. Bình Nhi, từ giờ trở đi, mình sẽ sống khắng khít bên nhau, đừng xa nhau nữa!

Cốc Chẩn nghe mà hoảng, gã định nói nhưng lưỡng lự, bỗng thấy Bình Nhi len lén dòm gã, ánh mắt thoáng một tia giảo quyệt. Cốc Chẩn không sao dằn được, gã nhướng mày thật đậm.

Diêu Tình nghe toàn thể câu chuyện, nàng suy nghĩ: "Thi cô nương đúng là người vô tư, chẳng hề tính toán ăn người, sao lại bị mắc mưu con tiểu hồ li tinh này! Cốc Chẩn hỡi Cốc Chẩn, rồi ra ngươi sẽ nhức đầu to đấy! Nghĩ đến tình cảnh bất hạnh tương lai của Cốc Chẩn, trong lòng nàng vụt thấy khoái trá!
--- còn tiếp ---

Tập 30: Bát đồ hợp nhất.
Hồi 64: Bi minh - ngày 03/10.
Người dịch: livan
Nguồn 4vn.eu - http://4vn.eu/forum/index.php

Vào lúc ấy, từ phía biệt viện, nghe có tiếng hô hoán:
- A Tình!.

Âm vang tiếng đó còn chưa dứt, một thân ảnh chạy như bay theo con đuờng rải đá xuống, giọng hớt hải:
- A Tình, cô ở đâu?

Cốc Chẩn nghe tiếng, chạy lên đón, hỏi dồn:
- Lục Tiệm, chuyện gì vậy?

Lục Tiệm hốt hoảng:
- Ngươi có thấy A Tình đâu không?

Cốc Chẩn đáp:
- Không thấy! Cô ấy không ở trong biệt viện sao?

Lục Tiệm nói:
- Vửa rồi, cô muốn chính tay ta bón cháo gà. Ta đến nhà bếp sai giết gà nấu cháo, nhưng rồi sốt ruột quá, ta trở về phòng đó, bên trong chẳng còn một ai, trên bàn có mấy chữ viết bằng mực son, bảo rằng cô ấy đã bỏ đi rồi, còn muốn ta đừng chịu thua Vạn Quy Tàng.

Cốc Chẩn "à" một tiếng, khuyên:
- Đừng lo! Cô thân thể quá yếu ớt, sẽ chẳng đi đâu xa được. Tứ phía trên đảo đều có đệ tử Đông Đảo canh gác, cô khó lòng ra được đến biển lắm. Nhất định cô ấy đang quanh quẩn gần đây thôi. Ta cùng Diệu Diệu, Bình Nhi sẽ đi tìm cô chỗ này, huynh hãy gọi gã thính mũi đó lại đây, ngửi mùi mà nhận biết mỹ nhân, đích thực nghề chuyên môn của hắn mà!

Diêu Tình nghe câu đó, giận toé khói, nàng chửi thầm: "Chỉ có cái tên xú hồ li này, bằng vào mưu trí quỷ quyệt của hắn, vào lúc khẩn yếu này, mới làm lộn tùng phèo hết dự tính cuả người ta!". Nhưng nàng đã quyết, chẳng chịu đổi ý, khi nghe từ tứ phía tiếng chân người khua chạy sầm sập, nàng trổ thuật nín thở, tứ chi bám đất, nhắm phía bờ biển chầm chậm bò tới.

Tiếng sóng vỗ bờ nghe mỗi lúc một rõ, cuống họng Diêu Tình khô ran, bứt rứt, mắt nàng váng vất, tim đập loạn nhịp thình thịch, dù chỉ còn cách có vài trượng, sức lực trong nàng hầu như cạn kiệt, gió biển mang hơi ẩm thổi qua, dưới bàn tay Diêu Tình cảm giác cát ẩm lạnh tựa băng giá, biển khơi chỉ cách đấy vài tầm tay, trong đầu Diêu Tình, nó xa vời như chốn chân trời góc biển.

"Chết mà cũng khó khăn vậy sao?", đầu óc hoảng loạn, Diêu Tình ngất đi.

Nghe bên tai có tiếng người hô hoán, Diêu Tình mơ màng hé mắt, nàng thấy Lục Tiệm gương mặt đầm đìa lệ, đang ôm chầm lấy nàng. Phát bực trong lòng, Diêu Tình ẩy gã một cái, nạt:
- Cút đi!

Lục Tiệm giật mình, buông nàng ra, đứng lên, thần sắc cực kỳ ngơ ngác.

Diêu Tình nước mắt trào ra, nghẹn ngào nói:
- Ai khiến ngươi quản vào chuyện của ta?

Lục Tiệm như người lạc lõng biển cả không chút định hướng, nói:
- A Tình, cô làm vậy, tôi không sao hiểu nổi!

Diêu Tình mắng gã:
- Ngươi, thằng đớn hèn, không chút gan dạ nào hết! Có gì mà không hiểu kia!

Lục Tiệm càng thêm hoang mang, hỏi:
- Sao cô bảo tôi đứa hèn nhát, không gan dạ?

Diêu Tình đáp:
- Ngươi nếu có đảm lượng, thì phải một trận hơn thua với Vạn Quy Tàng! Bằng ngươi không dám làm anh hùng hào kiệt, tốt hơn hết hãy buông bỏ ta đi, đừng quản đến chuyện sống chết của ta!

Lục Tiệm nghe nói, sững sờ, gã đứng thẳng người dậy, giọng quả quyết:
- A Tình, tôi trước giờ chưa khi nào làm anh hùng hào kiệt! Tôi chỉ ước muốn được yên bình phụng bồi cô. Còn những chuyện tranh đua hơn kém trên thế gian này, tôi đều bỏ mặc ra ngoài tâm trí!

Thân mình kiều mị của Diêu Tình run lên, nàng ngước nhìn gã, trong đêm tối, đôi mắt Lục Tiệm sáng loe loé, lấy cả một cụm tinh tú gom lại, cũng không sáng bằng! Trong tích tắc, tự thăm thẳm sâu đáy lòng, chợt cảm giác bùng nổ ra một dòng thác kình khí xộc thẳng lên, quấy lộn nhào tất cả, ộc ra tới miệng mũi nàng. Tròng mắt Diêu Tình chợt cay xót, tai lùng bùng, miệng mồm khô khốc, đắng nghét, nàng muốn khóc cũng không khóc nổi, muốn cười cũng không sao cười nổi, cái tư vị quái lạ này, từ thưở khôn lớn đến giờ, nàng chưa từng nếm qua.

"Tình Nhi.", có tiếng gọi thanh thoát vọng đến.

Nghe tiếng, toàn thân Diêu Tình run bần bật, nàng ngẩng trông, thì thấy một đoàn Ôn Đại, Cốc Chẩn, Tiên Bích đang tiến lại. Ôn Đại cúi xuống với nàng, Diêu Tình nhào vào lòng bà, khóc oà! Nàng vừa nức nở, vừa nói:
- Sư phụ, con thà chết ... cũng ... thiệt không muốn làm hắn nhọc lòng vì con.

Lục Tiệm nghe chua xót xông lên đôi mắt, gã bất chợt la lớn:
- Cô chết đi rồi, tôi sẽ cạo đầu làm thầy chùa, đi tu!.

Diêu Tình trog lòng rối ren trăm mối, nàng chẳng dằn được, cả tiếng mắng gã:
- Xú Lục Tiệm, ngươi vẫn là còn muốn chọc giận ta, ngươi không tin, ta chết liền bây giờ cho ngươi xem!

Nói xong, nàng vùng vẫy, định nhào ra, nhưng đã bị Ôn Đại giữ riệt lại .

Ôn Đại lưỡng lự một chút, rồi bà bảo:
- Tình Nhi, con đừng cứng đầu quá!

Diêu Tình la lên:
- Sư phụ cũng đã thấy đó, hắn đã cố ý nói tầm xàm để chọc giận con kìa!

Ôn Đại bảo:
- Chuyện hai đứa lùng nhùng, ta chẳng hiểu rõ, ta không muốn nói nhiều! Mấy hổm rày, ta đã suy nghĩ thật lâu, và ta chợt nhớ tới một sự kiện, nếu vận khí con tốt, từ đó, thương thế của con có lẽ không phải hoàn toàn bất trị!

Lục Diêu hai người nhùng nhằng toàn chỉ vì tình trạng bất trị của thương thế. Khi nghe bà nói vậy, Lục Tiệm lập tức quỳ thụp ngay xuống, run run giọng, van lơn:
- Địa Mẫu nương nương, mong bà đại ân đại đức, ra tay cứu sống A Tình!

Rồi gã dập đầu lạy bình bình!

Ôn Đại vội vàng đỡ gã dậy, bà bảo:
- Ngươi hãy đứng lên đi đã! Ngươi chưa hiểu rõ ý tứ câu nói cuả ta. Bằng vào y thuật của ta, đích thực chẳng thể cứu nó được!

Lục Tiệm ruột gan chùng xuống! Gã nghĩ bụng: "Y đạo của Địa Mẫu, thiên hạ vô song, bà không cứu được cô, ai có thể cứu cô đây?"

Ôn Đại đoán được tâm tư của gã, bà bảo:
- Một chút y thuật của ta là học được từ những gì tổ sư Tư Cẩm hồi đó truyền lại. Tổ sư Tư Cầm học vấn thật sâu rộng, nhưng người không chuyên về y đạo! Có một vị tiền bối dạy cho người, mới là lợi hại thái thậm.

Lục Tiệm thắc mắc:
- Vị tiền bối nào vậy?

Diêu Tình cũng nảy sinh hiếu kì.

Ôn Đại hỏi:
- Các ngươi chắc biết, ba trăm năm trước đây, từng có một vị nữ thần y lừng danh?

Con tim Lục Tiệm rộ lên một nhịp thật mạnh, gã buột miệng nói:
- Chắc Địa Mẫu nương nương muốn nói về người đã phát hiện ẩn mạch, vị nữ thần y đã đem Tiềm Long đi!

- Đúng là ngươi có biết! - Ôn Đại bảo - Vị nữ thần y đó nghề thuốc hơn ta cả chục lần! Hồi đó, bà kết phu phụ cùng Tây Côn Lôn tổ sư, đem Tiềm Long chạy ra hải ngoại, khiến cho y thuật vô cùng thần diệu cuả bà cũng theo bà ra đi, tuyệt tích ở Trung thổ. Sau đó, tổ sư Tư Cầm, lúc từ hải ngoại trở về, có mang về theo một ít kiến thức y thuật. Theo ân sư ta thuật lại, vị nữ thần y đó xuất thân Thiên Cơ cung, mà người của cung đó, họ rất rành rọt nghề bảo quản sách cổ. Bộ sách Y Thuật của nữ thần y thể nào cũng có một phó bản, bản phó đó tất được giấu cùng chỗ với Tiềm Long.

Lục Tiệm chợt thấy tim đập rộn ràng, gã cố đè nén, hỏi:
- Nói như thế, chỉ cần tìm ra Tiềm Long, thể nào cũng sẽ kiếm thấy bộ sách Y Thuật đó?

Ôn Đại đáp:
- Đúng vậy! Y thuật ta có hạn, không cứu nổi Tình Nhi, nhưng vị nữ thần ý đó đích thực có thủ pháp khởi tử hoàn sinh, chỉ cần tìm ra bộ Y Điển đó, có khi trong sách có dạy phương pháp điều trị cho Tình Nhi. Chỉ có điều, vận hội này xem chừng cũng mù mờ lắm!

Lục Tiệm còn đang lưỡng lự chưa quyết đoán, bỗng nghe Cốc Chẩn nói:
- Dù cho mù mờ, cũng còn hơn tuyệt vọng nhiều! Nói thêm cho rõ, vị nữ thần y này cùng Đông Đảo ta có uyên nguyên thật sâu xa, chẳng những về nghề y, nhân phẩm của bà ... tất cả đều siêu phàm nhập thánh, khiến người ta ai cũng phải kính nể.

Lục Tiệm buột miệng hỏi:
- Ngươi cũng biết vị nữ thần y đó à?

Cốc Chẩn đáp:
- Ta biết! Theo gia phả, Hoa tổ sư cùng dòng họ Cốc ta có quan hệ thật to lớn!

Lục Tiệm hỏi:
- Hoa tổ sư?

Cốc Chẩn bảo:
- Các vị không biết ư? Nữ thần y mang họ Hoa, tên tục là Hiểu Sương, đệ tử của bà họ Triệu, vốn là dòng dõi của triều vua Đại Tống. Người này sau kết duyên cùng cô con gái độc nhất của chúa đảo Thích Hải Vũ, cũng chỉ sinh được có một người con gái; cô sau đó thành hôn cùng tằng tổ ta Viễn Chiêu Công. Viễn Chiêu Công ở rể nhà Triệu gia, sống suốt đời tại Linh Ngao đảo. Ta nói vậy, để chứng minh họ Cốc ở Đông Đảo bắt nguồn từ Hiểu Sương tổ sư.

Chuyện này, lần đầu mọi người Tây Thành được nghe, họ đều không dè Đông Đảo và Tây Thành vốn chung một nguồn gốc, trong lòng họ cùng cảm giác một tư vị không tên.

Lục Tiệm lại hỏi:
- Địa Mẫu nương nương, chẳng hay Y Điển đó có được đặt cái tên nào không?

Ôn Đại đáp
- Cái tên nghe hơi kỳ quặc! Gọi là "Tương Vong tập".(tương vong = làm cho quên đi!)

Lục Tiệm lẩm nhẩm cái tên đó một vài lần, ghi sâu trong trí, rồi gã quay sang bảo:
- Cốc Chẩn, ta quyết định sẽ đưa A Tình theo ta cùng đi tìm Tiềm Long.

---------

Cốc Chẩn gật gù,
- Chuyến đi này phải trèo đèo lội suối, lại bốn bề cường địch tuyệt thế, đại ca, huynh cũng nên hiểu rõ!

Lục Tiệm đáp:
- Ta cũng đã nghĩ và hiểu rõ! Ta không muốn ngươi mạo hiểm một mình, cũng không muốn bỏ mặc A Tình không người chăm sóc. Chi bằng cùng kéo nhau đi, sống chết cùng có nhau!

Nói đến đấy, cổ họng chợt nghẹn lại, gã chăm chú nhìn Diêu Tình, hỏi:
- A Tình?

Diêu Tình nghiến răng, đáp:
- Ngươi đi! Ta cũng đi theo, cùng lắm là chết dọc đường! Đào một hố đất hoàng thổ chôn xuống thành mồ là xong, còn hơn sống thê thê thảm thảm, chết trong khuê phòng!

Cốc Chẩn chẳng khỏi cất tiếng khen ngợi thoát từ tâm can:
- Diêu đại mỹ nhân, câu đó đầy hào khí!

Rồi gã quay nhìn mọi người, nói:
- Ta còn muốn mời Ninh cô nương, Tả huynh, Ngu huynh, Tiên Bích cô nương cùng ghé hàn xá một lúc, mấy hôm rồi, ta để tâm nghiên cứu các đầu mối, cũng có được vài phát hiện tâm đắc, muốn đem chia sẻ cùng mọi người một hai điều.

Trong số người ở đấy, còn vắng mặt Ninh Ngưng và Tả Phi Khanh. Tiên Bích đích thân đi mời họ đến.

Chẳng bao lâu, tại phòng Cốc Chẩn, thấy có Tả Phi Khanh, nội thương gã còn khá trầm trọng, sắc diện tiều tuỵ. Xương đùi Ngu Chiếu chưa lành, nhưng hắn vẫn không giảm sút chút nào phần hào hứng, đang gạ đấu rượu cùng Cốc Chẩn, bị Tiên Bích lầu bầu một hồi, hắn cũng đành cho qua, thần sắc có phần bực tức. Ninh Ngưng ngồi một xó, vẻ mặt cô bình thản, chẳng lộ nét vui hay buồn, cô không để mắt nhìn đến ai. Duy lúc nghe nói có Lục Tiệm đi cùng, ánh mắt cô thoáng ngời một chút vui mừng, rồi khi nghe Diêu Tình cũng đồng hành, cô ảm đạm trở lại, cúi gằm, suốt buổi, cô không nói năng gì nữa.

(Chú: xin nhắc lại 5 đầu mối truy được từ Bát đồ: Quy minh, Mã ảnh, Kình tung, Viên đẩu vĩ, Xà quật)

Chuyện gẫu đôi ba câu xong, Cốc Chẩn nói:
- Năm đầu mối đó, các vị thảy cũng đã rõ! Ta cho rằng cả năm trước sau đều cần bắt đầu từ cái thứ nhất QUY MINH. Theo suy luận của ta, hai chữ Quy Minh này, có ba lý giải: Thứ nhất, là con rùa đá đội bia có khắc chữ, loại văn bia này thấy dưới trời đây có không ít, lớn từ bia của hoàng gia nơi cổ mộ, nhỏ thì như các bia mộ trong đồng, ven đường ... thiệt không biết tìm cái nào cho đúng. Thứ nhì, là trên mai rùa có khắc bài văn, cái đó hệt như đáy biển mò kim, phải bắt đầu từ đâu để tìm QUY?

Nói đến đấy, gã ngừng, hơi lâu. Tiên Bích chẳng dằn được sốt ruột, bèn hỏi:
- Còn lý giải thứ ba là gì?

Cốc Chẩm thoáng một chút ngần ngại, rồi đáp:
- Lý giải thứ ba, ta cũng chưa mấy chắc lắm, ta cho là chữ QUY này chỉ về ...

Mọi người đều giật mình, đồng thanh nói:
- Linh Miết đảo? (Đảo Rùa thần)

Cốc Chẩn nói:
- Mọi người nên để ý, Tư Cầm tiên sinh mang mối hận thù cực lớn với Đông Đảo, sao lại có thể giấu đầu mối thứ nhất truy tầm Tiềm Long ở đảo Linh Miết được? Nhưng tiên sính người cực kỳ thông minh, lúc tạo ra câu đố, nhất quyết chẳng tạo ra thứ hao tổn trí lực dễ đưa đến bế tắc, ắt phải là thứ đầu mối nằm ngoài trông mong của người ta. Do đó, lý giải thứ nhất và thứ hai đều không thông. Đông Đảo vốn ít khả năng nhất, nhưng nếu đem giấu đầu mối thứ nhất ở đó, rõ ràng ra ngoài ý liệu người ta!

Diêu Tình vụt cắt ngang:
- Trên đảo này, liệu có bia nào được chạm khắc văn bản?

Cốc Chẩn đáp:
- Trên đảo, văn bia không nhiều, con số độ hơn hai mươi. Nhưng tính vào thời Tư Cầm tổ sư, chỉ có sáu thôi!

Tiên Bích do dự, rồi nói: "Ta hôm qua đã có để ý tìm tòi, nhưng không phát giác được gì khác thường! Vậy để sáng mai, nhờ mọi người cùng kéo nhau đi, nhiều người, nhiều mắt tinh, có khi phát hiện được đầu mối chăng?"

Chúng nhân đều đồng ý.

Sáng sớm hôm sau, mọi người tụ tập, đi đến những chỗ rải rác trên đảo có bia mang văn tự. Cốc Chẩn đặc biệt cho mời Tiết Nhĩ theo, lỗ tai thính của hắn có thể giúp phát hiện những tấm bia đá nhiều tầng, lớp. Đi tìm kiếm suốt, vẫn chưa thấy văn bia nào có gì khác lạ. Đi đi, dừng dừng ... mọi người đến bên một khe nước, tung bọt sóng trắng xoá, hơi nước mù mịt, hai bên bờ khe có quả núi nhỏ, cỏ cây xanh biếc ưa nhìn, mường tượng hoà nhập với khoảng không mênh mông xanh thẳm trên cao.

Đoàn người lần theo dòng nước đi về phía đầu nguồn, lúc gần đến nơi, thấy có một cái đầm nước xanh trong thanh tĩnh nho nhỏ, ven bờ nước dựng một tấm bia đá mầu trắng, trên đó khắc bài văn bia:
"Ngọc Tuyền minh:
Lương thường tây lộc, nguyên trạch đông tiết.
Ẩm ngọc thành tương , soạn quỳnh vi tiết.
Thiên lại hư từ , phong tiêu linh triệt.
Tam biến huyền vân, cửu thành giáng tuyết.
Đa gian tản nhân Hoa kính viên soạn, mỗ niên mỗ nguyệt mỗ nhật.
(đại khái đây là bài văn xưng tụng cảnh đẹp đầm Ngọc Tuyền do Hoa Kính Viên viết và khắc vào bia, ý nghĩa thâm trầm, khó dịch cho chính xác!)

Tiết Nhĩ dùng chày gỗ gõ gõ vào thân bia, nghe ngóng một chập, rôi hắn lắc đầu nói:
- Bia này không rỗng ruột!

Mọi người đều thất vọng, rủ nhau đọc bài văn một lần nữa, nhưng vẫn không phát hiện được gì. Họ đang tính cho qua, bỗng nghe Ninh Ngưng nói:
- Tấm bia này có điều cổ quái! Đàng sau chữ khắc trên mặt, thấy có mấy chữ khác bên dưới!

Chúng nhân nghe cô nói vậy đều mừng rơn. Ai nấy đều biết cô luyện kiếp thuật "Sắc Không Huyền đồng", cô có thể nhìn ra những gì mắt người thừong không trông rõ, tất cả đều đưa mắt nhìn cô.

Chỉ thấy Ninh Ngưng đưa tay ngắt một ít lá cỏ, vò nát ra thành một thứ nước mầu xanh đậm, cô đem nước đó bôi lên mặt tấm bia, bôi được một chặp kín mặt bia, cô nhúng tay áo vào nước, dùng nó lau hết nước xanh trên mặt tấm bia. Dù mặt bia hầu như sạch hết nước xanh, nhưng một vài chỗ tấm bia ẩn hiện nhiều đường nét xanh xanh, khi liên kết chúng vào nhau, thấy có hình dạng văn tự.

Thấy vậy, mọi người đều vỡ lẽ, nguyên trên mặt tấm bia có người đã dùng kim nhọn châm vào nhiều lỗ lấm tấm ở đôi ba chỗ, khi làm những lỗ châm hiện lên, chữ viết sẽ hiện ra. Mắt tầm thường nhìn vào, mới đầu không thấy chúng, nhưng nhìn kỹ hơn, sẽ cho là đá trên mặt bia bị ảnh hưởng mưa nắng mà thủng lỗ chỗ... Chỉ mình Ninh Ngưng có con mắt thật tinh tế sắc bén, mới phát hiện ra chúng mang hình dạng tự tích. Lúc cô bôi nước cỏ lên mặt bia, nước mầu xanh đó thấm xuống lỗ châm, rồi khi cô lau sạch nước cỏ trên mặt bia, đã làm các chữ xâm hiện ra rõ hơn.

Mọi người căng mắt đọc, được bốn câu sau đây:


"Vu vu vu vu ô
Nhã nhã hiệt công
Nhất nga hành thiên cổ
Thiểm chuyển bất kiến nhân."



巫巫巫巫乌
雅雅页公
一鹅行千古
闪 转不见人


Tả Phi Khanh liếc qua, đã nói ngay:
- Đây là một câu đố đây mà!

- Đúng là câu đố!

Cốc Chẩn vui vẻ nói tiếp:


- Câu thứ nhất, bốn chữ trước chữ "Ô", thấy có chuyện cực kỳ quái lạ, tạm coi như chúng là vết chân quạ, vậy gọi là "Ô Túc". Gom vào với bốn chữ "VU"

(巫) , được "Tứ Vu Ô Túc", Chữ "VU" mà không chân là cắt đi dấu gạch ngang phía dưới, ẩn ước của bốn "VÔ" kèm chữ "VU" không chân thành chữ "CHÚNG" (眾)
- Câu thứ nhì, kinh NHÃ có Tiểu Nhã và Đại Nhã, chữ "HIỆT" (页) thêm chữ "CÔNG" (公) thành chữ "TỤNG" (颂) , người ta nói "Kinh Phong Nhã tụng", đại nhã , tiểu nhã đều có đây, trung gian chỉ thiếu mỗi chữ "PHONG".
- Câu thứ ba, một con ngỗng mà đi hoài hoài ... sẽ in vết chân hình chữ "CHI" (之) , cái đó khỏi cần bàn thêm!
- Câu chót, chữ "THIỂM" (閃) mà thiếu chữ "NHÂN" (人), là chữ "MÔN" (門)

Gom cả bốn chữ đó lại, thì được "CHÚNG PHONG CHI MÔN" (khung cửa của nhiều luồng gió!)

Nói đến đấy, gã cùng Thi Diệu Diệu trao đổi một liếc mắt, rồi đồng thanh nói:
- "Phong Huyệt."

Tiên Bích giật mình, hỏi:
- Không lẽ "chỉ dẫn" đó lại được giấu dưới đáy Phong Huyệt?

Cốc Chẩn rầu, đáp:
- Đúng là vậy! Chỉ một điều, chỗ đó là cấm địa phi thường của Đông Đảo ta, làm sao mình xuống đấy được?

Mọi người đưa mắt nhìn nhau!

Cốc Chẩn lưỡng lự một hồi, bõng gã nói:
- Phi thường thây kệ phi thường! Xem ra, hồi đó Tư Cầm tiên sinh hiển nhiên đã có đi xuống dưới huyệt rồi! Tiên sinh đi được, bọn mình chưa chắc là không xuống đưới ấy được!

Rồi cả đoàn kéo nhau đi Phong Huyệt.

Phong Huyệt là hang sâu trên ghềnh đá vươn ra biển, chỗ đầu ghềnh đá đứng trơ trọi giữa các vách núi chung quanh. Mắt còn chưa thấy Phong Huyệt, từ xa đã nghe tiếng gió gầm rú, khi lớn khi nhỏ, lớn như tiếng bò rống, nhỏ tựa côn trùng rả rích ... âm thanh thiên biến vạn hoá.

Theo một lối mòn dẫn lên ghềnh đá trên Phong Huyệt, từng đợt, từng đợt gió hun hút thổi ào tới, lạnh thấu xương. Lối cửa hang, dựng đứng các vách đá đen, đá xanh trước huyệt quanh năm bị gió tạt, bào mòn nhẵn thín, không cỏ nào bám vào mà mọc lên được. Hơi nước kết thành băng, phủ đầy mặt đá, màu sắc xanh xanh, trong suốt, loe loé phản chiếu ánh nắng. Nhìn quang cảnh, Cốc Chẩn và Thi Diệu Diệu vụt nhớ kỷ niệm hồi nhỏ, đã tinh nghịch lên đây cạo gỡ các lớp băng đó! Trò nghịch ngợm thưở ấu thơ sau nhiều năm tháng, kỷ niệm vẫn còn sống động trong đầu, hai người nhìn nhau, lòng bồi hồi.

--- Hết hồi 64 ---


Tập 30: Bát đồ hợp nhất.
Mở đầu - Hồi 65: Phong Huyệt - ngày 04/10.

Người dịch: livan
Nguồn 4vn.eu - http://4vn.eu/forum/index.php

Đứng trước kỳ quan Phong Huyệt, Lục Tiệm hết sức tò mò, gã chăm chú quan sát, thấy nơi cửa hang có ai đó đã dùng một loại mũi nhọn gì đấy khắc vào đá mấy chữ rắm rối mang nét phiêu dật, dường như muốn phá vách đá ra để bay bổng lên. Gã gật gù, lần mò từng nét, rồi lẩm nhẩm:
- Chữ viết hay!


Tiếng khen còn chưa dứt, bên tai đã có ai đó cười hì hì, vặn lại:
- Ngươi mà cũng thấy là hay đấy ư? Có nhận ra được chữ nào là chữ nào không vậy?

Đúng là giọng nói của Diêu Tình .

Nguyên Lục Tiệm muốn Diêu Tình ở nghỉ ngơi nơi biệt viện,nhưng vị đại tiểu thư này trời sinh không thể nằm yên một chỗ cho lâu được, khi nghe tin có Ninh Ngưng đi kèm theo, nàng lại càng không thể không làm ầm ĩ, nằng nặc đòi đi theo.

Lục Tiệm hết cách, phải nhờ Cốc Chẩn kiếm cho gã một cái áo choàng lót da cáo lông đỏ, rồi gã bọc nàng vào áo, địu trên lưng. Kiểu nửa địu, nửa cõng đó làm mọi người trông thấy đều phì cười châm chọc, lời đuà giỡn của Cốc Chẩn mới là cay chua làm sao: "Đúng là Trư Bát Giới đang cõng lão bà!" (lão bà = tiếng đùa cợt gọi người vợ). Lục Tiệm mắc cở đến mặt mày đỏ au, nhưng Diêu Tình được đi theo thì khoái chí, nàng cười nụ, mắng lại gã:
- Xú hồ li, nếu người bịnh là má má của ngươi, ngươi có chịu cõng má má ngươi hay không?

Cốc Chẩn đáp không được, mà không đáp trả cũng không xong, mặt mày gã sượng sùng.

Diêu Tình tinh thần yếu ớt, nàng uống không biết bao nhiêu sâm thang cũng không sao khoẻ hơn lên được, cái áo choàng đó, ngày trước vốn được đặc biệt may cho Cốc Bình Nhi dùng trị chứng ớn lạnh, mặc vào người vừa nhẹ vừa ấm êm. Đi được một quãng, nàng đã chìm vào một giấc ngủ vùi, khi mọi người phá giải ra bí ẩn câu đố trên tấm bia, nàng cũng chưa tỉnh giấc. Đến khi nghe cuồng phong gào thét nơi cửa Phong Huyệt, nàng mới tỉnh lại, vừa lúc nghe Lục Tiệm khen mấy chữ viết thảo đó hay, lòng nàng vui vui, cố ý hỏi để làm khó gã.

Lục Tiệm cảm thấy da mặt nóng bừng bừng, gã lẩm nhẩm:
- Chúng ... Môn ....

Diêu Tình cười, bảo:
- "Chúng Phong Chi Môn"! Ngươi nè ... không biết mà cứ giả vờ!

Lục Tiệm nghĩ bụng: "Hèn chi Cốc Chẩn và Thi cô nương vừa chợt thấy câu đố nói "Chúng phong chi môn" là họ buột miệng kêu ra "Phong Huyệt" liền, hoá ra nơi đây đã có khắc sẵn cái tên đó rồi?

Gã đáp qua quít:
- Mấy chữ này viết lạo thảo khó nhận mặt chữ quá, không sao đọc cho ra!

Diêu Tình bảo:
- Còn cãi chầy cãi cối nữa! Vậy mà đã là lạo thảo nỗi gì? Cái "Suất Ý thiếp" của Trương Húc kia mói đích thực là lạo thảo! Hừm ... Ngươi đã không nhận ra mặt chữ, cớ sao khen hay?

Lục Tiệm đáp:
- Tôi đâu có nói chữ viết đẹp! Chỉ vì mấy nét khắc đó thiệt lăng lệ, ẩn chưá một kiếm ý cực kỳ cao siêu!

Diêu Tình nghe gã nói, nàng chăm chú xem xét, quả nhiên thấy đúng vậy, trong lòng nàng cũng khá ngạc nhiên.

Lục Tiệm lại bảo:
- Hai bên vách cửa hang, cũng đều có khảm chữ nữa kia. Dường như đều do một người tạo nên.

Diêu Tình ngoảnh trông, nàng lẩm nhẩm đọc:

Trang sinh thiên lại địa,
Hy Di vi diệu âm...

Dưới lại có lạc khoản: "Đông Ngô Công Dương Vũ ... ngày ấy, tháng ấy , năm ấy ... đã đề trong lúc say mèm"

Lục Tiệm chẳng nhịn được thắc mắc:
- Câu đó ý nói gì vậy? Công Dương Vũ rút cục là ai?

Diêu Tình đáp:
- Hai câu trước ta có biết, "Trang sinh thiên tại" là trích từ Nam Hoa kinh, phần "Vật luận", "Nhân Lại" là tiếng "ti trúc"(đàn sáo), "Địa Lại" là "Chúng Khiếu" (Người nghe trầm trồ), còn "Thiên Lại" là "Thiên Phong" (Gió trời). Hy Di nguồn gốc ở "Đạo Đức kinh", là "Thị chi bất kiến danh viết di, thính chi bất văn danh viết hy" (Trông mà không nhận biết thì gọi là DI, Lọt vào tai mà không nghe thì gọi là HY). Lời này khá mơ hồ, thuộc cảnh giới của huyền vi áo diệu. Còn ông Đông Ngô Công Dương Vũ kia, ta thiệt không biết, có khi là một tiền bối của Đông Đảo không chừng!

Tiếng nàng chưa dứt, đã nghe Tiên Bích tiếp lời:
- Công Dương tiên sinh là một đại kiếm khách thời xa xưa, bối phận cực cao! Tây Côn Lôn tổ sư gặp người, còn phải xưng gọi người bằng sư tổ!

Diêu Tình khẽ chau mày, nhiếc:
- Ai khiến ngươi lắm mồm|

Tiên Bích chỉ cười, không trả lời.

Lục Tiệm lại ra tuồng khoan khoái, gã nói:
- Hèn chi mấy nét viết đó thật phiêu hốt, rõ ràng làm người ta liên tưởng đến tàng chứa kiếm thuật cao siêu.

Tiên Bích bảo:
- Không những có tàng chứa kiếm thuật, chữ khắc đó vốn đã do kiếm khí từ nơi đầu mũi trường kiếm vạch lên.

Vào lúc ấy, bỗng Tả Phi Khanh nói:
- Gió ở đây thực kỳ quái, để ta vào xem qua một bận trước đã.

Tiên Bích nghe vậy, thất kinh, nàng buột miệng can:
- Ngươi thương thế chưa lành, sao lại đòi đi vào đấy!

Tả Phi Khanh tủm tỉm, nói:
- Không sao đâu! Ta chỉ vào dòm sơ sơ, không xuống sâu đâu. Chưa kể là, ngoài ta ra, hừm ... có ai khác biết thuật ngự phong?

Gã phất tay áo rộng một cái, tung mình bay vào cửa hang, phất pha phất phới, như một đoá mây nhỏ, gã chầm chậm đáp xuống dưới lỗ huyệt.

Những luồng quái phong từ lỗ huyệt, nhẹ thì làm cát bay đá chạy, nặng thời có thể thổi cuốn bay người và gia súc. Bay ngược chiều gió, khó thật là khó, nhưng nhìn Tả Phi Khanh trực diện nhào xuống, như người đi dạo trên đại lộ, không thấy có trở ngại gì. Mọi người đều lấy làm lạ.

Không quá tuần nhang,một bóng trắng vụt hiện lên, Tả Phi Khanh đã cưỡi gió bay về, đúng ra phải nói là bị gió thổi bay ngược mạnh về. Té lăn trước mặt mọi người, sắc mặt gã tái mét, môi miệng thâm xì, lông mi lông mày bám một làn sương trắng mỏng. Mọi người còn đang ngơ ngác, đã thấy sắc mặt gã chuyển sang trắng bệch, rồi từ trắng thành đỏ ửng, bỗng miệng gã khạc ra một vựng máu.

Tiên Bích quá hoảng kinh, nàng liền chạy ào đến, từ bình thuốc cầm trong tay, nàng trút một hoàn đan dược vào mồm gã. Ngu Chiếu cũng nhanh nhẹn đến sau lưng gã, vận Chu Lưu điện kình, dùng thủ pháp Phong Lôi chuyển sinh nhắm trị nội thương cho gã.

Tả Phi Khanh chậm chạp thở ra một hơi dài, nói:
- Nếu nói về thế gió, thì không đáng sợ, nhưng trong gió tàng chứa lẫn lộn một cỗ hàn khí, dường như thẳng từ nơi chín tầng địa ngục thổi ào ào lên! Cái rét đó nhập vào xương tuỷ, đích thực lợi hại ghê gớm. Ta xuống đến lưng chừng huyệt, đã bị hàn khí đó kích trúng, lãnh nội thương.

Ngu Chiếu thắc mắc:
- Nếu lợi hại dường ấy, sao hồi đó Tư Cầm tổ sư đã xuống đến tận đáy được?

Tả Phi Khanh đáp:
- Tổ sư chắc cũng đã dùng thủ pháp ngự phong ấy thôi, có điều nội công của người cao hơn ta rất nhiều lần, đến độ băng hỏa bất xâm, người xuống đó nhất định không gặp khó khăn gì!

Mọi người đưa mắt nhìn lỗ huyệt động đen ngòm, đều nghĩ bụng, đi ngược chiều gió đã khó rồi, lại còn thêm cỗ hàn khí cổ quái đó, xâm nhập đáy huyệt xem ra chẳng dễ. Còn đang nghĩ ngợi, thấy Cốc Chẩn nói:
- Để ta đi xem thử!

Tả Phi Khanh nhìn vào gã, gật gật đầu, bảo:
- Ngươi đích xác luyện thành công "Chu Lưu lục hư công", thể nào cũng đủ sức đi xem thử, hãy ghé tai vào đây, ta dặn nhỏ một điều!

Cốc Chẩn cúi xuống gần, ghé tai nghe Tả Phi Khanh dặn dò.

Cốc Chẩn gật đầu lia lịa. Sau một chặp, Tả Phi Khanh hỏi:
- Nghe hiểu rõ cả rồi chứ?

Cốc Chẩn đáp:
- Đại khái cũng tạm hiểu, ý là phải tránh chỗ đầu gió mạnh, phải chen vào chỗ yếu của nó, phải né những đỉnh cao của đợt gió.

Tả Phi Khanh bảo:
- Đúng thế. Vạn vật dưới trời này, thảy đều có nhược điểm, cuồng phong cũng không ngoại lệ!

oooOOOooo

Cốc Chẩn nhắm mắt suy nghĩ, một lúc sau, tóc trên đỉnh đầu vụt dựng đứng lên, gã phất tay áo rộng, nhanh như chớp, gã bay vèo vào Phong Huyệt. Mọi người trông thấy, đều kinh hoảng. Gương mặt lộ vẻ kỳ dị, Tiên Bích lẩm bẩm:
- Ta nghe nói, khi luyện thành "Chu Lưu lục hư công", bát bộ thần thông giúp cho người ta muốn làm gì thì làm, hôm nay, được tận mắt chứng kiến, mới thấy quả nhiên không sai!

Tả Phi Khanh gật đầu, nói:
- Nói là nói vậy, chứ người này ngộ tính cực cao, là ngộ tính lần đầu Tả mỗ được thấy tận mắt. Còn may gã không thuộc diện người như Vạn Quy Tàng, nếu không, sẽ rất vô cùng khó khăn khi phải đối phó!

Hắn chưa dứt lời, bỗng nghe Lục Tiệm bảo:
- Tôi cũng đi nữa!

Diêu Tình nghe nói, nàng thất kinh, hỏi ngay:
- Ngươi đi làm gì?

Lục Tiệm đáp:
- Tôi không thể để Cốc Chẩn một thân một mình đi mạo hiểm.

Diêu Tình trong lòng hết sức bất mãn, nàng chu miệng, hỏi:
- Ngươi đi rồi, ai lo cho ta đây?

Lục Tiệm bảo:
- Đành phiền Thi cô nương chiếu cố cho một lúc!

Tiên Bích vui vẻ hỏi:
- Sao đệ còn cứ gọi "Thi cô nương"?

Lục Tiệm ngẩn người, cười, trả lời:
- Quen miệng rồi! Vậy để tôi gọi bằng đệ muội.

Thi Diệu Diệu mặt mày đỏ ửng, như một quả táo chín. Dù không muốn, Diêu Tình trông ánh mắt Lục Tiệm loang loáng, nàng biết gã đã quyết tâm, không thể lay chuyển, không thể ngăn cản gã được, lòng nàng nóng như lửa đốt, chẳng những bực tức, mà còn có phần lo âu, thất chí.

Thi Diệu Diệu đỡ nàng ra đứng kế bên bờ huyệt động, nhẹ nhàng khuyên:
- Tỉ tỉ đừng lo, huynh ấy sóng to gió cả đều đã từng trải qua, chuyến đi này không xảy ra chuyện gì đâu!

Diêu Tình buồn bực đáp:
- Ta thiệt không lo đâu, ngược lại, ta chỉ thấy hắn dường như không rành cách cưỡi gió, làm sao hắn xuống đấy được?

Nói xong, nàng đăm đăm nhìn gã, chỉ thấy Lục Tiệm mường tượng không nghe không thấy gì hết! Gã đứng trầm ngâm trước Phong Huyệt một hồi lâu, bỗng gã vặn eo lưng, chuyển thân, đưa đôi tay vào giữa luồng gió thăm dò, rồi một nhoáng chuyển động thân mình, đã không còn thấy gã đâu nữa.

Diêu Tình kêu "ủa" một tiếng, trong lòng cảm thấy cực kỳ quái lạ.

Tiên Bích nhìn dáng vẻ nàng ngẩn ngơ, bèn giải thích: "Lục Tiệm luyện thành "Bổ Thiên kiếp thủ", có thể dùng đôi tay cảm giác được chỗ nào gió mạnh, yếu, lại còn được "Đại Kim Cương thần lực" hộ thể, ngăn gió, chống lạnh, gã đi xuống đấy dễ như bỡn!

Diêu Tình nghe giải thích, trong tâm cũng có được đôi chút yên lòng, nàng khịt mũi nhỏ một tiếng, không trả lời.

Tiên Bích hiểu là mối hờn giận trong lòng Diêu Tình chưa tan, nàng bất giác thầm thở dài!

Lục Tiệm càng xuống sâu, sức gió càng mạnh, tựa hồ nằm mộng có trăm ngàn cánh tay to lớn đang muốn tóm lấy gã, ném gã ra ngoài lỗ huyệt. Tiếng gió gào hú hệt như thiên quân vạn mã đang ào ào xung trận, khiến người nghe hồn viá bủn rủn, hễ kém đảm lượng một chút, đã quay đầu bỏ chạy rồi!

"Bổ Thiên kiếp thủ" hết sức thần diệu từ chốn thiên đỉnh cao ngất kia đến tận cùng đáy hoàng tuyền, ngày trước, gã đã từng xử dụng để phá giải các luồng gió mãnh liệt của thuật "Thanh Phong toả" do Tả Phi Khanh huy động. Lúc này, dù sức gió dưới huyệt mạnh gấp trăm ngàn lần, cái nguyên lý bên trong vẫn cùng loại với "Thanh Phong tỏa:". Dựa vào kiếp lực, Lục Tiệm tránh đương đầu chỗ gió mạnh, gã dùng nhiều biến tướng khác nhau nhắm những chỗ yếu nhất của gió mà tiến, đồng thời vận "Đại Kim Cương thần lực" đưa chân khí chuyển động mạnh trong châu thân, giá rét không xâm nhập được.

Đi không bao lâu, thế gió chợt biến chuyển, khi thì xoáy thẳng vào mặt, khi thì như con trốt quấn lấy gã mà văng mà đập không ngớt. Vách huyệt động bị gió bào mòn bao nhiêu năm nay, trở thành nhẵn nhụi lạ thường. Đôi lúc Lục Tiệm ngẫu nhiên chạm vào đấy, gã cảm giác như hàn khí nhập vào tận xương, làm đông đặc máu huyết, bởi các mặt vách hoàn toàn phủ kín những lớp băng dày cộm.

Trong lòng Lục Tiệm chợt máy động, gã bỗng cảm giác thấy phía trước có vật gì đang vùn vụt bay đập thẳng vào mặt. Lúc ấy, chung quanh tối như hũ nút, đưa bàn tay ra trước mắt không thấy các ngón, gã toàn trông vào tâm thần để liệu định. Lục Tiệm khẽ né sang một bên, tả thủ chộp vào vật đó, có cảm giác mềm mại của da thịt con người, cho dù trong bóng tối dày đặc, Lục Tiệm song thủ vừa ôm lấy vật đó, liền đoán ra ngay là ai, gã lạc giọng kêu lên:
- Cốc Chẩn, phải ngươi đây không?

Nội công Lục Tiệm cực kỳ thâm hậu, hiếm thấy trên đời, cứ xung lên như sóng triều. Cốc Chẩn tuy có được tâm pháp tuyệt thế, nhưng nội lực gã kém xa Lục Tiệm, lúc mới xuống huyệt, chân khí còn sung túc, còn có thể ngự được cuồng phong, hàn lưu, nhưng lúc xuống quá sâu, tinh lực giảm dần, Chu Lưu bát kình dẫu tự động bổ sung, nhưng đã làm hao tổn không ít nội lực, mà thế gió lại biến hoá muôn ngàn cách khác nhau, khi táp thẳng, khi xoáy chéo, gã vừa bị một con lốc quấn vào, lập tức chân khí trong người gã toán loạn, gã đã bị đẩy ngược lên trên. Vừa rồi, nếu không được Lục Tiệm níu lại, gã nhẹ thì đông đặc máu huyết trong người, nặng thì cuồng phong quấn và đập vào vách đá, tan xương nát thịt.

Lục Tiệm cảm giác chân khí nội thể Cốc Chẩn đang loạn, gã lập tức ám vận huyền công, rót một cỗ kình khí qua. Cốc Chẩn nhận được chân khí đó, đã hít thở lại được, vì sức gió mạnh táp thẳng vào mặt, không sao mở miệng được, gã bèn rán dùng ngón tay viết vào gan bàn tay Lục Tiệm:
- Hãy hợp sức lại!

Lục Tiệm hiểu ngay, cả hai lập tức giương tay ra trước, đồng lúc thi triển thần thông. Lục Tiệm dùng kiếp thuật dò tìm các chỗ gió yếu, Cốc Chẩn dùng phép ngự gió, dựa vào sức gió mà tiến. Lúc ban đầu, còn chưa quen, sự phối hợp còn chưa thuần thục, nhưng tâm linh cả hai vốn đã từng có tương thông hồi trước, dần dà họ đã có thể hiệp sức tốt hơn, thế gió tuy mỗi lúc một lớn, cả hai tựa hồ cá vào nước, di chuyển thấy đã nhanh hơn.

Phong Huyệt uốn khúc quanh co, sâu lạ thường. Cốc Chẩn nhẩm tính, hai người di chuyển như vậy, đi cũng được ngoài hai mươi dặm, phía trước vẫn trống không, không thấy tận cùng, băng giá đóng hai bên mỗi lúc một dày, thông đạo càng ngày càng hẹp lại, càng tập trung tăng mạnh sức gió hơn lên, thế gió càng trở nên lăng lệ. Tiếng gió chạm vào vách phát âm thanh quái dị, nghe ong óng như đồng lúc hàng trăm quả đại hồng chung cùng rộ tiếng lên một lần, muốn làm sôi sục máu huyết ngườii ta, muốn làm nổ tung bộ óc. Có những mẩu băng bị gió đánh gãy, tua tủa nhọn như gươm dáo, bay chạm vào mình, dù được thần công hộ thể, da thịt bị va vảo tươm máu, nhưng máu đó đã lập tức đông đặc lại, hàn kín miệng vết thương, làm hai người cảm giác toàn thân đóng băng, tê buốt, lấp mất cảm giác đau nhức.

Thông đạo mỗi lúc một thu hẹp lại, muốn cựa quậy để di chuyển thấy thật khó khăn. Cốc Chẩn tinh thần bắt đầu suy sụp, nếu không có Lục Tiệm liên tục rót chân khí, gã đã quỵ ngã từ lâu. Cầy cục một lúc nữa, phía trước thông đạo không đủ chỗ cho hai người cùng đi ngang hàng. Lục Tiệm ý nghĩ xoay chuyển, lớn tiếng bảo:
- Đi sát vào đàng sau ta!

Cốc Chẩn nghe nói, lập tức hiểu ý định của gã, bèn thò tay viết vào bàn tay gã:
- Không xong! Mình đành quay trở về đi thôi!

Lục Tiệm mở to đôi mắt, gằn giọng quát nhỏ:
- Lúc này đây, ta là huynh trường, ngươi phải nghe lời ta!

Lục Tiệm hiếm khi nao nổi giận, nhưng lúc gã động nộ, gã toát ra một uy vũ bức nhân.

Cốc Chẩn lẳng lặng hít vào một hơi dài, không nói năng gì nữa, gã chuyển mình ra sau lưng Lục Tiệm.

Lục Tiệm lấy giấy lưng buộc hai người dính vào nhau, cõng Cốc Chẩn trên lưng. Gã quát nhỏ một tiếng, vận Đại Lực kim cương lên đến tuyệt đỉnh, dùng cả tay lẫn chân bám vào vách, rồi từng phân , từng tấc. gã cố gắng tiến tới.

Lúc này, thế gió hung bạo đến mức không tưởng tượng nổi, đối chọi với gió đã khó, còn bị những mảnh băng vụn dài cả tấc bắn vùn vụt vào mình.

Thời điểm đó, nơi chốn đó, cơ trí coi như vô dụng, chỉ còn biết đem hết sức bình sinh ra chống chọi với gió. Mỗi bước đi ra phía trước, Lục Tiệm đều phải đem hết sức lực trong người ra dùng, cơ bắp trên mình gã hầu như bị gió xé ra từng mảnh nhỏ, cảm giác buốt cóng thấm dần vào xương tuỷ. từ tứ chi thâm nhập vào trái tim. Lục Tiệm bất chợt mở miệng thét to, nỗ lực kích thích đấu chí trong đầu. Tiếng gã thét to tựa sấm sét, vang vọng trong động, so ra chẳng kém âm lượng tiếng gió hú là bao.

Đi được chừng trăm bước, Lục Tiệm cảm tưởng như đã đi hàng vạn dặm đường, lối đi dài hun hút, ý niệm mỏi mệt ào ạt ùa tới, thân mình bị các mảnh băng oanh tạc liên miên khắp nơi, lúc ban sơ đau đớn vô hạn, nhưng theo thời gian trôi qua, dần dần cái rét buốt nhập vào làm gã khốn khổ. Mắt gã hoa lên như thấy sao trời loa loá, lồng ngực chẳng còn chút cảm giác khí huyết vận chuyển, gã mường tượng sắp ngất đến nơi.

Đúng lúc đó, gã cảm giác gót chân nhẹ hẫng, chân trái gã bước hụt vào khoảng không, rồi cả hai người rơi nhanh vùn vụt xuống bên dưới.

Biến cố nhanh và bất ngờ, khí lực Lục Tiệm hầu cạn kiệt, gã không có cách đối phó. Cốc Chẩn bị buộc dính sau lưng gã, cũng rũ rượi tay chân. Trong đầu hai người cùng một ý nghĩ:
- Thế là hết!

Ý đó còn đang lẩn quất trong đầu , đôi chân Lục Tiệm bỗng cảm giác lạnh ướt, nghe ùm một tiếng, hiển nhiên họ đã rơi tòm xuống nước.
--- còn tiếp ---

Tập 30: Bát đồ hợp nhất.
Hồi 65: Phong Huyệt - Ngày 06/10.
Người dịch: livan
Nguồn 4vn.eu - http://4vn.eu/forum/index.php

Nước đó lạnh buốt như cắt, những vết thương trên mình hai người vào nước, vẩy miệng vết thương tróc ra, làm đau, xót không sao chịu nổi.

Nhưng đau xót làm thần tình hai người tỉnh ra! Vũng nước đó trên mặt tĩnh lặng, dưới đáy lại có dòng chảy ngầm, họ còn chưa kịp hoàn hồn, đáy nước chợt có xao động. Lục Tiệm còn đang tìm cách đề tụ chân khí, gã nghe có động, giọng tắt tiếng, gã nói:
- Cốc Chẩn hãy cẩn thận, có vật gì động đậy mé dưới.

Cảm thấy phấn khích lên một chút, gã vừa định trổ "Thần Ngư tướng", chợt thấy thân thể nhẹ hẫng, nội lực không sao ngưng tụ được, trong lòng gã mới kịp la thầm "Nguy rồi", gã đã được Cốc Chẩn cấp tốc kéo đi. Cốc Chẩn dang tay xuất một đạo "Chu Lưu thủy kình", đẩy vẹt nước xung quanh ra, đồng thời bay vọt người lên phiá trên.

Nguyên Cốc Chẩn bị ràng sau lưng Lục Tiệm, không phải chạm mặt với quái phong, gã đã thừa dịp đó vận chuyển bát kình, khôi phục tinh lực, đến khi hai người chìm xuống nước, nội lực gã đã phục hồi được sáu thành, lúc gã nghe Lục Tiệm báo động, gã đã vận dụng "Ngự Thủy pháp", vẹt nước, kéo Lục Tiệm, cùng tránh né. Lục Tiệm mỏi mệt đến kiệt lực, đành cứ để mặc cho kéo đi, gã một ngón tay giờ cũng không đưa lên nổi.

Chấn động trong nước bỗng tăng lên, truyền thẳng vào tai, từ tứ phía, cứ từng chập, từng chập ùa tới. Bỗng cảm giác có một vật gì to lớn đang tiếp cận sau lưng, Cốc Chẩn vụt thấy tay gã bị kéo rịt xuống. Lục Tiệm đột nhiên bị cái vật đó chụp trúng, kéo mạnh gã chìm xuống nước sâu.

Cốc Chẩn vừa hoảng, vừa tức bực, tay trái gã kềm chắc, không buông Lục Tiệm, tay phải xuất ra một đạo Điện kình, rẽ nước nhằm kích vào quái vật. Nghe "tạch" một tiếng to, lửa xanh loè lên trong màn đêm tối hắc ám. Tay gã được buông lỏng ra, gã mừng rỡ, lập tức giật mạnh, kéo Lục Tiệm về. Đúng lúc đó, gã bỗng cảm giác bị hai cái vòi dài đang sờ chạm vào thân mình từ eo lưng trở xuống, rồi một lực đạo mãnh liệt đã lôì gã xuống đáy nước. Trong khẩn cấp, Cốc Chẩn nạt một tiếng, Chu Lưu điện kình phóng nhanh ra, nghe soạt soạt hai tiếng, hai cái vòi lại thả hắn ra.

Cốc Chẩn đang chầm chậm hít vào một khẩu chân khí, bỗng nghe tiếng Lục Tiệm nói yếu ớt:
- Mé trái ... Mé trái hình như có bờ!

Cốc Chẩn vội ôm chặt Lục Tiệm, rẽ nước bơi đi, trút hết sức lực toàn thân, tiến tới được chừng vài trượng, cảm giác phía trước mực nước nông cạn dần, cuối cùng chân gã đạp trúng vào nền đá bên dưới.

Cốc Chẩn loạng choạng bước, kéo Lục Tiệm lên trên một gành đá, toàn thân èo uột, gã té nhào xuống. Rồi nghe từ trong nước có tiếng động lớn, sau đó bốn bề tĩnh lặng, bên tai chỉ còn tiếng gió thổi vi vu, rì rầm trên mặt nước.

Cốc Chẩn tim đập thình thịch, chung quanh tối mịt mùng, không cảm giác được gì, gã không hiểu còn nguy hiểm nào rình rập nưã hay không. Gã chợt nghe Lục Tiệm hỏi:
- Con vật gì đó đã bỏ đi chưa?

Cốc Chẩn thoáng giật mình, gã hỏi lại:
- Huynh không sao chứ?

Lục Tiệm ậm ự một tiếng, bảo:
- Ta an toàn! Ngươi đã có bị vật đó quấn rịt vào người không?

Cốc Chẩn đáp:
- Có đấy, chỗ này là ở đâu vậy, sao lại có cái con vật quái quỷ đó vậy?

Lục Tiệm nói:
- Ngươi coi chừng, con vật đó có thể có độc!

Nghe Lục Tiệm nói, Cốc Chẩn cảm giác những chỗ bị vòi con vật chạm vào có chút ngứa ngáy, ran rát ... Gã lập tức huy động thần thông, hóa giải độc tố. "Chu Lưu lục hư công" khi luyện xong, bát kình luân chuyển, có thể giải trừ bách độc. Năm xưa, Lương Tư Cầm đối mặt Minh Thái tổ, dù đã liên tiếp uống trọn hơn mười hồ độc tửu, vẫn nói cười như không. Hồi ở trên Ma Long hạm, gã uống phải "Ái Thần chi lệ", cuối cùng đã giữ được một chút thần hồn, không bị độc đó nhận chìm. Độc tố của con quái vật này dẫu có lạ. cũng không làm khó được "Chu Lưu bát kình". Cốc Chẩn chuyển vận bát kình vài vòng, cái rát, ngứa đó cũng giảm đi nhiều. Gã băn khoăn:
- Lục Tiệm, huynh cũng bị nó quấn vào mà?

Lục Tiệm thản nhiên nói:
- Chẳng có gì phải lo! Độc đó đâu làm khó được ta!

Cốc Chẩn hít vào một hơi, vui vẻ nói:
- Gì đi chăng nữa, cái Phong Huyệt dẫu hiểm. nhưng bọn mình rồi cũng đã chiến thắng nó!

Lục Tiệm cười gượng:
- Xem ra thắng thảm thì có! Bây giờ, xương cốt toàn thân ta rã rời ráo trọi!

Cốc Chẩn đáp:
- Khổ tận cam lai, càng chiến đấu khổ cực, thành quả càng to!

Lục Tiệm hỏi:
- Cái con quái vật dưới nước đó, không biết tự đâu ra! Có khi là con rồng không chừng?

Cốc Chẩn đáp:
- Ta chưa từng thấy rồng, nhưng nếu muốn đả thương người ta, dùng mấy cái vòi đó không, chưa đủ!. Ngẫm cho kỹ, có khi là một thứ bạch tuộc, nhưng bạch tuộc thì cũng đâu có độc, chưa kể là bạch tuộc thì vòi của nó thô nhám! Cái con quái vật này, thứ mà nó quấn vào người người ta, xem ra vừa mảnh, vừa dài, có phần giống sợi roi da! Còn may, nó sợ Chu Lưu điện kình của ta, nếu không, tụi mình chắc hổng khoẻ được như bây giờ.

Lục Tiệm nói:
- Chỗ bị nó quấn vào, chất nước tiết ra ngửi thấy tanh hôi dễ sợ!

Cốc Chẩn vui vẻ nói:
- Huynh khoan hãy chê nó tanh hôi! Tệ lắm, khi mình không thoát khỏi đây, có thể lấy nó làm lương thực sống qua ngày!

Lục Tiệm hoảng hồn:
- Ngươi định bắt nó hả?

Cốc Chẩn đáp:
- Ừa! Huynh làm mồi, ta làm ngư ông, huynh xuống nước dụ nó đến, ta sẽ ở trên bờ bắn cho nó một phát ngon lành cho biết!

Lục Tiệm trong lòng không mấy vui vẻ cái tư vị đó,
- Sao lại đem ta làm mồi! Trong quá khứ, đã chẳng phải là vai trò của ngươi đấy hay sao?

Cốc Chẩn cười hì hì:
- Đến hoàng đế còn phải thay nhau mà làm, mồi câu cá cũng phải thay đổi người chớ!

Lục Tiệm hai tay khoát lia lịa,
- Không được! Không chơi! Ta thà chết đói, còn hơn đi ăn cái giống đó!

Cốc Chẩn cười ầm.

Lục Tiệm đặt tay lên nền đất, vận kiếp lực, thăm dò một hồi, rồi nói:
- Cốc Chẩn, bên trên vách đá có một lỗ huyệt động!

Cốc Chẩn hỏi"
- Cao trên chừng bao xa?

Lục Tiệm đáp:
- Cỡ ngoài mười trượng.

Cốc Chẩn lại hỏi:
- Lớn cỡ chừng nào?

Lục Tiệm đáp:
- Có thể một người đi lọt.

Cốc Chẩn hân hoan nói:
- Tuyệt! Mau đi lên đó đi!

Hai người bám vách đá leo lên, càng lên cao, thấy sức gió càng mạnh, tựa hồ bên trên vách đá có một cái miệng khổng lồ đang nhắm vào hai người thổi mạnh tới, thân mình hai người đang ướt, bị gió táp vào, toàn thân giá lạnh.

- Đến rồi - Lục Tiệm dò tìm cửa hang, rồi bước vào, đưa tay kéo Cốc Chẩn vô theo.

Cốc Chẩn bị té ra sau, gã bực bội, hùng hổ càu nhàu:
- Cái thứ gió chết tiệt này làm lão tử ta đây muốn trúng bịnh phong thấp, tay chân lập cập hết trơn!

Lục Tiệm nghe gã càu nhàu, không nhịn được cười. Gã nhất tâm hộ vệ Cốc Chẩn, luôn luôn đi trước, lỡ gặp hiểm nguy, còn có thể ra tay đối phó, Cốc Chẩn ở tuốt phía sau, đâu dễ bị trúng phong thấp.

Lục Tiệm đưa tay lần mò, đụng vào một cánh cửa đá, gã vận thần lực, hô to:
- Đi.

Cánh cửa cọt kẹt, rồi mở rộng ra. Một luồng gió lạnh từ trong tấp ra, Lục Tiệm trấn tĩnh, hít vào một chân khẩu khí dài, rảo bước đi lên. Cốc Chẩn bám sát theo sau, hai người lần lượt đi tới, được chừng trăm bước, phia trước chợt thấy có ánh sáng, phút chốc, thông đạo đột ngột mở rộng ra và sáng sủa. Nhìn sơ qua, hai người thấy đó là một gian phòng vuông vức độ vài trượng mỗi bề, ở ngay giữa có một cỗ quan tài đá.

Cốc Chẩn tiến lại gần quan sát mấy hạt minh châu, rồi hết sức ngạc nhiên, gã kêu lên:
- Cái này là Trường minh châu đây mà!

Lục Tiệm hỏi:
- Trường minh châu là gì vậy?

Cốc Chẩn đáp:
- Trường minh châu là loại ngọc phát quang ban đêm, là thứ trân phẩm cực quý, theo truyền thuyết thì đó là hạt châu đính nơi đỉnh đầu Thâm Hải ngư long, trị giá liên thành! Ta đi khắp thiên hạ chỉ được thấy có một viên, ở đây có những mười hai viên, chẳng hiểu người táng trong quan tài là nhân vật như thế nào?

Lục Tiệm đến trước cỗ quan tài, phủi sạch bụi, cảm giác dưới ngón tay, mặt quan tài thô ráp, có khắc những văn tự, gã bất giác lẩm nhẩm đọc: "Đệ Hoa Kính Viên ... mộ của tỉ Phong Liên ...."

Giọng gã tắt nghẹn ngang đấy, hai người bốn mắt nhìn nhau, gian phòng đá chợt tĩnh lặng.

Một hồi sau, Cốc Chẩn thở một hơi dài, gượng cười, nói:

- Thì ra Kính Thiên và Phong Hậu cùng chung một mồ chôn! Lúc sống họ không đồng sàng, chết lại được cùng vào một chỗ, thảm thay, thương thay!

Giọng nói không khỏi có phần vô vàn cảm khái.

Lục Tiệm giật thót, hỏi:
- Kính Thiên, Phong Hậu? Hắc Thiên thư là do họ cùng trước tác?

Cốc Chẩn trầm lặng, gật đầu.

Lục Tiệm hỏi:
- Rốt cục, giữa họ, ai là chủ, ai là nô?

Cốc Chẩn chau mày đáp:
- Có trời mới biết!

Lục Tiệm lại sờ vào mặt quan tài, bỗng lên tiếng:
- Chỗ này hãy còn có chữ đây!

Rồi gã đọc: "Ta may được gặp tỉ thưở ấu thơ, rồi do nghiệp số, vận mệnh hai người xoắn xuýt vào nhau, tính ra hơn ba mươi năm. Nhờ tỉ đặc biệt giúp sức, cùng nghiên cứu ẩn mạch, ta đã mở ra một cảnh giới mới trong võ học, tạo nên một kỳ công lưu danh cùng thiên cổ. Tuyệt diệu thì tuyệt diệu đấy, nhưng lại có hối hận! Phương pháp đó cho phép luyện thần theo đường tắt, giúp người ta dễ luyện thần thành công! Nhưng, cái ngày cáo thành, cũng là cái ngày đại hoạ đổ xuống. Hai chúng ta khổ công tìm tòi nhiều năm, không sao tìm được cách thức phá giải. Tỉ buồn, hận, đau khổ, và hối hận, đến thành sầu thảm, tình cảm ta không còn được đáp lại, làm ta tâm ý nguội lạnh, mấy năm sau này ẩn thân dưới Phong Huyệt, buông bỏ tất cả chuyện thế gian! Dần dà ta cũng ngộ hiểu được. Người luyện kiếp thần, khi quán thông hai loại mạch ẩn và hiện, luyện đến thần, trí hư, nếu luyện theo đạo lớn của trời đất, kiếp vận Hắc Thiên có thể giải sạch. Nhưng cái đạo đó khá gian nguy, vì chỗ diệu của hiển và ẩn ta lại không tự mình trải nghiệm, ta đành chỉ biết cố gắng hết mực, rồi vì tiếc cho cái công trình, cái tâm huyết ta đã bỏ ra vì tính mạng của tỉ, ta không đành lòng để nó bị thất tung! Ta đã cố gắng viết ra pho sách "Hắc thiên thư", lưu truyền hậu thế, ngõ hầu người đời sau nào đó có tài, sẽ có thể phá giải được kỳ ảo của nó, cũng là giúp làm tiêu tan bớt di hận của ta!"

- "Cái diệu cuả hiển, ẩn , tự ta không được trải nghiệm", Cốc Chẩn bảo: " Dựa theo câu đó, hiển nhiên Phong Hậu làm nô, Kính Thiên làm chủ."

Lục Tiệm đầy vẻ thất vọng, nói:
- Vậy là Doanh Vạn Thành nguyên lai đã nói đúng sự thật, cái pho sách "Hắc Thiên thư" đó đâu? Để ta huỷ nó đi, hết còn tác hại người đời nữa!

Gã nói xong, khom mình xuống, tìm kiếm.

Nhưng Cốc Chẩn đã lắc đầu, bảo:
- Sợ là "Hắc Thiên thư" không còn ở đây nữa!

Lục Tiệm chợt nghĩ ra, nói:
- Ý ngươi bảo, lúc Tư Cầm tiên sinh xuống đây, đã lấy pho sách "Hắc thiên thư" đó đi rồi?

Cốc Chẩn đáp:
- Đúng vậy! Chỉ có như thế, mới giải thích được tại sao "Hắc Thiên thư" vốn của Đông Đảo, lại lọt về Tây Thành, để rồi từ đó truyền bá ra.

Lục Tiệm trợn trừng lông mày:
- Cái đó có vẻ kỳ quái! Tư Cầm tiên sinh đã đốt cháy biết bao nhiêu là sách vở, sao không thiêu huỷ "Hắc Thiên thư" đi?

Cốc Chẩn đáp:
- Đó là cái phiền não của những kẻ thông minh! Ông ta đốt những sách vở mà ông xem qua, thông hiểu rồi thấy chúng đáng đốt, duy có cái bộ "Hắc Thiên thư" này, lão nhân gia đã không hiểu nổi! Chưa kể Kính Viên tổ sư cùng Tư Cầm tiên sinh có quan hệ huyết mạch rất sâu, Tư Cầm tiên sinh thấy tổ sư khốn khổ vì tình, tiên sinh cũng đau lòng, mà giải trừ cái kiếp vận "Hắc Thiên" này theo di nguyện của tổ sư, Tư Cầm tiên sinh cũng chịu thua, thành ra tiên sinh mới lưu nó lại như một câu đố cho đời sau. Ta cho là chính tổ sư cũng đã nhận biết cái nguy hại của nó, nên đã giấu kín nó đi, chẳng ngờ trăm năm sau có đệ tử Tây Thành tìm ra, mà tiếc thay, kẻ hậu nhân đó bất tiếu, đã không tìm cách giải trừ đi thì chớ, lại đem sách đó ra dùng luyện nên kiếp chủ, kiếp nô, gây ra biết bao nhiêu trường gió tanh, mưa máu!

Nói đến đấy, Cốc Chẩn không khỏi sụt sùi, gã bảo:
- Huynh hãy dò tìm kỹ trong quan tài đá xem có thấy được cuốn kinh thư nào làm đầu mối không?

Lục Tiệm hơi bất ngờ:
- Đã không còn sách vở gì ... mò tìm làm chi?

Tuy nói vậy, gã cũng đưa tay mò mẫm, bỗng gã la lên:
- Ở chỗ đó đó ... ngay tại góc bên trái của quan tài...

Cốc Chẩn cúi mình, dò dẫm nơi góc trái một hồi, rồi nói:
- Có đây!

Lục Tiệm cũng khom xuống quan sát, chỉ thấy Cốc Chẩn ấn tay vào một chỗ nào đó, nghe cọt kẹt, rồi một phiến đá tụt ra, gã thò tay sâu vào bên trong lôi ra một cái hộp vuông vức.

Cốc Chẩn vui vẻ nói :
- Đúng là ở đây thật!

Lục Tiệm thắc mắc:
- Là cái gì thế?

Cốc Chẩn đáp:
- Tư Cầm tiên sinh lấy đi mất pho "Hắc Thiên thư", vậy sau đó tiên sinh để lại đây cái gì?

Lục Tiệm sáng mắt, buột miệng:
- Đầu mối?

Cốc Chẩn cười tủm tỉm đang định mở hộp, bỗng một trận cuồng phong nổi lên ào ào. Hai người bị bất ngờ, lực đạo quá mãnh liệt, họ tránh sang một bên, lập tức khi đó, tay Cốc Chẩn bỗng trống không, cái hộp đã bị kẻ vừa đến đoạt mất. Bên tai Cốc Chẩn chỉ còn nghe tiếng hò hét của Lục Tiệm, gã đang giao đấu cùng người lạ, khắp gian phòng, kình khí bay tưng bừng dồn dập, Cốc Chẩn tựa hồ không sao mở nổi mắt.

Hai người giao phong cực nhanh, trong chớp mắt, kình khí tản mác hết, rồi nghe tiếng Vạn Quy Tàng cười hô hố, nói "Đa tạ". Cốc Chẩn định thần nhìn kỹ, tháy một bóng áo xanh đang chạy vụt ra khỏi cưả động, biến mất tích.

Lục Tiệm quát to một tiếng, phóng mình đuổi theo. Cốc Chẩn vừa giận, vừa hoảng hốt, cũng chạy theo sau. Khi hai người ra đến chỗ cửa hang, đàng trước tối hù, Vạn Quy Tàng sớm đã biến đi đâu mất.
Lục Tiệm hết sức ảo não, giậm chân:
- Làm sao ngờ được! Cái này đúng là bọ ngựa rình ve sầu, bị ngay chim sẻ rình đàng sau, thó mất!

Cốc Chẩn bỗng la lên:
- Chờ một chút!

Rồi gã xoay mình chạy vù vù trở vào gian phòng.

Lục Tiệm thấy gã trở gót như vậy, còn chưa hiểu ất giáp gì, cũng theo vào, đến nơi, Cốc Chẩn đang dùng một thanh truỷ thủ cạo lấy một viên ngọc Trường minh châu xuống.
Lục Tiệm ngạc nhiên, hỏi:
- Lấy làm gì thế?

Cốc Chẩn đáp:
- Để soi đường.

Tiếng chưa dứt, đã nghe sè sè, rồi cái quan tài đá hốt nhiên chìm xuống.

Cốc Chẩn la lớn:
- Nguy rồi!

Rồi gã túm áo Lục Tiệm, kéo nhau bỏ chạy thật nhanh ra phía cửa hang!

Trong thông đạo, đá vụn đổ ầm ầm như mưa rào, song chưởng Lục Tiệm hươi loạn xạ, đánh vẹt tất cả đá ra xa, chân không ngừng nghỉ, cả hai trổ hết khinh công một đời ra gấp rút chạy! Họ vừa đến cửa hang, nghe đánh sầm một tiếng như sấm sét, mộ huyệt sụp đổ, nhiều đá tảng cỡ hàng mấy ngàn cân đã lấp kín lối vào gian phòng sau lưng họ.

Lục Tiệm hãi hùng, hỏi:
- Chuyện gì xảy ra vậy?

Cốc Chẩn đưa tay gạt những mồ hôi to như hạt đậu trên trán, vừa thở gấp, vừa nói:
- Lỗi ở ta đã nảy ý niệm sai lầm, thấy chung quanh tối mịt, ta liền nghĩ có thể dùng Trường minh châu soi sáng đường đi. Đâu dè, ta quên mất Kính Viên tổ sư xuất thân từ Thiên Cơ cung, rành rẽ chuyện sắp đặt cơ quan, nếu vào mộ chỉ để lấy "Hắc Thiên thư" thì không sao, còn muốn cạy gỡ minh châu dùng vào chuyện soi rọi quan tài, sẽ gây khởi động cơ quan, mộ huyệt sụp đổ, giam giữ kẻ đó trong đống đá vụn.

Nói xong, gã đưa mắt nhìn hòn ngọc trong tay, đang tỏa ánh sáng trắng mờ nhạt, nếu để sát vào mặt, có thể soi thấy rõ được râu, tóc.

Lục Tiệm trầm ngâm một hồi, rồi bảo:
- Cốc Chẩn, bọn mình chỉ nên tìm kiếm Tiềm Long thôi, đừng sa đà vào các chuyện lặt vặt khác!

Cốc Chẩn gượng cười, đáp:
- Chắc tại ta làm thương nhân lâu quá, khi thấy trân châu bảo ngọc, mới động lòng tham, từ giờ về sau xin chừa! Mình còn phải gấp rút rượt theo Vạn Quy Tàng!.

Lục Tiệm gật đầu đồng ý. Cốc Chẩn đem viên ngọc ngậm nơi miệng, cùng Lục Tiệm tuột vách, đi xuống bờ nước, bỗng họ ngửi phải một mùi cực kỳ tanh hôi, mức độ thối tha chưa từng gặp qua!

Cốc Chẩn cầm viên ngọc vào tay, chiếu ra phiá trước, vừng sáng rộng được chừng hơn trượng, bỗng nghe Lục Tiệm thất thanh hô hoán:
- Cái đó là gì vậy?

Cốc Chẩn định thần, quan sát kỹ, nơi bờ nước mường tượng có một quái vật, đầu to, thân mảnh, coi mềm mại tựa một đống bông gòn to, thân mình đã bị sẻ làm hai, hãy còn thoi thóp, một nửa trải dài trên bờ vũng, nửa kia chìm sâu nước, một loại dịch trấp đang ứa ra, chập chờn phát lân tinh trong bóng tối, tựa như ma trơi.

- Là một con sứa biển có độc khổng lồ! - Nhìn qua một chặp, Cốc Chẩn đã nhận ra được nó.

Lục Tiệm sinh trưởng ven biển, cũng đã từng thấy sứa nhiều lần, nhưng to khổng lồ như con này, gã chưa hề gặp! Không biết nó đã ăn gì mà to lớn nhường ấy! Gã ngẩn ngơ một vài phút, rồi nói:
- Xem chừng đấy là con quái vật đã làm khó bọn mình hồi nãy!

Cốc Chẩn gật đầu, đáp:
- Tiếc là nó không có con mắt tinh đời, quấy rầy bọn mình xong, lại còn đi chọc vào Vạn Quy Tàng! Vạn Quy Tàng là hạng người nào, dễ gì lão để nó sống sót được!

Lục Tiệm tưởng tượng cảnh con thủy quái rầm rộ giao chiến Vạn Quy Tàng, gã chợt thấy thót bụng: "Không hiểu Vạn Quy Tàng đã giết nó như thế nào, mình ở trong mộ không hề nghe lấy nột tiếng động, kết quả bị lão tập kích, đoạt mất cái hộp!"

Gã không khỏi không cảm thấy áo não, nhìn con quái vật lần nữa, trong lòng gã thắc mắc: "Con vật này sống đã được bao nhiêu năm rồi? Có khi nó do Kính Thiên giam giữ trong vũng nước này, làm kẻ canh cửa mộ cho ông? Chốn này không một sinh vật lai vãng, nó đã ăn gì mà sống?" Mà bây giờ quái vật đã chết, Kính Thiên cũng đã ra người thiên cổ, những nghi vấn đó vĩnh viễn trở thành bất giải, không có câu trả lời!

Né tránh xác con thủy quái đầy uế khí, hai người dựa vào ánh sáng hòn minh châu tìm đường trở về lỗ Phong Huyệt. Bên ngoài cửa hang, tình thế khác hẳn, gió đẩy người ta ra ngoài, ở ngay miệng hang, một cỗ đại lực hút mạnh, rút hết hơi ẩm của không khí trong hang ra, suốt bao nhiêu năm trời, tạo nên nhiều hang hốc lỗ chỗ đó đây.

Vừa đụng cửa hang, hai người bị một hấp lực to lớn cuốn đi, tựa hồ đồng lúc bị cả trăm cánh tay to lớn túm lấy lôi mạnh ra. Cốc Chẩn khí lực còn chưa khoẻ, gã sơ ý, thân mình bị hút bay vút lên, đâm sầm thẳng vào lòng lỗ huyệt. Còn may Lục Tiệm đã nhanh chóng, kịp thời thò tay kéo gã lại,

Cốc Chẩn điếng người, lúc gã tỉnh hồn xong, hai người bàn nhau làm giống như lúc đi xuống, ràng chặt hai thân mình vào nhau. Lần này thì đưa Cốc Chẩn ra trước, Lục Tiệm đàng sau, cùng hợp lực, giữ cho ổn định cước bộ, rồi sẽ chọn cơn gió nhẹ, thuận theo luồng gió bay lên trên.

Chuẩn bị đâu đấy xong xuôi, hai người vừa tung mình vào lỗ huyệt, bỗng thấy ra ngoài ý liệu! Lúc này, đi lên thuận chiều gió, so với lúc trước ngược gió đáp xuống, dễ hơn gấp trăm lần.

Khi Cốc Chẩn thông tỏ phương pháp ngự phong, mượn lực của gió, hai người giữ không để chân chạm vào vách huyệt, cứ đi lên tựa hồ đang đằng vân giá vụ, thế bay lên cực nhanh, so với lúc đi xuống mất gần nưả ngày, lần đi lên này độ một tuần nhang đã thấy ánh sáng bên ngoài Phong Huyệt. Họ rú lên một tiếng thanh thoát, cùng lúc bay ào ra khoảng không bên ngoài huyệt.

Lập tức, Cốc Chẩn sợ rơi tọt xuống vực sâu trước Phong Huyệt, gã hốt hoảng thét lớn: "Coi chừng!". Theo tiếng thét, có hơn một chục sợi dây bằng đồng cùng lúc vung ra, kềm giữ hai người lại.

Hai người mượn sức trì lại của dây, hoá giải lực đẩy của gió, khi họ xoay mặt, đã thấy hơn mười đệ tử Lôi bộ, trong tay là những dây cáp dẫn điện bằng đồng đã gỡ bỏ cán gỗ, được dùng làm dây cứu hộ.

Lục, Cốc vưà đứng vững, trông ra đám ngươì tụ tập trước Phong Huyệt, thấy tất cả an toàn, hai gã mới yên tâm.

Cốc Chẩn buột miệng hỏi:
- Vạn Quy Tàng đâu?

Chúng nhân đều có vẻ buồn rầu, Tiên Bích đưa tay chỉ ra khơi, nơi đó, Cốc Chẩn nhướng mắt dòm, thấy một con thuyền vải buồm màu vàng đang lướt sóng như bay, trong phút chốc, đã mất dạng.

Cốc Chẩn giậm chân, la lớn:
- Rõ ràng mua chẳng bằng bán, bán chẳng bằng lấy trộm, ăn trộm chẳng thể hơn được cướp giựt!

Ngu Chiếu hỏi:
- Lão đệ, đệ nói vậy nghĩa là sao?

Cốc Chẩn đáp:
- Đó là câu ngày xưa Vạn Quy Tàng đich thân truyền thụ cho đệ. Có nghĩa là, cùng một món hàng hoá, đi mua về chẳng thể bằng được đem bán nó ra, bán nó ra rồi chẳng bằng tìm cách trộm trở về, trộm cũng không hay bằng tính toán tìm cách ra tay giựt ngược về mình!

Ngu Chiếu bảo:
- Cái đó nào khác nào xui người ta làm cường đạo?

Cốc Chẩn đáp:
- Làm cường đạo chính là nghề không vốn, nếu thành công, cho sanh ý gấp trăm lần buôn bán bình thường. Phải đề phòng lão già dịch hùng tài trùm thiên hạ, quyết chẳng chịu bỏ một xu ra mua cái mà lão có thể giựt được, kiếm lời ngàn lần nhiều hơn. Nhất định lão sẽ làm cường đạo cướp giật thôi. Chỉ bực mình một nỗi, đệ lúc ấy mải kiếm chác, đệ lại hết sức ghét cái trò cướp giựt, nên đã không lưu tâm đề phòng, kết cục bị lão cướp mất, thua một vố nặng!

Rồi gã hỏi:
- Vạn Quy Tàng đến đây vào lúc nào vậy?

Tiên Bích đáp:
- Lục Tiệm ra đi chưa quá một khắc, lão đã mò tới. Bọn ta chẳng ngăn cản được lão, không ai có tài xuống dưới huyệt, đành trơ mắt ra nhìn lão xông vào. Ôi... lúc sau đó, cả nửa ngày không có động tĩnh gì, làm người ta lo sợ muốn chết, thời gian chờ đợi thấy lâu bằng cả một đời!

Cốc Chẩn nhăn mặt nhíu mày, tự nhủ: "Lão tặc này thiệt giảo hoạt, chờ hai đứa mình đi trước mở đường, rồi lão lén lút bám theo sau, bao nhiêu hiểm nguy, bọn mình đều lãnh trọn. Trong đó tối hù, gió gào điếc tai, hai đứa bận đối phó gió, làm sao biết được có người lẩn lút theo sau? Rồi lúc tột cùng, Lục Tiệm dốc hết cả khí huyết ra chống cuồng phong, lão tặc có khí lực sung mãn hơn, lão rình đàng sau, khi hộp ngọc xuất hiện, lão ra tay đoạt mất, vào lúc cả hai đứa đều tinh lực chưa phục hồi xong, đâu có phải đối thủ của lão!"

Gã càng nghĩ càng bực, đến lúc không chịu nổi, gã vung tay kích ra một chưởng, buột miệng chửi thề:
- Vạn Quy Tàng là cái đồ chó đẻ!

Thi Diệu Diệu nghe được, nàng cau mày, gắt:
- Cốc Chẩn!

Cốc Chẩn vừa hay biết mình vô ý nói bậy, gã vội vàng chữa:
- Diệu Diệu, muội đâu có biết chuyện đó làm người ta tức bực đến ngần nào!

Gã nói đến đấy, chợt thấy Lục Tiệm đang ôm Diêu Tình, đầu rủ thấp, trầm lặng, Cốc Chẩn trong lòng cực kỳ xót xa, bị mặc cảm tội lỗi đè nặng, gã bùi ngùi, nói:
- Đại ca, đại ca cứ la rầy ta đi!

Lục Tiệm khẽ lắc đầu, buồn bã nói:
- La ngươi làm chi? Cái đó có khi là ý trời!

Rồi gã cõng Diêu Tình lên lưng, lom khom đi xuống núi.

--- Hết hồi 65 ---


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #hai#thuong