94. TẾT TRUNG NGUYÊN

94. TẾT TRUNG NGUYÊN

Sư Nhạn Hành chưa từng đón Tết Trung Nguyên, trước đây luôn cảm thấy ngày này âm trầm nặng nề, ai ngờ lần trải nghiệm ở Đại Lộc đã làm điên đảo nhận thức của nàng.

Mới bước vào tháng bảy mà khắp nơi trong thành dần dần trở nên sôi động, nhiều gian hàng nhỏ chợt xuất hiện, chuyên bán các loại vàng mã, ngoài ra còn có các cửa hàng chuyên về quần áo giấy sặc sỡ, hương đèn và các loại xe ngựa giấy.    

Còn mặt hàng cho dịp lễ như bánh rán hoa hồng áp chảo, bánh hạt gai dầu, hoa mồng gà được xếp từng chồng như những ngọn núi nhỏ.

Rạp hát ra vở nhạc kịch "Mục Liên Cứu Mẹ", dân chúng già trẻ nam nữ có dư tiền đều đi xem.

Thoạt nhìn, không khí náo nhiệt không thua gì những ngày lễ hội khác.

Ngư Trận tò mò nên Sư Nhạn Hành mua ba vé,   ba mẹ con cùng đi xem vở nhạc kịch đầu tiên trong kiếp này.

Đây không phải là Kinh kịch hay Côn kịch mà các thế hệ sau quen thuộc, nói đúng ra phải gọi là tạp kịch, hình thức sống động hơn.

Lúc đầu Sư Nhạn Hành nghe không quen, nhưng sau khi cố gắng đắm mình vào đó thì cũng tạm thưởng thức được.

Giang Hồi tranh thủ thì thầm giải thích: “Vở kịch này xuất phát từ kinh 'Phật thuyết Vu Lan Bồn', kể lại câu chuyện nhà sư Mục Kiều Liên dưới sự chỉ dẫn của Đức Phật Thích Ca đã cúng dường cho mười phương chư tăng vào rằm tháng bảy, nhờ lời chú nguyện của mười phương chư tăng giúp mẫu thân ăn no, cứu vớt vong hồn mẫu thân ra khỏi địa ngục.”

Thật ra Tết Trung Nguyên lấy tên từ ngày lễ của một trong ba vị thần Đạo giáo, xuất phát từ  “Thiên quan Thượng Nguyên ban phúc, Địa quan Trung Nguyên xá tội, Thủy quan Hạ Nguyên giải nạn”. Bên Phật giáo thì gọi ngày này là “Lễ Vu Lan”, đều diễn ra vào rằm tháng bảy.

(Theo Đạo giáo, rằm tháng giêng là Thiên quan Thượng Nguyên xuống ban phước; rằm tháng bảy là Địa quan Trung Nguyên xuống xá tội; rằm tháng mười là Thủy quan Hạ Nguyên xuống giải nạn)

Tín ngưỡng ở triều Đại Lộc tương đối tự do, tuy Đạo giáo chiếm ưu thế nhưng không chèn ép Phật giáo, dân chúng thích đạo nào thì theo đạo đó.

Ngư Trận xem diễn chả hiểu gì, chỉ cảm thấy như một đàn quạ kêu quang quác ầm ĩ, nghe một lát là nhức cả đầu nhưng không muốn quấy nhiễu mẹ và chị, bèn ngồi đung đưa chân ăn bánh.

Thấy Ngư Trận cố nhịn đến mức tội nghiệp, Sư Nhạn Hành gấp tờ vé thành chiếc thuyền nhỏ đưa cho bé.

Ngư Trận nhỏ giọng reo lên vui sướng, đôi tay mũm mĩm nâng chiếc thuyền, hai mắt tỏa sáng lấp lánh.

“Đây là gì thế?”

Sư Nhạn Hành: “. . . Thuyền.”

Cô bé còn nhỏ, trong vùng lại không có sông lớn, bé chưa bao giờ nhìn thấy chiếc thuyền!

Ngư Trận ngắm nghía, yêu thích không buông tay, tiếp tục hỏi cặn kẽ.

“Thuyền là gì?”

Sư Nhạn Hành bắt đầu ngắc ngứ.

“Ừm. . . đó là một loại công cụ để đi trên mặt  nước, tựa như chúng ta ngồi xe.”

Ngư Trận ngước lên, mặt mày nhăn tít, cố dùng trí tưởng tượng thiếu thốn và kiến ​​thức hạn hẹp của mình để xây dựng:

Chiếc xe chạy trên nước. . .

Hình ảnh đầu tiên hiện ra trong đầu bé là con la nhà mình.

Bé nhớ tới vào mùa đông khi mình tắm trong thùng, thùng tắm quá sâu đên không giẫm được xuống đáy, mỗi khi Giang Hồi trượt tay là bé . . . ục ục ục chìm xuống.

Bị nước sặc đau quá!

Ngư Trận tỏ vẻ chán ghét, nghĩ thầm cái thuyền gì đó cũng chả phải thứ tốt!

“Không thích thuyền. . . La la bị ục ục. . .”

Bé lẩm bẩm.

Tuy nói như thế nhưng bé vẫn khum hai tay vào nhau thành cái lồng, thật cẩn thận bảo hộ chiếc thuyền giấy bên trong.

Hì hì, tỷ tỷ gấp cho Ngư Trận!

Sư Nhạn Hành nhìn vẻ mặt cô nhóc đổi tới đổi lui, vô cùng tò mò không biết vật nhỏ này đang suy nghĩ gì.

Xem diễn xong, Sư Nhạn Hành dạo phố quan sát thị trường, phát hiện đánh giá ban đầu của mình có điểm sai lầm.

So sánh với ăn bánh chay, vào Tết Trung Nguyên mọi người càng thích dâng hương đốt vàng mã hiến tế tổ tiên hơn, sau đó là thả đèn hoa sen.

Ở thời đại này, sự nhiệt tình và chú trọng thờ cúng tổ tiên vượt xa trí tưởng tượng của người hiện đại.

Nói tóm lại, thị trường thực phẩm không lớn, hơn nữa không có nhiều chủng loại, mọi người có khuynh hướng bảo thủ chọn những món ăn cổ điển.

Nghe nói nguyên nhân là vì địa phủ chỉ lưu hành những món này, tùy tiện biến cách thì người ta không nhận, các vị tổ tông không thu được đồ ăn là phải chịu đói.

Sư Nhạn Hành: “. . .”

Lý do này có quá chiếu lệ không?

Sau nhiều lần xác nhận, Sư Nhạn Hành quyết định từ bỏ thị trường Tết Trung Nguyên.

Dù sao có chen chân vào cũng không kiếm được bao nhiêu lợi nhuận, tội gì phải cạnh tranh với đồng nghiệp?

Chi bằng trực tiếp đứng ngoài lề.

Người ta nói không tiện đi lại trong ngày Tết Trung Nguyên nên Sư Gia Hảo Vị bắt đầu nghỉ vào ngày mười bốn. Ngày mười lăm từng người ở nhà bái tế tổ tiên, ngày mười sáu đi về, buổi sáng mười bảy chính thức buôn bán.

Tính toán như vậy thì quả thực ngày nghỉ còn nhiều hơn hôm Tết Đoan Ngọ!

Các nhân viên địa phương dĩ nhiên không cần về quê, được thơm lây nghỉ ngơi thêm mấy ngày.

Quách Miêu đi theo ba mẹ con Sư Nhạn Hành cùng về lại thôn Quách Trương.

Đám người Hồ Tam nương tử đều có quê nhà xa xôi, cha mẹ khoẻ mạnh, không có ai cần phải bái tế, bèn ở lại trong thành chơi đùa.

Trước khi đi, Sư Nhạn Hành đặc biệt dặn dò: “Mấy ngày nghỉ lễ các vị cứ vui chơi tùy thích, duy chỉ có hai điểm: Thứ nhất không được uống rượu hỏng việc; thứ hai không được đi ra ngoài cùng một lúc, trong nhà ít nhất phải có vài người trông coi.”

Trong tiểu viện còn có nhiều hương liệu chưa dùng đến, cũng khá đáng giá.

Bị người trộm đi là chuyện nhỏ, chỉ sợ kẻ có ý xấu nhân cơ hội nhà không người bèn lén vào thêm thứ gì đó vào hương liệu, phá hư chiêu bài của Sư Gia Hảo Vị.

Đám người Tam Muội không cần phải nhắc, chủ nhân nắm trong tay giấy bán thân nên không hề dám qua loa, chỉ ước có thể buộc những lọ gia vị đó vào thắt lưng mang theo bên người cho an toàn.

Hồ Tam nương tử, Diêu Phương và Lý Kim Mai đều trịnh trọng đáp ứng: “Chưởng quầy cứ yên tâm về quê, nếu có kẻ dám nổi lên ý xấu, bảo đảm bọn chúng có đến mà không có về!”

Sư Nhạn Hành: “. . . Không cần đến mức đó.”

Bắt rồi báo quan là được.

Kỳ này về quê thuận tiện mang luôn bột kho cho tửu lầu Lục gia và Vương Đào.

Nhắc mới nhớ, đã hơn nửa năm chưa gặp, chẳng biết họ có thay đổi gì không.

Giang Hồi cũng hồi hộp: “Chỉ mới nửa năm mà có cảm giác xa quê lâu lắm mới về lại.”

Sư Nhạn Hành cười: “Hiện giờ chúng ta coi như áo gấm về làng, vinh quy bái tổ.”

Giang Hồi cười ồ.

Họ ghé vào trấn Thanh Sơn trước, Lục Chấn Sơn và quản lý Ngô đều bận rộn tổ chức tiệc Tết Trung Nguyên, hình như có mấy hộ nhà đặt bàn.

Thấy Sư Nhạn Hành nhảy xuống xe, quản lý Ngô hớn hở chạy ra chào đón.

“Ôi chu choa, ngọn gió nào thổi Sư chưởng quầy đến đây, mời vào mời vào!”

Ai có thể ngờ, còn chưa đến một năm mà cô gái nhỏ bán sạp đồ ăn đầu đường đã dừng bước ở huyện thành, nghiễm nhiên thành một bà chủ chân chính.

Giang Hồi là quả phụ, quản lý Ngô không tiện trực tiếp "vuốt mông ngựa", chỉ khen cô trông rất khí phái.

Sau đó ngắm nghía Ngư Trận, gật gù tấm tắc: “Hơn nửa năm không gặp, Nhị tiểu thư trổ mã xinh xắn quá, trông cứ như khuê tú thuộc dòng dõi thư hương.”

Người có học rất tôn quý, lời này xác thật là khen ngợi.

Sư Nhạn Hành cười bảo Ngư Trận nói cảm tạ, sau đó hỏi thăm gia đình ông ta, hỏi thăm Lục Chấn Sơn.

Đang nói chuyện, Lục Chấn Sơn ở trên lầu bận việc cũng được tin, thế là lại thêm một phen hàn huyên.

“Khó lắm mới có dịp tụ họp, trưa hôm nay đừng đi đâu hết, hãy để ta làm chủ tiếp đãi!”

Đoàn người Sư Nhạn Hành xuất phát từ rất sớm, thời tiết tốt nên đi một lèo khá nhanh, lúc này mới đến giờ Tỵ, tức là khoảng chín giờ sáng, ăn cơm trưa thực sự quá sớm.

Sư Nhạn Hành nói: “Đa tạ thịnh tình của ngài, chỉ là hiếm khi được trở về một chuyến, còn phải tế tổ, thực sự không thể thoát thân. Xin hẹn lần sau vậy!”

Lục Chấn Sơn và quản lý Ngô cố gắng nài kéo, cơ mà các nàng nhất định muốn đi nên cũng đành thôi.

Rời tửu lầu Lục gia, đoàn người đi đến nhà Vương Đào đưa bột kho.

Lâu ngày không gặp, nhà Vương Đào cũng tích cóp được không ít bạc, đoàn người Sư Nhạn Hành đến nơi mà chẳng thấy ai.

Hàng xóm nghe tiếng kêu cửa, đi ra báo: “Gia đình này hiện giờ phát đạt lắm, đầu tháng vừa mua nhà mới, hiện giờ căn này đang rao bán!”

Giang Hồi nói cảm ơn, cũng thấy mừng cho nhà Vương Đào.

Sau đó xe la đi tìm theo địa chỉ hàng xóm cung cấp, quả nhiên là một ngôi nhà càng lớn càng tốt hơn.

Tất nhiên vẫn là kiểu nhà hai sân nhưng được thêm một dãy nhà phụ, già trẻ đều có phòng riêng, vô cùng rộng rãi.

Thấy Sư Nhạn Hành tới, cả nhà Vương Đào vừa mừng vừa bất ngờ, vội lôi kéo mọi người vào nhà mời trà.

Nhìn Vương Đào phốp pháp hẳn lên, Sư Nhạn Hành cười khen: “Hiện giờ Đào Nhi tỷ trông càng ra dáng bà chủ.”

Vương Đào vội nói: “Tiểu chưởng quầy, tôi không dám nhận xưng hô này đâu.”

Bới vì món kho bán quá chạy, mấy mẹ con không thể lo liệu quá nhiều việc, chồng Vương Đào quyết định nghỉ làm, về nhà giúp đỡ.

Hiện giờ người một nhà ngày ngày ở một chỗ, bạc kiếm không ít, cộng thêm số bạc tích cóp trước kia bèn đổi căn nhà lớn. Người gặp chuyện vui thì tâm tình sảng khoái, tự nhiên mặt mũi cũng hồng hào.

Mọi người cười nói một hồi, người nhà Vương Đào lại muốn mời dùng cơm, cuối cùng không thành.

Mẹ chồng Vương Đào thuộc tuýp người “Gặp mặt là không thể để người về tay không”, thấy Sư Nhạn Hành nhất định phải đi, vội vàng chạy vào phòng trong kéo ra một bao lớn.

“Không ngờ chưởng quầy đột nhiên tới chơi nên không có quà tặng gì cho ngày lễ, để chưởng quầy chê cười. Đây là bông gòn do thân thích dưới quê mới đưa tới, đều là bông mới thu hoạch năm nay, tốt hơn mua bên ngoài nhiều. Mong chưởng quầy không chê, đem về nhét đệm chăn, coi như một chút tâm ý của chúng tôi.”

Sư Nhạn Hành và Giang Hồi không thể chối từ, đành phải nhận. Mẹ chồng Vương Đào kêu con trai đưa lên tận xe, nhìn các nàng đi xa mới yên tâm.

Cả người Ngư Trận ngập trong túi bông, thích thú lăn qua lộn lại.

“Vừa mềm vừa lún!”

Giang Hồi nhận xét: “Nhiều bông thế này làm một giường đệm chăn vẫn còn thừa, chắc hẳn còn đủ để làm cái áo bông dài.”

Một đường nói cười đi về hướng thôn Quách Trương.

Mồ mả của thôn đều ở bên ngoài, sợ phần mộ vong phu không ai coi chừng, lâu ngày thiếu sửa sang, Giang Hồi lái xe ghé qua thăm mộ trước.

Giang Hồi ngừng xe cách nghĩa địa thật xa, còn đặc biệt cột cương con la vào một gốc cây tùng dương lớn.

Người xưa vẫn nói, nghĩa trang là nơi hội tụ âm khí, người sống tiến vào không được tốt. Vì vậy, khu vực này không cho phép trồng các loại cây mang âm tính như cây hòe, cây liễu, vân vân.

Mà ở rìa nối nghĩa trang với thế giới bên ngoài, người ta thường trồng rất nhiều cây tùng dương mang ý nghĩa “Dương khí tràn đầy”, cũng là lời cảnh báo với các hồn ma rằng, đi ra phía trước là nơi ở của người sống.

Sư Nhạn Hành vốn cũng định đi theo vào trong, Giang Hồi ngăn lại: “Mi và Ngư Trận đều còn nhỏ, nơi này âm khí dày đặc, hãy chờ ngày mai cùng tiến vào với các hương thân.”

Nàng chẳng tin mấy chuyện ma quỷ này, nhưng nghĩ lại, điều không thể tưởng tượng được như vụ mình xuyên tới đây đều đã xảy ra, có lẽ trên đời thực sự có ma quỷ cũng chưa biết được.

Hơn nữa, trong trí nhớ của nguyên chủ dường như có ví dụ về một đứa trẻ đi nhầm vào nghĩa trang, nhìn thấy những thứ không sạch sẽ, sau khi trở về bị sốt cao không giảm.

Tóm lại, vụ  quỷ thần thà tin còn hơn không.

Khi Giang Hồi quay lại xe kinh ngạc kể: “Mộ phần nhìn như có người mới vừa dọn dẹp xong, trông vô cùng ngăn nắp.”

Sư Nhạn Hành ngẫm nghĩ một chút: “Chắc là người trong thôn.”

Nàng chỉ cách cho họ kiếm tiền, còn giúp con cháu họ học hành, dù sao ngày này mỗi nhà đều viếng mồ mả, hẳn là có người quét dọn giùm.

Giang Hồi thấy cũng đúng.

Khi vào thôn gặp không ít người từ ruộng về nhà, thấy các nàng bèn đồng loạt tiến đến chào hỏi.

“Ây da, chúng tôi vừa mới nhắc không biết khi nào các người trở về!”

“Ôi chao, Táp Táp cao quá nhỉ, trông rõ ràng là một đại cô nương rồi!”

“Đúng lúc nhà ta vừa thổi cơm xong, tới ăn nhé!”

“Thôi đi, nhà ngươi đông người như vậy mà một bữa chỉ có hai tô đồ ăn, để người ta ăn canh à? Đến nhà ta đi!”

Quách Miêu giơ cao tay hô: “Đừng tranh giành nữa, đã sớm hẹn rồi, mấy ngày nay đều ăn cơm bên nhà chúng tôi!”

Đi ngang qua nhà Quế Hương, Quách Miêu còn gân cổ hét to: “Mẹ ơi, chúng ta đã về rồi. Con qua giúp chưởng quầy dỡ đồ xuống.”

Quế Hương mở cửa đuổi theo, ông chồng cũng bước ra kêu: “Được, rửa tay rồi qua nhé! Ta làm thêm vài món.”

Sau vài lần Quế Hương đi huyện không mang theo ông chồng, ban đầu chú ta còn tức giận nhưng dần dần biến thành hoảng hốt: Người ta nói đàn ông không về nhà thì nhất định ở bên ngoài có vợ bé, nhưng nếu đàn bà bắt đầu không về nhà, e rằng cũng không có kết quả tốt.

Cho nên hiện giờ tính tình chú ta càng ổn hơn nhiều rồi.

Có người trong thôn vừa từ huyện thành trở về, các thôn dân cũng không vội về nhà ăn cơm, đều lũ lượt đi theo sau xe la, vừa đi vừa mồm năm miệng mười hỏi chuyện huyện thành.

Hiện giờ Giang Hồi đã biết cách ăn nói, kể ra bao nhiêu chuyện đã trải nghiệm ở huyện khiến mọi người trầm trồ không ngớt.

Có người cười nói: “Rốt cuộc là huyện thành có khác, thật tốt quá! Hiện giờ Miêu Miêu cũng ngon lành rồi!”

Quách Miêu không khỏi vô cùng hãnh diện, thấy Sư Nhạn Hành nhìn mình cười, lại hơi ngượng ngùng.

“Lúc nào Táp Táp cần thêm người? Con bé nhà ta hiện giờ cũng biết chữ rồi, có thể đi theo không?” Có thôn dân hỏi.

Chú ta vừa dứt lời, có người nhảy ra phá đám.

“Ôi trời, sao ngươi khoe khoang thế? Con bé nhà ngươi mới học được mấy ngày ở trường thôn? Biết được mấy chữ?”

Mọi người tức khắc cười vang.

Chú kia không phục: “Biết mấy chữ cũng là biết mà, hiện giờ nó đang ở lớp nâng cao, ngay cả Triệu tiên sinh cũng khen nó có ngộ tính đấy! Ta thấy kỳ thi cuối năm chắc chắc nó sẽ đứng trong ba vị trí đầu!”

Mấy tháng này mọi người đều trong giai đoạn vỡ lòng, thậm chí còn chưa nắm vững cách viết các nét sổ ngang dọc cơ bản nhất. Vì thế tạm thời chưa tổ chức thi mỗi tháng, đợi đến cuối năm mới thi học kỳ.

Mội người bèn ồn ào bàn tán, có người nói nếu trúng giải thì phải mời khách, có người nói học trò giỏi không ít, cũng chưa chắc là con gái của ngươi đứng đầu, v.v. . . náo nhiệt vô cùng.

Quách Miêu nghe xong, tức khắc sinh ra cảm giác nguy cơ, quyết tâm trở về cũng phải nghiêm túc học tập.

Bằng không cứ để như vậy, chưa chừng ngày nào đó sẽ có những người trong thôn vượt mặt!

Không thể để vậy được!

Tuy có người thầm nói rõ ràng lúc trước Quách Miêu cũng không biết chữ, sao có thể đi theo đến huyện thành?

Nhưng vốn dĩ hai nhà hàng xóm người ta qua lại thân thiết, có chuyện tốt đương nhiên được ưu tiên, vì thế không ai dám khiếu nại gì.

Cả nhà Sư Nhạn Hành dọn đi huyện thành đã hơn nửa năm, theo lý thuyết thì ngôi nhà nhỏ chắc đã phủ đầy bụi bặm, mạng nhện giăng tứ phía. Ai ngờ vừa đẩy cửa nhìn vào, khắp nơi đều sạch sẽ.

Thậm chí cả lu nước to trong sân cũng tràn đầy nước trong, không có một chút rêu xanh nào.

Đại Tử nghe tin chạy tới, nói: “Chúng ta nghĩ có lẽ mọi người sẽ trở về bất cứ lúc nào. Những chuyện khác không thể giúp, nhưng chỉ một chút bụi bặm chẳng lẽ dọn không được, vì thế thường xuyên lại đây quét tước lau chùi.”

Giang Hồi cảm kích: “Đa tạ đa tạ.”

Đây là ngôi nhà đầu tiên của cô trong đời, dù cô có đi đâu, kiếm được bao nhiêu tiền hay sống trong một ngôi nhà sang trọng thế nào, nơi này vĩnh viễn không thể thay thế được.

Dừng một chút rồi nói: “Khi trở về tôi có ghé vào mộ xem qua. . .”

Đậu Tử nói: “Là trưởng thôn bảo mọi người làm, cũng không phiền toái gì.”

Mắt Giang Hồi đỏ hoe, cô cầm tay Đậu Tử nói không nên lời.

Sư Nhạn Hành dắt con la vào chuồng, lấy kẹo bánh mua ở huyện thành chia cho mọi người ăn, hỏi thăm về tình hình trường thôn.

Nhắc tới chuyện này là mấy nhà mừng mấy nhà sầu.

Dĩ nhiên hầu hết thôn dân đều mong con cháu nhà mình có thể học hành đàng hoàng, tương lai thoát khỏi cuộc sống vất vả mặt cắm xuống đất lưng hướng lên trời.

Khổ nỗi ngay cả làm nông cũng có thiên phú huống chi học hành.

Triệu tiên sinh mới tới dạy mấy ngày mà dần dần đã có đứa không chịu ngồi yên, dưới mông như có kim châm cứ cọ qua cọ lại, cả người khó chịu.

Triệu tiên sinh cũng từng khuyên nhủ, có  đứa nghe khuyên một hồi bèn kéo dài thêm được mấy ngày, có đứa lại cứng đầu dầu muối không ăn, trong nhà cha mẹ đánh mắng cỡ nào vẫn ngoan cố bảo là không muốn đi học.

Con nít chưa hiểu được cuộc sống cơ cực là thế nào, nói kiểu gì cũng không thông.

Không còn cách nào khác, đành để mặc tụi nó.

"Ham ăn biếng làm" là bản tính của con người, một khi có người dẫn đầu thì những đứa vốn có thể kiên trì bèn không kiên trì nổi nữa.

Nhìn lũ bạn được ngủ đến khi mặt trời lên cao, chạy chơi hò hét khắp thôn vui sướng cỡ nào?

Vì sao ta phải ở chỗ này chịu tội?

Ta cũng muốn đi chơi!

Chẳng qua khó tránh khỏi bị người nhà nghiến răng ép buộc, hận không thể đánh gãy mấy cái chày cán bột.

“Ngươi là cái đõ nhãi ranh khốn nạn không biết tích phúc! Cha ngươi trước kia muốn đi học, cầu xin ông bà nội mà cũng không tìm được cách nào. Thế mà ngươi có phước lại không biết hưởng, nhất định đánh chết ngươi!”

Trước kia không có tiền đi học thì đành chịu, cứ tưởng rằng bao nhiêu đời cũng không có được phúc phận này.

Nhưng hôm nay học đường đã mở ngay trước cửa nhà, cho ngươi đi học miễn phí, vậy mà còn không chịu học!

Thằng khốn kiếp!

Sau hơn nửa tháng sàng lọc, hiện tại trong trường còn lại năm mươi hai học sinh, trong đó có ba mươi sáu nữ sinh, tương phản rõ rệt.

Trên thực tế, chỉ số IQ trung bình của cả hai giới đều ngang nhau.

Chỉ là con trai bản tính nghịch ngợm, trưởng thành muộn, cảm thấy bị bắt ngồi một chỗ học hành còn khó chịu hơn giết nó, càng khuyên càng chống đối.

Dù gì sau này làm nông cũng có thể sống, sao còn phải chịu tội như thế?

Nhưng con gái biết mình không còn lựa chọn nào khác, với Quách Miêu là tấm gương “Trở nên nổi bật” trước mặt, ngoại trừ số ít từ bỏ vì phải đính hôn, hầu hết đều liều mạng lao về phía trước, hy vọng thoát khỏi bể khổ.

Trường học khai giảng cuối tháng năm, đến cuối tháng sáu, Triệu tiên sinh chia năm mươi hai học sinh thành hai lớp nâng cao và vỡ lòng, dựa trên ngộ tính và tiến bộ cá nhân để áp dụng cách dạy phù hợp nên hiệu quả thấy rõ.

Học sinh lớp nâng cao một ngày có thể đọc bốn câu Tam Tự Kinh, học năm chữ; còn học sinh lớp vỡ lòng thì một ngày đọc ba câu, hôm sau là quên hai câu, học chữ cũng thế.

Có trò biết xấu hổ mà cố gắng vươn lên, thi đua với nhau nỗ lực phấn đấu;

Có trò thấy không bị trừng phạt, đã bắt đầu chây lười nằm ì một chỗ.

Thật ra một số trò bỏ học vốn có thể quay đầu lại, nhưng khổ nỗi gia đình quá cưng chiều dung túng, không nhẫn tâm bức bách.

Con trai của Trương Ngũ vốn định theo bạn bè nghỉ học, kết quả Trương Ngũ trước nay không bao giờ ra tay nặng với con thì lần này phá lệ, đánh gãy cái chày cán bột.

Con anh ta mỗi ngày đều khóc như ma, tru như sói, bà nội và mẹ nó thấy vậy đau lòng vô cùng, khuyên giải.

“Ngươi muốn lấy mạng bà già này luôn à?”

“Thằng bé còn nhỏ, sao lại nhẫn tâm xuống tay ác như vậy?”

“Nó không có khiếu học hành, thôi thì về sau cứ theo mi ra ngoài buôn bán là được, tội gì chứ?”

Lần đầu tiên Trương Ngũ không không thỏa hiệp với người nhà.

“Mọi người không hiểu đâu!

Đâu phải ai buôn bán cũng sống tốt, kiểu buôn bán đầu đường xó chợ thì tính làm gì? Nếu học hành biết chữ thật sự không có ích, tiểu chưởng quầy tốn tài lực như vậy làm chi? Bộ tiền của nàng nhiều đến nỗi muốn đem ra đốt hay sao?

Còn chuyện đi theo tôi, cả nhà cho rằng tôi kiếm chút bạc này nhẹ nhàng lắm hả? Cả ngày ở bên ngoài cúi đầu khom lưng làm ra vẻ đáng thương cho người ta coi, một cân kỳ kèo thêm bớt một văn tiền, mặt mũi đều vứt hết. . .”

Rồi chỉ vào thằng con mắng, “Hoặc là mi đi học đàng hoàng, hoặc là ngày mai dậy sớm theo ông nội ra đồng, không cho phép nghỉ một ngày nào!”

Thằng nhóc mới đầu còn ngoan cố gân cổ: “Ra đồng thì ra đồng!”

Kết quả phơi nắng có mấy ngày tróc cả da, làn da trên mặt trên cổ phồng rộp rồi hóa đen, có thể bóc ra được, nửa đêm rát đến nỗi rên oai oái, so với tiếng heo bị giết còn thảm hơn.

Lần này, không cần Trương Ngũ ra tay, cậu nhóc tự động ngoan ngoãn cắp sách đi học.

Những chuyện này Sư Nhạn Hành đều nghe thôn dân kể lại, nghe xong cảm thấy bội phục Trương Ngũ lắm.

Sau đó sang nhà Quế Hương ăn cơm trưa, kế tiếp Sư Nhạn Hành đi gặp trưởng thôn và Triệu tiên sinh.

Người sau khỏi cần phải nói, sống những ngày vô cùng tự tại.

Dân làng đều kính trọng gia đình Triệu tiên sinh, thường xuyên tới tặng bột tặng dầu tặng trứng. Gia đình Triệu tiên sinh tới thôn Quách Trương hai tháng, không có mấy lần phải tự nhóm lửa nấu cơm.

Hiện giờ trưởng thôn trông hồng hào hơn, hỏi Sư Nhạn Hành tình hình ở huyện thành, dặn dò nàng cẩn thận rồi mới nói đến chuyện trong thôn.

“Nhờ phúc của cháu mà giờ đây làng trên xóm dưới đều biết thôn chúng ta có học đường, ai cũng hâm mộ. Có người còn nói muốn gửi con mình đến đây nhưng ta không đồng ý.”

Sư Nhạn Hành gật đầu: “Hiện tại chỉ có một mình Triệu tiên sinh phải dạy hơn năm mươi học trò, đã đủ gánh nặng. Huống chi sang năm lại thêm vài đứa nhỏ đến tuổi, một mình tiên sinh chỉ có thể lo được nhiêu đó, không còn đủ sức để nhận học trò từ thôn khác. Chúng ta cứ để qua hai năm rồi tính sau.”

Không có kim cương thì đừng ôm đồ sứ mà sống.

Chỉ đến khi có khả năng nhận rất nhiều học sinh  thì hẵng mở miệng.

Bằng không thu học trò thôn Giáp, vậy thôn Ất có nhận vào không?

Nhận vào rồi, có cần đóng học phí hay không?

Trẻ em ngoài thôn tới đây khó tránh khỏi không thích ứng, lỡ như bị bắt nạt thì sao? Buổi trưa đi đâu ăn cơm?

Học trò nhiều, chất lượng dạy học giảm xuống, ảnh hưởng trẻ em trong thôn làm sao?

Tất cả đều là vấn đề.

Trưởng thôn gật gù: “Đúng là lý lẽ này.”

Buổi tối nàng ngủ ở nhà cũ.

Vốn tưởng rằng cách nửa năm sẽ không quen giường, nhưng ai ngờ mới đặt đầu xuống gối là ngủ ngay, một đêm vô mộng.

Sáng sớm hôm sau, Quách Miêu tới đưa cơm sáng, hẹn nhau cùng đi viếng mộ.

Vợ chồng Giang Hồi không phải người thôn này nên vị trí ngôi mộ hơi cách sang một bên. Sau khi vào nghĩa trang thì hai nhà tách ra.

Hôm nay mọi người đều đi viếng mộ, xa gần đều là người, nghĩa trang ngày thường luôn tĩnh mịch bỗng ồn ào đông đúc hẳn lên.

Giang Hồi mang theo hai bộ vàng mã, một bộ lớn, một bộ nhỏ.

Sau khi Ngư Trận được sinh ra không bao lâu thì phụ thân bị bệnh, lúc đó “Sư Nhạn Hành” chưa đầy mười tuổi.

Giang Hồi một mình nuôi hai đứa nhỏ, một đứa là em bé mới sinh oe oe đòi bú, đã vậy còn phải chăm sóc người chồng càng ngày càng bệnh nặng, lúc đó cô gần như tuyệt vọng.

Nhưng hôm nay. . .

Ngư Trận không có bất cứ ấn tượng gì về “Phụ thân”, bé ngơ ngác nắm tay Sư Nhạn Hành: “Tỷ tỷ, chúng ta tới đây làm gì thế?”

Sư Nhạn Hành sờ sờ bím tóc bé: “Tới thăm cha.”

“Cha?” Ngư Trận thắc mắc, “Cha ở đâu? Sao muội không thấy?”

Bé vẫn luôn không hiểu, vì sao những đứa trẻ khác đều có cha, trong khi bé và chị lại không có?

Cha là ai?

Trước đó bé có hỏi mẹ, thế nhưng mẹ lại khóc rất thương tâm, bé không dám hỏi lại.

Sư Nhạn Hành chỉ chỉ bầu trời: “Cha ở trên đó, phải thật lâu sau chúng ta mới có thể gặp cha.”

Ngư Trận cái hiểu cái không gật gật đầu: “Vì sao cha muốn ở trên đó? Vì muội không ngoan à?”

Thấy mắt Giang Hồi đỏ hoe, Sư Nhạn Hành thở dài: “Chúng ta qua bên kia chơi nhé!”

Cô bé hỏi lời này quả thực xé tim.

Con nít chưa biết đi thăm mộ là gì, huống hồ Ngư Trận cũng quen sống không có cha, cho nên vui vẻ đi theo Sư Nhạn Hành.

Có lẽ bé cũng đã từng cảm thấy khổ sở, nhưng vì tuổi quá nhỏ, những vui buồn yêu giận đều như vết hằn trên bờ cát, nông cạn và mong manh, dễ dàng bị xóa nhòa theo thời gian.

Tưởng niệm, đau thương, cuối cùng không còn lại gì.

Nhìn theo bóng dáng hai chị em rời đi, Giang Hồi khẽ thở dài, cũng không biết là chuyện tốt hay chuyện xấu.

Giang Hồi dùng đá xếp thành một vòng trước mộ, đầu tiên đặt tiền giấy vào trong vòng đá, sau đó chồng lên những thỏi vàng mã thật ngay ngắn.

Cô vừa đốt vừa lẩm bẩm: “. . . Không biết hai cha con ở bên kia sống thế nào? Nghèo gia phúc lộ, hiện giờ nhà chúng ta giàu có, hai cha con cần xài gì thì cứ xài, đừng tằn tiện. Nếu không đủ thì tôi lại đốt thêm.”

Đốt xong tiền giấy, Giang Hồi đốt bộ đồ vàng mã lớn, vừa đốt vừa rơi nước mắt.

“Tông Tông còn nhỏ, tôi phải sống thật tốt để nuôi nó lớn lên. . . Mình biết không, hiện giờ nó biết đọc sách biết chữ rồi. . . Đáng tiếc nó không nhớ được mình.

Mình ở bên kia đã gặp Táp Táp rồi phải không? Thật xin lỗi, trách tôi không đủ bản lĩnh. . .

Hai cha con sóng ở bên kia thật tốt nhé, chờ chúng ta một thời gian, sau này cả nhà chúng ta sẽ đoàn viên. . .”

Nhũng giọt nước mắt rơi xuống đống lửa, vang lên tiếng xèo xèo.

Giang Hồi chùi mặt, tay áo tức khắc ướt một mảnh lớn, gió thổi qua, lạnh buốt.

Sau đó đốt bộ vàng mã nhỏ.

“Mẹ xin lỗi con, không thể lập mồ cho con, về sau mẹ xuống gặp con sẽ bù lại được không. . .”

Lại lải nhải nói chuyện với chồng: “Nàng ấy là người rất tốt, vốn tại tôi mơ màng hồ đồ đem người ta tới đây, để người ta chịu không ít thiệt thòi ở nơi này. . . Nếu không nhờ nàng ấy, tôi và Tông Tông không biết sẽ thế nào.  Hai cha con đừng hận tôi, cũng đừng oán nàng ấy, chỉ đổ thừa tạo hóa trêu ngươi. . .”

Cũng không biết qua bao lâu, hai nhà Quế Hương và Đậu Tử tìm tới: “Đốt xong chưa?”

Giang Hồi vội chùi mặt, phủi phủi xiêm y đứng dậy.

Cô vừa định trả lời thì bỗng có một trận gió như từ dưới đất bốc lên, hất tung nhưng tờ vàng mã chưa cháy hết. Những tia lửa đỏ tươi kèm theo tàn tro bay vút lên trời, những tờ vàng mã xoay tròn hướng thẳng lên trên.

Mọi người đồng loạt kinh hô thành tiếng.

Đậu Tử vỗ vỗ tay Giang Hồi, an ủi: “Đây là ông chủ gia đình đã chứng giám rồi.”

Giang Hồi ngẩn ra, nước mắt thật vất vả mới ngừng lại ào ào tuôn xuống.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top