67. BÁNH SINH NHẬT (2)
67. BÁNH SINH NHẬT (2)
Khi Trịnh Bình An tới tìm Sư Nhạn Hành để mời nàng làm bữa tiệc để mừng thọ cho mẫu thân, Sư Nhạn Hành lập tức nghĩ tới bánh sinh nhật và một loạt những dự định tiếp theo.
Bánh sinh nhật, nhẫn kim cương, quả táo đêm Noel, chocolate Lễ Tình Nhân. . .
Những món quà như thế đều là chiêu trò được thương gia cố tình tạo ra để lợi dụng tâm lý người tiêu dùng. Nếu thế hệ tương lai làm được thì tại sao bây giờ chúng ta lại không thể?
Sinh nhật ăn mì thọ hoặc đào mừng thọ?
Đấy đã là kiểu cũ, thao tác cơ bản mà thôi, chân ái nhất là người nhà phải mua một cái bánh kem!
Bánh kem đặt trong hộp gỗ mỏng hoặc chiếc làn tre xinh xắn, bên ngoài phủ lớp vải đỏ, mang ý nghĩa vui mừng.
Nếu có điều kiện, tấm vải kia phải làm đặc biệt với hoa văn phúc thọ phủ kín xen lẫn với chữ “Sư”, dây cột bằng lụa có tua rua rủ xuống, đẹp đến độ có thể bán riêng.
Nàng muốn làm cho bao bánh kem màu đỏ của Sư Gia Hảo Vị trở thành một thương hiệu có thể sánh ngang với những đôi giày đế đỏ của thế hệ sau.
(Đế đỏ là chi tiết đặc trưng huyền thoại của giày cao gót Christian Louboutin, biểu tượng của sự giàu sang và đẳng cấp)
Dẫu thời cổ đại không có luật bản quyền, sau này sẽ có hàng loạt hàng nhái, nhưng ngay khi mọi người nhìn thấy hộp bánh với tấm phủ vải đỏ, điều đầu tiên nghĩ đến chính là chiếc bánh sinh nhật thơm ngon của Sư Gia Hảo Vị!
Bánh kem được định giá căn cứ theo kích cỡ và độ cao cụ thể, nhưng nếu là khách quý, hoặc là khách hàng cao cấp với mức tiêu phí hàng năm đạt tới trình độ nhất định, có thể mỗi năm chỉ định một thành viên trong gia đình khi ăn sinh nhật sẽ được Sư Gia Hảo Vị gióng trống khua chiêng tặng bánh kem.
Sư Nhạn Hành nói: “Lần này làm tiệc tôi không cần thù lao, chỉ xin một cơ hội cho bánh kem được long trọng ra mắt.”
Trịnh Bình An nghe vậy sửng sốt.
Ta chỉ tới đặt bàn tiệc thôi mà, sao lại có cảm giác sự tình dần dần phức tạp thế?!
Mấy vụ đàm phán kinh doanh thật sự không phải sở trường của mình.
Trịnh Bình An cũng không làm căng, quyết định. . . chưa cho câu trả lời, trước tiên chạy về báo cho phụ thân.
Trịnh Nghĩa nghe xong hơi sững sờ, quay sang nhìn con cả.
Trịnh Như Ý cũng sững sờ, đưa mắt cho em trai:
Cha có ý gì thế?
Trịnh Bình An: “. . .”
Làm sao đệ biết được?!
Trịnh Nghĩa vừa thấy, bất lực thở dài: “Đây là cơ hội kinh doanh đấy!”
Sinh ra hai đứa con trai, khổ nỗi không đứa nào nhanh nhạy giống mình?
Thực tế thì không hẳn như vậy, chỉ là khi Trịnh Như Ý sinh ra thì gia đình đã khá giả, không gặp khó khăn trong cuộc sống nên đương nhiên không phải khổ tâm kinh doanh như trưởng bối.
Đây là nguyên nhân thế hệ sau không bằng thế hệ trước: Thiếu đi cảm giác khủng hoảng.
Trịnh Như Ý bừng tỉnh: “Con tưởng rằng cha đang định nói gì khác. Quả thật là cơ hội kinh doanh ạ, đầu óc của tiểu cô nương kia rất linh hoạt!”
Khách mời tham dự tiệc mùng thọ của mẫu thân đều là những nhân vật nổi tiếng trong và ngoài huyện, nghèo đến mức chỉ còn lại tiền, quan tâm chỉ mỗi thể diện.
Nếu phát hiện một thứ gì đó độc nhất vô nhị, ai lại không muốn?
Vụ kinh doanh này chẳng phải có thể phất cao hay sao?
Trịnh Nghĩa nghe xong, không biết nên khóc hay cười, lắc đầu: “Thôi, để ta tự đi nói chuyện với con bé.”
Trịnh Như Ý cảm thấy có gì đó sai sai.
Nhìn biểu cảm của cha, vậy là mình nói không đúng hay nói không hết ý?
Trịnh Nghĩa quả nhiên đích thân đến Sư Gia Hảo Vị.
Đây là lần đầu tiên ông tới sau khi cửa tiệm khai trương.
Vừa gặp Sư Nhạn Hành, Trịnh Nghĩa lập tức đi thẳng vào vấn đề, nói thù lao vẫn phải trả, nhưng muốn thương lượng một mối làm ăn -- -- Sau này Sư Gia Hảo Vị dùng vải đỏ phủ bánh kem phải lấy từ tiệm vải Trịnh gia.
Trịnh Như Ý: “!!!”
Hóa ra còn ẩn giấu một mối làm ăn kiểu vậy?!
Sư Nhạn Hành mỉm cười.
Nàng không trả lời một cách rõ ràng, chỉ nói lập lờ.
“Đại lão gia nói đùa, toàn bộ huyện Ngũ Công chỉ có tiệm vải Trịnh gia là lớn nhất và nhiều chủng loại nhất, giá cả cũng phải chăng. Không mua vải của tiệm Trịnh gia thì mua của ai bây giờ?”
Trịnh Nghĩa tự động lọc ra những lời xu nịnh không mềm không cứng, cũng cười theo.
“Hai chúng ta đều biết đó không phải điều ta muốn nói.”
Ông dừng một chút, nhìn thực khách nối liền không dứt bên ngoài, trong lòng thầm tán thưởng vô cùng.
Sư gia mở tiệm chưa được bao lâu mà đã đứng vững gót chân trong thành, điều mà không mấy cửa hàng lâu năm có thể đạt được.
Có đôi khi ông muốn mổ đầu cô gái này ra xem bên trong có bao nhiêu tư duy quái đản. Tại sao những ý tưởng mới mẻ cứ phun ra mãi không dứt?
“Việc kinh doanh này chắc chắn sẽ phát triển trong tương lai. Nếu mỗi chiếc bánh kem được bọc bằng vải đỏ và cột dải lụa thì lượng vải tiêu thụ trong một năm sẽ không phải là số lượng nhỏ, nhưng hiện giờ các ngươi mua vải bên ngoài sẽ rất phiền toái và không có lời. Nếu mua với số lượng ít thì người ta chưa chắc để bụng.
Chi bằng chúng ta ký kết một hiệp ước với nhau, chúng ta sẽ bán vải cho ngươi với giá rẻ. Nếu ngươi muốn mẫu nào thì có thể trực tiếp đặt xưởng dệt ngay, đỡ phải mất công chạy lòng vòng. . .”
Không hổ là một thương gia kỳ cựu quá giảo hoạt, chỉ bằng mấy câu mà Trịnh Nghĩa đã nói ra được mọi khó khăn trước mắt của Sư Gia Hảo Vị.
Dạo gần đây, Sư Gia Hảo Vị xác thật đã tạo được tiếng vang trong huyện thành, nhưng xét đến cùng thì quy mô vẫn còn quá nhỏ. Do sợ hàng hóa và tiền vốn tồn đọng nên Sư Nhạn Hành không có khả năng đặt hàng quá nhiều.
Trước đó vài ngày, nàng đi khắp nơi tìm kiếm loại vải thích hợp, còn phải làm dây lụa và tua rua. Xưởng thêu vừa nghe chỉ cần mấy đơn hàng, lúc ấy bèn cười khì.
“Tiểu nương tử chớ đùa bỡn chúng ta, chỉ có vài món vậy thôi thì người nhà thức một đêm là làm xong, tội gì phải bỏ tiền!”
Cuối cùng nhờ Thúy Vân mới có được một dải lụa và tua rua đẹp đẽ tinh xảo.
Nhưng giao tình là giao tình, tiền bạc vẫn phải thanh toán, tuy Thúy Vân đã cho giá hữu nghị, nhưng số tiền phải trả đủ làm Sư Nhạn Hành thót tim.
Nếu có thể trực tiếp dệt một mẻ vải như lời Trịnh Nghĩa nói, vậy thì khi đóng gói chỉ cần cắt và viền đơn giản là được, ai cũng có thể làm.
Một đôi hồ ly lớn nhỏ lập tức triển khai một trận đàm phán kinh doanh khốc liệt. Họ đào hố cho nhau ngay tại chỗ, giằng co qua lại không ai nhường ai.
Nhìn thấy chủ đề của bữa tiệc mừng thọ dần dần lệch khỏi quỹ đạo, hai anh em Trịnh gia đi theo đều trợn mắt há hốc mồm.
Đây là thương gia chân chính đó hả?
Hai người giằng co suốt từ sáng đến trưa mới đạt được thỏa thuận sơ bộ:
Sư Nhạn Hành có thể dùng bữa tiệc mừng thọ của bà Trịnh làm dịp đầu tiên để chính thức ra mắt chiếc bánh sinh nhật, nhưng vẫn phải tập trung vào việc tổ chức lễ mừng thọ, không được phép quảng cáo hay để lại dấu vết quá trắng trợn.
Nhưng tương ứng, Trịnh Nghĩa có thể phối hợp cho bánh sinh nhật mọi hào quang khi xuất hiện và những ám chỉ mịt mờ.
Kế tiếp, tất nhiên khách khứa sẽ đặt câu hỏi, Trịnh Nghĩa cần đưa ra câu trả lời kịp thời và giúp đỡ nói lời hay.
Sư Nhạn Hành đến giúp chuẩn bị tiệc mừng thọ không lấy tiền, hơn nữa ký kết hợp đồng với tiệm vải:
Sau này tất cả tơ lụa vải vóc cần dùng trong Sư Gia Hảo Vị phải được lấy mối từ tiệm vải Trịnh thị, bao gồm nhưng không giới hạn bao vải và dải lụa của hộp bánh kem, cũng như đồng phục làm việc cho nhân viên trong và ngoài cửa hàng, cùng với khăn trải bàn, rèm cửa, v.v.
Tiệm vải Trịnh thị sẽ in nhãn hiệu của mình trên các loại vải mà tiệm cung cấp để tiến hành quảng bá đồng bộ.
Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để thỏa thuận này có hiệu lực là tiệm vải Trịnh thị phải hứa cung cấp cho Sư Gia Hảo Vị với mức giá thấp hơn 30% so với giá thị trường.
Nếu phát hiện tiệm vải Trịnh thị báo giá cao hơn giá thị trường của sản phẩm tương tự hoặc không đưa ra mức chiết khấu quy định trong thỏa thuận, Sư Gia Hảo Vị có quyền đơn phương không thực hiện hợp đồng và chọn vải từ các đối thủ cạnh tranh khác.
Mặt khác, nếu tiệm vải Trịnh thị không giao hàng kịp thời hoặc thành phẩm không đạt yêu cầu của Sư Gia Hảo Vị, tiệm vải Trịnh thị sẽ bồi thường gấp ba lần tổn thất gây ra.
Nếu giá lụa thô tăng cao do thiên tai hoặc các yếu tố không thể kiểm soát khác, hoặc chi phí vận chuyển gia tăng khiến giá vải thành phẩm giao động, hợp đồng này sẽ tạm thời gác lại để hai bên tiến hành đàm phán một lần nữa. . .
Đủ loại điều kiện khiến Trịnh Như Ý chết lặng.
Hình thức và nội dung của hợp đồng này hầu hết do Sư Nhạn Hành đề xuất và đích thân soạn thảo dưới sự giám sát của Trịnh Nghĩa, hoàn toàn khác với mô hình chung của triều Đại Lộc:
Chi tiết hơn, toàn diện hơn, trần trụi hơn.
Trịnh Như Ý nhìn cô gái nhỏ đang giằng co qua lại với cha, nhất thời không biết phải cảm giác thế nào.
Không lâu trước đó, theo lời mô tả của Nhị đệ, nàng chỉ là một cô nhóc nghèo đẩy xe kéo bán chén cơm lớn ở đầu đường. Ấy mà chỉ trong mấy tháng ngắn ngủn, nàng đã lắc mình biến hoá thành một cô chủ nhỏ có thể đàm phán kinh doanh trực tiếp với ông chủ lớn của tiệm vải Trịnh thị. . .
Nàng không còn là cô gái mồ côi cần người khác dốc sức che chở, không cần chờ đợi sự thương hại và ưu ái rò rỉ từ kẽ ngón tay của người khác mới có thể sống sót.
Mà nàng đã trở thành cô chủ điều hành một cửa tiệm có thể nuôi sống người khác.
Là một trong những người chứng kiến sự trưởng thành của Sư Nhạn Hành, Trịnh Như Ý đột nhiên có chút vui mừng và cũng có chút sợ hãi.
Vui mừng là vì sau này nhà mình có thêm một đối tác kinh doanh lâu dài. Nếu Sư Nhạn Hành chân chính trưởng thành, điều đó sẽ mang lại lợi ích lớn cho gia đình mình mà không gây tổn hại gì.
Sự hãi là vì, may mắn Sư Nhạn Hành không phải đối thủ cạnh tranh với nhà mình!
Bằng không chờ khi cha giải nghệ, bản thân mình thật đúng là chưa chắc trấn áp được người ta!
Hai người đang đàm phán đều không chú ý đến suy nghĩ tinh tế của Trịnh Như Ý:
Đa sầu đa cảm là vô giá trị khi kiếm tiền, biết không?!
Cảm khái hả? Ai quan tâm!
Sau khi kiếm được tiền, ôm túi bạc ngồi trên xe ngựa xa hoa mà cảm động phát khóc chẳng phải ngon lành hơn nhiều?
Hoàn thành xong bản thảo đầu tiên, Trịnh Nghĩa cảm thấy việc đền bù gấp ba có chút dư thừa và khó chịu.
Cảm giác không tín nhiệm tràn ngập!
Nhưng Sư Nhạn Hành lại nói lo trước khỏi hoạ, nếu cần, nàng cũng có thể bổ sung thêm khía cạnh Sư Gia Hảo Vị, chẳng hạn nếu Sư Gia Hảo Vị không thực hiện hợp đồng lén dùng vải vóc của tiệm khác, vậy thì cũng phải bồi thường, v.v.
Trịnh Nghĩa: “. . .”
Đấy chẳng phải là điều đương nhiên sao?
Tóm lại ngươi chỉ nghĩ bắt chẹt ta?
Đâu thể chơi khôn như vậy!
Hai người lại triển khai thêm một bước thảo luận về điểm này, và khi bản thảo cuối cùng được hoàn thiện thì đúng là một ngày trước khi Sư Nhạn Hành làm bánh sinh nhật.
Ngày qua ngày bận rộn đến mức gần như vượt quá giới hạn, Giang Hồi chỉ chứng kiến mà cũng mệt ngất ngư giùm Sư Nhạn Hành:
Nàng tựa như một con quay luôn xoay tròn, từ thân đến đầu không ngừng nghỉ một giây phút nào.
Ấy mà chính đương sự lại cảm thấy rất phấn khởi.
Mệt chết cũng không sợ, miễn có tiền là được, nàng dứt khoát không muốn chết vì nghèo!
Để đảm bảo không có sự cố gì xảy ra, vào ngày mừng thọ của bà Trịnh, lần đầu tiên Sư Gia Hảo Vị đóng cửa nghỉ bán.
Sáng sớm nàng đã dậy nướng bánh kem, nặn hoa, chuẩn bị tốt hộp đựng bánh có túi bột tiêu thạch dưới đáy để đạt tác dụng hạ nhiệt và bảo quản độ tươi.
Nhược điểm lớn nhất của bơ động vật là khó giữ được hình dạng, bắt buộc luôn giữ lạnh.
Sư Nhạn Hành nghĩ kỹ rồi, nếu sau này bánh kem được bán công khai, nó sẽ phải đi kèm với một túi chườm đá. Tuy nhiên thứ này có thể sử dụng nhiều lần, vì vậy tốt nhất nên để khách hàng trả lại.
Chi bằng định ra tiền thế chân. . .
Ngũ Công là một huyện thành điển hình của phương Bắc, người dân địa phương từ bao thế hệ đã yêu thích mì phở. Trong những ngày lễ ngày Tết, họ sẽ hấp những loại bánh nhiều kiểu dáng và vẽ lên hoa văn màu mè rất đẹp mắt.
Sư Nhạn Hành sử dụng màu thực phẩm từ bánh hấp để điều phối muôn màu rực rỡ cho kem bơ.
Mặc dù không có nhiều loại màu ngoại trừ đỏ, vàng, xanh, lục, nhưng nhờ ba màu cơ bản mà có thể phối ra rất nhiều màu sắc hữu dụng.
Thành thật mà nói, kỹ năng trang trí bánh kem của nàng chỉ có thể coi là ở mức trung bình, bởi vì kiếp trước khi nàng học bắt bông kem, ngành bánh ngọt chủ trương theo phong cách cổ điển nên cách trang trí cũng tối giản, nói trắng ra là chả cần kỹ năng gì nhiều.
Hơn nữa đã rất lâu nàng không đích thân trang trí bánh kem, do đó kỹ năng thụt lùi không ít.
Sư Nhạn Hành luyện tập bền bỉ mấy ngày đêm, cứ bắt bông kem xong rồi xóa đi làm lại, đến lúc này mới từ từ tìm về xúc cảm.
Không ai biết kiểu dáng chiếc bánh sinh nhật thế nào, chỉ chờ đợi một điều bất ngờ.
Nhưng thật ra trước khi ký hợp đồng, Trịnh Nghĩa đã xem và nếm thử phiên bản sơ cấp, đánh giá nó khá cao.
Tinh tế mềm mại, thơm ngọt bắt mắt, phía trên còn được trang trí những đóa hoa kem bơ ba chiều chưa bao giờ nhìn thấy. . .
Thật ra nếu xét về độ tinh xảo, bánh ngọt kiểu Tây không thể nào qua mặt được bánh ngọt truyền thống kiểu Trung Quốc đã trải qua mấy ngàn năm khảo nghiệm, nhưng thắng ở điểm mới lạ.
Đối với kẻ có tiền, thứ gì mà người khác không có mới là tốt nhất.
Bọn họ khinh thường dùng đồ giống người bình dân, chỉ cần món đó là mặt hàng độc nhất vô nhị thì bọn họ sẽ vung tiền ra mua.
Giá cả à? Nhằm nhò gì!
Chính vì thế, ngay từ đầu Sư Nhạn Hành đã định tung ra bánh sinh nhật để nhắm vào những kẻ rủng rỉnh.
Chỉ đào hố cho người giàu, ta thuộc loại cướp phú tế bần, thật sự cảm động muốn chết!
Hết thảy đều tiến hành theo kế hoạch.
Tuy năm nay không phải tuổi thọ chẵn chục của bà Trịnh, nhưng Trịnh Nghĩa - người nổi tiếng của huyện Ngũ Công - vẫn tổ chức một buổi tiệc mừng thọ long trọng cho vợ.
Đã sống tới số tuổi này như họ, chẵn chục hay không thì vẫn có thể lăn ra chết bất cứ lúc nào.
Có thể hưởng thụ một ngày thì cứ tính một ngày!
Tiệc mừng thọ hôm nay chủ yếu dùng món ăn của đầu bếp Triệu, xen kẽ với những món ăn kèm đặc sắc của tiệm Sư Gia Hảo Vị: Nguyên nhân chính là vì Sư Nhạn Hành dồn hết tinh lực cho cái bánh kem, thực sự không còn giờ rảnh.
Đầu bếp Triệu cảm thấy mỹ mãn.
Tặng quà, chúc rượu, ăn mì thọ đều diễn ra bình thường, không có gì hiếm lạ.
Mãi đến khi người “Giới thiệu chương trình” tuyên bố cô chủ của Sư Gia Hảo Vị đặc biệt làm chiếc bánh để mừng thọ, lúc này mới gây ra làn sóng dư luận đầu tiên.
Sư Gia Hảo Vị ấy à, dạo này đã thành điểm nóng trong huyện, dẫu có người chưa từng ăn đồ của tiệm này thì cũng không có khả năng chưa từng nghe qua tên này.
Mọi người đồng loạt tò mò nhìn Sư Nhạn Hành bưng ra một chiếc hộp to bọc vải đỏ, thầm nghĩ không biết kỳ này cô chủ nhỏ lại cho ra thứ gì hiếm lạ?
Không bao lâu, hộp mở ra, bên trong là ba tầng bánh chồng lên nhau, thu hẹp dần từ dưới lên trên giống như thửa ruộng bậc thang, xung quanh mỗi tầng đều trang trí những đóa hoa vàng lá xanh rất sống động.
“Ôi trời, màu sắc tươi sáng quá!”
“Đó là hoa ấy à? Đẹp lạ kỳ. . .”
“Thơm ngào ngạt mùi sữa.”
Thời cổ đại thổi nến bị coi là hành động xui xẻo, chẳng hạn như trong lễ cưới hay lễ mừng thọ, mọi người đều đốt nến hỉ và để cháy cho đến lúc tự tắt, vì thế Sư Nhạn Hành hủy bỏ quá trình thổi nến.
Nhưng cắt bánh kem vẫn có thể làm, hơn nữa phải làm một cách long trọng.
Dân gian có tục lệ ăn chung đồ ăn với lão thọ tinh là “Hưởng ké không khí vui mừng”, dùng tục lệ này để phát huy là thích hợp nhất.
Sư Nhạn Hành mỉm cười nói với bà Trịnh: “Đây là bánh thọ làm đặc biệt cho đại lão phu nhân. Xin mời đại lão phu nhân thầm ước nguyện, sau dó tự tay cắt lát bánh đầu tiên rồi phân phát cho khách tham dự, đây gọi là cùng vui cùng thọ. . .”
Hiện giờ bà Trịnh vẫn chưa tính là hưởng cao thọ, nhưng cuộc sống của bà êm đềm, tuổi già hạnh phúc, bên ngoài không biết bao nhiêu người ngưỡng mộ.
Cho nên Sư Nhạn Hành vừa nói xong, lập tức có người nịnh theo:
“Cách này rất tốt, thọ tinh mau cắt vài miếng bánh thọ cho chúng ta nếm cùng, nhờ vậy hưởng ké không khí vui mừng!”
“Đúng vậy, bánh thọ này còn được chia ra chứ không giống mì thọ hưởng một mình. . .”
Mọi người đều cười ồ, bà Trịnh cảm giác mặt mình phát sáng, vô cùng vui sướng.
“Nếu là thế, ta sẽ cắt lát đầu tiên!”
Ở giữa ba tầng bánh kem đều có giá đỡ, mỗi tầng có nhân khác nhau:
Sơn tra, tinh dầu hoa hồng, và dâu mùa xuân của địa phương, đều chua ngọt ngon miệng, sảng khoái mê người.
Bánh kem được cắt ra, phần bánh chính màu vàng nhạt, lớp kem phủ ngoài màu trắng, kẹp giữa là lớp mứt trái cây xinh đẹp, từng lát bánh rất hấp dẫn khiến mọi người đều tò mò.
Tầng trên cùng còn dùng kem bơ viết bốn chữ “Thọ tỷ Nam Sơn”. Trịnh Như Ý tự tay cắt lấy phần bánh với chữ “Thọ” dâng đến trước mặt bà Trịnh: “Mẫu thân ăn miếng này là có thể sống lâu trăm tuổi!”
Ông chồng chung thủy, con trai hiếu thảo, cháu nội khỏe mạnh hoạt bát, bà Trịnh nhìn quanh bốn phía, cũng cảm thấy cuộc đời của mình vô cùng viên mãn.
Gương mặt bà rạng ngời niềm vui, liên tục nói tốt lắm. Bà ăn thử miếng đầu tiên, cảm nhận độ mềm mại tinh tế thơm ngọt đầy miệng nên khen không dứt lời, sau đó mời mọi người cùng thưởng thức, không khí hoà thuận vui vẻ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top