55. ĂN TẾT
55. ĂN TẾT
Khi Giang Hồi khéo léo nhắc nhở Sư Nhạn Hành chỉ còn chưa đầy mười ngày nữa là sang năm mới, nên cho các học viên nghỉ lễ, Sư Nhạn Hành sửng sốt một lúc.
Năm mới?
Năm mới và nghỉ lễ liên quan gì với nhau?
Đối với Sư Nhạn Hành ở kiếp trước, năm mới không khác gì những ngày thường.
Người dân thành thị hiện đại không được phép đốt pháo và bắn pháo hoa! Thực sự chẳng hề có không khí Tết chút nào.
Hơn nữa càng ngày càng nhiều người lựa chọn ra ngoài đặt bàn cơm tất niên, trước khi sang năm mới là thời điểm đẩy mạnh tiêu thụ trong ngành ẩm thực.
Đối với một người cuồng sự nghiệp như nàng, từ bỏ cơ hội kiếm tiền quả thực là không thể nào!
Đây cũng là thời điểm tốt nhất để doanh nghiệp tạo dựng uy tín và chiếm được cảm tình của người tiêu dùng:
Hãy đến các tổ chức từ thiện để thể hiện tình yêu thương, thăm hỏi người già mồ côi và trẻ em nghèo, cung cấp bữa tối tất niên miễn phí cho các cơ quan đặc biệt như sở cứu hỏa. Nếu thực hiện đúng cách, những việc làm đó sẽ được công bố trên trang bìa của các tạp chí và kênh tin tức địa phương, nhờ được tuyên truyền kiểu này mà ấn tượng của người dân và chính phủ sẽ tăng vùn vụt.
Đến mùa ế ẩm thì nhân viên sẽ được nghỉ bù, các nhân viên cũng rất thích được hưởng lương giờ gấp đôi nếu làm tăng ca, ngoài ra có thêm tiền thưởng cuối năm trong bao lì xì để ăn Tết là vui quá rồi!
Nàng luôn đối xử với nhân viên rất hào phóng, không bao giờ lạm dụng tình cảm.
Nếu các bạn dám làm thì tôi dám chi, giản dị tự nhiên vậy đó.
Cứ cho ra phúc lợi đúng chỗ, tình cảm tự nhiên nảy sinh.
Nghe xong Sư Nhạn Hành miêu tả, ánh mắt Giang Hồi tràn ngập thương cảm và kinh ngạc.
“Đời trước mi sống thế à?”
Ăn Tết cũng làm việc?
Vậy ngày thường làm việc vì mục đích gì?
Sư Nhạn Hành lặng lẽ nói: “So với nghỉ ngơi mà nghèo rớt mồng tơi, tôi tình nguyện mệt chết trên đống tiền.”
Tình thân tình bạn tình yêu đều có khả năng bỏ ta mà đi, duy nhất tiền tài sẽ không phản bội.
Ôi, có tiền thật tốt!
Giang Hồi nghẹn lời, bất đắc dĩ lắc đầu: “Mi thật sự bị đồng tiền thôi miên.”
Ngư Trận vừa tỉnh ngủ, dụi mắt chui ra khỏi chăn, nghe vậy lè nhè học theo: “Đồng tiền thôi miên. . .”
Bàn tay tự động sờ soạng túi tiền riêng của bé.
Giang Hồi bật cười, lôi cô nhóc ra khỏi ổ chăn: “Nào, thử y phục mới nhé!”
Dạo này Giang Hồi vẫn luôn bàn bạc với Sư Nhạn Hành về việc chuyển nhà sang năm, sau đó phát hiện gia sản chỉ có vài món nhưng vải vóc thật sự quá nhiều, vì thế quyết định tận lực cắt may trang phục và đệm chăn.
Thứ nhất, việc vận chuyển dễ dàng và kín đáo hơn; thứ hai, khi cần phải đi gặp quý nhân ở huyện thành cũng không sợ mất mặt.
Trải qua hơn mười ngày cắt may điên cuồng, ngay cả Giang Hồi nhận phần ít nhất mà cũng có đến bốn bộ đồ mới.
Cô thậm chí tính luôn cả trang phục hè!
“Nơi này mùa xuân rất ngắn, dùng áo khoác mỏng mấy ngày là có thể đổi sang trang phục hè. Quần áo cho mùa xuân và mùa thu chỉ cần một phần là đủ.” Giang Hồi giải thích.
Đặc biệt Sư Nhạn Hành được nhiều đồ mới nhất, tổng cộng mười hai bộ.
Hai bộ áo bông vải gấm dệt nổi, đều là mầu sắc tươi sáng để mặc đi chúc Tết khắp nơi, dẫu gặp ông quan Huyện cũng không mất lễ nghĩa.
Hiện giờ thân thể của nàng đang tuổi phát triển nên phải may trừ hao giấu vào trong, năm sau vóc người thay đổi có thể tháo chỉ tiếp tục mặc.
Giang Hồi khéo tay, may giấu kích cỡ mà nhìn không ra.
Áo bông bằng vải thường đã có hai bộ của nhà Vương Đào tặng, trước đó cũng may cho cả nhà rồi nên kỳ này chỉ làm thêm một bộ.
Tất cả đều dùng bông mới của năm nay, mịn màng, mềm mại và vô cùng ấm áp.
Trang phục hè không cần lớp lót nên dễ may, hơn nữa hè nóng phải thay đồ thường xuyên, Giang Hồi làm cho nàng một hơi sáu bộ.
Dù sao cũng đều cùng một kích cỡ nên cứ chồng lên nhau cắt một lúc rất tiện.
Trang phục mùa xuân làm ba bộ.
Mùa thu còn lâu mới tới, nếu cần gấp thì có thể mặc tạm đồ mùa xuân, vì thế không cần may vội.
Vải gấm dệt nổi không cần thêu hoa, viền biên là đủ.
Thời gian không kịp để thêu hoa văn phức tạp lên vải lụa trơn, Giang Hồi chọn những bộ cần mặc ngay lập tức để thêu vài mẫu đơn giản lên cổ áo và cổ tay áo, hoặc là hoa văn cát tường, hoặc là hoa bướm chim cá gì đó. Chỉ vài mũi thêu đơn giản mà trông còn đẹp hơn hoa đoàn cẩm thốc, vô cùng thanh lịch nhã nhặn.
Những bộ còn lại thì để đến huyện thành từ từ thêu sau.
Ai cũng thích mặc đồ mới, Sư Nhạn Hành diện vào trông rất đẹp, còn Ngư Trận thì vui sướng cười tít cả mắt.
Khi thông báo cho mọi người bắt đầu nghỉ lễ, Đậu Tử rủ các nàng đi họp chợ trên thị trấn vào ngày hai mươi lăm tháng chạp.
“Tuy nói cứ cách năm ngày là họp chợ, nhưng vào hôm giao thừa ai lại ra bày quán? Đầu tháng giêng cũng hiếm người buôn bán lắm, phải đợi đến ngày mười lăm mới chính thức náo nhiệt. Các vị mới từ huyện thành về chắc không cần mua thêm gì, nhưng đi dạo chợ trước khi hết năm cũng thú vị lắm!”
Hôm nay là ngày hai mươi hai tháng chạp, nói cách khác, gần một tháng kế tiếp sẽ không có trò giải trí nào.
Sư Nhạn Hành suy nghĩ một chút rồi đồng ý.
Ngày hai mươi ba tháng chạp, quản sự Tiểu Hồ bất ngờ ghé đến, báo là Trịnh Nghĩa nhờ người hỏi thăm vụ thuê nữ hộ vệ đã có kết quả.
“Hiện tại có hai người thích hợp, cô nương có thể chọn một, nhưng cá nhân lão gia nghiêng về vị Hồ Tam nương tử hơn. . .”
Hai vị nữ đô vật này đều từ nơi khác, có chút danh tiếng trong ngành. Người thứ nhất vừa nghỉ hưu năm ngoái và đang tìm chủ gia, cô ta có kỹ năng tốt nhưng tính tình lại khá tranh cường háo thắng. Trịnh Nghĩa lo lắng cô ta thấy chủ nhân nhỏ tuổi sẽ không phục tùng.
Người thứ hai là Hồ Tam nương tử thường được gọi là Hồ Tam tỷ, đã làm hộ vệ được ba năm, có kinh nghiệm phong phú và danh tiếng rất tốt.
Chỉ vì đầu mùa đông gia đình người chủ gặp nạn, bị mất trắng gia sản nên đành phải giải tán tôi tớ để về quê, dĩ nhiên không có khả năng thuê hộ vệ.
Ấy mà Hồ Tam nương tử lại niệm tình cũ, nói cả nhà chủ nhân hồi hương có thể không an toàn, vì thế muốn đích thân hộ tống họ về quê mới yên tâm, không lấy một xu.
Người quen của Trịnh Nghĩa đã liên lạc với Hồ Tam nương tử, nói sơ qua về nhu cầu thuê hộ vệ của Sư Nhạn Hành, Hồ Tam nương tử nguyện ý nhận việc.
“Ngặt nỗi vào mùa đông lên đường không tiện, ước chừng phải đến giữa tháng hai tôi mới về tới nơi. Nếu vị tiểu nương tử kia có thể chờ được, tôi sẽ trình diện; nếu chờ không được thì đành coi như có duyên không phận.”
Sư Nhạn Hành nghe xong cũng có chung ý kiến với Trịnh Nghĩa:
Vị Hồ Tam nương tử có kinh nghiệm và danh tiếng tốt. Điều đáng quý nhất là cô ta trọng tình trọng nghĩa, hiển nhiên càng đáng tin cậy hơn người trước.
Thời gian tuy không hoàn toàn trùng khớp, nhưng chuyện đời đâu thể lúc nào cũng phải thập toàn thập mỹ?
Huống hồ cửa tiệm mặt tiền có vị trí khá tốt, cách huyện nha không xa. Theo lời Chu Khai, đây là đoạn đường các nha dịch thường xuyên tuần tra nhất, chắc hẳn đám lưu manh không dám tới gây rối.
Dù sao cũng chỉ thêm một tháng, chẳng lẽ không thể chờ nổi?
Nháy mắt đã tới ngày hai mươi lăm tháng chạp, gần như toàn thôn xuất hành!
Sư Nhạn Hành nhìn hoa cả mắt.
Sáng sớm vừa mở cửa đã thấy dòng người chen chúc, kể cả ông già, bà già và trẻ nhỏ vốn không thường ra khỏi cửa cũng góp mặt vui chơi.
Có người chỉ muốn ra ngoài cho thoáng khí, cũng có người thật sự cần sắm hàng tết nên mới đi!
Nhà nào có xe thì đi xe, không có xe thì đi bộ, hoặc là mấy nhà tụ lại đi cùng nhau.
Đa số đều mặc đồ mới, chải đầu bóng loáng, đàn ông thì tỉa râu, phụ nữ cài trâm hoa, nói nói cười cười, ai nấy đều vui vẻ rạng rỡ.
“Mẹ Táp Táp, cả nhà cũng đi họp chợ à? Đi chung nhé!”
Bà thím trước cửa nhiệt tình mời mọc.
Giang Hồi nhìn Sư Nhạn Hành hỏi ý.
“Được thôi!”
“Ôi chao, đây là đồ mới may hả?” Đến gần, thím ấy cầm tay Giang Hồi ngắm nghía, vừa định giơ tay sờ vào hình thêu hoa mai trên cổ áo nhưng chưa chạm vào đã vội rụt về ngay.
“Tay ta thô ráp, sợ làm sổ chỉ.”
Phụ nữ nông thôn thỉnh thoảng có chút tiền dư dả cũng thích mua chỉ màu sặc sỡ thêu vài bông hoa lên xiêm y.
Nhưng mẫu thêu của mẹ Táp Táp trông đơn giản mà vô cùng sống động, đẹp khó tả.
Giang Hồi hiện giờ quản giao hơn nhiều, biết rằng về sau tuy phải rời khỏi thôn Quách Trương để làm ăn, nhưng nơi này vẫn là căn cứ cũng như đường lui cuối cùng của nhà mình, vì thế rất chịu khó giữ mối quan hệ tốt với thôn dân.
“Mẫu thêu này không khó, nếu tẩu thích, tôi sẽ vẽ vài mẫu hoa văn cho tẩu.”
“Thế thì tốt quá! À phải, hôm kia người nhà mẹ đẻ tới cho ít quả sơn tra, nếu ngươi không chê, chiều về ta đưa qua một ít?”
Thím kia không hề đẩy đưa khách sáo.
Giang Hồi cũng đồng ý ngay.
Có qua có lại thì dễ dàng tạo dựng tình cảm.
Đưa mắt nhìn xung quanh, cả con đường đều đầy xe cộ! Cách thật xa vẫn có thể thấy bụi mù tốc lên cuồn cuộn.
Nếu có người không rõ nội tình, nhìn cảnh này còn tưởng cả thôn đang dọn nhà!
Chưa vào được trấn Thanh Sơn mà đã bị kẹt cứng.
Trước đó mỗi thôn được chỉ định một vùng đất, dùng dây thừng bao quanh, xe của các nhà đều dừng ở đây, mỗi thôn cử ra vài người thay phiên trông xe.
Sư Nhạn Hành cũng gởi lại xe la.
Thật là biển người tấp nập!
Vốn đã giao hẹn hai nhà đi cùng, ngặt nỗi người quá nhiều nên đi vài bước đã bị lạc nhau.
Các hàng quán bán thịt bán đồ ăn khỏi cần phải nói, ngoài ra còn có rất nhiều sạp bán đồ ăn vặt ngày thường khó gặp, còn có tiểu thương vận chuyển đến cả lu dưa muối nhà làm.
Hiện giờ người thôn Quách Trương rất coi thường loại dưa muối bán ngoài đầu đường này:
Chúng ta bán trực tiếp cho tửu lầu đấy nhé!
Đối với dân nông thôn mà nói thì kẹo là mặt hàng xa xỉ, ngày thường không nỡ bỏ tiền ra mua, đến cuối năm bèn cố bóp bụng mua một ít để hưởng chút ngọt ngào.
Bán chạy nhất là kẹo mạch nha màu hổ phách, đa số mua cho con nít, hai văn tiền một que.
Giao tiền, người bán sẽ dùng que gỗ cắm vào thùng gỗ đựng đầy mạch nha rồi xoắn vài cái, cuối cùng vặn thành một viên nhỏ giống như cây kẹo que.
Chỉ vậy thôi mà mất hai văn tiền, không phải nhà nào cũng mua được.
Có đứa bé thèm đến mức mút ngón tay, túm áo cha mẹ nài nỉ: “Con muốn ăn!”
Người cha ngượng ngùng sờ túi tiền, sau đó dứt khoát giơ tay phát vào mông nhóc một cái: “Ăn ăn ăn, tối ngày chỉ biết ăn thì tiền đâu cho đủ!”
Mắng xong bèn kéo đi.
Đứa bé nào hiểu được gia cảnh khó khăn, trơ mắt nhìn những đứa trẻ khác sung sướng mút kẹo, uất ức vô cùng, nhắm mắt gân cổ gào khóc.
Giang Hồi hỏi Sư Nhạn Hành và Ngư Trận: “Muốn ăn không?”
Sư Nhạn Hành: “. . .”
Đây là đang dỗ con nít à?
Rốt cuộc mua ba cái.
Sư Nhạn Hành cảm thấy thú vị, giơ que kẹo ra ánh sáng ngắm nghía.
Kẹo mạch nha có màu mật ong rất đậm, giống một viên hổ phách nhân tạo, có thể thấy rõ dấu vết kéo sợi và bọt khí bên trong, hơi giống mặt hồ vừa bị đông cứng.
Trời rất lạnh, miệng người nào cũng phun ra luồng hơi trắng xóa. Viên kẹo mạch nha rời khỏi thùng gỗ bọc bông giữ ấm nhanh chóng cứng lại và bóng loáng, tỏa sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời mùa đông.
Sư Nhạn Hành nhìn một hồi, loại cảm giác ngây thơ chất phác rất xa lạ với nàng thoáng ùa về.
Ngư Trận không có nhiều suy nghĩ như vậy, vừa nhận que kẹo là hối hả mút ngay, vui vẻ nhận xét: “Ngọt lắm!”
Sư Nhạn Hành bật cười, cũng bắt chước bé mút kẹo.
Ừm, rất ngọt ngào, hương vị vô cùng thuần khiết.
Có lẽ người đông, có lẽ ngày nắng đẹp, tuy có gió lạnh xẹt qua mặt, nhưng đi một đoạn là toàn thân trở nên ấm áp.
Nhìn dòng người chen chúc bốn phía, Sư Nhạn Hành thích thú nheo mắt, cảm nhận được nỗi vui sướng thuần túy đã quên đi từ lâu.
Chen về phía trước một đoạn còn có người bán kẹo gõ.
Một khối kẹo vuông vức màu vàng nhạt to chừng cục đá xây nhà.
Người bán đứng bên cạnh, tay cầm cây búa nhỏ bằng gỗ, ai muốn mua thì gõ vào khối kẹo, đập ra bao nhiêu thì tính bấy nhiêu.
Có người ngại nhiều, gã bèn hùng hổ phản bác: “Gõ kiểu này sao có thể vừa đủ!”
Giờ này khắc này nơi này, gã chính là ông vua nắm quyền sinh sát trong tay
Người bán kẹo gõ dữ dằn quá khiến Ngư Trận sợ tới mức rụt cổ.
Sư Nhạn Hành thấy buồn cười, nghe Giang Hồi thì thầm bên tai: “Trong cửa tiệm bán loại kẹo làm sẵn to bằng đầu ngón tay, có thể mua theo cân, chúng ta không cần thứ này.”
Hố người ta à!
Hơn nữa loại kẹo gõ này không được tốt, có tạp chất.
Loại kẹo chất lượng cao được những người thợ kéo ra thành từng khối bằng lóng tay, sau đó lẹ làng cắt đứt bằng sợi chỉ.
Khúc kẹo cắt đứt sẽ nhanh chóng được định hình, biến thành từng viên kẹo tròn vo, vừa tiện vừa đậm chất lễ hội.
Không chỉ có kẹo, ngày Tết còn mua mấy loại bánh hạch đào, bánh quân cờ, bánh sợi chiên, có khách đến chơi thì bày ra đĩa chiêu đãi.
Những gánh xiếc ảo thuật ngày thường hiếm gặp là nơi hấp dẫn đám đông nhất.
Xiếc khỉ, đi cà kheo, múa chèo thuyền, vũ sư tử, cách thật xa đã nghe được tiếng chiêng trống rung trời.
Dân chúng chen chúc đứng xem vòng trong vòng ngoài, thỉnh thoảng ầm ầm vang lên tiếng vỗ tay và tiếng reo hò khen ngợi.
Ba mẹ con Giang Hồi không cách gì len vào nổi, đang ảo não thì Sư Nhạn Hành chỉ vào một tòa nhà cách đó không xa, cười khúc khích: “Đã tới nơi, ghé vào thăm nào!”
Giang Hồi ngước lên nhìn, hóa ra là tửu lầu Lục gia.
Tửu lầu Lục gia cao mà, lên lầu hai là vừa vặn có thể nhìn xuống mấy gánh bán nghệ, còn không sợ chen lấn.
Sắp ăn Tết, quản lý Ngô cũng đã thay một chiếc áo khoác màu đỏ lễ lạc có hoa văn đồng xu, vừa thấy ba mẹ con Sư Nhạn Hành từ xa đã tươi cười ra đón.
“Mau vào đi!”
Sư Nhạn Hành cười cười: “Hôm nay chúng tôi tới mượn chỗ vui chơi.”
Quản lý Ngô cười ha hả, đích thân đưa các nàng lên lầu hai: “Nên vậy mà, là bằng hữu với nhau, cứ đến chơi chứ đâu cần phải có việc mới tới.”
Ông ta đưa họ vào phòng riêng, kêu người mang lên bánh kẹo trái cây.
Sư Nhạn Hành từ chối, nói chỉ cần xếp cho mình vào một bàn trống nào đó là được, quản lý Ngô gạt đi: “Đừng ngại, gian phòng này vốn dùng khi chủ nhân thương lượng với người đến mua bán, bình thường cũng để không. Hôm nay người nhiều hỗn độn, chưa chừng có kẻ tâm thuật bất chính, các vị đều là nữ quyến còn có trẻ em, vẫn không nên ra ngoài tốt hơn.”
Lúc này Sư Nhạn Hành mới sực nhớ, thời đại này bọn bắt cóc rất hoành hành, đặc biệt ngày lễ ngày tết càng phải đề cao cảnh giác, vì vậy trịnh trọng nói lời cảm tạ.
Quản lý Ngô cũng bận rộn, mới nói sơ vài câu đã bị kêu đi rồi. Còn lại ba mẹ con vịn gờ cửa sổ, yên tâm xem diễn.
Phía dưới đang múa chèo thuyền, cả nam lẫn nữ đều ăn mặc loè loẹt, mặt trét phấn trắng bệch, hai má quệt hai mảng đỏ hồng, hợp với động tác cường điệu và hài hước đã khiến mọi người cười không ngừng.
Ở giữa còn có màn phun lửa.
Người đàn ông cường tráng kia cố ý cởi áo, trưng ra bộ ngực lông lá như lợn rừng, tay cầm gậy gỗ, uống một ngụm rượu rồi phun ra ngọn lửa cao mấy mét.
Ba mẹ con Sư Nhạn Hành ở lầu hai mà vẫn có thể cảm nhận được sức nóng ập vào mặt, vừa kinh ngạc vừa thú vị, hết cười rồi la hét vô cùng vui vẻ.
Rời khỏi tửu lầu Lục gia, quản lý Ngô đặc biệt trao cho Sư Nhạn Hành một bao lớn.
“Đây là một ít pháo hoa, mang về phóng cho vui, các dân làng cũng được xem náo nhiệt.”
Mấy ngày kế tiếp, Sư Nhạn Hành bị Giang Hồi bắt buộc lấy kỳ nghỉ đông đầu tiên trong hai đời khiến cả người nàng bứt rứt.
Thật sự không thể ngồi yên, nàng bò dậy làm bánh bao hấp và đồ chiên.
Trước đó mua hai con heo từ Trương đồ tể, sau khi làm quà Tết tặng các nơi đều hết sạch, hiện giờ mua thêm một con khác để ăn.
Bánh bao nhân cải trắng, nhân củ sen, nhân đậu que khô, nhân rau tể thái khô, v.v. . . đều trộn với thịt heo băm nhuyễn, ăn ngon cực kỳ!
Về đồ chiên cũng làm nhiều loại, thịt viên củ cải chiên, thịt viên đậu hủ chiên, rồi đến củ sen kẹp thịt chiên, khoai tây kẹp thịt chiên, dùng cả nửa nồi dầu.
Ngoài ra còn thắng một vại mỡ heo trắng như tuyết, nhắm chừng có thể ăn đến ngày mười lăm chuyển nhà là xong.
Tóp mỡ vàng giòn vớt ra sau khi thắng mỡ càng là thứ tốt, sẵn nóng rắc ít muối, ít đường, thậm chí trộn với chút nước tương đều thơm chết người!
Trẻ con không sợ ngấy, Sư Nhạn Hành múc riêng cho Ngư Trận một chén để bé tự ăn, mồm miệng bóng nhẫy.
Tóp mỡ dư lại trộn hết vào nhân bánh bao.
Sau khi hấp chín, mỡ thừa chảy ra thấm vào rau khô, ngẫu nhiên cắn được một miếng tóp mỡ là ngon đến xỉu.
Ăn mấy ngày đồ béo mất mạng kiểu vậy, dạ dày bắt đầu chịu không nổi, cảm giác ợ lên cũng có mùi dầu mỡ!
Vì thế các loại dưa muối được thể vùng lên, chiếm lấy vị trí chủ đạo trên bàn cơm.
Chân gà ngâm ớt, củ cải ngâm ớt, rau tể thái trộn dấm tỏi, còn có cọng củ cải dính với mẩu củ cải mới nhú, hoặc cắt thành từng đoạn hoặc thái chỉ, tất cả đều được muối xổi rồi nhét đầy tô lớn, sau đó cứ húp sùm sụp cháo loãng với dưa muối, ngũ tạng lục phủ trở lại bình yên và tĩnh lặng.
Bà thím trước nhà đúng hẹn tặng một sọt sơn tra, quả không quá lớn nhưng căng mọng mượt mà, vỏ cũng mỏng, có thể ngửi được vị chua ngọt thoang thoảng.
Nàng ăn thử vài trái, cơm giòn sần sật, thực ngon miệng.
Nhưng quá nhiều!
Không thể nào ăn hết!
Sư Nhạn Hành bèn lấy ra một ít rửa sạch, bỏ hạt, dùng bàn xẻng ấn bẹp rồi sên đường, sên đến khi thịt sơn tra được bọc một lớp đường trong suốt.
Hoặc là trước khi nước đường cứng lại, lấy cây đũa xiên qua quả sơn trà rồi xoay thật mạnh. Muôn vàn sợi đường bạc sẽ xõa tung phồng xốp như kẹo bông gòn, ăn vừa ngon vừa thú vị.
Sau khi tiêu thụ một phần theo cách này, phần còn lại được đun cạn thành mứt.
Mùa đông ở phương Bắc ngủ giường sưởi khó tránh khỏi miệng khô lưỡi khô, thấy khó chịu thì pha một bình nước mứt sơn tra. Nước trái cây có màu nâu nhạt như mật ong, dinh dính trơn trơn trượt xuống thấm ướt cổ họng rất sảng khoái.
Quả sơn tra đã được sên không còn chua lắm, có thể ăn nhiều hơn.
Giang Hồi và Ngư Trận đều thích, mè nheo Sư Nhạn Hành đòi sên quả lê, uống thanh nhiệt hạ sốt khỏi ho tiêu đàm, càng tốt.
Nháy mắt đã tới đêm giao thừa, Sư Nhạn Hành và Giang Hồi bàn bạc với nhau, quyết định giao pháo hoa cho trưởng thôn để ông phóng ở sân phơi ngay cửa thôn.
Hỏa dược rất quý trọng, thời đại này pháo hoa và pháo trúc không hề rẻ, nhà bình thường chỉ bóp bụng mua một dây pháo đỏ là đủ, rất hiếm nhà có thể thừa tiền mua pháo hoa.
Cho nên vừa nghe sẽ phóng pháo hoa ở cửa thôn, dân chúng không màng đêm tối, bọc người trong áo bông thật dày, bất chấp gió lạnh căm căm, người nào cũng bị rét đến mức hai má và chóp mũi đỏ bừng mà vẫn không rời chỗ.
Nếu không tìm được chỗ tốt thì dứt khoát trèo lên cây!
Người đảm nhiệm châm lửa là con trai lớn của trưởng thôn.
Chú ấy cũng là người trung niên, bình thường trông rất ổn trọng, nhưng bây giờ bị bao nhiêu ánh mắt tập trung lên người, đột nhiên cảm thấy áp lực nặng nề.
“Ta. . . ta châm lửa đây!” Ông chú cầm một cây nhang, đầu nhang đang cháy đỏ lóe lên chút ánh sáng trong bóng đêm.
Mọi người hô hào: “Nhanh lên đi, đều chờ ngươi đấy!”
“Lạnh chết rồi!”
Ông chú cười khà khà vài tiếng, đi một vòng xung quanh đẩy ra mấy đứa trẻ đang nóng ruột bu vào: “Lui ra phía sau, lui ra phía sau, tia lửa tóe ra không đùa được đâu!”
Ngư Trận tò mò hỏi Sư Nhạn Hành: “Ỷ ỷ, pháo hoa là gì?”
Trước khi tới đây bé đã lén nhìn vào bao pháo, chỉ thấy mấy cái ống tròn vo!
Sư Nhạn Hành quàng khăn quanh cổ bé: “Pháo hoa là một thứ rất thích hợp để nằm mơ.”
Đang nói chuyện, pháo hoa được đốt lên, ngòi nổ nhanh chóng bị rút ngắn, trong tiếng hò reo của các thôn dân, ống tròn kia phun ra một chùm ánh sáng bạc!
Bay lên độ cao nhất định, chùm ánh sáng bạc tản ra, biến thành bầu trời đầy sao rơi giữa không trung.
Con trai trưởng thôn cười khùng khục trong chốc lát, sau đó hăng hái châm thêm vài cái nữa. Khi hoa lửa bay đầy trời thì chạy vắt giò lên cổ.
“Ôi chao!”
“Thật đẹp mắt!”
“Cha, cha, mau nhìn kìa!”
“Bà ơi, sang năm còn có thể xem không?”
“Mẹ thấy được chứ? Nào, để con cõng mẹ!”
Từng chùm pháo hoa màu bạc, vàng và đỏ thắp sáng bầu trời, phản chiếu vô số gương mặt tươi cười của thôn dân.
“Oa!”
Ngư Trận bị một màn trước mắt làm cho kinh ngạc đến ngây người, miệng mở tròn vo, trong mắt phản chiếu những tia sáng rực rỡ, nhảy nhót và lấp lánh như một giấc mộng đẹp.
“Thật tốt quá. . .” Giang Hồi lẩm bẩm, ánh mắt lóe lên những tia sáng nhỏ vụn.
Sư Nhạn Hành cũng bị lây nhiễm bởi bầu không khí này, cười ồ lên.
Ăn Tết rồi!
Thật không tệ chút nào!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top