23. MÌ THỊT VIÊN & 24. VƯỢT CẤP
23. MÌ THỊT VIÊN
Sau đó mọi người giải tán, nghĩ đến sắp có thưởng, ai cũng vui mừng hớn hở, chỉ riêng Sư Nhạn Hành đặc biệt để ý đến vị Bùi tiên sinh Bùi Viễn Sơn kia.
Tuy không biết đối phương có lai lịch gì nhưng ông ta rất chân thành, đối xử bình đẳng với mọi người, lời nói cử chỉ toát ra phong thái của danh sĩ Ngụy Tấn khiến nàng kính trọng.
Đương nhiên, còn là phiên bản không hít ngũ thạch tán.
Vừa trở về phòng, Giang Hồi và Ngư Trận đang bu quanh Sư Nhạn Hành hỏi han ân cần thì quản sự Tiểu Hồ đích thân đến.
Ba mẹ con vội ra ngoài chào đón.
"Đêm đã khuya, tôi không quấy rầy các vị nghỉ ngơi, chỉ đứng ngoài nói vài câu rồi đi ngay," Quản sự Tiểu Hồ cười, ra hiệu cho người phía sau bưng quà lên.
"Lão gia nói hôm nay các vị đã lo liệu tốt vô cùng, đây là quà cảm tạ."
Đầu tiên là một phong bì, Sư Nhạn Hành mở ra, thấy bên trong là bốn tờ ngân phiếu mười lượng.
Sư Nhạn Hành giật mình, những bốn mươi lượng lận à?
Số bạc này đủ cho một gia đình ở huyện thành sống thoải mái vài năm!
Trước khi tới nàng nghĩ thù lao tất nhiên hậu hĩnh, nhưng không ngờ lại hậu hĩnh đến mức này.
Nói cách khác, lúc đầu có lẽ Trịnh Nghĩa cũng không nghĩ trả thù lao nhiều như vậy, nhưng hiệu quả quá tốt, ông ta muốn hợp tác lâu dài nên trích máu.
Ngoại trừ ngân phiếu còn có bốn cuộn vải bông, hai cuộn vải lụa trơn.
Trong bốn cuộn vải bông có hai cuộn vải trắng làm trung y, một cuộn vải tím giống màu các nàng đang mặc và một cuộn vải lam, đều rất trang nhã.
Vải lụa thì một cuộn màu đỏ một cuộn tím nhạt, mịn màng bóng bẩy, sờ vào mát tay, loang loáng dưới ánh trăng.
Trịnh gia mở tiệm buôn vải nên vải bông không đáng là bao, cho vài cuộn cũng không sao, nhưng hai cuộn tơ lụa kia. . .
Dẫu là lụa trơn không có hoa văn, nhưng dù gì cũng là tơ lụa. Nếu tính giá thị trường thì một cuộn lụa chất lượng như vậy phải bán ít nhất năm lượng bạc.
Chỉ hai cuộn lụa này đã đáng giá mười lượng bạc rồi.
Sư Nhạn Hành và Giang Hồi liếc nhau, vừa định mở miệng từ chối, quản sự Tiểu Hồ đã giành trước một bước xua tay.
"Lão gia và phu nhân đều nói, trời trở lạnh mà các vị vất vả đi một chuyến bỏ lỡ chuyện buôn bán, hơn nữa còn rất tận tâm tận lực. Số bạc này là tiền công theo thỏa thuận, khả năng của các vị thế nào thì chúng tôi sẽ trả tương xứng, không cần chối từ.
Còn số vải vóc này đều từ tiệm trong nhà, đâu đáng giá gì, phu nhân muốn tặng các vị để may vài bộ đồ, coi như có duyên gặp mặt."
Nghe những lời này, chắc hẳn bốn mươi lượng là ý của Trịnh Nghĩa, còn số vải vóc là ý của bà Trịnh. Thứ nhất do Sư Nhạn Hành đã làm rất tốt công việc này; thứ hai phỏng chừng bà Trịnh thấy cháu trai cháu gái thích chơi với Ngư Trận, chính bà cũng cảm thấy hai mẹ con không tệ nên mới dụng tâm tặng vải.
Người ta đã nói đến mức này mà mình vẫn cự tuyệt là không biết điều.
Hơn nữa đối với Trịnh gia, những thứ này quả thật như "chín trâu mất sợi lông".
Sư Nhạn Hành nghe xong, cười nói: "Nếu là thế, xin đa tạ hậu ái, chúng tôi cung kính không bằng tuân mệnh."
Quản sự Tiểu Hồ cũng cười: "Đúng đấy. Lão gia nói, sau này có dịp sẽ mời cô nương tới hỗ trợ, đừng quá giữ kẽ mới tốt."
Sư Nhạn Hành nghe được ẩn ý:
-- -- Về sau vẫn muốn tiếp tục hợp tác.
Mục đích chính của chuyến đi này đã được hoàn thành!
Giang Hồi nén hưng phấn đi pha trà, quản sự Tiểu Hồ vừa định cản lại thì đến phiên Sư Nhạn Hành cắt ngang.
"Thật ra tôi có vài thắc mắc muốn hỏi. Bên ngoài lạnh, không phải chỗ nói chuyện. xin mời vào ngồi một lát."
Sau đó mọi người vào phòng ngồi xuống, Giang Hồi châm trà, quản sự Tiểu Hồ vội đứng dậy nói không dám.
Bất luận là gia cảnh thế nào, thân phận người ta vẫn cao hơn mình.
Huống hồ hiện giờ các vị chủ tử đều coi trọng Sư cô nương, ngày sau ra sao cũng chưa biết chừng!
"Tôi chỉ thắc mắc một chút về lai lịch bốn vị khách quý hôm nay."
Sư Nhạn Hành mở lời.
Quản sự Tiểu Hồ ngẩn ra, hiển nhiên không ngờ nàng hỏi đề tài này, hơi trầm ngâm rồi khéo léo đẩy đưa: "Không biết tiểu nương tử muốn biết chuyện gì?"
Nếu hỏi vấn đề riêng tư, mình đâu thể tùy tiện hé lộ.
Sư Nhạn Hành nói nàng nghe được tên húy của Bùi Viễn Sơn: "Vốn cũng không có gì, chỉ là vị tiên sinh kia thật hòa ái và cao thượng. Tôi nghĩ, ngày sau nếu có cơ hội cũng nên báo đáp mới phải nhẽ."
Nghe vậy, quản sự Tiểu Hồ bật cười.
"Hóa ra là ông ta. Tiểu nương tử có lẽ chưa biết, vị tiên sinh kia vốn đậu tiến sĩ bảng vàng, làm quan ở kinh thành. Khổ nỗi ông ấy quá ngay thẳng, tính tình cổ quái, đụng chạm người ta nên bị bãi quan. . .
Vài vị đồng liêu trong triều cảm mến tài hoa và nhân phẩm, không đành lòng để ông ấy lưu lạc bên ngoài, vì thế tiến cử ông ấy tới dạy học tại trường huyện. Thứ nhất giúp ông ấy có chỗ an cư lạc nghiệp; thứ hai để ông ấy có thể viết sách và truyền đạt kiến thức, coi như không làm mai một nhân tài."
Dạy học ở trường huyện?
Sư Nhạn Hành âm thầm lọc dữ liệu.
Nếu là vậy, hôm nay ba người ngồi cùng bàn đều từ trường huyện?
Hèn chi Trịnh Nghĩa căng thẳng như vậy, chắc chắn muốn đàm phán một mối làm ăn với quan phủ!
Thấy Sư Nhạn Hành hơi ngẩn ngơ, quản sự Tiểu Hồ hiểu sai ý bèn an ủi: "Nếu vị Viễn Sơn tiên sinh kia nói lời mê sảng gì đó thì không cần để trong lòng, nghe đồn ông ta hay nói ra những câu hoang đường lắm!"
Sư Nhạn Hành sửng sốt: "Hoang đường?"
Quản sự Tiểu Hồ nói một tràng nên khô cổ, bưng chén trà thấm giọng, nghe vậy cười: "Gặp bất cứ ai cũng khuyến khích dốc lòng cầu học, không phải hoang đường còn là gì?"
Sư Nhạn Hành há miệng định nói nhưng không thốt nên lời.
Vậy là hoang đường sao?
Chưa chắc!
Sau khi tiễn quản sự Tiểu Hồ, Sư Nhạn Hành ôm một bụng tâm sự quay vào phòng, thấy Giang Hồi và Ngư Trận đang xúm xít ngắm mấy cuộn vải.
Giang Hồi thì chắc đã từng nhìn thấy tơ lụa rồi, một chiếc vòng bạc hoa văn tinh xảo quý giá như vậy còn có thì đương nhiên không xa lạ gì với tơ lụa, vì thế cô ấy chỉ ngơ ngẩn nhìn bốn tấm ngân phiếu.
Bốn mươi lượng!
Đúng là bốn mươi lượng!
Nhiều tiền như vậy xài thế nào đây?!
Ngư Trận còn nhỏ, chẳng có hứng thú gì với mấy tờ giấy, nhưng tơ lụa thì bé chưa từng thấy bao giờ. Cô bé chồm nửa người lên mép sạp, duỗi vài ngón tay nhỏ chạm nhẹ vào cuộn lụa rồi rụt phắt lại, kinh ngạc hô: "Mát tay quá! Trơn tuồn tuột!"
Sư Nhạn Hành bật cười, tạm thời gạt mọi suy tư sang một bên, đi tới bế lên Ngư Trận: "Trơn quá hả? Đợi khi về nhà may đồ mới cho Ngư Trận nhé!"
Giang Hồi nghe vậy hoàn hồn, lắc đầu cười: "Con nít con nôi mặc đồ đẹp đâu biết giữ gìn, làm hỏng thì phí lắm. Hơn nữa bây giờ con bé đang tuổi lớn, không cần xiêm y tốt như vậy. Người cần là mi mới đúng, sau này còn phải đi gặp khách hàng, nên may mấy bộ đồ tốt mặc cho ra vẻ."
Nói xong bèn cầm hai cuộn lụa ướm lên người Sư Nhạn Hành: "Mi có tính cách trầm ổn, cử chỉ hào phóng, mặc màu nào cũng hợp. Theo ta thấy, lụa này may vài bộ mùa đông, cổ áo và cổ tay áo thêu viền. . ."
"May cho cả nhà," Sư Nhạn Hành ôm Ngư Trận xoa nắn, dứt khoát đưa ra quyết định, "Hiện giờ tôi còn nhỏ, đi bất cứ chỗ nào đều phải có người lớn theo cùng, chẳng lẽ một người mặc tơ lụa còn một người mặc vải bông? Coi chẳng ra thể thống gì!"
Thấy Giang Hồi vẫn muốn khuyên, nàng bóp bóp tay nhỏ của Ngư Trận, cười nói: "Huống chi, về sau sẽ có những thứ càng tốt hơn, lụa trơn kiểu này đáng là gì, đúng không?"
Ngư Trận cười khanh khách không ngừng: "Đúng!"
Thấy Sư Nhạn Hành khăng khăng như thế, Giang Hồi không thể phản bác, chỉ cảm thấy hơi hổ thẹn.
Hiện giờ tình hình kinh tế trong nhà đều do một tay Sư Nhạn Hành lo liệu, cô luôn có suy nghĩ. . . mình và Ngư Trận là gánh nặng.
"Đừng suy nghĩ vớ vẩn," Sư Nhạn Hành gạt đi, "Hãy giữ sức để ngày mai còn đi dạo huyện thành."
Trịnh gia rất ân cần, biết rằng đây là lần đầu các nàng tới huyện thành nên đề nghị sau khi ăn trưa xong mới khởi hành, buổi sáng để các nàng tự do đi dạo phố hay nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau, ba mẹ con dậy thật sớm, chưa ăn điểm tâm đã ra cửa ngay.
Chỉ có nửa ngày dạo huyện thành nên khá gấp rút, phải nắm chặt thời gian mới được.
Vừa ra khỏi cửa, sự phồn hoa và náo nhiệt của thành thị lập tức ập vào mặt khiến Sư Nhạn Hành choáng váng một lát.
Xét cho cùng thì đây chỉ là huyện thành mà thôi, nhưng nàng có cảm giác mình ở thôn Quách Trương và trấn Thanh Sơn quá lâu rồi, cuộc sống kiếp trước dường như mây khói thoảng qua, tựa như ảo mộng, vì thế hiện giờ nàng thấy mình thật sự giống dân nhà quê lên tỉnh. . .
So với trấn Thanh Sơn, kinh tế của huyện Ngũ Công rõ ràng thịnh vượng hơn rất nhiều. Điều này không chỉ thể hiện ở số lượng sạp bán rong và cửa hàng nhiều hơn, mà số lượng người đi ngoài đường cũng tăng gấp đôi.
Dân chúng huyện thành phần lớn ăn mặc bảnh bao, ở trấn Thanh Sơn hiếm thấy người mặc tơ lụa trong khi nơi này ít nhất cũng ba phần mười.
Ngoài ra, đa số thanh niên thiếu nữ đều đeo trang sức và trang điểm, hiếm có ai để người trơn mặt mộc ra phố.
Xe kiệu liên tiếp qua lại trên đường, ở thị trấn chủ yếu dùng con la để kéo xe, nơi này thấy rất nhiều xe ngựa.
Một nhà ba người cẩn thận băng qua đường lớn, đi dọc theo đủ loại hàng quán phun hơi nước trắng xóa cuồn cuộn, cuối cùng chọn một tiệm bán mì thịt viên.
"Cho ba chén canh thịt viên," Sư Nhạn Hành quét mắt nhìn thực khách xung quanh một vòng, sau đó nhanh chóng gọi món với tiểu nhị, "Tôi muốn thêm bốn cái bánh bao chay."
Tiệm bánh bao ở ngay bên cạnh, hai tiệm bán đồ ăn khác nhau hỗ trợ lẫn nhau. Thường xuyên có khách gọi món từ hai nhà một lúc, các tiểu nhị sẽ giúp mua về, vô cùng tiện lợi.
Hình thức kinh doanh này giống kiểu Sư Nhạn Hành bán chén cơm lớn và thím Lưu bán bánh hấp, hiếm thấy ở thị trấn nhưng là kiểu làm ăn quen thuộc ở huyện thành và châu phủ.
"Tới ngay!" Tiểu nhị nhanh nhẹn chạy đi.
Vừa lúc đồ ăn của một nhà bốn người ở bàn bên cạnh được bưng ra, Sư Nhạn Hành nhìn sang, thấy trong tô có khoảng năm bảy viên thịt bằng đốt ngón cái đang trôi nổi trong nước lèo nóng hổi, bên cạnh còn vài cọng cải xanh biếc, ngoài ra thêm vào những miếng mì xắt cho đầy tô, trông rất hấp dẫn.
Nhìn một tô lớn như vậy chứ thật ra thịt đâu có bao nhiêu, nhưng được cái có thêm mì xắt và rau, nóng hổi húp sùm sụp, với sức của một người đàn ông cũng có thể lửng dạ.
Nếu lại thêm mấy cái bánh bao chay hay bánh hấp, vậy là đủ no cho bữa sáng.
Giang Hồi tính nhẩm: "Một chén canh thịt viên năm văn tiền, ta đoán thịt viên kia chưa chắc là thịt nguyên chất; rồi thêm bánh hấp, bánh nướng, hay bánh bao gì nữa. Một bữa cơm sáng của dân huyện thành tính sơ sơ cũng phải bảy, tám văn tiền."
Đang nói chuyện thì đồ ăn được bưng ra, Giang Hồi tạm thời ngừng lại, bẻ một cái bánh bao làm hai, mình lấy một nửa, đưa Ngư Trận một nửa; bảo Sư Nhạn Hành ăn một cái, dư hai cái tạm thời để đó.
Bánh bao chay chẳng có nửa giọt dầu, dùng rau tề thái phơi khô từ mùa xuân, thêm chút trứng gà và miến.
Được cái là bánh bao rất lớn, bằng nắm tay đàn ông, nặng trĩu, ba văn tiền hai cái, khả năng chống đói rất tốt.
Sư Nhạn Hành cúi đầu thổi vài hơi lên thìa canh thịt viên, đợi độ nóng tan bớt bèn nhẹ nhàng húp một ngụm nước lèo, nhấm nháp trong miệng vài lần là đã có thể đoán được nguyên vật liệu và gia vị.
Sau đó ăn thử viên thịt.
Xác thật không phải thịt nguyên chất, bên trong phần lớn là bột mì và hành lá độn vào, có thêm chút gừng băm.
Nước lèo là nước hầm xương đã được pha loãng, chắc hẳn không chỉ có xương heo mà còn thêm khung xương gà, cho nên hương vị ngọt thanh cũng tàm tạm.
Thịt viên có độ dai, thơm ngon, không tệ.
Tóm lại, chi phí thực sự thấp và lợi nhuận thực sự cao.
Thậm chí còn lãi hơn món thịt kho của nàng.
Nhưng còn phải tính thêm một điểm, mở cửa tiệm ở huyện thành thì tiền thuê nhà và nhân công chắc chắn sẽ đắt hơn ở thị trấn nhỏ. Ngoài ra còn phải mua rau xanh và nguyên liệu thô, cộng thêm thuế má. . .
Thành thật mà nói, còn không có lời bằng bày sạp bán.
Ấy nhưng mở tiệm lại có ưu điểm mà bày sạp không thể mang tới: Thể diện và an ổn.
Thời tiết dần dần lạnh hơn, gió vùng Tây Bắc không thể coi thường, ai nguyện ý ngồi xổm ăn cơm ngoài trời rét căm căm? Chỉ tiết kiệm vài văn tiền mà lãnh một thân bệnh hoạn.
Có một cửa tiệm thì khác hẳn, không cần quan tâm ngoài trời mưa to gió lớn, bên trong cũng buôn bán như thường, ngay cả khách hàng có tiền vẫn tiếp đãi được.
Cứ xem sạp chén cơm lớn của Sư Nhạn Hành là biết, gần như toàn bộ khách hàng là dân lao động, chỉ mỗi vị Trịnh thiếu gia Trịnh Bình An thuộc loại ngoại lệ không chê bai. . .
Đấy mới là một thị trấn nhỏ chẳng có tiếng tăm gì mà còn vậy, ngay cả lão Đỗ là nha dịch tầng dưới chót mà còn coi thường không thèm cất bước ra ăn, nếu không nhờ Sư Nhạn Hành mỗi ngày giao hàng tận nơi thì đâu thể duy trì được mối này.
Bữa cơm sáng thật sự không ngon bằng đồ Sư Nhạn Hành nấu, nhưng ba mẹ con lần đầu "Đi ăn tiệm", bên ngoài ngựa xe tấp nập, sự hối hả đặc trưng của cuộc sống nhộn nhịp ào đến từ bốn phương tám hướng, vây bủa xung quanh các nàng.
Mặt trời từ từ nhô lên phía đông, ánh nắng ấm áp chiếu xuống khiến tóc họ nhuộm màu vàng rực rỡ, bồng bềnh theo gió, giống những sợi chỉ vàng tung bay trong không trung.
Đây là một trải nghiệm độc đáo.
Dường như cả người đều hòa chung nhịp đập với con phố này, tòa thành này.
Ngư Trận vùi nửa mặt vào tô canh thịt viên, dùng sức thổi phù phù, có chút gấp không chờ được.
Khi hơi nóng tan bớt, cô bé một tay cầm muỗng, một tay vịn chén, cẩn thận múc thịt viên cho vào miệng khiến một bên má căng phồng. Đôi mắt to của bé lộ ra ở mép bát, nhìn đường phố xa lạ với vẻ tò mò và phấn khích.
Thật nhiều người!
Thật nhiều xe!
Giang Hồi tranh thủ lau miệng cho bé, cũng hướng mắt ra ngoài ngắm phố.
Cảnh phồn hoa vừa quen thuộc vừa xa lạ, nhưng lúc này tâm trạng đã hoàn toàn khác rồi.
Sư Nhạn Hành nhìn một vòng, ăn xong xuôi bèn đứng dậy ra trả tiền. Nàng nhìn vào khu bếp bên cạnh cửa sổ sát đường, thấy đầu bếp đang dùng tốc độ như bay nặn thịt viên, quay sang hỏi tiểu nhị: "Xin hỏi huynh đài, trong huyện thành người môi giới ở nơi nào, trường huyện ở nơi nào?"
Tiểu nhị ra tính tiền nghe nàng hỏi hai nơi hoàn toàn không liên quan với nhau, hơi tò mò nhìn nàng một cái nhưng cũng không tìm hiểu kỹ.
"Người môi giới ở thành bắc, treo bảng hiệu chữ đen là đúng rồi đấy. Còn trường huyện thì ở con phố kia, đi qua nha môn thì thấy đầu phố là một cổng chào thật lớn do quan phủ dựng lên, hai bên cắm lá cờ màu đỏ viền đen trông rất oai phong, từ xa đã nhìn thấy rồi."
Sư Nhạn Hành cảm ơn, không khỏi nhìn vào khu bếp lần nữa.
Đầu bếp là tay kỳ cựu, nặn thịt viên rõ ràng là một việc thô kệch nhưng ông ta làm thoăn thoắt trông khá bay bổng:
Dưới tay ông ta là một chậu thịt băm đã trộn gia vị hành gừng xong xuôi, tay phải bốc nắm thịt nhẹ nhàng bóp một cái khiến viên thịt trồi ra giữa hổ khẩu, tay trái cầm thanh tre gạt một cái dưới viên thịt, viên thịt lập tức bay lên theo đường cong parabol rơi tõm vào nồi nước dùng.
Có người phụ bếp cầm cái muôi lớn đứng bên cạnh, thấy thịt viên đổi màu rồi chậm rãi nổi lên từ dưới đáy nồi bèn khuấy mạnh một phen, múc đúng số lượng thịt viên và nước dùng đổ vào tô, xong xuôi!
Toàn bộ quá trình đơn giản nhịp nhàng với sự phân công lao động rõ ràng, mang lại cảm giác gần giống như hệ thống máy móc sản xuất dây chuyền.
Thường có người giống Sư Nhạn Hành đứng xem chăm chú, các tiểu nhị cũng không để ý, còn tự hào khoe: "Chúng tôi là cửa tiệm lâu đời, mấy vị sư phụ đều làm vài thập niên! Ngon nhất vùng này!"
Sư Nhạn Hành cười gật đầu: "Tay nghề quả thật rất tốt."
Đúng là làm vài thập niên mà hương vị vẫn như vậy. . .
~~~~~^^~~~~~
24. VƯỢT CẤP
Sư Nhạn Hành hỏi thăm xong tin tức từ tiểu nhị trong tiệm mì thịt viên, Giang Hồi và Ngư Trận cũng đã kết thúc bữa sáng.
Ngư Trận còn nhỏ, chỉ ăn nửa tô canh thịt viên và nửa cái bánh bao là no rồi, phần còn lại đều do Giang Hồi và Sư Nhạn Hành chia nhau ăn hết.
Nhóc con ăn no căng đến mức bụng tròn xoe, thậm chí cúi đầu nhìn xuống không thể thấy mũi chân chính mình.
Giang Hồi bật cười, giơ tay nhẹ nhàng vỗ vỗ lên bụng nhóc: "Chín rồi!"
Khi dân chúng chọn dưa thường vỗ vỗ như vậy để đánh giá độ chín dựa trên tiếng vang và xúc cảm.
Ngư Trận ôm bụng cười khanh khách.
Thấy Sư Nhạn Hành quay lại bàn, Giang Hồi vội kéo Ngư Trận đứng dậy: "Mi định đi trường huyện? Muốn kinh doanh ở đó à?"
Cô cứ tưởng đối phương định mở tiệm ở đây, tại sao phải đến trường huyện trước nhỉ?
Nhắc mới nhớ, thầy trò trường huyện đều ở nội trú, trong trường đương nhiên có bếp ăn. Chẳng lẽ đây chính là điều Sư Nhạn Hành hướng đến?
"Đừng nghĩ quá xa," Thắc mắc của Giang Hồi gần như viết rõ ràng trên mặt, Sư Nhạn Hành thấy thế bật cười, "Lần này chỉ vì một chút lòng riêng của tôi thôi."
Nhận thầu bếp ăn cho một đơn vị của chính phủ không phải chuyện đơn giản, thật ra không hề liên quan đến chuyện ngươi nấu ngon hay không, mà chủ yếu phụ thuộc vào một điều kiện:
Mối quan hệ.
Cứ nhìn Trịnh Nghĩa là biết.
Ông ta đã làm mưa làm gió ở huyện Ngũ Công bao nhiêu năm, bất kỳ ai gặp đều phải kêu một tiếng "Đại lão gia", là nhà giàu nộp thuế nhiều nhất cho địa phương, nghe nói quan Huyện cũng phải nể mặt ba phần.
Nhưng oai phong cỡ ấy thì thế nào?
Chẳng phải cũng gặp gian nan khi muốn lấy mối kinh doanh với trường huyện?
Trịnh Nghĩa mạnh đến vậy mà còn bị trì trệ, trong khi đám phụ nữ trẻ em không nơi nương tựa lại muốn thầu mối bếp ăn của trường huyện? Nằm mơ đi!
Ít nhất trước mắt vẫn chưa được.
Giang Hồi ngẩn ra, bất giác nhìn về phía bình nhỏ và bao giấy dầu mà Sư Nhạn Hành xách theo: "Là muốn tạo quan hệ với vị tiên sinh kia?"
Sư Nhạn Hành ừ một tiếng.
Nàng tới lần này mang theo không ít dưa chua và phụ trúc, làm xong bữa tiệc vẫn còn dư.
Nàng vốn dự tính dùng nó để làm quà tạo mối quan hệ, sau khi thấy rõ điểm mấu chốt, hiện tại nàng muốn tặng cho Bùi Viễn Sơn.
Thứ nhất, nàng thật sự thích con người của Bùi tiên sinh, cảm thấy ông ta cực kỳ giống văn nhân lý tưởng hóa với tính cách phóng khoáng và tư duy cởi mở, nên nàng khó tránh khỏi nảy sinh lòng khát khao muốn thân cận.
Thứ hai, nếu nói về lợi ích, Bùi Viễn Sơn là người có học, địa vị và nhân mạch đều không thể khinh thường. Nếu nàng có thể tạo được mối quan hệ từ một chút thưởng thức như có như không trong bữa tiệc, những lợi ích có thể đạt được trong tương lai không thể kể xiết.
Lui một vạn bước mà nói, giả sử không có lợi ích gì, nàng hiếm khi quý trọng một người, mà người đó cũng thưởng thức đồ ăn của nàng, chẳng lẽ không được dùng thân phận fan hâm mộ để tặng quà sao?
Sau khi hiểu được ý định của Sư Nhạn Hành, đôi mắt Giang Hồi trợn tròn: "Chuyện này. . . có thể thành công à?"
Tuy nói triều Đại Lộc không quá đặt nặng tư tưởng "Trọng nông khinh thương", nhưng thương nhân xác thật không được chào đón nồng nhiệt, đặc biệt so sánh với kẻ sĩ thì gần như khác nhau một trời một vực.
Không thân chẳng quen, cứ tùy tiện chạy tới trường huyện tặng đồ, được hay không?
Sư Nhạn Hành cười cười: "Có câu 'Không giơ tay đánh gương mặt tươi cười', không thử làm sao biết được? Tệ nhất là người ta không thèm để ý đến chúng ta, vậy thì về sau khỏi nuôi hy vọng. Nhưng nếu Bùi tiên sinh là loại người không làm ra vẻ, chẳng phải chúng ta đã lời to?"
Tóm lại cũng chả có gì để mất, vậy tại sao không thử?
Ở thời đại này, ngoại lực để nàng sử dụng quá ít, nàng phải nắm bắt mọi cơ hội có thể.
Thấy Giang Hồi nghẹn lời, Sư Nhạn Hành dẫn đầu tiến về hướng trường huyện, vừa đi vừa hỏi: "Có phải cảm thấy tôi mặt dày không biết xấu hổ?"
Nàng nói nhẹ nhàng nhưng tim Giang Hồi thắt lại, vội ngẩng đầu gạt đi: "Không phải. . ."
Thật ra đúng là vậy.
Phải nói hầu hết mọi người đều nghĩ như vậy:
Vị kia chính là học giả, tôn quý biết nhường nào. Người ta là vầng trăng trên trời, chúng ta là bùn sình dưới đất, vô duyên vô cớ tại sao dám nhào tới làm quen?
Không biết xấu hổ!
Sư Nhạn Hành nở nụ cười xán lạn, hồn nhiên không thèm để ý: "Thì đúng là không biết xấu hổ mà."
Giang Hồi: ". . ."
Mi còn vui vẻ thừa nhận được à?!
"Người da mặt mỏng không thể làm kinh doanh," Sư Nhạn Hành thản nhiên phân tích, "Chúng ta muốn moi tiền trong túi người ta, nếu không dụ dỗ người ta vui vẻ thì đâu thể thành công? Mà muốn dụ dỗ người ta vui vẻ thì phải biết hạ mình. . ."
Vợ chồng cưới nhau mà xài tiền của nhau còn phải dè dặt khéo léo huống chi muốn lấy tiền của người ngoài?
Vì mục đích kiếm tiền, xấu hổ hay mất mặt gì đó hãy gác sang một bên!
"Cúi người xuống!" Ngư Trận nghe xong chỉ hiểu được câu cuối cùng, khom lưng làm minh họa chọc cho hai người cười ngặt nghẽo.
Ba người vừa đi vừa ngắm phố xá, thấy ven đường có cửa tiệm là vào hỏi vài câu, bất giác đã qua hơn phân nửa buổi sáng.
Ngày hôm nay thật đẹp, mặt trời tỏa ánh nắng chói chang khiến toàn thân ấm áp.
Song hình như hơi quá ấm áp, chỉ cần đứng bên ngoài một chút là đổ mồ hôi đầy người.
Huyện thành to vô cùng, đi đến mức chân cẳng mỏi nhừ mới nhìn thấy lá cờ mà tiểu nhị mô tả phía xa xa.
Ba người đổ mồ hôi đầm đìa, phải đứng một góc chỉnh lại dung nhan, ổn định hơi thở, thuận tiện quan sát cảnh vật chung quanh.
Trường huyện được triều đình đặc biệt tài trợ, chỉ vài học sinh đạt kết quả xuất sắc trong kỳ thi huyện mỗi năm mới có thể vào học. Học sinh đủ tư cách vào trường không chỉ được học miễn phí mà còn được nhận gạo bạc hằng tháng từ triều đình, vô cùng vinh dự.
Trường huyện chiếm chu vi hơn nửa con phố, bao gồm học đường, ký túc xá, nhà ăn, cùng nhiều tòa nhà khác để học sinh rèn luyện sáu môn nghệ thuật "Lễ nghi, Âm nhạc, Bắn cung, Cưỡi ngựa, Thư pháp, Toán học".
Thậm chí trường huyện còn có tòa soạn riêng, xuất bản ấn phẩm của triều đình, còn có sách báo và thơ văn của các danh nhân, rất giống một trấn nhỏ độc lập.
Những nơi liên quan đến học vấn luôn toát ra bầu không khí uy nghiêm khiến người kính nể.
Rõ ràng mấy con phố xung quanh luôn ồn ào náo nhiệt, ấy mà mỗi khi người ngựa xe đến gần trường huyện đều tự giác rón ra rón rén, sợ kinh động các vị quan gia tương lai.
Đây là giảng dạy và học tập tinh hoa của thánh nhân, không chừng ngày nào đó có thể xuất hiện Văn Khúc Tinh!
Phải kính trọng thôi!
Ba người Sư Nhạn Hành chỉnh trang xong xuôi, kiểm tra lẫn nhau một lần nữa, sau đó mới đi về hướng cổng chính.
Mới vừa tới gần đã có gã sai vặt tiến ra hỏi ngay: "Làm gì đó?"
Giang Hồi và Ngư Trận hơi khiếp sợ, Sư Nhạn Hành đĩnh đạc nói: "Tặng đồ cho người."
Trong trường huyện thầy trò đông đảo, mỗi ngày đều có người nhà tới thăm hoặc tặng đồ, không có gì lạ.
Gã sai vặt thấy ba mẹ con cử chỉ đoan chính, ăn mặc sạch sẽ, nghĩ rằng trong nhà hẳn có nam đinh học tập ở trường, giọng điệu không khỏi hòa hoãn hơn nhiều.
"Tên gọi là gì, học ban nào? Qua mấy khắc nữa là khóa học nửa buổi kết thúc, có muốn kêu người ra gặp mặt không?"
"Hôm qua mới gặp xong, hôm nay không cần," Sư Nhạn Hành trao ra bao giấy dầu đựng phụ trúc và bình chứa cải chua, "Làm phiền chuyển giao cho Bùi tiên sinh Bùi Viễn Sơn, nói là họ Sư đưa tới, cách làm đều viết rõ để trong bao giấy."
Nói xong, bèn thò tay vào túi tiền bốc một nắm đồng xu, cũng không đếm mà nhét toàn bộ vào tay đối phương.
Thái độ người nọ vốn không tệ, lúc này thấy có tiền nên mặt mày càng hớn hở.
Gã ta làm bộ chối từ mấy câu rồi thuần thục nhét tiền vào túi, cười nói: "Hóa ra là người quen của Bùi tiên sinh. Sáng sớm hôm nay tôi vừa gặp ông ấy, đối xử với người khác rất hòa nhã, còn khuyên tôi phải dốc lòng cầu học!"
Sư Nhạn Hành ngẩn ra.
Quả nhiên là bệnh cũ thật rồi!
Gã sai vặt đã thu tiền nên cũng hăng hái làm việc, kêu đồng bạn tới dặn vài câu rồi quay sang nói với Sư Nhạn Hành: "Đã đến giờ nghỉ rồi, để tôi đích thân đưa đồ cho, giao cho mấy đứa nhóc sợ lỡ tay làm đổ bể mất."
Sư Nhạn Hành vội vàng cảm tạ, nhìn theo bóng lưng gã ta, trong đầu vẫn quanh quẩn lời nói lúc nãy của gã, không khỏi vừa cười vừa than.
Cười vì lão tiên sinh quả thật có trái tim nóng bỏng, đáng tiếc thế nhân không thể lĩnh hội tinh thần này mà còn chế nhạo, thật đáng buồn nhưng cũng thật đáng kính!
Về phần gã sai vặt đi một mạch vào trường, nhớ tới lời Bùi Viễn Sơn nói lúc sáng, nhịn không được lại bật cười.
Ta chỉ là một gã trông cửa, học hành có ích lợi gì chứ?
Chả trách mọi người đều nói đầu óc ông ta có vấn đề.
Khu nhà của các tiên sinh đều ở sau trường, hiện giờ mới tan học, gã sai vặt vừa đi vừa hô to chào hỏi một đường, nào là Trương, Vương, Lý, Triệu tiên sinh đủ cả, thế mà không mấy ai thèm liếc nhìn gã một cái, gã cũng không để ý.
Bùi Viễn Sơn gặp tai họa bị biếm chức, bắt buộc phải dìu già dắt trẻ rời kinh. Con cái đều lớn đã có nơi chốn riêng, không cần ông lo lắng, cho nên theo ông vào trường chỉ có bà vợ và vài người hầu.
Mỗi ngày hai bữa đều là người hầu đi đến nhà ăn mang cơm về, bày sẵn để chủ mẫu Cung thị chờ Bùi Viễn Sơn về ăn.
Khi gã sai vặt đến nơi, Bùi Viễn Sơn mới vào cửa, đang ở trong phòng khom lưng rửa tay.
Nghe tiếng Cung phu nhân nói chuyện với ai đó bên ngoài, Bùi Viễn Sơn cần khăn lau tay đi ra: "Chuyện gì thế?"
Cung phu nhân chỉ vào bao giấy dầu và cái bình gã sai vặt vừa đặt xuống: "Ông quen biết một tiểu cô nương họ Sư à? Mười mấy tuổi, mới nhờ người đưa vào những thứ này."
Bùi Viễn Sơn ngẩn ra, trong đầu hiện lên một hình dáng, hóa ra là cô nàng?
Cho nên có câu, mọi việc thành công hay không phụ thuộc vào con người, Bùi Viễn Sơn đã có thói quen khuyên người dốc lòng cầu học lâu rồi, hôm qua trong bữa tiệc thấy Sư Nhạn Hành lanh lợi nên thuận miệng khuyên vậy thôi.
Bây giờ sự việc đã qua, ông cũng không để trong lòng.
Nếu hôm nay Sư Nhạn Hành không chủ động tới tìm, qua mấy ngày là Bùi Viễn Sơn cũng quên bén luôn chuyện này, tiếp tục làm một vị tiên sinh tính cách quái gở.
Hai người một già một trẻ, một người có học thức làm ngành giáo dục, một người buôn bán kiếm tiền, họ giống như hai đường thẳng song song, vừa chạm vào đã tách ra rồi đường ai nấy đi, sau này không bao giờ có liên quan gì đến nhau.
Ấy mà nàng lại tìm tới, vận mệnh chú định để nối tiếp sợi tơ duyên phận này.
Chà, tự nhiên đưa tặng thứ gì đây?
Nghĩ như vậy, Bùi Viễn Sơn mở bao giấy nhìn vào, hóa ra là phụ trúc hôm qua đã ăn thử, còn trong bình là cải chua.
Trong bao phụ trúc kèm theo một tờ giấy, dùng than vót nhọn ghi rõ cách làm, ngoài ra còn viết rất nhiều lời chân thành, đại ý là "Thế nhân luôn nói phận nữ tử dù học hành cũng vô dụng, tiên sinh là vị đầu tiên phản bác. Tiểu nữ cảm động vô cùng, không biết lấy gì báo đáp, chỉ có chút đồ nhà quê, mong tiên sinh không chê, vân vân. . ."
Cung phu nhân ghé vào đọc, nhoẻn miệng cười: "Cảm động nên báo ân. Hiếm có người không chê ông lải nhải."
Bùi Viễn Sơn hừ hừ bất mãn: "Tôi nói sai hay sao? Nhìn xem, cô nàng được học hành nên thấu hiểu hơn người thường."
Vốn dĩ ông không cần người ta tặng quà, nhưng lúc này thấy quà cáp chỉ là chút nguyên liệu nấu ăn, có vẻ không phải đồ gì quý báu, coi như chấp nhận được.
Tuy nhiên Bùi Viễn Sơn không thích nợ ân tình, suy nghĩ một lát rồi kêu gã sai vặt chờ chút, sau đó đi vào phòng lấy ít đồ, dùng tấm vải bố bao lại cẩn thận rồi nhờ gã chuyển hộ.
Chữ viết kia trông chẳng giống ai, nguệch ngoạc chả có bất kỳ kết cấu nào, khiến ông thực sự không thể chịu được.
Gã sai vặt cầm túi đồ đi rồi, Cung phu nhân cầm lên tờ giấy Sư Nhạn Hành viết, xem xét một hồi rồi cười nói: "Chữ viết tuy thô ráp và không có kết cấu, nhưng giữa những hàng chữ rất có hào khí, là người có tấm lòng rộng mở."
Bùi Viễn Sơn nhíu mày: "Nhìn chả giống ai."
Cung phu nhân cười: "Ông cũng biết đây là con nhà nghèo, lại là một cô nương, làm sao có thừa tiền để luyện chữ? Thật hiếm có một tiểu cô nương gan dạ sáng suốt như vậy."
Bùi Viễn Sơn hừ một tiếng, nhìn nhìn cái bình và túi giấy dầu, vẻ mặt thoáng dịu lại.
"Bữa tiệc hôm qua tôi vốn không muốn đi, toàn thịt cá chán ngấy, nhưng thật ra tiểu cô nương kia nấu mấy món ăn được lắm, lát nữa bà làm theo rồi nếm thử. . ."
Bên ngoài cổng trường.
Ba mẹ con Sư Nhạn Hành vẫn chưa đi, đang nấn ná chờ hồi đáp.
Nếu Bùi Viễn Sơn trực tiếp cự tuyệt, vậy cứ việc dẹp ý định này sang một bên.
Nếu ông ta thu nhận, không chừng sẽ có lời gì đó truyền ra.
Sau khi đợi gần ba mươi phút mới thấy gã sai vặt quay lại, trong tay hình như còn ôm một bao đồ lớn.
Giang Hồi lập tức căng thẳng, chẳng lẽ ông ta trả lại?
Tuy nhiên nhìn kỹ thì không thấy cái bình.
"May quá các vị còn chưa đi!" Gã sai vặt thở hổn hển chạy tới, "Đồ đã đưa rồi, đây là của Bùi tiên sinh."
Còn có quà đáp lễ?!
Thật đúng là vui mừng khôn xiết.
Sư Nhạn Hành nói cảm tạ rồi tiếp nhận, thoáng bóp thử, cảm giác như văn phòng tứ bảo!
Nàng mở hé tay nải nhìn vào, quả nhiên đúng rồi!
Hai xấp giấy, mấy cây bút lông, cộng thêm một nghiên mực, mấy thỏi mực, còn một quyển chữ mẫu, tràn đầy một bao lớn
Nhiều đến như vậy, chút quà mình đưa tặng thật không bằng số lẻ của giá trị quà đáp lễ.
Giang Hồi nhìn xem, cũng kinh ngạc vô cùng.
Người huyện thành đều hào phóng vậy sao?
Cũng không phải, là do Sư Nhạn Hành biết nhìn người, chọn đúng nhân tài để tấn công.
Giang Hồi nhìn kỹ quyển chữ mẫu: "Đây là kiểu chữ nhập môn, trông tinh tế nhưng không mất vẻ tiêu sái, thực hợp với tính nết của mi."
Dứt lời bèn thở hắt ra một hơi, nhìn Sư Nhạn Hành cười nhận xét: "Có thể thấy được mi hợp duyên với lão tiên sinh, hơn nữa ông ta cũng là người hào phóng chân thành, không dùng thân phận để đánh giá người khác, vì thế mới chọn quyển này làm quà."
Sư Nhạn Hành cũng cảm thấy kiểu chữ này rất vừa ý nàng, trông thoải mái và phóng khoáng, nàng vô cùng cảm kích.
Ngư Trận quá lùn, cố nhón chân vẫn không thấy gì, sốt ruột đến độ nhảy tưng tưng: "Muội muốn xem, muội muốn xem!"
Sư Nhạn Hành cười ngồi xổm xuống, lật quyển chữ mẫu cho nhóc nhìn: "Xem này, mai mốt Ngư Trận cũng luyện theo nhé!"
Ngư Trận chẳng có khái niệm gì, cứ gật lung tung đồng ý.
Ba người đùa giỡn một hồi, lại cảm tạ gã sai vặt lần nữa, lúc này mới đi gặp người môi giới tìm hiểu giá thị trường.
Trước đó khảo giá ở trấn Thanh Sơn, một cửa tiệm sát đường đòi tiền thuê mỗi tháng khoảng một đến hai lượng, số tiền phải trả trước tối thiểu là một năm. Ấy vậy mà ở huyện Ngũ Công, một cửa tiệm giống y chang đòi tiền thuê những bốn mươi lượng một năm, tăng hơn gấp đôi.
Song có một ưu điểm là cửa tiệm mặt tiền ở huyện thành phần lớn là nhà lầu hai tầng, phía sau có mảnh sân nho nhỏ. Một nhà ba mẹ con chỉ cần thuê cửa tiệm mặt tiền là hoàn toàn không cần thuê chỗ ở.
Tuy hơi chật chội nhưng tốt xấu gì cũng có chỗ đặt chân.
Tính ra cũng thích hợp đấy.
Giang Hồi âm thầm kinh hãi, nhưng không biểu hiện trên mặt.
Lúc nhận được bốn mươi lượng tiền thù lao, mình còn cảm thấy đột nhiên phất nhanh, không biết tiêu kiểu nào mới hết.
Hiện giờ nghe ngóng xong, ôi trời, còn chưa đủ tiền thuê một năm!
Sư Nhạn Hành cũng thầm tính toán:
Chiếu theo lợi nhuận của sạp chén cơm lớn, một ngày bán được ít nhất hai trăm văn, lợi nhuận khoảng sáu bảy phần, trên dưới một trăm tám mươi văn.
Một tháng ba mươi ngày, thu vào năm lượng bạc, miễn cưỡng đủ trả tiền thuê.
Nhưng nếu mở tiệm thì phải thuê tiểu nhị, còn phải nộp thuế. . .
Hai mẹ con liếc nhau, đều ngầm hiểu ý đối phương:
Quả nhiên không thể chỉ dựa vào bán chén cơm lớn!
Nếu chỉ dựa vào bán chén cơm lớn bốn văn tiền một phần, sống ở trấn nhỏ là dư dả, nhưng vĩnh viễn không khả năng vượt cấp từ thôn trấn đến huyện thành.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top