116. CHÚC TẾT

116. CHÚC TẾT

Trên giá treo bộ đồ mới tinh, áo trong lót lông thỏ xù xù, áo khoác ngoài bằng gấm dày màu mận chín được thêu hoa văn như ý cát tường, ngụ ý những điều tốt đẹp sẽ kéo dài suốt năm.

Sư Nhạn Hành hiếm khi mặc những màu sắc tươi sáng, nhưng ăn Tết thì phải diện như thế mới hợp không khí vui vẻ.

Sáng mùng một, Sư Nhạn Hành vừa mặc đồ mới xong thì nghe Ngư Trận ở phòng bên kia gân cổ hô to: “Chúc mừng năm mới!”

Sư Nhạn Hành cười khach khách, cũng chúc lại câu ăn Tết vui vẻ, lấy từ trong ngăn kéo của bàn nhỏ trên giường đất một túi bạc đúc hình xinh xinh đưa cho Ngư Trận.

“Nè, tiền mừng tuổi cho muội!”

Hiện giờ trong nhà dư dả, Sư Nhạn Hành cũng thuê đánh những hình bạc nhỏ xinh làm tiền mừng tuổi.

Tuy nhiên nàng không giàu như Trịnh gia nên cũng không phùng má giả làm người mập. Những hình bạc của nàng đều rỗng ruột, một cái chỉ khoảng hai đồng tính luôn tiền công.

Ngư Trận cầm túi bạc, hí hửng nói lời cảm tạ xong quay sang láu lỉnh hỏi Giang Hồi: “Mẹ có giữ hộ con không?”

Nhóc thối đã đến tuổi biết giá trị đồng tiền rồi, muốn giữ làm vốn riêng.

Giang Hồi cảm thấy khó hiểu: “Tỷ tỷ cho con mà, cầm chơi đi!”

Mấy hình bạc nhỏ xíu rỗng ruột, cộng hết tất cả cũng không đến một lượng, mình tịch thu làm gì?

Trước kia con bé này đâu để ý tiền mừng tuổi, sao hôm nay lại hỏi như vậy.

Ngư Trận rõ ràng thở phào nhẹ nhõm: “Hữu Phúc nói, mẹ của tỷ ấy giữ hộ tiền mừng tuổi là không bao giờ lấy lại được!”

Thật ra Hữu Phúc đâu thiếu tiền tiêu, cũng không có cơ hội tiêu tiền, tiền mừng tuổi tích lũy mấy năm qua đã sớm quên bén từ thuở đời nào.

Kết quả hôm kia hai anh em cãi nhau, không biết vì sao Hữu Thọ lại lôi vụ này ra, Hữu Phúc không tin, vội đi tìm mẫu thân chứng thực.

Sau đó nghe được đáp án khiến cõi lòng bé tan nát.

“Con nít con nôi cần nhiều tiền như vậy làm chi? Để mẹ giữ hộ cho.”

Cơ mà tiền giữ hộ để chỗ nào vậy ạ?

Vốn định kiếm ít tiền mua kẹo lạc, kết quả tất cả tiền dành dụm chẳng thấy đâu!

Hữu Phúc không kềm nén được nỗi bi thương òa khóc lớn, buộc mọi người phải hứa năm nay không "giữ hộ" tiền mừng tuổi của bé.

Còn Hữu Thọ cũng vì khơi chuyện mà ăn một trận măng tre xào thịt.

Trịnh Như Ý không biết nên giận hay cười: “Sao mi nói năng lung tung thế, tự nhiên trêu chọc nó làm chi?”

Hữu Thọ xoa mông kêu oan: “Người lớn thật sự lấy tiền mừng tuổi của tụi con mà, đâu phải con bịa ra!”

Bộ làm người lớn là có thể cả vú lấp miệng em hay sao?

Trịnh Như Ý sửng sốt, cười nghiêng ngả, còn rất tự hào.

“Ừ, không uổng công học hành, còn biết cãi lý.”

Hữu Thọ cười ngây ngô, theo bản năng ưỡn ngực hất cằm: “Con, con còn biết nhiều thứ lắm đấy!”

Nói xong cảm thấy sai sai, ủa, mình đang cãi lý mà!

Vì thế lại xụ mặt lầu bầu, rõ ràng là người lớn thích bắt nạt con nít: “Mẹ làm chuyện không đúng, sao lại đánh con. . .”

Sư Nhạn Hành và Giang Hồi nghe xong đều cười ngặt nghẽo.

Trịnh Như Ý giải quyết không được vấn đề, chẳng lẽ còn giải quyết không được thắng nhóc đưa ra vấn đề đó ư?

Rửa mặt xong, đám Tam Muội tới dập đầu chúc Tết: “Chúng đệ tử chúc sư phụ năm mới vui vẻ!”

Không khí se lạnh còn tràn ngập mùi pháo nồng đậm, xác pháo đỏ tươi bị cơn gió đêm hôm qua cuốn thành từng đống, rúc dưới bóng ụ tuyết ở chân tường.

Sư Nhạn Hành ngồi ghế chủ vị nhận lễ của đám đệ tử.

Nhìn những mái đầu nhỏ đang cúi lạy phía dưới, nàng chân chính có cảm giác thành tựu.

Chỉ vài năm nữa thôi, những đứa trẻ này sẽ thành những vị tướng giỏi có thể một mình đảm đương một phía, Sư Gia Hảo Vị cũng sẽ lan rộng.

Hôm qua đã cho tiền mừng tuổi nên hôm nay không cần phát.

Đám nhỏ đều đang tuổi thèm ăn, nàng chia cho mỗi đứa một bao giấy dầu đựng bánh mật chiên và các loại bánh ăn vặt, đứa nào cũng hớn hở.

Lát nữa ba mẹ con phải đi chúc Tết, đám Tam Muội ở nhà chơi thoải mái.

Nhiều người cứ thích hấp tấp, trời vừa sáng người ta còn chưa kịp rời giường đã tới cửa chúc Tết, Sư Nhạn Hành và Giang Hồi đều không thích như vậy.

Hôm qua mới thức muộn, qua nửa đêm mới đi ngủ. Tết nhất mới có được thời gian nghỉ ngơi, ra ngoài sớm như vậy làm gì?

Ngoài trời giá rét, giống cái tủ lạnh thiên nhiên. Đồ ăn nấu sẵn cứ thảy ra ngoài là yên tâm dự trữ mấy ngày, vô cùng tiện lợi.

Tam Muội hầm nồi cháo kê nóng hổi thơm ngào ngạt, Hồi Hương ôm cái rổ đi “Nhặt” đồ ăn.

Hấp mấy cái bánh bao nhân thịt cải chua, thịt nhiều mọng nước thấm ra khỏi khe nứt của vỏ bánh, loại này ăn ngon nhất.

Cắt một chén giò heo nấu đông, ăn kèm với cá viên thịt viên và đồ chiên vàng ruộm, thêm một mâm lạp xưởng và thịt gà vịt sấy là đủ.

Ăn toàn thịt khó tránh khỏi chán ngấy, di nhiên cần đi kèm với các loại rau ngâm xanh rờn, nhìn rất vui mắt.

Ngồi trong nhà ngắm cảnh tuyết trắng xóa chưa tan, nghe ngoài đường thỉnh thoảng truyền vào tiếng cười nói, sì sụp ăn cháo kê nóng hôi hổi, quá là trôi!

Có người ném vài củ khoai sọ vào bếp than hồng, tưởng ngon nhưng lại quên mất, lúc này ngửi mùi khét mới sực nhớ ra, lột vỏ chấm đường ăn rất đã.

Lý Kim Mai vừa ăn vừa xuýt xoa: “Thật phí quá. . .”

Khoai sọ đã là lương thực cao cấp rồi, thế mà còn lôi đường ra chấm ăn, sang thế!

Công việc này quả thật quá tốt.

Mọi người chậm rãi hưởng thụ bữa cơm sáng ngon miệng, ăn no nê mới ra cửa.

Nhà Sư Nhạn Hành không có thân thích, đương nhiên đến chúc Tết sư môn trước.

Vốn dĩ Giang Hồi còn định ở nhà đón khách: “Nhỡ có nhà nào tới thì sao?”

Nhà nào? Nói trắng ra nhà thân cận nhất cũng chỉ có mỗi Trịnh gia.

Sư Nhạn Hành cười: “Trịnh gia có rất nhiều bạn bè thân thích, còn phải đi chúc Tết quan viên, hôm nay không tới lượt chúng ta đâu.”

Vào ngày giao thừa và ngày đầu năm chắc chắn là thời kỳ cao điểm để xây dựng mối quan hệ, Sư Nhạn Hành quyết định sắp xếp thời gian để tặng quà.

Trước hôm giao thừa đã tặng xong một đợt, buổi sáng hôm nay không tham gia náo nhiệt, chờ buổi chiều ít người rồi tính sau, đỡ phải xấu hổ khi đến chúc Tết mà chạm mặt nhau.

Giang Hồi nghĩ lại thấy cũng đúng, bèn mang theo Ngư Trận cùng đi đến trường huyện với Sư Nhạn Hành.

Trên đường thưa thớt không có mấy người, các cửa hàng vốn ồn ào náo nhiệt đều đóng cửa, chỉ có gió Tây Bắc quét đến cuốn lên những bông tuyết trên mặt đất bay lả tả, cảnh tượng vừa đẹp vừa trầm lắng.

Quan viên triều Đại Lộc nghỉ Tết rất thoải mái, nha môn các nơi đã phong bút treo ấn từ hai mươi sáu tháng chạp, trừ khi có quân tình khẩn cấp hoặc kiện tụng liên quan đến mạng người, nếu không thì công đường không mở, nghỉ một lèo đến mùng chín tháng giêng.

Nhưng ngay sau đó là Tết Thượng Nguyên mười lăm tháng giêng, thế là lại nghỉ tiếp từ mùng mười tháng giêng đến mười chín mới hết.

Nghe nói ban đầu có ngắt ra, nhưng sau đó các đại thần đồng loạt dâng tấu nói không hợp lý, làm vậy thì các quan viên đi về quê thật xa thăm người thân phải tính sao bây giờ ?

Hơn nữa chính Hoàng đế cảm thấy bản thân cũng chưa chơi đủ, dứt khoát vung tay phê chuẩn cho nghỉ bắt cầu.

Nói cách khác, trước và sau năm mới, các quan viên có thể nghỉ làm hơn hai mươi ngày.

Không cần xin phép.

Thực sảng khoái!

Trường huyện thuộc vùng quản hạt của nha môn địa phương, được triều đình trực tiếp chi ngân sách, do đó các tiên sinh trường huyện tuy không có chức quan nhưng vẫn được hưởng đãi ngộ dành cho quan viên, cũng được nghỉ dài hạn như vậy.

Vốn dĩ có bốn người gác cửa, nhưng hiện giờ đang trong thời gian nghỉ lễ nên phân chia lại, mỗi ngày chỉ còn một người.

Sư Nhạn Hành thường xuyên ra vào trường huyện nên mấy gã gác cổng đều quen biết nàng, chưa đợi xe dừng đã cười chào hỏi.

“Lại tới thăm Bùi tiên sinh à? Vào đi.”

Quen mặt quá rồi nên Sư Nhạn Hành cũng không xuống xe, chỉ thuận tay mò ra một bình rượu nhỏ đưa cho gã.

“Trời lạnh quá, mọi người đều ở nhà đoàn tụ, thật vất vả cho huynh đài phải tận tâm tận lực làm việc. Huynh đài đem về nhà uống cho ấm người.”

Người gác cổng hưởng lương cực ít, đã vậy phải làm công việc khiến người ta bực bội. Gã đang ngồi thở ngắn than dài thì đột nhiên nhận được quà tốt, mừng đến nổi xương cốt cả người nhẹ đi hai lượng.

“Chà, cô nương khách sáo quá, khiến ta rất ngại. . .”

Miệng nói vậy nhưng động tác trên tay không hề chậm chút nào.

Ôi trời ơi, bình rượu này gã nhận được, nếu ra mua thì ít nhất phải tốn hai đồng bạc.

Khà khà, trong nhà còn một ít cá khô nhỏ, vừa lúc nhắm rượu.

Khi ba mẹ con Sư Nhạn Hành đến nơi, Điền Khoảnh và Sài Cầm Hổ đang đắp người tuyết trong sân, từ lớn đến nhỏ đứng một hàng, trông thực khí phái.

Thấy Sư Nhạn Hành tới, Sài Cầm Hổ từ xa đã vẫy tay, chỉ vào những người tuyết tự hào khoe: “Tiểu sư muội xem nè, đây là sư phụ sư mẫu, đây là đại sư huynh, đây là ba chúng ta. . .”

Mấy người tuyết khác thì khỏi bàn, đơn giản một chữ "Xấu".

Nhưng nghe nói có hai người tuyết tượng trưng cho nàng và Cung phu nhân, hốc mắt to đùng, môi đỏ như máu. . .

Sư Nhạn Hành nhìn những người tuyết trông như bị hủy dung, nhất thời phân không rõ người tuyết này để trang trí cho Tết Âm Lịch hay Halloween.

“Cảm ơn. . .”

Vô cùng cảm động, nhưng ta cự tuyệt.

Sài Cầm Hổ nhìn nàng, rồi nhìn lại người tuyết, gãi đầu: “Hình như không được giống lắm há.”

Sư Nhạn Hành: “. . .”

Đây là "không được giống lắm" đó hả?

Cách xa một trời một vực biết chưa!

Mọi người gặp nhau đều chào hỏi và nói vài câu cát lợi.

Sài Cầm Hổ lần đầu tiên gặp Ngư Trận, cố ý làm quen: “Muội tên gì?”

“Sư Ngư Trận.” Ngư Trận trong trẻo đáp, nhìn chằm chằm đầu anh chàng, hồi lâu mới tuôn ra một câu, “Ca ca cũng chơi lửa ạ?”

Sài Cầm Hổ: “. . . Hả?”

Sư Nhạn Hành nhịn cười: “Con nhóc này mấy hôm trước cũng bắt chước người ta đốt pháo hoa, kết quả pháo hoa không nổ mà lại bị cháy tóc.”

Con nít càng lớn càng hoạt bát, điều đó thật đáng vui mừng nhưng không tránh khỏi thỉnh thoảng dẫn đến những cơn đau đầu.

Ngư Trận khoa tay múa chân diễn tả bằng cách nào đạt được phần tóc mái nham nhở như chó gặm, cong cong ngón tay: “Chính là như vậy, như vậy đấy!”

Sài Cầm Hổ cười ha hả, trước tiên chùi đôi bàn tay đầy tuyết vào quần, sau đó khom lưng nhấc Ngư Trận lên đung đưa: “Không phải vậy, ta là bẩm sinh như thế.”

Qua năm mới là anh chàng coi như mười tám rồi, cả người toát ra dáng vẻ của một thanh niên xen lẫn nét thiếu niên.

Thỉnh thoảng quần áo dính sát vào người để lộ đường cong cơ bắp, dường như thầm chứng tỏ anh chàng không hề yếu ớt như mọi người lầm tưởng.

Ngư Trận tò mò thử chạm vào mái tóc Sài Cầm Hổ, như muốn xác nhận nó không hề giống với một mảng tóc bị đốt của mình, kinh ngạc ồ lên.

“Quăn quăn!”

Sài Cầm Hổ nói: “Không chỉ có người tóc quăn, khi nào muội đi du lịch bên ngoài, còn có thể thấy người có đôi mắt màu lam hay đôi mắt màu lục. . .”

Thế giới rất lớn!

Ánh mắt Ngư Trận lấp lánh liên tục.

Bên ngoài thật thú vị!

Giang Hồi lén nhận xét với Sư Nhạn Hành: “Vị này vẫn còn tính trẻ con.”

Sư Nhạn Hành phì cười.

Người đã gặp đứa trẻ nào đi áp tiêu hay chưa?

Ở bên ngoài chơi đủ rồi, Ngư Trận và Sư Nhạn Hành cùng vào dập đầu chúc Tết Bùi Viễn Sơn và Cung phu nhân.

Từ khi quen biết nhau, hai vị này đối đãi với nàng rất chân thành, quan tâm rất nhiều, nàng cam tâm tình nguyện dập đầu cho họ.

Sau đó Điền Khoảnh và Sài Cầm Hổ lại cúi chào hành lễ vãn bối với Giang Hồi. Giang Hồi nghiêng người né tránh, chỉ nhận nửa lễ.

Rốt cuộc đây là hai người trẻ tuổi có công danh, cho dù là trưởng bối cũng không thể lên mặt.

Đã thống nhất hôm nay sẽ làm Sát trư thái, tất cả nguyên liệu đã nấu xong, mang tới chỉ cần cho vào nồi to đun nóng lên là xong.

(Sát trư thái 殺豬菜: dịch sát nghĩa là món giết heo. Đây là món ăn truyền thống của vùng Đông Bắc trong dịp Tết sau khi giết heo. Đầu tiên là hầm xương ống và thịt ba chỉ với hành, gừng, hồi... để lấy nước dùng, thịt ba chỉ mềm thì lấy ra thái lát. Bắp cải muối thái sợi cho vào nồi nước dùng, nêm gia vị. Linh hồn của món này là dồi huyết, chỉ là huyết tươi đổ vào lòng heo rồi luộc cho đông lại. Dồi huyết thái miếng, xếp vào nồi canh bắp cải muối cùng với thịt ba chỉ thái lát. Nấu sôi là dọn cả nồi lên bàn, gắp thịt ba chỉ và dồi huyết chấm nước sốt tỏi ớt ăn kèm với bắp cải muối, nước canh chan cơm hoặc bỏ miến vào.)

Nói thật ra món giết heo nhìn không đẹp mắt nhưng lại ngon khó cưỡng.

Nồi Sát trư thái còn chưa mang lên bàn mà Điền Khoảnh và Sài Cầm Hổ đã đi vòng quanh nó vài lần, rất giống hành vi rập khuôn của những con thú trong thảo cầm viên bị hạn chế trong chuồng.

Xương ống ninh nhừ, còn một đĩa lớn dồi huyết và thịt ba chỉ thái lát được cho vào nồi canh, vô cùng chất lượng.

Dồi huyết nhìn hơi sợ, tuy trước đó đã từng ăn huyết vịt nhưng Cung phu nhân vẫn do dự.

Nhưng nghĩ tới Sư Nhạn Hành bỏ công nấu nướng, bà cũng gắp một miếng nếm thử.

Sài Cầm Hổ cầm khúc xương ống to đùng gặm ngon lành, còn moi tủy xương trơn mềm ra ăn, rất thưởng thức.

Giang Hồi nhìn một cách thích thú, thầm nghĩ thằng bé này ăn cơm trông thật hết lòng!

Chẳng hề có chút câu nệ nào của học giả.

Ngược lại Điền Khoảnh khổ sở vô cùng.

Anh chàng thật vất vả mới giảm cân thành công, ai ngờ nhất thời bất cẩn ăn uống thả cửa mấy ngày qua nên có khuynh hướng bắn ngược.

Điền Khoảnh nhìn Sài Cầm Hổ càn quét mâm cơm như gió cuốn mây tan, rầu rĩ nói: “Tập võ thật tốt!”

Sài Cầm Hổ tạm thời bổ qua cục xương ngước đầu lên, giơ bàn tay bóng nhẫy cười toe toét: “Ngày mai sư huynh cùng luyện võ với đệ, bảo đảm gầy ngay.”

Điền Khoảnh nghe được lời này, lập tức đầu hàng.

Luyện võ gì chứ, múa một chút Ngũ Cầm Hí hay Bát Đoạn Cẩm thì còn được.

Còn vài chiêu thức tiểu sư đệ dạy lúc trước thì chỉ đủ để đối phó với người bình thường mà thôi.

Ăn cơm xong, Sư Nhạn Hành thấy trong phòng bếp có sơn tra đã rửa sạch bèn bỏ hột ép dẹp, cho đường vào sên.

Ừm, ngày Tết mà không ăn hồ lô ngào đường thì thấy thiếu thiếu gì đó.

Nếu để nguyên quả sơn tra thì khi sên đường chỉ bọc một lớp bên ngoài, thịt quả rất chua, nhiều người ăn không quen.

Mà ép dẹp sơn tra sẽ cho ra mùi vị khác hẳn, mềm mại, ngọt thanh.

Sau đó, mọi người vây quanh bếp lò ăn hồ lô ngào đường, bên ngoài bọc lớp đường trong suốt bóng loáng như thủy tinh, cắn trong miệng kêu rốp rốp.

Phần thịt sơn tra hơi chua, cho vào sên với đường đạt được độ cân bằng kỳ diệu, khiến người không thể dừng miệng.

Bùi Viễn Sơn hỏi Sư Nhạn Hành vài câu về bài vở, đột nhiên nói: “Từ sau hôm nay đến trước tháng ba, trò đừng nên tới nữa.”

Sư Nhạn Hành ngẩn ra, chợt nghĩ đến một chuyện: "Kỳ thi huyện?”

Mùng chín tháng hai là ngày thi huyện, nghe nói toàn huyện có mấy trăm học sinh tới dự thi, tranh đoạt hai mươi mốt vị trí tú tài.

Thi huyện sẽ do Huyện lệnh địa phương chủ trì, từ tháng chín năm ngoái Tô Bắc Hải đã bắt đầu bận rộn, càng đến cuối năm càng bù đầu, nghe nói ba ngày không ra khỏi tiền nha môn.

Kỳ thi sẽ tổ chức ở trường huyện, do Bùi Viễn Sơn và vài vị tiên sinh đảm nhiệm chức vụ giám khảo, cũng rất bận rộn.

Vì tránh tị hiềm, những vị tiên sinh được tuyển chọn làm giám khảo bắt đầu lục tục đóng cửa từ chối tiếp khách, không gặp bất cứ ai.

Có Điền Khoảnh và Sài Cầm Hổ chăm nom, Sư Nhạn Hành cũng yên tâm, dặn dò vài câu rồi đi.

Trước khi ra cửa, Sài Cầm Hổ còn đưa nàng một người tuyết nhỏ: “Tiểu sư muội xem cái này giống không?”

Sư Nhạn Hành vừa cúi đầu nhìn, lập tức bị hết hồn bởi đôi mắt bằng hai cục than đen thùi và cái miệng bằng quả anh đào đỏ tươi, hiệu quả có thể nói là kinh khủng khiếp.

Cút đi!

Mấy ngày kế tiếp phải đi chúc Tết khắp nơi. Khi đến chỗ Lưu Thúy Lan, cô ta cười tủm tỉm nhét vào tay nàng một túi đồ.

Sư Nhạn Hành cảm thấy bất cứ thứ gì nhét cho nàng với loại biểu cảm này sẽ không vượt qua thẩm định.

Quả nhiên, trở về mở ra, là một chiếc áo yếm, màu sắc vô cùng khiêu gợi.

Thực tế đã chứng minh, nghiên cứu của nữ sĩ Lưu Thúy Lan về sự thoải mái trong quyền riêng tư của phụ nữ thực sự đi trước thời đại.

Nói là áo yếm nhưng tạo hình đã cực kỳ tiếp cận với áo ngực hiện đại. Ngoại trừ hai miếng vải tam giác ở đằng trước, phần còn lại đều là những sợi dây mảnh, nhìn mát mẻ vô cùng.

“Ở đây mùa xuân rất ngắn, vừa ăn tết xong là chuẩn bị vào hè, trời nóng như thiêu, ai kiên nhẫn mặc ba cái yếm đó!” Lưu Thúy Lan bỉ bai.

Nhờ phúc của Sư Nhạn Hành, trong phần quà năm mới, Lưu Thúy Lan đặc biệt chọn mấy thứ phấn mặt và kem bí chế, cùng vài loại đồ mới mẻ dành cho phụ nữ tặng kèm cho vài vị quan phu nhân có cuộc sống dư dả.

Kết quả ngày hôm sau có mấy người tới đặt vài bộ muốn gói ghém cho đẹp, nói là làm quà tặng trong dịp Tết.

Ban đầu hàng hóa của Lưu Thúy Lan tuy tốt, nhưng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi những lời đồn đãi về cô, vì thế các vị quan phu nhân cao quý cho rằng toàn những thứ vớ vẩn dung tục, không thèm để mắt tới.

Cho nên phần lớn chỉ bán được cho các nhà phú thương.

Hiện giờ đồ này thình lình xuất hiện trong phần quà tặng ngày lễ, nhìn xác thật rất tốt, các vị quan phu nhân bèn lặng lẽ sai người tới mua.

Sau khi đến cửa hàng, họ vô tình nhìn thấy những sản phẩm khác rất mới mẻ và thú vị, nghe nói chúng rất hiệu quả nên hối hả mang về một bao.

Chậc, quan phu nhân cũng là người, là người thì phải có thất tình lục dục.

Huống hồ đàn ông có tiền có quyền là hỏng ngay, các bà vợ ngày càng già, không khỏi lo lắng bị chồng chê quay sang ôm ấp người khác.

Lưu Thúy Lan nghĩ rất thoáng, mặc kệ các bà mua một cách quang minh chính đại hay lén lút, chỉ cần mua hàng của ta là được.

Thể diện gì đó đều là hư vô, chỉ có bạc nắm trong tay mới là chân thật.

Về nhà, Giang Hồi vừa thấy áo yếm kia, gương mặt lập tức cháy đỏ, quăng ra thật xa như ném con nhím, đôi mắt không biết đặt nơi nào.

“Trời thần ơi, đây là cái quỷ quái gì vậy?!”

Thật là. . . thật là chẳng ra thể thống gì.

Sư Nhạn Hành cười kéo tay cô: “Thử xem nào, mùa hè người mặc nhiều như vậy không nóng sao? Hiện giờ các vị quan phu nhân và phu nhân nhà phú thương đều ưa chuộng cái này đấy.”

Giang Hồi không giãy ra được, nghĩ đến bộ dạng mồ hôi mồ kê đầm đìa vào ngày hè, cũng hơi động tâm.

Song cô vẫn ngượng ngùng, nắm chặt hai miếng vải nhỏ xíu kia trong tay, lầu bầu: “Kỳ cục quá. . .”

Trong phòng đốt sưởi rất ấm áp, Giang Hồi nửa e lệ nửa tò mò đi vào thay, nửa ngày không lên tiếng.

Sư Nhạn Hành chờ sốt ruột, ở bên ngoài cách mành hỏi: “Sao nào?”

Sau một tràng sột soạt, Giang Hồi xuất hiện với gương mặt đỏ bừng, miếng vải trong tay vẫn còn ấm nhiệt độ cơ thể.

“Thiếu vải quá, lạnh căm căm, giống như không mặc gì. . .”

Lời còn chưa dứt, hai người ôm bụng cười.

Mấy ngày liên tiếp, Tô Bắc Hải đi xã giao khắp nơi, Phan phu nhân cũng phải tiếp đãi nữ quyến, bận đến nỗi chân không chạm đất.

Chờ đến lúc rốt cuộc được rảnh rỗi thì đã là mùng sáu.

Sư Nhạn Hành mang quà đến chúc Tết Phan phu nhân. Vốn nghĩ người cao quý rất bận rộn không muốn gặp mình, nàng định tặng quà rồi đi ngay.

Ai ngờ mới ra khỏi cửa vài bước, có một tiểu nha đầu chạy theo kêu: “Sư chưởng quầy chờ một chút, phu nhân muốn gặp người.”

Nhưng sau khi tiến vào, Phan phu nhân chỉ để nàng ngồi xuống uống trà, một lúc lâu không lên tiếng.

Sư Nhạn Hành cảm thấy lại uống xong kiểu này là phải chạy WC, bèn chủ động mở miệng hỏi: “Không biết dân nữ có thể cống hiến chút sức lực gì cho phu nhân chăng?”

Phan phu nhân dường như vẫn chưa nghĩ thông, suy gẫm thêm một lát mới nói: “Hôm kia các nữ quyến vào chúc Tết. . .”

Bà là Tri huyện phu nhân, là người phụ nữ tôn quý nhất của huyện Ngũ Công, nữ quyến của quan viên dưới quyền dĩ nhiên phải kính trọng bà, nịnh bợ bà, nghe mãi cũng thành quen.

Cơ mà lần này, bà cảm thấy hình như có điểm khác trước.

Đặc biệt là những người phụ nữ gia cảnh không khá giả, họ vẫn nhìn bà với ánh mắt kính sợ, nhưng bên cạnh sự kính sợ, dường như có điều gì đó rất kỳ lạ.

Phan phu nhân nhất thời không thể nói đó là điều gì, chỉ cảm thấy họ có vẻ chân thành hơn khi nói chuyện với bà.

“Là cảm kích phải không?”

Sư Nhạn Hành thử đoán.

Phan phu nhân ngẩn ra, hình như là vậy.

“Có phải những người đó đều được nhận đai nguyệt sự?”

“Đúng vậy.”

Thật ra đai nguyệt sự mà các nữ quyến nhận được không phải là loại tinh xảo xa hoa nhất trong cửa hàng Lưu Thúy Lan, nhưng là loại dùng tốt, giá cả không mắc.

Sư Nhạn Hành và Lưu Thúy Lan cho mỗi người một bao thật nhiều, lặng lẽ đưa đến khi cánh đàn ông không ở nhà.

Phan phu nhân cảm thấy không thể tưởng tượng được: “Chỉ vì mấy cái đai nguyệt sự thôi à?”

Một năm đâu tốn bao nhiêu?

“Không chỉ vì đồ cho,” Sư Nhạn Hành nghiêm túc nói, “mà là sự quan tâm chân thành.”

Trước kia thứ cho đi có khả năng chỉ nhìn cho vui, nhưng loại đồ riêng tư rất hữu ích này mới khiến họ thật sự cảm kích.

Phan phu nhân trầm ngâm suy nghĩ.

Trước kia bà cũng thưởng cho các nữ quyến son phấn vải vóc, giá trị cao hơn nhiều so với một bao đai nguyệt sự.

Nhưng lại chưa từng có thể nghiệm như vậy.

Ban đầu ý thức được điểm này, Phan phu nhân khó tránh khỏi bực bội, cảm thấy những người kia sao thiếu hiểu biết thế.

Ta cho các ngươi vàng bạc, các ngươi coi là chuyện bình thường, ngược lại là mấy miếng đai vải rẻ tiền lại khiến các ngươi cảm kích?

Nhưng nghe Sư Nhạn Hành giải thích như vậy, Phan phu nhân lại cảm thấy đáng buồn.

Vải vóc thì phải để dành may đồ cho cha mẹ chồng, con trai và ông chồng, son phấn thì đem bán đổi chút tiền. . .

Có lẽ chỉ một bao đai nguyệt sự kia mới chân chính dành riêng cho họ.

Phản ứng của Phan phu nhân quá bình thường.

Họ là giai cấp kẻ sĩ cao cao tại thượng, dẫu có người từng xuất thân bình dân nhưng được nâng cao nịnh hót quá lâu rồi, đã quên bén cảm giác bùn đất dưới chân ra sao.

Nhưng hiện tại, Phan phu nhân có vẻ đã giác ngộ đôi chút.

Là công lao của mình sao?

Trên đường về, Sư Nhạn Hành không ngừng tự vấn, cuối cùng đưa ra một câu trả lời khẳng định:

Đúng!

Ôi chao, ta cũng đỉnh nóc kịch trần đấy!

Sư Gia Hảo Vị chính thức mở cửa buôn bán vào ngày mùng tám, sáng sớm đốt một dây pháo dài, phân phát điểm tâm cho láng giềng xung quanh.

Trước khi mở cửa, Sư Nhạn Hành mở cuộc họp với nhân viên, một mặt để cổ vũ tinh thần, ngoài ra để nhắc nhở mọi người chuẩn bị cho việc kinh doanh trong kỳ thi huyện

Thi huyện trải qua năm kỳ, mỗi kỳ cách nhau từ một đến hai ngày, tổng cộng là mười ngày.

Thí sinh ở xa hoặc không có thời gian đi tới đi lui hoặc bôn ba quá mệt mỏi nên phải ở lại trong thành.

Trong mấy ngày qua, hiển nhiên có rất nhiều người ngoài thành tìm thuê nhà ngắn hạn hoặc đặt trước nhà trọ.

Bản thân thí sinh và một số có người đi theo đã khiến dân cư trong thành có thể tăng thêm hàng nghìn người trong thời gian ngắn.

Đây đều là tiềm năng tiêu thụ mạnh mẽ.

“Tôi dự định giới thiệu một số loại bánh giành riêng cho kỳ thi huyện, chẳng hạn như bánh 'Từng bước lên cao' hay 'Cá vượt Vũ Môn', vân vân. Đến lúc đó sẽ rất bận rộn, mọi người nên chuẩn bị sẵn sàng.”

Học hành quả thực rất tốn kém, chưa kể giai đoạn đầu phải mua bút, giấy, mực, mời tiên sinh, chỉ riêng vụ trước khi vào được trường thi phải tìm người bảo lãnh, đưa tiền đăng ký, cộng thêm các chi phí khác cũng tốn ít nhất vài lượng bạc.

Mà đại đa số nông hộ quanh năm suốt tháng không thấy được nén bạc thế nào, đập nồi bán sắt cũng kiếm không ra.

Vì vậy, hầu hết những người có thể tham gia kỳ thi đều có khả năng chi tiêu nhất định, có lẽ họ cũng không ngại bỏ tiền để mua vận may.

Cứ nhìn ngôi miếu Văn Đế ngoài thành kia kìa, bắt đầu từ năm trước đã cực kỳ đông đúc, người khắp nơi đổ xô đến đó để cầu thi đậu.

“Còn bên chi nhánh thì hãy chuẩn bị thêm phần ăn trong thời gian thi cử,” Sư Nhạn Hành dặn dò, “Nếu thấy gia cảnh thí sinh nào quá bần hàn thì mời họ vào tiệm ăn phần cơm, coi như tích đức.”

Nếu may mắn gặp được người biết nhớ ơn, sau này họ có một bước lên mây thì cũng không cần họ hồi báo gì nhiều, chỉ nhẹ tay với Sư Gia Hảo Vị là đủ lắm rồi.

Sát trư thái 殺豬

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top