115. NẠM BÒ KHO
115. NẠM BÒ KHO 紅燒牛腩
Hồng Thiêu Ngưu Nạm 紅燒牛腩: nạm bò kho kiểu Tứ Xuyên, hơi giống món bò kho của Việt Nam nhưng không dùng nước mắm, mà có thêm xuyên tiêu và tương douban.
Dùng cơm trưa xong, Cung phu nhân cho mọi người ăn tráng miệng chè tuyết lê, cười đề nghị: "Hiếm khi đông đủ như vậy, nhân dịp Tết, chúng ta chơi đối thơ nhé!"
Mọi người vui vẻ hưởng ứng, riêng Sư Nhạn Hành ngửi được hơi thở bất thường.
Hãy nhìn xem, đây là trò tiêu khiển của những người làm công tác văn hoá với học thức siêu đẳng, quả thật có mùi vị cao cấp hơn hẳn.
Người bình thường ăn uống no đủ là vung tay đánh bài hò hét vang trời, chắc chắn chẳng ai chơi trò đối thơ.
Nàng đoán giả như bên ngoài thời tiết tốt, nước không bị đóng băng, chưa chừng mọi người sẽ kéo nhau ra dòng suối nhỏ sau núi chơi Khúc thủy lưu thương rồi.
(Khúc thủy lưu thương là trò chơi của học giả thời cổ đại. Người chơi ngồi hai bên bờ suối, đặt chén rượu trên mặt nước, chén rượu trôi đến trước mặt ai thì người ấy ngẫu hứng làm thơ, sau đó nhấc chén rượu lên uống cạn)
Bùi Viễn Sơn rất hứng thú, nhìn cảnh tuyết phủ ngoài cửa sổ: "Chúng ta hãy lấy chữ 'Tuyết' làm đề tài, viết về tuyết nhưng không thể thấy tuyết. Không câu nệ thơ từ, không giới hạn vần điệu. Nếu trích dẫn của tiền nhân thì phải nói rõ xuất xứ, hoặc tự mình sáng tác đều được."
Đây có nghĩa à, trong bài thơ không được dùng chữ "Tuyết", nhưng yêu cầu nội dung phải viết về tuyết.
Sư Nhạn Hành thật muốn đầu hàng ngay tại chỗ.
Quá cao siêu, chơi không nổi, trò này nàng thật sự chơi không được!
Ai ngờ còn chưa kịp há mồm, Bùi Viễn Sơn đã tặng cho nàng ánh mắt tràn ngập cổ vũ.
Trò ngoan, cố lên!
Sư Nhạn Hành: ". . ."
Không, đồ nhi không làm được!
Mấy trò này có cổ vũ cũng vô dụng thôi sư phụ ơi!
Ngài đã quên đồ nhi làm thơ tồi tệ đến mức nào ư?
Ngài chính miệng nói xem xong mất luôn khẩu vị đấy thôi, ngay cả khúc xương chó gặm mà còn hấp dẫn hơn ơ kìa!
Nhờ mấy chén mì, Sài Cầm Hổ có ấn tượng rất tốt với nàng, khoe răng khểnh: "Đừng ngại, ta sẽ mớm câu cho sư muội!"
Vừa dứt lời, Bùi Viễn Sơn phóng tới đôi mắt hình viên đạn.
Sư Nhạn Hành: ". . . Cảm ơn sư huynh quang minh chính đại chuẩn bị gian lận."
Thật ra nếu ở xã hội hiện đại mà chơi trò đố thơ thì Sư Nhạn Hành không thua kém ai, thật sự không làm khó được nàng!
Nàng rất thích đọc sách, nào là Kinh Thi, Thơ Đường toàn tập, Tống Từ tuyển tập, nếu không thuộc làu làu, thì cũng nhớ được bảy tám phần mười.
Đời trước khi vào đại học mọi người cũng chơi trò nối thơ, Sư Nhạn Hành chưa từng thua bao giờ!
Xui thay, xui thay!
Hiện tại nàng xuyên đến Đại Lộc là một triều đại hư cấu, không tồn tại trong lịch sử!
Vậy thì cũng đồng nghĩa với việc, hầu hết thơ văn chứa trong đầu Sư Nhạn Hành đều không lôi ra được xuất xứ!
Mà nàng vẫn có chút liêm sỉ, không thể ăn cắp ý tưởng của tiền nhân, làm kẻ đạo văn.
Khổ nỗi nàng chẳng hề có chút sở trường nào về đặt từ làm thơ, viết ra một bài thì thậm chí chó cũng chê.
Cùng là chơi nối thơ, người khác chỉ cần nhặt trong đầu rồi mở miệng tuôn ra.
Nhưng Sư Nhạn Hành còn phải qua thêm một bộ lọc:
Trong triều Đại Lộc có vị hiền giả này không?
Không có thì không thể dùng.
Nghĩ đến đây, Sư Nhạn Hành theo bản năng ngẩng đầu quan sát những đồng đội kiêm đối thủ:
Tiền nhiệm tiến sĩ nhị giáp kiêm quan lớn ở kinh thành, đương nhiệm tiên sinh trường huyện, đã sáng tác rất nhiều thơ văn lưu truyền rộng rãi;
Tài nữ xuất thân dòng dõi thi thư, mười mấy tuổi đã nổi danh trong giới văn sĩ, được tán dương "Không thua gì cha anh";
Đương nhiệm cử nhân, hàng tích trữ trong đầu cũng nhiều như trong bụng;
Đương nhiệm tú tài, hàng tích trữ không rõ, nhưng nghe nói đầu óc cực thông minh, là dân bản xứ hưởng nền giáo dục cổ đại mười mấy năm. . .
Nhìn lại chính mình, ừm, thương nhân từ thế giới khác, đương nhiệm chưởng quầy. . .
Sư Nhạn Hành lâm vào cảnh "không trâu bắt chó đi cày" căng não ứng phó.
Mấy vòng đầu tiên không sao, mọi người cũng cố ý nhường nàng, đặc biệt chọn những câu rất dễ, Sư Nhạn Hành thuận lợi thông qua.
Nàng phát hiện thật đáng tiếc khi Sài Cầm Hổ không tham gia đội cheerleader, anh chàng thực sự rất tài tình trong việc cổ vũ người khác!
"Tiểu sư muội xuất sắc quá!"
"Tiểu sư muội nhớ được câu này? Ta xém chút nữa quên mất."
Xạo ke, nhưng rất đã cái nư!
Sư Nhạn Hành được anh chàng khen đến nỗi cảm xúc lâng lâng, phấn kích quá nên nhất thời vong hình, ở vòng thứ hai mươi ba buột miệng thốt ra: "Thiên phong duẩn thạch thiên chu ngọc, Vạn thụ tùng la vạn đóa ngân."
Vừa ngâm xong hai câu này, nàng lập tức nghĩ thầm: Thôi rồi rồi!
Trong lịch sử triều đại này không có Nguyên Chẩn!
(Nguyên Chẩn là nhà thơ nổi tiếng thời Đường, bạn rất thân của Bạch Cư Dị. Ông nổi tiếng với những bài thơ tình và thơ châm biếm tình hình chính trị. Ông làm quan tới chức Tể tướng, và vì đấu đá trong triều chung với Bạch Cư Dị, hai ông cùng bị biếm quan)
Quả nhiên, mọi người nghe xong đều ngơ ngác, sau đó đồng loạt đổ dồn ánh mắt về phía nàng.
Bùi Viễn Sơn ngâm nga lại một lần rồi gật gù tán thưởng: "Câu hay, ý cảnh đẹp, không biết là tác phẩm của vị danh gia nào?"
Trình độ này vừa nghe là biết ngay không phải của tiểu đệ tử!
Sư Nhạn Hành thầm nghĩ, [Ta phải đào đâu ra một Nguyên Chẩn để tặng các vị đây?]
Nàng ngắc ngứ một hồi rồi nửa thật nửa giả nói: "Trước đây đồ nhi có nghe mẫu thân ngâm qua một lần. Mẫu thân cũng không nhớ rõ đọc được ở đâu? Thi nhân tên Nguyên Chẩn, có lẽ chưa từng nổi danh, cũng có khả năng dùng tên giả."
"Nguyên Chẩn?"
Mọi người hỏi nhau một vòng, xác nhận chưa bao giờ nghe qua, bèn đồng ý với suy đoán dùng tên giả.
Người có tài hoa như vậy, sao có thể là hạng vô danh?
Bùi Viễn Sơn vuốt râu gật đầu, lại ngâm nga câu kia thêm mấy lần, tựa như đang chậm rãi nhấm nháp hấp thụ tinh hoa rồi nuốt vào bụng, vẫn còn thèm thuồng: "Dùng từ thật tuyệt, ý thơ càng hay, trò nhớ được cả bài hay không?"
Sư Nhạn Hành gật đầu, mới định mở miệng, Sài Cầm Hổ lập tức nhảy xuống khỏi giường ấm: "Để ta lấy giấy bút sao chép!"
Thơ hay đến thế, không nhớ kỹ để lưu danh muôn đời thì thật đáng tiếc.
"Bài thơ viết về cảnh tuyết ở Nam Tần: Đế thành hàn tẫn lâm hàn thực, Lạc cốc xuân thâm vị hữu xuân. . ." Sư Nhạn Hành đọc tới đâu là Sài Cầm Hổ chép đến đó, đọc xong bài thơ thì ngòi bút cũng dừng, lưu loát vô cùng.
Sài Cầm Hổ cúi đầu thổi khô nét mực rồi ngâm nga cả bài, cảm khái: "Vừa hoang dã vừa tinh tế, tuyệt cà là vời!"
Cảm khái xong rồi cười: "Đọc bài thơ này chợt có cảm giác thân thiết."
Anh chàng là người Quan Trung, thuở nhỏ theo phụ thân đến Tây Nam nhậm chức, từng đi qua vùng Lĩnh Nam. Mặc dù chưa thưởng lãm hết cảnh đẹp nhưng đã khắc sâu vào lòng phong cảnh dọc đường. Vì vậy bây giờ đọc bài thơ này, anh chàng có cảm giác quen thuộc như được trở về nhà.
Đợi khô mực, Sài Cầm Hổ trình cho Bùi Viễn Sơn và Cung phu nhân, Điền Khoảnh cũng ghé lại sau lưng họ tỉ mỉ xem xét: "Chữ viết của tiểu sư đệ đã tiến rất xa, nghiễm nhiên có thể lập thành một trường phái riêng."
Mọi người đều có trí nhớ tốt, nghe Sư Nhạn Hành đọc một lần là đã thuộc rồi, lúc này nhìn bài thơ chủ yếu ngâm nga thưởng thức kỹ hơn, đồng thời chú ý tới bút pháp của Sài Cầm Hổ.
Quả nhiên "tự tựa kỳ danh", nét bút vững vàng, đằng đằng sát khí "hàng long phục hổ". Tuy bắt nguồn từ bảng chữ mẫu của danh gia nhưng đã có phong cách riêng.
Sư Nhạn Hành ngắm một hồi, cũng lên tiếng khen ngợi.
Sài Cầm Hổ sờ mũi, khá đắc ý, theo bản năng ưỡn ngực ngẩng đầu, nhúm tóc quăn trên đầu cũng lúc lắc theo.
Bùi Viễn Sơn mỉm cười nhìn đồ đệ, dĩ nhiên nhìn thấu bộ dạng khoe khoang của anh chàng, nhưng xác thật có tiến bộ nên không giội nước lã.
"Tuy vẫn ngông nhưng so với trước kia đã biết khắc chế rất nhiều, càng ổn trọng hơn. Thật không phí một chuyến ra ngoài."
Thằng nhóc này trước kia rất cuồng ngạo nhưng trong bụng trống trơn, chỉ là ếch ngồi đáy giếng, đúng là loại trẻ con thiếu hiểu biết mà kiêu ngạo, khiến người nghe xong cảm thấy buồn cười.
Nhưng mấy năm nay đi ra ngoài trải nghiệm chuyện đời, rồi một mình chạy tới phía nam mở tiêu cục, tuy không nói ra nhưng chắc chắn đã nhìn thấy sự đau khổ của thiên hạ, cách đối nhân xử thế có biến hóa long trời lở đất.
Vẫn ngông cuồng, nhưng chân thành hơn.
Sư Nhạn Hành cười: "Chúc mừng nhé, Tam sư huynh!"
Nàng thật sự rất bội phục những người đi khắp nơi du học ở lứa tuổi trẻ như vậy.
Trước kia, nàng không mấy ấn tượng khi đọc sách lịch sử và tiểu sử của các danh nhân, nhưng từ lúc xuyên đến triều Đại Lộc, Sư Nhạn Hành mới chân chính hiểu biết "Du học" là gì.
Người thời xưa, hay nói đúng hơn là nhóm kẻ sĩ thời cổ đại thật sự đã du hành khắp trời nam biển bắc!
Lãng du phiêu bồng.
Nào là cầu học, đi thi, nhậm chức quan, bị truất biếm. . . Quả thật là "Buổi sáng từ biệt thành Bạch Đế, ở trong làn mây rực rỡ. Đi suốt một ngày, vượt qua ngàn dặm về tới Giang Lăng."
(Trích trong bài thơ Tới Giang Lăng của Lý Bạch)
Vào thời cổ đại, giao thông rất bất tiện và tin tức còn hạn chế. Muốn mở rộng tầm nhìn và nâng cao kiến thức? Đi du học thôi!
Muốn bái ai làm sư phụ? Hãy tự đến tận nơi cư trú của tiên sinh.
Hoặc đơn giản là "Này, ta nghe nói chỗ đó khá tốt, đến tham quan học tập nhé!"
Hãy nhìn xem, trong số những văn nhân thi sĩ lưu danh sử sách, không một ai ru rú trong nhà!
Bản đồ đường đời họ đã đi qua tuyệt đối hạ gục hơn chín mươi phần trăm người hiện đại trong nháy mắt.
Chẳng hạn, Thi tiên đại danh đỉnh đỉnh Lý Bạch từng "dụ dỗ" fanboy Đỗ Phủ đi du sơn ngoạn cảnh khắp nơi tìm thần tiên. Trên đường ngao du, hai người họ thuận tiện vớt thêm một "Kẻ lang thang" nổi tiếng khác là Cao Thích.
Cao Thích bị dụ lên "thuyền tặc" đi theo hai người hao phí hơn nửa năm rong chơi trải nghiệm cuộc sống màn trời chiếu đất, kết quả chẳng tìm được thần tiên nào. Sau đó Đỗ Phủ giác ngộ trước, chấm dứt chuyến đi!
Vậy nên, ngươi nói văn nhân rất yếu ớt đúng không?
'Trăm người không dùng được một là thư sinh', nghe có vẻ rất nhu nhược.
Nhưng một khi họ nổi lên tính tình hoang dã thì cũng này nọ lọ chai lắm đó!
Những áng văn thơ được viết sau khi du học sẽ mang nhiều góc nhìn và tư duy rộng rãi, chắc chắn khác hẳn với những kẻ ru rú trong nhà làm văn.
Đêm ba mươi trời tối sớm, đặc biệt là hôm trời đầy mây không thấy bóng dáng mặt trời.
Khi Hồ Tam nương tử tới đón, bên ngoài đã sập tối.
Lúc này gió Tây Bắc thổi vù vù, Sư Nhạn Hành ngăn cản sư phụ sư mẫu muốn đưa nàng ra tận cửa: "Hai vị quay vào thôi, cũng đâu cách bao xa, sáng sớm mai đồ nhi lại tới chúc Tết mà! Đồ nhi còn muốn một bao lì xì thật dày!"
Mọi người đều cười.
Sài Cầm Hổ tự tin thân cao thể tráng, hơn nữa hôm nay là ngày gặp mặt đầu tiên mà không khỏi cảm thấy thân thiết, bèn thay mặt mọi người đưa tiễn.
Sư Nhạn Hành thoăn thoắt lên xe, thò đầu ra ngoài cửa sổ dặn dò: "Cơm tất niên tối nay các vị hãy dùng tạm, ngày mai muội sẽ mang đến đồ ăn từ thịt heo vừa mổ!"
Sài Cầm Hổ đã nhìn qua phòng bếp, nghe vậy cười nói: "Đủ quá rồi, phòng bếp sắp không còn chỗ chất đồ sư muội đưa tới."
Mấy hôm trước ông chủ Trang thể theo lời hứa tặng Sư Nhạn Hành mấy chục cân thịt bò, cộng thêm đuôi bò, nội tạng bò, xương ống mà nàng đã chủ động hỏi xin.
Hôm đó Sư Nhạn Hành lọc sạch sẽ thịt bò rồi để bên ngoài một đêm, dưới trời rét âm mười độ thì đông lại thái lát mỏng dễ dàng hơn.
Ngày hôm sau nàng hầm một nồi nạm bò kho với khoai tây cà rốt, đun xương ống lấy nước lèo, ngoài ra còn một nồi phá lấu lòng bò, tất cả đều đưa tới cho Bùi Viễn Sơn một phần.
Nàng thật không yên tâm.
Lúc xưa khi Bùi Viễn Sơn đắc thế, trong nhà cũng có đầu bếp. Ngặt nỗi con người luôn muốn hướng lên chỗ cao, sau khi Bùi Viễn Sơn bị biếm, đầu bếp không muốn đi theo "xuống vùng quê", từ đó chẳng ai lo cơm nước.
Thức ăn của trường huyện chỉ tàm tạm, lại nấu theo khẩu vị địa phương, Bùi Viễn Sơn và Cung phu nhân đều ăn không quen, thường xuyên phải nấu riêng ở nhà. Hiện giờ nhóm người hầu của hai vợ chồng kiêm luôn đầu bếp, tay nghề thật sự đáng lo.
Sau khi Sư Nhạn Hành bái sư được vài tháng, hai người bắt đầu có da có thịt hơn!
Thịt bò thái lát mỏng có thể nhúng lẩu, tùy tiện thêm chút rau xanh gì đó đều ngon.
Nước lèo ăn lẩu không hết thì giữ lại, lười biếng nấu cơm thì đun sôi đổ vào mì xào sẵn là thành món ngon đỉnh nóc.
Thịt bò nạm và khoai tây cà rốt cắt khối, hầm lửa nhỏ cho đến khi mềm rục, nước bò kho thơm nồng.
Không phải nàng nói ngoa, thật sự chỉ cần chan nước bò kho là có thể ăn ba chén cơm lớn.
Đứng nói chuyện thêm vài câu, Sài Cầm Hổ đột nhiên khen: "Trang sức trân châu rất hợp với sư muội."
Sư Nhạn Hành ngẩn ra, giơ tay sờ lên tai, phì cười: "Đúng là mèo khen mèo dài đuôi."
Anh chàng muốn khen bản thân có gu thẩm mỹ rõ rành rành còn gì!
Đồ bạc thì quá tầm thường, đeo vàng quá mức phô trương, hôm nay nàng đeo đôi khuyên tai hạt bạch châu tròn mà anh chàng gởi tặng lúc trước.
Sài Cầm Hổ cười cười, lùi về phía sau vài bước: "Thời giờ không còn sớm, sư muội về đi."
Xe ngựa chầm chậm đi xa, Sư Nhạn Hành lại vén màn nhìn lại, phát hiện Sài Cầm Hổ còn đứng yên tại chỗ, bèn giơ tay vẫy vẫy.
Trên đường gặp được mấy người quen, vẻ mặt ai cũng hoan hỉ, diện đồ mới mão mới, chào hỏi nhau vang dội hơn ngày thường.
"Ăn Tết vui vẻ!"
"Chúc mừng năm mới!"
Hy vọng một năm mới ăn no mặc ấm, vui hưởng thái bình!
Khi trở lại ngôi nhà nhỏ, Diêu Phương và Lý Kim Mai đã treo dây pháo và bày pháo hoa sẵn sàng, chờ đến giờ là đốt.
Cửa ra vào và cửa sổ đều đã thay bùa đào, những chỗ bị tróc sơn cũng tu bổ, mang đến một diện mạo hoàn toàn mới.
Bàn lớn kê sát cửa sổ bày đầy các loại bánh ngọt, còn có quả hồng đỏ tươi, quít mật từ phương nam, bưởi ruột đỏ, hương thơm nức mũi.
Ngoài ra còn có các loại đồ chiên, cùng thịt quay và gà luộc nguyên con, tất cả đều ánh lên sắc vàng rực rỡ, vô cùng chất lượng.
Trên song cửa sổ dán những hình cắt giấy rất tinh xảo, hỏi ra mới biết là tay nghề của Hồi Hương.
Sư Nhạn Hành rất thích, cứ ngắm mãi, khen không dứt lời làm cô bé ngượng đỏ mặt.
Đám nhỏ Tam Muội đều thay đồ mới, đây là một trong những phúc lợi của nhân viên, đứa nào cũng vui tươi hớn hở.
Trước kia khi ở nhà, đâu từng nghĩ tới có thể hưởng những ngày ấm no như hiện giờ?
Phần lớn đồ ăn đều đã chuẩn bị sẵn sàng, Sư Nhạn Hành không cần ra tay.
Chỉ là hôm trước đi đưa bánh kem, Trịnh gia tặng cho hai con cá biển, đám nhỏ Tam Muội không biết làm, phải chờ đến tối Sư Nhạn Hành về hấp.
Hấp xong rắc lên một lớp hành thái sợi, đun dầu nóng rưới lên là được.
Cá biển thịt chắc, ít xương, không hôi mùi bùn, ăn hấp là ngon nhất.
Gạt ra lớp da cá, từng sớ thịt cá trắng như tuyết lộ mặt.
Chấm một chút nước cá tươi ngon, ngọt thanh cực kỳ.
Cơm Tết phải ăn cá, hàng năm sung túc.
Giang Hồi chia đôi mắt cá cho Sư Nhạn Hành và Ngư Trận một người một con, Ngư Trận thấy sợ không dám ăn.
"Nó đang nhìn con. . ."
Tại sao mi dám ăn ta?
Sư Nhạn Hành ăn trước làm gương, cười nói: "Thanh nhiệt sáng mắt, chỉ có những đứa bé dũng cảm mới ăn được."
Ăn mắt cá xác thật rất bổ, cơ mà không phải ai cũng có thể chấp nhận được.
Thấy nàng ăn, Ngư Trận không nói hai lời lập tức đuổi kịp, nhắm mắt nuốt xuống.
Nuốt xuống xong còn há to miệng cho Sư Nhạn Hành kiểm tra: "Tỷ tỷ, muội là đứa bé dũng cảm."
Giang Hồi thấy vậy, tâm tình phức tạp.
Mặc kệ sợi dây thân tình ràng buộc đến thế nào, người làm mẹ này luôn đứng vị trí thứ hai.
Vào đêm ba mươi, mọi người đều muốn thức để đón giao thừa. Họ thay phiên kể chuyện xưa, chơi trò kích trống truyền hoa, cố gắng gây náo loạn cho qua cơn buồn ngủ.
Mới gần đến nửa đêm đã lục tục nghe một số người thiếu kiên nhẫn bắt đầu đốt pháo, âm thanh "đì đùng" vang lên không ngừng.
Nhà nào dư dả thì mua pháo dây pháo hoa, nhà túng quẫn thì đốt ống trúc.
Ống trúc bịt kín đốt nóng sẽ nổ tung, cũng phát ra tiếng vang như pháo, đây chính là pháo trúc nguyên thủy nhất.
Huyện thành có thể mua pháo hoa đa dạng hơn trấn Thanh Sơn nhiều, có loại xoay tròn, loại bay thẳng lên trời, tung ra những đóa hoa đủ màu sắc.
Pháo hoa rực rỡ, phản chiếu trong mắt mọi người.
Bầu trời tràn ngập hoa lửa lộng lẫy, kéo dài không dứt, tạo nên một quang cảnh hùng vĩ của thái bình thịnh vượng.
Đây là một màn biểu diễn pháo hoa tuy ngắn ngủi nhưng hoành tráng, gần như là lần duy nhất trong năm mà vẻ đẹp nhân tạo có thể cạnh tranh với vẻ đẹp thiên nhiên, dù là cảnh mùa xuân tràn ngập hoa nở cũng không hề thua kém.
Mọi người xem pháo hoa say mê, chợt nghe Giang Hồi lẩm bẩm: "Lại thêm một năm. . ."
Năm ngoái lúc này, các nàng đang đón giao thừa ở thôn Quách Trương.
Không biết sang năm sẽ đến nơi nào?
Nhưng chắc chắn sẽ càng ngày càng tốt!
Giang Hồi vừa ngắm pháo hoa vừa thì thầm cầu nguyện: "Đốt pháo xua đuổi tà ma, bệnh tật tiêu tan, năm mới thuận lợi."
Cô quỳ xuống, thành kính bái lạy thần tiên bốn phương tám hướng, mỗi lần dập đầu là đọc một câu cầu nguyện.
Cầu Ngư Trận khỏe mạnh khôn lớn, cầu Sư Nhạn Hành vạn sự như ý.
Cầu xong rồi, Sư Nhạn Hành chợt ở bên cạnh nhắc nhở: "Người đã quên cầu cho chính mình."
Giang Hồi ngẩn ra, hơi ngượng ngùng, suy nghĩ một lúc mới nghiêm túc nói: "Vậy ta cầu cả đời yên ổn nhìn các ngươi."
Quỳ lạy xong, mọi người xếp hàng đi dẫm xác pháo trên mặt đất.
Truyền thuyết kể rằng pháo hoa và pháo trúc được tạo ra để xua đuổi một con quái vật tên "Niên" mới ra đời. Bây giờ dưới lòng bàn chân có xác pháo nên quái thú Niên không dám đến quấy rầy.
Đốt pháo xong, mọi người hò reo một hồi thì vừa mệt vừa buồn ngủ.
Giang Hồi kêu mọi người vào nhà ăn sủi cảo: "Ăn nhanh đi, trước khi hừng đông hãy chợp mắt một lát. Còn phải dậy sớm chúc Tết."
Nói là thức đón giao thừa cho oai chứ thật ra chỉ thức qua giờ Tý mà thôi, mấy người có thể chịu đựng được cả đêm không ngủ?
Một vài cái sủi cảo có chứa đồng tiền rửa sạch, ai ăn trúng là được hưởng may mắn suốt năm mới.
Khi mọi người làm sủi cảo thì Sư Nhạn Hành chưa về, cũng không biết cái nào có, cái nào không.
Tuy tục lệ này chưa chắc đã chính xác, nhưng nếu thật sự không ăn trúng một cái nào thì chẳng phải thật đáng tiếc?
Đang nghĩ ngợi thì chợt thấy hàm răng đau nhói, Hồ Tam nương tử reo lên: "Chưởng quầy ăn trúng rồi, năm sau tất nhiên mọi việc trôi chảy, bách độc bất xâm!"
Mọi người đồng loạt tiến lên chúc mừng, Sư Nhạn Hành mỉm cười tiếp nhận.
Nàng nhớ ra rồi, sủi cảo này là lúc nãy Giang Hồi lục lọi trong nồi hồi lâu mới tìm được.
Bà Còm search được một bài viết rất hay về tình bạn của Lý Bạch và Đỗ Phủ, có HH đến cả Cao Thích. Bà Còm để link ở đây cho bạn nào muốn tìm hiểu thêm
https://www.dkn.tv/van-hoa/tri-ky-trong-doi-gap-nhau-da-kho-chia-lia-cang-kho-hon-tinh-ban-vong-nien-cua-ly-bach-do-phu.html
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top