105. XIÊM Y
105. XIÊM Y
Trịnh Nghĩa cho rằng Sư Nhạn Hành không hiểu nên nhân cơ hội giải thích.
Trên thực tế, Sư Nhạn Hành không những hiểu rất rõ, mà đời trước thậm chí còn đảm nhiệm chức vụ chủ tịch thương hội vài lần.
Sở dĩ nàng kinh ngạc là vì không ngờ một nơi nhỏ như huyện Ngũ Công cũng có thương hội.
Thứ hai, nàng đang suy xét có nên gia nhập hay không, nếu gia nhập thì được lợi ích gì?
Trên bàn đặt một đĩa hồng đỏ tươi mới ủ chín vài hôm trước. Đĩa hồng đón ánh nắng xuyên qua cửa sổ khiến những quả hồng hơi sáng trong, trông như những quả cầu lửa đang lặng lẽ cháy.
Bên cạnh còn có mâm trái cây màu sắc rực rỡ, lê tuyết trắng, nho tím rịm, lựu đỏ tươi, được bao phủ bởi hơi nước lượn lờ bốc lên từ chén trà, mông lung mà yên tĩnh.
Tầm mắt Sư Nhạn Hành lơ đãng thả theo làn hơi nước phiêu du, nhưng suy nghĩ trong đầu lại cuồn cuộn như cơn gió lốc.
Trịnh Nghĩa giải thích xong, Sư Nhạn Hành cũng đã sắp xếp lại tư duy, mở miệng hỏi thẳng:
"Chuyện mời tôi gia nhập thương hội, không biết là ý của thương hội, hay là ý riêng của đại lão gia?"
Nhìn như trăm sông đổ về một biển, thật ra khác biệt rất lớn.
Nếu là thương hội phái Trịnh Nghĩa làm đại diện đứng ra mời, ít nhất chứng minh nội bộ của thương hội tích cực tiếp nhận mình, đa số hội viên đều bao dung cởi mở, dẫu có một vài ý kiến trái chiều thì cũng không ảnh hưởng hòa khí.
Nhưng nếu chỉ là ý riêng của Trịnh Nghĩa thì có lẽ sẽ hơi rắc rối.
Nói đến sự lục đục nội bộ, Sư Nhạn Hành chưa bao giờ nghi ngờ khả năng và tính tích cực của con người.
Nàng là một cô gái, thậm chí có thể nói thẳng là một con bé, đối với rất nhiều hội đoàn chú trọng thâm niên thì nàng tuyệt đối là người có tuổi nghề lẫn tuổi đời thấp nhất.
Bọn họ sẽ tiếp thu một con bé choai choai cùng ngồi cùng ăn với mình sao?
Cho dù ngoài mặt không phản đối, nhưng trên thực tế có khả năng xem nàng ngang hàng với họ được không?
Những chi tiết này đều cần thiết xác nhận rõ ràng.
Hiện tại thanh thế của Sư Gia Hảo Vị rất khả quan không sai, nhưng so với ngành phục vụ ăn uống thì vẫn chưa được coi là mạnh nhất.
Nàng tin chắc trong huyện thành có mấy nhà hàng lâu đời với lợi nhuận và số tiền nộp thuế hằng năm tuyệt đối cao hơn nàng.
Lợi nhuận của mỗi cửa hàng được quyết định bởi quy mô và sự ủng hộ của quần chúng, đuổi kịp và vượt qua yêu cầu thời gian. Nàng có đa mưu túc trí đến đâu đi nữa cũng không có khả năng nắm đầu khách hàng ép mua ép bán.
Thâm niên mỏng, thành tích không phải đệ nhất, nếu gia nhập. . . Giả sử nàng là một trong những hội viên, nàng cũng sẽ không phục!
Trịnh Nghĩa không ngờ Sư Nhạn Hành lại hỏi một câu lõi đời như vậy, tạm dừng chốc lát mới nói: "Là ý của ta và vài vị bằng hữu thân thiết."
Ông và Sư Nhạn Hành đã hợp tác rất ăn ý một thời gian, dĩ nhiên hy vọng nàng có thể tiến vào thương hội. Được vậy thì bất luận là đối với tiệm vải Trịnh thị, bản thân Sư Nhạn Hành hay huyện Ngũ Công, đều rất có ích.
Mà ông chủ Trang hôm đó dự tiệc cùng ông cũng cảm thấy hậu sinh khả uý, không dị nghị gì về việc kéo Sư Nhạn Hành nhập bọn.
Thấy kiểu cười của Sư Nhạn Hành có vẻ chả mấy hăng hái, Trịnh Nghĩa cảm giác coi bộ không ổn.
"Không phải ta khoe khoang, địa vị của ta trong thương hội vẫn có chút tiếng nói, hơn nữa vài vị bằng hữu lâu năm sẽ dốc sức ủng hộ, tất nhiên giải quyết mọi chuyện thỏa đáng."
Sư Nhạn Hành chưa nói đồng ý, cũng chưa từ chối, chỉ tiếp tục hỏi:
"Xin thứ cho tôi không biết trời cao đất dày, nếu tôi nhập hội, bình thường tôi phải làm gì? Tôi có thể thu được lợi ích gì?"
Nàng là thương nhân, làm bất cứ chuyện gì đều phải suy xét vấn đề phí tổn và lợi nhuận.
Chúng có tỷ lệ thuận hay không?
Triển vọng trong tương lai sẽ tới đâu?
Nếu tôi không làm những việc này mà thay vào đó giải quyết những việc khác, liệu tôi có thể nhận được tỷ suất lợi nhuận cao hơn không?
Có thể đưa ra câu hỏi như vậy, ít nhất chứng minh Sư Nhạn Hành không bài xích.
Trịnh Nghĩa kiên nhẫn đáp: "Chúng ta đều là thương nhân, chỉ nói lời hay là vô dụng, muốn nhận được lợi ích thì đương nhiên phải trả giá. Thương hội có điều khoản, thành viên có nhiệm vụ trao đổi thông tin với nhau, mỗi cuối tháng sẽ tập họp bàn luận tin tức. Cấm vô cớ nội đấu, một khi có hoạt động ngoài huyện Ngũ Công thì phải hỗ trợ nhau vô điều kiện. . ."
Nói trắng ra, nếu một thương nhân không có tham vọng, chỉ muốn yên ổn cắm rể ở huyện Ngũ Công, vậy thì không gia nhập thương hội cũng chẳng thành vấn đề.
Bởi vì công bằng mà đánh giá, thương hội không mang lại tác dụng lớn lao gì cho các thương hộ nhỏ trong vùng.
Còn phần những hoạt động như phát cháo phát thuốc vào ngày lễ ngày tết thì triều đình đã phái binh mã đi làm rồi. Nếu muốn hỗ trợ thì liên lạc với Tri huyện của địa phương, dò hỏi xem có cần gom góp một khoản tiền, hoặc xây cầu lót đường gì đó, đều là mấy chuyện vặt vãnh mà thôi.
Mà làm mấy chuyện này cũng không phải vô ích, quan phụ mẫu địa phương đạt được thành tích tốt thì có thể xin ông ta ra mặt dâng tấu chương cho triều đình, thỉnh cầu giảm thuế cho các thương hộ tham dự.
Ngươi có lợi, ta có lợi, mọi người cùng vui.
Tin tức?
Vấn đề này rất quan trọng.
"Cụ thể là loại tin tức gì?" Sư Nhạn Hành hỏi.
Võ công trong thiên hạ có một thứ duy nhất không thể phá được là tốc độ, thương trường cũng thế. Nếu có thể đi trước người khác một bước mới là điều tuyệt vời.
"Về mọi mặt," Trịnh Nghĩa nhấn mạnh từng chữ, "từ điều kiện thị trường, giá cả vật chất, cho đến hướng đi mới nhất của triều đình, công văn của châu phủ, v.v. . . Nói chung, mọi thứ đều được công khai. Nhưng khi nói đến một số thông tin độc nhất vô nhị thì có thể được trao đổi với giá trị ngang nhau, hoặc phải trả một cái giá nào đó mới có thể thu hoạch được."
Tựa như đợt hạn hán nghiêm trọng năm nay, người của thương hội nhận được tin tức sớm nên chạy khắp nơi thu mua lương thực và các sản phẩm liên quan, để đảm bảo phí tổn cơ bản không tăng.
Còn những thương hộ có tin tức lạc hậu thì phải chịu thua thiệt nhiều. Đầu tiên bởi vì phí tổn bỏ ra quá cao nên bắt buộc phải tăng giá bán khiến cho thực khách bất mãn, kinh doanh ảm đạm.
Sư Gia Hảo Vị cũng bị thiên tai hố cho một trận.
Cũng may tiệm nàng lợi nhuận cao, cắn răng không lên giá vẫn có thể cầm cự được.
Nếu đề cập đến những hỗ trợ vặt vãnh chẳng mang lại lợi ích gì nhiều thì Sư Nhạn Hành hoàn toàn có thể không thèm để ý, nhưng đề cập đến vấn đề trực tiếp nắm giữ tin tức thì lại rất quan trọng đối với nàng.
Nàng nhất định muốn hướng lên trên để bành trướng, hiện tại sẽ gặp bất lợi nếu chiến đấu một mình.
Châu thành có bố cục ra sao?
Trong tối ngoài sáng có những thế lực nào?
Có thể vô ý đắc tội người nào hay không?
Phủ thành thì sao?
Tất cả những vấn đề đó nàng đều không biết.
Thậm chí ngay cả sự phân bố thế lực trong phạm vi huyện Ngũ Công mà Sư Nhạn Hành vẫn có cái biết cái không.
Nếu về sau Sư Gia Hảo Vị tiếp tục khuếch trương, tất nhiên phải giành miếng ăn với một người nào đó. Nếu không chuẩn bị trước, đến lúc đó bọn họ hoàn toàn có thể liên kết đánh nàng một cú trở tay không kịp.
Nhưng một khi gia nhập thương hội thì khác.
Cấm đấu đá nội bộ giữa các hội viên, mỗi hội viên phải dựa vào bản lĩnh của chính mình.
Dẫu không có lợi ích nào khác, chỉ riêng thân phận thành viên của thương hội đủ để nàng tránh được vô số tai bay vạ gió.
Suy nghĩ xong, trước tiên Sư Nhạn Hành nói lời cảm tạ Trịnh Nghĩa, sau đó hỏi ông ta danh sách những người hiện đang hoạt động và có tiếng nói trong thương hội.
"Đa tạ ngài cất nhắc, song chuyện này cũng không phải dựa vào hai chúng ta là có thể định đoạt, vẫn nên hỏi ý kiến của mọi người để chúng ta biết đường mà giải quyết."
Vừa nghe lời này, Trịnh Nghĩa biết ngay nàng đã đồng ý, lập tức cười nói: "Ngươi suy nghĩ chu toàn như vậy là tốt rồi."
Việc giới thiệu người mới tham gia thương hội một cách đột ngột có thể gây sóng gió, vì vậy nên hỏi thăm trước cũng tốt. Nếu có thể vượt qua từng người một thì mọi việc sẽ diễn ra một cách trôi chảy.
Nếu không thể, tốt hơn hết nên chuẩn bị trước các biện pháp đối phó.
Buổi tối Ngư Trận tan học trở về, nằm bò trên bàn khổ sở làm bài tập. Giang Hồi và Sư Nhạn Hành ngồi đối diện tính toán sổ sách, ai bận việc nấy.
Sư Nhạn Hành thỉnh thoảng ngước lên nhắc nhở: "Ngồi thẳng, đừng nằm bò ra, coi chừng hư mắt."
Lúc này còn chưa có mắt kính đâu!
Ngư Trận miễn cưỡng ngồi thẳng lưng, vừa viết vừa than vãn: "Nhìn không rõ."
Giang Hồi thuận tay khêu tim đèn, thấy vẫn chưa đủ sáng bèn châm thêm một ngọn đèn nữa.
"Ban ngày sáng trưng mà con không lo làm bài, dùng dằng để đến bây giờ còn than thở gì? Xem về sau có nhớ đời hay không!"
Thật ra mỗi ngày cũng không có bao nhiêu bài tập, chỉ tập viết một trang giấy và sao chép một đoạn thơ mà thôi. Bình thường làm một nhoáng ở Trịnh gia là xong.
Ngặt nỗi nhóc này hôm nay lười biếng, trì hoãn đến tận bây giờ.
Ngư Trận nhìn mẹ, nhìn chị, không một ai tội nghiệp bé. Nhóc ấm ức lắm, nhỏ giọng lẩm bẩm: "Hữu Thọ xạo ke. . ."
Hôm nay Trịnh gia có thêm một chú chó con, ba đứa nhóc chơi say mê, bài tập vứt ra sau đầu, đến giờ về nhà Ngư Trận mới sực nhớ ra.
Lúc ấy Hữu Thọ còn thề thốt: "Đừng lo, chỉ cần muội than khổ vài tiếng, trưởng bối trong nhà tất nhiên đau lòng, một ngày hai ngày không làm bài bài tập cũng đâu có sao!"
Đồ lừa đảo!
Ngư Trận tức giận, nghĩ thầm mẹ và chị coi bộ không dễ bị lừa!
Sư Nhạn Hành và Giang Hồi đều phì cười.
Đừng coi thường lũ nhóc, đều là quỷ tinh hết đấy! Không thể theo tụi nó.
Bằng không nếm được vị ngon ngọt một lần thì sau này càng lấn tới.
"Bán thảm" cũng vô dụng, Ngư Trận đành phải rên rỉ làm bài tập, làm xong giao cho Giang Hồi kiểm tra, thông qua kiểm tra mới có thể ra ngoài tìm bạn chơi.
Nhìn nhóc con tung tăng nhảy nhót trong sân, Sư Nhạn Hành cười một hồi rồi kể cho Giang Hồi nghe vụ thương hội.
Giang Hồi ngẩn ra, hơi áy náy: "À ừm, ta thật sự không hiểu mấy vụ này. . ."
Nói cho mình biết cũng vô dụng!
Sư Nhạn Hành cười: "Đâu phải ai sinh ra cũng biết hết mọi chuyện, không hiểu thì có thể học hỏi mà. Nếu tôi quả thật vào được thương hội, khi hội họp vào ngày lễ ngày tết thì người cũng phải trình diện."
Thương hội sẽ tổ chức các cuộc họp định kỳ vào mỗi cuối tháng, chủ yếu là để trao đổi thông tin, nhưng số lần sẽ tăng lên trước những ngày lễ lớn, khi đó có nhiều hoạt động diễn ra hơn và nhiều hội viên sẽ dẫn theo tâm phúc đến tham dự.
Hầu hết những người làm kinh doanh đều khởi nghiệp từ xưởng gia đình, cha con anh em chiếm đa số. Còn những cặp mẹ con như Giang Hồi và Sư Nhạn Hành không phải là hiếm, nhưng cặp mẹ con mà cô con gái đứng ra cầm cờ thì trước giờ chưa từng có một ai.
Nếu là một năm trước ở thôn Quách Trương, Giang Hồi nghe xong lời này khẳng định sẽ cự tuyệt không chút nghĩ ngợi, nhưng hiện tại tuy vẫn hơi khiếp, trong lòng lại không có ý lùi.
Cô tặc lưỡi: "Đi thì đi!"
Đều là con người với một cái đầu hai cánh tay, đâu có gì ghê gớm.
"Đây là chuyện về sau," Sư Nhạn Hành nói, "Hiện tại quan trọng nhất là hỏi thăm nhân phẩm và hành vi của các thành viên. Chuyện này chỉ dựa vào tôi thì không thể hoàn thành được."
Nàng không phải nén bạc, không có khả năng ai thấy cũng thích, gia nhập thương hội chắc chắn có người phản đối, cần phải chuẩn bị trước để đánh bại từng người.
Dẫu chinh phục không được cũng phải nghĩ kỹ biện pháp đối phó, quyết không để mình ở vào thế bị động.
Loại chuyện này không thể làm một cách công khai, thích hợp nhất là dựa vào tin đồn trên phố, chẳng hạn như “Tổ chức tình báo” cửa thôn của các bác trai bác gái.
Đặc biệt những người sống ở đây qua nhiều thế hệ quả thực là một kho tin tức hành lang sốt dẻo, nhiều khi còn linh hoạt và đáng tin cậy hơn những tin tức chính thống. Chỉ cần tìm mấy bà thím tán dóc vài câu, không chừng tiểu sử của đối thủ từ khi còn đái dầm cũng thu thập được.
Không lợi dụng một chút thì quá đáng tiếc.
Giang Hồi vừa nghe là bật cười, lập tức hăng hái tự đề cử: "Chuyện này ta làm được!"
Tuy cô không giỏi xã giao nhưng trong cuộc sống hằng ngày tự nhiên phải tiếp xúc với người xung quanh, thường xuyên gặp nhau tán gẫu nên dần dần thân thiết với hàng xóm láng giềng.
Giang Hồi hiền lành xinh đẹp còn nhã nhặn lịch sự, cũng không tính toán chi li, hiện giờ có tiệm Sư Gia Hảo Vị chống lưng, mọi người đều thích qua lại với cô.
Ngay cả Lý mụ mụ hôm đó tới cửa làm mai không thành, sau khi chuyện giải quyết xong cũng ngượng ngùng xoắn xít tới nhận lỗi, Giang Hồi cũng không để trong lòng, không phải loại người nắm lấy không bỏ.
Sau đó mỗi khi gặp nhau, cả hai đều coi như không có chuyện gì xảy ra, vẫn chào hỏi vui vẻ.
Lý mụ mụ đã đắc tội với nhà Phương cử nhân, đương nhiên không muốn đắc tội luôn với mẹ con Sư Nhạn Hành. Bà ta thấy hai mẹ Sư gia đều không phải hạng người lòng dạ hẹp hòi nên rất cảm kích, hiện giờ lại hòa hợp với nhau một cách đáng ngạc nhiên.
"Nói đến thương hội," Giang Hồi nghĩ tới một vấn đề, "Ước chừng người nhập hội đều là đại chưởng quầy, mi cũng nên có thêm vài bộ xiêm y coi cho được. . ."
Hiện giờ cô cũng quá bận rộn nên đã lâu không động vào kim chỉ, đồ đạc của mấy mẹ con đều mang vải đến tiệm trang phục thuê người may.
Tuy tốn tiền một ít, nhưng thời gian tiết kiệm được có thể làm càng nhiều chuyện hơn, tính ra cũng có lợi.
Sư Nhạn Hành vừa nghe là choáng váng, hai tay giơ lên cao đầu hàng: "Làm ơn tha cho tôi đi, quần áo mùa đông người may cho tôi năm ngoái còn chưa kịp mặc, làm y phục mới gì chứ?!"
"Sao có thể giống nhau được?” Nói đến việc sắp xếp ăn, mặc, ở, đi lại, khí thế của Giang Hồi đột nhiên thay đổi, quả nhiên trở thành bà mẹ chính thống, giọng điệu không cho phép phản bác, “Có câu 'Người dựa vào xiêm y, ngựa dựa vào yên cương', lúc nào cần thì phải phô trương. Bằng không, người biết mi thì hiểu được mi không để ý vẻ bề ngoài, người không biết sẽ đánh giá nhà chúng ta nghèo đến nỗi không mua nổi mấy bộ xiêm y tử tế!”
Mấy chuyện khác đều ổn, chỉ riêng ở phương diện này là Sư Nhạn Hành không thể ngoan cố, đành phải nghe theo Giang Hồi.
Giang Hồi càng nói càng hăng say, cuối cùng hai mắt tỏa sáng: "Ta nhớ mi rất thân thiết với Thúy Vân ở phường thêu mà, chi bằng thuê nàng thêu cho mi một bộ thật tốt. . ."
Sư Nhạn Hành không còn cách nào giãy giụa, nhưng vẫn nhịn không được nhắc nhở: "Bà cô của tôi ơi, phiên phiến một chút là được! Người có biết tiền công thêu của cô ấy tính bao nhiêu hay không. . ."
Công thêu mà còn đắt hơn so với nguyên liệu!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top