Lời nói đầu
Pascal nói : ‹‹ Con người là một cộng sậy, yếu-đuối hơn hết trong tạo-vật. Nhưng, là một cộng-sậy có tư-tưởng. Có cần gì tất cả hoàn-vũ hợp sức lại để tiêu-diệt nó : một hơi khí, một giọt nước cũng đủ giết chết nó rồi. Nhưng, nếu hoàn-vũ nghiền nát nó đi, con người vẫn cao-trọng hơn kẻ giết nó, bởi nó biết nó chết, còn thế-lực của hoàn vũ đàn-áp nó, hoàn-vũ không biết gì hết... Tất cả phẩm-giá của ta, là nơi tư-tưởng... Và nhứt là tư-tưởng cho đúng. ››
Thật quả như thế. Con người sở-dĩ khác vạn-vật là nhờ nơi tư-tưởng. Đừng nói chi đến chỗ phân-biệt giữa người và vật làm gì, ngay giữa người và người, kẻ văn-minh người dã-man, kẻ trí-thức người ngu-si cũng do nơi tư-tưởng mà phân cao thấp.
Tập tư-tưởng cho đúng, là điều cần-thiết nhứt, hơn nữa, là một phận-sự khẩn-cấp của tất cả những người hữu-tâm đến danh-dự làm người của mình, đến trách-nhiệm của mình trong gia-đình, trong quê-hương, trong nhân-loại. Làm cha mẹ mà tư-tưởng sai, là hại cho cả một gia-đình. Làm thầy mà tư-tưởng sai, là hại cho cả nhóm học-sanh. Làm chủ một nước mà tư-tưởng sai, là hại cho cả một nước ấy.
Kẻ thiếu quan-năng của tư-tưởng, là kẻ sống dưới quyền chỉ-huy của dục-vọng, của thói-quen... sống như một con vật. Cho nên, đối với mình tư-tưởng là phương-pháp duy-nhứt để tự giải-thoát vậy.
⁂
Ta biết trầm-trồ một đứa trẻ mới tập đi, ta biết trầm-trồ kẻ tập đi xe đạp... Nhưng đối với kẻ tập tư-tưởng, dường như ta không thèm để-ý đến. Người ta dạy đi, dạy đứng, dạy ăn dạy nói... dạy đủ mọi việc, trừ ra tư-tưởng. Là vì người ta cho đó là một điều hết sức tự-nhiên, không cần phải dạy-dỗ gì cả.
Từ buổi ấu-thơ đến lúc trưởng-thành, tha-hồ mà xoay-trở với bộ máy phức-tạp ấy được thế nào hay thế nấy. Người ta sửa dạy lời ăn tiếng nói cho khéo-léo gọn-gàng, đến như dạy về cách tư-tưởng cho phải đường, thì chỉ dành riêng cho một hạng người mãn khóa trung-đẳng của ban triết-học thôi. Chỉ có đến lúc bấy-giờ, anh thiếu-niên may-mắn ấy, được người ta kéo cho tấm màn u-minh của khối óc anh. Lần thứ nhứt, anh mới được nghe người ta giảng-luận về những cách tư-tưởng nào là đúng, những cách tư-tưởng nào là sai. Bấy giờ anh mới lấy làm kinh-ngạc rằng bấy lâu nay anh đã tư-tưởng được mà không dè... Có khi may-mắn mà anh tư-tưởng đúng, nhưng phần nhiều là anh tư-tưởng sai, vì theo người ta cho anh biết ‹‹ tư-tưởng là một động-tác khó-khăn, có quy-tắc hẳn-hòi, nhiều bực vĩ-nhân cho là một vấn-đề hết sức hay-go và hiểm-hóc ››.
Một khi anh nhận-chân được rằng trong đời có một khoa tên là Luận-lý-học, thì than ôi, sự đã quá muộn-màng rồi ! Thật vậy, người ta đã tập cho mình cách cầm cương lên ngựa sai, hoặc đã tập cho mình cách lội, cách đờn sai, thì về sau, đâu phải dễ gì đem lý-luận hay quy-tắc mà sửa lại được những sai-lầm đã thành thói-quen ấy. Ít ra, phải vận-dụng rất nhiều Ý-Chí mới phá được cái tập-tục trước kia, nghĩa là phá bỏ cả cái mình đã học lầm và gia-công huấn luyện lại như hồi sơ-khởi. Thà trước kia đừng biết lội, biết đờn còn hơn. Chớ một khi đã lội sai hay đờn sai, thì cái thói-quen xấu-xa kia đâu phải dễ gì đổi-thay cho chóng đặng. Công-phu dùng để sửa những thói hư ấy, là một công-phu không phải người có chí tầm-thường mà làm đặng. Đối với những ‹‹ cách tư-tưởng sai ›› thành thói-quen cũng một thế. Có được mấy kẻ, một khi đã nhận thấy sự lầm-lạc của mình, lại có đủ nghị-lực để sửa-đổi ‹‹ thói hư ›› của mình kia không ?
Chỉ có một phần rất ít, là biết để-ý lo-nghĩ đến sự học-tập cách ‹‹ tư-tưởng cho phải đường ›› thôi. Phần đông, tư-tưởng theo ngụy-luận, theo tình-cảm, theo dục-vọng, nhứt là theo dục-vọng của phần đông. Dục-vọng của phần đông ảnh-hưởng rất sâu rất mạnh những đầu-óc non-nớt, không tự-chủ. Những dục-vọng ấy, hoặc thuộc về tôn-giáo, hoặc thuộc về chánh-trị, là những lực-lượng mạnh-mẽ nhứt, làm thiên-lệch nghiêng-ngửa cả cách suy-nghĩ phán-đoán của con người, như ta sẽ thấy sau đây. Đó là chưa kể những thói tư-tưởng sai-ngoa thiên-lệch của những kẻ chỉ đọc sách đọc báo cùng một phái-đảng, nghĩa là đồng một ‹‹ ý-kiến ›› với mình thôi. Jules Sageret nói : ‹‹ Nếu tôi không thể tư-tưởng được khác hơn tờ báo cùng một đảng với tôi, tôi không thể bảo-đảm rằng tư-tưởng của tôi là đúng. ›› (Si je ne suis pas en mesure de penser autrement que "mon" journal, je ne puis donner aucune garantie de la justesse de ma pensée) [1] – ‹‹ Ý-kiến ›› ấy, một khi đã ăn sâu vào đầu-óc, biến thành một khối cứng bất-di bất-dịch rồi, thì lý-luận chánh-đáng bực nào cũng không làm sao lay-chuyển được. Đến khi óc thiên-kiến ấy đã làm cho ta trở nên một chiến-sĩ của chủ-nghĩa mình rồi, thì tư-tưởng của ta bấy giờ không khác nào đã bị nhốt trong một cái lồng : cách phán-đoán của ta không thể nào còn tự-do và cận với sự thật được nữa.
Và phần đông lại đều như thế, chỉ còn lại một phần rất ít những con người tự-do, biết tư-tưởng không theo dục-vọng mà thôi. Phần nầy, lẽ cố-nhiên là bị những lực-lượng rất mạnh bạo của kinh-tế và chánh-trị đàn-áp, đánh úp mất đi.
Đừng đổ tội cho ai, cũng đừng đổ tội cho khoa-học, kinh-tế hay bất-kỳ là việc gì : cuộc khủng-hoảng hiện-thời một phần lớn đều do sự bất-lực của con người không biết cách suy-nghĩ mà ra cả. Nếu người ta biết suy-nghĩ lý-luận cho đúng, thì chánh-trị kinh-tế không phải có sự lầm-lạc khổng-lồ, không phải bị dục-vọng mờ-ám đến phải đụng đầu với những vấn-đề không thể giải-quyết như bây giờ.
⁂
Người ta thường bảo : chân-lý phải có một giá-trị cụ-thể và thực-dụng. Đành thế, nhưng sự thực-dụng của nó cũng không nên nêu lên làm mục-đích duy-nhất đến thu-hút tất cả tâm-tư cảm-giác của ta vào đó. Thường những thứ chân-lý không có tánh-cách thực-dụng lại càng thực-dụng gấp đôi : khi người ta tìm nó với một tấm lòng thản-nhiên vô tư-lợi thì chân-lý lại hiện ra một cách rõ-ràng đúng-đắn hơn. Con người thường bị tình-cảm quến-rủ, lôi-cuốn nên hay lẫn-lộn sự thật với sự thật theo ý ta muốn. Sự ao-ước thấy ‹‹ chân-lý của mình ›› được thực-tiễn-hóa, thường hay khiến cho nó bị thiên-lệch đi. Một nhà tư-tưởng có nói : ‹‹ Cần-thiết là thấy được sự vật y như nó đã xảy ra, chớ không nên thấy nó theo như ý ta muốn cho nó phải xảy ra như thế nào. ›› Tình-dục mà để chen vào óc phán-đoán, thì nhất-định nó làm cho sự phán-đoán của ta phải sai đi. Tình, nó có những lý-lẽ riêng của nó mà Lý không thể nào hiểu được. Bởi vậy, chân-lý mà muốn cho nó được gần chân-lý [2], cần phải được nhiều người chứng-nhận để cho nó pha bớt cái ‹‹ mùi ›› chủ-quan đi. Tuy-nhiên, đây cũng không phải là một nguyên-tắc tuyệt-đối, vì nếu phần đông đây suy-nghĩ phán-đoán theo dục-vọng thì dẫu là của cả thiên-hạ đi nữa, cũng không thể nhận là một thứ chân-lý cận sự thật được. Một sai-lầm mà cả thiên-hạ đều tán-dương phụ-họa vẫn là sai-lầm. Trái lại, một chân-lý mà cả thiên-hạ đều khinh-khi chế-nhạo, vẫn là chân-lý. Dầu sao, sự dò hỏi ý-kiến kẻ khác, nhất là những ý-kiến của những kẻ đối-lập của ta, giúp cho ta rất nhiều trong khi tìm chân-lý. Tư-tưởng mà đi có một chiều, thật là nguy-hiểm.
Chúng ta thường hay tán-dương chân-lý nhưng chúng ta lại rất sợ những ‹‹ sự thật trần-truồng ››. Chúng ta thường đem nó mà trá hình, dùng đủ thiên-phương bách-kế để che-đậy... Là tại sao ? Tại nó chạm đến dục-vọng của ta, chạn đến cái lòng nguyện-ước của ta... Vì lười-biếng, vì không có đủ can-đảm nhìn thấy sự thật mà ta không vừa lòng, nên mới có sanh ra ngụy-luận.
Thiên-hạ ngày nay, phần đông, rất ghét nghe sự thật. Hay muốn nói cho đúng hơn, người nào cũng có cái chân-lý của mình, – cái chân-lý thỏa-mãn được cái lòng ao-ước, cái bụng dục không bờ-bến của mình. Thật không phải đó là một hiểm-tượng rùng-rợn cho chúng ta cả thảy hay sao ? Bởi vậy, tôi đã phải dành cho phần nầy một địa-vị đặc-biệt trong quyển sách nầy.
Tư-tưởng theo mình, đâu phải là đừng để ý gì đến ý-tưởng của kẻ khác. Đối với tư-tưởng của kẻ khác, ta phải làm như con chiên ăn cỏ : chiên ăn cỏ, đâu phải để nhả cỏ ấy ra hay để nó nằm chình-ình trong bao-tử của nó, mà là để biến-thành bộ lông mướt đẹp của nó.
Học tư-tưởng, hầu như bây giờ không biết phải tìm kiếm nơi đâu. Tìm nơi sách-vở báo-chí nước nhà chăng ? Hiện-thời, tôi chưa thấy có sách nào nói đến một cách rõ-ràng châu-đáo. Phần nhiều là những sách giải-trí, hoặc những sách giúp ta về tài-liệu để rộng thấy xa nghe, biết được nhiều chuyện xưa tích cũ, hoặc nghiên-cứu tư-tưởng của ông hiền nầy, ông thánh nọ... Tuyệt nhiên, chưa từng thấy có quyển nào bàn đến cái nền-tảng tinh-thần ấy cho vỡ-vạc. Gốc có vững, sau nầy tha-hồ muốn học gì thì học, như gấm thêu hoa, học-lực của mình mới có thể tiến-bộ một cách khả-quan và chắc-chắn được. Thiếu nó là một thiếu-sót rất lớn vậy.
Sách nầy viết ra là để bồi-bổ vào chỗ khuyết ấy. Chủ-ý tác-giả là giúp cho thanh-niên hiếu học một cơ-sở cho tinh-thần để cho các bạn còn đi xa hơn nữa... Tác-giả không hề bao giờ có cao-vọng là đã ‹‹ nói được tiếng cuối-cùng ›› của thuật tư-tưởng. Tư-tưởng là một nghệ-thuật, mà đã là nghệ-thuật thì không thể truyền. Những điều có thể truyền được, chỉ là một vài phương-pháp thô-sơ tiêu-cực thôi, nó chỉ là cái ‹‹ cặn-bã của cổ-nhân ›› mà thôi, vì tư-tưởng theo Lý-Trí là tư-tưởng để hành-động, không phải tư-tưởng để tìm Chân-lý, cái Chân-lý tuyệt-đối của nhà triết-học.
Đọc xong quyển nầy, các bạn sẽ thấy rằng, tư-tưởng mà đúng-đắn đâu phải chỉ là một vấn-đề trí-dục mà thôi đâu ; thật ra, là cả một vấn-đề thể-dục và đức-dục nữa. Kẻ đau yếu, tật bệnh ít khi có được một phán-đoán vững-vàng ; người mà tính-tình bôn-chôn, vụt-chạc và đầy dục-vọng là gì suy-nghĩ cho công-minh.
Thể-dục, trí-dục và đức-dục là ba cái chơn vạc của người lý tưởng... ‹‹ Một thân-thể không đau, một tinh-thần không loạn, đó là chân hạnh-phúc của con người ››. Được bấy nhiêu thôi, thì được gì nữa cũng là thừa. Mà thiếu một trong hai điều ấy, thì có được cái gì nữa cũng vẫn còn thiếu mãi...
Sài-thành, ngày 8 tháng 10 năm 1940
Thu-Giang NGUYỄN-DUY-CẦN
[1] Psychologie et la vie – N° Février 1932, p. 65.
[2] Chân-lý mà tôi bàn nơi đây, là một thứ chân-lý tương-quan, một thứ chân-lý để hành-động. (N.D.C.)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top