Chương 5: Mẫu
Tôi từng đọc một cuốn sách, một cuốn sách tôi yêu thích đến độ đọc đi đọc lại cả chục lần, đọc từ năm tôi lớp 4 đến năm tôi lớp 9, một cuốn sách có tên 'Cây vĩ cầm Ave Maria', tóm gọn lại chính là câu chuyện của một cô bé người Do Thái, một cô bé vừa bất hạnh lại vừa may mắn, bất hạnh vì đã không bao giờ có thể gặp lại người thân của mình, bất hạnh vì phải sống trong trại tập trung làm nhạc công và bị phỉ nhổ như những con chó của người Đức, nhưng cũng may mắn, may mắn vì nhờ có cây vĩ cầm luôn mang bên người, nhờ bản nhạc 'Ave Maria' của Schubert mà cô bé đã sống sót cho đến ngày được thoát khỏi trại tập trung. Bạn biết cô bé ấy sau khi ra khỏi trại tập trung đã như thế nào không? Cô bé bị ám ảnh với âm thanh, những thứ giai điệu mà bản thân từng say đắm, cô bé thậm chí còn không dám động vào cây vĩ cầm của mình, và rồi khi quay về mảnh đất nơi trại tập trung đổ nát kia, cô bé thấy một cánh đồng hoa anh túc, và ở một phiến đá nhỏ trong đồng hoa anh túc ấy, chính là một người nhạc công đang cùng cây cello của mình, cất lên bản nhạc 'Ave Maria' năm nào. Từ đó về sau, ngày nào cô bé ấy cùng người chú đó cũng hòa tấu bản nhạc này ở cánh đồng hoa anh túc nọ.
Tôi không biết vì sao tôi lại kể câu chuyện này cho các bạn, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng sẽ thật tuyệt nếu các bạn biết lý do vì sao tôi thích Ave Maria mà thôi.
Phải nói sao nhỉ? Tôi đã thật bất ngờ khi cậu bạn mới Vỹ Thanh đề xuất bản nhạc đó, cũng bất ngờ vì sao giữa rất nhiều bản nhạc có cùng tên Ave Maria mà cậu ta lại chọn đúng bài của Schubert. Như thể cậu ta đọc được suy nghĩ của tôi vậy.
Khi Thanh hỏi tôi có biết chơi không, gần như ngay lập tức tôi muốn nhảy cẫng lên, nói với cậu ấy rằng tôi học chơi cello vốn dĩ là để chơi được bản nhạc này, nói rằng tôi thích nó biết bao, nói rằng tôi đã mơ đến ngày được biểu diễn nó biết bao lần.
Nói rằng tôi ao ước vào đám cưới mình, tôi có thể chơi bản nhạc ấy, và sẽ thật tuyệt làm sao nếu người tôi yêu hòa tấu cùng tôi.
Nhưng nếu một người bạn không thân thuộc gì mà lại đột nhiên trở mặt, để lộ cái mặt trẻ con nhất, mơ mộng nhất mà nói với bạn cả kế hoạch trong đám cưới của người ta thì bạn có hú hồn không? Tôi cá là có, nên tôi lựa chọn im lặng và gào thét trong lòng. Nhưng ôi chao, sao mà cái nét mặt của cậu ta lạ lùng lắm.
Hồi lâu, sau khi được gọi ra, khi cậu ta đã đạp chân lên bục gỗ toan bước ra ngoài, tay đã vén được một phần của tấm rèm qua, ánh đèn từ sân khấu cũng theo đó len vào kẽ hở được vén ra ấy. Tôi bỗng dưng thốt lên.
"Tôi đã luôn nghĩ hòa tấu thật sự khó, vì nó cần sự nhịp nhàng phối hợp cùng nhau, trước giờ mỗi bản hòa tấu tôi đều phải tập đi tập lại trước với đối phương vì tôi luôn rất khó để bắt nhịp với người khác..." Tôi vừa ngạc nhiên với chính mình, vừa bất giác ngẩng đầu lên nhìn phản ứng của cậu ta.
Người kia quay mặt về phía tôi bất ngờ, ánh sáng từ sân khấu làm vẻ mặt của cậu ta cũng mờ đi ít nhiều, tôi chỉ thấy được sườn mặt được ánh sáng rọi đến, chỉ thấy được nụ cười nho nhỏ của cậu ta khi cậu ta vừa trả lời vừa cong môi cười nhẹ.
Người kia còn chẳng thèm trả lời thẳng câu nói của tôi, cậu ấy chỉ nói rằng đến lúc để những âm thanh tự chúng hòa vào nhau, để chúng tự bắt nhịp với nhau. Tôi ngơ cả người, rồi bất giác bật cười, rồi nối gót người kia bước ra sân khấu nhỏ.
"Chào mừng hai cậu em điển trai của chúng ta thêm một lần nữa với bản hòa tấu..." Chị trưởng nhóm vừa nói lớn rồi im bặt, quay người sang hỏi nhỏ bọn tôi.
"Bản gì nhỉ hai đứa?"
Mắt nhìn thấy Vỹ Thanh đang dùng cái biểu cảm quái dị gì đó tôi không thể miêu tả bằng lời để tháo nút bịt tai kì quặc kia của cậu ta xuống, tôi liền đi đến cầm lấy mic của chị trưởng nhóm mà nói.
"Ave Maria của Schubert" Nói thật chậm rãi dành thời gian để người nghe hình dung ra được thứ âm thanh sẽ cất lên và rồi liếc nhìn thấy cậu bạn kia đã chuẩn bị xong xuôi tôi liền trả mic lại và cả hai bắt đầu tiếng vào vị trí.
Vì biết chốc nữa chúng tôi sẽ biểu diễn nên cây dương cầm vẫn chưa hạ xuống, còn cello cùng chiếc ghế được chuẩn bị cho tôi đã dời đến gần cây dương cầm kia hơn.
Tôi nhanh chóng ngồi xuống ghế, cố định chân cello để tìm tư thế ngồi thoải mái nhất. Vỹ Thanh cũng đã vào tư thế thẳng lưng chân thì để sẵn ở bàn đạp của dương cầm.
Bây giờ không phải là tôi ngồi dưới khán đài xem cậu ta biểu diễn, cũng chẳng phải cậu ta đứng ở bên sân khấu nhìn tôi độc tấu, ngay thời khắc này đây, tôi ngồi trước mặt cậu ta, cây dương cầm hướng về phía tôi, còn chúng tôi ngồi ở cùng một chỗ để hòa tấu bản Ave Maria tôi yêu.
Như một lẽ thường tình, cậu ta nhìn về hướng tôi chờ một cái gật đầu, tôi cũng ra hiệu cho cậu ta rằng mình đã sẵn sàng, và người bắt đầu sẽ là Vỹ Thanh.
Từng giai điệu phát ra từ cây dương cầm, một mở màng nhẹ nhàng, chúng tôi nhìn nhau, tôi hít thở sâu một hơi, bắt đầu phần của mình,
Bạn biết gì không? Tôi thật sự nghĩ hòa tấu vô cùng khó, mỗi khi hòa tấu tôi đều vô cùng căng thẳng, đầu tôi dường như chẳng còn thứ giai điệu, thứ âm thanh nào, tôi chỉ chăm chăm nhìn người hòa tấu cùng mình để biết hai giai điệu phát ra từ hai nhạc cụ kia có đang khớp với nhau hay không, đó là lý do tôi chưa bao giờ hòa tấu được, giáo viên dạy tôi đã vô cùng tức giận, và rồi sau đó tôi cũng tự giận chính mình.
Nhưng lần này thì khác, tôi không có áp lực của giáo viên, cũng không hề cảm nhận được một chút áp lực nào khi lần đầu biểu diễn bản nhạc yêu thích của mình cho nhiều người, tôi chỉ đơn giản là chậm chậm nhắm mắt lại, vô thức lắc lư theo thứ âm nhạc như hòa làm một của dương cầm và cello, giờ đây chẳng có gì gọi là khớp hay không nữa, đúng như Vỹ Thanh nói, hai thứ âm thanh này sẽ tự hòa vào nhau, chẳng quan trọng là dương cầm hay cello, độc tấu hay hòa tấu, giờ đây chỉ đơn giản là một bản Ave Maria thôi.
Trong một chốc tôi hy vọng, bản nhạc sẽ kéo dài mãi mãi, tiếng đàn cello cùng dương cầm này sẽ chẳng bao giờ ngừng. Trong một chốc, tôi nghĩ đây sẽ là bản Ave Maria hay nhất đời mình.
Những nốt nhạc cuối cùng vang lên, chúng được ngân dài, ngân dài bởi cả hai chúng tôi, như thể quyến luyến, như thể chẳng muốn bản nhạc kết thúc, khi bàn tay của Thanh nhấc lên, khi cây vĩ của tôi rời đi, đó là lúc bản nhạc này kết thúc, nhưng kì lạ thật, bản nhạc vẫn còn vang vọng trong lòng tôi.
Cả hai đứng lên, tôi nhận thấy chị trưởng nhóm đang ra hiệu một cái gì đó, rồi đột nhiên Vỹ Thanh đứng lại gần tôi, nắm lấy tay tôi, rồi theo bản năng, tôi cúi người xuống chào khán giả cùng cậu ta. Hóa ra chị gái kia khua tay múa chân là vì như thế, nhưng thường thì chúng tôi có cần nắm tay rồi chào đâu? Hai thằng đực rựa thì làm thế để thể hiện tình huynh đệ gắn bó như keo sơn sau khi hòa tấu một bản nhạc mà đáng ra nên được chơi trong lễ đường à?
Rồi sau đó tôi cất cello của mình vào hộp, cậu ta cũng chạy đi lo những thứ quà tặng cho khán giả cũng như khách mời như tôi. Còn tôi thì quay về chỗ của mình ở vị trí khán giả. Và sau khi thành công câu giờ cho sự kiện thì chúng tôi cũng bắt đầu tắt hết đèn đi, xem trên màn chiếu lớn dáng hình hai người nghệ sĩ mà tất cả mọi người trong phòng đều hâm mộ. Chúng tôi đến đây là vì hai người đó, và tôi gặp Vỹ Thanh lần thứ hai trong ngày cũng là vì hai người đó. Rất lâu về sau tôi thật sự đã cùng cậu bạn mới năm nào bay đến Úc, cùng cậu ta đi nghe trực tiếp buổi hòa nhạc có hai nghệ sĩ ấy chơi solo, cùng cậu ta đi buổi kí tặng và trò chuyện với hai người nghệ sĩ kia rằng nhờ có họ mà tôi gặp được tình yêu đời tôi.
Nhưng đó là chuyện của rất lâu sau này, còn bây giờ, khi vừa kết thúc sự kiện, đã là chín giờ tối hơn rồi, tôi vừa ở lại chụp ảnh với tất cả mọi người kể cả ban tổ chức hôm ấy để làm kỉ niệm và còn ở lại tranh quà mang về. Lúc ấy tôi cố tranh một bó hoa nhỏ, vì ở trong bó hoa có một bông hoa hồng xanh, loài hoa tôi thích nhất, vì sự huyền bí của nó, cũng vì màu sắc đặc biệt của nó. Nhưng tiếc thay nhân lúc tôi không nhìn thấy đã có người cầm mất bó hoa nhỏ ấy đi rồi.
Đến lúc đứng trước cổng nơi tổ chức sự kiện, không khí vui vẻ nhộn nhịp mới dần lắng xuống, tôi bắt đầu nghĩ xem dùng cách nào để về nhà.
"Ông chưa về à?" Vỹ Thanh từ sau lưng tôi đi đến, vẻ mặt cậu ta có chút khó chịu, nhưng không phải vì nói chuyện với tôi, đoán có lẽ vì cái gì đó xảy ra sau khi tôi đi.
"Ừ, nhà tôi giờ chẳng có ai, không đón được, điện thoại cũng hết pin, không biết gọi xe như nào đây" Tôi thành thật trả lời.
Mặt cậu bạn dịu lại ít nhiều, lên tiếng hỏi tôi.
"Nhà ông ở đâu?"
"Tòa đối diện trường."
"Tôi ở tòa cách trường 9 phút đi bộ, cũng xem như là thuận đường, ông về cùng không? Tôi đèo?" Cậu ta vừa nói vừa đi đến chiếc xe phân khối nhỏ nhưng nôm chẳng rẻ tiền rồi chẳng đợi câu trả lời của tôi đã lấy ra thêm một chiếc nón bảo hiểm mà ra hiệu cho tôi cầm lấy. Tôi bước đến nhưng vì tay đang cầm theo cello và một chiếc cặp, tôi chẳng còn tay dư để nhận lấy.
Đang loay hoay thì người kia đã đội giúp tôi còn cẩn thận cài lại.
"Tôi đeo rồi, ông ngốc thật, chẳng phải để xuống đất hay nhờ tôi cầm giúp là xong sao?" Nói rồi cậu ta gạt sẵn luôn chỗ gác chân sau cho tôi leo lên.
"Cũng không phải bạn gái mà ông chu đáo thế?" Tôi nửa đùa nửa thật trêu Vỹ Thanh.
"Người nhà từng dành hẳn 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày chỉ để giáo dục tôi những thứ giống như vậy đó."
Rồi thôi, cả hai cũng chẳng còn gì để nói, hoặc là cảm thấy hôm nay là lần đầu quen mà đã nói nhiều thế rồi cũng ngại nên không hẹn mà im bặt đến tận lúc cậu ta thả tôi xuống ở sảnh tòa nhà.
"Cảm ơn ông" Cậu ta còn không quen tháo mũ ra giúp tôi.
"Hẹn gặp lại" Chẳng thèm nhận lấy lời cảm ơn kia, cậu ta nhìn tôi cười nói gặp lại rồi chạy xe về tòa nhà ở đầu đường.
Con người kì lạ, những cử chỉ tinh tế nhờ sự giáo dục của gia đình kia cũng thật kì lạ, kì lạ hết chỗ nói, cũng khiến tôi càng ngày càng tò mò.
—-----------------------------------------------------------------------------------------------------
Từ giờ sẽ có những đoạn kịch nhỏ không dính dáng gì đến nội dung truyện mỗi cuối chương nhé. Xem như là món tráng miệng.
Bác Triều: Sao lúc ra cổng ông khó chịu vậy?
Vỹ Thanh: Vì khi ông rời đi tôi lại bị hàng trăm tiếng lòng tấn công, vừa chịu được yên tĩnh một lúc lại bất ngờ bị đánh úp.
Bác Triều: Vậy...
Vỹ Thanh: Sau này một bước cũng không cho ông rời xa tôi.
Bác Triều: Câu này phải để tôi nói mới đúng chứ?
Vỹ Thanh: Vì sao?
Bác Triều: Vì tôi là bạn trai có tính chiếm hữu cao nhất.
—-----------------------------------------------------------------------------------------------------
Tác- đói bụng giữa đêm- giả: Sao nào, món tráng miệng dễ ăn chứ? Món chính hôm nay quá thịnh soạn rồi, lâu lắm rồi mới viết lại chương dài như vậy, vốn là định kết chương từ lúc Bác Triều đi đến cổng chỗ tổ chức sự kiện rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top