(1) Thưa mẹ, con đi.

Cái Vương và tôi là bạn thân từ tấm bé, xưa kia thân nhau mà dính nhau cũng như đỉa, cả xóm ai cũng biết. Tôi còn nhớ những ngày tuổi thơ đó, cả ngày trời hay cùng nhau thẩn thơ đi bắt rô đồng, mà vây rô sắc cứa tay ta ứa cả máu, cũng chẳng khóc òa còn nhìn nhau ngờ nghệch mà cười tươi. Tuổi thơ chúng tôi còn gắn liền với tiếng ve, tiếng dế, chúng tôi bắt bỏ vào hộp diêm để nghe âm thanh rôm rả của chúng, rồi để tới khi những chú ve, chú dế chết thì lại buồn mà khóc lóc tu hu. Còn có những chiều tôi và cậu nghịch ngợm rủ nhau cùng trốn học đi tắm sông, xong về nhà bị mấy trận đòn roi, cây roi dâu của mẹ quất đau lắm, đau đến lằn cả mông. Những vết lằn đó nay lại trở thành một dấu ấn đẹp đẽ tới khó phai, mà có khi tôi muốn chúng trở lại thì cũng khó.

Mà tới giờ thì cả hai đã đều là những cậu sinh viên lên miền Bắc học đại học rồi, chúng tôi đang ở cái mười tám đôi hai mươi đẹp nhất đời mình. Tuổi hai mươi thì còn trẻ lắm, còn đong đầy những nhiệt huyết và hoài bão trong tim, vẫn có bao tương lai ở phía trước đón chờ chúng tôi. Tương lai chúng tôi nở rộ như những đóa hoa phượng cháy rực dưới sân trường, đôi chân sôi nổi, trẻ trung để chúng tôi có thể theo đuổi những khát khao của riêng đời mình.

Nhưng tới đây thôi, tôi nghĩ rằng đã đến lúc tôi gác lại việc tương lai của mình, lên đường vì tương lai của quê hương mang nặng nghĩa tình. Tôi cũng đã nghe cậu kể một khát khao về ngày giải phóng, cùng tôi và cùng quân ta giành chiến thắng, được thấy lá cờ ta tung bay trên bầu trời miền Nam. Chỉ mới nghe tới đó thôi mà ánh mắt cậu sáng lên rực rỡ, một ánh mắt chẳng hề biết nói dối, cùng nụ cười khoái chí, tươi rói như nắng ươm vàng sân trường đầu mùa hạ năm ấy. Có một điều tôi biết rằng, ước mong kia chẳng phải của riêng gì cậu Vương, hay của tôi, của chúng tôi.

Thuở nọ, bước qua tuổi hai mươi chưa được lâu cái, hai đứa tôi rủ nhau vào nhập ngũ. Cũng bữa ăn đó, chính là bữa ăn cuối cùng mà chúng tôi được mẹ nấu cho, mẹ nói lần này mẹ nấu phải thật no, thật đạm bạc. Cho mấy thằng con của mẹ sung sức mà lên đường hành quân tới miền Nam ruột thịt. Nay trên chiếc mâm đồng, đâu chỉ có mỗi mấy món rau hay cơm trắng, mẹ còn làm cả nào là canh cua, cào cào rang mặn, cà tím, thịt thà đủ cả.

"Mẹ vừa ra chợ mua về, mấy thằng này phải ăn thật no đấy nghe chưa?"

Mẹ khuyên, tôi nghe giọng mẹ thoáng chút bồi hồi, bàn tay chai sần mẹ gắp vội rau cho mấy thằng con dù cho bát chúng tôi đã đầy qua miệng. Mẹ của Vương tần tảo là như thế, tôi cũng thấy ấm lòng.

"Nhất là Thành ý, cậu đừng có mà biếng ăn. Sau bữa này rồi mấy khi còn được ăn cơm mẹ nấu."

Vương nhìn tôi mà cậu nói, sau khi nuốt xong đồ ăn trong miệng. Nay được một bữa no nê, có cả mấy món cậu thích thì lại chẳng khoái quá. Còn tôi cũng tính chẳng nói gì mà chỉ chú tâm vào gắp ăn, nhưng Vương đã bảo như thế thì tôi cũng phải đáp lại.

"Gì chứ, chỉ cần gắng sức thắng thật nhanh rồi về là lại được mẹ nấu cho ăn mà."

"Đấy thằng Thành nó nói đúng, chúng mày phải về để mẹ nấu cho ăn đấy. Về là mẹ làm một bữa to hơn cả thế này cơ!"

Mẹ vỗ vai Vương, cả hai đứa gật gật đầu miệng cười tươi. Nhưng tôi đoán dường như trong lòng chúng tôi ít nhiều cũng xôn xao lắm vì nhiều suy nghĩ trong đầu đan xen vào nhau. Ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra, ở nơi rừng thiêng nước độc đấy, chốn bom rơi đạn lạc hiểm nguy kia. Mà khoan, bữa này phải ăn cho thật no cái đã.

"Nhưng cậu ăn chậm như thế xong đừng trách ô sao hết cơm đó nha Thành."

"Cậu cứ liên tục xúc như thế lại chả hết cơm. Kìa xúc cho tớ thêm một bát với."

Dứt lời tôi đưa bát cơm sứ cho cậu ta, dù cho tô cơm kia cũng chẳng quá xa tầm tay của mình. Chính ra là tôi chỉ lười, nhưng với Vương thì đó không phải vấn đề, cậu ta vẫn cầm lấy bát mà bới cơm cho tôi.

"Thế ăn nhiều hay ít đây?" - Cậu hỏi.

"Lưng bát thôi."

"Ờ, ăn nhiều vào cho khỏe."

Tôi nhận ra đó chỉ là một câu hỏi mà tôi không thực sự cần trả lời cho lắm, Vương vẫn xúc cho tôi đầy bát cơm rồi còn nhanh nhảu gắp thêm đồ ăn vào bát tôi. Không biết nói gì hơn, tôi cũng đành ăn tiếp, nhưng chợt có gì đó không đúng lắm. Khi tôi bỗng im hẳn, tuy tôi không thể hiện ra nhiều nhưng Vương lại vẫn có thể nhìn thấy mặt tôi có chút nhăn lại, đôi lông mày nhíu vào tỏ vẻ khó chịu

"Sao mà mặt cậu nhăn dữ vậy?"

"Hình như con gắp cho bạn ăn trúng ớt xanh hay sao ấy Vương..."

Phải, đúng là trong đống rau mà Vương gắp có ớt xanh. Ớt này thì chịu, cay lắm, tôi ăn phải còn nhăn mặt, bỏng rát cả miệng kia mà. Cậu ta còn hốt hoảng mà lật đật đi lấy cho tôi cốc nước để xoa dịu vị giác đang cháy bỏng của tôi. Nhưng lạ là tôi không khó chịu, cũng không ai trong chúng tôi thấy khó xử. Thậm chí còn phì cười với nhau vì những thứ ngốc nghếch đó.

Dù sao, bữa ăn cuối cùng này tôi cũng cảm thấy thật ấm cúng, chẳng cần những thứ đồ ăn xa xỉ gì, chỉ cần đồ tay mẹ nấu, canh mẹ đun và được ngồi ăn ở đây với người bạn thiết cốt - đồng thời là người đồng chí của tôi thì tôi thấy mình như đã đủ giàu sang rồi. Và giờ ăn cứ thế trôi nhanh, như thể thúc giục chúng tôi mau đi thôi, chẳng mấy chốc mâm cơm cũng chẳng còn mấy mống. Chỉ toàn xương, mấy hạt cơm vương vãi là cùng. Vương muốn giúp mẹ rửa bát. Nhưng mẹ không cho, nhất quyết bảo chúng tôi đi chuẩn bị nốt đồ rồi còn lên đường, cậu lại lì bướng không muốn. Khi nào xong xuôi phụ giúp mẹ thì cậu mới chịu dọn nốt hành trang nên tôi cũng nằm ở trên chiếc giường nhỏ để đợi cậu.

Tôi không chắc cho tới khi nào mới được về lại chốn này, nằm trên chiếc giường nhỏ bé được trải chiếu mát, kê đầu lên cái gối hoa êm ái mà đánh một giấc ngon lành. Trên tuyến đường khói lửa gập ghềnh trải dài bom đạn kia thì lấy đâu một nơi yên bình cho tôi nữa. Thế nên, tôi tin rằng chúng tôi rồi sẽ về sớm thôi.

Bữa cơm nhà và mẹ vẫn sẽ ở đây mà chờ chúng tôi về.

Được một lúc, tôi cũng chẳng rõ cậu ta làm gì mà lâu như thế, thôi thì dù sao cũng chuyện giữa hai mẹ con họ. Đến khi xong xuôi thì cả hai đeo lên lưng chiếc cặp lớn nặng ngang trời, trên người là quân phục màu xanh xanh của cỏ úa, đầu đội mũ tai bèo.

"Bẻ lại cái cổ áo đi Thành, xộc xếch quá."

Cậu ta vừa nhắc tôi, tay cầm tập sổ nhỏ cứ lật qua lật lại, nhìn vào nó một cách đăm chiêu. Tôi thở dài, nghĩ rằng cần gì phải bẻ lại nhỉ, tôi cảm thấy có thật phiền.

"Cậu bẻ giúp tớ đi."

Tôi luôn nhờ vả cậu ta như thế, bình thường cũng chẳng có vấn đề gì vì dù sao từ bé chúng tôi đã quen rồi. Thế nhưng lần này, Vương có chút đắn đo trước khi quay sang cất cuốn sổ và giúp tôi bẻ lại cổ áo.

"Nhập ngũ rồi, tác phong phải quân đội lên. Đừng sống buông thả nữa." - Cậu ta thở dài rồi tiếp lời.

"Nếu tớ cứ chiều cậu như thế này, trên chiến trường nhỡ đâu chẳng thể gặp nhau nữa. Thì cậu phải làm sao đây..."

Phản ứng của cậu cũng dễ hiểu thôi. Cậu không có ý gì xui xẻo, nhưng Vương vốn là một người có chút nhạy cảm và cái quan trọng cậu rất quan tâm tới tôi. Tính ra cậu Vương sinh viên khoa Kinh tế nhưng ngoài sự lì bướng của mình cậu lại có một khía cạnh mùi mẫn như mấy cậu sinh viên khoa Văn, cũng ân cần với tôi và thích viết thơ. Cuốn sổ kia cậu dùng để sưu tầm lại những áng thơ văn của mình. Tôi cũng từng nghe cậu đọc chúng, nhưng chưa từng hiểu hết được hàm ý trong câu chữ của cậu.

"Cậu đừng nói thế, nghe nhụt chí lắm đấy."

Ánh mắt tôi nhìn cậu, mày hơi nhíu lại, cũng chỉ đủ để đôi mắt tinh tường của cậu nhận thấy.

"Nhưng dù sao đó cũng là sự thật. Cái chết nó là một phần rồi."

"Thôi, thôi."

Tôi choàng vai cậu bạn, để cố làm chệch chủ đề cuộc nói chuyện đó đi. Dù chính tôi cũng là người nghĩ về điều đó. Giọng tôi vẫn đều đều.

"Chúng ta còn nhiều lời hứa với nhau lắm đấy, đừng nói cậu sẽ quên nó nhé?" - Tôi thở dài trách móc - "Nếu không quên thì đừng nói thế."

"Không có đâu mà, tớ đã bảo tớ phải thực hiện được chúng!"

Mấy lời của tôi trấn an cậu ta đôi phần, tôi nghĩ thế. Nhưng thú thật ở tuổi này, chúng tôi có rất nhiều những dự định, nhiều ước mong. Như Vương cậu ta thích chơi bóng đá và có khi được luyện tập bài bản thì ắt sẽ trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, rồi đi đấu trên thành phố cũng nên. Còn tôi sẽ cùng cậu ấy chơi bóng đá. Chúng tôi sẽ chơi thật tốt.

Nhưng lúc đấy thì mọi thứ phải khác bây giờ, phải là sau chiến tranh. Đó phải là khi con đường đất lại trở thành nơi ta tới trường, trên mái đầu chỉ còn là bầu trời xanh, bầy chim sẻ yên bình vi vu chẳng lẫn cùng mưa bom, đạn lạc.

"Mấy đứa chuẩn bị đi rồi à. Chờ tí."

Chúng tôi lại nghe giọng mẹ phía sau mình, mẹ đột nhiên ôm chầm lấy hai đứa tôi, ghì siết chúng tôi như thể chẳng nỡ để chúng tôi đi. Trong phút chốc tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ con non thơ được sưởi ấm trong lòng mẹ, mẹ xoa đầu cậu, rồi xoa đầu tôi. Mẹ ngậm ngùi như đang gắng gượng không khóc.

"Mấy đứa này, ngày nào còn bé tí mà giờ đã thanh niên hết rồi." - Mẹ thở dài. - " Nhớ giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ, ở trên đấy thì phải cẩn thận, các con nhé. Về sớm với mẹ, rồi mẹ còn nấu cơm cho mà ăn, rõ chưa?"

Vương gật đầu lia lịa, miệng cười tươi, rời khỏi vòng tay mẹ cậu dõng dạc mà hô lệnh.

"Nghiêm! Dàn hàng ngang."

Tôi nghe cũng hiểu cậu ta định làm trò gì, nhưng cũng không ngại gì mà hùa theo. Cả hai chúng tôi vào tư thế nghiêm, hai gót chạm sát nhau nằm trên một đường ngang, đứng thẳng mà ngực nở, bụng hơi thót lại, hai vai thăng bằng, hai tay buông thẳng, năm ngón tay khép lại. Đúng tác phong của quân đội.

"Chào!"

Nghe hiệu lệnh, tôi và cậu đưa tay lên song song với mặt đất, cổ tay duỗi thẳng tắp, ngón tay chạm vào vành đuôi chân mày.

"Thưa mẹ chúng con đi. Chúng con hứa ngày toàn thắng sẽ trở về và ăn với mẹ một bữa thật no!"

Ngày hôm đấy là ngày cuối cùng chúng tôi được ăn cơm nhà. Chúng tôi đi, màu áo xanh sáng lên khi ánh vàng của nắng chiếu rọi, phía sau lưng chúng tôi là hình bóng kéo dài từ bước chân tới phía căn nhà yên ắng, như thể lưu luyến. Mẹ đứng ở cửa, ánh mắt mẹ đượm buồn khi nhìn chúng tôi đi, rồi mẹ lại bật khóc, tiếng của bà rưng rức phía sau chúng tôi không nghĩ mình có thể nghe được. Vì tiếng gió vi vu thổi ngang qua chúng tôi, làm đám lá dưới đất cứ xào xạc, núp trong lùm lá còn là tiếng dế kêu râm ran, âm thanh quen thuộc của quê tôi, tiễn chúng tôi đi một đoạn không ngoảnh đầu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top