2. Quá khứ - Trốn chạy

Tôi đọc đi đọc lại bức thư vài lần, sau gáy và sống lưng dấy lên từng cơn ớn lạnh, mồ hôi chảy từ đỉnh đầu xuống cằm, tay chân cũng dần ẩm ướt.... Không phải đổ mồ hôi vì cái nóng của mùa hè khi ấy, mà đổ mồ hôi vì một nỗi sợ như có như không đang quấn lấy tâm trí.

Tôi cẩn thận dùng vốn kiến thức đọc hiểu ít ỏi của mình để nắm rõ từng ý vị trong câu chữ. Tóm lại thì tại thời điểm đó, tôi chỉ hiểu qua loa rằng nếu tiếp tục ở lại thì sẽ chết, thế rồi vì cái dòng chữ viết đậm nổi bật ở cuối thư, tôi thở một hơi khô khan, nuốt một ngụm khí vào trong khoang họng có phần bỏng rát, tôi bỏ lá thư vào chung trong túi đựng xấp tài liệu của mình, cầm thanh chocolate bỏ vào túi áo khoác,.... Dùng hết dũng khí của 9 năm cuộc đời, tôi ôm những thứ dường như chẳng có giá trị đó, ôm theo cả bức thư mà bản thân khi đó đọc cũng chẳng hiểu hết, nhấc đôi chân tê cứng vì chôn một chỗ hồi lâu lên, trốn chạy.

Tầm giờ cũng đã gần đến lúc phải đi ngủ, những đứa trẻ đều đang tự chơi trong phòng. Trại mồ côi không lớn, không kể những phòng dùng chung thì có 10 phòng tất cả, một phòng là phòng của ông chú trông coi nơi này - với ông "chú" trong lá thư tuyệt mệnh của Tử Lương là một, căn phòng đó cũng là nơi để tài liệu về những đứa trẻ mồ côi chúng tôi. 9 phòng còn lại chia cho chúng tôi, có phòng 2 người, có phòng 3 người, tôi với Tử Lương chung một phòng. Sau này tôi mới hiểu, để có được xấp tài liệu của tôi, hẳn Tử Lương đã phải đặt chân đến căn phòng đáng sợ kia không chỉ một lần. Dọc hành lang tiến đến nơi có hàng rào thấp nhất để trốn ra ngoài, tôi đã đi lướt qua căn phòng ấy, đã nghe loáng thoáng ra những âm thanh rên rỉ nho nhỏ như đang cố tình bị chặn lại bởi gì đó, so với tiếng những đứa trẻ bị đánh gào khóc, nhưng cố tự bịt miệng để không được khóc to cũng gần tương tự.... Tuy chưa bị đánh bao giờ nhưng nhìn thôi cũng đủ biết rất đau đớn. Thế nhưng khi đó tôi lại ném những âm thanh ấy ra sau đầu, bắt đầu xúc tiến việc trốn chạy càng nhanh càng tốt trước khi bị tóm cổ, mặc dù bản thân cũng không biết sau khi leo ra khỏi hàng rào kia thì sẽ đi về đâu. Cuộc sống 9 năm chỉ quanh quẩn trong vài trăm mét vuông bé tý nơi trại mồ côi, chưa bao giờ tôi nghĩ thế giới lại rộng lớn như vậy, chưa thoát khỏi giếng thì thực sự coi trời bằng vung là có thật.

Tôi thuận lợi leo qua hàng rào, cút khỏi cái nôi 9 năm tuổi thơ nhạt nhẽo, bước ra giữa một lối mòn chẳng biết dẫn về đâu, cứ thế thách thức mình theo ánh trăng mà chạy cho tới khi thấm mệt, dù lúc ấy rất mệt nhưng những nỗi sợ hãi giăng trong đầu lúc ở trại mồ côi đêm đó dường như cũng theo bước chân tôi mà dần xa cách, ý chí vẫn rất lớn, thế là tôi lại chạy càng xa hơn. Đó có lẽ là đêm đầu tiên trong suốt 9 năm, tôi nhớ là mình không ngủ.

Màu trời dần chuyển từ nền đen sang nền xám, dọc đường những tán lá cây cũng đọng nước, sượt qua áo tôi để lại vài vệt ướt mát mẻ, sau này mới biết đó là sương sớm, tôi hít thở cảm nhận thứ không khí trong lành mới lạ ấy, chợt nhận ra cuống họng rát đến phát bỏng, tôi cúi xuống liếm láp những giọt trong lành đọng trên lá cây, mãi cho đến khi thấy mảng trời ngược hướng với lối đi đã ửng lên những vầng mây hồng cam, đại não như được khai sáng một mảng kiến thức mới, nhưng cũng len lỏi vài tia ký ức quen thuộc, tôi luyến tiếc nhìn mảng trời ấy một hồi rồi lại bước tiếp theo lối đi, lối đi ấy thực sự đang sáng dần, chẳng mấy chốc tôi đã thấy bóng của mình đổ trước mặt, thế là như đêm qua đuổi theo ánh trăng, bây giờ tôi lại đuổi theo chiếc bóng của mình, tự chơi đùa cũng cảm thấy rất vui vẻ....

Nhưng cái gì đến cũng sẽ đến, cơn đói bụng dần dần xâm chiếm tâm trí, chân tay bắt đầu có cảm giác bủn rủn, hoa mắt chóng mặt thực lòng mà nói là điều khó lòng tránh khỏi. Nhưng cảnh vật trước mắt quả thật trước đây chưa bao giờ thấy qua.... Một cánh đồng xanh non phấp phới phía dưới hai bên con đường, mặc dù nắng đã gắt hơn nhưng cũng không thể ngăn tôi cố giãn tròng mắt ra ngắm nghía tận hưởng.

- Cháu bé đi đâu đấy - một giọng nói xa lạ cắt ngang tâm trí tôi.

- Cháu đi về nơi an toàn - Chẳng hiểu sao tôi lại buột miệng nói ra lời như vậy, bản thân cũng tự thấy kinh ngạc, chắc cũng vì sự kinh ngạc khó diễn tả khi ấy mà tôi lại nhớ đoạn đối thoại ngắn ngủi đó tới tận giờ.

- Ồ.... - Ông lão nhìn tôi vừa ngạc nhiên vừa có chút coi thường trẻ nhỏ - Thế cháu ăn bánh không, ta có bánh nếp này.

Tôi ngơ ngác: - Bánh nếp? - Kỳ thực tôi chưa ăn nó bao giờ, ở trại mồ côi chỉ có cơm thường ngày hai bữa, lâu lâu có một vài viên kẹo cũng là giành giật sứt đầu mẻ trán mới có được, 'bánh nếp' hẳn là hai từ không tồn tại trong từ điển của tôi khi ấy.

- Đúng - Ông lão híp mắt, đôi gò má nâng cao cùng chòm râu trắng đục vểnh lên biểu thị ông đang cười với tôi.

Thế rồi ông đưa tôi chiếc bánh lớn, so với cái mặt tôi khi ấy, cái bánh phải lớn hơn gấp đôi, tôi chưa bao giờ ăn nó, chiếc bánh thật mới lạ, một chút nghi ngờ cũng không hề tồn tại, tôi nhận lấy chiếc bánh lớn cắn vội một miếng, vì kỳ thực tôi đang rất đói. Ông lão cứ như vị tiên xuất hiện ngay kịp lúc ban cho tôi thứ tôi cần. Rất ngon, miếng bánh ấy thực sự rất ngon.

- Bánh này làm từ gì vậy ạ? - Thực ra tôi cũng chỉ tiện mồm hỏi vậy chứ cũng không hẳn là tò mò. Vậy mà ông lại rất nghiêm túc đáp trả câu hỏi bâng quơ ấy.

- Nó làm từ bột gạo nếp, cháu nhìn cánh đồng lúa đang lên kìa - Ông hất cằm về phía cánh đồng xanh hướng ánh mắt tôi cũng phản xạ có điều kiện mà nhìn theo - Lúa đấy sẽ có lúa nếp và lúa tẻ, thu hoạch xong sẽ xay ra gạo nếp và gạo tẻ, gạo tẻ chính là để nấu cơm, còn gạo nếp sẽ đem xay thành bột và làm nên những chiếc bánh thế này - Ông xoa mái tóc loe ngoe được cắt gọn của tôi, đánh thức tôi khỏi cái nhìn mê man vào cánh đồng xanh non trước mặt, hoá ra đó là cây lúa...

- Vậy cháu đi đến nơi an toàn của cháu, ta đi đến nơi yên bình của ta - Nói rồi ông vẫy tay chào tạm biệt tôi.

Tôi dường như bừng tỉnh quay trở về với mục đích cuộc phiêu lưu đời mình. Nhìn bóng ông xa dần khỏi tầm mắt, hình như tôi vẫn nợ ông một lời cảm ơn.... Cũng rất nhanh tôi cũng không quan tâm đến những điều vừa xảy đến, bánh mới ăn chưa được một nửa, tôi mở áo khoác cất phần còn lại vào túi đựng tài liệu đeo trước ngực, rồi lại kéo áo khoác lại như ban đầu, tôi xuất phát, lúc gặp ngã rẽ tôi cũng bước đi tuỳ ý theo con đường mình thích, chỉ cần không đi ngược lại lối cũ, chắc chắn sẽ không quay trở lại trại mồ côi kia, chắc chắn sẽ đến được nơi an toàn....

End Chap 2.

PDR





Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top