Chương 8.2: Phượng tàn theo gió
"Hưng xuống đi mua đồ coi!"
Chị nó đứng ở dưới lầu, kêu ngược lên. Nó vươn tay tắt cái đài, lật đật chạy xuống.
Chị nó lớn hơn nó hai tuổi, chị ruột. Nó không thân với chị lắm, hai người chẳng có điểm nào liên kết với nhau ngoại trừ dòng máu đang chảy trong người cả.
Hồi nó được mẹ chở đi hát, chị mới lên cấp hai, phải tự đi bộ từ nhà đến trường trong suốt bốn năm học. Mãi đến năm lên mười, khi cả nhà đều bận ra nhà văn hóa coi nó hát, để chị tự bắt tàu lên tỉnh để đi học mới khác. Cả kì nghỉ lễ chị không về, nhốt mình trong phòng ở nhà bà con.
Nghe dì kể lại, chị khóc ít, nhưng thường xuyên. Lâu lâu dì lên đưa đồ lại nghe tiếng thút thít. Hàng xóm dưới này nghe chuyện chỉ bảo chị bị trai dụ, muốn nổi loạn.
Thật ra lúc đó, chị chỉ cần ba mẹ lên đón chị, hay đơn giản hơn, một cuộc điện thoại kêu chị về nhà thôi, chị đã dọn đồ xong xuôi hết rồi. Cuối cùng, đến mùng chín, mẹ mới nhờ mấy anh chị họ hàng nhắn tin báo, kêu chị hè nhớ về nhà.
Hè chị về, trong lúc rảnh rỗi, hai chị em rủ nhau ra rừng cây chơi, chơi trò trốn tìm.
Nó đi trốn, chị đi tìm.
"Chị hai chơi trốn tìm dở ẹc."
Nó đứng núp trên đồi, từ lúc mặt trời ở tuốt trên cao đến lúc mặt trời dần biến mất sau rặng cây vẫn chưa thấy chị tới.
"Mày phải hiểu, cảm giác mày mờ nhạt đến mức dù mày có biến mất, người ta cũng không muốn quan tâm."
Gia Hưng mới lớp năm, lớp sáu chưa hiểu hết được. Khi nghe chị nói, nó tưởng chị đang kể câu chuyện kinh dị nào đó chị nghe được trên tỉnh.
Ngay cả lúc hộp thuốc ngủ nằm ở đầu giường thay vì dưới gầm giường, nó vẫn không hiểu nổi những gì chị nói. Mãi đến vài năm sau, nó ngồi trong trạm dừng chân bên cạnh đường cao tốc, nhìn chằm chằm vào chiếc hamburger mỏng lét, ly nước ngọt đã tan đá từ lâu; hai túi quần nó trống rỗng, chỉ còn sót lại vài xu lẻ, đủ để gọi thêm một cú điện thoại về nhà.
Có lẽ chị cũng như thế, bất lực nhìn thời gian trôi qua, đối diện với sự thật rằng nào có ai nhớ đến sự tồn tại của bản thân, hoặc là nhớ đến, nhưng họ lại cho rằng điều ấy không quan trọng.
"Hưng ơi."
Quý lại xuất hiện, giữa chợ, dưới cái nắng chói thiêu đốt da người, kéo vai nó lại, hỏi han đủ thứ.
Hưng tưởng như mình đang trở về mùa hè năm ngoái, khi mọi thứ vẫn còn tươi đẹp lắm. Hình như cậu đã kéo nó về nhà, rồi lại dẫn cậu ra ngoài chùa, hai đứa ngồi bên cạnh nhau, êm đềm.
"Tui mới sửa xong đàn á, hồi mình ra bờ hồ nha?" Quý nắm lấy cổ tay nó, đúng hơn là chạm nhẹ vô, nó không thích người khác đụng vô người nó vậy, "họ mới mở quán nước á, nghe nói người ta trang trí đẹp lắm, như trên thành phố luôn. Hưng đi với tui, để tui sửa bài hát, ha?"
Lúc nói chuyện, Quý sẽ nhìn thẳng vào mắt đối phương, chỉ khi nhìn Lan, cậu mới đảo mắt đi.
Chi Lan là ngoại lệ của Kim Quý, vị trí mà chắc phải mất vài năm nữa, cậu mới có thể tìm người thay thế được.
"Quý không ôn bài hả?"
Hưng hỏi ngược lại, lùi ra đằng sau.
"Ngày mai mình còn lên trường mà, không sao đâu."
"Tui bận rồi, để thi xong tính tiếp đi."
Bữa trước, mẹ kêu nó dọn đồ sẵn đi, thi xong mẹ gửi nó lên Đà Lạt tham gia khóa tu. Chắc là để thanh lọc tâm hồn, theo lời bà của nó. Trong chuyến ghé thăm gần nhất, bà đưa cho nó bao lì xì thật to, kèm theo lời nhắn nhớ dạy dỗ cháu tao nên người, nó là thằng con trai duy nhất đó.
"Vậy... Hưng hứa với tui nha?"
Quý ngập ngừng, muốn kéo tay nó lần nữa.
Hôm trước nó đi ngang qua nhà Quý, thấy ba cậu cầm cây đàn đập xuống đất, tại sao mày không được đứng trên sân khấu như mấy đứa khác? Ông Bảy gào lên, chỉ thẳng vào mặt thằng con trai quý tử. Mấy bà trong chợ đều nói rằng ông làm quá lên, Quý mới học cấp hai, cậu còn cả tương lai phía trước để chứng minh mình giỏi, kể cả trong trường hợp cậu bị thế giới ngoài kia quật ngã, cậu vẫn giỏi hơn mấy đứa loai choai trong xóm.
"Ừ."
Hưng đáp lại, cụt lủn.
Tự nhiên nó ghét Quý kinh khủng.
Cậu ân cần quá mức cho phép, khiến đôi lúc nó lầm tưởng như trong cậu cũng mang trong mình cảm xúc gì khác lạ dành cho nó. Nhưng cậu nào có thế. Quý là thằng con trai giống bao thằng con trai khác, cậu thích con gái, con gái, phải in đậm, nhấn mạnh vào.
"Nhớ nha Hưng!"
Cậu hét về phía nó, ngay giữa chợ, làm ai cũng nhìn hai đứa. Nó thấy không ổn, nên xoay người chạy đi luôn. Nói sợ thì hơi quá, nó không thích thôi. Làm ca sĩ mà sợ đám đông làm sao kiếm ra tiền được. Hồi nhỏ Hưng sợ thật, mấy lần đầu lên diễn, nó cứ nhắm tịt hai mắt lại, ráng hát cho nhanh cho xong, rồi chạy thẳng xuống sân khấu. Phận hát lót thôi, khán giả không quan tâm lắm, ngặt nỗi mẹ nó muốn thấy nó ở chỗ lớn hơn, sáng hơn, vậy nên nó tập làm quen.
Hưng cảm thấy như nó đang đứng giữa lằn ranh của may mắn và bất hạnh, giờ chắc nghiêng về may mắn nhiều hơn, những đêm trời đen, hay lúc nó cầm lọ thuốc ngủ, cán cân sẽ ngã về hướng ngược lại - nó là đứa trẻ bất hạnh nhất trên đời. Dạo này nó suy nghĩ ít lại rồi, không còn cảm thấy tức ngực mỗi khi suy nghĩ về bản thân nữa. Chắc khoảng mấy tháng nữa, nó có thể cất lọ thuốc ngủ đi, ở chỗ nào đó xa gối nằm, dần dần, nó sẽ quên mất mình từng để dành tiền ăn sáng cả tháng liền chỉ để gom đủ tiền mua thuốc.
Mấy bài viết buồn buồn trên radio hay kết thúc thế này: thời gian cuốn ta đi, khiến ta quên vết thương mình từng ôm trong quá khứ.
Hưng đang lớn, theo lời thầy Sinh, các tế bào bên trong cơ thể con người sẽ tự chết đi rồi tái tạo lại theo một vòng lặp vô tận. Nếu được, nó muốn tự chọn tế bào nào được sống, tế bào nào phải ra đi. Nó muốn giữ sự tốt đẹp ở lại, dù đó giờ nó không có thứ đó. Biết đâu được, ở đoạn nào trong quá khứ, Hưng từng là đứa trẻ ngoan ngoãn, tốt bụng, giỏi giang nhất trên đời. Ít nhất mọi người thấy thế.
"Hưng xuống! Có bạn mày tìm nè!"
Lúc chị hai kêu, Hưng đang ngồi bó gối nhìn trời. Hôm nay ít mây quá, chỉ có vài nhúm nhỏ xác xơ, làm lòng nó cũng trống rỗng theo. Khi cảm thấy trống vắng, nó lại muốn hát. Thế là nó ôm cây đàn, hát vu vơ. Nó hát đủ thứ, mong sao có nốt nhạc nào đó vô tình đi lạc, nhập vào người nó, tiếp thêm cho nó tí động lực, không cần nhiều đâu, đủ để sống qua ngày là được.
Hưng không muốn xuống, nó tưởng chị nói đùa. Nó có bạn, nhưng bạn nó không phải kiểu sẽ tự dưng xuất hiện trước cửa nhà với lời mời đi chơi đầy hấp dẫn. Lần cuối tụi nó đi chơi với nhau là hè năm ngoái, hẹn trước gần cả tháng lận.
"Mày bị điếc hả thằng kia?"
"Biết rồi để đi xuống nè!"
Hưng hét lại, cộc lốc. Nó quăng cây đàn qua một bên, đi xuống lầu. Mặt nó xụ xuống như cái bánh bao thiu, miệng cứ lầm bầm.
"Cứ ru rú suốt ngày trong nhà, riết rồi không coi lời nói của ai ra gì hết phải không?" Chị hai vươn tay, đánh vào lưng nó một cái rõ đau.
"Hưng ơi, mình đi nha?"
Quý đứng trước cửa nhà nó, ngồi trên xe đạp, vai đeo đàn, nhìn giống lãng tử trên phim truyền hình lãng mạn xưa mẹ nó hay coi. Có một kịch bản thôi, cơ mà mọi người lại thích điều ấy, nên mấy đạo diễn cứ làm hoài làm mãi.
Chàng thư sinh nghèo (nhấn mạnh là phải nghèo, cực kì nghèo) nhưng có tâm hồn nghệ sĩ, hay ôm đàn ngồi hát những bản nhạc đậm chất trữ tình, say mê lòng biết bao người. Chàng hay hẹn nhân vật nữ chính ra ngoài trong cuộc dạo chơi, trên chiếc xe đạp cà tàng, với lồng xe chứa đầy hoa.
"Đi đâu?"
Hưng cau mày, chống hông nhìn cậu. Nó ghét phải nói đi nói lại lắm.
"Đi vô trường, Hưng quên hả?" Quý nghiêng đầu sang một bên, tròn mắt hỏi, "cô hiệu phó nhờ tụi mình đi chụp hình kỉ niệm cho trường á."
Hồi còn trong năm học, giữa mấy giờ luyện tập, cô hiệu phó có tới, nhờ tụi nó trở thành người mẫu trong bộ ảnh kỷ niệm lễ tốt nghiệp của khóa này. Mấy khoảnh khắc đẹp thế này không thể chụp vội vài tấm là xong. Nghệ thuật là sự sắp đặt tuyệt vời, cô tấm tắc nói vậy, tay gắn hạc giấy vào sợi dây kẽm để trang trí trường.
Toàn khối sáu, tổng gần hai trăm đứa, mỗi đứa ngồi xếp hạc cả tuần liền, được ba bao tải to. Mấy thầy cô tổ năng khiếu tranh thủ giờ nghỉ giữa buổi để ngồi xỏ từng con vào dây. Cô hiệu phó dự định làm tiểu cảnh lớn, có mô hình hạc giấy đứng ở giữa, đằng sau là bối cảnh bầu trời, có thêm mấy chú hạc xung quanh nữa là chuẩn bài. Cực chẳng đã, làng quê khác với phố thị cô từng quen sống, dưới đây làm gì được như trên ấy. Tìm chỗ in bối cảnh đã khó, nói chi đến làm mô hình. Cuối cùng, cô chỉ có thể gọi điện lên thị xã, nhờ người ta in phông bạt nhỏ hình bầu trời, không thể yêu cầu thêm được.
"Bữa trước Hưng về sớm quá, chụp hình thiếu người nên Lan không chịu chụp nữa, tiếc ghê."
Nó ậm ờ trong miệng, không trả lời.
Cậu chỉ đang tiếc bức ảnh chưa thể tồn tại: cậu và nàng thơ chung khung hình, trong ngày lễ tốt nghiệp, dưới màu phượng đỏ rực. Mùa tan trường như mọi năm, cũng khác mọi năm. Còn bao nhiêu nhành hoa phượng nữa cho đến lần chia tay cuối cùng? Chắc đây là lần cuối của nó rồi. Sớm thôi, ngôi trường kia sẽ ở lại quá khứ, con đường này sẽ ở lại quá khứ, khu xóm này sẽ ở lại quá khứ; kể cả Quý nữa, sẽ ở lại quá khứ. Tương lai hơi mịt mờ, mà nó lại chẳng đủ ủy mị để nói về những gì đã qua, nên thôi, tính chuyện trước mắt cái đã.
"Hưng ăn gì không?
Quý quay đầu lại, hỏi nó bằng giọng ân cần như với bao người khác.
"Không."
Hưng đáp lại, gọn lỏn.
"Vậy thôi..."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top