Chương 8.1: Phượng tàn theo gió

Lễ trưởng thành chỉ là gợn sóng nhỏ trong năm học. Tụi nó được một phen rộn ràng, sau đó đâu lại vào đấy.

Ba khối còn lại đã nghỉ hè rồi, chỉ còn khối chín tụi nó ở lại, chiến đấu thêm trận nữa. Gần cuối rồi, còn khoảng vài tuần nữa thôi.

Quý lại vùi đầu vào sách vở, hệt như cậu hồi năm lớp tám, có khi còn dữ dội hơn. Cậu nộp đơn vào cùng trường tỉnh với Lan, Hưng muốn trường ở huyện thôi. Mấy đứa bạn xung quanh nó đều muốn vào trường tỉnh, chỉ có nó một mình một trường. Bốn năm vừa qua nó vui lắm, đến lúc tách ra rồi. Trước khi tất cả bị phá hủy, hãy kết thúc để kỉ niệm mãi dừng lại ở khoảng đẹp nhất.

"Ê giám thị tới! Giám thị tới!"

Thằng Nam ngồi ở cuối lớp, ngay cửa sau ló đầu ra ngoài, la oai oái. Mấy đứa còn lại nghe thế, vội cởi dép ra, đứa giấu vào cặp, đứa quăng ra ngoài cửa sổ. Quý vươn tay ra, vỗ vai Hưng, kêu nó đưa dép cho cậu.

Cô hiệu phó về trường, đem theo lễ nghi của phố thị về với trường làng nhỏ. Hồi trước, tụi nhỏ được tự do mang giày dép đi học, có đứa còn đi chân đất nữa, quê mà, đi đến trường là cả sự cố gắng rồi. Từ đợt đổi thầy hiệu trưởng với hiệu phó, hai người bắt buộc học sinh tới trường phải mang giày đàng hoàng, ai mang dép sẽ tịch thu.

Hồi đầu năm tụi nó còn chấp hành nghiêm chỉnh, nhưng từ sau lễ trưởng thành trở đi thì lại khác. Đâu còn bao nhiêu thời gian đâu, nếu cứ bắt mình theo khuôn khổ thì mệt chết. Thế là cả khối, mạnh ai muốn mang gì thì mang.

Từ hôm đi mưa về, chân Hưng có mọc mấy cái mụn nước, tới giờ vẫn chưa khỏi, nên nó mang dép cho đỡ đau.

"Hồi Hưng nhớ nói tui lấy dép lại nha, đừng đi chân đất."

Quý để dép của hai đứa trên cành cây, thằng con trai nào gan chồm ra là lấy được rồi.

Cô tổng phụ trách đi vào lớp với thầy thủ thư, tay mỗi người cầm một cái bao bố to, bên trong toàn dép. Có vài đứa chưa kịp giấu dép, bị tịch thu hết. Cậu ngồi đằng sau lưng nó, cười khúc khích vì trốn được.

"Cười cái gì mà cười! Hên cho mấy người đó!" Thầy dạy văn đi tới, vỗ vào vai Quý cái bốp, "để dép ở ngoài đó đi, hết tiết rồi hẵng lấy."

Thầy dễ thương lắm, hơi dữ, nhưng được cái thương học trò. Chắc vì tụi nó là lứa đầu thầy dạy.

Lát sau, Quý bị thầy thủ thư kêu đi giữa giờ học, đến lúc hết tiết vẫn không thấy đâu. Nó với Phương Vy đứng chờ cậu lên để lấy dép, tới lúc thầy giám thị đuổi tụi nó xuống lầu rồi vẫn chưa thấy đâu. Ban giám hiệu cấm tụi nó ở trên lớp trong giờ ra chơi, nghe nói là lo sợ tai nạn sẽ xảy ra.

Hai đứa đi chân đất xuống lầu. Nền trường toàn bụi, biết sao được, quanh trường toàn đồng ruộng, rồi đất cát, dọn mệt xong gió lại thổi vào tiếp, như không.

"Sao Hưng xuống đây trước không đợi tui?"

Quý đi ra từ phòng giám thị, thấy nó xuống liền nhào lại hỏi.

"Thôi hồi lấy cũng được."

Nó đáp lại, đi vô thư viện.

Hôm nay vẫn như mọi ngày, tụi nó ngồi ở bàn đầu tiên từ cửa bước vào, Đại Nam chạy loanh quanh trong thư viện, Kim Quý ôm đàn, ngồi trong góc, nhìn về nàng thơ của nó, lâu lâu lại cầm bút, lúi húi sửa nhạc. Cậu viết cho Lan một bài, từ hè đến giờ chưa xong, chắc cảm xúc nhiều quá, muốn đong lại cũng khó.

Quý nhát quá, ai đến gần là cậu lại cất bản nhạc vào, chối đây đẩy. Chỉ có mình Hưng biết được bên trong viết gì, có khi nó còn chả biết nữa. Lần cuối cậu nhờ nó hát là khoảng mấy tuần trước, trong lúc ngồi tập tiết mục cho lễ trưởng thành. Hơi khác so với bản nó biết, có gì đó buồn hơi, bao trùm lấy cả khuông nhạc, tự nhiên nó thấy bầu trời hôm ấy buồn hơn thường ngày gấp mấy lần.

Như mấy nhà nghiên cứu (trên mạng gọi vậy, dù đó giờ Hưng chưa từng nghe ai dùng từ này) khẳng định: nghệ thuật có đủ sức mạnh để làm sống dậy trong con người những điều thầm kín.

Quý cười đẹp lắm. Mỗi lần cậu cười, nó cảm giác như tim mình lại bị thiêu đốt thêm tí nữa.

May mắn thay, cỡ vài tháng sau nữa, hai đứa trở thành bạn từng quen, nếu Hưng có đủ can đảm để bước đi. Con đường của nó với cậu khác nhau lắm. Những cảm xúc rung động nhỏ nhặt trong hai năm qua chỉ là điểm giao nhau nhỏ giữa hai đường thẳng. Bắt đầu từ đây, chúng sẽ rẽ hướng, ngày càng cách xa nhau. Dù nó có muốn hay không, nó vẫn phải chấp nhận sự thật ấy.

"Hết giờ, dẹp truyện!"

Thằng Phúc la lên, sau đó lại đơ ra, chợt nhớ hết năm học rồi, nó không cần làm thế nữa. Thói quen đáng sợ lắm. Nghe kể lại, Phúc ở dưới thư viện từ hồi lớp sáu, phụ thầy thủ thư từ lúc mới đứng tới dưới vai thầy, giờ nó cao hơn thầy cả cái đầu.

Mái trường này chỉ là trạm dừng chân tạm thời trên chặng đường đời của tụi nó. Giờ là lúc để tụi nó bước lên chuyến tàu khác, để đến miền đất khác, khám phá thế giới rộng lớn. Hoặc đây cũng có thể là chuyến tàu cuối đối với vài đứa. Vùng quê nghèo nơi chỉ cần bằng tốt nghiệp tiểu học cho công việc ổn định thì học cao làm chi, tổ tốn tiền.

Các thầy cô ở trường khuyên phụ huynh hết lời, thế mà có ai chịu nghe đâu. Họ chỉ nghĩ về cái trước mắt, về cái ăn, cái mặc.

"Hồi nữa có ai rước Hưng về không?"

"Không, tui đi bộ về."

Trong năm học, tụi nó ở lại trường tới chiều mới về, giờ hết năm, ban giám hiệu chỉ cho học hết buổi sáng - theo đúng yêu cầu trên tỉnh giao xuống -, buổi chiều hoạt động tự do, ai muốn dạy thì mở lớp thêm ở trường.

"Vậy để hồi tui chở Hưng về." Quý nói, giọng gấp gáp, mấy giây sau, cậu lại bồi thêm: "Nha."

Từ nha nhẹ như lông hồng, gãi nhẹ vào tim làm nó choáng váng.

Cậu hay nói nha với nó, với tất cả mọi người. Ngôn ngữ gần gũi, nhưng lại làm cậu tách biệt với mấy đứa con trai khác, không bao gồm Hưng, vì đối với xã hội, nó không phải con trai. Quý được xếp vào đám mọt sách nhàm chán, chỉ suốt ngày ru rú học với hành, chẳng thèm tham gia vào mấy cuộc vui thường thấy: đua xe đạp, rượt đuổi, đánh nhau,...

Mỗi người có một cuộc đời riêng, và cuộc đời riêng đó được đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn do người khác đặt ra.

"Thôi, để tui tự về."

"Không sao đâu, để tui chở Hưng về cho."

Quý tiếp tục, hai mắt cậu mở trừng trừng, nhìn sâu vào mắt nó.

Bữa trước, Lan nhờ cậu chở nó về, nhỏ được Đại Nam chở. Hai chiếc xe đạp chạy song song với nhau. Đôi lúc, ở ngã rẽ nào đó, Quý lại ngoảnh đầu sang, rồi im lặng, ghì chặt tay cầm xe, khẽ chạy chậm lại, để xe của hai đứa chạy trước, dễ nhìn hơn. Mấy hôm sau nữa, cậu cứ đứng chờ nó trước cổng trường, một hai đòi chở nó về, chỉ mong có cơ hội để chung đường với Lan lần nữa.

Sao Quý phải làm thế chứ? Cậu còn được gặp Chi Lan trong ba năm tới, hai đứa sẽ đậu vào trường tỉnh, đúng như dự đoán. Hưng thi vào trường huyện, nếu may mắn, nó sẽ dành cỡ một, hai năm ở đó, rồi sang bán cầu bên kia, nơi xứ người lạnh lẽo, sống hết quãng đời còn lại bằng ngôn ngữ khác. Nếu xui, nó về lại trường xã, vẫn qua nước ngoài, có điều nó phải đi trái lại với nguyện vọng ban đầu của nó, thế thôi.

Có sự thật thế này: trường học quan trọng hơn tất cả những gì người ta thường nghĩ về nó.

Ít nhất là đối với nó, đứa chẳng biết làm gì ngoài khoanh tay đứng nhìn dòng đời xô đẩy mình. Hình như hồi đó, Hưng mang theo mình một giấc mơ: cháy bỏng và mãnh liệt như những đứa trẻ cùng tuổi. Có điều thứ gì cũng có thời hạn, nhiệt huyết trong nó tắt lịm đi sau vài trận mưa lớn. Nó hơi thiếu nghị lực. Như bao kẻ thất bại khác, nó chỉ muốn thấy ánh sáng ngay trước mặt, thay vì phải lần mò trong bóng tối vô tận để tìm đích đến cho bản thân. Theo như cách người lớn nói thì là lười biếng, không có chí tiến thủ.

Trường học như một nơi để nó tìm kiếm bản sắc của riêng mình trong bảng màu đơn sắc trắng và đen. Có thể sau này, khi nó tốt nghiệp, nó sẽ cầm lấy mã màu nào đó, tiếp tục vẽ nên màu sắc đời mình. Vài người vẫn được sinh ra chỉ để làm đá lót đường cho những người thật sự cố gắng.

Như Hưng: nó đang là phông nền cho câu chuyện tình lãng mạn vô vọng của Quý.

"Lên xe đi Hưng."

Quý chặn nó lại trước cổng trường, kêu nó lên.

Đại Nam còn đang lụi cụi lấy xe ở trong góc, Lan đứng chờ ngoài cổng trường. Vừa đánh trống xong là nhỏ chạy ra đây rồi, phải về sớm mới kịp giờ đến lớp luyện thi. Hình như Quý cũng có lớp, dạo này nó hay thấy cậu chạy qua chạy lại trước nhà.

Mỗi năm, cứ đến đợt này là cả xóm đông vui hẳn. Các bà ngoài chợ lâu lâu lại dúi vào tay mấy đứa học trò vài gói bánh, cái kẹo ăn lấy sức để học tiếp. Họ tin vào tương lai nơi những đứa trẻ này sẽ đi thật xa, trên những chuyến xe đến vùng đất đầy ánh sáng, rồi trở về với bộ quần áo tây, đi xe sang. Nói cho đơn giản: họ mong tụi nó thành công.

Ai cũng mong người khác mơ giùm ước mơ còn dang dở, dù rằng họ sẽ chẳng bao giờ giúp ai đó thực hiện mong muốn bằng cả trái tim.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top