Chương 6.2: Mưa lòng
Nước dâng lên hơi cao quá, tràn vô tuốt trong sảnh. Mấy đứa học sinh lớp dưới thấy thế thì vui lắm, cúi xuống vốc nước tạt lên người nhau hoài. Nó nhăn mặt, vội chạy ngược lên hội trường.
Phòng to mà chỉ lác đác vài người. Cũng đúng, sắp thi tốt nghiệp rồi, đâu phải ai cũng rảnh rỗi như nó. Đại đa số học sinh đều đang chiến đấu cho tương lai của mình, chỉ trừ vài người. Trên sân khấu, hai nhỏ học sinh đang đan tay vào nhau, hát vang giai điệu nào đó lạ hoắc. Hai đứa bị ép đi thi là cái chắc.
Cỡ nửa tháng trước, cô hiệu phó mới về trường ra thông báo mới: cô yêu cầu mười bốn lớp chín, mỗi lớp phải đóng góp một tiết mục văn nghệ cho lễ trưởng thành cuối năm. Mấy đứa trong khối phản ứng dữ dội lắm, bữa nào cũng lôi chuyện này ra nói. Có điều tụi nó nói thôi, làm gì có ai dám đi lên ý kiến thẳng đâu.
Thứ nhất: tụi nó không dám.
Thứ hai: tụi nó cho rằng thầy cô có trách nhiệm ý kiến điều này.
Cuối cùng, trong ngày chốt danh sách, chỉ có mười tiết mục được đăng ký. Hôm tập duyệt đầu tiên, cô hiệu phó buồn lắm, nhưng cô chả làm gì được cả.
"Hay! Con hát rất hay! Cô rất thích bài này!"
Tiếng vỗ tay vang lên, lẻ loi giữa hội trường rộng lớn. Hồi nãy lúc nó xuống, còn khoảng chục người trong phòng, mà giờ chỉ còn cô hiệu phó với hai ba đứa nữa.
"Ồ! Chào cậu bé! Khi nãy em hát hay lắm!"
Cô hiệu phó tên Hương, người miền ngoài, mới chuyển về trường hồi cuối năm ngoái. Cô hay mặc áo dài màu tím, giày cao gót cỡ hai phân, đội nón lá đi xung quanh sân trường. Chỗ nào có rác, cô sẽ kêu học sinh đang đứng gần đó phải cúi xuống nhặt, bỏ vào thùng rác rồi mới chịu đi, vậy nên nhiều đứa ghét cô ra mặt.
Hưng không thích cô.
Thường thì con người ghét phải thay đổi lắm. Nhất là khi họ đã quen với điều mình thích.
Trường học là một xã hội thu nhỏ được vận hành theo cách riêng, tùy vào người điều hành của nó là ai.
Hưng nhớ có lần nọ, thầy hiệu trưởng cũ đứng giữa trường, tay cầm điếu thuốc, tay còn lại chỉ trỏ loạn xạ đám học sinh đang giỡn dưới sân trường. Thầy hay ngồi uống cà phê trước phòng bảo vệ, chiều thứ sáu sẽ nhờ mấy đứa học sinh về trễ ra ngoài đầu đường ôm thùng bia đem vào để thầy nhậu. Cứ mỗi lần như vậy, thầy thường thưởng thêm cho tụi nó mấy ngàn lẻ để mua bánh kẹo ăn.
Thầy nhờ nhiều người lắm, nhưng không nhờ nó.
Tại nhìn nó ẻo quá, thầy chỉ thẳng vào mặt Hưng, nói vậy.
Lúc đó Hưng mới học lớp sáu, người nhỏ xíu, da trắng bóc, tóc xoăn tít như hoàng tử bé trong truyện cổ tích.
"Cỡ thằng này có khi xách cái cặp cũng khó, nói chi khiêng thùng bia, xàm quá cha!"
Thầy chỉ thẳng vô mặt nó, vỗ vai bác bảo vệ đứng kế bên. Cả hai người ôm bụng cười nắc nẻ, tìm đứa khác để sai vặt.
Mấy tháng sau, thầy hiệu trưởng đó từ chức. Trong tiệc chia tay trường, thầy buồn hiu, đọc bài diễn văn vấp lên vấp xuống. Mấy anh chị khối trên lao lên sân khấu, cầm hoa nhào lại chỗ thầy, mắt ai cũng đỏ hoe.
Lúc ấy, Hưng thấy xa lạ ghê gớm.
Người đứng trên sân khấu nào phải người thầy nó biết. Thầy này mặc đồ tây, đeo đồng hồ, tóc vuốt keo, miệng cười mỉm, luôn tay xoa đầu bất kì học sinh nào ở gần. Hình ảnh xa lạ làm vài giáo viên cau mày, nhưng họ vẫn phải thể hiện sự tiếc nuối khi chia tay đồng nghiệp.
Hưng không biết bữa tiệc đã kết thúc như thế nào, nó trốn về trước.
Nhà nó cách trường không xa lắm, đi tầm nửa tiếng là tới, nếu đi liên tục. Lúc đầu đi, nó lạc mất, đi từ trưa mà chiều tối mới về tới nhà. Ba nó tức dữ lắm, lôi nó ra khẽ tay mấy phát thật đau.
Ba ôm nó vào lòng, thủ thỉ, dặn nó mốt có làm gì nhớ nghĩ về ông.
Nhà có một mình con là con trai thôi Hưng, nhớ nha.
Đứa con trai duy nhất được sinh ra trong sự kỳ vọng của tất cả mọi người trong gia đình. Đứa con trai duy nhất được vẽ sẵn cho kế hoạch tương lai. Đứa con trai duy nhất được gia đình dành cho những thứ tốt đẹp nhất.
Đứa con trai duy nhất.
Đứa con trai duy nhất.
Đứa con trai, không phải con trai.
"Em hát rất hay, nhưng có gì đó vẫn còn nghẹn lại."
Cô hiệu phó vỗ vai nó, tâm sự.
Cơn mưa bên ngoài vẫn đổ xuống liên tục, cả bầu trời tối sầm lại như bảy, tám giờ tối. Mấy đứa học sinh thi xong là chạy về hết, chẳng ai buồn ở lại coi cho xong. Hồi đầu năm, ai cũng mong đến ngày thi văn nghệ, còn giờ thì chỉ muốn cái tiết mục hát hò này xong nhanh.
"Em có tâm sự gì sao?"
Cô gọi nó bằng em, thay vì con như mấy giáo viên khác. Họ có thể dùng nhiều danh từ để ám chỉ nó, như thầy Trọng, mỗi lần nó gục xuống bàn trong tiết học, thầy sẽ vỗ vai nó, khẽ gọi Hưng ơi; hoặc thầy Thạch, thầy hay kêu nó với nhỏ An lên bảng, hai nhỏ A1 biết làm bài này không?, dạng thế. Ngọc An học A1, nó học A4, có điều thầy Thạch không quan tâm điều đó lắm, với thầy, nộp tiền học đúng hạn là được.
Từ em này hơi lịch sự quá.
"Dạ, đâu có đâu."
Hưng lắc đầu, quay mặt đi, không dám nhìn vào cô Hương.
"Còn cô thì có."
Hai bàn chân Hưng sưng lên, phồng rộp vì bị ứ nước. Nó lội nước từ trường về nhà, sau vài tiếng ngồi chờ đợi.
Cô hiệu phó nói nhiều lắm, cô đem hết lòng mình ra, trải cho nó xem. Chắc tại cô với nó không quen không biết, kể cả có quen, cũng chẳng còn gặp nhau được thêm nhiều lần nữa.
Phải có lý do thì đâu đó ngoài kia, có nhiều người thà bỏ ra mấy trăm triệu để kể chuyện lòng mình cho một người lạ hoắc lạ huơ nghe còn hơn là tâm sự với người quen. Khi ta nói, người ngồi đối diện ta có khi còn chưa kịp nhớ tên ta. Cái tên để định danh con người trôi tuột khỏi cuộc trò chuyện, chỉ còn lại đôi tai để nghe về câu chuyện chắp vá, cụt ngủn, chỉ toàn vết dao sắc, cứa vào lòng chảy máu.
Hình như lúc đó, Hưng khóc. Tự dưng nó vỡ òa, thế là khóc, làm cho cô hiệu phó bối rối quá chừng.
Ít nhất, giờ nó thấy nhẹ lòng hơn.
Lần cuối nó khóc là khi nào? Hơi xa quá, khó nhớ. Nó ngồi trên gác, nghĩ vu vơ gì đó, cái rồi nó khóc ngon ơ, khóc tới mức cổ họng nghẹn lại, đau cứng, mắt sưng húp lên.
Hồi nó còn học mẫu giáo, mấy bạn trong lớp hay chọc bạn nữ kia mít ướt, vì lâu lâu nhỏ lại khóc. Giờ nghĩ lại, nó nhỏ gan ghê gớm. Con nít nhỏ xíu, có biết gì đâu, đa số ai thấy bạn hùa vào chê cũng sẽ sợ, không dám làm nữa, hiếm có đứa nào bị chọc mà vẫn sống tự nhiên lắm.
Lạ thật, ngoài kia, báo đài cứ nói về giáo dục mềm mỏng, dạy con sống như sông như suối, thế mà chính dòng nước ấy lại cản bước dòng nước khác, ép tất cả phải xuôi theo dòng, không được tách ra, khám phá thế giới xung quanh.
Hưng không dám khóc nữa, nó sợ đau lòng. Khi nó khóc xong, nó có thể thấy nhẹ nhõm, trút được cảm giác nặng nề trong lòng. Nhưng sự thật thì cảm giác kia đâu có biến mất, chỉ là nó chuyển từ Hưng qua mẹ nó, trong trường hợp bà thấy được, còn nếu không thì thôi.
Nó chỉ muốn gặm nhấm một mình thôi.
Ở dưới nhà, ba với mẹ nó đang cãi nhau, cả hai người đang cố tìm ra lý do để bào chữa cho việc bỏ quên nó ở trường.
Hưng hơi mệt, nó thở dài, cởi khăn quàng ra treo lên sào đồ, lấy tập sách ra bày trên bàn. Nó ngồi khoanh chân trên nệm, ngẩn ngơ.
Nó vừa dành cả tiếng để đắm mình dưới cơn mưa dai dẳng, thế mà giờ nó lại cảm thấy bản thân như bị thiêu đốt. Có ngọn lửa nào đang bùng lên bên trong nó, choáng dòng suy nghĩ của nó. Thứ vô hình đè lên vai Hưng, ghì chặt nó xuống nệm.
Khi sắp chết, người ta cảm thấy như thế nào?
Chẳng ai nói cho nó biết cả.
Ta đang sống, ta hãy nói về sự sống, để cái chết trở thành thứ tiêu cực, ít khi được nhắc đến.
Hưng cảm giác như nó đang trôi tới vùng không gian khác, hình như là đại dương. Sâu hun hút. Tối đen. Đau quá. Đau ở chỗ nào? Nó không biết. Giờ, đầu nó trống rỗng, mọi suy nghĩ đã theo dòng nước, trôi đi mất.
Nó đang khóc, Hưng nghĩ thế. Mắt nó ướt đẫm, mũi nó nghẹt cứng, cổ họng nghẹn lại vì đau.
Cứu với. Cứu với.
Nó chưa chết được, nào giờ có ai chết vì khóc nhiều đâu? Nó chỉ khóc một lát thôi, cỡ nửa tiếng nữa, nó sẽ nín, chắc vậy. Chẳng ai có thể khóc hoài được, phải có nhịp nghỉ lại để lấy sức nữa. Khóc mệt lắm. Chắc vì cảm xúc phải đạt đến mức độ nào đó thì người ta mới có thể khóc được. Bong bóng nước vỡ tan, để lại bọt nước thấm vào đất, biến mất. Cảm xúc vỡ tan, để lại nước mắt, rơi hoài rơi mãi.
Hưng khóc tới mệt lả người.
Giờ, nó chỉ biết thế này: nó đang khóc, khóc rất to, như mấy đứa con nít mít ướt.
Khác cái, tụi nhỏ khóc có người dỗ, Hưng khóc thì ai dỗ?
Lần cuối cùng nó khóc trước mặt mẹ, mẹ khẽ ôm lấy nó, kêu nó khóc nhiều lên, vì nó chỉ có thể khóc nốt lần này thôi. Mai đây nó lớn, từ con trai thành đàn ông, dù có đau cỡ nào, nó cũng phải nín, nhịn, dằn lại ở trong bụng. Nó cứ khóc thật thoải mái, sẽ không có ai buồn quan tâm đến nó đâu. Họa hoằn lắm mới có vài người, nhưng họ làm thế để mong nó dừng lại, đừng gây phiền phức nữa thôi. Làm gì có ai thích thấy người khác khóc chứ?
Mắt Hưng đau quá!
Mệt rồi, ngủ thôi.
Nghĩ là làm, Hưng lật đật bò dậy, với tay lấy cái khăn treo trên kệ lau mặt, rồi vặn radio, mở kênh nhạc nghe, rồi lại nằm xuống, nhắm mắt lại, cố thuyết phục bản thân rằng nó đang buồn ngủ, nó cần được ngủ.
Đài đang phát bài tình ca lạ hoắc, kể về câu chuyện của anh chàng này với cô nàng nọ, họ đem lòng yêu nhau. Chàng trai gọi, cô gái trả lời, và ngược lại.
Hưng càng nghe càng tỉnh. Nó nín rồi, mà không hiểu sao sống mũi nó vẫn cay. Lời hòa ca tình yêu đang lảng vảng quanh tai nó, biết sao giờ, đâu có ai ép nó nghe, nó tự mở, tự nghe, tự buồn mà.
Con người bao giờ cũng muốn yêu, người ta càng cô đơn thì càng muốn yêu.
Hưng muốn tắt nhạc, nhưng ba mẹ nó còn đang nói chuyện ở dưới nhà, nó không muốn nghe. Chuyện của người lớn phức tạp lắm, nó còn khoảng vài năm mới đến lúc phải ôm trán suy nghĩ về cơm áo gạo tiền, về con cái sau này. Nó không có quyền yêu cầu cả hai người dừng lại chỉ để nó ngủ.
Nó thậm chí còn chẳng có câu trả lời cho câu hỏi ngày mai ăn gì?, nhưng mẹ nó buộc phải tìm ra câu trả lời cho tương lai của nó, kể cả khi bà đang vật lộn trong chính cuộc đời của mình.
Mỗi người được sinh ra trên đời đều mang một sứ mệnh riêng, tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân, đến lúc nào đó, sứ mệnh ấy sẽ thay đổi: tìm kiếm hạnh phúc cho người khác.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top