Chương 1.1: Vệt nắng chảy dài theo khoé mắt
Nắng đang chảy, thấm vào từng thớ đất.
Mặt trời rực rỡ quá, đến mức làm người ta ghét. Phải chi nó dịu dàng hơn tí, thì có đáng yêu hơn không? Nếu nó chịu dịu đi dù chỉ là đôi chút, trở nên thanh thoát hơn, có lẽ, người yêu nắng sẽ nhiều hơn. Nhưng nắng của Trời, mà Trời đâu dễ vậy. Nắng vẫn sẽ chói, vẫn sẽ nóng bức, khô khan như cái cách mà nó ghì chặt lấy biểu cảm của người qua đường, hằn sức nóng lên những cái nhăn mặt.
"Cà lem đây... Cà lem đây..."
Tiếng rao văng vẳng, với tiếng chuông lắc theo, đều từng nhịp, từng nhịp. Khô. Thô. Nhưng lạ, mấy đứa trẻ con lại khoái. Dường như đối với đám trẻ con, tiếng rao như dòng nước lạnh, gợi cảm, mát rượi; làm dịu lại tâm hồn đang dần héo mòn đi, bởi cái gì?
Gia Hưng nghe, tự nhiên ứa nước mắt. Nó nghĩ lại, giờ chết thì không được, sẽ khó chịu lắm, nên đành giấu hộp thuốc ngủ dưới gối nằm. Bữa nào trời mát tính tiếp. Giờ mà chết thì không khác gì con cá khô, xấu quắc. Nó muốn chết thật đẹp, được có lần thôi. Phải chi nó cũng được như mấy con mèo, nghe nói tụi nó mấy kiếp, muốn chết sao chết, tha hồ. Thôi, xàm quá, sống một lần đã khó rồi, sống tận chín lần để làm gì chứ? Khổ chín lần, mới nghe thôi là đã thấy không vui nổi rồi.
Đời nó đủ khổ rồi.
Nó giận mình ghê gớm, giận kinh khủng. Mấy ngày nay đang vui, cái xong nó nghĩ tới việc mình biến mất, chả ai cần nữa, nên mới lôi hộp thuốc ra. Ý nghĩ hóa thành giấc mơ, giấc mơ thoáng ngang qua nó trong buổi đêm nào đó, cảnh đám tang rõ mồn một, chân thật quá đáng. Lúc ấy, trời mưa tầm tã, chân sạp sập xuống, mọi người chạy mất, còn sót lại hủ cốt của nó với vài cái ghế nhựa bạc màu.
Nó bật dậy, òa khóc sau đó, nhớ về giấc mơ, suy nghĩ cả buổi. Nó sợ hãi, nhưng nó không muốn thừa nhận. Con người sống theo bầy đàn, dù cố tách biệt đến đâu, nó vẫn không thể chối bỏ điều này.
"Thằng Hưng xuống đây đi mua đồ coi!"
Ba nó hét lên, càng làm Gia Hưng cảm thấy khô cổ họng. Nó lết vào nhà vệ sinh, nhúng hết nguyên mặt vào thùng nước.
Tới nước cũng nóng. Nó sợ hồi ra đường, mình chết khô.
Xấu.
"Suốt ngày nhăn nhăn cái mặt, ngu như con chó..."
Ba Gia Hưng thấy mặt nó khó chịu, "sạc" liền một trận, rồi cầm cái bóp tiền quăng vào người nó. Hên, cái bóp bằng da, mà ba nó lấy cái khác nó cũng không bất ngờ lắm, có ném trúng đâu. Có đợt kia ba nó cầm cái thùng rác lên, lúc đó nó tưởng mình chết rồi nên co giò chạy biến, chết vậy xấu quá, không đáng miếng nào.
"Ba muốn mua gì?"
"Mua con gà để cúng đám cho mày đó! Ăn gì mà ngu quá vậy?"
Hưng quay mặt, biến mất trong dòng người ở chợ. Ở lâu thêm vài giây nữa, nó sợ nó bị chết khô bởi cái tư tưởng của người ba này.
Nhà bà bảy bán gà nằm ở cuối xóm, ngang qua cái chùa. Lúc nào đi ngang nó cũng ghé vào một lát để bái Phật. Nó không hiểu mình làm vậy chi nữa, màu mè quá. Coi như cầu sẵn, mốt Phật thương nó, vớt nó khỏi địa ngục.
Nếu được, nó muốn vào chùa sống luôn. Mà không được, nó còn khùng lắm, sao mà bằng mấy thầy, mấy sư cô. Người ta rũ bỏ hết mọi tạp niệm, trở về làm con người nguyên sơ, thuần khiết nhất. Họ nhìn đời bằng con mắt thật đẹp. Còn nó. Xấu. Tối. Phật nào dám chứng, tới nó còn không tin mình. Đám bụi trên người nó còn dày lắm.
Giữa trưa chùa vắng người, giờ này mấy sư đi ăn cơm hết rồi, nên không có ai để ý đến Gia Hưng, vậy mà nó cảm thấy dễ chịu hơn. Nhiều lúc nó tự nhìn vào gương rồi thấy mình xấu quá, nhìn xốn mắt, người khác nhìn vào chắc sợ lắm.
Bái xong xuôi hết, nó mới đi mua gà.
Lúc này, nắng lên cao nhất.
"Hưng khóc hả?"
Muốn ứa nước mắt. Câu hỏi vô thưởng vô phạt thôi, lại như dòng nước mát lạnh, dịu dàng vỗ vào người Gia Hưng.
Nó vội ngước đầu lên coi ai vừa hỏi.
Là Kim Quý.
Trời ơi, sao cái thằng này, nó dễ thương hết sức.
Tưởng tượng Hưng như nhà lữ khách lạc đường, còn Quý là ốc đảo có hồ nước xanh biếc. Kể cả khi đó là ảo ảnh, cũng đủ để Hưng cảm thấy tốt hơn. Huống hồ chi, này là âm thanh thật, từ thực tế.
"..."
"Hưng ổn không đó?"
Kim Quý bước lên hai bước, nghiêng người hỏi đứa bạn.
Gia Hưng muốn trả lời lắm. Muốn. Dường như có cái gì đó đang chặn cổ họng nó lại. Nghẹn cứng. Đau. Miệng nó cứ há ra, hớp lấy hớp để không khí, mà chẳng nói được gì. Nhìn nó như con cá chết. Nó ghét cảm giác này kinh khủng.
Hai đứa đứng ngay giữa chợ.
Vậy mà người ta để tụi nó đứng đây.
Hưng tức lắm. Phải chi giờ có ai tới đây (ba nó cũng được, dù nó ghét điều này), đẩy nó cái để nó tránh đường, là nó khỏi phải mếu. Đằng này người ta cứ lơ hai đứa đi luôn. Mắt nó bắt đầu ẩm ướt, sống mũi cay xè. Nhìn như bị khùng.
Khùng thiệt.
Hết cách rồi, Gia Hưng nắm lấy tay Kim Quý, rồi đập bộp bộp vào lưng mình. Lúc đầu Quý còn ngơ ngác, một hồi mới hiểu, đập thật mạnh vào lưng Hưng, nghe cái bốp, làm ai cũng quay qua nhìn.
"Hưng?"
"Quý nhìn lộn đó, tui đâu có khóc."
Hưng nhăn nhăn cái mũi nhỏ xíu, nói, giọng còn hơi nghẹn, cái này thì chịu.
Quý nghe vậy thì ừ một tiếng, quay người qua lại, không biết nói gì, mà chắc cũng không muốn nói.
"Hưng đi đâu?"
À, vậy là Quý trực tiếp bỏ qua chuyện hồi nãy.
Gia Hưng cảm động quá, cảm động ghê gớm. Thật ra việc khóc nó chẳng vẻ vang gì đâu. Nhất là khi nước mắt nó ít quá, không chảy nổi, thành ra xấu quắc. Èo, nhớ lại tự nhiên nổi da gà, mới cách đây vài giây chứ mấy.
Nó đứng im một hồi, tầm năm phút, mới trả lời:
"Tui đi mua gà."
"Vậy đi với tui, tui mới sửa cây đàn xong."
Chưa kịp để Hưng trả lời, Quý đã nắm tay nó, lôi đi. Nếu đây là phim hoạt hình, chắc chắn chân của Quý sẽ có đám khói, còn Hưng thì sẽ bay phấp phới như lá cờ treo ở đầu khu phố.
Hưng mới chạy được mấy chục mét, mà nó thấy hơi tức ngực rồi. Nhưng hai đứa còn cách nhà bà bảy một khúc chợ lận.
Bực.
Cả hè này nó làm gì vậy? Nhiều lúc Hưng cũng thấy mình xàm quá trời.
Mấy ngày nắng, nó vui, nó buồn, tuỳ tâm trạng. Cứ mỗi lần vậy là nó nghĩ đủ thứ trên trời dưới đất. Riết từ hồng thành đen.
"Thôi tha tui, tui hết hơi mất tiêu."
Quý không chịu tha, ngược lại còn phóng nhanh hơn, như thể dừng một giây thì thằng ăn cướp nhà nó chết không chừng.
Hưng ước phải chi Quý cũng chạy như vậy về phía nó trong mỗi lần tan trường, dắt tay nó về, vậy thì nó vui biết chừng nào. Nhưng đời đâu như vậy.
Hồi đó, không, cách đây vài tháng, từng có một Trần Hồng Gia Hưng thích Nguyễn Phú Kim Quý.
Trong ánh chiều hoàng hôn của chiều tháng chín nọ, có cậu học sinh rơi vào si mê. Rồi trong tiếng thu không một cuối tháng năm, cảm xúc kia bị đốt cháy trong lời tỏ tình mà người con trai kia gửi đến nhỏ con gái khác.
Những tin đồn về việc Kim Quý thích nhỏ đó lan truyền từ lâu rồi, Hưng nhớ mình khóc nhiều lắm. Mà đến lúc nghe Quý tỏ tình thật, Hưng hết khóc rồi. Chắc do khóc nhiều quá, nước mắt cũng cạn. Làm gì có ai thích mà bất an như nó. Suốt cả quá trình này, Gia Hưng giấu kĩ, không ai biết. Đâu, có, có vài đứa biết, mà tụi nó chỉ xem điều này là trò đùa rồi trêu Hưng suốt.
Hưng không cố để ngăn tụi kia lại, bởi có ngăn cũng vô ích. Con người ta thường thấy vui khi nhìn thấy người khác ngại ngùng, chật vật trong mớ hỗn độn mà họ gây ra.
Cả hai đứa dừng lại trước nhà bà bảy (mà thật ra là nhà Kim Quý), thở hổn hển. Hưng yếu người, ho khù khụ, đánh cái bốp vào vai Quý, tiếng kêu to vang làm bà bảy từ sau nhà vội chạy ra xem.
"Trời ơi!" Bà bảy thấy Hưng liền ôm đầu, quỳ xuống lạy nó, "tao xin mày Hưng ơi, bao nhiêu đứa mày không chơi sao mày phải đi với con của tao!"
Lần nào cũng vậy, Hưng quen rồi.
Ai nhìn vô cũng biết nó khác người, và họ không ngại thể hiện mình ghét nó trước mặt nó.
Bà Bảy là một trong những người ghét Hưng, có thể là nhất trong xóm không chừng. Bà luôn tìm những chủ đề để nhắc đến nó. Nhưng có điều bà nhắc là vì sợ, việc nghe người khác nhận xét về nó xem như một cách để bà an ủi bản thân khỏi nỗi sợ hằng đi theo sau lưng, chờ chực vồ lấy bà. Nỗi sợ hãi có tên tuổi tồn tại trong tất cả những người đàn bà ở xóm này. Nó có hình hài rõ ràng, có tay, có chân, có máu chạy về phía trái tim đang đập nhanh mỗi khi con trai bà Bảy ngang qua. Gia Hưng là một cách gọi khác của nỗi sợ này.
Nó không ngăn được.
Đâu ai có siêu năng lực ngăn cản một người nào đó thích hay ghét mình.
"Thôi mà mẹ! Có gì đâu!"
Quý đặt tay lên gáy, cười khì.
Đây là điều mà Hưng ghét nhất ở thằng này.
Tên đầy đủ của Quý là Nguyễn Phú Kim Quý. Trù Phú. Vàng Bạc. Quý Giá. Chói, như mặt trời vậy. Thường ba má hay đặt tên con thật đẹp để kèm thêm những ước vọng của bản thân, có vài người thì lại bảo vệ con bằng một cái tên thật xấu xí. Đối với Quý chắc là trường hợp đầu tiên. Nó chói và sáng, hệt cái tên của mình.
Cái tên là điều tốt đẹp đầu tiên mà cha mẹ có thể dành cho con cái của họ, và rất có thể nó là điều tốt đẹp cuối cùng đến từ họ. Gia Hưng tin vậy.
Nghe mẹ nó kể lại, hồi mới đẻ nó ra, ba nó tức tốc chạy vào phòng sinh để xem xem cơ thể nó có đạt chuẩn hay không. Sau khi thấy được thứ cần thấy rồi, ba nó liền bế xốc nó lên, quay chục vòng, cười hạnh phúc. Dường như, ngày hôm đó là ngày hạnh phúc nhất mà ông từng đạt được, kéo theo sau là chuỗi ngày dài tràn ngập màu hồng. Đẫm mật. Gia Hưng gọi thế, vì từng cử chỉ mà ba dành cho nó đều đem theo sự yêu thương.
Nếu cuộc đời mỗi người là một bức tranh, thì bố mẹ hiển nhiên là người họa sĩ đầu tiên góp nét cọ của mình vào. Nét đầu tiên không quan trọng lắm, nhưng họ đâu chỉ vẽ một nét. Bố mẹ vẽ sẵn nửa đầu bức tranh cho con mình, như một cách chắc chắn rằng nó sẽ sống đúng với kỳ vọng của mình đặt ra. Thông thường, đại đa số trẻ lớn lên đều nhận lấy cây cọ từ tay bố mẹ, tiếp tục hoàn thành bức tranh. Tuy nhiên, cũng có một số xé toạc những gì đã có trước đó, tự vẽ lại cho mình bức tranh khác.
Gia Hưng chắc rằng chẳng có bức tranh nào trong số kia xấu như của mình.
Làm gì có bức tranh nào ban đầu màu hồng, rồi lại bị ném cả xô màu đen lên, rồi lại cố đè thêm hồng lên lần nữa.
Xấu.
Xấu kinh khủng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top