Như Lai Tạng- Bảy đại và Bốn Khoa

NHƯ LAI TẠNG, BỐN KHOA, BẢY ĐẠI LÀ GÌ ?


NHƯ LAI TẠNG còn gọi là Như Lai chủng tánh tức là pháp tánh, là chơn như, là Phật tánh...Tạng là cái kho để chứa tất cả những chủng tử (hạt giống) của vạn pháp và từ những chủng tử này mới sinh khởi ra bốn khoa (ngũ uẩn, lục nhập, mười hai xứ và mười tám giới) và cũng là cái bọc chứa để giấu kín, che phủ phiền não mê lầm và cũng giấu kín, che phủ Phật tánh là cái mầm giác ngộ vốn có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh. Tạng cũng là chất chứa cho nên Như Lai Tạng là chất chứa mọi công đức quyền năng của Như Lai, là tất cả pháp do Phật giảng giải kết hợp lại thành Như Lai Tạng. Vì thế mà Như Lai Tạng cũng là thức thứ tám tức là A lại da thức.Đứng về mặt ô nhiễm, Như Lai Tạng là tượng trưng cho thế giới luân hồi sinh diệt. Còn dựa theo phía thanh tịnh, Như Lai Tạng là biểu hiện cho Niết bàn giải thoát. Như Lai Tạng được gọi là "pháp giới đại tổng tướng" nghĩa là nhiếp thâu các pháp của toàn bộ pháp giới gồm có nhiễm và tịnh. Tịnh là chơn như, nhiễm là vô minh, nhưng chân như và vô minh kết thành một khối bất khả phân ly trong tâm của chúng sinh. Do đó, nếu chúng sinh biết tháo gỡ tất cả những sở tri chướng và phiền não chướng thì sẽ có Niết bàn an lạc, ngược lại nếu chúng sinh chạy theo tham đắm dục tình thì dĩ nhiên phải chịu sinh tử trầm luân. Trong thế giới vũ trụ này hiện tượng vạn pháp duyên khởi và hình thành tất cả những tướng trạng khác nhau, nhưng cho dù vạn pháp có duyên khởi thành muôn hình vạn tướng thì tựu trung cũng không ngoài bốn khoa và bảy đại. Vậy bốn khoa là ngũ uẩn, sáu nhập, mười hai xứ và mười tám giới đều do nhân duyên giả dối hòa hợp mà sinh ra. Thân thể con người gồm có hai phần là thân xác và tâm linh. Phần thân xác có hình sắc nên gọi là sắc uẩn còn phần tâm linh vì không có hình sắc nên gọi là danh và gồm có : thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. NGŨ UẨN : là năm cái ngăn che làm cho con người không nhận biết được tâm tánh của chính mình.Ngăn che do hình tướng tức là thân và cảnh thì gọi là sắc uẩn, Ngăn che do cảm giác thì gọi là thọ uẩnNgăn che do nhớ lại các việc đã xảy ra thì gọi là tưởng uẩnNgăn che do tâm niệm thay đổi thì gọi là hành uẩn Ngăn che do những tập quán sai lầm chứa chấp trong tiềm thức sâu kín thì gọi là thức uẩn. SÁU NHẬP : là lục căn thu nạp tiền cảnh. Đó là mắt thì thu nạp sắc trần, tai thì thu nạp thanh trần, mũi thì thu nạp hương trần, lưỡi thì thu nạp vị trần, thân thì thu nạp xúc trần và ý thì thu nạp pháp trần. MƯỜI HAI XỨ : là mười hai chỗ tức là sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) duyên với sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý).MƯỜI TÁM GIỚI : là mười tám cái riêng biệt nghĩa là sáu giới của căn (Nhãn giới, Nhĩ giới, Tỷ giới, Thiệt giới, Thân giới và Ý giới) duyên với sáu giới của trần (Sắc giới, Thanh giới, Hương giới, Vị giới, Xúc giới và Pháp giới) mà phát sinh sáu giới của thức (Nhĩ thức giới, Tỷ thức giới, Thiệt thức giới, Thân thức giới và Ý thức giới). Thập bát giới nầy là bao trùm toàn thể thế giới nhân sinh vũ trụ tức là chính mười tám cảnh giới này chi phối toàn thể những gì mà con người thấy biết, nghe biết, ngửi biết, nếm biết, cảm xúc biết và do tâm ý biết. BẢY ĐẠI : chính là đất đại, nước đại, gió đại, lửa đại, không đại, kiến đại và thức đại.1) Địa đại : là đất tức là chỉ cho phần vật chất vì thế nếu nói về con người thì sắc uẩn là địa đại tức là phần cứng như thịt, xương, gân, tóc....2) Thủy đại là nước. Nếu nói về con người thì thủy đại là nước miếng, máu, nước đờm, tinh dịch...Còn nói chung thủy đại là nước biển, nước mưa, nước sông, nước hồ...3) Hỏa đại là lửa. Lửa thì ở khắp mười phương thế giới dưới dạng năng lượng. Ở ngoài thì lửa dưới dạng ánh sáng mặt trời, bếp nấu, nồi ga, lò nguyên tử...Còn trong thân là hơi nóng để tạo năng lực cho toàn thân. Vì thế khi người chết, hỏa đại tan rã nên thân mới lạnh ngắt.4) Phong đại là không khí vận chuyển để nuôi sự sống. 5) Không đại là không gian bao trùm khắp. Đối với Phật giáo, thì "Không", không có nghĩa là không có. Trong thế giới vũ trụ bao la này tất cả những gì con người thấy biết được thì gọi là "Có" còn những gì không thấy biết thì gọi là không. Gọi là không vì mắt thường không thấy biết được chớ không phải là trống không rỗng tuếch hay không có gì. Thí dụ như trong không khí có hóa chất như Oxygen để cho con người thở, nhưng có ai thấy được nó đâu. Nếu không có Oxygen thì làm sao những loài động vật sống được. Vậy không sẽ thành có khi nhân duyên kết tụ. Đây chính là chân không diệu hữu nghĩa là khi duyên khởi thì từ cái không biến hóa một cách thần diệu thành ra tất cả.6) Kiến đại là phần thấy biết thuộc về bản năng sinh tồn chớ không có lý trí. Những loài thượng cầm hạ thú chỉ có sáu đại ở trên mà không có thức đại. Chỉ con người là có đủ bảy đại mà thôi.7) Thức đại là phần phân biệt tốt xấu, thiện ác, tội phước, đạo đức, trụy lạc, tình cảm, lý trí, xa gần, lớn nhỏ...Nếu con người biết tu luyện, bồi dưỡng thì thức sẽ trở thành trí tuệ. Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức và Thân thức biến thành Thành sở tác trí nghĩa là trí có năng lực nhận biết cùng khắp rất thần diệu. Ý thức biến thành Diệu quan sát trí tức là trí có năng lực quan sát thâm diệu. Mạt na thức trở thành Bình đẳng tánh trí nghĩa là trí năng phát huy tính bình đẳng, không phân biệt của vạn pháp. Sau cùng A lại da thức sẽ biến thành Đại viên cảnh trí tức là trí sáng như tấm gương lớn và tròn đầy như biển cả chân như.Nói tóm lại, Như Lai Tạng chứa chất liệu của bốn khoa, bảy đại rồi từ chất liệu đó mới duyên khởi hình thành ra tất cả những hiện tượng như thế gian vũ trụ trong đó có hữu tình và vô tình chúng sinh. Nói một cách khác là không có một pháp nào trên thế gian này mà thật sinh hay thật diệt cả. Con người dù có chết đi thì cũng như "hiện tượng" trở về với "bản thể" và sau đó khi hội đủ nhân duyên thì từ bản thể phát sinh ra hiện tượng tức là có tái sinh. Thế thì có người nào thật chết đâu mà phải sợ cho nên vấn đề sinh tử, tử sinh là chuyện bình thường đối với người đệ tử Phật. Vì vậy sinh ra để rồi diệt, diệt để rồi lại sinh và cứ thế mà lang thang lẩn thẩn mãi trong sinh tử luân hồi. Do đó con người cũng như tất cả vạn vật trên thế gian này ví cũng như vầng mây tan hợp, đến rồi đi, chia biệt để có tương phùng vậy thôi.Đối với tuệ nhãn của chư Phật thì trong thế gian vũ trụ này không tìm đâu ra cái sinh tử đến đi cả bởi vì sinh để rồi diệt và diệt rồi để lại sinh thì sinh diệt hay diệt sinh đâu có mất mát gì. Vì thế mà sinh thì cũng không vui và diệt thì cũng chẳng có gì đau xót. Con người có mê lầm vọng chấp cũng bởi do khách trần phiền não bên ngoài chớ không phải cái "thường có" bên trong cho nên cái mê lầm này không phải là thật mê.Ngày nay người đệ tử Phật thường tâm niệm rằng tu học là để đoạn trừ phiền não thì đây chỉ là giáo lý phương tiện cho những người sơ cơ mới vào đạo bởi vì phiền não làm gì thật có để mà đoạn trừ. Mà không mê thì tìm đâu ra ngộ vì thế mà dưới tuệ nhãn cũa Như Lai không bao giờ có mê ngộ. Thí dụ như một người bị nhặm mắt thì nhìn lên trời thấy hoa đóm, nhưng trong hư không làm gì có hoa đóm. Một thí dụ khác là khi chưa chứng đạo thì người tu Phật mong chờ, hy vọng được chứng đạo vì nghĩ rằng đó là cái gì cao xa huyền diệu, nhiệm mầu. Nhưng khi hóa giải hết phiền não vô minh để chứng đạo rồi thì rốt cuộc chẳng có chứng đắc cái gì cả. Tại sao? Bởi vì con người khi biết thức tỉnh thì không làm những chuyện sai trái vì biết nó là sai trái, là nguyên nhân của đau khổ nên gọi là "ngộ" chớ thật "có ngộ" gì đâu.( PPĐT – Tổng hợp )

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top