Thử kiểm lại một số sai lầm trong chính sách, chủ trương của Đảng trong quá khứ
Thử kiểm lại một số sai lầm trong chính sách, chủ trương của Đảng trong quá khứ
Phạm Viết Đào
Ai đã có điều kiện dự các khoá học chính trị trung, cao cấp do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở thì đều được thụ giảng những bài phân tích khá kỹ, sâu sắc, tổng hợp khá nhiều tư liệu, luận chứng do các giảng viên của Học viện truyền thụ về những sai lầm trong chính sách, chủ trương của Đảng trong quá khứ như là một bài học lịch sử về xây dựng và phát triển Đảng. Những bài học kinh ngiệm về các sai lầm của Đảng trong quá khứ đã được biên soạn trong loạt bài giảng của các giáo trình về Xây dựng Đảng và Lịch sử Đảng. Đây là những kiến thức về Đảng mà về nguyên tắc và cơ cấu tổ chức cán bộ hiện hành, những cán bộ cấp từ Trưởng phòng cấp Bộ trở lên đều được truyền thụ kiến thức này...
Người viết bài này cũng đã có dịp được thụ giáo những bài giảng đó và xin phép được chép lại những điều do nhà trường truyền thụ mà hiện còn được ghi lại trong sổ học tập của mình.
1/ Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc trốc tận rễ là một trong những cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ra đời cùng thời kỳ với sự ra đời Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1930... Về cương lĩnh chính trị này của Đảng, hiện các giáo trình đánh giá: đó là căn bệnh ấu trĩ tả khuynh mà các đảng cánh tả thường mắc phải không chỉ ở Việt Nam.
Căn bệnh ấu trĩ tả khuynh này nếu trên nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội của Pháp, của Đức, của Nga và thậm chỉ của ngay Trung Quốc thì đều có cơ sở để giải thích; riêng đối với Việt Nam thì người viết bài này đã không ít lần đặt ra câu hỏi cho các thầy nhưng chưa lần nào được giải thích rõ vì sao: Tr trở thành đối tượng số 1 phải bị "đào tận gốc" của Đảng?
Căn bệnh lạ này không khỏi có lúc đã ám ảnh, làm khiếp nhược giới trí thức và ảnh hưởng tai hại trong suốt tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, thu phục nhân tâm...
2/ Cuộc cải cách ruộng đất được đánh giá, phân tích là một chủ trương sai lầm mà Đảng và đích danh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng ra nhận lỗi trước nhân dân, một số cán bộ của Đảng đã phải chịu kỷ luật sau cải cách năm 1956...
Chủ trương này một mặt do sự sao chép, rập khuôn giáo điều theo cách làm của Trung Quốc nhưng mặt khác, không thể không nói đến sự tác động, sự ám ảnh của cái cương lĩnh khởi thảo lúc đầu của Đảng: Trí, phú, địa, hào...
Còn công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh tại thành phố vào quãng năm 1958 và sau giải phóng miền Nam quãng 1977 cũng được đánh giá lại là sai lầm vì đã làm khiếp nhược, thui chột những người có tham vọng làm giàu bằng trí tuệ và sự sức lao động của mình.
3/ Cương lĩnh chính trị được đưa vào Nghị quyết của Đại hội 3 của Đảng: ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, và đến Đại hội 4 chỉnh lại: ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, cả hai chủ trương này đến bây giờ được đánh giá là không thực tế và không thích hợp với nền tảng kinh tế, công nghiệp của Việt Nam.
4/ Chính sách xây dựng pháo đài cấp huyện là một chủ trương không căn cứ vào một cơ sở lý luận, thực tiễn, kinh tế xã hội nào. Chủ trương này bắt chước theo cách làm của Bungari và sau đó nhanh chóng bị lãng quên.
5/ Chính sách giá-lương-tiền đã làm rối loạn nền kinh tế đẩy kinh tế lún sâu vào khủng hoảng, lạm phát, rối loạn xã hội...
6/ Cơ chế tập trung quan liêu kéo dài quá thời hạn, thời điểm lịch sử cần thiết dẫn đến nền kinh tế bị suy kiệt, nhân tâm ly tán...
Không ai phủ nhận trong thời kỳ chiến tranh, nhân dân chấp nhận cơ chế tập trung quan liêu cao độ, mọi người dân chấp nhận hy sinh mọi thứ riêng tư để dốc lòng, dốc sức giành lại độc lập cho dân tộc. Một con gà, con vịt do người nông dân chăn nuôi ra đều chịu sự kiểm soát và điều tiết của chính quyền các cấp. Những khẩu hiệu của Đảng như Tất cả cho tiền tuyến, Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... nhận được sự đồng thuận của đại đa số nhân dân.
Vì sự nghiệp cao cả này mả cả dân tộc chấp nhận hy sinh, ghìm nén thậm chí gạt bỏ mọi toan tính riêng tư để dồn của, dồn sức người, dồn máu xương cho sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm. Thế nhưng giặc ngoại xâm đã rút rồi thì không mở khoá, thả cổng để nhân dân làm ăn và mưu cầu hạnh phúc là một sai lầm lớn và thiếu biện chứng trong việc ban hành các chính sách... Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói đại ý: độc lập, tự do mà nhân dân đói khổ thì độc lập, tự do ấy có ý nghĩa gì? Do chậm thay đổi các chính sách về quản lý kinh tế-xã hội nên Việt Nam ở giai đoạn 1984-1985 bị đẩy thật sự đến bên bờ vực của sự sụp đổ...
Trên đây chúng tôi chỉ kiểm lại những sai lầm trong các chính sách kinh tế của Đảng ở cấp trung ương mà chưa đề cập tới các sai lầm của đảng bộ, chính quyền cuả các địa phương, của các ngành, các cấp để khẳng định một điều: Đảng từng phạm sai lầm, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói một câu đại ý: một đảng không dám nhìn thẳng vào sai lầm để mà sửa chữa mới là một đảng hỏng...
Các bài giảng đều đặt vấn đề: Điều đáng tiếc là các cương lĩnh, chủ trương, chính sách sai lầm đó đã được áp dụng và gây tác dụng xấu, tiêu cực hoặc không mang lại hiệu quả như mong muốn đề ra. Vậy thì làm sao những chủ trương, chính sách sai phải được kịp thời ngăn chặn để nó không gây hậu quả? Điều này đòi hỏi phải đặt lại vấn đề: cơ chế dân chủ trong đảng; cơ chế phản biện trong nội bộ của Đảng, của nhân dân và nhất là vai trò và ý kiến của tầng lớp trí thức đối với Đảng.
Xuất phát từ những bài học rút ra từ các sai lầm trong quá khứ của Đảng, Hội nghị BCH TW khoá VII họp từ ngày 9 tới ngày 17/7/2008 đã ban hành một nghị quyết chuyên đề về trí thức. Tại phiên bế mạc, giải thích lý do ban hành Nghị quyết này, ông Nông Đức Mạnh,Tổng Bí thư đã phát biểu: "Để xây dựng đội ngũ trí thức theo yêu cầu mới, cần tập trung hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo..." Ông Nông Đức Mạnh cũng lưu ý Ban chấp hành TW: "Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ, sức mạnh của đất nước, của Đảng và của cả hệ thống chính trị"; Ông Nông Đức Mạnh khẳng định thêm:"Xây dựng cơ chế để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Phê phán và xoá bỏ sự coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với những ý kiến phản biện mang tính xây dựng" (Nguồn Vietnamnet).
Như vậy, Ban Chấp hành Trung ương đã nhận thức đúng vai trò và trách nhiệm của trí thức. Vậy trong thực tiễn nghị quyết này đã được các cơ quan thừa hành của Đảng áp dụng như thế nào? Theo chúng tôi, thái độ và cách ứng xử của Bộ Công thương, của Văn phòng Chính phủ và Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã chứng tỏ họ không quan tâm gì đến Nghị quyết về trí thức của Đảng vừa ban hành cách đó mới nửa năm; họ không đếm xỉa gì đến những ý kiến mà ông Nông Đức Mạnh với tư cách Tổng Bí thư đã phát biểu, giải thích và nhấn mạnh khi ban hành Nghị quyết này. Chúng tôi xin lưu ý, đứng đầu Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương đều là các uỷ viên Trung ương, đứng đầu Quốc hội là một Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, tại Quốc hội có rất nhiều Uỷ viên trung ương...
Trở lại vụ bauxite Tây Nguyên, mặc dù có rất nhiều trí thức lên tiếng một cách có trách nhiệm nhưng hình như chẳng ai thèm nghe; hình như đang tồn tại một "bức tường lửa" đang ngăn cách những người lãnh đạo nắm quyền lực nhà nước với nhân dân, với anh em trí thức. Về cơ cấu tổ chức vận hành bộ máy của Đảng, Chính phủ và Nhà nước thì Bộ Công thương là cơ quan tham mưu số một về dự án này. Vậy người tham mưu số 1, người được phép trực tiếp trình bày đến tai các vị lãnh đạo nắm quyền quyết định dự án này là ai? Chắc chắn là ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương phụ trách chuyên về mảng này. Vậy ông Lê Dương Quang là ai? Cách đây 7 năm theo báo chí đã đưa, ông này từng bị kỷ luật về hành động gian manh trong một vụ kiểm tra mà ông là Trưởng Đoàn; hành động này nếu không được phát hiện kịp thời có thể gây thất thoát cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng; thế mà 7 năm sau ông này được đề bạt liển 2 cấp, từ Vụ phó lên Thứ trưởng! Nhân cách của ông này còn bộc lộ rõ trong văn bản họp báo ngày 28/4/2009, ông đã nhân danh công quyền, đổi trắng thay đen, quy chụp những ý kiến xây dựng đầy trách nhiệm và tâm huyết của anh em trí thức thành những ý kiến gây rối; xếp anh em trí thức vào hàng kẻ thù của dân tộc...
Với những bộ máy tham mưu như Bộ Công thương, như Văn phòng Chính phủ, như Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội thì làm sao những người chịu trách nhiệm trước các vấn đề liên quan tới vận mệnh của đất nước có được những quyết sách đúng được?
Chỉ xin nói một điều hết sức đơn giản: về hiệu quả kinh tế, nhiều nhà kinh tế chứng minh dự án khai thác bauxite Tây Nguyên không mang lại hiệu quả kinh tế; điều này đã được chứng minh cộng trừ về con số chứ không bằng các lập luận chung chung.
Xin lấy số liệu của Tập đoàn Than Khoáng sản do ông Đoàn Văn Kiển phát biểu: mỗi năm lãi 250 triệu USD; ông Kiển cho biết 13 năm đầu đủ thu hồi vốn, sau đó bắt đầu có lãi với đời dự án là 40-50 năm. Cứ cho ông Đoàn Văn Kiển đúng đi thì dự án này sau 50 năm thu được bao nhiêu tiền: 10 đến 15 tỷ USD là cùng! Và như ông Đoàn Văn Kiển bộc bạch thì kết quả dự án này là 50/50, có nghĩa lợi nhuận trong năm mươi năm cũng chỉ được dăm, bảy tỷ là cùng theo cách tính của ông Kiển. Nếu theo tính toán của ông Kiển số tiền này có quá lớn không so với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam để đem đánh đổi tất cả mọi thứ mà làm cho bằng được? Còn nếu âm như các nhà khoa học tính toán, nếu môi trường bị ô nhiễm, an ninh quốc gia bị xâm phạm, thì ai chịu?
Xin tham gia một ý kiến nhỏ về môi trường. Chúng tôi chăm chú theo dõi cách thức quản lý và xử lý bùn đỏ được các chuyên gia của dự án khai thác bauxite của Bộ Công thương trình bày trong chương trình truyền hình tối 19/5 trên VTV1. Mô hình quản lý và xử lý bùn đỏ (thực chất chất thải hoá chất lỏng trộn bùn đỏ), trông không khác gì cách chống thấm của mấy hộ đào ao nuôi tôm nước mặn tại nhiều vùng ven biển miền Trung và còn lâu mới an toàn so với bể phốt gia đình. Các ao nuôi tôm nó chỉ rộng một vài ha và cũng chỉ nuôi tạm trong vòng dăm, ba năm nên mới có khả năng chịu đựng được với mô hình thiết kế kiểu đó, với cách làm đó. Thế mà cái hồ mà các vị thiết kế được trình bày trên VTV1 rộng hàng trăm ha, được xây bờ xung quanh, phía dưới lót 1 lớp đất sét 20-30 cm, sau đấy là lớp vải chống thấm và trên lớp vải theo trình bày là một lớp đất sét 20-30 cm nữa. Chấm hết!
Trời đất ơi, để giữ cho hàng chục triệu tấn chất lỏng hóa chất độc hại không lan ra môi trường mà chỉ có thế thôi ư? Trước hết xin lưu ý các vị rằng, quy luật của nước đó là quy luật bình thông nhau và nước chảy chỗ trũng... Con người có thể dùng các biện pháp kỹ thuật để ngăn sự ngấm tràn nhưng nếu chỉ như cách các vị trinh bày trên VTV1 thì chỉ để ngăn giữ nước mặn dùng để nuôi tôm. Xin hỏi nhỏ các nhà lập dự án: Các vị lấy đâu ra loại vải chống thấm rộng hàng ha để mà lót dước đáy hồ? Khi các vị đã ghép nối nhiều mảnh với nhau thì làm sao giữ được các dung dịch hoá chất không tràn thấm qua? Ngoài ra hoá chất còn khuếch tán trong không khí qua sự bay hơi; hiện nay rất nhiều nước công nghiệp phát triển đang phải hứng chịu những cơ mưa axit không phải do trời ban mà do con người sản sinh ra.
Thứ hai, xin lấy nguồn nước ngầm Hà Nội làm minh chứng; đây là số liệu đã được các cơ quan chức năng công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay nguồn nước ngầm Hà Nội đang bị ô nhiễm nặng, bị hỏng hoàn toàn ở khu vực phía nam thành phố do nước thải sinh hoạt là chủ yếu; nước thải công nghiệp ở Hà Nội không đáng kể ngoài một số bệnh viện. Các cơ quan chức năng đã khoan sâu hàng trăm mét tại những khu vực phía nam Hà Nội, nơi đổ dồn các nguồn nước thải của Hà Nội và có nghĩa trang Văn Điển cho thấy: nước bị ô nhiễm nặng nề có các hợp chất kim loại nặng và có mỡ.
Trong khi đó địa tầng Hà Nội như thế nào? Phía trên độ quãng 1 m là đất phù sa, sau lớp đất phù sa là tầng đất sét có độ dày 4 mét, nhà nào khoan giếng sẽ thấy rõ điều này; sau tầng đất sét là cát quãng 5-10 mét, sau đấy là sỏi, là đất sét... Thế mà không ngăn được nguồn nước ngầm Hà Nội không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, chứ chưa phải là hàng chục triệu tấn dung dịch hoá chất được thải ra hoà với bùn đỏ dồn ứ lại. Mô hình thiết kế mà các vị trình bày ngon lành trên VTV1 chỉ có thể lừa trẻ con. Với mấy chục cm đất sét bôi trát ra như vậy, làm sao mà quản và giữ được hoá chất độc?! Xin lạy các bố!
Cách đây hơn 2 tháng, 20 nước công nghiệp phát triển đã nhóm họp tại Davos, Thuỵ Sĩ, hội nghị do Liên hiệp quốc chủ trì. Một trong những chủ đề lớn được đem ra bàn nghị sự đó làm thế nào để bảo vệ nguồn nước cho thế kỷ XXI? Tại diễn đàn này theo Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon: "20 năm nữa nước sẽ trở thành vấn đề chính trị của thế giới, chứ không phải là dầu mỏ. Nạn thiếu nước đã trở thành vấn đề chín muồi của cả hệ thống chính trị toàn cầu".
Hiện nay lượng nước được sử dụng để sản xuất năng lượng chiếm 40 % số lượng nước khai thác hàng năm ở Mỹ; trong khi đó lượng nước sử dụng cho sinh hoạt gia đình của người dân chỉ chiếm 3 %. Nhu cầu nước sử dụng vào mục đích sản xuất năng lượng tăng 165 % năm tại Mỹ và 130 % tại các quốc gia EU. Trong khi đó thì những khối băng khổng lồ ở Himalaya và Tây Tạng sẽ tan chảy hết vào năm 2100. Hai tỷ người trên hành tinh sẽ đứng trước nguy cơ thiếu nước; 70 con sông lớn trên thế giới sẽ khô cạn vì các hệ thống tưới tiêu nông nghiệp...
Trong khi thế giới đang mất ăn, mất ngủ vì nước thì Việt Nam đang xa xỉ nước, đi vay tiền để điều chế ra một quả bom nổ chậm bằng nước hoá chất đặt trên mái nhà mình và để thu một khoản lợi nhuận theo lời ông Đoàn Văn Kiển cũng được dăm bảy tỷ trong vòng năm chục năm...
Vấn đề phản biện cuối cùng chúng tôi xin đưa ra, đó là vấn đề an ninh quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ liên quan đến dự án bauxite Tây Nguyên. Những tuyên bố mới nhất của những người đứng đầu nước Nga cho thấy: Nga đã xí phần 1,2 triệu km ở vùng Bắc Cực, từ tháng tư này bắt đầu xây dựng các cắn cứ tại Bắc Cực và sẵn sàng dùng vũ lực với những ai nhòm ngó tới vùng băng mà Nga đã xí phần. Nga cũng đã và sẽ dùng vũ lực tới những nơi nào mà công dân Nga bị người dân bản địa chèn ép như Gruzia, Moldavi và Tresnia... Ở đâu có người Nga, ở đó có chủ quyền của Nga. Còn Trung Quốc thì chúng tôi và nhiều người đã biết và đã viết nhiều rồi...
Chúng tôi mong rằng vụ bauxite Tây Nguyên không trở thành một chuyên đề cho các lớp đảng viên ra đời vài ba chục năm nữa đưa ra làm bài học cay đắng, ngậm ngùi phân tích như là lớp đảng viên hiện nay đang tìm câu hỏi và chưa tìm ra câu trả lời: Vì sao năm 30 Đảng lại nêu cương lĩnh: Trí là số 1 phải bị đào tận gốc...
P. V. Đ.
HD Bauxite Việt Nam biên tập
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top