thu chi ngan sach nha nuoc

Chuyện thu, chi và đầu tư từ ngân sách

Thu không đủ chi, chi không hiệu quả, trong khi tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào đầu tư đang trở thành một trong các vấn đề phát triển đáng quan ngại mà Việt Nam phải đối mặt không chỉ trong năm khó khăn 2009.

Từ chuyện thu, chi

Thu ngân sách nhà nước đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, theo tính toán của bộ Tài chính, tương ứng 28,6% năm 2006, 26% năm 2007 và khoảng 26,6% năm 2008 so với GDP.

Như vậy, số thu ngân sách hàng năm đã vượt tương đối cao so với mục tiêu là 21 - 22% GDP mà Chính phủ đặt ra khi xây dựng kế hoạch năm năm, và đương nhiên lớn hơn nhiều so với các giai đoạn trước.

Một điều không thể phủ nhận là, sự cải thiện trong thu ngân sách chứng tỏ tính ổn định của nền tài chính quốc gia, cũng như sự đúng đắn của các chính sách thuế đã ban hành.

Tuy vậy, cán cân thu chi ngân sách đang bộc lộ nhiều vấn đề lớn. Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định, dù tăng thu trong mấy năm gần đây, nhưng ngân sách nhà nước "chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu chi cần thiết tối thiểu".

Điều này có nghĩa là, nguồn thu vẫn không tăng kịp với tốc độ chi, dẫn đến tình trạng chi ngân sách luôn vượt dự toán kế hoạch và chi năm sau tăng hơn năm trước.

Theo tính toán của bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ trọng chi ngân sách so với GDP trung bình là 32,2% trong giai đoạn 2006 - 2008, tăng cao so với trung bình 28,7% trong giai đoạn 2001 - 2005 trước đó.

Theo uỷ ban Kinh tế quốc hội, bội chi ngân sách trong năm 2008 là 66,2 ngàn tỉ đồng, tương ứng với 4,95% GDP. Trong khi đó, bộ Tài chính cho biết, năm 2009 dự toán thu ngân sách là 389.900 tỉ đồng (giảm 2% so với năm 2008), thấp hơn dự toán chi 491.300 tỉ đồng.

Như vậy, tốc độ tăng thu chậm hơn tốc độ tăng chi đã làm thâm hụt ngân sách của Việt Nam luôn ở mức khoảng 5% GDP.

Ngoài ra, bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, còn có những khoản chi ngoài ngân sách mà nếu đưa hết vào chi ngân sách thì mức bội chi có thể lên đến 10%. "Đây là một tỷ lệ quá cao, dẫn đến rủi ro lớn về khả năng trả nợ trong tương lai", bộ này nhận định.

Gần đây, thâm hụt ngân sách được bù đắp bằng các khoản vay trong và ngoài nước chủ yếu dưới hình thức phát hành trái phiếu, và vốn huy động từ nguồn này thường được dùng để xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi, giáo dục.

Tuy nhiên, bộ Kế hoạch và đầu tư tỏ ra lo lắng với các khoản vay này: "Hiện nay vẫn chưa rõ nguồn kinh phí để chi trả khi các trái phiếu đến hạn thanh toán".

Rõ ràng, bối cảnh thu chi ngân sách căng thẳng như vậy đang làm xuất hiện những câu hỏi về nguồn của gói kích cầu dự kiến từ 1 - 6 tỉ USD cho năm nay, điều mà các cơ quan nhà nước cần giải thích rõ ràng.

Đến mô hình tăng trưởng

Trong khi đó, vốn đầu tư của Nhà nước vẫn còn rất cao, chiếm khoảng gần nửa tổng vốn đầu tư toàn xã hội (41 - 46%) trong giai đoạn 2006 - 2008, theo bộ Kế hoạch và đầu tư.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên đến 45,6% GDP trong năm 2007 và 43,1% GDP năm 2008, theo tổng cục Thống kê, cho thấy vốn đầu tư của Nhà nước đã lên cao tương ứng như thế nào.

Theo các nhà kinh tế, xét trên các chuẩn mực quốc tế, những chỉ số này cho thấy, ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam bị coi nhẹ cho mục tiêu tăng trưởng.

Điều dễ nhận thấy cho nhận định này là nhiều chính sách kinh tế, tài chính, tiền tệ trong những năm qua đã tập trung vào một mục tiêu chung là kích thích cho mô hình tăng trưởng dựa trên mở rộng đầu tư.

Tuy vậy, hiệu quả vốn đầu tư của khu vực nhà nước không cao đã trở thành một nguy cơ ngày càng lớn, dù đã được các chuyên gia kinh tế cảnh báo từ lâu.

Đó chính là các biểu hiện đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, sử dụng vốn kém hiệu quả, chậm tiến độ thi công, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản, các doanh nghiệp nhà nước lớn đầu tư vào các ngành không thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.

Có nghĩa là, để tạo ra năng lực sản xuất, Nhà nước phải bỏ ra nhiều kinh phí hơn và nhập khẩu nhiều đầu vào cho đầu tư hơn.

Các nhà kinh tế nhận xét, hiệu quả đầu tư công thấp là một trong những lý do chủ yếu dẫn tới lạm phát cao trong hai năm qua. Đây rõ ràng là lãng phí về nguồn lực và cơ hội không đáng có cho sự phát triển của Việt Nam.

Nhưng, vấn đề của đầu tư không chỉ nằm ở đó. Một tính toán sơ bộ của bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, tiết kiệm nội địa của Việt Nam so với GDP đã sụt giảm từ 30,6% năm 2006 xuống 29,1% năm 2007 và 28,8% năm 2008, tương ứng với mức gia tăng của tiêu dùng cuối cùng.

Có nghĩa là, tỷ lệ thâm hụt tiết kiệm nội/đầu tư so với GDP của Việt Nam ngày càng gia tăng ở mức khoảng -14,3% năm 2008, -16,5% năm 2007 và -11,7% năm 2006.

Điều này đi ngược lại với các nước châu Á như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, những quốc gia đều có thặng dư giữa tiết kiệm nội địa so với đầu tư ở mức khá cao, theo đánh giá của ngân hàng Phát triển châu Á ADB.

Những con số này chứng minh, Việt Nam đang ngày càng dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài để chi trả cho đầu tư trong nước; và vì lẽ đó, mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ suy giảm do khủng khoảng tài chính toàn cầu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #khanh#van