chương 7

CHƯƠNG VII
NHÃN THÔNG TRONG THỜI GIAN - THỜI QUÁ KHỨ

(Clairvoyance in time – The past)

Nhãn thông trong thời gian – có nghĩa là năng lực đọc được quá khứ và vị lai. Giống như tất cả những loại năng lực khác, loại này được sở hữu bởi những hạng người khác nhau, với những cấp độ khác nhau, từ những người kiểm soát được hoàn toàn năng lực của mình, đến những người chỉ thoáng thấy một cách không cố ý và bất toàn những cảnh tượng xảy ra ở những thời điểm không thuộc hiện tại. Loại người sau có thể thấy một vài sự việc xảy ra trong quá khứ, nhưng thường bị méo mó rất nhiều. Ngay khi họ thấy được những hình ảnh khá rõ ràng, đó chỉ là những hình ảnh rời rạc mà họ không thể liên kết lại để biết trọn vẹn sự kiện đã xảy ra trước hoặc sau nó, và họ cũng không thể giải thích bất cứ việc gì khác thường có thể xuất hiện trong đó.

Trái lại, người được huấn luyện có thể theo dõi cả câu chuyện liên hệ đến trước hoặc sau những hình ảnh, cũng như có thể dễ dàng truy tìm những nguyên nhân đưa đến sự việc và kết quả do nó tạo ra.

Làm thế nào để có thể thấy được chi tiết của sự vật trong quá khứ xa, và nhãn quan đó thuộc vào cõi nào trong thiên nhiên? Câu trả lời dành cho cả hai vấn đề này là: những sự kiện ấy được đọc từ tiên thiên ký ảnh (akasic records), và điều này cần được giải thích thêm. Thật ra từ ngữ này không thích hợp lắm, tuy những ký ảnh này được chứa trong akasa, một loại chất liệu của cõi thượng giới, nhưng thật ra nó không thuộc vào cõi đó. Song nếu người ta dùng danh từ thay thế là “tinh tú quang ký ảnh” (records of the astral light) thì ý nghĩa càng bị sai lạc hơn, vì những ký ảnh này nằm ở ngoài cõi trung giới thật xa, và tất cả những gì đạt được ở đó chỉ là sự thoáng thấy một cách gián đoạn những sự kiện đã bị phản ảnh hai lần.

Cũng giống như nhiều từ ngữ khác được sử dụng trong hội Thông Thiên Học, danh từ “tiên thiên khí” (akasha) được dùng một cách lỏng lẻo. Trong vài quyển sách đầu tiên của hội, danh từ này được xem như đồng nghĩa với từ ngữ tinh tú quang, và trong một số tác phẩm khác, danh từ này cũng được dùng để chỉ bất cứ loại vật chất vô hình nào, từ loại vật chất gốc (mulaprakriti) cho đến chất dĩ thái của cõi trần. Trong những quyển sách về sau, danh từ này được dùng hạn chế để chỉ chất liệu cõi thượng giới, theo ý nghĩa đó, nó có thể được gọi là tiên thiên khí (akashic), mặc dù nguồn gốc chất này được tạo ra từ cõi thượng giới không nhiều hơn từ cõi trung giới, song chính ở cõi thượng giới, đầu tiên chúng ta tiếp xúc với chất này, và có thể tìm thấy những dữ kiện đáng tin cậy.

Vấn đề những ký ảnh rất khó hiểu, muốn thông hiểu nó cần phải có những khả năng hoàn hảo ở một trình độ tiến hóa khá cao. Giải pháp thực sự của vấn đề nằm ở những cõi cao, bên ngoài bất cứ sự kiện nào mà hiện tại chúng ta có thể biết, và bất cứ theo quan điểm nào chúng ta cũng khó biết được một cách hoàn toàn, vì chúng ta chỉ quan sát cõi này từ dưới lên thay vì từ trên xuống. Do đó chúng ta chỉ có ý niệm từng phần; tuy nhiên khi cho rằng những mảnh vụn nhỏ nhặt ấy chỉ là một phần của cái toàn thể, thì chúng ta không đến nỗi bị sai lạc. Trong giai đoạn tiến hóa hiện tại, tuy không thể thông hiểu trọn vẹn vấn đề, nhưng chúng ta cũng có thể đạt được một phần tri thức gần đúng của sự việc.

Tất cả chúng ta đều quen thuộc với lý thuyết thông thường của thiên văn học nói về nguồn gốc của thái dương hệ, mà người ta thường gọi là giả thuyết tinh vân; theo đó, lúc đầu là một bầu tinh vân khổng lồ đỏ rực có đường kính xa hơn cả quỹ đạo của hành tinh ở ngoài cùng. Trải qua tiến trình vô số thời đại, bầu tinh vân khổng lồ này dần dần nguội lạnh rồi co rút lại, và hệ mặt trời được hình thành như chúng ta đã biết.

Trên phương diện đại cương, khoa huyền bí đã chấp nhận lý thuyết của khoa học hiện đại, diễn tả chính xác khía cạnh thuần tuý vật chất về sự tiến hoá của hệ mặt trời; nhưng cần phải thêm rằng, nếu sự chú ý của chúng ta chỉ hạn chế vào khía cạnh vật chất, chúng ta sẽ có một ý niệm rất thiếu sót và rời rạc về những gì thực sự đã xảy ra. Chúng ta hãy khởi sự từ ý định của cái Ngã cao siêu trong việc hình thành một thái dương hệ (đôi khi chúng ta gọi Ngài là Thái Dương Thượng Đế “Logos”). Trước tiên, trong trí Ngài chứa đựng một ý niệm hoàn bị về tất cả mọi hình thể của trọn hệ thống, với tất cả những bầu hành tinh. Từ ý niệm đó, Ngài thu thập cùng lúc toàn thể sự hiện tồn khách quan trên cõi tư tưởng của Ngài - dĩ nhiên chúng ta không biết được bất cứ điều gì về cõi đó - từ đó những bầu hành tinh khác nhau được thành lập và được phân định trong thế giới hiện tượng. Ngoại trừ chúng ta luôn luôn nhận thức về sự hiện tồn thực sự của toàn thể thái dương hệ ngay từ lúc khởi thuỷ trên một cõi cao hơn hết, chúng ta sẽ mãi mãi không hiểu được sự tiến hoá về hình thể nơi cõi vật chất.

Huyền bí học cho chúng ta biết sâu xa hơn về vấn đề này. Chẳng những nó cho chúng ta biết toàn thể hệ thống tốt đẹp này, cả những cõi thấp lẫn những cõi cao được tồn tại là do đức Thượng Đế (Logos), mà còn cho biết sự liên hệ chặt chẽ giữa hệ thống với Ngài, vì nó tuyệt đối là một thành phần của Ngài, là sự diễn đạt từng phần của Ngài trên cõi trần, cũng như sự vận chuyển và năng lượng của cả hệ thống là năng lượng của Ngài, và tất cả đều thực hiện trong giới hạn của hào quang Ngài. Ý niệm này thật kỳ diệu, điều này cũng tương đối dễ hiểu đối với những người đã có nghiên cứu về vấn đề hào quang.

Chúng ta đã quen với ý niệm về sự tiến hóa: trên con đường hướng thượng, nhân thể (causal body) của con người được xác định bởi giới hạn của hào quang, nó gia tăng rõ rệt về độ lớn cũng như sự tỏa sáng và thuần khiết của màu sắc. Do kinh nghiệm, nhiều người trong chúng ta biết rằng hào quang của một đệ tử đã tiến bộ đáng kể trên đường đạo lớn hơn rất nhiều so với hào quang của một người chỉ mới đặt chân lên nấc thang đầu tiên, và hào quang của một vị Chân Sư càng rộng lớn hơn. Trong các kinh sách công truyền Đông phương cho thấy hào quang của đức Phật nở rộng bao la, trong một trường hợp có nói hào quang này trải dài khoảng 3 dặm (khoảng 5 cây số). Số đo này dù có chính xác hay không cũng cho chúng ta thấy sự kiện là thượng trí của một người trên đường hướng thượng tăng trưởng cực nhanh. Mức độ của sự tăng trưởng này gia tăng theo cấp số nhân, vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi nghe nói hào quang của một vị Chân Sư khi ở trên cõi cao có thể bao trùm cả thế gian. Khi hiểu được điều này, chúng ta có thể nhận thức được phần nào năng lực của Đấng cao tột bao trùm cả thái dương hệ. Nên nhớ rằng, đối với chúng ta điều này dường như to lớn phi thường, nhưng chỉ như một giọt nước cực nhỏ trong đại dương không gian bao la.

Như thế đối với Thượng Đế chúng ta có thể tưởng tượng tất cả những năng lực và phẩm chất đều thuộc về Ngài, đúng như trong những kinh sách cổ xưa đã nói: “Tất cả vạn vật là của Ngài, từ Ngài và dành cho Ngài; chúng ta hiện tồn, sống và hoạt động trong Ngài.”

Từ đó chúng ta nhận thấy rõ rằng điều gì xảy ra trong thái dương hệ chúng ta cũng hoàn toàn xảy ra trong tâm thức đức Thượng Đế; như thế những sự việc đã xảy ra đều được ghi lại trong ký ức của Ngài. Dù ký ức diệu kỳ này biểu hiện trên bất cứ cõi nào, cũng vượt xa tầm mức hiểu biết của chúng ta. Do đó những ký ảnh mà chúng ta có thể đọc được chỉ là phản ảnh của những gì trọng yếu hơn thực sự được lưu giữ; những sự kiện này được phản chiếu trong chất trung gian đậm đặc hơn của các cõi thấp.

Như thế, những gì mà chúng ta thấy được ở cõi trung giới chỉ là một phản ảnh của một phản ảnh, và là một hình ảnh không hoàn hảo, vì những ký ảnh mà chúng ta thấy được chỉ là một phần nhỏ, và thường bị biến dạng. Chúng ta biết, nước thường được dùng làm biểu tượng cho ánh sáng cõi trung giới, và đó là một biểu tượng rất thích hợp trong trường hợp đặc biệt này. Trên mặt nước phẳng lặng như một mặt gương, chúng ta có thể có được phản ảnh rõ rệt của những vật chung quanh, nhưng dù rõ ràng đến độ nào cũng chỉ là một phản ảnh - là sự biểu hiện với hai chiều đo của những vật có ba chiều đo, cho nên có phẩm chất khác với những vật thực sự, chỉ trừ màu sắc - thêm vào đó những hình ảnh luôn luôn bị đảo ngược.

Khi mặt nước bị gió làm gợn sóng, chúng ta sẽ thấy những gì? Vẫn là một phản ảnh nhưng bị ngắt quãng và méo mó, những hình ảnh này dễ đưa đến sự thấy sai lạc, chúng không đại diện trung thực những vật được phản ảnh. Trong một lúc nào đó, nơi này hoặc nơi kia, chúng ta có thể bất ngờ thấy được phản ảnh rõ rệt một phần nhỏ nhặt của cảnh vật nào đó, như một chiếc lá đơn độc từ một cành cây; nhưng phải mất nhiều công sức và phải hiểu biết nhiều về các định luật thiên nhiên mới có thể sắp xếp lại nhiều mảnh vụn riêng lẻ để tạo nên hình ảnh của cảnh tượng đó.

Ở cõi trung giới, không có vật gì đứng yên như trên một mặt phẳng, trái lại chúng di chuyển rất nhanh theo mọi chiều hướng, cho nên chúng ta phải biết cách phán đoán để nhận ra phần nào rõ ràng phản ảnh của nó. Vì thế đối với người chỉ mở được nhãn thông cõi trung giới, không thể dựa vào những hình ảnh quá khứ hiện ra trước mắt để nhận định chính xác và hoàn hảo. Họ thấy được những phần riêng rẽ nơi này hoặc nơi nọ, nhưng họ không thể nào biết được toàn thể. Cần phải có một bậc thầy đầy đủ khả năng hướng dẫn, huấn luyện một thời gian lâu dài, chỉ cách nhận ra những ấn tượng đáng tin cậy, từ đó họ có thể sắp xếp lại những mảnh vụn của vật được phản ảnh. Thường phải mất một thời gian rất lâu để vượt qua các điều khó khăn, mà trước khi đạt được điều đó, có thể họ đã khai mở nhãn thông cõi thượng giới, như thế những khó nhọc để tu chỉnh nhãn thông cõi trung giới trở nên không cần thiết.

Ở cõi trên kế tiếp, tức cõi thượng giới (hay cõi trí), những điều kiện rất khác; nơi đây ký ảnh được đầy đủ và chính xác, vì thế người ta không bị nhầm lẫn. Có nghĩa là, nếu ba vị có nhãn thông cõi thượng giới cùng khảo sát một ký ảnh ở đó, sẽ thấy một phản ảnh hoàn toàn giống nhau, và mỗi người đều đạt được ấn tượng chính xác khi đọc ký ảnh này. Tuy nhiên, điều đó không bảo đảm rằng khi trở lại cõi trần những gì họ mô tả lại sẽ hoàn toàn giống nhau. Chúng ta đều biết rằng, ở cõi trần nếu ba người cùng chứng kiến một sự việc, sau đó kể lại sẽ có sự khác nhau vì mỗi người chú ý đến những chi tiết đặc biệt hấp dẫn đối với họ, và vô tình diễn tả những chi tiết này như những đặc tính nổi bật của biến cố, đôi khi họ bỏ qua những điểm quan trọng khác.

Trong trường hợp quan sát ở cõi thượng giới, vấn đề quân bình cá nhân không ảnh hưởng đáng kể đến những ấn tượng nhận được, vì mỗi người hiểu rõ ràng và trọn vẹn vấn đề, không phải từng phần rời rạc, nhưng chỉ những người được huấn luyện cẩn thận, và có kinh nghiệm mới có thể truyền đạt trung thực những ấn tượng xuống các cõi thấp. Do bản chất của những ảnh tượng cõi thượng giới không thể diễn đạt hoàn toàn xuống những cõi thấp, khoảng 9/10 những gì mà người ta cảm nhận và thấy ở đó không thể diễn đạt bằng lời ở cõi trần, cho nên những gì được diễn tả lại chỉ có tính cách từng phần, và do đó không tránh khỏi có sự chọn lựa phần được diễn đạt. Vì lý do này mà các cuộc nghiên cứu Minh Triết Thiêng Liêng trong những năm gần đâycó rất nhiều cố gắng kiểm chứng, đối chiếu những gì được diễn tả lại do người có nhãn thông, cho nên không có điều gì được ghi trong sách mà chỉ dựa vào cái thấy của một người duy nhất.

Vì có kiểm soát lại mà sự sai lầm do yếu tố quân bình của con người được giảm xuống mức tối thiểu, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn rất nghiêm trọng cố hữu trong việc đem những ấn tượng từ cõi cao xuống cõi thấp. Điều này cũng tương tự như sự khó khăn của một họa sĩ đang cố gắng vẽ lại một phong cảnh có ba chiều đo trên một mặt phẳng có hai chiều đo. Cũng giống như hoạ sĩ có mắt và tay được huấn luyện cẩn thận và lâu dài trước khi có thể tạo ra một tác phẩm diễn tả trung thực những cảnh tượng thiên nhiên, người có nhãn thông cần phải được huấn luyện cẩn thận lâu dài, trước khi có thể tả lại một cách chính xác ở cõi thấp những gì mà họ thấy trên cõi cao. Xác xuất để một người chưa được huấn luyện có thể diễn đạt đúng đắn những gì thấy được từ cõi cao, cũng tương đương với xác xuất để một người chưa từng học hội họa vẽ được một phong cảnh giống như thật.

Hơn nữa cần nhớ rằng, dù hình ảnh tạo trở lại có hoàn hảo nhất cũng rất khác cảnh tượng thật, vì đường nét hay góc cạnh được sao chép lại khó có thể giống với đường nét hay góc cạnh của cảnh thật. Chúng ta thử sử dụng năm giác quan để tạo ra một hình ảnh, bằng cách vẽ những đường nét và màu sắc trên một mặt phẳng theo ấn tượng mà chúng ta có được khi đứng trước cảnh vật thực sự. Ngoại trừ nhờ sự gợi ý tuỳ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm riêng của mỗi người, bức họa không thể đem đến cho chúng ta tiếng sóng gầm của biển cả, mùi hương của hoa, vị ngọt của trái cây, hay nét dịu dàng uyển chuyển của cảnh vật thật.

Cũng giống thế, nhưng ở một cấp độ lớn hơn, người có nhãn thông nhận thấy rất khó khăn trong việc cố gắng diễn tả lại những gì mà họ đã nhận thấy trên cõi trung giới. Những gì được diễn tả lại chỉ có mục đích gợi lại trong trí người nghe những ý tưởng mà họ đã quen thuộc. Giống như một nghệ sĩ đã làm khi họ vẽ người hay thú, cánh đồng hay cây cỏ, họ phải cố gắng sắp xếp với những phương tiện không hoàn hảo mà họ đang có, để gợi lại các ý niệm trong trí người xem, mà trong nhiều trường hợp hoàn toàn mới mẻ đối với người thưởng ngoạn.

Dù sự diễn tả của họ có vẻ sinh động và khêu gợi, nhưng chính họ luôn luôn có cảm tưởng như còn nhiều thiếu sót; họ cảm thấy rằng sự cố gắng hết sức của họ hoàn toàn thất bại trong sự diễn đạt lại bất cứ ý niệm nào về cảnh tượng mà họ đã thực sự thấy. Nên nhớ trong trường hợp phải diễn tả lại nơi cõi trần một ký ảnh đã đọc được trên cõi thượng giới, sự diễn đạt này gặp phải khó khăn gấp đôi, vì từ cõi thượng giới xuống cõi trần ký ức của họ phải đi xuyên qua trung gian là cõi trung giới. Ngay trong trường hợp người khảo sát đã phát triển quan năng thể trí của họ, và có thể sử dụng quan năng ấy ngay cả lúc tỉnh thức trong xác thân, người ấy vẫn còn bị trở ngại do ngôn ngữ cõi trần hoàn toàn không đủ khả năng diễn đạt lại điều gì họ đã thấy.

Thử xét theo khía cạnh chiều đo thứ tư mà chúng ta đã đề cập đến ở một chương trước. Trong thế giới có ba chiều đo, chúng ta dễ dàng hình dung bất cứ một vật nào đó trong trí với chiều dài, chiều rộng và chiều cao; và chúng ta thấy rằng mỗi một trong ba chiều đo, được diễn đạt bằng một đường thẳng tạo thành các góc vuông với cả hai đường thẳng kia. Ý niệm về chiều đo thứ tư, là người ta có thể vẽ một đường thẳng thứ tư, tạo thành các góc vuông với tất cả ba đường thẳng trước.

Một người bình thường không thể nào hiểu nổi ý niệm này, chỉ có một ít người đã nghiên cứu đặc biệt về vấn đề này dần dần có thể nhận thức một vài hình ảnh đơn giản có bốn chiều đo.

Hơn nữa, ở cõi này họ cũng không đủ từ ngữ để diễn tả bất cứ hình ảnh nào mà họ đã nhận thấy với 4 chiều đo, để trình bày lại cho người khác hiểu; vì thế nếu độc giả chưa được huấn luyện đặc biệt về điều này, sẽ không thể nào hình dung ra hình dáng được diễn tả. Những khó khăn kể trên áp dụng cho việc diễn tả một sự vật trên cõi trung giới; và khi khảo sát những ký ảnh trên cõi thượng giới, chúng ta gặp phải nhiều khó khăn hơn của thế giới có 5 chiều đo! Như vậy, với một sự quan sát nông cạn, người ta không thể nào giải thích đầy đủ những ký ảnh này.

Chúng ta đã đề cập về những ký ảnh như là ký ức của đức Thượng Đế; tuy nhiên, từ ngữ ký ức này chỉ diễn tả một phần nhỏ ý nghĩa của ký ảnh. Con người không hy vọng có thể làm cách nào để các hình ảnh này giống với quan điểm của Ngài; tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng khi nâng tâm thức càng lúc càng cao hơn, chúng ta sẽ đến gần hơn ký ức thực sự này, khi đó cái thấy của chúng ta sẽ gần hơn với cái thấy của Ngài. Nếu người có nhãn thông đạt được cõi bồ đề, sẽ rất ích lợi cho việc khảo sát những ký ảnh này; cõi bồ đề là cõi cao nhất mà tâm thức của người đã tiến đến trình độ La Hán có thể đạt tới.

Ở cõi bồ đề con người không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Không giống như ở cõi thượng giới, người ở cõi bồ đề không còn cần phải duyệt qua hàng loạt diễn biến để xem lại, vì đối với họ, quá khứ, hiện tại và tương lai đều hiện diện cùng một lúc, điều này ở cõi trần dường như vô nghĩa. Thực vậy, trong vòng tâm thức của Thượng Đế, dù chúng ta ở cõi thật cao, ký ảnh mà chúng ta thấy được cũng còn khác xa điều mà chúng ta gọi là ký ức, vì tất cả những gì xảy ra trong quá khứ và tất cả những gì xảy ra trong tương lai đều đang xảy ra ngay bây giờ trước mặt Ngài, giống như những biến cố trong thời hiện tại. Dĩ nhiên, đối với sự hiểu biết giới hạn của chúng ta, điều này hoàn toàn khó hiểu và khó tin, tuy nhiên tất cả đều hoàn toàn là sự thật. Trong giai đoạn hiểu biết hiện tại, chúng ta không thể hiểu thấu sự kỳ diệu này, nếu cố gắng giải thích, chính chúng ta sẽ vướng mắc trong đám sương mù của từ ngữ, và không nhận được những hiểu biết chính xác.

Cách đây khoảng 30 năm, tôi còn nhớ có đọc một quyển sách nhỏ rất kỳ lạ có tựa là “Những ngôi sao và trái đất”, sách này có mục đích chứng minh một cách khoa học rằng: trong trí của Thượng Đế, quá khứ và hiện tại có thể xảy ra hoàn toàn cùng một lúc. Những lý lẽ của quyển sách đưa ra làm cho tôi rất thích thú,tôi sẽ tóm lược lại vì tôi nghĩ nó có liên quan đến đề tài mà chúng ta đang khảo sát.

Khi chúng ta thấy bất cứ vật gì, dù vật đó là quyển sách mà chúng ta đang cầm trong tay, hay một ngôi sao cách xa hàng triệu dặm, đều do sự rung động của chất dĩ thái, thông thường người ta gọi đó là tia sáng, đi từ vật đến mắt chúng ta. Tốc độ của sự rung động này rất nhanh, 186.000 dặm (khoảng 300.000 cây số) một giây. Vì quá nhanh cho nên khi chúng ta nhìn một vật nào đó ở gần, chúng ta có thể thấy vật đó gần như tức thì. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn về các hành tinh xa, ánh sáng phải mất một số thời gian để đi xuyên qua các khoảng không gian bao la. Thí dụ, ánh sáng từ mặt trời đến chúng ta phải mất 8 phút 15 giây; như vậy, khi chúng ta nhìn quỹ đạo mặt trời, chúng ta thấy mặt trời ở vào vị trí của quỹ đạo 8 phút trước, chớ không phải mặt trời ở vị trí hiện tại.

Điều này dẫn tới một kết quả rất lạ thường. Tia sáng từ mặt trời đến chúng ta, cho chúng ta biết hiện trạng của sự việc xảy ra trên mặt trời ở vào lúc tia sáng bắt đầu xuất phát, chớ không phải sự việc xảy ra trên mặt trời sau khi nó rời khỏi đó. Vì thế, chúng ta không thấy mặt trời hiện tại, mà là mặt trời của 8 phút trước. Có nghĩa là nếu có sự kiện gì quan trọng xảy ra trên mặt trời, thí dụ như một hố đen mới tạo ra chẳng hạn, một nhà thiên văn học xem quỹ đạo mặt trời qua kính viễn vọng sẽ hoàn toàn không biết gì về biến cố xảy ra vào lúc đó, vì tia sáng mang hình ảnh đến cho ông ta phải mất hơn 8 phút.

Khi chúng ta khảo sát các ngôi sao cố định, sẽ thấy có một sự khác nhau rất đáng kể, vì trong trường hợp này có khoảng cách rất xa. Thí dụ, ánh sáng từ sao bắc đẩu truyền đi với tốc độ nhanh khủng khiếp như đã đề cập ở trên, phải mất ít nhất 50 năm mới đến mắt chúng ta. Như thế có vẻ kỳ lạ là chúng ta không thấy được sao bắc đẩu trong lúc này, mà là sao bắc đẩu của 50 năm chục về trước. Nói khác hơn, nếu một cuộc chấn động nào đó của vũ trụ, làm cho sao bắc đẩu tan vỡ ra từng mảnh, thì trong suốt kiếp sống hiện tại chúng ta vẫn còn thấy nó chiếu sáng trên bầu trời. Đến lượt con cái chúng ta lớn lên cho đến tuổi trưởng thành, sẽ tụ hợp đám con cái của chúng lại khi nhận được tin một tai biến khủng khiếp mà loài người vừa biết được là sao bắc đẩu đã biến mất. Giống như thế, có nhiều ngôi sao khác cách xa chúng ta hàng ngàn năm ánh sáng, cho nên chúng ta chỉ biết được những gì xảy ra cho các ngôi sao này sau hàng ngàn năm.

Bây giờ, giả sử chúng ta có thể có thể đặt một người cách xa trái đất 186.000 dặm, và cấp cho họ khả năng có thể thấy rõ ràng những gì xảy ra trên mặt đất. Hiển nhiên, người đó sẽ thấy được những gì xảy ra trên mặt đất sau một giây, tức là trong lúc hiện tại, người ấy chỉ thấy được sự việc xảy ra ở một giây trước. Nếu tăng khoảng cách lên gấp đôi, người ấy sẽ thấy trễ 2 giây v.v… Bây giờ nếu có thể dời người ấy ra một khoảng cách xa bằng từ mặt trời đến trái đất, và vẫn cho người ấy khả năng thấy được xa như thế, họ sẽ chỉ thấy được những gì xảy ra vào 8 phút trước. Nếu mang người ấy lên sao bắc đẩu, người ấy sẽ thấy những sự việc của 50 năm về trước; họ sẽ thấy những cuộc vui chơi, nô đùa lúc chúng ta còn rất trẻ, cách nay 50 năm. Điều này có vẻ kỳ lạ, nhưng rất đúng theo khoa học mà người ta không thể nào phủ nhận.

Quyển sách tiếp tục lý luận về Thượng Đế toàn năng, nên Ngài có sở hữu quyền năng thị giác phi thường và Ngài cũng hiện diện khắp nơi (vô sở bất tại). Ngài phải ở bất cứ nơi nào mà chúng ta nói đến và cùng một lúc, chớ không phải liên tục, hiện diện ở mỗi điểm trong thế giới. Mọi sự vật xảy ra từ khởi thủy đều hiện diện trước mắt Ngài,không phải là ký ức, mà là thực sự đang xảy ra.

Những điều này chỉ là khoa học vật chất thuần túy, dĩ nhiên đó không phải cách thức mà đức Thượng Đế tác động. Tuy nhiên những ý kiến ấy rất khéo léo và hoàn toàn không thể chối bỏ, như tôi đã nói trước, nó có ích để cho chúng ta thoáng thấy một vài điều có thể xảy ra.

Nhưng câu hỏi được nêu ra là: giữa sự hỗn độn phức tạp của những ký ảnh quá khứ này, làm cách nào để có thể tìm thấy một hình ảnh mà chúng ta muốn tìm? Thực sự, nhà linh thị chưa được huấn luyện thường không thể làm được như vậy, nếu không có một vài sự liên kết đặc biệt với sự vật mà họ cần tìm. Máy đo hoạt động tâm linh là một dụng cụ hữu ích, và ký ức thông thường của chúng ta cũng có cùng một mục đích tương tự. Dường như có sự thu hút từ tính hoặc sự hấp dẫn giữa một phần tử vật chất nào đó với ký ảnh chứa đựng dữ kiện, một hấp lực tác động như một ống dẫn truyền giữa ký ảnh đó với những quan năng của bất cứ người nào có thể đọc được.

Thí dụ, trước kia tôi có mang một mảnh đá cực nhỏ không lớn hơn đầu một cây kim, từ Stonehenge về và đặt trong một bao thư, treo vào máy đo hiện tượng tâm linh. Tức thì nó diễn tả một vùng chung quanh bị tàn phá, đến các hình ảnh sinh động, rõ ràng về lịch sử đầu tiên của xứ đó; điều này cho thấy mảnh đá cực nhỏ đó có thể giao tiếp với ký ảnh liên hệ đến địa điểm tạo ra nó. Những cảnh tượng trải qua trong suốt cuộc đời dường như tác động lên các tế bào não bộ chúng ta, giống như lịch sử của Stonehenge tác động lên mảnh đá ấy. Chúng thiết lập sự kết nối với các tế bào này để làm phương tiện cho cái trí chúng ta liên hệvới phần đặc biệt của ký ảnh, để chúng ta có thể nhớ lại những gì mà chúng ta đã thấy.

Ngay đến một nhà linh thị được huấn luyện cũng cần một vài sự kết nối, để tìm thấy ký ảnh của một biến cố mà trước đó họ chưa biết. Thí dụ, nếu họ muốn quan sát nơi đổ bộ của Julius Caesar lên bờ biển nước Anh, họ có thể tìm hiểu vấn đề này bằng nhiều cách khác nhau. Nếu tình cờ họ đến thăm nơi xảy ra biến cố, có lẽ cách đơn giản nhất là gợi lại hình ảnh nơi đó, và đi ngược lại qua những ký ảnh của nó cho đến khi đạt tới giai đoạn mà họ muốn thấy. Nếu họ không thấy được nơi đó, họ có thể lui về thời gian đến ngày xảy ra biến cố, và tìm kiếm eo biển nơi đổ bộ của hạm đội La Mã. Hoặc họ có thể khảo sát những ký ảnh về đời sống của người La Mã vào giai đoạn đó, và tìm khá dễ dàng khuôn mặt con người lừng lẫy như Caesar, khi ấy tìm theo dấu vết vị này qua các trận chiến tranh, cho đến khi vị này đặt chân lên lục địa nước Anh.

Người ta thường thắc mắc: những ký ảnh này xuất hiện ở gần hay ở xa ngoài tầm mắt, chúng lớn hay nhỏ, những hình ảnh xuất hiện trong toàn cảnh cái này nối tiếp cái kia, hay cái này thấm nhập vào cái kia, như sự hòa tan các quang cảnh v.v...? Câu trả lời chỉ có thể là: sự xuất hiện của các hình ảnh đó thay đổi khá nhiều tuỳ theo điều kiện mà chúng được thấy. Ở cõi trung giới, thường sự phản ảnh là một hình ảnh đơn giản, mặc dù thỉnh thoảng người ta thấy những hình ảnh có cử động; trong trường hợp này hình ảnh thay vì xuất hiện thật nhanh, nó hiện ra lâu hơn và phản ảnh hoàn hảo hơn.

Trên cõi thượng giới, các hình ảnh đó có hai phương diện khác xa nhau. Khi một khách tham quan đến cõi đó, mà họ không nghĩ đến điều gì đặc biệt, những ký ảnh chỉ hiện diện như một hậu nền, giống như những phản ảnh trên một cái gương lớn đặt ở cuối một căn phòng, làm hậu nền phản ảnh những người sống trong phòng đó. Luôn luôn nên nhớ trong các điều kiện này, những hình ảnh thực ra chỉ là phản ảnh từ sự hoạt động không ngừng của một tâm thức vĩ đại trên một cõi cao siêu hơn, xuất hiện nối tiếp liên tục như một cuốn phim sinh động từ một máy chiếu phim. Những hình ảnh đó, cái này không thấm nhập vào cái kia như sự hoà tan các quang cảnh, cũng không phải một loạt các hình ảnh cái này xuất hiện nối tiếp cái kia, mà là động tác của những hình ảnh luôn luôn xuất hiện giống như người ta đang xem các diễn viên trên một khán đài ở xa.

Nhưng nếu người quan sát được huấn luyện, chú ý vào bất cứ một quang cảnh đặc biệt nào mà họ muốn thấy, quang cảnh ấy hiện ra tức khắc, vì đó là cõi tư tưởng, khi bạn nghĩ đến bất cứ điều gì, tức thì điều đó sẽ hiện ra trước mắt bạn. Thí dụ, nếu một người muốn xem ký ảnh của biến cố về cuộc đổ bộ của đại đế Julius Caesar, họ thấy chính họ (chớ không phải hình ảnh), đang đứng trên bãi biển trong số binh đoàn La Mã, với toàn cảnh bao quanh họ, rõ ràng như họ thấy cảnh đó bằng con người thật vào buổi sáng mùa thu năm 55 trước công nguyên. Vì những gì họ thấy chỉ là một phản ảnh, nên những nhân vật trong cảnh tượng hoàn toàn không ý thức về sự hiện diện của họ, và họ cũng không thể làm thay đổi chút nào hành động của những nhân vật trong cảnh tượng. Ngoại trừ họ chỉ có thể kiểm soát tốc độ xảy ra của những sự việc diễn ra trước mắt họ, có thể các biến cố trọn cả một năm được diễn ra trước mắt họ chỉ trong một giờ, hoặc họ có thể quyết định cho ngưng sự di động bất cứ lúc nào, và chỉ giữ lại trước mắt một cảnh đặc biệt nào đó mà họ chọn.

Chẳng những thấy được mà họ còn nghe và hiểu tất cả những gì mà người ta nói, cũng như nhận thức được những tư tưởng và động lực của những nhân vật trong cảnh tượng. Điều lý thú nhất trong việc đọc những ký ảnh là học hỏi, nghiên cứu tư tưởng những thời đại cổ xưa, tư tưởng của người sống trong hang động và cư dân sống trên ao hồ, cũng như dưới thời các nền văn minh hùng mạnh của Đại Tây Dương Châu (Atlantis), Ai Cập và Chadea. Trước mắt họ là một trường khảo sát lịch sử rất hữu ích và lý thú. Chẳng những họ có thể xem lại tất cả những sử liệu mà chúng ta đã biết, họ còn có thể sửa chữa những lỗi lầm và những nhận thức sai lệch đã xen lẫn vào lịch sử. Nếu muốn, họ có thể sắp đặt cho có thứ tự lịch sử thế giới từ lúc khởi thủy: nhìn sự phát triển chậm chạp của trí thông minh con người, sự nhập thế của các vị Hoả Đức Tinh Quân (Lords of the Flame), sự tăng trưởng của các nền văn minh hùng mạnh mà các Ngài đã sáng lập.

Cuộc nghiên cứu của họ không bị hạn chế trong sự tiến hoá của nhân loại; trước mắt họ là cả một viện bảo tàng, tất cả hình dáng của những loài thảo mộc và động vật, trải qua những thời đại khi thế giới còn non trẻ. Họ có thể theo dõi tất cả những biến cố làm thay đổi địa chất, và những trận đại hồng thủy làm thay đổi hoàn toàn mặt trái đất lần này đến lần khác.

Khi nhìn những ký ảnh, họ có thể cảm thông và thấy gần gũi đặc biệt với một giai đoạn nào đó trong quá khứ, như thấy một vài cảnh tượng có liên hệ đến kiếp sống trước của họ. Lúc đó họ có hai thái độ: họ có thể đóng vai như một khán giả đang ngắm nhìn sự việc diễn ra (mặc dù họ luôn luôn nhớ lại và cảm thông hoàn toàn); hoặc họ tự đồng hóa với cá tính của phàm ngã kiếp trước, lúc đó họ có thể tạm thời sống lại với những kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm và những niềm vui cũng như những sự đau khổ trong một kiếp sống quá khứ. Họ trải qua những cuộc thám hiểm hấp dẫn và sinh động, tuy nhiên, tâm thức Chân Ngã của họ không bao giờ mất, và họ vẫn duy trì được năng lực để quay về phàm nhân hiện tại theo ý muốn.

Người ta thường hỏi: làm cách nào một nhà nghiên cứu có thể xác định chính xác ngày tháng của một hình ảnh nào đó, vào một thời quá khứ xa xôi mà họ đã tìm được trong các ký ảnh. Đó là một công việc khá buồn chán, nhưng có thể thực hiện được, nếu đáng phải tốn thời gian để tìm tòi. Nếu chúng ta đang khảo cứu những thời đại Hy Lạp hay La Mã, phương pháp đơn giản nhất là nhìn vào thể trí của người thông minh nhất trong cảnh tượng, sẽ biết được người ấy ở vào lúc nào, hoặc người nghiên cứu có thể nhìn người ấy viết thư hay những giấy tờ khác, và quan sát ngày tháng ghi trên giấy. Khi biết được ngày tháng của người La Mã hay Hy Lạp, chúng ta dễ dàng tính toán và so sánh với niên đại hiện tại.

Còn một cách khác nữa cũng thường được áp dụng là so sánh cảnh tượng thấy được với hình ảnh cùng thời của một thành phố lớn danh tiếng, như La Mã chẳng hạn, ghi lại triều đại vua chúa lúc ấy và vị vua nào đang trị vì. Với những dữ liệu như thế, người ta có thể tìm ra giai đoạn lịch sử ấy một cách khá rõ ràng. Đôi khi người ta biết được ngày tháng bằng cách khảo sát một vài bản bố cáo hay một vài tài liệu công cộng. Tóm lại, người ta có thể dễ dàng khắc phục khó khăn trong việc truy tìm thời điểm xảy ra biến cố.

Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản khi chúng ta tìm hiểu các giai đoạn xa xưa hơn, như quang cảnh của xứ cổ Ai Cập, Chaldea, hay Trung Quốc hoặc xa hơn nữa là lục địa Đại Tây Dương Châu (Atlantis) và những thuộc địa của nó, Người ta vẫn có thể tìm ra được thời điểm xảy ra bằng cách quan sát cái trí của bất cứ một người có học nào trong thời đó, nhưng chúng ta không thể đối chiếu với hệ thống ghi ngày tháng hiện tại của chúng ta, vì người xưa chỉ ước tính theo các thời đại mà chúng ta không biết gì, hoặc theo triều đại của các bậc đế vương mà lịch sử của họ đã biến mất trong đêm tối của thời gian.

Tuy nhiên vẫn còn có những phương pháp khác để khảo sát thời gian xảy ra biến cố. Người nghiên cứu có thể lướt qua các ký ảnh trước mắt họ với bất cứ tốc độ nào, như họ có thể khảo sát một năm hoặc nhiều hơn nữa chỉ trong một giây nếu họ muốn. Người ta chọn một hoặc hai biến cố chính trong lịch sử mà ngày tháng đã được xác định để làm chuẩn, thí dụ như lục địa Poseidonis bị nhận chìm vào năm 9.564 trước công nguyên. Nếu cảnh tượng của biến cố thấy được có liên quan đến những vùng chung quanh của biến cố chính, người ta sẽ liên kết với biến cố chính bằng cách lướt qua thật nhanh những ký ảnh, và đếm số năm giữa hai biến cố để tính ra thời gian.

Nếu thời gian quá xa, trải qua hàng ngàn năm, phương pháp này rất buồn chán không sao chịu nổi. Trong trường hợp này, chúng ta sử dụng phương pháp của thiên văn học. Do sự vận hành thường được gọi là sự thay đổi thiên phân (precession of the equinoxes), nói chính xác hơn là sự xoay chuyển phụ của trái đất, theo góc độ tương đối cố định giữa đường xích đạo (equator) với đường hoàng đạo (ecliptic); nói là cố định nhưng thật ra có sự thay đổi rất chậm. Vì thế, sau các khoảng thời gian dài, chúng ta thấy cực trái đất không còn hướng về cùng một điểm trong không gian, hay nói khác hơn, trong hiện tại sao bắc cực là ngôi sao Alpha Ursae Minoris, nhưng vào một thời gian tương lai nào đó, sao bắc cực sẽ là một thiên thể khác chớ không còn là sao Alpha Ursae Monoris. Từ vị trí của cực trái đất, người ta có thể xác định dễ dàng nhờ quan sát cẩn thận hình ảnh tinh tú trong bầu trời về đêm để có thể tính ra ngày tháng gần chính xác.

Khi người ta ước lượng ngày tháng những sự việc xảy ra hàng triệu năm về trước thuộc các giống dân đầu tiên, một giai đoạn của sự xoay chuyển phụ (hay sự thay đổi thiên phân) thường được dùng làm một đơn vị. Dĩ nhiên, trong những trường hợp này, người ta không đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, chỉ tính các con số tròn cũng đủ cho các mục đích thực dụng khi xét đến các thời đại quá khứ xa xôi.

Tuy nhiên việc đọc được chính xác các ký ảnh về những kiếp quá khứ của chính mình, hoặc của người khác, rất khó thực hiện nếu chưa được huấn luyện cẩn thận. Như đã nói, mặc dù các phản ảnh đôi khi xảy ra ở cõi trung giới, nhưng người ta phải phát triển năng lực sử dụng giác quan thể trí trước khi có thể quan sát đúng. Thực vậy, để giảm thiểu những sai lầm, người nghiên cứu cần phải có khả năng điều khiển hoàn toàn giác quan thể trí trong lúc thể xác thức tỉnh; muốn phát triển khả năng đó, cần phải trải qua nhiều năm lao nhọc với kỷ luật nghiêm nhặt không ngừng.

Nhiều người mong đợi rằng ngay sau khi xin gia nhập vào Hội Thông Thiên Học, họ sẽ nhớ lại ít nhất 3 hay 4 kiếp trước của họ. Thật vậy, một vài người mau mắn bắt đầu tưởng tượng và tuyên bố rằng kiếp trước của họ là bà Mary, hoàng hậu xứ Scots, nữ hoàng Cleopatra, hay đại đế Julius Caesar! Dĩ nhiên, các điều tự xưng vô lý như thế chỉ đem đến sự mất lòng tin của những người không biết rõ rằng những hội viên đó không đại diện chút nào cho hội. Vì thế, nếu như một người nào đó, cảm thấy sôi sục trong lòng với niềm tin rằng họ là văn hào Homer hay Shakespeare, hãy ngừng lại và trắc nghiệm sự hợp lý của vấn đề trong hoàn cảnh ở thế gian, trước khi muốn tung tin ra cho mọi người biết.

Một vài người nào đó, trong giấc mơ có thể thoáng thấy những cảnh tượng thuộc về kiếp trước của họ, nhưng các cảnh này tự nhiên là vụn vặt và không đáng tin cậy. Lúc nhỏ, chính tôi cũng có kinh nghiệm thuộc loại này, trong những giấc mơ của tôicó một giấc mơ thường xuất hiện trở đi trở lại: tôi mơ thấy một ngôi nhà có hàng cột hướng nhìn ra một cái vịnh rất đẹp, căn nhà trang nhã, gần đỉnh một ngọn đồi. Tôi biết rõ ngôi nhà đó, quen thuộc từng vị trí của các căn phòng, và toàn cảnh phía trước nhà, giống như tôi biết ngôi nhà mà tôi đang ở hiện tại. Lúc nhỏ tôi không biết gì về sự luân hồi, cho nên đối với tôi giấc mơ trở đi trở lại này chỉ đơn giản là một sự trùng hợp lạ đời. Chỉ sau khi tôi gia nhập Hội, mới có một người hiểu biết chỉ cho tôi thấy một vài hình ảnh về kiếp trước của tôi, tôi mới khám phá ra rằng thực sự giấc mơ kéo dài này là một hồi ức từng phần, còn ngôi nhà mà tôi biết rất rõ chính là ngôi nhà nơi tôi sinh ra từ hơn 2.000 năm trước.

Trong vài trường hợp ký ảnh ghi nhận những cảnh tượng xuất hiện từ kiếp này đến kiếp khác; nhưng trước khi xác định những hình ảnh ấy thuộc về chính mình hay của người nào khác, người quan sát cần khai mở khả năng tâm linh đến một mức độ đáng kể. Để theo dõi từ kiếp này đến kiếp trước của một người, trước hết người ta cần phải theo dõi từ cuộc sống hiện tại, lùi trở lại lúc họ sinh ra, và theo dõi ngược lại trình tự các giai đoạn mà linh hồn xuống đầu thai.

Chúng ta phải trở ngược về tình trạng của linh hồn ở trên các cảnh cao của cõi thượng giới, như thế người nghiên cứu phải sử dụng giác quan tương đương với cảnh cao ấy trong lúc thức tỉnh ở thể xác. Nói khác đi, tâm thức họ phải tập trung vào chính Chân Ngã luân hồi mà không còn ở phàm ngã. Trong trường hợp đó, ký ức Chân Ngã bừng tỉnh, những kiếp trước phơi bày trước mắt họ như những trang sách, và họ có thể khảo sát tình trạng của một Chân Ngã khác ở trên cảnh đó, và theo dõi xuống hạ trí và thể vía, cho đến lúc chết của thể xác kiếp trước, và kế đến kiếp trước của người đó.

Ngoài ra không có cách nào khác để theo dõi những kiếp đã qua hoàn toàn chính xác. Do đó, chúng ta có thể bác bỏ ngay những người cho rằng có thể biết được những kiếp trước của người khác để làm tiền. Trong bất cứ trường hợp nào, nhà huyền bí học chân chính không bao giờ quảng cáo, cũng không bao giờ nhận tiền để biểu diễn quyền năng của họ.

Để có sự bảo đảm an toàn, một nghiên cứu sinh muốn hoạch đắc quyền năng theo dõi các kiếp đầu thai, họ phải học hỏi từ một vị thầy có khả năng. Có nhiều người quả quyết rằng, chỉ cần có đức hạnh, lòng tôn sùng và “tình huynh đệ”, thì minh triết qua các thời đại sẽ đến với họ; nghĩ như thế không hợp lý. Dù một đứa trẻ ngoan thế nào đi nữa, nếu nó muốn biết bản cửu chương nó phải học, cũng tương tự như thế với các khả năng tâm linh. Chắc chắn các quan năng này sẽ phát triển khi con người tiến hoá, nhưng con người cần học cách sử dụng các quan năng một cách đúng đắn và hữu ích nhất, do sự kiên trì cố gắng khó nhọc.

Những người muốn giúp đỡ kẻ khác ở cõi trung giới trong lúc ngủ, càng hiểu biết nhiều về cõi trung giới, càng hữu ích cho công việc phụng sự. Thí dụ, sự hiểu biết về ngôn ngữ sẽ có ích cho họ rất nhiều, vì ở cõi trung giới, tư tưởng phải được truyền đạt qua ngôn ngữ, khác với cõi thượng giới, nơi mà con người có thể giao lưu trực tiếp bằng sự chuyển di tư tưởng. Nếu bạn muốn liên lạc giúp đỡ một người nào trên cõi trung giới, bạn phải nói cùng một thứ ngôn ngữ với họ, vì thế nếu bạn càng biết nhiều ngôn ngữ, bạn càng giúp đỡ được nhiều người. Thực sự, không có kiến thức nào mà không có công dụng cho huyền bí gia trong công việc phụng sự của họ.

Những nghiên cứu sinh nên nhớ rằng, huyền bí gia là người tôn trọng sự hợp lý bình thường của thế gian, và mọi cái nhìn của họ không nhất thiết phải là những hình ảnh từ tiên thiên ký ảnh, cũng không phải mọi kinh nghiệm đều nhận được từ cõi cao. Hoài nghi lành mạnh còn hơn là quá dễ tin; có một qui tắc tuyệt diệu là không bao giờ tìm kiếm một sự giải thích huyền bí về bất cứ điều gì, mà sự giải thích ở cõi vật chất đã quá rõ ràng, dễ hiểu. Bổn phận chúng ta là phải luôn luôn cố gắng giữ gìn sự quân bình, và không bao giờ đánh mất sự tự kiểm. Chúng ta phải giữ lấy một lập trường hợp lý thông thường đối với mọi sự việc xảy đến cho chúng ta. Được như vậy, chúng ta sẽ là những người Thông Thiên Học tốt hơn, những nhà huyền bí học minh triết hơn, và những người cứu trợ hữu ích hơn.

Trong vấn đề khảo sát ký ức thiên nhiên, chúng ta thấy nhiều thí dụ gồm đủ các trình độ khác nhau, từ người đã được huấn luyện có thể tham khảo ký ảnh tùy theo ý muốn, cho đến người đôi lúc hoặc chỉ một lần duy nhất trong cuộc đời thoáng thấy lờ mờ. Nhưng ngay đến người chỉ thỉnh thoảng có được quan năng từng phần, cũng tìm thấy nó có một ảnh hưởng sâu đậm. Máy ghi nhận hoạt động tinh thần cần có một vật thể vật chất để kết nối và mang quá khứ trở về với sự sống hiện tại ở chung quanh. Người luyện nhãn thông bằng cách nhìn chăm chú vào bầu thuỷ tinh, đôi khi có thể quan sát một vài cảnh tượng thuộc quá khứ xa xôi. Những người này rất thích thú trong sự tìm tòi, mặc dù đôi khi họ cũng không hiểu chính xác tại sao có được kết quả, và trong mọi trường hợp, họ cũng không thể hoàn toàn kiểm soát các kết quả.

Trong nhiều trường hợp, những biểu lộ của quyền năng bậc thấp này xảy ra khi con người không có ý thức về nó. Nhiều người luyện nhãn thông bằng cách nhìn chăm chú vào bầu thuỷ tinh để quan sát các cảnh tượng trong quá khứ, mà không thể phân biệt các cảnh đó với những cảnh tượng hiện tại. Nhiều nhà tâm linh thấy lờ mờ các hình ảnh không ngớt hiện ra trước mắt mà họ không hiểu là gì, có lẽ đó là do sự thu hút tâm linh, mà những hình ảnh ấy hiện đến rất gần hoặc chạm vào họ.

Một điều khác đáng chú ý của nhóm người tâm linh này là, thường họ chỉ thấy người mà không thấy những đồ vật không sinh động. Trong hầu hết các trường hợp, quan năng này lúc có, lúc không, cho nên một nhà tâm linh có thể thoáng thấy vài biến cố quan trọng nào đó của một người lúc còn nhỏ, nhưng trong những dịp tương tự khác, họ không nhận thấy điều gì đặc biệt. Rất hiếm khi có người thấy được từng chi tiết kiếp trước của tất cả những người mà họ gặp. Một trong các thí dụ về nhóm này là nhà văn người Đức tên Zschokke; ông có mô tả các năng lực siêu nhiên này trong quyển tự truyện như sau:

‘Đôi khi tôi gặp một người hoàn toàn xa lạ, trong lúc im lặng, tôi nghe được câu chuyện của họ từ kiếp quá khứ cho đến hiện tại, có nhiều tình huống nhỏ nhặt xuất hiện qua tôi như một giấc mơ, nhưng rất rõ ràng và hoàn toàn không có chủ tâm, không mong muốn tìm tòi, và những điều này thường chỉ xảy ra trong vài phút.’

‘Trong một thời gian dài tôi đã xem những hình ảnh thoáng qua này như là một sự tưởng tượng. Những hình ảnh trong mơ cho thấy trang phục và những động tác của các diễn viên, hình dáng căn phòng, trang bị nội thất, và nhiều biến cố khác nhau. Trong một lúc vui vẻ, tôi có kể lại cho gia đình tôi nghe, về chuyện bí mật của một cô thợ may, vừa rời khỏi căn phòng này. Trước đó tôi chưa bao giờ thấy người này, những người nghe lấy làm ngạc nhiên, mỉm cười và không tin rằng tôi biết kiếp trước của một người, dù đó hoàn toàn là sự thật.’

‘Tôi cũng ngạc nhiên khi biết linh ảnh trong mơ của tôi đúng với sự thật, vì vậy tôi rất quan tâm đến vấn đề. Tôi tìm cách liên lạc đến những người mà kiếp trước của họ đã trải qua như những linh ảnh trong mơ của tôi, để kiểm chứng lại. Trong mỗi trường hợp được đối phương xác nhận, họ có vẻ rất ngạc nhiên.’

‘Một ngày đẹp trời, tôi vào thành phố Waldshut cùng với hai người tiều phu trẻ. Đến chiều, chúng tôi vào quán trọ “Cây Nho” để nghỉ. Chúng tôi dùng bữa ăn tối tại một bàn ăn chung với một số thực khách. Bỗng nhiên họ đùa cợt, chế giễu về tính tình chất phác của người Thụy Sĩ tin tưởng về vấn đề thôi miên và thuật xem tướng của hệ phái Lavater. Một trong hai người đi chung với tôi cảm thấy bực bội bởi những lời giễu cợt, xin tôi trả lời lại bọn họ, đặc biệt để đáp lại người đàn ông trẻ ngồi đối diện, đang đùa cợt, chế giễu rất hăng say.’

‘Thình lình các sự việc xảy ra trong cuộc đời của người này vừa xuất hiện trong trí tôi, dù trước kia tôi với người ấy chưa từng biết nhau. Tôi hỏi anh ta có bằng lòng trả lời tôi một cách thật thà hay không, nếu tôi kể ra vài điều bí ẩn về cuộc đời của anh? Tôi gợi ý cho anh ta biết rằng tôi sẽ không dùng nghệ thuật xem tướng số Lavater. Anh chàng này hứa không giấu giếm điều gì, nếu tôi nói đúng sự thật. Tôi liền kể các sự việc xảy ra mà tôi đã thấy trong linh ảnh về cuộc đời của một thương gia trẻ, về những lỗi lầm nhỏ nhặt của tuổi học trò, và sau cùng là một hành động xảo quyệt mà anh ta phạm phải về cái tủ sắt của ông chủ. Tôi tả lại căn phòng không có người ở này, với vách tường màu trắng, bên phải cánh cửa màu nâu có một cái tủ nhỏ đựng tiền màu đen để trên bàn v.v… Người này rất kinh ngạc, và công nhận những gì tôi nói là đúng sự thật, mà chính tôi cũng không ngờ anh ta chịu thú thật như thế.’

Sau khi kể chuyện này, nhà văn Zschokke thắc mắc không biết năng lực mà ông đang có phải chăng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên!

Trong những tài liệu lưu trữ cho thấy, những trường hợp thấy được quá khứ tương đối ít hơn những trường hợp thấy được tương lai. Sở dĩ như vậy là vì những người thấy những hình ảnh trong quá khứ ít khi nhận ra đó là thuộc về quá khứ, ngoại trừ họ thấy được những sự vật đặc biệt như bộ áo giáp hay y phục thời cổ. Những hình ảnh được thấy trước về tương lai cũng thường không được nhận ra ngay đó là thuộc về tương lai, nhưng khi biến cố xảy ra, người ta sẽ nhớ lại những gì đã được thấy lúc trước, cho nên ít bị bỏ qua hơn trường hợp thấy những sự kiện quá khứ. Như thế, những trường hợp thoáng thấy những phản ảnh ở cõi trung giới của tiên thiên ký ảnh rất thường xảy ra, nhưng không được con người biết đến nhiều.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top