chương 1 nhãn thông


CHƯƠNG I
NHÃN THÔNG LÀ GÌ?

(What Clairvoyance is)

Theo nghĩa đen, danh từ “nhãn thông” (clairvoyance) là “thấy rõ” (clear seeing), từ ngữ này bị dùng sai một cách đáng buồn, tệ hơn nữa, đã bị những người bán thuốc dạo dùng để lường gạt trong các chương trình quảng cáo. Với ý nghĩa hạn hẹp, từ này bao hàm một hiện tượng trong phạm vi rộng lớn, có những đặc tính rất khác nhau mà người ta không thể đưa ra một định nghĩa ngắn gọn và chính xác. Có người gọi đó là “thị giác tâm linh” (spiritual vision), nhưng sự diễn dịch này đưa đến nhiều hiểu lầm khác, vì trong nhiều trường hợp, không có một quan năng nào liên hệ với nó. Do đó từ ngữ xúc tích này cần được giữ nguyên.

Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi có thể định nghĩa nó là một năng lực trông thấy những gì mà mắt thường không thể thấy. Chúng tôi xin nói nhãn thông nầy thường, tuy không phải luôn luôn, đi kèm theo với nhĩ thông (clairaudience), là năng lực nghe được những gì mà lỗ tai bình thuờng không thể nghe được. Để tránh sự lặp đi lặp lại hai từ nầy, chúng tôi chỉ dùng một từ cho tựa đề quyển sách, nhưng nó gồm cả hai quan năng.

Khởi sự chúng tôi có hai điều muốn nói. Thứ nhất, bài này không dành cho những người không tin vấn đề nhãn thông; tôi không tìm cách thuyết phục những người hoài nghi đó. Trong tác phẩm nhỏ này, không đủ chỗ dành cho việc đó; những người này phải nghiên cứu nhiều sách về trường hợp những cá nhân đã phát triển khả năng ấy, hay tự thí nghiệm theo lối thôi miên. Khi viết quyển sách này, tôi chỉ nghĩ đến những độc giả đã học và biết nhãn thông có thật, những độc giả thích thú tìm hiểu các phương pháp và những điều có thể xảy ra. Tôi có thể bảo đảm những điều tôi viết ra là do kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu cẩn thận và đã được chứng nghiệm. Tôi không nói ra điều gì mà chính tôi chưa kinh nghiệm, mặc dù có một vài năng lực tôi diễn tả, có thể mới mẻ và lạ lùng.

Thứ hai là, tôi cố gắng tránh những gì có tính cách quá chuyên môn, nếu được. Thật ra quyển sách này phần chính tôi dành cho những học viên Thông Thiên Học, tôi xem các vị đó đã quen thuộc với những từ Thông Thiên Học thông dụng, đôi khi tôi chỉ nói ngắn gọn mà không cần giải nghĩa từng chi tiết.

Nếu ai đọc quyển sách nhỏ này thấy một số từ ngữ khó hiểu, tôi đành xin lỗi và giới thiệu cho họ những giải thích sơ khởi trong các tác phẩm căn bản của Thông Thiên Học như: “Minh Triết Cổ Truyền”, “Con Người và Các Thể” của bà Annie Besant. Thật ra toàn thể hệ thống giáo lý Minh Triết Thiêng Liêng đều liên hệ với nhau rất chặt chẽ, và những phần khác nhau đều tuỳ thuộc lẫn nhau. Nếu muốn giải thích đầy đủ về từ ngữ nhãn thông, cần phải có một bài bình giải tường tận về Minh Triết Thiêng Liêng.

Trước khi trình bày chi tiết về nhãn thông, chúng tôi cần nói vài điều sơ khởi, để làm rõ thêm một ít sự kiện tổng quát về các cõi khác, ở đó người ta có thể sử dụng khả năng nhãn thông, cũng như những điều kiện có thể làm phát triển khả năng ấy.

Trong những tác phẩm Thông Thiên Học, chúng tôi luôn luôn xác nhận tất cả những quan năng cao siêu này là di sản chung của nhân loại. Một trong những khả năng cao siêu ấy là nhãn thông, đang ở trạng thái tiềm ẩn trong mỗi người; có một số người, khả năng này đã tự phát triển một cách đặc biệt sớm hơn những người khác. Sự kiện này là một thực tế, nhưng đối với phần đông người đời có vẻ mơ hồ, vì họ cho rằng khả năng nhãn thông như điều gì hoàn toàn khác với những gì họ đã biết. Dù sao đi nữa, họ thà tin những gì đang có còn hơn là những gì mà họ không thể thấy được.

Ý tưởng không thực tế này có thể được loại trừ nếu chúng ta cố gắng tìm hiểu, nhãn thông cũng như nhiều điều khác trong thiên nhiên chính yếu là vấn đề rung động, thực ra chỉ là sự nới rộng những năng lực mà tất cả chúng ta đều sử dụng hàng ngày trong cuộc sống. Môi trường chúng ta đang sống được bao quanh bởi một khung trời bao la đầy không khí pha lẫn chất dĩ thái, nói đúng hơn là chất dĩ thái thấm nhập xuyên qua không khí và tất cả những vật chất khác. Ảnh hưởng của những tư tưởng bên ngoài đến với chúng ta phần chính là do những rung động trong khung trời bao la đó. Tất cả nhóm chúng ta đều hiểu rõ điều này, nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu, vì thực tế chỉ có một số rất nhỏ những tần số rung động bình thường chúng ta có thể đáp ứng được.

Võng mạc của con người chỉ có thể đáp ứng được một phần rất nhỏ, trong những rung động cực nhanh của chất dĩ thái; những rung động đặc biệt này tạo cho chúng ta có cảm giác ánh sáng. Điều đó nói lên rằng chúng ta chỉ có thể thấy những vật tự nó phát ra ánh sáng, hay những vật phản chiếu lại ánh sáng từ một nguồn sáng khác.

Cũng thế, màng nhĩ con người chỉ có thể ứng đáp một số rất ít những rung động tương đối chậm, chỉ đủ để kích động không khí chung quanh chúng ta. Vậy, âm thanh mà chúng ta có thể nghe được là âm thanh tạo ra do những vật gây ra những tần số rung động trong một giới hạn đặc biệt nào đó.

Khoa học đã biết rõ, có một số lớn rung động cả trên lẫn dưới hai giới hạn này; như thế có nhiều loại ánh sáng mà mắt chúng ta không thể thấy và có nhiều loại âm thanh mà tai chúng ta không thể nghe. Trong trường hợp ánh sáng, chúng ta chỉ có thể nhận thấy được những rung động cao hơn và thấp hơn giới hạn thấy được, bằng cách sử dụng tia quang hoá (actinic rays) ở đầu này của quang phổ, và tia nóng (heat rays) ở đầu kia.

Những rung động với tần số mà chúng ta có thể nhận thức được chứa đầy cả không gian bao la, xen vào giữa những làn sóng rung động chậm của âm thanh và những làn sóng rung động nhanh của ánh sáng. Như thế, chắc hẳn là phải có những rung động chậm hơn những rung động của âm thanh mà chúng ta không nghe được, và vô số những rung động nhanh hơn những rung động của ánh sáng mà chúng ta không thể thấy được. Chúng ta bắt đầu hiểu rằng, những rung động mà chúng ta thấy và nghe được giống như ta chỉ nghe được một số ít dây trong số những dây của một cây đàn thụ cầm lớn vô cùng tận. Chúng ta học hỏi và suy luận rất ít trong những giới hạn rất nhỏ này; chúng ta chưa biết rõ những gì chúng ta sẽ nhận biết được nếu chúng ta nhận thức được toàn bộ những rung động trong thiên nhiên.

Vấn đề này còn có một sự kiện liên hệ khác cần phải để ý là, sự khác nhau giữa người này với người kia về khả năng đáp ứng của họ, trong một giới hạn tương đối của những rung động tiếp nhận bởi các giác quan hữu hình của mỗi người. Tôi không nói đến sự tinh tế của sự thấy và nghe, mà người này có thể thấy một vật mờ nhạt, hoặc nghe tiếng nhỏ hơn người kia; không phải vấn đề thị lực, mà là một khoảng rộng cảm nhận được.

Nếu ta dùng một lăng kính thật tốt, tạo ra một dãy quang phổ trên tờ giấy trắng, một số người đánh dấu lên giấy những điểm giới hạn của quang phổ mà họ có thể thấy được, chúng ta sẽ nhận thấy những năng lực thị giác của họ rất khác nhau. Người này thấy một khoảng màu tím xa hơn các màu khác; người kia thấy màu tím ít hơn những màu khác, trong khi họ nhận được một sự nới rộng ở đầu cuối màu đỏ. Chỉ có số ít có thể thấy ở cả hai đầu xa hơn bình thường, chúng ta gọi những người này là người nhạy cảm - thực sự họ dễ cảm nhận đối với một dãy lớn những rung động hơn hầu hết những người trong cùng thời.

Về phương diện nghe, sự khác nhau cũng có thể được trắc nghiệm bằng cách dùng một số âm thanh không quá cao đối với tai - ngay ven biên của khả năng thính giác - và người ta sẽ khám phá trong số những người tham dự, có bao nhiêu người có thể nghe được tiếng đó. Một trường hợp quen thuộc là tiếng kêu chít chít của loài dơi; thí nghiệm cho thấy rằng vào những buổi chiều mùa hè, cả bầu trời đầy tiếng kêu chát chúa, nhức nhối của giống thú nhỏ này, mà một số lớn người hoàn toàn không ý thức, và họ không nghe được gì cả.

Những thí dụ trên cho chúng ta thấy rõ những năng lực đáp ứng của con người không có giới hạn nhất định đối với những rung động của chất dĩ thái hoặc của không khí. Một số trong chúng ta đã phát triển năng lực này rộng hơn những người khác; và người ta cũng nhận thấy ở cùng một người, khả năng đáp ứng thay đổi tùy theo những cơ hội khác nhau. Từ đó chúng ta có thể dễ dàng suy ra rằng, người nào cũng có thể phát triển năng lực này; và khi đến lúc, họ có thể học được cách phát triển năng lực thấy những gì được xem như vô hình đối với người khác, và nghe được những gì mà người khác không nghe được. Chúng ta cũng biết rõ rằng, còn có một số những rung động mà người bình thường chưa nhận biết được, đang chờ đợi sự khám phá của chúng ta.

Những cuộc thử nghiệm với các tia Rontgen cho ra những kết quả đáng ngạc nhiên, khi đưa ra một số ít trong những rung động mà người bình thường không nhận biết được. Đến nay, có nhiều vật chất được xem như mờ tối, đã trở thành trong suốt đối với những tia này. Sự kiện này cho phép chúng ta có thể giải thích loại nhãn thông sơ đẳng, liên hệ đến cách đọc một bức thư bên trong cái hộp đậy kín, hoặc thấy được những vật hiện diện trong một căn phòng kế cận. Biết cách sử dụng tia Rontgen và có thêm vài dụng cụ thông thường khác, đủ để cho người nào cũng có thể thực hiện những trò ảo thuật.

Đến đây, chúng ta chỉ mới đề cập đến sự nới rộng các giác quan của thể xác. Chúng ta được biết thể phách là phần mịn hơn làm thành cái khuôn thể xác, tất cả những cơ quan cảm giác của con người chứa một số lớn chất dĩ thái với nhiều mức độ đậm đặc khác nhau; thực tế khả năng những cơ quan này còn tiềm ẩn trong hầu hết chúng ta; nếu chúng ta trì chí đeo đuổi theo con đường phát triển, thì những khả năng đó sẽ phơi bày trước mắt chúng ta.

Nhưng ngoài hai thể trên, chúng ta còn có hai thể khác nữa là thể vía và thể trí; theo tiến trình thời gian, mỗi thể sẽ được đánh thức và trở nên hoạt động, đến lượt nó sẽ ứng đáp với các rung động vật chất ở cõi riêng của nó. Từ đó hai thể này cung ứng như những dẫn thể cho linh hồn học hỏi, kinh nghiệm ở hai thế giới hoàn toàn mới lạ và rộng lớn về kiến thức và năng lực. Hai cõi này đang ở chung quanh chúng ta và tự do thấm nhập cõi này xuyên qua cõi kia. Đừng nghĩ rằng những cõi này tách rời và chất liệu tạo nên chúng hoàn toàn không liên kết nhau, thật ra chúng có vẻ như hòa tan lẫn nhau. Vùng thấp nhất của cõi trung giới tạo thành những dãy liên kết trực tiếp với vùng cao nhất của cõi trần, cũng như vùng thấp nhất cõi thượng giới tạo thành những dãy liên kết trực tiếp với vùng cao nhất của cõi trung giới. Chúng ta không thể xem vật chất cấu tạo nên các thể này như là loại vật chất mới lạ, phải xem chúng chỉ là loại vật chất bình thường của cõi trần nhưng được phân chia rất nhiều phần càng lúc càng thanh nhuyễn hơn, và sự rung động cũng nhanh hơn rất nhiều, do đó chúng có những điều kiện và đặc tính hoàn toàn mới lạ.

Như thế, những giác quan của chúng ta càng ngày càng phát triển vững chắc, và điều này không có gì là khó hiểu; với thị giác lẫn thính giác, chúng ta có thể nhận biết những rung động cao hơn rất nhiều và thấp hơn rất nhiều, so với những rung động mà chúng ta thường biết. Phần lớn các rung động thêm vào này vẫn thuộc cõi trần; chỉ vì chúng ta chưa đủ khả năng nhận sự cảm kích phần dĩ thái của cõi đó, nên hiện tại chúng giống như một quyển sách còn khép kín đối với chúng ta. Những rung động như thế vẫn có thể nhận được bởi võng mạc, dĩ nhiên chúng tác dụng lên chất dĩ thái nhiều hơn là lên vật chất nặng trược của võng mạc. Tuy nhiên chúng ta nên hiểu sự tác động này chỉ liên quan đến cơ quan chuyên biệt để tiếp nhận chúng, mà không phải trọn cả bề mặt của thể phách.

Trong vài trường hợp bất thường, những phần đặc biệt của thể phách, có thể đáp ứng với các rung động phụ trội này một cách bén nhạy hơn là đôi mắt. Sự bất thường này có thể được giải thích bằng nhiều cách khác nhau, nhưng phần chính là do sự phát triển từng phần của thể vía, vì người ta tìm thấy các phần nhạy cảm của thể đó, gần như luôn luôn tương ứng với một trong những luân xa, tức trung tâm sinh lực của thể vía. Mặc dù trong trường hợp tâm thức thể vía chưa khai mở, các trung tâm này chưa linh hoạt ở cõi riêng của chúng, chúng vẫn đủ mạnh để kích thích sự tác động sắc bén của chất dĩ thái mà chúng thấm nhập xuyên suốt.

Khi chúng ta nghiên cứu các giác quan của thể vía bằng những phương pháp khác nhau, chúng ta nhận thấy thể vía không có các cơ quan cảm xúc chuyên biệt. Có lẽ sự kiện này cần phải giải thích thêm, vì khi cố gắng tìm hiểu về sinh lý học của thể vía, dường như nhiều học viên cảm thấy khó chấp nhận những điều đã được trình bày. Chất liệu thể vía thâm nhập một cách hoàn toàn trong thể xác, như vậy phải có sự tương đồng chính xác giữa hai vận cụ này, và mỗi vật hữu hình đều có một thể vía kèm theo.

Những điều trình bày trên rất chính xác, tuy nhiên những người bình thường chưa khai mở nhãn quan cõi trung giới có thể hiểu lầm. Mỗi chất liệu ở cõi vật chất đều có một chất liệu cõi trung giới, theo thứ tự kết hợp chặt chẽ với nó, không tách rời khỏi nó, ngoại trừ do tác động mạnh của một lực huyền bí; chỉ trong trường hợp này, hai thể tách rời nhau cho đến khi lực tác động chấm dứt. Tuy nhiên trong mọi trường hợp, các phần tử chất liệu cõi trung giới kết hợp với nhau rất lỏng lẻo, so với các phần tử tương ứng của cõi trần.

Thí dụ, trong một thanh sắt, chúng ta có một khối những phân tử cõi vật chất trong trạng thái đặc, có thể nói rằng những vị trí tương đối của những phân tử này thay đổi rất ít, mặc dù mỗi phân tử rung động cực nhanh trong phạm vi riêng của nó. Phần tương ứng ở cõi trung giới của thanh sắt gồm có cái mà chúng ta thường gọi là chất đặc của cõi trung giới, đó là chất liệu của cảnh thấp nhất và nặng trược nhất của cõi trung giới. Tuy thuộc cảnh thấp nhất cõi trung giới, nhưng những phần tử của nó thay đổi vị trí tương đối rất nhanh và liên tục, những phần tử này di chuyển dễ dàng như sự di chuyển của những phần tử trong chất lỏng ở cõi trần. Như thế, không có sự liên hệ cố định giữa bất cứ một phần tử nào ở cõi vật chất với những chất liệu cõi trung giới, trong lúc chúng tác động như một thể tương ứng đối với vật thể cõi trần.

Điều này cũng đúng đối với thể vía con người, chúng ta có thể xem như nó gồm hai phần: một phần kết tụ đậm đặc chiếm cùng một vị trí với thể xác, một vùng chất liệu trung giới thưa thớt, như đám mây bao chung quanh phần đậm đặc. Trong cả hai phần này và ở giữa chúng, những phần tử vận chuyển thật nhanh. Khi nhìn sự vận chuyển của các phân tử trong thể vía, chúng ta thấy giống hình ảnh nước đang sôi sùng sục

Điều này làm cho chúng ta hiểu rằng, mỗi cơ quan của thể xác, đều luôn luôn có một cơ quan tương ứng được tạo nên do những chất liệu cõi trung giới; và cơ quan tương ứng này không duy trì cùng những phần tử chất liệu cõi trung giới lâu hơn vài giây đồng hồ. Do đó không có chất liệu trung giới tương ứng chuyên biệt đối với chất liệu tạo nên thần kinh thị giác và thính giác, cũng như những cơ quan khác. Như thế, dù mắt và tai của thể xác luôn luôn có bộ phận tương ứng bằng chất liệu cõi trung giới, nhưng phần chất liệu cõi trung giới đặc biệt này có khả năng đáp ứng những rung động của thị giác hay thính giác trung giới, không hơn không kém những phần chất liệu khác của thể vía.

Được biết, chúng ta thường dùng những từ ngữ “thị giác thể vía” hoặc “thính giác thể vía” cho dễ hiểu; thật ra chúng ta chỉ muốn diễn tả khả năng đáp ứng với các rung động, đưa đến ý thức con người, khi họ đang hoạt động trong thể vía, tương đương với những dữ kiện cùng đặc tính do mắt và tai chuyển đến họ khi họ đang ở trong thể xác. Nhưng trong điều kiện hoàn toàn khác của cõi trung giới, không cần có những cơ quan chuyên biệt hoá để đạt được kết quả này. Mỗi phần của thể vía, đều có chất liệu có khả năng đáp ứng như nhau; do đó khi một người hoạt động trong thể vía, họ có thể thấy rõ đồ vật ở sau lưng, ở dưới, ở trên mà không cần xoay đầu nhìn lại.

Còn một điểm khác nữa, nếu không đề cập đến thật là thiếu sót, đó là vấn đề luân xa. Những học giả Thông Thiên Học từng quen với ý niệm về sự hiện hữu của những trung tâm lực trong thể vía và thể phách của con người; những trung tâm lực này đến lúc sẽ được luồng hoả xà linh thiêng (sacred serpent – fire) làm cho sinh động khi con người tiến hoá cao hơn. Những trung tâm lực này không giống những cơ quan theo nghĩa thông thường, vì không phải xuyên qua chúng con người thấy và nghe như đối với mắt và tai của thể xác. Tuy nhiên, năng lực cảm giác của thể vía tùy thuộc rất nhiều vào sự sinh động của những trung tâm lực này; mỗi trung tâm lực khi được khai mở, sẽ làm cho cả thể vía có khả năng đáp ứng với một loạt những rung động mới.

Tuy nhiên, không có bất cứ một kết hợp nào thường trực của các chất thể vía vào những trung tâm lực này. Chúng chỉ là các vòng xoáy của chất thể vía, tất cả những phần tử của chất thể vía đều lần lượt tuôn tràn qua những trung tâm ấy, có lẽ đó là những điểm mà năng lực cao hơn từ những cõi trên tiếp xúc với thể vía. Cách diễn tả này chỉ cho chúng ta một phần ý niệm về hình dáng của chúng, vì chúng là những luồng xoáy có bốn chiều đo, như vậy khó biết được lực đi xuyên qua chúng xuất phát từ đâu. Nhưng bất cứ trường hợp nào, tất cả các phần tử đều lần lượt đi xuyên qua mỗi trung tâm lực, như thế cũng dễ hiểu là mỗi trung tâm lực có thể gợi nên năng lực tiếp nhận của tất cả những phần tử thể vía đối với một số những rung động, vậy tất cả những phần tử của thể vía đều hoạt động đồng đều như những giác quan.

Vấn đề thị giác của cõi trí lại hoàn toàn khác hẳn, vì trong trường hợp này không có những giác quan riêng biệt như thị giác và thính giác, mà chỉ có một giác quan tổng quát có thể đáp ứng hoàn toàn những rung động đến với nó. Nếu bất cứ vật gì xuất hiện trong vòng nhận thức của thể trí, nó lập tức hiểu biết trọn vẹn vật đó; khi ấy thể trí thấy, nghe, cảm nhận và hiểu biết tất cả về vật đó do một tác động nhanh như chớp. Tuy nhiên, quan năng tuyệt diệu này, chỉ khác với quan năng mà hiện tại chúng ta đang sử dụng về cấp độ chớ không khác về loại; ở cõi thượng giới, cũng giống như ở cõi trần, nhờ những rung động mà những ấn tượng được truyền đi từ sự vật đến chủ thể tiếp nhận.

Trên cõi bồ đề, lần đầu tiên chúng ta tiếp xúc với một quan năng hoàn toàn mới, không giống với những quan năng mà chúng ta đã nói, ở đây người ta nhận thức bất cứ sự vật gì nhờ một cách thức hoàn toàn khác hẳn, không do sự rung động từ bên ngoài. Vật bị quan sát trở nên một thành phần của chính người quan sát, và người quan sát nghiên cứu vật ấy từ bên trong, thay vì từ bên ngoài. Năng lực này không có liên hệ gì đến nhãn thông.

Sự khai mở toàn phần hoặc từng phần của bất cứ một trong các quan năng này, đều được chúng ta gọi là nhãn thông, là năng lực nhận thấy những gì mà thị giác thường của thể xác không nhìn thấy được. Nhưng các quan năng này có thể được khai mở bằng nhiều cách khác nhau, đề cập một ít về những đường lối khác nhau này cũng không phải là vô ích.

Thí dụ một người có thể tiến hóa trong tình trạng cô lập đối với tất cả, ngoại trừ những ảnh hưởng tốt nhất từ ngoại giới, và từ đầu họ phát triển theo đường lối thông thường một cách hoàn hảo, những giác quan của người ấy cũng sẽ được khai mở theo một trình tự bình thường. Những giác quan thể xác của họ sẽ lần lần nới rộng phạm vi, cho đến lúc chúng đáp ứng được với tất cả những rung động của vật chất, rồi đến chất dĩ thái. Như vậy, thứ tự tiếp theo là trở nên nhạy cảm hơn đối với phần thô kệch của cõi trung giới, rồi đến phần thanh nhẹ hơn; cho đến khi đúng lúc đến lượt quan năng của cõi trí bắt đầu phát triển.

Tuy nhiên trên thực tế, sự khai mở đều đặn như thế ít khi xảy ra. Có những người đôi khi lóe lên tâm thức cõi trung giới, mà thị giác thể phách vẫn chưa được đánh thức. Sự phát triển không đều đặn là một trong những nguyên nhân chính, làm cho con người phải chịu trách nhiệm một cách bất thường về sự sai lầm của năng lực nhãn thông - một trách nhiệm không thể tránh khỏi, ngoại trừ người ấy phải được huấn luyện cẩn thận lâu dài dưới sự hướng dẫn của một bậc thầy có khả năng.

Những học giả Thông Thiên Học đều biết có sự hiện hữu của những bậc thầy như thế, ngay trong thế kỷ 19 của chủ nghĩa duy vật này, lời nói của người xưa vẫn còn là chân lý, “khi đệ tử đã sẵn sàng, thì Chân Sư cũng sẵn sàng,” và “khi có thể bước vào phòng học tập, đệ tử sẽ luôn luôn tìm thấy Chân Sư.”Họ cũng hiểu rõ rằng, chỉ dưới sự hướng dẫn như thế, một người mới có thể khai mở các năng lực tiềm tàng một cách an toàn và chắc chắn. Vì một người khai mở khả năng nhãn thông mà chưa được huấn luyện, chính họ dễ bị lừa phỉnh về ý nghĩa và giá trị của những điều mà họ thấy, cũng như cái thấy của họ hoàn toàn bị lệch lạc, khi đem nó về tâm thức thể xác.

Ngay khi người đệ tử tiếp nhận được giáo huấn về những khả năng huyền bí, cũng không chắc là họ sẽ khai mở đúng theo thứ tự lý tưởng như đã được gợi ý ở trên; do tình trạng tiến bộ lúc trước chưa đủ để họ có thể thành đạt dễ dàng. Nhưng bất cứ trường hợp nào, khi được một vị thầy có đầy đủ khả năng hướng dẫn, người đệ tử hoàn toàn yên tâm về sự phát triển tâm linh sẽ tiến triển theo đường lối tốt nhất đối với họ. Một điều ích lợi lớn khác, là người đệ tử có thể điều khiển những quan năng mà họ hoạch đắc được; cũng như họ có thể sử dụng chúng hoàn toàn và thường xuyên, khi họ cần cho công việc phụng sự Minh Triết Thiêng Liêng. Trái lại trong trường hợp người chưa được huấn luyện, những năng lực như thế thường chỉ biểu lộ từng phần và không liên tục, lúc có, lúc không theo cảm hứng riêng của chúng.

Nhiều người đưa lý do bài bác rằng, nếu quan năng nhãn thông như đã nói là một phần của sự khai mở huyền bí con người, và là dấu hiệu của một sự tiến bộ nào đó; như thế có vẻ hơi kỳ lạ, vì quyền năng đó thường được sở hữu bởi những người sơ khai, hoặc bởi người thiếu học vấn và kém văn hoá trong giống dân chúng ta, lẽ dĩ nhiên, dù trên quan điểm nào họ cũng là những người kém tiến hóa. Mới nhìn thoáng qua thì sự kiện có vẻ như vậy, nhưng thật ra sự nhạy cảm của người hoang dã hay của người dốt nát thô lỗ ở Âu Châukhông phát triển cùng một cách thức, và cũng không giống với quan năng của người được huấn luyện đúng cách.

Nếu giải thích chi tiết chính xác về sự khác nhau, chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề kỹ thuật khó hiểu hơn, vì thế chúng ta chỉ đưa ra ý kiến tổng quát để phân biệt giữa hai điều này, rút ra từ một thí dụ về khả năng nhãn thông ở cảnh thấp nhất, liên hệ trực tiếp đến cõi vật chất. Trong con người, thể phách liên hệ rất chặt chẽ với hệ thần kinh, và bất cứ tác động nào lên phần này cũng sẽ nhanh chóng gây phản ứng lên phần kia. Hiện nay, dù ở Trung Phi hay Âu Tây, cũng có xuất hiện rải rác những người hoang dã có thị giác thể phách; người ta quan sát thấy rằng ở hầu hết những người này đều có sự rối loạn trong hệ thần kinh giao cảm, và sự hoạt động của khả năng này ngoài tầm kiểm soát của họ. Thật ra đó là một thứ cảm giác toàn khối không rõ ràng, thuộc về toàn cả thể phách, hơn là một nhận thức cảm giác xác định chính xác qua một cơ quan chuyên biệt hóa.

Ở những giống dân về sau, cũng như ở những người tiến hóa cao, năng lực của con người tập trung nhiều hơn vào sự phát triển những khả năng trí tuệ, sự nhạy cảm lờ mờ này thường sẽ biến mất. Nhưng về sau, khi con người bắt đầu khai mở khả năng tâm linh, họ phục hồi lại khả năng nhãn thông. Tuy nhiên, lần này đó là một khả năng chính xác và rõ ràng, đặt dưới sự kiểm soát của ý chí con người, và tác động xuyên qua một cơ quan cảm giác xác định; một điều đáng ghi nhận là bất cứ một tác động nào của thần kinh liên hệ giao cảm với nó, giờ đây gần như hoàn toàn thuộc về hệ thần kinh não tuỷ.

Bà Besant đã viết về vấn đề này như sau: “Hình thức tâm linh thấp thường được thấy ở loài thú cũng như ở loài người rất kém trí khôn, và rất ít khi có ở những người mà trí khôn đã phát triển nhiều. Những năng lực tâm linh thấp này hình như chỉ liên hệ với hệ thần kinh giao cảm mà không liên hệ thần kinh não tuỷ. Những tế bào hạch to lớn của hệ thần kinh giao cảm chứa một tỷ lệ rất lớn chất dĩ thái, do đó chúng dễ bị ảnh hưởng bởi những rung động thô kệch của cõi trung giới, hơn là những tế bào chứa ít chất dĩ thái. Khi hệ thần kinh não tủy nẩy nở nhiều, và não bộ phát triển hơn, hệ thần kinh giao cảm trở về vị trí phụ thuộc, và sự nhạy cảm đối với những rung động tâm linh bị các rung động mạnh và linh hoạt hơn của hệ thần kinh não tủy chế ngự. Đúng là ở giai đoạn sau này của sự tiến hoá, sự nhạy cảm tâm linh tái xuất hiện, nhưng nó phát triển liên hợp với các trung tâm thần kinh não tuỷ, và do ý chí kiểm soát. Nhưng chúng ta thấy có rất nhiều trường hợp đáng thương, khả năng tâm linh bị kích động quá độ và bất thường, những trường hợp này do não bộ phát triển chưa đủ và hệ thống thần kinh giao cảm vẫn còn chiếm ưu thế.”

Tuy nhiên, ở một vài người có văn hóa cao và có tư tưởng hướng về vấn đề tinh thần, đôi khi có những tia sáng thấu thị, mặc dù họ chưa bao giờ được nghe hoặc được huấn luyện để khai mở khả năng ấy. Trong trường hợp đó, sự thoáng thấy của họ chứng tỏ rằng họ đã đến giai đoạn tiến hoá sẵn sàng để những năng lực này bắt đầu tự biểu lộ một cách tự nhiên. Sự xuất hiện những năng lực như thế sẽ giúp kích thích thêm cho họ cố gắng duy trì tiêu chuẩn đạo đức cao và trong sạch, cũng như sự quân bình về tinh thần; nếu không đạt được những điều kiện này, nhãn thông chỉ là một sự nguyền rủa chớ không phải là một ân phúc cho người sở hữu nó.

Có nhiều giai đoạn trung gian giữa những người hoàn toàn không nhạy cảm đối với vấn đề tâm linh, và những người đã phát triển đầy đủ năng lực nhãn thông. Một trường hợp đáng chú ý là có những người chưa phát triển khả năng nhãn thông, nhưng họ biểu lộ một số khả năng tâm linh dưới ảnh hưởng của thuật thôi miên. Ở những người này, bản chất tâm linh đã nhạy cảm, nhưng tâm thức của họ chưa đủ khả năng tác động trong đời sống vật chất còn nhiều rối ren. Tâm trí người ấy cần phải được tự do, gián đoạn tạm thời với những giác quan bên ngoài, trong trạng thái xuất thần do thôi miên, khi ấy họ có thể sử dụng quan năng tiên đoán vừa bắt đầu nẩy nở bên trong. Dĩ nhiên trong trạng thái xuất thần do thôi miên, cũng có vô số mức độ sáng suốt khác nhau; từ một người bình thường, không chút gì thông minh, đến người hoàn toàn kiểm soát được năng lực thị giác và có thể hướng nó đến bất cứ nơi nào họ muốn. Ở một giai đoạn cao hơn, khi tâm thức được tự do thoát khỏi sự kềm chế của nhà thôi miên, họ đạt đến những vùng thị giác rất cao ngoài giới hạn hiểu biết của họ.

Bước phát triển kế tiếp là lúc con người có thể chế ngự hoàn toàn thể xác, như lúc xuất thần mà không cần đến thuật thôi miên. Ở giai đoạn này, năng lực thị giác phi thường tuy không biểu lộ trong lúc thức tỉnh, nhưng trở nên linh hoạt trong giấc ngủ bình thường của thể xác. Sách vở có nói nhiều về những nhà tiên tri và linh thị, họ là người được “Thượng Đế mặc khải trong giấc mơ,” hoặc họ trò chuyện với các vị cao cả trong đêm tĩnh mịch.

Hầu hết những người có văn hóa cao của các giống dân tiến hoá trên thế gian, đều phát triển đến một mức độ nào đó về khả năng này; có nghĩa là những giác quan thể vía của họ hoạt động đầy đủ, có khả năng tiếp nhận một cách hoàn hảo ảnh hưởng từ những đối tượng và thực thể trên cõi riêng của chúng. Nhưng muốn sử dụng những khả năng ấy trong khi sinh hoạt bằng thể xác ở cõi trần, thường cần phải có hai sự thay đổi: thứ nhất, linh hồn (Ego) cần được đánh thức để nhận biết thực tại ở cõi trung giới; tâm thức phải thoát ra khỏi vỏ kén tạo nên bởi những tư tưởng trong lúc thức của chính họ để nhìn xem xung quanh, quan sát và học hỏi; thứ nhì, tâm thức của họ phải được duy trì, khi linh hồn quay về thể xác, gây ấn tượng lên não bộ để nó có thể nhớ lại những gì đã thấy và học hỏi. Sự thay đổi thứ nhất quan trọng hơn sự thay đổi thứ hai, vì linh hồn, tức con người thật, có được lợi ích do thu thập những sự kiện trên cõi đó, mặc dù họ có thể không được thỏa mãn do sự không nhớ lại được những gì đã trải qua trong giấc ngủ của xác thân.

Nhiều học giả thường hỏi: đầu tiên quan năng nhãn thông này sẽ được biểu lộ trong họ như thế nào? Làm sao họ có thể biết được khi họ đạt tới giai đoạn bắt đầu thấy lờ mờ các điều báo trước? Có sự khác biệt rất nhiều giữa các trường hợp, vì thế chúng ta không thể đưa ra bất cứ câu trả lời chung nào cho vấn đề này.

Có một số người bắt đầu bằng cách đắm chìm trong ảnh hưởng của một vài loại kích thích bất thường, để có được một thứ thị giác xuyên thấu nào đó; trong trường hợp này, chủ thể tư tưởng thường nhận ra rằng họ chỉ là nạn nhân của ảo giác. Một số người khác bắt đầu bằng sự nhận thấy một cách gián đoạn, từng lúc những màu sắc chói sáng và những rung động của hào quang con người. Có những người thường thấy và nghe những điều mà những người chung quanh không nghe thấy gì cả. Cũng có những người thấy các vẻ mặt, phong cảnh hay các đám mây đầy màu sắc trôi nổi bềnh bồng trước mắt họ trong bóng tối, trước khi họ chìm vào giấc ngủ. Có lẽ kinh nghiệm thông thường nhất của phần đông, là bắt đầu nhớ lại càng ngày càng rõ ràng hơn những sự việc mà họ đã thấy và nghe trên các cõi khác trong lúc ngủ.

Chúng ta đã có một hướng nhìn khá rõ ràng, bây giờ chúng ta có thể tiến hành khảo sát các hiện tượng nhãn thông khác nhau.

Các hiện tượng này rất khác biệt nhau, cả về phương diện đặc tính lẫn mức độ, thật không dễ dàng phân loại nhãn thông một cách hoàn hảo. Thí dụ, chúng ta có thể sắp xếp chúng tuỳ theo loại thị giác được sử dụng, có thể là thị giác thuộc thể trí, thể vía hay chỉ là của thể phách. Chúng ta có thể phân chia tuỳ theo năng lực của người có nhãn thông: họ đã được huấn luyện, hay chưa được huấn luyện; đó là nhãn quan thường xuyên và điều khiển được hoàn toàn, hay chỉ là sự thấy không liên tục và không do ý chí kiểm soát; nhãn quan ấy chỉ có thể thực hiện dưới ảnh hưởng của thôi miên, hay không cần sự trợ giúp của thuật thôi miên; họ có thể sử dụng khả năng này trong lúc thể xác thức tỉnh, hay chỉ có được nó khi thể xác chìm đắm trong giấc ngủ, hoặc trong trạng thái xuất thần.

Tất cả những sự phân biệt này đều quan trọng mà chúng ta phải để ý đến, trong khi tiếp tục khảo sát vấn đề, nhưng trên phương diện toàn thể, chúng ta có thể theo cách sắp xếp thực dụng nhất mà ông Sinnett đã chọn qua tác phẩm của ông “Tính chất hợp lý của thuật thôi miên”, đó là quyển sách mà tất cả nghiên cứu sinh về nhãn thông cần phải đọc. Như vậy, trong khi nghiên cứu hiện tượng đó, chúng ta sẽ sắp xếp chúng theo khả năng nhãn thông được sử dụng hơn là theo cõi mà người có nhãn thông đạt được, do đó chúng ta có thể sắp nhóm các trường hợp nhãn thông theo những tiết mục như sau:

1. Nhãn thông đơn giản: người mở được khả năng nhãn thông này có thể thấy được những thực thể thuộc thể vía hay thể phách ở chung quanh họ, nhưng họ không có khả năng quan sát những nơi chốn hoặc những cảnh tượng xảy ra ở những thời điểm khác hơn hiện tại.

2. Nhãn thông trong không gian: khả năng thấy được những cảnh tượng hay biến cố xảy ra ở cách xa trong không gian; dù cảnh tượng ấy ở một khoảng cách rất xa mà sự quan sát bình thường không thể nhận thấy, hoặc bị che khuất bởi những vật chắn ngang.

3. Nhãn thông trong thời gian: khả năng thấy những vật hay biến cố xảy ra không phải trong hiện tại, mà là những sự việc xảy ra trong quá khứ hoặc tương lai.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top