thoi tran nhung dieu thu vi

Put your story text here...Nhà Trần-Những điều thú vị

Nhà Trần-Những điều thú vị

Năm 1225 nhà Trần được lập nên. Xuất thân từ những người làm nghề chài lưới, con cháu nhà Trần từ phận "ngư, tiều" một nước tiến lên hàng "công, khanh" tạo nên một trong những triều đại huy hoàng nhất lịch sử Việt Nam. Với 175 năm tồn tại xung quanh triều đại này có một số vấn đề lưu ý:

Không làm vua nhưng là Thái thượng hoàng đầu tiên

Tháng 12 năm Ất Dậu (1225) Trần Cảnh được vợ là vua Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi, trở thành vua đầu tiên của nhà Trần, tức Trần Thái Tông. Cha Trần Cảnh là Trần Thừa chưa một ngày làm vua nhưng được Thái sư Trần Thủ Độ sắp xếp làm Thái thượng hoàng giúp vua con trị nước. Ông là Thái thượng hoàng đầu tiên của nhà Trần và của chế độ phong kiến Việt Nam. Khi mất đi Trần Thừa được con phong là Thái Tổ, nghiễm nhiên như "vua" sáng nghiệp nhà Trần dù chưa an tọa ở bệ rồng bao giờ.

Hai người tài trong một bộ Tam khôi

Khoa thi Hội năm 1247 đời Trần Thái Tông, trong hàng Tam khôi có Trạng nguyên Nguyễn Hiền 13 tuổi, Bảng nhãn Lê Văn Hưu 18 tuổi, Thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi. Đây là khoa thi mở đầu học vị Tam khôi của khoa bảng Việt Nam và là khoa thi hàng Tam khôi có ba người trẻ tuổi nhất. Đặc biệt Trạng nguyên Nguyễn Hiền (1234-?) là trạng nguyên trẻ nhất trong các trạng nguyên cổ kim đất Việt. Còn Lê Văn Hưu được sử ghi danh là nhà sử học đầu tiên của nước Nam với công trình Đại Việt sử ký năm 1272.

Kết hôn... kì cục

-Cuộc kết hôn của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh là cuộc hôn nhân trẻ thơ nhất Việt Nam. Thường thì "nữ thập tam, nam thập lục" có thể hôn phối, nhưng lúc đó đôi trẻ này đều ở tuổi lên 7 (cùng sinh năm 1218). Thật là một cuộc tảo hôn.

-Tháng 8 năm Bính Tuất (1226) Thái sư Trần Thủ Độ và cựu Hoàng hậu nhà Lý Trần Thị Dung cưới nhau. Vốn Trần Thủ Độ là con chú, Trần Thị Dung là con bác, theo lý Trần Thủ Độ gọi Trần Thị Dung là chị, nhưng hai chị em lại có tình ý với nhau tuổi thanh xuân nên sau khi nhà Lý đổ, vua Lý Huệ Tông chồng Trần Thị Dung mất, mối lương duyên thuở xưa mới được "cạp" lại.

-Công chúa Phật Kim (tức Lý Chiêu Hoàng) lấy Trần Cảnh đã lâu không có con nối dõi. Năm 1237 Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh lấy công chúa Thuận Thiên vợ Trần Liễu làm vợ. Oái oăm ở chỗ Thuận Thiên là chị ruột Phật Kim và Trần Liễu là anh ruột Trần Cảnh. Xét hai bề Trần Cảnh lại lấy người vừa là chị vợ, vừa là chị dâu của mình. Thật trái luân thường.

Dùng tiền giấy đầu tiên

Theo Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Mùa hạ, tháng 4, bắt đầu phát hành tiền giấy Thông bảo hội sao". Việc này diễn ra năm 1396 đời vua Trần Thuận Tông. Tiền giấy Thông bảo hội sao có 7 loại mệnh giá từ 10 đồng đến 1 quan. Triều Trần là triều đại đầu tiên cho dùng tiền giấy ở Việt Nam và Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới sau nhà Minh (1368-1644) Trung Quốc dùng tiền giấy .

Sính lễ cưới sang nhất

Theo lệ dân gian lễ cưới xin có cau trầu, lợn béo, gà to, tiền cheo... nhưng bậc vua chúa kết hôn thì sính lễ trên chẵng bõ bèn gì. Xem cuộc lương duyên xuyên quốc gia của vua Chămpa Chế Mân với công chúa Huyền Trân nhà Trần đủ rõ. Năm Bính Ngọ (1306) ngoài lẽ vật dạm hỏi gồm hương liệu qúy, vàng bạc, châu báu... vua Chế Mân hào phóng cắt luôn hai châu Ô, Lý (tương ứng vùng đất Bắc Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế nay) để có được công chúa cành vàng lá ngọc. Một cuộc hôn nhân quá lời cho nhà Trần, được rể qúy lại kéo dài được lãnh thổ về Nam.

Chống giặc mạnh nhất

Trong thời gian tồn tại của mình, nhà Trần 3 lần liên tiếp đối mặt với vó ngựa Mông-Nguyên, một đội quân xâm lược bất khả xâm phạm lúc bấy giờ, vó ngựa của họ ruổi đến đâu cỏ không mọc được đến đó. Lần lượt vùng Trung Á, đất Ba Tư đến Bắc Âu rồi nước Kim, Hạ, Tống cúi rạp thần phục. Nhưng đội quân là nỗi khiếp đảm của bất cứ quốc gia nào, đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc đó lại dừng bước, bất lực trước một Đại Việt nhỏ bé như "cái đấu" mà kiên cường thời Trần với 3 lần kháng chiến toàn thắng vang dội: 1258, 1285, 1288. Chiến thắng của Đại Việt trước hết là chiến thắng của chiến tranh nhân dân, của cách đánh "thanh dã" (vườn không nhà trống) sáng tạo, của kế sách "lấy đoản binh chế trường trận"...

Nhiều quân sĩ khắc chữ lên cánh tay nhất

Để tỏ rõ ý chí giết giặc, năm 1285 quan quân nhà Trần tất thảy đều thích lên cánh tay hai chữ "Sát Thát" (giết quân Thát Đát-tức quân Mông Cổ). Sử cũ còn chép lại: "Ngày 12, quân giặc đánh Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn, bắt được nhiều quân ta, thấy người nào cũng thích hai chữ "Sát Thát"" bằng mực vào cánh tay, tức lắm, giết hết" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #longkk