Chương 1
Tặng con trai tôi
Gần cửa sổ, trong một gian phòng chật hẹp tranh tối tranh sáng, bố tôi mặc quần áo trắng toát nằm trên sàn. Thân hình bố tôi dài lạ thường, ngón chân xoè ra nom rất kỳ quái: hai bàn tay dịu dàng đặt yên trên ngực, nhưng ngón tay thì co quắp. Hai đồng xu đen tròn bằng đồng che kín cặp mắt tươi vui của bố tôi: khuôn mặt ấy vẫn hiền từ, nay tối sầm lại. Hai hàm răng nhe ra làm tôi sợ hãi.
Mẹ tôi mặc chiếc váy đỏ, chiếc áo hở ngực, quỳ bên cạnh và lấy chiếc lược đen, mà tôi vẫn thích dùng để cứa vỏ dưa hấu, chải mái tóc dài và mềm mại của bố tôi từ phía trán ra sau gáy. Mẹ tôi nói liên tục, giọng trầm trầm khàn khàn. Cặp mắt xám của mẹ tôi sưng húp và như tan ra thành những giọt nước mắt lớn chảy ròng ròng.
Bà tôi giữ lấy tôi. Bà tôi người béo tròn, cái đầu lớn, cặp mắt rất to và chiếc mũi xôm xốp nom rất buồn cười; bà tôi mặc toàn đồ đen trông mềm dịu đến hay. Bà tôi cũng khóc, tiếng khóc nức nở lạ lùng, trầm bổng như hòa theo những lời than vãn của mẹ tôi. Toàn thân run run, bà tôi kéo tôi và đẩy lại gần chỗ bố tôi. Nhưng tôi cưỡng lại và nấp sau lưng bà, tôi vừa sợ hãi vừa lúng túng.
Chưa bao giờ tôi nhìn thấy người lớn khóc và tôi không sao hiểu được những lời bà tôi nhắc đi nhắc lại:
-Cháu từ biệt bố cháu đi, không bao giờ cháu được thấy bố cháu nữa đâu, tội nghiệp, bố cháu chết sớm quá, chưa phải lúc.
Tôi bị ốm nặng, vừa mới dậy. Trong lúc tôi ốm- tôi còn nhớ rất rõ- bố tôi nô đùa với tôi rất vui vẻ, sau đó bỗng nhiên bố tôi biến đâu mất, và bà ngoại tôi, con người kỳ lạ ấy, đã thay thế bố tôi.
-Bà đi từ đâu đến thế? -Tôi hỏi bà tôi.
Bà đáp :
-Từ phía trên, từ Nijni đến. Bà không đi bộ, mà đi tàu thuỷ đến! Người ta không thể đi bộ trên mặt nước được, ông mãnh ạ!
Câu trả lời đó thật là buồn cười và khó hiểu. Ở trên nhà này chỉ có mấy người Ba Tư rậm râu và tóc nhuộm, còn ở dưới hầm nhà thì có một ông lão da vàng người Kalmuck làm nghề bán da cừu. Từ trên có thể cưỡi tay vịn cầu thang trượt xuống, hoặc nếu có ngã thì lộn nhào ở cầu thang- điều đó tôi biết rất rõ. Nhưng sao lại có chuyện đi trên mặt nước cơ chứ? Tất cả câu chuyện của bà tôi đều vô lý, đều lầm lẫn một cách ngộ nghĩnh.
-Thế tại sao cháu lại là ông mãnh?
-Tại cháu hay làm ồn lắm! - Bà tôi vừa nói vừa cười.
Tiếng bà tôi nói rất dịu dàng, vui vẻ và trầm bổng. Ngay từ ngày đầu tiên tôi đã thân với bà tôi, và ngay lúc này tôi cũng muốn bà tôi mau mau đưa tôi rời khỏi căn phòng này.
Tiếng khóc than và kêu gào của mẹ tôi làm tôi nôn nao và gây cho tôi một cảm giác lo âu mới. Lần đầu tiên tôi trông thấy mẹ tôi như thế. Mẹ tôi vốn rất nghiêm nghị, ít nói, người sạch sẽ, gọn gàng và to lớn như một con ngựa, mẹ tôi có thân hình rắn chắc và đôi cánh tay rất khỏe. Thế mà bây giờ không hiểu sao khắp người mẹ tôi lại sưng phồng lên nom đến khó coi, đầu tóc rối bù, áo quần tơi tả. Mớ tóc thường vẫn vấn gọn trên đầu như một cái mũ lớn vàng óng thì nay xổ xuống một bên vai trần, xõa xuống mặt, còn nửa kia tết thành bím thì cứ lúc la lúc lắc chạm vào khuôn mặt ngủ say của bố tôi. Tôi đứng trong phòng đã lâu, nhưng mẹ tôi không hề nhìn tôi; và vẫn vừa chải đầu cho bố tôi vừa rên rỉ nức nở.
Mấy người phu đào huyệt mặc toàn đồ đen và một tên cảnh sát ló đầu vào cửa phòng. Tên cảnh sát quát tháo, giọng giận dữ :
-Thu dọn nhanh lên!
Chiếc khăn san màu đen che cửa sổ phồng lên như một cánh buồm. Tôi bỗng nhớ tới một hôm bố tôi dẫn tôi đi bơi thuyền buồm. Chợt một tiếng sấm nổ vang. Bố tôi cười, kẹp chặt tôi vào hai đầu gối và kêu:
-Không sao cả, đừng sợ, Luke ạ!
Đột nhiên mẹ tôi nặng nề đứng lên, rồi lại khuỵu xuống, ngã vật ra, tóc xóa tung cả ra sàn. Khuôn mặt trắng trẻo, mờ lệ tái xanh đi và cũng nhe răng ra như bố tôi, mẹ tôi nói, giọng khiếp sợ:
-Đóng cửa lại! Dẫn thằng Alexis ra ngoài!
Bà tôi đẩy tôi ra rồi nhảy bổ ra cửa, mồm kêu to:
- Bà con thân mến, đừng sợ, cứ để mặc chúng tôi, bà con hãy đi đi, lạy Chúa tôi! Không phải dịch tả đâu, cháu nó sắp ở cữ đấy. Xin bà con hãy làm phúc làm đức cho nó!
Tôi nấp ở một góc tối, sau cái hòm và nhìn mẹ tôi lăn lộn trên sàn rên siết và nghiến răng ken két. Bà tôi lê vòng quanh, cách giọng dịu dàng và vui vẻ nói:
- Nhân danh Cha và Con! Varusha, con hãy cố chịu khó một tí! Lạy Đức Mẹ Rất Thánh che chở cho chúng con!
Tôi sợ quá. Mẹ tôi và bà bò lê trên sàn ngay bên cạnh bố tôi, đụng cả vào người bố tôi và rên rỉ ,gào thét, Còn bố tôi vẫn nằm im không động đậy và dường như đang cười gằn. Cảnh lồng lộn trên sàn ấy kéo dài khá lâu. Mấy lần mẹ tôi gượng đứng dậy, nhưng lại ngã quỵ xuống. Bà tôi lăn ra khỏi phòng giống như một quả bóng lớn màu đen và mềm nhũn. Sau đó đột nhiên trong bóng tối có tiếng trẻ con khóc thét lên.
-Sáng danh Chúa! -Bà tôi nói. - Con trai rồi!
Và bà châm một ngọn nến.
Sau đó chắc tôi ngủ thiếp đi ở góc nhà nên không nhớ gì nữa.
Ấn tượng thứ hai còn ghi lại trong trí nhớ tôi là một ngày mưa, tại một góc nghĩa địa hoang vắng. Tôi đứng ở một gò đất trơn, nhớp nháp và nhìn xuống cái huyệt trong đó người ta vừa hạ quan tài bố tôi xuống. Dưới đấy huyệt có nhiều nước và có cả ếch nhái nữa, hai con đã leo lên được chiếc nắp quan tài màu vàng.
Đứng bên cạnh huyệt có tôi, bà tôi, tên cảnh sát quần áo ướt sũng và hai người phu đào huyệt vẻ mặt bực tức, tay cầm xẻng. Những hạt mưa ấm và li ti như những hạt thủy tinh nhỏ rắc lên tất cả mọi người.
-Lấp huyệt lai! -Tên cảnh sát vừa ra lệnh vừa bỏ đi.
Bà tôi khóc òa lên, giấu mặt vào một góc khăn vuông. Hai người phu đào huyệt gò lưng trên chiếc xẻng bắt đầu vội vã hất đất vào huyệt, nước dưới huyệt kêu lõm bõm. Hai con nhái nhảy khỏi nắp quan tài và lao lên thành huyệt, nhưng những hòn đất lại gạt chúng ngã xuống dưới đáy.
-Đi thôi, Lenia. -Bà tôi vừa nói vừa nắm lấy vai tôi. Tôi vùng ra khỏi tay bà và không muốn rời khỏi nơi đây.
-Lạy Chúa, rõ thật là! -Bà tôi rền rĩ, không hiểu nói với tôi hay với Chúa. Bà tôi đứng im lặng rất lâu, đầu cúi gằm. Huyệt đã đầy đất, xong bà tôi vẫn còn đứng đó.
Hai người phu đào huyệt lấy xẻng đập thình thình vào mặt đất. Một luồng gió thổi tới xua tan và cuốn mưa đi. Bà tôi cầm tay tôi và dẫn đến ngôi nhà thờ ở phía xa giữa vô số thành giá đen sẫm.
-Tại sao cháu không khóc? -Bà tôi hỏi, khi chúng tôi bước ra khỏi bờ rào.-Giá cháu khóc một chút mới phải!
-Cháu không muốn khóc. -Tôi đáp.
-Thôi được, không muốn thì thôi cháu ạ! -Bà tôi khẽ nói.
Tất cả chuyện đó thật kỳ lạ: tôi rất ít khóc và chỉ khóc khi nào bực tức, chứ không bao giờ vì đau. Bố tôi luôn luôn chế nhạo những giọt nước mắt của tôi, còn mẹ tôi thường quát:
-Cấm không được khóc!
Sau cùng bà cháu tôi ngồi trên một chiếc xe ngựa nhỏ và đi dọc theo một đường phố rộng, nhưng rất bẩn, hai bên toàn những ngôi nhà đỏ sẫm. Tôi hỏi bà tôi:
-Thế lũ nhái ấy có bò ra được không hở bao?
-Không, bây giờ thì chúng không bỏ ra được.-Bà tôi đáp. - Chúa khắc phù hộ chúng nó!
Cả bố tôi lẫn mẹ tôi đều không hay nhắc đến tên chúa một cách tin tưởng thân mật như vậy.
*
Mấy ngày sau,tôi, bà tôi và mẹ tôi đi tàu thủy, Chúng tôi ngồi trong một buồng nhỏ. Đứa em mới đẻ của tôi là Maxim đã chết, nằm trên chiếc bàn trong góc phòng, xác bọc trong một mảnh vải trắng có thắt dây băng đỏ.
Tôi ngồi chót vót trên đống tay nải và hòm xiểng, nhìn qua chiếc cửa sổ lồi và tròn như mắt ngựa. Ở phía ngoài cửa kính ướt đẫm dòng nước sùi bọt đục ngầu chảy cuồn cuộn không ngớt. Thỉnh thoảng, một làn sóng lại chồm lên và liếm vào mặt kính. Tôi bất giác nhảy xuống sàn tàu.
-Đừng sợ! -Bà tôi nói và đưa đôi tay mềm mại khẽ nhấc tôi lên đống tay nải như cũ.
Làn sương mù màu xám và ẩm ướt bao phủ mặt nước. Xa xa, dải đất xẫm hiện ra rồi lại biến mất trong đám sương mù và nước. Mọi vật xung quanh tôi đều rung chuyển. Chỉ có mẹ tôi đứng yên không động đậy, hai tay để sau gáy, lưng tựa vào thành tàu. Khuôn mặt mẹ tôi sa sầm và đanh lại, cặp mắt nhắm nghiền. Mẹ tôi cứ đứng yên như vậy, không nói không rằng, dường như đã thay đổi hẳn, ngay cả chiếc áo dài mẹ tôi đang mặc cũng xa lạ đối với tôi.
Bà tôi nhiều lần khẽ bảo mẹ tôi:
-Varia, con cố ăn một chút gì đi chứ?
Mẹ tôi không trả lời và vẫn đứng yên không nhúc nhích.
Bà tôi chỉ nói thì thầm với tôi, họa hoằn nói với mẹ tôi thì to hơn, nhưng có phần nào thận trọng, rụt rè. Tôi thấy hình như bà tôi sợ mẹ tôi. Tôi hiểu điều đó, nhờ thế mà hai bà cháu càng gần gũi nhau hơn.
-Saratov kia rồi! - Đột nhiên mẹ tôi nói to, giọng bực tức.-Thuỷ thủ đâu rồi?
Đấy, những lời nói của mẹ tôi cũng kì lạ khó hiểu thế đấy.Saratov?Thuỷ thủ?
Một người đàn ông to lớn, tóc bạc, mặc quần áo xanh, bước vào,tay bưng một chiếc hòm con. Bà tôi đỡ lấy chiếc hòm và đặt xác em tôi vào đó.Rồi bà tôi giơ thẳng tay bê chiếc hòm ra cửa, nhưng người bà to béo quá, chỉ lách nghiêng mới có thể lọt qua được chiếc cửa hẹp của căn buồng nhỏ bé, nên bà cứ lúng ta lúng túng mãi trước cửa nom đến buồn cười.
-Ôi, mẹ! -Mẹ tôi kêu lên, đỡ lấy chiếc quan tài ở tay bà tôi, rồi cả hai người cùng biến mất. Tôi ở lại trong buồng một mình, chăm chú nhìn người đàn ông mặc quần áo xanh.
-Thế nào, em cháu đi mất rồi ư? -Người mặc quần áo xanh cúi xuống nhìn tôi và nói.
-Bác là ai?
-Thuỷ thủ.
-còn Saratov là ai?
-Là một thành phố. Nhìn qua cửa sổ mà xem, nó kia kìa!
Qua tấm cửa kính, tôi nhìn thấy một dải đất dường như đang di động. Dải đất màu sẫm và dốc tuột. Làn sương nhẹ tỏa lên, giống một khoanh bánh mì lớn vừa mới cắt từ một ổ bánh ra.
-Bà cháu đi đâu thế bác?
-Đi chôn em cháu.
-Đem chôn nó xuống đất hở bác?
-Chứ sao! Phải chôn đi.
Tôi kể cho bác thuỷ thủ nghe câu chuyện người ta đã chôn sống lũ nhái như thế nào lúc chôn cất bố tôi. Bác bế xốc tôi lên, ghì chặt vào người và hôn tôi:
-Chà,cháu chưa hiểu gì cả! -Bác nói. -Không nên thương hại lũ nhái ấy làm gì. Chúa khắc phù hộ chúng! Cháu hãy thương lấy mẹ cháu. Cháu thấy đấy, đau khổ đã làm cho mẹ cháu héo hon đi như thế đấy!
Tiếng còi tàu rúc, rít lên trên đầu chúng tôi. Tôi đã biết đấy là chiếc tàu thuỷ nên không sợ. Bác thủy thủ vội đặt tôi xuống sàn và vừa chạy ra ngoài vừa nói :
-Bác phải chạy đi đằng này một tí!
Tôi cũng muốn chạy theo. Tôi bước ra ngoài cửa. Ngoài hành lang hẹp tranh tối tranh sáng không có qua một bóng người. Gần cửa buồng có những bậc cầu thang nẹp đồng bóng nhoáng. Nhìn lên trên, tôi thấy một đám người xách bị và tay nải. Rõ ràng là tất cả mọi người sắp lên bờ, tôi cũng phải lên thôi.
Nhưng khi tôi len vào giữa đám đông ở cạnh thành tàu trước chiếc cầu bắc lên bờ, mọi người đều nhìn tôi kêu lên:
-Con cái nhà ai thế này? Mày con ai?
Không một ai biết.
Người ta xô đẩy tôi, lay tôi, sờ mó tôi hồi lâu. Cuối cùng bác thủy thủ tóc bạc chạy đến, túm lấy tôi và phân trần:
-Thằng bé này ở Astrakhan, nó ở buồng tàu chạy ra.
Bác bế tôi bước nhanh vào buồng, đặt tôi vào giữa đống tay nải rồi vừa đi ra, vừa giơ ngón tay lên dọa tôi:
-Liệu hồn đấy!
Tiếng ồn ào trên đầu mỗi lúc một nhỏ dần, chiếc tàu không lắc lư mạnh và không khuấy động trên mặt nước nữa. Cửa sổ căn buồng bị một bức thành ướt chắn mất. Trong buồng tối om, ngột ngạt, đống tay nải như phồng ra, éo lấy người tôi. Tất cả đều làm cho tôi khó chịu. Có lẽ người ta sẽ để một mình tôi ở lại vĩnh viễn trong chiếc tàu vắng ngắt này chăng?
Tôi lại gần cửa buồng. Cửa không mở được, tôi không làm cách nào xoay được quả đấm bằng đồng. Tôi cầm chai sữa đập mạnh vào quả đấm. Chiếc chai vỡ choang, sữa đổ tung tóe xuống chân tôi, chảy đầy cả vào đôi ủng.
Buồn rầu vì thất bại, tôi lên nằm trên đống tay nải, khóc ti tỉ và ngủ thiếp đi, mắt vẫn ướt lệ.
Khi tôi tỉnh dậy, chiếc tàu thủy lại khuấy động và lắc lư mạnh, cửa sổ căn buồng sáng rực như mặt trời. Bà tôi ngồi cạnh tôi, chải đầu và nhăn nhó, nói thì thầm cái gì nghe không rõ. Tóc bà tôi đen nhánh, ánh xanh, dày kì lạ, phủ kín cả hai vai, xõa xuống ngực, xuống đầu gối và rải ra sàn.
Một tay khẽ nâng mớ tóc trên sàn lên và ướm trên tay, bà tôi đưa một cách khó khăn chiếc lược thưa bằng gỗ vào mớ tóc dày. Bà tôi bĩu môi, cặp mắt đen long lanh lên đầy tức giận, và trong mớ tóc dày ấy, khuôn mặt bà trở nên bé nhỏ và buồn cười lạ.
Hôm nay bà tôi có vẻ dữ tợn, nhưng khi tôi hỏi tại sao tóc bà lại dày như vậy, bà tôi trả lời, giọng vẫn dịu dàng ấm áo như hôm qua:
-Có lẽ Chúa trừng phạt bà đấy. Tóc với tai chết tiệt ở đâu ấy, cứ thử chải nó mà xem! Hồi còn trẻ bà thích khoe khoang về cái bờm này, nhưng nay về già bà lại nguyền rủa nó! Cháu ngủ đi! Hãy còn sớm, mặt trời vừa mới mọc thôi.
-Cháu không buồn ngủ nữa!
-Thì thôi vậy. -Bà tôi bằng lòng ngày; và vừa tết tóc vừa nhìn về phía chiếc đi văng, nơi mẹ tôi đang nằm ngủ, mặt ngửa lên, người duỗi thẳng. -Hôm qua cháu đập vỡ chai sữa như thế nào? Kể khẽ cho bà nghe!
Tiếng nói của bà tôi đặc biệt trầm bổng, nghe như tiếng hát, nó khắc sâu vào trí nhớ tôi dễ dàng, như những đóa hoa, và cũng dịu dàng, rực rỡ đầy nhựa sống. Khi bà tôi mỉm cười, hau con ngươi đen sẫm như quả anh đào, nở ra, long lanh tia sáng dịu hiền khôn tả. Nụ cười để lộ ra hai hàm răng trắng ngần chắc chắn, và mặc dù trên đôi má ngăm ngăm đen đã có vô số nếp nhăn, khuôn mặt của bà tôi hình như vẫn tươi trẻ. Nhưng cái mũi xôm xốp có hai lỗ mũi phồng lên và cái chóp mũi đỏ đã làm cái khuôn mặt xấu đi khá nhiều. Bà tôi hít thuốc lá đựng trong cái hộp đen khảm bạc. Toàn thân bà đen sẫm, nhưng từ bên trong -qua đôi mắt -ánh lên những tia sáng ấm áp, tươi vui và không bao giờ tắt. Tuy lưng còng, gần như gù, và thân hình rất to béo, nhưng bà tôi đi lại nhẹ nhàng, nhanh nhẹn như một con mèo to, và cũng có vẻ dịu dàng mềm mại giống hệt như con vật dễ thương ấy.
Trước khi gặp bà tôi, tôi như người ngủ say, đắm chìm trong bóng tối; nhưng bà tôi xuất hiện, đã đánh thức tôi dậy và đưa tôi ra ngoài ánh sáng. Với một sợi dây vô tận, bà tôi nối tất cả mọi vật xung quanh tôi lại, đan thành một tấm đăng ten nhiều màu sắc, và lập tức trở thành người bạn thân thiết suốt đời tôi, một người gần gũi nhất với lòng tôi, một con người dễ hiểu nhất và yêu quý nhất. Tấm lòng yêu mến vô tư của bà tôi đối với mọi người đã làm cho tâm hồn tôi thêm phong phú, đã truyền sức mạnh không gù khuất phục nổi để tôi đương đầu với những ngày tháng gieo neo.
*
Bốn mươi năm về trước, tàu thủy chạy rất chậm, chúng tôi phải đi khá lâu mới tới Nijni. Tôi còn nhớ rất rõ những ngày đầu tiên vô cùng đẹp đẽ ấy.
Trời rất đẹp, suốt từ sáng đến tối, tôi với bà tôi đứng trên boong tàu, dưới bầu trời trong sáng, giữa đôi bờ sông Volga được mùa thu thêu nên một màu vàng óng, trông như hai dải lụa. Con tàu màu gạch tươi đi ngược dòng sông, bánh lái uể oải khuấy động mặt nước xanh sẫm. Con tàu kéo theo ở đầu sợi dây cáp dài một chiếc sà lan xám trông giống như con bọ đất. Mặt trời lững lờ di chuyển trên sông Volga; cảnh vật xung quanh giống như những nếp gấp lộng lẫy trên bộ y phục sang trọng của mặt đất; hai bên bờ sông, các thành phố và làng mạc nom xa xa như những chiếc bánh; thỉnh thoảng có chiếc lá thu vàng bập bềnh trên mặt nước.
-Cháu nhìn xem, đẹp chưa kìa! -Chốc chốc bà tôi lại nhắc lại và đi từ thành tàu bên này sang thành bên kia. Bà tôi rạng rỡ hẳn lên, đôi mắt mở to vì sung sướng.
Bà tôi mải nhìn lên bờ, nhiều lúc quên cả tôi. Bà đứng cạnh thành tàu, khoanh tay trước ngực, mỉm cười, im lặng, nước mắt rưng rưng. Tôi giật giật chiếc váy sẫm màu có thêu hoa của bà tôi.
-Gì thế? -Bà tôi giật mình. -Bà tưởng như đang thiu thiu ngủ và nằm mơ ấy.
-Sao bà lại khóc?
-Bà vui sướng đấy cháu ạ, mà cũng vì tuổi già nữa! -Bà tôi vừa nói vừa mỉm cười. -Bà đã già rồi, bà đã trải qua sáu mươi xuân rồi còn gì nữa!
Sau khi hít thuốc lá, bà tôi bắt đầu kể cho tôi nghe những câu chuyện kì quái về bọn cướp phúc đức, về các vị thánh, về những loài dã thú và lũ ác quỷ.
Những chuyện thần thoại được bà tôi kể bằng một giọng khe khẽ, đầy bí ẩn. Bà tôi cúi xuống, nhìn thẳng vào mắt tôi, hai con ngươi mở rộng như muốn truyền vào lòng tôi một sức mạnh cuốn tôi lên. Bà tôi nói y như hát, và càng nói, lời bà càng vang lên nhịp nhàng. Nghe bà tôi nói thật thú vị không thể tả được. Tôi lắng nghe và nói thêm:
-Kể nữa đi bà!
-Ừ, thì kể nữa:ngày xưa có một vị gia thần ngồi ở phía dưới lò sưởi, bị mì ống cắm vào chân. Lão vừa lắc la lắc lư vừa rên rỉ vừa khóc tỉ ti:"Ôi, chuột con ơi, đau quá, ôi chuột con ơi, ta không thể chịu nổi! ".
Bà tôi nhấc một chân lên, hai tay ôm lấy và nhăn mặt lại giãy giãy nom đến buồn cười, y như chính bà tôi đau vậy.
Các bác thủy thủ rậm râu và hiền lành đứng xung quanh lắng nghe, cười khúc khích, khen ngợi bà tôi và cũng yêu cầu:
-Bà kể chuyện nữa đi!
Sau đó họ bảo:
-Mời bà cùng đi ăn tối với chúng tôi! Khi ăn, họ mời bà tôi uống rượu vodka, còn tôi thì được ăn dưa hấu, dưa bở. Việc này phải làm giấu, vì trên tàu có một người cấm ăn hoa quả, lão ta tịch thu tất cả hoa quả và đem quẳng xuống sông. Lão ăn mặc giống hệt một viên cảnh sát ,cũng có những cúc áo bằng đồng, và lúc nào cũng say mềm. Mọi người thấy lão đều lẩn tránh.
Mẹ tôi rất ít khi ra boong tàu và thường đứng lặng lẽ một mình, riêng ra một chỗ. Thân hình mẹ tôi to lớn,cân đối, khuôn mặt tối sầm và đanh lại, mái tóc vàng hoe, tết bím, vấn trên đầu thành một vòng nặng trĩu- toàn thân mẹ tôi trông thật lực lưỡng và rắn chắc. Giờ đây hình ảnh mẹ tôi hiện lên trong óc tôi như qua một lớp sương mù hoặc qua một đám mây trong vắt, trong đó lộ ra đôi mắt xám xa lạ và lạnh lùng cũng to như đôi mắt bà tôi.
Có một lần mẹ tôi nói, giọng nghiêm nghị:
-Người ta cười mẹ đấy, mẹ ạ!
-Mặc họ! -Bà tôi đáp vẻ vô tư. -Cho họ cười, kệ họ.
Tôi còn nhớ vẻ vui mừng như trẻ con của bà tôi khi nhìn thấy Nijni. Bà tôi kéo tay tôi, đẩy về phía thành tàu và kêu lên :
-Cháu trông kìa, cháu trông kìa, đẹp không? Nijni đấy, cháu ạ! Nhờ ơn Chúa, thành phố mới đẹp làm sao! Cháu trông kìa, nhà thờ như bay là là trên mặt đất ấy!
Rồi bà tôi yêu cầu mẹ tôi, giọng gần như khóc:
-Varusha, con nhìn đi chứ! Có lẽ con quên cả rồi cũng nên! Hãy vui lên con!
Mẹ tôi mỉm cười, ủ rũ.
Con tàu dừng lại trước một thành phố mỹ lệ, giữa dòng sông chật ních thuyền bè, tua tủa hàng trăm cột buồm nhọn hoắt. Một chiếc thuyền lớn đầy ắp người bơi lại gần thành tàu và ngoắc cái sào có móc vào chiếc thang người ta thả xuống. Những người trên thuyền lần lượt leo lên boong tàu.Một ông già bé nhỏ, gầy đét, leo lên rất nhanh, trước tất cả mọi người. Ông cụ mặc bộ quần áo dài đen, râu màu hung và óng ánh như kim tuyến, mũi giống như mỏ chim và đôi mắt màu xanh lục.
-Bố! -Mẹ tôi kêu tướng lên, giọng khàn khàn. Mẹ tôi nghiêng người về phía ông cụ. Ông ôm lấy đầu mẹ tôi và đưa đôi bàn tay bé nhỏ, đỏ tía, vuốt nhanh vào má mẹ tôi. Rồi ông kêu lên, giọng the thé:
-Thế nào, cô ả ngốc? A, a! Con thấy đấy... Chao ôi, lũ chúng bay... y... y thật là...
Bà tôi hình như ôm hôm tất cả mọi người một lúc, cứ xoay tít như một chiếc chong chóng. Bà tôi vừa đẩy tôi đến trước mặt mọi người vừa nói vội vã với tôi:
-Nào, nhanh nhanh lên! Đây là cậu Michael, đây là cậu Jakov, mợ Natalia, đây là các em cháu, cả hai cùng tên là Sascha, em gái Katerina, tất cả đều là họ hàng nhà ta đấy. Cháu xem có đông không?
Ông tôi hỏi bà tôi:
-Bà nó có khỏe không?
Ông bà tôi ôm nhau ba lần.
Rồi ông tôi kéo tôi ra khỏi đám người chen chúc, ôm lấy đầu và hỏi:
-Còn thằng này, mày là con cái nhà ai hả?
-Một thằng bé ở Astrakhan, từ trong buồng tàu chạy ra.
-Nó nói cái gì thế? -Ông tôi hỏi mẹ tôi, và không chờ trả lời, đẩy tôi ra và nói. -Đôi gò má giống bố như đúc. Thôi xuống thuyền đi!
Tới bờ, cả tốp chúng tôi leo lên dốc, theo con đường rải đá cuội to, giữa hai bờ dốc cao phủ một lớp cỏ vàng hoe đã bị xéo nát.
Ông tôi và mẹ tôi đi đầu. Ông tôi chỉ thấp đến ngang vai mẹ tôi, bước ngắn, nhưng rất nhanh. Mẹ tôi nhìn ông tôi từ trên xuống và bước đi như không chấm đất. Hai cậu tôi lặng lẽ bước theo sau:cậu Michael tóc đen mượt, người gầy đét giống ông tôi; cậu Jaakov tóc quăn và vàng hoe; có cả mấy người đàn bà to béo mặc áo dài lòe loẹt và năm, sáu đứa trẻ con, đứa nào cũng lớn hơn tôi và đứa nào cũng im lặng. Tôi đi cùng với bà tôi và mợ Natalie thấp nhỏ. Sắc mặt xanh xao, cặp mắt xanh biếc, bụng to tướng, mợ tôi thường phải dừng lại luôn và nói thì thầm hổn hển :
-Ối, tôi không sao đi được nữa!
-Chúng nó bắt tội mày đi làm gì chứ! -Bà tôi càu nhàu vẻ tức giận. -Cả nòi cả ổ đều ngu ngốc!
Cả người lớn lẫn trẻ con, tôi không thích một ai cả. Tôi cảm thấy mình xa lạ giữa họ, ngay cả bà tôi hình như cũng mờ nhạt đi và trở nên xa cách đối với tôi.
Đặc biệt tôi không thích ông tôi tí nào. Tôi cảm thấy ngay ông tôi là kẻ thù, ông làm cho tôi phải đặc biệt chú ý tới ông và gây cho tôi một mối hiếu kỳ lo sợ.
Chúng tôi đi đên đỉnh dốc. Ở tít trên cao, tựa lưng vào bờ dốc bên phải, nơi bắt đầu phố, có một ngôi nhà thấp một tầng, sơn màu hồng nhem nhuốc, mái lụp xụp và cửa sổ nhô ra ngoài. Đứng ngoài đường nhìn vào, tôi tưởng ngôi nhà cũng khá rộng rãi, nhưng bên trong lại phân thành những buồng nhỏ, tranh tối tranh sáng, rất chật chội. Chỗ nào cũng thấy nhưng người bực tức chạy ngược chạy xuôi như trên một con tàu cập bến và một lũ trẻ con lồng lộn như đàn chim sẻ hay cướp phá. Chỗ nào cũng có mùi hăng hăng là lạ.
Tôi đi ra sân. Cái sân cũng đáng ghét:khắp sân treo đầy những tấm vải đẫm ướt sẫm, để ngổn ngang những thùng nước đặc nhiều màu. Trong thùng cũng ngâm vải. Ở một góc tường, trong trái nhà thấp lè tè đã xiêu vẹo, củi cháy rừng rực trong bếp lò. Có cái gì sôi lên sùng sục, và một người mà tôi không trông thấy nói to những tiếng kỳ lạ:
-Santaline, fuchsin, vitriol!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top