THỜI RÊU PHONG


(Tạp văn)

Giao thừa là thời khắc đẹp nhất trong năm. Không chỉ đẹp như người ta thường nói kiểu giao thừa là khắc giao thời, phút chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới. Lúc pháo hoa rợp trời lung linh tỏa sắc, nén hương trầm sẽ được thắp lên bàn thờ gia tiên, khói hương lan tỏa khắp không gian, như lời mời gọi cố nhân trở về. Lúc mà ta ngồi lại nghỉ mệt, buông hơi thở rũ bỏ hết mệt nhọc những ngày qua, để ôn lại những năm tháng đã qua mà chào đón một năm nữa sắp đến. Giao thừa với tôi còn đẹp ở một phương diện khác, đó là nụ cười của ngoại khi con cháu quây quần, sum vầy, tụ họp dưới mái hiên đã bao ngày thiếu vắng tiếng cười trẻ nhỏ.

Trong khoảng sân đầm ấm đó, ngoại ngồi gác một chân trên chiếc giường tre mà bà vẫn thường hay nghỉ trưa một mình, ăn cơm một mình. Đêm nay thì khác hẳn vì có mấy đứa con gái, con dâu ngồi quây quần bên bà. Trong đó có mẹ tôi. Cánh đàn ông thì ngồi bên bàn trà, cùng nhâm nhi ly trà nóng mà hỏi han nhau mùa lúa năm rồi được hay mất. Đám trẻ con thì chụm năm chụm ba ngoài sân đợi pháo hoa, chơi mấy trò trẻ nít. Con trai chơi tạt lon, con gái thì nhảy dây. Hồi sau chúng chụm lại chơi trò bịt mắt bắt dê. Tôi ngồi bên bàn trà ngó ra mà nhớ quá trời. Nhớ hồi đó cũng mình lí lắc y vầy. Cùng với thằng Toàn con cậu Tám, Thằng Dương con Ti con cậu Bảy, nhỏ Quỳnh con dượng Út rượt nhau chạy khắp sân để mà tranh lá cờ đỏ.

Má tôi cũng ngó ra sân trông bọn trẻ, rồi quay ra ngó bàn trà. Hình như má phát hiện ra thiếu mất ai, má hỏi: "Ủa, thằng Toàn thằng Dương đâu ?". Cậu Tám ngó quanh rồi điềm nhiên trả lời má: "tụi nó chắc đi đốt pháo hết rồi chị". Cái miệng móm của ngoại nhổ ra bã trầu đặc sệt xuống đất. "Mấy cái thằng này già đầu rồi mà như con nít. Con nhà người ta tuổi này là dựng vợ gả chồng hết rồi, có đâu như con bây". Nghe bà già nói mắc cười quá, cậu Bảy khà khà, tay rót ly trà nóng. "Tụi nó còn nhỏ mà má, mới mười bảy". Rồi cậu ngó qua tôi, "có thằng lính này năm nay mười tám rồi đây, tính chừng nào lấy vợ ? mậy ?". Nghe cậu hỏi, bên cánh đàn bà cười rơm. Mợ Bảy nói theo chồng: "Lấy vợ đi con, để má mày còn sức mà bồng cháu".

Tôi mắc cười với cái viễn cảnh đó. Tôi lấy vợ, má có cháu để ẵm bồng, chắc bà sẽ vui dữ lắm. Nhưng tôi thì đã có dự tính cho mình hết trơn rồi nên giọng nghe chắc nịch. "Con mà có lấy vợ thì chắc phải tới ba mươi hay hai bảy, sớm nhất thì cũng phải hai lăm".

Hình như câu nói của tôi nghe ầm ĩ còn hơn pháo nổ, làm dượng Út – người cũng một thời lén đốt pháo trước 30 cũng phải giật mình. "Trời đất, bộ không ham vợ hả mậy". Ngoại cũng góp phần cái giật mình đó bằng một giọng lụ khụ trầm buồn: "Ngoại già rồi, không mong thấy được bây lấy vợ, nhưng còn má bây thì bệnh miết, không biết có nhìn được mặt mũi thằng con bây".

"Hai mươi tuổi lấy vợ đi con". Câu này của ai thì tôi không kịp ngó, chỉ ngó trời cười trừ.

Hai mươi tuổi thì sao mà lấy vợ, bởi bàn tay còn trắng quá, không nhà cửa, không xe, không tiền bạc. Lấy người ta về không lẽ để người ta nuôi lại mình, coi sao được. Mà với một kẻ ham mê văn vẻ thơ thẩn như tôi thì tuổi hai mươi lỡ đâu còn ham chơi, ham đi đây đi đó, lấy người ta về chẳng lẽ để người ta ở nhà vò võ ngóng trông, cũng phải để cho người ta tự do mà lông bông giống mình chứ.

Đời người có bao nhiêu ngoài mười năm tuổi trẻ. câu này tôi không nhớ là của ai mà nghe tâm đắc hết sức. Đâu thể dửng dưng ném cái tuổi trẻ ra một xó mà lo chuyện mua tã cho con, vậy coi sao được. Tuổi trẻ là phải đi, đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ, mỗi chỗ ở một ít cho thấm nhuần vị sương gió nơi đó, để biết được cuộc đời này rốt cuộc có bao nhiêu vị.

Trong cái hành trình lông bông đó, tôi sẽ xuôi chèo xuống miền Tây trước tiên. Uống trái dừa xiêm rồi lội tuốt dưới Cà Mau để coi đây có thật là cái nôi của câu hò Nam Bộ. Xong xuôi, tôi leo lại lên bờ, rũ hết bụi đất rồi bay ra tuốt Hà Nội, để coi ngoài bắc con người ta sống chậm cỡ nào. Họ lặng lẽ thờ ơ hay cũng chan hòa chất phác như trong nam mình. Và liệu làng Phù Lưu sẽ còn sinh ra thêm bao nhiêu nhà văn nữa.

Có đi qua xứ Huế tôi sẽ rẽ vào phố cổ Hội An, để hỏi thăm coi thôn Vĩ liệu có còn nhớ không ánh trăng tàn. Sau đó thì sẽ ngược về Tây Nguyên, ngồi nhâm nhi ly cà phê Buôn Mê mà nghe nhạc Trịnh giọng Khánh Ly, để nghe anh chủ quán quảng cáo trái cây Đà Lạt là ngon nhứt xứ mình.

Có bạn đường đi chung thì vui, mà không có cũng được. Bởi trong cái đêm lang thang trên đường Nguyễn Đình Chiểu ở Sài Gòn, tôi sẽ vô tình tạt vào một phòng trà nào đó mà chưa kịp nhìn tên, rồi tương tư cô ca sĩ có giọng ca mùi mẫn, mặn mà như cái mặt. Mấy hôm sau tôi ghé lại với bó hoa hồng kẹp ở giữa là lá thơ tình viết tặng thì chưng hửng thấy người ta tay đeo chiếc nhẫn hột soàn của ông đầu hói giàu sụ nào mất rồi.

Rồi thất tình, tôi mới cầm trên tay bó hoa dập dụa tả tơi ra giữa cầu đứng ngắm trăng chơi. Ngắm trăng trên trời rồi ngăm trăng dưới nước. Có con gió lùa qua làm trăng nhòe đi đôi chút nhưng rồi cũng tròn vành trở lại. Người qua kẻ lại có nheo mắt ngó nhìn một cái rồi đi tiếp, chứ ai mà thèm để tâm.

Và rồi có một cô ngang qua, thấy có thằng cha đứng cô đơn một mình giữa cầu nên xáp lại hỏi: "Bộ thua cá độ ra đây tự tử hả cha nội? Hay thất tình?". Tôi nhoẻn cười ngó qua: "Đâu có, tại thấy gió mát quá nên đứng hóng, nghĩ ngợi mấy chuyện".

"Chuyện gì thì qua quán chè bên kia ngồi kể tui nghe". Muốn nghe thì kể cho nghe, chứ giữ làm gì.

Cũng nhờ vậy mà tôi mới biết cô này cũng thích tha thẩn, lang thang. Cũng thích thơ thích văn, thích mấy bài nhạc xưa lắc già khụ. Tôi mới té ra rằng trên đời này cũng có kẻ giống mình, chứ mình đâu có cô đơn.

Vậy nên sau đó mới có dăm ba cái hẹn nữa. Khi là quán đá đậu lề đường ngồi kể nhau nghe chuyện giang hồ. Chuyện ông già lạc vợ lang bạt cùng con bìm bịp mà mong nói được lời xin lỗi trước khi chết (1). Hay chuyện người đàn bà chèo ghe tới chỗ bè rau, ôm theo là một mối thù hận giết chồng (2).

Khi thì sang chảnh hơn chút, hai đứa ngồi nhìn ly bạc sỉu nhỏ giọt mà nghe giọng Thanh Lam, Thanh Nga dịu êm, nhẹ nhẹ bay theo làn gió thổi, rồi đáp xuống cùng với mấy chiếc lá vàng lìa cành về với đất. Rồi cũng tới cái hẹn mà hai đứa đứng giữa cầu ngắm trăng in trên mặt nước. Gió lùa qua làm tóc nàng bay bay, tỏa hương thơm làm tôi ngất ngây trời đất. Tôi làm bộ ngó trời hỏi bâng quơ:

"Có yêu chưa?"

"Chưa, ai thèm"

"Vậy giờ yêu nghen"

"Ừ, thì yêu"

Vậy đó, tôi kết thúc tuổi trẻ của mình trên đất Sài Gòn ở cái tuổi xấp xỉ ba mươi.

"Lấy vợ là coi như ở tù chung thân". "Hết lo vợ đẻ rồi tới con bệnh, còn đâu cái tuổi trẻ, hả mậy". Mấy tiếng cười nói rôm rả cắt ngang dòng mơ tưởng của tôi. Đoạn, út Quyền nói: "Nghe mấy đứa nhỏ hay nói câu gì mà... phải sống cho trọn tuổi thanh xuân... đúng không con". Tôi cười, nghĩ lại cái viễn cảnh mình vừa mới vạch ra trong đầu: "Con thì rêu phong chứ thanh xuân nỗi gì".

Thằng cu Tứ bất chợt thốt lên, tay đưa ra chỉ về phía trời xa xa: "Pháo bông kìa!". Làm tụi nhỏ bỏ ngang cuộc đuổi bắt mà đứng chụm lại ngó theo. Tôi cũng ngó theo. Trời đất, pháo bắn ở xa tít, chỉ thấy được một đốm sáng nhỏ loan ra một vùng trời rồi tắt ngúm, vậy mà tụi nhỏ sao vui hết biết.

Nhìn đám trẻ nhỏ ngây ngô, tự nhiên thấy bồi hồi. Nhìn lại nghĩ mình giờ đã mười tám, không biết mười năm nữa mình sẽ ra sao. Liệu sẽ đi được tới đâu? Qua được bao nhiêu nơi? nghĩ ngơi ở bao nhiêu chốn? Mấy con chữ lưu giữ kỷ niệm sẽ viết được bao nhiêu dòng? Và liệu mười năm nữa, mình có nắm được bàn tay của người đã làm mình mất ngủ nhiều đêm? (là vui quá không ngủ được hay vì buồn thiu mà thức trắng thì không biết). Hay cũng chỉ có mình ên đứng giữa cầu Sài Gòn mà đưa mắt trông về Hà Nội, rồi làm bài thơ hỏi thăm kiểu như "Hà Nội ơi! có lạnh không?" mà gửi mây trời.

Hà Nội ơi! có lạnh không?

Gió có lùa về những chiều đông,

Cơn mưa rì rào còn hay dứt,

Nghe tiếng mưa rơi có nặng lòng.

Tây Ninh - 9/2/2019

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tapvan