Chương 3
3. Ác mộng tái hiện
Trái tim những người trẻ tuổi non nớt và yếu mềm. Vì vậy, sự tổn thương và ấm áp đều được khắc rất sâu trong đó. Cuối cùng, những thứ bị khắc ghi đó, cùng với thời gian, trở thành tính cách của chúng ta.
Khi sắp đến kì thi cuối kỳ của tôi, đã xảy ra một chuyện.
Một hôm trong giờ ra chơi, đến phiên tôi trực nhật. Sau khi quét lớp xong, tôi và mấy bạn nữa vừa xách nước ra lau sàn vừa nói chuyện. Chúng tôi ngang nhiên gọi các thầy cô giáo bằng biệt danh, bình luận từng động tác nhỏ của các thầy cô khi lên lớp. Tôi đang kéo dài giọng gọi biệt hiệu của thầy chủ nhiệm là "Chậu Của Cải, Mắt Nhỏ Tụ Quang", thì thầy Chậu Của Cải đi vào. Thầy cũng không có phản ứng gì, kiểm tra khắp một lượt lớp học xem chúng tôi có quét dọn sạch sẽ không rồi lại đi ra. Mấy đứa chúng tôi đều sợ tới nghẹt thở, đợi thầy đi rồi, mới vỗ vỗ ngực nói: "May là thầy không nghe thấy."
Đôi lúc, tôi lại rất mẫn cảm. Tôi đã cảm nhận được vẻ khó chịu của thầy Chậu Của Cải, chắc chắn thầy đã nghe thấy tôi gọi biệt hiệu của thầy, cười đùa cử chỉ lúc giảng bài của thầy. Nhưng tôi không thấy sợ. Suy nghĩ của tôi rất đơn giản, chẳng qua chỉ là một biệt hiệu thôi mà! Thầy lại là đàn ông, chắc không đến nỗi nhỏ mọn thế chứ. Ô Tặc ngày nào chẳng gọi tôi là "Gấu Trúc Bốn Mắt", tôi có giận bao giờ đâu.
Nhưng, tôi đã sai. Thầy Chậu Của Cải không những rất giận, mà còn rất để bụng, lúc ấy thầy muốn giữ gìn hình ảnh, nên đã không thể hiện ra ngoài. Nhưng ngay ngày hôm sau, thầy bắt được lỗi của tôi, và mắng tôi một trận té tát trước lớp, nhưng cả tôi và thầy đều biết rất rõ rằng, thầy mắng tôi không phải vì tôi không tập trung nghe giảng trong giờ học. Sự chế giễu của tôi hiện rõ trên nét mặt, khiến lửa giận của thầy càng bốc cao, lập tức ra lệnh cho tôi phải đổi chỗ ngồi, chỉ vào góc khuất nhất cuối lớp, nói với tôi: "Em chỉ thích hợp ngồi ở chỗ ấy thôi, chuyển bàn của em xuống đấy ngay, bao giờ em biết mình sai ở đâu, thì lúc ấy mới được trở về chỗ cũ".
Góc lớp đấy là nơi để chổi, cây lau nhà, thùng nước, bình xịt, và thùng rác. Rất nhiều bạn nam lười không chịu xuống tận nơi bỏ rác vào thùng, thường chơi trò ném bóng rổ, nhiều rác bẩn bị ném trượt ra ngoài thùng rác, nơi ấy có thể coi là bãi rác của lớp.
Tôi không nói không rằng, chuyển bàn xuống "bãi rác". Sau khi ngồi xuống, mới phát hiện ra khoảng cách từ đây đến dãy bàn cuối cùng khá xa.
Sắc mặt thầy Chậu Của Cải đanh lại. Các bạn trong lớp đều im thin thít, ánh mắt của những người trong nhóm Lý Tân sáng lên vui sướng trước cảnh người khác gặp nạn. Cảm giác hoang mang hồi tiểu học lại trỗi dậy, một lần nữa, tôi lại bị cả lớp bỏ rơi.
Tôi lặng lẽ ngồi đó, sau khi hết giờ, thầy Chậu Của Cải tập trung mọi người lại để cùng đi chơi bóng chuyền, đồng thời cũng phân nhóm luôn, chỉ duy nhất tên tôi không có trong đó. Các bạn cười cười nói nói ra ngoài, trong lớp còn lại một mình tôi. Tôi nhìn căn phòng trống rỗng, đột nhiên, sự kiên cường giả tạo sụp đổ, nước mắt không chịu nghe lời cứ thế lăn dài xuống má. Tôi không biết tôi đang khóc vì cái gì, hối hận vì mình đã đắc tội với thầy chủ nhiệm, hay hoảng sợ trước cơn ác mộng sắp tới.
Đã rất lâu rồi tôi không khóc, nhưng lần này, tôi nằm bò trên mặt bàn, càng khóc càng thương tâm, chỉ cảm thấy như mình lại một lần nữa bị đẩy vào cảnh cô lập không biên giới, dường như cơn ác mộng hồi tiểu học lại sắp tái hiện.
Vô thức, tôi đã quên mất là phải kiềm chế tiếng khóc của mình, tôi nấc lên thành tiếng.
Đột nhiên, một giọng nói rất dễ nghe cất lên hỏi tôi: "Cậu làm sao thế? Ai bắt nạt cậu à?"
Tôi ngẩng đầu, một cậu bạn cao lớn đang đứng trước mặt tôi, nhìn tôi với vẻ quan tâm. Người đó lại chính là Thẩm Viễn Triết.
Cậu ấy mặc một chiếc quần màu đen, chiếc áo len cao cổ màu trắng, mái tóc màu đen hơi quăn, đeo kính gọng vàng, ánh mắt dịu dàng và ấm áp. Toàn thân cậu ấy như được phủ một lớp ánh sáng màu bạc, giống hệt bạch mã hoàng tử vừa bước ra từ cuốn truyện tranh, nhưng tôi lại không phải là một nàng công chúa xinh đẹp.
Tôi ngẩn người ra nhìn cậu ấy một lúc, rồi cúi đầu, tiếp tục khóc.
Cậu ấy kéo một chiếc ghế lại, ngồi trước bàn tôi, ôn hòa và nhẫn nại nói: "Cho dù là có chuyện gì, cứ nói ra, biết đâu sẽ có cách giải quyết."
Tôi vẫn chỉ lau nước mắt khóc nức nở, cậu ấy không nói gì nữa, nhẫn nại ngồi đó, yên lặng bên tôi. Cuối cùng, có thể là do sự dịu dàng và nhẫn nại của cậu ấy khiến tôi cảm thấy chuyện gì cậu ấy cũng hiểu được, cũng có thể là do ánh mặt trời của buổi chiều ngày hôm đó chiếu lên người cậu ấy, khiến cậu ấy trông ấm áp vô cùng, mà thế giới của tôi lại đang thiếu sự ấm áp đó. Tôi bắt đầu vừa khóc vừa kể, mấy lần phải dừng lại vì đau lòng không nói tiếp được, sự kiên nhẫn của cậu ấy lại như vô hạn, chăm chú lắng nghe với vẻ mặt hết sức nghiêm túc.
Kể xong, tôi thấy khá hơn rất nhiều, mặc dù vẫn thút tha thút thít, nhưng nỗi sợ hãi đã hoàn toàn tiêu tan.
Thẩm Viễn Triết liên tục an ủi tôi, kiên nhẫn dỗ dành tôi, cho đến khi tôi nín hẳn, cậu ấy mới đứng dậy, nói: "Sắp vào học rồi, mình đi đây. Đừng lo, vài ngày nữa thầy giáo nguôi giận, nhất định sẽ chuyển cậu về chỗ cũ."
Cậu ấy ra đến cửa, tôi mới nhớ ra là mình còn chưa cảm ơn, tôi gọi: "Này!"
Cậu ấy dừng bước, quay đầu nhìn tôi, tôi nói: "Cảm ơn cậu!"
Cậu ấy dùng tay khẽ đẩy gọng kính lên, mỉm cười đáp: "Không cần phải khách sáo, mình có giúp được gì đâu."
Sau khi cậu ấy đi, các bạn trong lớp mới lục tục quay về, không khí ồn ào náo nhiệt, nhưng vì sợ thầy chủ nhiệm nổi giận, nên không ai dám hỏi han tôi, tôi lại chẳng màng tới việc đó, mà bắt đầu hoang mang, chuyện vừa xảy ra kia có phải là thật không? Chàng bạch mã hoàng tử Thẩm Viễn Triết trong mộng của các nữ sinh đã từng xuất hiện ở đây sao? Thật giống một giấc mơ, cứ như giấc mơ tôi tự tưởng tượng ra để an ủi mình vậy.
Chính bởi vì có vẻ không thực, nên tôi không kể với Hiểu Phi, chỉ nói với cô ấy rằng, tôi bị thầy chủ nhiệm chuyển xuống ngồi cuối lớp. Khi nói điều này, tôi cười rất vui vẻ, Hiểu Phi từ nhỏ tới lớn thành tích luôn xuất sắc, chưa bao giờ bị thầy cô giáo trách phạt, do đó, thấy tôi nói vô tư như vậy, cô ấy cũng nghĩ là chẳng phải chuyện gì to tát, còn đùa với tôi, nói một mình ngồi cuối lớp thật tự do, muốn làm gì thì làm.
Thầy Chậu Của Cải đuổi tôi xuống cuối lớp ngồi xong, còn thường xuyên điểm mặt gọi tên để phê bình tôi, dường như muốn dùng quyền uy của người thầy khiến tôi phải cúi đầu, nhưng tôi là người sống với tôn chỉ người kính ta một thước, ta trả người một trượng, quyết không vì bị đàn áp mà cúi đầu trước thầy, ngược lại còn ương ngạnh hơn, càng bị vùi dập càng dũng mãnh. Tôi không buồn để ý đến thầy, giờ tiếng Anh của thầy, tôi không nghe giảng, vừa đọc Quỳnh Dao vừa nhai kẹo cao su, thổi bong bóng.
Còn thầy Chậu Của Cải, vừa tham gia công tác, lại được phân vào dạy ở một trường điểm của tỉnh, được ban giám hiệu tin tưởng giao cho trọng trách làm chủ nhiệm một lớp, chắc chắn trong lòng đang chất chứa tham vọng, muốn nhanh chóng thể hiện mình để báo đáp lại sự tự tin tưởng đó. Nếu như coi tất cả học sinh là đám ngựa non, thì thầy chính là người thuần hóa, còn tôi chính là con ngựa hoang đầu tiên trong sự nghiệp thuần hóa ngựa của thầy. Đối với thầy, việc tôi có thể bị thuần phục hay không, không chỉ đơn thuần là chuyện thầy sẽ giữ được uy nghiêm của mình trước toàn thể học sinh trong lớp nữa, mà còn liên quan đến tự trọng nghề nghiệp, vì vậy, cả hai chúng tôi đều ra sức đối kháng nhau.
Ban đầu, phương pháp mà thầy áp dụng vẫn hết sức đơn giản, phổ biến, đó là khiển trách, phạt làm vệ sinh, phạt đứng, nhưng nhìn bộ dạng tôi đứng nơi cuối lớp, còn có vẻ như dễ chịu hơn cả khi ngồi, thầy bắt đầu hiểu những biện pháp dùng để đối phó với những nữ sinh thông thường không có tác dụng với tôi.
Có một lần, vừa ăn cơm trưa xong là tôi chạy ngay đến trường chơi, bị thầy bắt gặp. Điều bất hạnh hơn nữa là, tôi bất cẩn làm vỡ kính cửa sổ trong lớp. Thầy nổi trận lôi đình, đòi gặp bố mẹ tôi.
Tôi rất lo lắng, về nhà lí nhí nói với mẹ rằng, thầy chủ nhiệm muốn gặp mẹ.
Mẹ đi gặp thầy Chậu Của Cải, thầy Chậu Của Cải kể hết tội lỗi của tôi với mẹ, hy vọng gia đình kết hợp với nhà trường để giáo dục tôi. Sau khi về nhà, mẹ kể lại mọi chuyện với bố.
Có lẽ do hồi tiểu học tôi đã có những thành tích như đánh nhau, ăn trộm để so sánh, nên việc lên lớp không nghe giảng, phá hoại của công kia trở nên quá đỗi bình thường. Bố tôi chẳng để ý, không chừng trong lòng ông còn thầm nghĩ thầy Chậu Của Cải chuyện bé xé ra to. Mẹ tôi mặc dù có chút buồn phiền, nhưng cũng bất lực, sự xa cách lạnh nhạt của tôi đối với họ, trong lòng bà biết rất rõ, nên bà không dám nặng lời, sợ ép tôi chuyển từ lạnh nhạt sang phản nghịch, chỉ tế nhị khuyên tôi nên kính trọng thầy cô giáo.
Thầy Chậu Của Cải không biết tình hình cụ thể của gia đình tôi, thấy mẹ tôi là người hiểu biết, cứ nghĩ rằng cuối cùng cũng đã tìm ra cách trị tôi, không ngờ vui mừng chưa được mấy ngày, liền phát hiện tôi vẫn tự tung tự tác như thế, thậm chí còn ngày càng táo bạo hơn. Ngoài giờ ngữ văn của cô Tằng là tôi tương đối nghiêm túc ra, tất cả những giáo viên bộ môn còn lại đều phàn nàn tôi không chịu nghe giảng, nói rằng cho học sinh xuống ngồi cuối lớp không phải cách hay.
Trước những ý kiến phản đối của giáo viên bộ môn, thầy Chậu Của Cải đành phải đổi chỗ cho tôi, từ chỗ cực đoan này đi đến chỗ cực đoan khác, lại chuyển tôi lên ngồi ở bàn đầu giữa lớp, bàn áp sát với bục giảng của giáo viên, ngay dưới tầm mắt của thầy.
Thầy tỏ ra rất tự phụ, như muốn nói "xem cô còn có thể làm gì khi ngồi ngay dưới tầm mắt của tôi".
Kết quả chưa đến một tuần, các giáo viên lại đi tìm thầy Chậu Của Cải để phàn nàn về tình hình của tôi. Giáo viên dạy toán thì nói tôi làm bài tập vật lý trong giờ của thầy ấy. Giáo viên dạy vật lý thì tố tôi làm bài tập địa lí trong giờ của cô ấy. Giáo viên dạy địa lí thì bực bội nói tôi làm bài tập toán trong giờ của thầy ấy. Thầy Chậu Của Cải rất đau đầu, tìm tôi nói chuyện, hỏi tôi tại sao lại làm như thế, tôi thật thà trả lời: "Bởi vì hết giờ thì em muốn đi chơi, không có thời gian làm bài tập, nên em cần phải làm xong bài tập trước khi tan học."
Thầy Chậu Của Cải tức giận tới mức đôi mắt nhỏ của thầy muốn tóe lửa. Để tôi không thể làm bài tập trong giờ học nữa, thầy phạt tôi đứng ngoài hành lang.
Phạt đứng trong lớp hay ngoài lớp, về cơ bản đều là phạt đứng, nhưng trên thực tế, ý nghĩa lại rất khác nhau. Trong lớp, thì như chuyện xảy ra trong nhà mình, bất luận tốt xấu thế nào đều xảy ra ở phía bên trong cánh cửa, nhưng bên ngoài lớp, thì không khác gì vạch áo cho người ta xem lưng. Mới đầu, đúng là tôi rất khó chịu, xấu hổ tới mức không dám ngẩng đầu lên. Mọi người đi qua đi lại chỗ tôi, đều quay sang nhìn tôi một cái, tôi chỉ ước tìm được lỗ nào mà chui ngay xuống, nhưng xấu hổ là chuyện của xấu hổ, muốn tôi khuất phục, còn lâu!
Vì vậy, mỗi khi bị thầy Chậu Của Cải phạt đứng, tôi như quả cà tím phải sương muối, héo khô héo quắt, trên cổ như phải đeo thêm một cái biển nặng hàng nghìn cân, đầu cúi gằm thiếu nước chạm cả vào cổ áo. Nhưng khi thầy vừa tha cho tôi vào lớp, tôi sẽ lại làm bài tập vật lý trong giờ toán, làm bài tập địa trong giờ vật lý, làm bài tập toán trong giờ địa, giờ anh văn thì đọc tiểu thuyết, không hề thay đổi. Thầy giận tím mặt, đành phải tiếp tục đấu với tôi.
Trong lúc tôi và thầy Chậu Của Cải nghĩ mưu tính kế để đấu với nhau, kì thi cuối kỳ đã đến, đấu thì đấu, nhưng không hề ảnh hưởng tới thành tích học tập, thậm chí còn tiến thêm vài bậc so với trước. Chút phiền muộn, lo lắng cuối cùng trong lòng bố mẹ cũng tan theo mây khói. Suy nghĩ của họ rất đơn giản, chỉ cần tôi không trốn học, làm bài tập đầy đủ, kết quả học tập không đến nỗi nào, cho thấy tôi vẫn quan tâm tới việc học, vậy thì tất cả những chuyện khác, bất luận là làm vỡ cửa kính, hay nghịch ngợm trong giờ học, thậm chí tranh luận gay gắt với giáo viên, đều là bình thường. Đặc biệt, bố tôi còn cho rằng nghịch ngợm, hiếu động, gây họa gì gì đó mới giống trẻ con. Ông luôn lo lắng trước sự trầm lặng ít nói, u uất đáng sợ suốt thời tiểu học của tôi. Tất nhiên, bố mẹ không dám để thầy Chậu Của Cải biết là họ nghĩ như thế.
Đối với việc tôi bị thầy phạt đứng ngoài hành lang, Hiểu Phi không những không cảm thấy mất mặt, ngược lại còn tỏ vẻ sùng bái tôi. Cô ấy cho rằng tôi rất lạnh lùng, dám đối đầu với thầy giáo, học sinh lớp 7 mặc dù không còn tôn sùng thầy cô giáo như hồi tiểu học nữa, nhưng có mấy ai dám đứng ra ngang nhiên chống đối lại họ, đặc biệt lại là con gái.
Trước suy nghĩ của cô ấy, tôi chỉ còn biết cười khổ, tôi đâu có muốn tỏ vẻ cool, hot gì đâu? Tôi là bị ép!
Nghỉ đông, cuộc sống của tôi tương đối thoải mái, không phải đi học, không phải làm bài tập, không cần phải đấu với thầy Chậu Của Cải, cả ngày có thể đọc những cuốn sách mà mình thích. Mùng ba Tết, tôi đến chúc tết cô Cao, cô Cao hỏi về chuyện học hành của tôi. Tôi thật thà báo cáo lại tình hình, cô cười hỏi: "Rút cục là em đã cố gắng được mấy phần?"
Sau khi suy nghĩ nghiêm túc, tôi nói với cô: "Cũng không nhiều ạ, thật ra học hành rất vô vị."
Cô Cao cười ngất: "Em và Trương Tuấn sao vẫn còn trẻ con như thế? Cả ngày chỉ nghĩ đến chơi."
Tôi thản nhiên hỏi: "Trương Tuấn cũng đến ạ?"
Cô Cao đáp: "Ừ, hôm qua có đến chúc Tết cô. Cô hỏi bạn ấy là đã chăm chỉ học hành chưa, bạn ấy chỉ cười không nói, có điều chơi thì cứ chơi, nhưng đừng để bị rớt lại quá xa là được, dù sao các em cũng vẫn còn nhỏ tuổi, nghĩ đến chuyện thi đại học bây giờ thì hơi sớm".
Cô Cao đúng là thật lòng quý tôi và Trương Tuấn, trong mắt những giáo viên khác chúng tôi ngang bướng bất kham, âm trầm quái dị, nhưng trong mắt cô chẳng qua cũng chỉ là những trò nghịch ngợm ngoan cố của những đứa trẻ chưa lớn. Thật ra cô không biết, tôi và Trương Tuấn phức tạp, trưởng thành sớm hơn những người bạn cùng tuổi rất nhiều.
Cô Cao bóc cam, đặt vào tay tôi, cười nói: "Em và Trương Tuấn sau này có thể cùng nhau đến thăm cô, chúng ta lại cùng trò chuyện."
Tôi mỉm cười ngồi ăn cam, không nói gì.
Sau khi rời nhà cô Cao, tôi vừa đi vừa hối hận, lẽ ra nên tới chúc Tết cô vào ngày hôm qua. Tâm trạng đang chới với, đột nhiên nghe thấy giọng ca của nhóm Tiểu Hổ vọng ra từ một cửa hàng băng đĩa.
"Xâu trái tim của bạn và của tôi thành một chuỗi. Xâu một chuỗi cỏ ba lá. Xâu một vòng tròn đồng tâm. Để tất cả những kì vọng về tương lai đồng hành với tuổi thanh xuân. Đừng để những người trẻ tuổi càng trưởng thành càng cô đơn."
Giờ đã là thời của Lâm Chí Dĩnh, trên hộp bút của các bạn nữ trong lớp đều có dán ảnh Lâm Chí Dĩnh, sao cửa hàng băng đĩa này vẫn còn mở bài của nhóm Tiểu Hổ?
Tôi đứng bên ngoài ngẩn người ra nghe một lúc, rồi sải bước.
Cuộc sống trong kỳ nghỉ đông rất bình yên, ngoài mấy ngày Tết phải đi chúc Tết với bố mẹ ra, gần như ngày nào tôi cũng đến quán karaoke của Tiểu Ba, cuộn người trên sofa đọc tiểu thuyết mượn từ thư viện trường, hết quyển này tới quyển khác, Ô Tặc thường trêu tôi nói: "Còn chê mắt kính trên mũi chưa đủ dày phải không?"
Tôi không thèm để ý tới anh ta. Giờ anh ta đang kiêu căng đắc ý, dù gì Tiểu Ba cũng còn nhỏ tuổi, rất nhiều trường hợp không tiện ra mặt, đành phải để Ô Tặc đứng ra xử lý, rất nhiều người không biết cho rằng, quán karaoke này là của Ô Tặc, đi đến đâu cũng có người châm thuốc dâng rượu, rất đàn anh, lại có cô bạn gái xinh đẹp làm bạn, xem ra tình trường thương trường đều thu hoạch lớn.
Quán chủ yếu hoạt động vào buổi tối, Tiểu Ba là người cẩn thận, nên việc gì cũng tự mình làm lấy, thường xuyên bận rộn chạy qua chạy lại như con thoi, hai ba giờ sáng vẫn chưa được ngủ. Ban ngày, anh ấy thường nằm ngủ trên ghế sofa, tôi ngồi trên chiếc ghế sofa khác đọc sách, thỉnh thoảng tỉnh dậy, anh ấy thường nhờ tôi rót cho cốc nước, uống vài hớp, rồi trở mình ngủ tiếp, tôi lại tiếp tục đọc sách.
Những lúc không ngủ, anh ấy cũng đọc sách, có điều sách anh ấy đọc khác với loại tôi thường đọc, tôi thích đọc tiểu thuyết, còn anh ấy lại thích đọc những cuốn anh hùng trong chiến tranh, hay tiểu sử của những người thành công, hoặc đơn thuần chỉ là sách về quản lý doanh nghiệp, kinh tế thị trường, vừa đọc vừa ghi chép rất cẩn thận.
Vì đang nghỉ đông, nên không tiện đến thư viện trường để mượn sách, anh ấy đưa tôi đến thư viện sách của thành phố, nhân viên thủ thư của thư viện nhìn thấy anh ấy, liền niềm nở chào hỏi: "Đến mượn sách phải không? Vài ngày trước thư viện mới nhập về một lô sách mới về mảng tiếp thị, marketing, mục lục sách ở đây này."
Lúc này tôi mới biết anh ấy là khách quen của thư viện. Tôi cũng làm một thẻ của thư viện thành phố. Bắt đầu mượn sách ở đây để đọc.
Chúng tôi thường xuyên ở bên nhau cả ngày, gần như chỗ nào có tôi là có anh ấy, chỗ nào có anh ấy là có tôi. Thực ra, mặc dù chúng tôi ở bên nhau, nhưng sách ai người ấy đọc, việc ai người ấy làm, không ảnh hưởng gì đến nhau cả.
Bên ngoài bắt đầu có tin đồn tôi là bạn gái của Tiểu Ba, nếu người ta đến gặp chúng tôi và hỏi, đương nhiên chúng tôi sẽ phủ nhận, nhưng chúng tôi cũng không thể đi khắp nơi để túm hết người này tới người khác mà giải thích rằng chúng tôi không phải, hơn nữa tôi thấy Tiểu Ba tỏ ra rất vui trước việc tôi trở thành bia đỡ đạn cho anh ấy.
Tiểu Ba có dáng vẻ nho nhã, anh tuấn, cư xử với con gái lịch sự, khách sáo, không bao giờ nói tục chửi bậy, không giống với những người trong giang hồ khác, vì thế rất nhiều con gái thích anh ấy. Nhiều cô rất bạo dạn, nóng bỏng, theo đuổi người ta đến mức cách nào cũng dám dùng, từ việc tỏ tình trước mặt mọi người đến việc dọa cắt cổ tay tự tử, Tiểu Ba không tránh khỏi bực mình, giờ có tôi làm lá chắn, nên mới yên ổn được đôi chút.
Trương Tuấn thường xuyên đến quán karaoke để hát, tôi dần dần cũng biết được biệt danh của người mà cậu ấy hay đi cùng là "Tiểu Lục", mặc dù so về tuổi tác thì Tiểu Lục rõ ràng ít tuổi hơn anh Lý. Theo như lời Ô Tặc nói, Tiểu Lục là một kẻ rất tàn nhẫn, được coi là một trong những đại ca xã hội đen của thành phố này, bị bắt giam không biết bao nhiêu lần, nhưng đều rất may mắn, mỗi lần vào đồn công an xong đều bình an ra về.
Tôi không hiểu nổi, sao Trương Tuấn lại có thể chơi cùng với loại người như Tiểu Lục, có điều, chắc cậu ấy cũng không thể hiểu được tại sao tôi lại chơi với bọn Ô Tặc, Tiểu Ba.
Tôi và cậu ấy cùng ra vào một quán karaoke, thỉnh thoảng cũng đụng mặt nhau, nhưng đều làm như không quen biết đối phương, cho dù là đi ngang qua nhau, cũng không chào hỏi, hoàn toàn không có người kia trong mắt. Nhưng tôi biết, thực ra, ánh mắt tôi không giờ nào phút nào không nhìn về phía cậu ấy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top