Chương 2
1. Số phận xoay chuyển
Trong thời gian, bạn, tôi cũng có thể sớm tàn tạ dung nhan, người nơi chân trời, kẻ nơi góc bể.
Ngoài thời gian, bạn, tôi vẫn đôi mắt tinh anh, sánh vai ngồi bên nhau trên bậc thềm vương đầy cánh hoa đào trước cửa lớp học.
Tôi và Trần Kình vốn là hai đường thẳng song song, nhưng vì cậu ta chọn tôi là bạn cùng bàn, nên vận mệnh của chúng tôi lại có điểm giao nhau.
Mặc dù không cùng lý do, nhưng cả tôi và Trần Kình khi lên lớp đều không nghe giảng. Có điều cậu ta là học sinh ngoan, chỉ có thể ngẩn người ra ngồi đấy mà sắc mặt không được biến đổi, còn đứa học sinh hư như tôi lại được tự do lựa chọn: mơ mộng, ngủ gật, hoặc đọc truyện. Khi đó, tôi chìm đắm trong thế giới của sách, không cách nào tự giải cứu, vì vậy phần lớn thời gian tôi đều đọc sách. Ngoài những lúc ngồi đực mặt ra, thỉnh thoảng Trần Kình cũng liếc xéo nhìn về phía tôi, dường như cảm thấy hoang mang trước sự cố gắng không biết mệt mỏi của tôi. Sau này, khi chúng tôi thân thiết hơn, cậu ta hỏi tôi rốt cuộc là đang đọc sách gì. Khi nghe đến những tên sách như Tiết Nhân Quý chinh đông, Tiết Cương phản Đường, Văn học dân gian... trông cậu ta có vẻ suy sụp, bởi vì cậu ta chưa bao giờ nghe đến, thật sự hổ thẹn với danh "thần đồng". Khi nghe đến Hồng lâu mộng, vẻ mặt cậu ta mới trở lại hơi bình thường hơn một chút, nhưng ngay lập tức lại hỏi với giọng nghi ngờ: "Trẻ không đọc Hồng lâu, già không đọc Tam quốc, bố cậu cho phép cậu đọc Hồng lâu mộng à?"
Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy cách nói ấy, nên ngẩn người ra đáp: "Mình không biết, bố mình không can thiệp vào chuyện này, ở giá sách có sách gì, mình đều đọc hết."
Cậu ta nghĩ một lúc, rồi thương lượng với tôi: "Cho mình mượn quyển Hồng lâu mộng của nhà cậu nhé, mình cũng sẽ cho cậu mượn một cuốn sách khác."
Tôi mang Hồng lâu mộng cho cậu ta, do nhà xuất bản Văn học Nhân dân xuất bản năm 1979, một bộ bốn quyển, cậu ta mang Thi kinh do nhà xuất bản Thượng Hải Cổ tịch xuất bản cho tôi mượn. Cậu ta nhanh chóng đọc xong Hồng lâu mộng, bĩu môi trả sách lại cho tôi, vẻ mặt như muốn nói thì ra chỉ có thế. Cậu ta lại giở xem Tiết Nhân Quý chinh đông, chưa đọc hết đã ném trả lại cho tôi. Từ đó, tôi toàn mượn sách của cậu ta để đọc, còn cậu ta không có hứng thú với sách của tôi. Cậu ta đã vô tình dẫn dắt tôi đi qua dòng văn học bình dân đến thẳng dòng văn học uyên bác.
Quyển Thị kinh mà cậu ta cho tôi mượn không có chú thích bằng tiếng bạch thoại, tôi đọc rất vất vả, rất nhiều chỗ không hiểu, nhưng cậu ta không chịu giải thích, chỉ nói với tôi rằng, thi từ không cần phải từ nào cũng hiểu, chỉ cần học thuộc, đến một ngày nào đó, một giờ nào đó, ở vào một hoàn cảnh nào đó, tự khắc sẽ lĩnh ngộ. Tôi không biết những lời đó là của bố cậu ta nói với cậu ta, hay là do cậu ta lười giải thích nên viện cớ.
Vì đọc vừa vất vả lại vừa vô vị, nên tôi không muốn đọc nữa, nhưng trong lúc cậu bạn Trần Kình này bắt đầu nhàm chán với cuộc sống của một thần đồng, cậu ta bắt đầu tìm thú tiêu khiển mới, đó là kiểm tra tôi. Cậu ta thường xuyên tùy tiện đọc một câu, yêu cầu tôi phải đọc câu tiếp theo; hoặc cậu ta đọc một nửa, tôi đọc nửa còn lại. Nếu tôi không đọc được, vẻ mặt cậu ta như muốn nói "không sao, vốn đã là như vậy mà". Trẻ con đứa nào cũng có tính hiếu thắng, huống hồ là được chiến thắng một thần đồng, vì vậy, nhờ có sự kích thích trong trò chơi của cậu ta, dần dần tôi cũng học thuộc cả quyển Thi kinh.
Khi mới bắt đầu, tôi chỉ là một trò tiêu khiển trong lúc Trần Kình buồn chán, nhưng sự ngang ngạnh của tôi khiến cậu ta dần dần nhận ra rằng, tôi hoàn toàn không giống những học sinh hay những giáo viên khác, tỏ ra yêu quý và sùng bái thần đồng. Thế là, hai chúng tôi bắt đầu cuộc so tài một cách vô tình nhưng hữu ý.
Giờ học buổi sáng nào cũng diễn ra như nhau, tất cả đọc một lượt một bài văn, giáo viên sẽ dành ra từ hai mươi đến ba mươi phút cho học sinh học thuộc, đến cuối giờ kiểm tra. Trong thời gian quy định, ai học thuộc trước, có thể giơ tay đọc cho cả lớp nghe. Thời gian đọc càng ngắn, độ chính xác càng cao, lại càng vinh dự hơn.
Trần Kình trước tới nay đều khinh khỉnh không tham gia vào những cuộc so tài như thế, bởi vì trí nhớ của cậu ta đúng là khiến người khác kinh ngạc. Toàn bộ bài trong sách ngữ văn, cậu ta đều có thể đọc thuộc lòng. Cậu ta đã từng nửa đùa, nửa tỏ vẻ nói với tôi: "Mang sách lớp 1 lại đây, mình sẽ đọc thuộc cho cậu nghe." Vì vậy, khi giáo viên dành thời gian để chúng tôi học thuộc bài, cậu ta không có việc gì làm, rất buồn chán, các bạn đều lẩm nhẩm học bài, còn cậu ta thì cầm quyển sách ngồi ngẩn ngơ.
Nhưng, có được người bạn cùng bàn không thích nghe lời cô giáo như tôi, cậu ta nhanh chóng thoát khỏi cảnh buồn chán đó. Cậu ta đưa cho tôi một bài văn không biết được photo từ quyển sách nào ra, yêu cầu thi với tôi, thi xem ai có thể đọc thuộc lòng bài văn ấy trong thời gian ngắn nhất.
Bài văn mà cậu ta mang đến thú vị hơn bài trong sách nhiều, tôi vừa muốn được đọc bài văn đó, lại vừa hiếu thắng, liền đồng ý. Từ đó, giờ học buổi sáng, hai chúng tôi bận rộn thi tài. Kết quả cuộc thi tài đó rõ ràng tới mức không cần phải hỏi, thường là tôi mới lẩm nhẩm đọc được vài đoạn, cậu ta đã nói với tôi là, có thể đọc thuộc lòng cho tôi nghe.
Tôi nghĩ thế nào cũng không ra, sao cậu ta có thể đọc hết cả bài văn dài nhanh như thế. Nghĩ không ra, nhưng cũng không dám hỏi.
Trần Kình không trực tiếp trả lời thắc mắc của tôi, mà dùng cách nói đầy miệt thị của mình giải thích một thành ngữ: "Một liếc mười hàng".
Trong lời giảng của cô giáo, thành ngữ "một liếc mười hàng" này là từ có nghĩa xấu, dùng để mắng những học sinh hư đọc sách qua loa chiếu lệ, nhưng Trần Kình nói thành ngữ "một liếc mười hàng" được rút ra từ trong Bắc Tề thư - Hà Nam Khang Thu Vương Hiếu Du, nguyên văn là: "Những người yêu thích văn chương, tốc độ đọc nhanh như gió, một liếc mười hàng là xong", không hề có nghĩa xấu, là một từ có ý hết sức tốt đẹp, ý nghĩa mà từ này muốn truyền tải là một cách đọc sách với tốc độ nhanh.
Vẻ mặt tôi hoang mang, không biết là cậu ta đang nói về cái gì. Cậu ta khinh khỉnh nhìn tôi vài lần, tỏ vẻ coi thường sự ngu dốt khó đả thông của tôi. Lúc ấy đang là lúc nghỉ giải lao mười phút giữa tiết, cậu ta liền lấy ví dụ cho tôi xem: "Lúc này cậu không chỉ nghe thấy tiếng mình nói, đồng thời còn có thể nghe thấy tiếng Chu Tiểu Văn ngồi bàn trên cùng đang bàn luận về váy vóc, nghe thấy tiếng cười của Trương Tuấn ở cuối lớp, tiếng đám con trai hét gọi nhau ở ngoài lớp học?"
Tôi ngây ngô gật gật đầu, chỉ cần chú ý nghe thì không chỉ có những âm thanh ấy.
Cậu ta nói tiếp: "Cũng giống như tai con người cùng lúc có thể nghe thấy bốn, năm người nói chuyện, thậm chí có thể nghe thấy rất rõ những gì mà họ đang nói, mắt cũng thế, mắt của chúng ta cùng lúc có thể nhìn thấy mấy hàng chữ một, đồng thời ghi nhớ nội dung của những hàng chữ ấy. Thực ra dung lượng của não người rất lớn, não một người có thể so sánh với cả vũ trụ. Có nhiều người nói cùng lúc, ý thức của con người cho rằng những tiếng nói ấy cùng lúc cất lên, thực ra với đại não, nó sẽ tự động phân trước phân sau, tiến hành nắm bắt và xử lý. Một liếc, là mang hàm ý tốc độ nhanh, thời gian nhanh tới mức có thể bỏ qua không tính. Đại não kinh qua quá trình rèn luyện có ý thức, tốc độ xử lý của nó vượt xa khỏi khả năng tưởng tượng của con người, vì vậy, một liếc mười hàng, đối với đại não vẫn có trước có sau, chỉ có điều ý thức của con người không nắm bắt được mà thôi".
Cậu ta giơ tay búng tách một cái trước mặt tôi, rồi nói tiếp: "Chỉ một cái búng tay, trong kinh Phật đã là sáu mươi khoảnh khắc, nhưng đối với đại não mà nói, không chừng nó đã bị phân chia ra thành hàng nghìn, hàng vạn đoạn thời gian. Bố mình nói, trên thế giới này chỉ có hai thực thể là tồn tại vĩnh hằng, thứ nhất là đại não, thứ hai mới là vũ trụ. Chỉ cần cậu tin nó...", cậu ta chỉ vào đầu tôi: " Chăm chú rèn luyện, có thể làm được".
Tôi rất sốc, có điều, không phải vì những gì Trần Kình vừa giảng, mà là vì cậu ta đã phá vỡ tính thần thánh trong lời nói của cô giáo, dám phản biện lại định nghĩa một liếc mười hàng của cô.
Cơn chấn động qua đi, tôi âm thầm ghi nhớ tất cả những gì mà Trần Kình nói. Khi tôi đọc tiểu thuyết, bắt đầu ép mắt mình liếc một lúc hai hàng, rồi từ hai hàng đến ba hàng, ba hàng lên bốn hàng,...
Quá trình này rất gian nan, nhưng trước sự cổ vũ của tính hiếu thắng, cho dù có vất vả tới đâu, tôi vẫn kiên quyết ép đại não phải hoạt động tới giới hạn cuối cùng.
Chẳng mấy chốc, khả năng đọc và ghi nhớ của tôi tăng lên nhanh chóng. Cuộc tỉ thí giữa tôi và Trần Kình, từ việc chỉ nghiêng về một bên, giờ đây, thỉnh thoảng cũng đã có lần tôi thắng. Mỗi lần bị tôi làm khó, biểu hiện của cậu ta rất đa dạng, cố tỏ vẻ điềm tĩnh như không thèm quan tâm, cho rằng tôi gặp may, rồi lại chau mày suy nghĩ, liếc trộm tôi… dù sao, cũng thú vị hơn vẻ mặt luôn tỏ ra nghiêm túc của cậu ta lúc bình thường.
Học kỳ một của năm lớp năm, tôi được sống trong vui vẻ. Một là, cô Triệu đã không buồn quan tâm tới tôi nữa. Hai là, lần đầu tiên, tôi được biết thế nào là rung động đầu đời. Ba là, Trần Kình đúng là một cậu bạn cùng bàn hết sức thú vị. Vì tất cả những điều này, tôi thậm chí còn bắt đầu cảm thấy trường học không đáng ghét như tôi vẫn nghĩ.
Khi học kỳ một của năm lớp năm sắp kết thúc, trong một buổi tự học, Trần Kình đột nhiên nói với tôi: “Ngày mai mình không đi học nữa.”
Tôi nghĩ có lẽ cậu ta ốm, hoặc có việc gì đó, cô Triệu lại đang ngồi trên bàn giáo viên chữa bài tập, vì vậy tôi chỉ ậm ừ đáp một tiếng.
Cậu ta kéo vở bài tập của tôi về phía mình, ra hiệu cho tôi ghé đầu sát vào. Tay cậu ta cầm bút, viết lằng nhằng lên tờ giấy nháp, làm như đang giảng bài cho tôi, nói: “Từ lâu mẹ mình đã muốn mình nhảy lớp, nhưng bố mình không đồng ý. Mấy hôm trước cuối cùng mẹ cũng đã thuyết phục được bố. Tuần trước mình đã đến trường Nhất Trung làm bài thi lên cấp hai. Môn toán lớp tám mình được điểm tối đa, có điều điểm tiếng Anh không đạt, được hơn tám mươi điểm thôi, sau khi bố và hiệu trưởng nói chuyện, quyết định học kỳ sau mình sẽ bắt đầu học lớp bảy, mẹ mình muốn mình thôi học, dùng thời gian này để xem qua trước bài vở của lớp bảy.”
“Ý cậu là cậu sẽ không đi học nữa?"
“Đúng thế, mình muốn chào cậu, cô Triệu vẫn chưa biết, sáng mai mẹ mình sẽ đến trường gặp trực tiếp hiệu trưởng để nói chuyện.”
Việc nhảy lớp, người người đều ngưỡng mộ, nhưng trong giọng nói của Trần Kình lại có vẻ không vui. Dù sao cậu ta cũng đi học sớm hơn tuổi, giờ lại một lúc nhảy liền hai lớp, nhỏ hơn các bạn đi học đúng tuổi đến bốn tuổi. Bốn năm của trẻ con, sự khác biệt trong tâm lý là rất lớn. Một người ba mươi tư tuổi có thể cảm thấy người ba mươi tuổi không khác gì mình, nhưng một học sinh lớp bảy mười bốn tuổi chắc chắc sẽ cảm thấy một đứa mới mười tuổi không ở cùng thế giới với mình.
“Thần đồng”, xét ở một khía cạnh nào đó, còn có nghĩa là “khác loài”, cũng có nghĩa là người bị bài xích ra khỏi cộng đồng. Khi lớn lên rồi, thỉnh thoảng tôi cũng có suy nghĩ, sự ngạo mạn của Trần Kình khi ấy phải chăng cũng giống như vẻ lạnh lùng của tôi, đều là chiếc mặt nạ để tự bảo vệ bản thân mình?
Đối với việc ra đi của cậu ta, tôi cũng hơi lưu luyến, nhưng không đến mức quá mãnh liệt. Dù sao Trần Kình và tôi cũng không phải người của cùng một thế giới.
Hết giờ, lưng đeo cặp sách, cậu ta đứng trên bục giảng một lúc, lặng lẽ nhìn các bạn đang cười đùa, trêu chọc nhau. Vẻ mặt cậu ta không còn kiêu ngạo nữa, chỉ có sự thâm trầm trước tuổi. Lúc đi, cậu ta nói với tôi “tạm biệt”. Tôi thờ ơ đưa tay lên vẫy vẫy.
Nằm bò lên bậc cửa sổ, nhìn cậu ta lưng đeo cặp sách, một mình chậm rãi đi về phía cổng trường, vừa đi vừa nhìn ngắm xung quanh, có vẻ như còn lưu luyến. Đám con trai xung quanh đều đang túm năm tụm ba, khoác vai bả cổ đi với nhau, ai cũng cao hơn cậu ta, khiến cậu ta trông càng nhỏ bé.
Tôi cầm cặp lên, chạy như bay xuống tầng dưới, đuổi theo đến chỗ cậu ta: “Mình… mình cũng về nhà, cùng đi nhé.”
Ánh mắt cậu ta lóe lên, nhưng sắc mặt vẫn kiêu ngạo như chẳng quan tâm đến sự đời ấy.
Tôi cùng cậu ta từ từ ra khỏi cổng trường. Đi đến một ngã rẽ, không thể không chia tay, cậu ta vẫy tay chào tôi: “Tạm biệt nhé”, nói xong liền đi nhanh như chạy.
Tôi vẫy tay chào cậu ta từ phía sau, sau đó lắc lư đi tiếp.
Mỗi người chúng ta đều như một hành tinh, điểm đầu là được sinh ra, điểm cuối là cái chết, đấy là quy luật mà ông trời đã sắp xếp sẵn cho chúng ta, tuy nhiên quỹ đạo vận hành giữa sự sống và cái chết ấy lại được quyết định bởi rất nhiều nhân tố. Chúng ta vận hành trong vũ trụ rộng lớn, hai hành tinh mà chúng ta đụng phải sớm nhất là bố và mẹ, tiếp theo là thầy cô giáo, bạn bè, người yêu, cấp trên…
Chúng ta và những hành tinh khác gặp nhau, đâm vào nhau, sự va chạm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quỹ đạo chuyển động của chúng ta, có ảnh hưởng tích cực, nhưng cũng có những ảnh hưởng tiêu cực. Ví dụ, yêu phải một người không đáng yêu, gặp một giáo viên tồi, có một vị cấp trên hà khắc, là những ảnh hưởng có tính tiêu cực điển hình. Còn gặp một giáo viên giỏi, được đầu quân cho một vị sếp biết trọng dụng tài năng của mình, có người bạn chịu nắm lấy tay mình trong khó khăn, trong phong thủy học gọi họ là quý nhân; thực ra, quý nhân, chính là những cuộc gặp gỡ mang tính tích cực.
Trần Kình là người đầu tiên mà tôi gặp trên con đường đời tôi đang đi, có ảnh hưởng vô cùng tích cực đối với tôi. Thời gian ngồi cùng bàn ấy, cậu ta đã đưa tôi vào một thế giới mà tôi chưa từng được biết đến, mặc dù mới chỉ là đứng ở ngoài cửa, nhưng nhờ sự chỉ dẫn của cậu ta, tôi đã vô tình bước chân lên một con đường mới.
Nhưng khi ấy, tôi hoàn toàn không hiểu điều đó. Cậu ta dạy tôi cách học tập. Những câu chuyện kể mà cậu ta cho tôi nghe trong giờ nghỉ giải lao, những bài thơ mà cậu ta dùng để kiểm tra tôi, những bài hát mà cậu ta gợi ý tôi nên nghe, những nhân vật kiệt xuất mà cậu ta ngưỡng mộ, tất cả, trong mắt một đứa trẻ như tôi, chỉ là trò chơi của hai đứa trẻ con, không thú vị hơn việc nhảy dây, đấm bao cát là mấy, nhưng trên thực tế, những thứ mà cậu ta cho tôi, đã dần dần thay đổi quỹ đạo của cuộc đời tôi.
Việc Trần Kình đột ngột nghỉ học tạo ra hiệu ứng vô cùng lớn trong lớp. Thời gian ấy, rất nhiều nữ sinh nằm bò trên bàn mà khóc lóc. Thật đúng là một cuộc thất tình tập thể.
Sau đó, không biết cô bạn nào đã hỏi được địa chỉ nhà Trần Kình. Nữ sinh trong lớp đều phấn khởi, bắt đầu góp tiền, theo kế hoạch là mỗi người nộp năm tệ, cùng nhau mua một món quà lưu niệm để tặng Trần Kình. Tôi không tham gia. Gia đình tôi không giàu có gì, tiền tiêu vặt của tôi cũng có hạn, mà chúng đã có việc quan trọng hơn để làm, ví dụ như mua nước cam ép.
Vấn đề là, mặc dù tôi không giàu có, nhưng tôi cũng không nghèo, rất nhiều nữ sinh có gia cảnh khó khăn cũng đều cố gắng hết khả năng, dốc hầu bao ra quyên góp. Trong mắt đám nữ sinh đó, hành vi của tôi là không thể tha thứ. Vì chuyện này, một lần nữa tôi lại trở thành “trường hợp cá biệt” trong lớp, tất cả các bạn đều biết tôi không thích Trần Kình. Trong lòng của đám con gái lớp tôi, thì đây là câu có thể biểu đạt giọng điệu chuẩn xác nhất: Mày, lại dám không thích Trần Kình?
Vì Trần Kình mà lần đầu tiên tôi bị cô lập, toàn bộ nữ sinh trong lớp đều coi tôi như kẻ thù.
Khi đó, tôi cảm thấy bọn họ thật đáng ghét. Giờ nghĩ lại, cảm thấy tình cảm đó thật thuần khiết, mộc mạc biết bao, yêu không ham muốn, không chiếm dụng, thậm chí vì cùng yêu chung một người mà càng trở nên thân thiết hơn. Thứ tình yêu ấy, chỉ có ở thời tiểu học mà thôi.
Sau khi Trần Kình đi không lâu, học kỳ một lớp năm kết thúc, rút cục bọn con gái trong lớp đã mua quà gì cho Trần Kình, tôi cũng không rõ, bởi vì trong mắt họ, tôi không có đủ tư cách để cùng với họ thích Trần Kình, chỉ biết đúng là cả đám có mang quà đến nhà Trần Kình trong kỳ nghỉ đông. Suốt một thời gian dài trong học kỳ hai, đề tài bàn tán chủ yếu vẫn xoay quanh Trần Kình, mẹ Trần Kình thật xinh đẹp, bố Trần Kình thật uyên bác, gia đình Trần Kình cao quý biết bao, Trần Kình thật là ưu tú.
Học kỳ hai bắt đầu, hành tinh nhỏ bé là tôi đây đã va chạm với một hành tinh khổng lồ có ảnh hưởng vô cùng lớn với tôi.
Vì lí do sức khỏe nên học kỳ này, cô giáo Triệu không thể đi dạy, thay vào đó là cô Cao, một giáo viên vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm.
Cũng có thể là vì vừa tốt nghiệp, nên cô vô cùng sáng tạo và nhiệt tình trong công việc. Vào giờ học, cô thường kể chuyện cười và hát cho chúng tôi nghe. Nếu có ai đó lơ đãng, cô còn tỏ vẻ thông cảm và nói với chúng tôi: “Cô biết môn toán rất khô khan, lại không thi vị, nhưng cô đang cố gắng để bài giảng thú vị hết mức có thể, các em có thể nói ra ý kiến của mình, nhưng không được phép không nghe giảng.”
Cô giáo Cao rất thích cười, cô chưa bao giờ trách mắng bất kì ai, cũng chưa bao giờ phân biệt học sinh giỏi, học sinh kém, thậm chí, cô còn tỏ ra thiên vị hơn đối với những học sinh yếu kém. Mỗi lần nói chuyện với chúng tôi, giọng cô rất dịu dàng, nhẫn nại, cứ như sợ làm tổn thương chúng tôi vậy.
Vì cô Cao, tôi không còn chép bài tập của người khác nữa, nhưng vì mất căn bản, nên cho dù có tự mình làm, kết quả cũng thảm hại.
Nhưng, tôi phát hiện ra rằng, lần nào cô cũng chữa từng bài của tôi hết sức cẩn thận và kỹ lưỡng, bên cạnh mỗi bài còn viết những lời đánh giá của cô về cách giải đúng của tôi. Có rất nhiều bài tôi làm sai, cô vẫn viết những lời tán dương, khen ngợi tôi có tư duy logic độc đáo. Lần đầu tiên gặp trường hợp làm bài sai mà vẫn được khen, tôi rất kinh ngạc, bất giác có những suy nghĩ lạ lẫm về cô giáo Cao.
Tiết học nào cô cũng đặt câu hỏi cho tôi trả lời, nếu tôi trả lời đúng, cô sẽ biểu dương rất nhiệt tình, nếu tôi không trả lời được, cô thường mỉm cười nói: “Em hãy suy nghĩ thêm nhé, với khả năng của em, cô tin bài này em có thể làm được”, sau đó cho tôi ngồi xuống.
Trong mắt người lớn, trẻ con luôn luôn ngây ngô, nhưng trái tim chúng tôi lại hết sức mẫn cảm. Ý tốt đó của cô Cao, tôi đã cảm nhận được.
Tôi như một bông hoa hướng dương lâu ngày sống trong bóng tối, đã thèm khát ánh nắng mặt trời quá lâu, đúng vào thời điểm tôi bắt đầu nghĩ thế giới này là một màu đen tối, trong mắt người lớn, tôi là đứa trẻ không làm gì đúng bao giờ, không có bất kì người lớn nào chịu dành cho tôi một chút quan tâm dịu dàng, thì cô Cao đã xuất hiện. Cô nhìn tôi với ánh mắt tin tưởng kì vọng, còn tôi lại đang do dự, do dự liệu có nên tin tưởng vào sự thân thiện của cô hay không. Trong khi còn đang băn khoăn, tôi đã không cố gắng nghĩ về hướng tích cực hơn, mà thậm chí còn trở nên xấu xa hơn. Mỗi khi đến giờ của cô, tôi đều cố ý đọc tiểu thuyết, cố ý không nghe giảng, cố ý viết lung tung khi làm bài tập. Cô nói đông, tôi lại viết tây, cô nói tây, tôi viết đông, tôi muốn dùng những cái gai nhọn trên người mình để ép cô phải lộ “bộ mặt thật”.
Tới tận bây giờ tôi vẫn không hiểu tôi của ngày ấy đã nghĩ gì, chỉ lờ mờ đoán ra rằng tôi muốn chứng minh thế giới của tôi không có mặt trời, khiến tôi phải từ bỏ, không có hy vọng thì không phải thất vọng, có lẽ tôi chỉ đang dùng một cách khác để bảo vệ mình.
Nhưng cô Cao vẫn không bị tôi ép cho phải lộ “bộ mặt thật”. Cô dùng trái tim bao dung của bậc làm cha làm mẹ để dung thứ cho tất cả những hành động làm tổn thương người khác và tổn thương chính mình của tôi.
Và trong thời gian đó đã xảy ra một chuyện, đánh tan tất cả sự hoài nghi của tôi dành cho cô. Vì muốn giúp cô Cao nắm bắt tình hình lớp tôi cách nhanh nhất, trong thời gian cô Triệu nghĩ ngơi sau ca phẫu thuật, nhà trường sắp xếp cho hai người gặp nhau, để cô có thể tìm hiểu cặn kẽ tình hình của từng học sinh trong lớp.
Khi tôi biết tin này thì cô Triệu đã ngồi trong văn phòng của cô Cao. Cảm giác khi ấy là toàn thân như bị dội một thùng nước lạnh, đốm lửa nhỏ vừa nhen nhóm cháy trong tim đã tắt ngấm. Văn phòng của cô Cao ở tầng một, ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại lén lút đi đến đứng dưới văn phòng đó, ngồi xổm dưới cửa sổ nghe trộm. Lúc tôi đến đã muộn, nên không nghe được những gì cô Triệu nói, chỉ nghe tiếng cô Cao đang khách sáo nói với cô Triệu: “… Ai cũng có lúc phạm sai lầm. Sai lầm không phải là chuyện không thể tha thứ được, La Kì Kì và Trương Tuấn đều là những học sinh rất thông minh…”
Sau đó, tôi không còn nghe thấy gì nữa. Trời đất như xoay chuyển. Đầu óc tôi ong ong. Từ ngày tôi bắt đầu đi học đến giờ, chưa có ai khen tôi thông minh, ai cũng nói tôi cứng đầu, ngu ngốc. Tôi khẳng định là mình nghe nhầm rồi, khẳng định! Khi đã tỉnh táo hơn, tôi chỉ muốn nghe lại một lần nữa, thì đã thấy tiếng cô Cao tiễn cô Triệu ra cửa. Thế là, tôi tự lẩm nhẩm “Mình nghe lầm rồi” và đi về lớp như một người say.
Lý trí của tôi vụng trộm nói với tôi rằng, tôi không nghe nhầm, là thật, tôi không phải là một đứa trẻ ngu ngốc. Nhưng trái tim đã tự ti quá lâu nên giờ từ chối chấp nhận điều đó, vẫn nói với mình hết lần này tới lần khác, nghe nhầm rồi, nghe nhầm rồi, nhất định là nghe nhầm rồi.
Có điều, cho dù nghe nhầm hay không nghe nhầm, tôi cũng phải giữ lại ánh mặt trời trong mắt của cô Cao. Tôi rất sợ khiến cô thất vọng, sợ cô thất vọng rồi sẽ chuyển hướng nhìn. Vì vậy, tôi không còn đọc tiểu thuyết trong giờ học nữa. Tôi bắt đầu chăm chỉ nghe giảng. Hết giờ, mỗi bài tập tôi đều suy nghĩ nghiêm túc và kỹ càng để hoàn thành. Có những bài không biết làm, tôi vẫn ghi chú ở bên cạnh hướng suy nghĩ của tôi. Và tôi đã nghĩ những gì, tôi muốn cô cảm nhận được rằng tôi đang cố gắng, để cô cho tôi thêm chút thời gian.
Thành tích trong môn toán của tôi tăng lên nhanh chóng, kết thúc lớp năm, điểm toán từ mức thường xuyên không đạt giờ đã được tám mươi, chín mươi điểm. Tình hình của Trương Tuấn cũng giống tôi, nhưng điểm ngữ văn của cả hai đều kém, khiến điểm tổng kết bị kéo xuống, vì vậy xếp số thứ tự vẫn không có gì thay đổi.
Dù sao thành tích này cũng khiến bố mẹ tôi vui sướng vô cùng. Sau buổi họp phụ huynh, bố hào hứng nói với tôi: “Hết buổi họp phụ huynh, cô Cao còn giữ bố lại, nói với bố rằng, ‘Con gái anh rất thông minh’, đúng rồi, cô Cao còn muốn chọn con vào đội tuyển tham gia Olympic toán cấp tiểu học của thành phố, nên mùa hè này con cũng phải đến trường để học.”
Giây phút ấy, tôi mới khẳng định tôi đã không nghe nhầm.
Cùng trong đội tuyển toán do cô Cao đích thân bồi dưỡng còn có Trương Tuấn.
Kì nghỉ hè năm ấy là những ngày tháng vui vẻ, rực rỡ nhất trong thời niên thiếu của tôi.
Mỗi buổi sáng khi vừa mở mắt, là cảm nhận được ánh mặt trời tràn ngập trong tim. Mỗi buổi sáng tôi đều đến trường, cùng Trương Tuấn nghe cô giáo giảng bài, mặc dù không nói chuyện với nhau, nhưng ngồi rất gần nhau, chỉ một cái liếc mắt là có thể nhìn thấy nụ cười của cậu ấy.
Cô Cao cũng không đứng trên bục giảng. Cô thường ngồi trước mặt chúng tôi, vừa viết ra nháp vừa giảng bài. Những lúc mệt, ba cô trò lại ngồi nói chuyện. Cô thường kể những câu chuyện khi cô còn học ở Bắc Kinh, tôi và Trương Tuấn lặng im lắng nghe. Cũng có lúc, Trương Tuấn kể về những điều cậu ấy được nghe, được thấy qua những chuyến du lịch trên khắp mọi miền đất nước. Cậu ấy rất biết ăn nói. Những chuyện cậu ấy kể thật sinh động và hấp dẫn. Cậu ấy kể mình được ăn một bàn tiệc chỉ có cá khiến tôi và cô Cao đều nuốt nước miếng, kể chuyện ăn hải sản ở Yên Đài, tôm tươi chỉ tẩm qua rượu, khi cho vào miệng, con tôm vẫn còn giãy giụa, mùi vị rất tuyệt, tôi và cô Cao nghe mà lè lưỡi lắc đầu.
Trước mặt cô giáo, Trương Tuấn chưa bao giờ có ý thức mình là học trò. Những lúc cao hứng, cậu ta còn nhảy lên mặt bàn ngồi, vừa nói vừa khoa chân múa tay, nét mặt hào hứng, còn tôi và cô Cao ngồi trên ghế, phải ngửa cổ lên, nghe cậu ấy nói.
Ánh mặt trời rực rỡ xuyên qua khung cửa sổ rồi chiếu lên người cậu ấy khiến toàn thân cậu ấy rực sáng, trái tim tôi cũng sáng lấp lánh. Lần đầu tiên tôi biết hạnh phúc và niềm vui thực ra vô cùng đơn giản, chỉ cần ngồi ở đó, yên lặng ngắm nhìn cậu ấy.
Ngoài trả lời câu hỏi, đa phần thời gian tôi im lặng, nhưng trong sự im lặng của tôi lại âm ỉ niềm vui, nghe họ nói chuyện.
Học xong, tôi và Trương Tuấn sánh đôi về nhà.
Hai nhà chúng tôi ở hai bên bờ sông, nói là sông, nhưng thực ra cũng không hẳn là sông, mà nghe nói là một con mương do dân đào từ thời Thanh, nhưng chúng tôi đều quen gọi là sông.
Vì muốn được đi cùng với cậu ấy một đoạn, tôi liền nói mình thích ngắm sông. Hai đứa đi dọc bờ sông, đến một cây cầu thì chia tay.
Tôi vất vả tìm các cơ hội để được ở bên cậu ấy, nhưng khi ở bên nhau, tôi lại không biết nói gì, chỉ im lặng, thường thì là một mình Trương Tuấn nói, tôi chăm chú lắng nghe, cậu ấy có rất nhiều câu chuyện thú vị để chọc cho tôi cười.
Có lúc cậu ấy cũng không nói gì, chúng tôi cùng im lặng. Tôi rất sợ cậu ấy chê tôi nhạt nhẽo, sợ sau này tan học không muốn đi về cùng tôi nữa, vì vậy khi cậu ấy im lặng, tôi liền tìm mọi cách để nghĩ ra một đề tài nào đó, nhưng sao vẫn không biết nên nói gì, chỉ có thể hỏi: “Cậu thấy bài tập sáng nay liệu có cách giải nào hay hơn nữa không?” hoặc “Mình mới tìm ra một cách giải mới cho bài tập ngày hôm qua.” Thế là, hai đứa vốn học kém có tiếng ở trường như chúng tôi lại say sưa thảo luận về toán học như những học sinh hiếu học nhất. Và tôi, nhiều năm sau, mới nghĩ ra để hỏi mình rằng, rút cục, im lặng vô vị hơn, hay là thảo luận một bài toán khô khan có thể có bao nhiêu cách giải thì vô vị hơn?
Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có ngoại lệ. Những lúc nước sông rút, chúng tôi liền xuống dưới chơi, cùng cúi đầu sục sạo để tìm những viên đá đẹp.
Khi mệt, hai đứa vai kề vai ngồi trên một hòn đá lớn, chân thả dưới nước, vừa đá nước nghịch, vừa nghỉ ngơi. Nước sông khiến người cảm thấy nhẹ nhõm. Cho dù cả hai đều im lặng, tôi cũng không cố ý tìm chuyện để nói, phơi nắng, tận hưởng sự mát mẻ do những cơn gió nhẹ đưa tới.
Thời gian ở bên nhau bao giờ cũng qua rất nhanh. Tôi thường thình lình túm lấy cổ tay cậu ấy để xem đồng hồ. Khi thấy đã đến giờ ăn trưa, tôi vội vội vàng vàng đứng dậy đi giày: “Mình phải về nhà rồi, tạm biệt!”
Cậu ấy lười nhác đứng dậy, vừa đi giày vừa nói: “Ngày mai gặp.”
Nghĩ đến ngày mai vẫn còn được gặp nhau, vẫn còn có thể cùng đi về, cùng nghịch nước, tôi lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc, đi đường mà cứ đang bay.
Mỗi buổi sáng sớm, tôi gần như không thể chờ đợi được, muốn chạy thật nhanh đến trường, muốn được nhìn thấy cậu ấy, muốn cùng học, cùng chơi với cậu ấy.
Có một lần, Trương Tuấn nằm trên phiến đá ngủ, tôi ngồi bên cạnh đá nước, len lén nhìn đồng hồ, thấy đã quá giờ cơm trưa, nhưng cậu ấy vẫn chưa tỉnh. Tôi do dự, rồi cũng không gọi, thậm chí còn lấy mũ che nắng của mình che cho cậu ấy ngủ.
Tôi cầm mũ, ngồi bên cạnh cậu ấy, chăm chú nhìn nét mặt của cậu ấy khi ngủ, tay này cầm mỏi rồi thì đổi sang tay kia. Tôi thấy trái tim tôi cũng sáng rực như ánh mặt trời mùa hạ, dịu dàng như dòng nước lững lờ trôi trước mặt, chỉ cần Trương Tuấn ở đây, tôi nguyện sẽ luôn ở bên cạnh để bảo vệ cậu ấy.
Sau giấc ngủ dài, Trương Tuấn tỉnh dậy, chống hai tay trên phiến đá, nửa nằm nửa ngồi, tôi liền thu lại chiếc mũ đội lên đầu mình, mắt nhìn xa xăm.
Cậu ấy nhìn tôi, mỉm cười nói: “Cậu lỡ giờ cơm trưa rồi.”
Tôi cúi đầu, vừa đi giày vừa đáp: “Không sao!” như rất vội phải về nhà. Thật ra, tôi không dám nhìn cậu ấy.
Tôi vội vàng định đi, cậu ấy liền hỏi: “Cậu về muộn, bố mẹ có mắng cậu không?”
Tôi thành thật trả lời: “Có lẽ sẽ nói vài câu, có điều mình cũng chẳng để ý, thỉnh thoảng họ cũng có vẻ sợ mình, không dám nói nặng lời.”
Lời tôi nói, người thường nghe không thể hiểu được, nhưng dường như Trương Tuấn hiểu, vẻ mặt không tỏ ra ngạc nhiên, chỉ cười cười.
Tôi đã đi rồi, đột nhiên nghĩ ra, cậu ấy chưa bao giờ phải vội vàng về nhà. Quay đầu lại, thấy cậu ấy vẫn ngồi trên phiến đá, không kìm được, tôi liền chạy lại, đứng trên cầu hỏi: “Cậu không về nhà à?”
Cậu ấy ngẩng đầu lên: “Nhà mình không có ai, mình về hay không cũng có khác gì đâu.”
Tôi giật mình, chẳng phải trên cậu ấy còn có bốn chị gái, cậu ấy là đứa con khó khăn lắm bố mẹ mới có được, chẳng phải là bảo bối được cả nhà cưng chiều sao?
“Chẳng phải cậu có bốn chị gái à? Bố mẹ cậu đâu?”
Trương Tuấn cười giải thích: “Bố mình là kỹ sư công trình, công trình ở đâu thì người ở đấy; mẹ mình gần như ở lại hẳn Thành Đô, trông con giúp chị cả; chị hai làm việc ở Thâm Quyến; chị ba ở trong ký túc của đài truyền hình, còn bận chuyện yêu đương; chị tư thì vừa thi đỗ đại học, lên Thượng Hải học rồi, giờ ở nhà chỉ còn mình.”
“Vậy ai nấu cơm cho cậu ăn?”
“Có một cô ở quê đến chăm sóc mình, có điều cô ấy chẳng quan tâm tới việc mình làm gì.”
Tôi đứng ở đầu cầu, im lặng.
Cậu ấy ngửa cổ nhìn tôi một lúc, dịu dàng nói: “Về nhà đi, bố mẹ cậu sẽ lo đấy.” Nói xong, cậu ấy đứng dậy, định đi thì tôi lại hỏi: “Cậu đi đâu?”
Trương Tuấn bám vào thành cầu bật người trèo lên: “Đi tìm bạn chơi.”
Tôi không muốn để cậu ấy đi, tôi rất muốn nói, chúng ta cùng chơi, nhưng không sao mở miệng ra được, đành lê bước về nhà.
Nghỉ hè, những ngày không phải đi học bồi dưỡng, tôi thường đến quán game của anh Lý để đọc tiểu thuyết.
Một người bạn chạy xe đã mang cho anh Lý một dây nho từ Tân Cương về, Tiểu Ba đem trồng ở góc tường, còn dùng dây thép và thanh trúc buộc thành giàn cho nó leo, giờ giàn nho đã xanh mướt một màu, tôi thích ngồi đọc sách ở đó.
Anh Lý đang bận với công việc làm ăn mới nên giao toàn bộ việc quản lý cửa hàng cho Tiểu Ba và Ô Tặc. Khi có người đến mua đồ, Tiểu Ba sẽ ra ngó một lát, nếu không có ai, Tiểu Ba ở trong sân chơi bida, thỉnh thoảng lại nói vu vơ một, hai câu với tôi trong lúc tôi ngồi đọc sách dưới giàn nho.
Cách dăm ba ngày lại có người đến đặt cược, có lúc cược nhỏ, lúc cược lớn, khi có trận cược lớn, anh Lý sẽ dọn dẹp sân vườn, đóng cửa, sai người đứng ở ngoài canh chừng, không cho người lạ vào. Có một lần họ đánh cược, tôi đang ngồi đọc sách ở đó, Tiểu Ba không đuổi tôi ra, anh Lý và Ô Tặc cũng không để ý gì đến tôi, mặc tôi ra vào tự do. Tôi đứng một bên nhìn, dần dần cũng hiểu được một vài chuyện, người đến đặt cược lắm kẻ trên người có đầy hình xăm, ăn nói thô tục, nhưng cũng có người ăn mặc tươm tất, nói chuyện nho nhã, khách sáo, câu nói “tam giáo cửu lưu” dùng ở đây thì thật quá hợp tình hợp cảnh.
Những lúc cược nhỏ, thỉnh thoảng tôi cũng đặt, anh bạn Tiểu Ba chơi rất khá, chưa bao giờ thua nên tôi không bị thua tiền. Nhờ Tiểu Ba, sau khi trả tiền nước cam, tôi còn có thể mua một vài quyển sách mà tôi thích và dư tiền thuê truyện ở quầy thuê truyện bên cạnh. Có quầy truyện này, tôi bắt đầu được đọc đầy đủ những bộ tiểu thuyết của Cổ Long, bộ “Hoan lạc anh hùng” là tôi thích nhất, tôi đọc đi đọc lại, chỉ bởi vì trong đó không có sự cô độc.
Đọc sách mệt, nếu ở đó không có người, Tiểu Ba sẽ dạy tôi chọc bida, dạy từng thế, từng thế một. Tiểu não của tôi không phát triển, nên môn thể dục chưa bao giờ được điểm cao, nhưng đối với môn thể thao trí tuệ nửa động nửa tĩnh này lại có chút tài năng, học khá nhanh.
Thỉnh thoảng, anh Lí và Ô Tặc ở đó, bốn chúng tôi ngồi dưới giàn nho chơi bài chéo cánh. Lúc mới chơi, anh Lí và Ô Tặc đều chê tôi trẻ con không biết gì, không chịu bắt cánh với tôi, chỉ có Tiểu Ba là tốt bụng, chẳng màng chuyện thắng thua nên nhận tôi vào và hướng dẫn tôi chơi.
Ai thua, sẽ bị dán một miếng giấy màu trắng lên mặt, chúng tôi thường xuyên thua, mặt ai cũng dính đầy giấy.
Sau khi đã nắm vững luật chơi và đường đi nước bước, trình độ chơi bài của tôi đã có những tiến bộ vượt bậc, theo cách nói của anh Lý thì là, lì xì ra khói. Còn như lời của Ô Tặc là: xảo quyệt. Tiểu Ba đánh bài tính toán rất giỏi, lại có tôi phối hợp, chúng tôi kẻ tung người hứng, đánh cho anh Lí và Ô Tặc phải nghiến răng trèo trẹo. Họ muốn tách tôi và Tiểu Ba ra, tôi không chịu, trước đó còn coi thường tôi, giờ tôi mới không thèm ở cùng cánh với hai người!
Anh Lí và Ô Tặc trêu tôi thù dai, tôi nghiến răng nghiến lợi nói: “Người không ghi nhớ thù hận thì cũng không biết ghi nhớ ân nghĩa.”
Mặc kệ hai người bọn họ chê cười thế nào, tôi cũng chỉ ở cùng phe với Tiểu Ba.
Thỉnh thoảng, bốn người chúng tôi còn chơi trò quan binh bắt trộm, tôi thích là làm tên lâu la, cầm cái thước sắt thích đánh ai thì đánh. Ô Tặc luôn chơi xấu. Tôi liền đuổi theo anh ta để đánh. Dưới giàn nho, bốn chúng tôi quay quần vui đùa.
Tôi không còn ngoan ngoãn, trầm lặng như trước nữa mà bắt đầu thích cười thích đùa, giương nanh múa vuốt. Ô Tặc thường cằn nhằn Tiểu Ba, nói tưởng nhận nuôi một con mèo, không ngờ lại là một con báo nhỏ. Tiểu Ba cười trêu: “Ai bảo anh thích chọc cô nhóc?”
Khi chơi bài, anh Lý và mọi người uống bia, còn tôi uống Kiệt Lực Bảo, thời ấy Coca Cola, Pepsi, Fanta, Wahaha đều chưa xuất hiện, loại đồ uống có ga vị cam đó là thứ cao cấp nhất trong lòng tôi.
Sau này, mỗi lần nhớ lại kỳ nghỉ hè ấy, tôi đều liên tưởng tới bốn chữ “du trường giả kỳ”. Tôi biết, kỳ nghỉ hè của mình không liên quan chút nào tới nội dung của bộ phim truyền hình Nhật Bản “Du Trường Giả Kì”, nhưng năm tháng qua đi, mỗi khi tôi nhớ lại kỳ nghỉ hè ấy, trước mắt tôi lại tràn ngập ánh mặt trời rực rỡ, dòng sông với những con sóng lăn tăn đuổi nhau, những chiếc lá nho xanh biếc, những tiếng cười vui vẻ, vị ngọt ngào thanh mát của cam trong miệng, mấy người bạn tốt, còn cả cậu bạn mà tôi thích.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top