Chương 1
2. Gặp cậu ấy
Có lẽ do ý thức được tầm quan trọng của người thầy trong cuộc đời mỗi đứa trẻ, nên văn hóa Trung Quốc truyền thống luôn nhấn mạnh đạo lý tôn sư trọng đạo. Việc tôn trọng thầy cô giáo đã sớm trở thành một tiêu chuẩn đạo đức ở Trung Quốc, nhưng lại quên mất rằng, vì thầy cô giáo có tầm quan trọng lớn lao trong cuộc đời của con trẻ, nên thực ra thầy cô giáo cũng cần phải tôn trọng học sinh của mình.
Có sự tôn trọng đối với sinh mệnh của mỗi cá thể, mới có thể có được sự chỉ dẫn chính xác cho cuộc sống của cá thể ấy.
Khi năm học lớp ba sắp kết thúc, vì số học sinh trong trường tăng cao nên có tin là phải chia lại lớp, tôi thầm cầu nguyện, mong sao cô giáo Triệu bị chuyển đi.
Hằng tuần, trường tôi đều tổ chức chào cờ. Sau nghi thức chào cờ, thầy hiệu trưởng sẽ lên biểu dương những học sinh tiên tiến, phê bình những học sinh yếu kém, rồi tặng lá cờ đỏ lưu động cho lớp có biểu hiện tốt nhất trong tuần vừa qua.
Tuần này cũng thế. Thường thì mọi lần chỉ làm cho có lệ, tôi vẫn cúi đầu không buồn để ý. Dù lá cờ đỏ đó được phát cho lớp nào cũng chẳng liên quan gì tới tôi.
Sau khi phát xong lá cờ đỏ lưu động, thầy hiệu trưởng nghiêm túc nhắc nhở về hành vi trộm cắp vặt trong trường, cái gì mà vi phạm pháp luật, phải vào tù, v.v... nếu đúng vào dịp truy quét cuối năm thì còn có thể bị tử hình.
Một học sinh nam bị thầy hiệu trưởng gọi lên bục. Thầy bắt đầu tuyên bố tội danh của cậu ta: lấy trộm xe đạp, lấy trộm ví của giáo viên, câu kết với các học sinh lớp lớn bắt nạt các em học sinh lớp bé, đe dọa, ép buộc các em học sinh lớp bé về nhà lấy trộm tiền của bố mẹ, đánh nhau, dùng khóa xe đạp đánh bị thương một học sinh nam lớp 1 của trường tiểu học số Một, viết thư tình cho các chị học khóa trên...
Một đứa trẻ mới chỉ mười một, mười hai tuổi đầu mà đã mắc những tội danh không thể khoan hồng, có thể tống thẳng vào trại giam, tiến hành cải tạo lao động vậy, học sinh toàn trường nghe xong mà mắt tròn mắt dẹt nhìn. Nhưng điều khiến tôi chăm chú theo dõi không phải là danh sách tội lỗi dài dằng dặc ấy mà là tinh thần của cậu ta.
Vóc dáng cậu ta cao hơn các bạn cùng tuổi, vì cao nên trônh lại gầy, bộ đồng phục màu xanh lam khoác trên người cậu ta như treo lơ lửng trên móc áo, đầu cắt cua, vì tóc quá cứng nên dựng đứng hết lên, thoáng nhìn trông như một con nhím. Cậu ta đứng đó với điệu bộ uể oải, cúi đầu như biết lỗi, nhưng thỉnh thoảng ngẩng đầu lên, tôi thấy nụ cười trên môi cậu ta.
Lẽ nào cậu ta không thấy ánh mắt của mọi người đang đổ dồn về phía mình? Lẽ nào cậu ta không cảm thấy xấu hổ sao? Dù gì cũng là đứng trước học sinh toàn trường, tôi không thể nào lý giải nổi.
Hết giờ chào cờ, các bạn nữ xung quanh túm tụm lại bàn tán, tôi đi theo sau họ, nghe hiểu được phần nào lai lịch của cậu học sinh này. Cậu ta học cùng khối với chúng tôi, nhưng vì đúp năm lớp hai, nên nhiều tuổi hơn. Nghe nói cậu ta là con út, hơn bốn mươi tuổi mẹ cậu ta mới mang thai cậu, trên cậu ta là bốn chị gái hơn khá nhiều tuổi, thấy bảo cũng là gia đình giàu có. Giày thể thao hiệu Nike, đồng hồ đeo tay hiệu Swatch, đều là những thứ mà anh rể cậu ta mang về từ nước ngoài.
Cuối những năm tám mươi, đầu những năm chín mươi, nước ngoài vẫn còn là một danh từ nghe hết sức xa xôi, đồ gì của hãng nào, ý nghĩa của thương hiệu là gì tôi đều không hiểu. Tôi chỉ nghi hoặc nghĩ rằng, nếu nhiều tiền như thế sao phải đi trộm đồ, ăn chặn tiền của người khác?
Hành vi, vẻ mặt của cậu ta, đối với tôi mà nói đều là một câu đố. Trong nỗi băn khoăn khó hiểu đó, tôi đã ghi nhớ tên của cậu học sinh cá biệt này - Trương Tuấn, có điều, tôi tin, ngày hôn đó không chỉ mình tôi nhớ tên cậu ta.
Năm lớp bốn, chia lại lớp thật, và cũng đã xảy ra hai chuyện bất hạnh. Chuyện thứ nhất, giáo viên dạy toán lớp tôi vẫn là cô Triệu; chuyện thứ hai, cô ta không chỉ là giáo viên dạy toán mà còn kiêm luôn giáo viên chủ nhiệm.
Trương Tuấn và tôi được phân vào cùng một lớp, nhưng hai chúng tôi gần như chưa từng nói chuyện với nhau, mặc dù chúng tôi có rất nhiều điểm chung. Ví dụ: chúng tôi lần lượt thay nhau đứng thứ nhất đếm ngược từ dưới lên; trong giờ học, chúng tôi đều không nghe giảng, cậu ta luôn ngủ gật, còn tôi thì ngồi thẫn thờ, vì vậy chúng tôi thường xuyên bị cô giáo Triệu ném phấn vào đầu.
Nhưng, có nhiều điểm cậu ta khác với tôi. Mặc dù thành tích học tập của cậu ta kém, nhưng các bạn nam trong lớp đều chơi với cậu ta, thậm chí toàn bộ những học sinh yếu kém trong lớp đều rất nghe lời cậu ta, còn các bạn nữ thì không ghét cậu ta, bởi vì cậu ta thường mời họ ăn kem, uống nước ngọt, những câu chuyện cười cậu ta kể có thể khiến họ cười nghiêng cười ngả. Trong giờ học, cậu ta luôn ngủ gật, nhưng chỉ cần tiếng chuông hết giờ vừa vang lên, cậu ta lại tràn đầy sinh lực, cùng các bạn laobra sân vận động, đá bóng, chơi bóng rổ, còn tôi luôn tự mình đi tìm một chỗ rồi chốn vào đấy đọc sách, thỉnh thoảng ngẩng đầu lên nhìn đám bạn gái chơi nhảy dây, còn đám bạn trai thì đá bóng.
Sự cô độc trong gia đình, tôi đã quen rồi, dù sao tôi cũng có thể đọc sách, trong sách có rất nhiều điều thú vị. Em gái đành hanh, thích mách lẻo, tôi có thể tránh nó, chuyện gì cũng đều "chị nhường em". Sự bất mãn của cô giáo Triệu đối với tôi, dù sao cũng chỉ là hai, ba phút dày vò trong giờ toán, tôi đã có thể lạnh lùng chịu đựng.
Nếu những ngày như vậy mãi tiếp diễn, cũng có thể được coi là yên bình. Nhưng, cuộc sống luôn thích đùa cợt với chúng ta. Trong lúc bạn tuyệt vọng, bạn sẽ nhìn thấy một đốm lửa lóe sáng khiến bạn không gục ngã; khi bạn bình tĩnh, thì nó lại lạnh lùng dội cho bạn một gáo nước lạnh khiến mọi việc của bạn không được vừa ý.
Vào một buổi chiều mùa hè, trong một tiếng đồng hồ hoạt động tự do giữa giờ học, những bạn không phải trực nhật đều chạy ra sân vận động chơi. Tôi vì thích khoảng nắng bên ngoài cửa sổ nên ngồi thu lu trên bục cửa sổ đọc sách và nhìn xa xăm.
Thời gian hoạt động tự do kết thúc, học sinh quay lại lớp để bắt đầu giờ tự học. Chu Vân thưa với cô giáo Triệu là mình bị mất bút máy. Cô bạn ấy còn nói với giọng đầy ấm ức rằng, chiếc bút là quà tặng của bố, tiết học trước vẫn còn dùng, giờ đã không thấy nữa. Cô giáo Triệu cho rằng sự việc rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm túc. Cô bắt đầu tra hỏi từng học sinh trong lớp, giờ ra chơi, có những ai ở lại lớp.
Trương Tuấn là người đáng nghi ngờ nhất thì đã cùng một đám con trai chạy ra khỏi lớp ngay khi tiếng chuông hết giờ vừa reo, suốt thời gian ấy vẫn đá bóng trong sân vận động, rất nhiều người có thể làm chứng. Cậu ta hùng hùng hổ hổ lấy cặp sách ra khỏi ngăn và đặt lên bàn, nói với cô giáo Triệu: "Cô có thể kiểm tra!" Trước sự bình tĩnh, tự tin của cậu ta, cô giáo Triệu liền gạt cậu ta ra khỏi diện nghi vấn.
Cuối cùng, khi chỉ còn lại ba kẻ đáng bị tình nghi khi ở lại lớp học vào giờ ra chơi. Cô giáo Triệu đã chỉ thẳng vào tôi, yêu cầu tôi trả bút cho bạn, chỉ cần tôi trả, lần này có thể tha cho tôi, không truy cứu!
Tôi không dám tin vào tai mình nữa. Khi đó, tôi đang đứng gần cửa sổ, ánh mặt trời rực rỡ chiếu lên người tôi, nhưng toàn thân tôi lạnh buốt.
Cô Triệu đứng trên bục giảng dùng những lời hết sức nghiêm khắc phê bình tôi. Hơn ba mươi cặp mắt của các bạn cùng lớp nhìn tôi chằm chằm không chớp, mỗi một đôi mắt đều như một lưỡi kiếm đâm vào người tôi, nhức nhối!
Tôi cố gắng kìm nước mắt nói: " Cô Triệu, em không... em không cầm bút của bạn ấy."
Nhưng cô Triệu không tin. Trong mắt cô, mấy bạn học sinh ở lại lớp đó, chỉ mình tôi là học sinh hư, cũng chỉ tôi mới có thể làm những việc xấu xa như thế. Tôi là đứa học sinh xấu xa, giờ nghỉ giải lao không ra ngoài vận động, lại trốn trong lớp, nói là đọc sách, chuyện đấy thật khó tin, không hợp tình hợp lý.
Sau khi khiển trách tôi, cô ra lệnh cho tôi phải giao trả lại vật đã lấy cắp, còn tôi thì không ngớt phân bua rằng mình không lấy.
Vị kỹ sư của linh hồn nhân loại này thẹn quá hóa giận, lệnh chi tôi đứng lên bục giảng. Sau đó, trước mặt toàn bộ học sinh trong lớp, bắt đầu khám xét tôi từ đầu đến chân. Tôi cảm thấy nhục nhã ê chề, đứng khóc, mặc cho cô ta muốn làm gì thì làm.
Tất cả các bạn trong lớp đều im lặng nhìn tôi đứng trên bục giảng, ánh mắt tàn nhẫn như đang xem một vở kịch hay, bọn họ đều chờ đợi giây phút vật mất cắp kia được tìm thấy trên người tôi. Cô Triệu đẩy tôi qua kéo tôi lại. Trong làn nước mắt nhạt nhòa, tôi nhìn thấy một ánh mắt trầm mặc khác thường nơi cuối lớp, không chất chứa sự háo hức như những người khác, ánh mắt lạnh lùng đó còn như có cả sự thông cảm, trong sự khinh miệt dường như vẫn lộ vẻ xót thương.
Cô Triệu khám khắp người tôi, rồi lục tìm trong ngăn bàn và cặp sách của tôi, vẫn không thấy chiếc bút. Ngượng ngùng, cô chửi mắng tôi càng lúc càng to.
Không tìm thấy vật bị mất, cô không thể đưa ra hình phạt cho tôi, nhưng vẫn ném về phía tôi những lời cảnh cáo đầy căm hận: "Đừng nghĩ rằng lần này tôi không bắt được quả tang thì em có thể thở phào nhẹ nhõm, em chính là đứa ăn cắp! Là đồ ba ngón!"
Lúc đó tôi chỉ cảm thấy toàn thân lúc nóng lúc lạnh, cứ như hai chữ "ăn cắp" bị người ta dùng miếng sắt nung đỏ ấn vào trán tôi. Sự thực cũng chứng minh, trong một thời gian dài, hai chữ này đã được khắc trên trán tôi.
Cô Triệu còn thêm mắm thêm muối vào câu chuyện tôi ăn cắp đồ nhưng giảo hoạt, không chịu thừa nhận rồi kể với các thầy cô giáo khác trong trường. Các bạn cũng cho rằng tôi ăn cắp đồ. Khi họ chỉ chỉ trỏ trỏ sau lưng tôi, không gọi tên tôi, mà gọi là "ba ngón", có bạn nữ còn cố ý nói hai từ đó bằng một giọng không cao cũng không thấp, tôi chỉ còn cách cúi gằm mặt, lặng lẽ đi nhanh khỏi đó, còn bọn họ thì phá lên cười sau lưng tôi.
Đám con trai không ác khẩu như con gái. Họ không gọi tôi là "ba ngón", nhưng khi nghe có người gọi tôi là "ba ngón", ánh mắt họ cũng đồng loạt hướng về phía tôi không khác gì một thanh kiếm sắc.
Trong một thời gian rất dài, chỉ nghe thấy từ đó là tôi ước mình có thể chết ngay, lập tức biến mất khỏi thế giới này.
Sáng sáng, mỗi khi tỉnh dậy, tôi đều bị hoảng loạn, tôi sợ cô giáo, tôi sợ bạn học. Đi học, đối với tôi, trở thành cực hình tồi tệ nhất.
Ai đó từng nói "Nhân chi sơ, tính bản thiện"? Bạn đã bao giờ nhìn thấy đứa trẻ tàn nhẫn giết con vật nhỏ chưa? Chúng có thể vần một con chim khỏe mạnh đến chết. Trong bản tính của con người có ẩn chứa thú tính, thế giới của trẻ con đầy rẫy những điều tàn nhẫn.
Một tháng sau sự kiện ăn cắp bút, cô Triệu lại một lần nữa sỉ nhục và chà đạp lên trái tim và cơ thể tôi.
Đó là trong một giờ tự học buổi chiều, tất cả học sinh đang chăm chú làm bài tập, cô Triệu ngồi trên bục giảng chữa bài tập của ngày hôm qua, chữa mãi chữa mãi, đột nhiên cô gọi tên tôi: " La Kỳ Kỳ!"
Tôi đứng dậy, tim đập thình thịch, thầm nghĩ không biết có phải mình đã làm sai hết rồi không, nhưng không ngờ cô cười nhạt nói: "Mặt trời mọc đằng tây rồi, không ngờ bài tập của em không sai một câu nào!"
Thành tích học tập của tôi không tốt, nhưng ngày hôm ấy, không biết tại sao tôi lại làm đúng tất cả các bài tập toán. Trong suy nghĩ của tôi, làm đúng bài tập là một việc tốt, nếu cô Triệu không biểu dương tôi, thì ít nhất cũng sẽ không mắng tôi nữa, tôi bình tĩnh hơn, cúi đầu đứng im.
Cô hỏi: " Em chép bài của ai?"
Tôi kinh ngạc ngẩng đầu lên, sững người một lúc mới trả lời: " Em không chép bài của ai cả."
Cô Triệu lại hỏi thêm hai, ba lần nữa, tôi đều nói "không chép", cô bắt đầu mất kiên nhẫn, gọi tôi lên bảng.
Tôi lại gần. Còn cách cô khoảng một mét, tôi sợ hãi dừng bước, chân không thể nhúc nhích thêm được nữa. Cô túm chặt lấy tôi, kéo tôi đến trước mặt cô, chỉ vào vở bài tập của tôi, nghiêm giọng hỏi: " Bài này em cũng có thể làm được? Bài này em cũng có thể làm được? Nếu em có thể làm được những bài này, thì lợn nái cũng có thể trèo cây rồi."
Có tiếng cười khúc khích của đám con trai, mặt tôi nóng bừng, xen lẫn cả sự phẫn nộ, lần đầu tiên tôi lớn tiếng khẳng định: " Những bài đó đều là do em làm! "
Trong suy nghĩ của cô Triệu, tôi luôn là một đứa cô độc kì dị, nhẫn nại chịu đựng, thế nên cô cũng sững sờ khi nghe thấy tiếng hét của tôi. Tôi cũng giật mình bởi chính tiếng hét ấy.
Ngay một giây sau, cô lấy lại bình tĩnh, cơn giận càng bùng phát dữ dội hơn. Tay cô nắm chặt lại, đẩy tới đẩy lui: " Cô nhắc lại một lần nữa! Là cô tự làm? Học kém cũng không sao, đó chẳng qua là IQ có vấn đề, nhưng đến nhân phẩm cô cũng không có, vừa ăn cắp, vừa nói dối, bụng toàn nước đái."
Sau mỗi cú đẩy của cô, người tôi lại lảo đảo lùi về phía sau, đến khi khoảng cách sắp vượt quá độ dài của cánh tay cô, cô lại kéo tôi vào, tiếp tục một quy trình đưa đẩy mới: " Cô nói lại một lần nữa! Cô có giỏi thì nhắc lại một lần nữa? Cô không chép bài của người khác..."
Tôi im lặng chịu đựng, để mặc cho cô chửi mắng. Tôi giống như con chim non nằm trong tay bọn trẻ, hoàn toàn không có sức để phản kháng lại số mệnh và sự giày vò trê cơ thể, cứ để mặc cho cô đẩy, dáng người nhỏ bé xiêu xiêu vẹo vẹo.
Dưới kia, rất nhiều cái đầu đang ngẩng lên nhìn. Bao nhiêu ánh mắt đổ dồn vào tôi, sợ hãi có, khinh miệt có, lạnh lùng có, thông cảm có...
Đột nhiên, không biết tại sao, tôi cảm thấy chịu đựng thế là đủ rồi, thực sự là quá đủ rồi! Tôi ngẩng lên, nhìn thẳng vào mắt cô Triệu, dõng dạc nói: " Em không chép bài của bạn! Không chép bài của bạn! "
Cô Triệu sững lại.
Tôi lại dám khiêu chiến với toàn bộ quyền uy của cô trước mặt toàn bộ học sinh trong lớp. Vốn là một người phụ nữ hung hăng, cô lồng lộn lên, một tay cầm quyển vở bài tập quạt vào mặt tôi, tay kia vẫn đẩy tôi: " Tôi đã từng dạy bao nhiêu học sinh, nhưng chưa từng gặp học sinh nào xấu xa như cô! Nếu như những bài tập này cô không chép của người khác, thì chữ " Triệu " trong tên tôi cho phép cô viết ngược..."
( Chữ "Triệu" và từ "chép" trong tiếng Trung là từ gần âm khác nghĩa.)
Tôi bị ép lùi từng bước, từng bước một, cho tới khi lưng áp sát vào bảng, còn cô ta cứ thế lao theo đánh tôi. Cả thế giới như rung chuyển. Tôi chỉ thấy quyển vở bài tập khua qua khua lại trước mắt. Lưng tôi áp chặt vào bảng không có đường thoát, nhưng tôi vẫn gào lên: " Em không chép bài! Không chép bài! Không chép...!"
Giọng tôi càng lúc càng lớn, đã biến thành những tiếng hét thất thanh.
Cuối cùng, quyển vở bài tập của tôi cũng bị đập nát, từng trang giấy rơi lả tả, bay khắp nơi trên bục giảng. Cô Triệu không còn dụng cụ để hành hung, không thể không dừng lại. Tôi vẫn trừng trừng nhìn cô Triệu, căm hận gào lên: " Em không chép bài! Không chép bài, không chép bài!"
Khi ấy, tôi chỉ có một suy nghĩ điên cuồng. Cô đánh đi! Ngoài việc tự xưng mình là cô giáo để có thể đánh tôi, cô còn làm được gì nữa? Nếu cô có gan, hôm nay tốt nhất hãy đánh chết tôi tại đây đi!
Không biết cô Triệu có nhìn thấy sự ngông cuồng trong ánh mắt của tôi không, dù sao cô ta cũng đã dừng tay, không hành hung tôi nữa. Sau khi đứng ngẩn người trên bục giảng một lúc, cô Triệu căm giận nói: " Một đứa trẻ như cô, tôi hết cách để dạy rồi! Tôi sẽ gọi điện thoại cho bố mẹ cô!"
Thật kỳ lạ! Mặc dù cô ta vẫn tỏ ra nghiêm khắc như trước đây, nhưng tôi có thể cảm nhận được sự sợ hãi ẩn dưới vỏ bọc hung hăng kia. Giây phút đó, sự khiếp sợ của tôi đối với cô ta từ trước tới nay hoàn toàn biến mất, nếu có chỉ là sự khinh bỉ. Tôi vuốt lại tóc, hừ một tiếng: " Mời tự nhiên! Cô có biết số điện thoại của bố em không? Không biết có thể hỏi em!" Nói xong, không đợi cô ta lên tiếng, tôi đi xuống lớp, quay về chỗ ngồi của mình, bắt đầu thu dọn sách vở, xong xuôi, tôi khoác cặp lên vai, nghênh ngang ra khỏi lớp.
Tất cả học sinh trong lớp ngây người nhìn tôi. Lần đầu tiên, tôi không cúi đầu lẩn tránh ánh mắt của họ như trước kia, mà vừa đi, vừa nhìn khắp lượt bằng một ánh mắt lạnh lùng. Nhìn đi? Chẳng phải các cậu đều rất thích nhìn hay sao? Vậy thì tôi để các cậu được nhìn cho rõ, nhìn cho thỏa! Khi các bạn cùng lớp bắt gặp ánh mắt của tôi quét qua họ, lần lượt lảng đi. Trương Tuấn không lẩn tránh ánh mắt của tôi. Cậu ta ngồi dựa nguời vào ghế, ung dung quay quay chiếc bút trong tay, điềm tĩnh nhìn tôi, khóe miệng nhếch lên như cười.
Khi đi ra khỏi lớp, tôi vẫn không chút sợ hãi. Nhưng khi bước ra khỏi cánh cổng trường đã mang lại cho tôi bao nhiêu tủi hổ này, tôi lại chán nản. Người lớn đi làm, trẻ con đi học, đường phố rất vắng vẻ và yên tĩnh, tôi có thể đi đâu đây?
Lưng đeo cặp sách, tôi buồn bã, chán nản bước đi, qua mấy cửa hàng game. Tôi biết, đấy là nơi mà thầy cô giáo và bố mẹ nghiêm cấm không được bước chân vào. Đám người tụ tập trong đó là "những kẻ lông bông" trong mắt phụ huynh, những tay "côn đồ" theo cách nói của giáo viên, và dân "xã hội đen" trong miệng các bạn học sinh. Trước đây, mỗi lần đi ngang qua đó, tôi đều đi nhanh hơn, nhưng hôm nay, dường như tôi to gan hơn, muốn thử một lần xem sao.
Tôi chọn một cửa hàng lớn nhất để vào. Trong phòng toàn mùi khói thuốc. Rất nhiều học sinh nam nhoài người trước máy điện tử, chơi say sưa quên trời đất, chủ yếu là học sinh cấp hai, cấp ba, cá biệt còn có một vài học sinh tiểu học. Bọn họ đều rất tập trung, mặc dù rất ngạc nhiên khi thấy một đứa con gái vào quán game, nhưng họ cũng chỉ ngước mắt liếc một cái, rồi lại chuyên tâm vào trò game của mình.
Trong nháy mắt, tôi đã thích ngay cái nơi mịt mùng, tăm tối này, bởi vì ở đây, không ai có thể dùng các kiểu ánh mắt để nhìn tôi.
Trò game của mười năm về trước còn tương đối đơn giản, không có gì khác ngoài bắn máy bay, thoát khỏi mê cung, giết quái vật... và mấy trò chơi người máy khác. Tôi đứng bên cạnh nhìn rất lâu, không hiểu tại sao bọn con trai lại chỉ thích mấy trò cầm súng quay lên quay xuống giết người như thế, thật vô vị. Vừa lúc đó, tôi nghe có tiếng hoan hô cổ vũ phát ra từ trong sân, tôi liền men theo cửa ngách lần đến đó.
Trong khoảng sân rộng thênh thang, có hai bàn bida. Một bàn có rất nhiều người đứng xung quanh. Bọn họ đều chăm chú xem, vẻ căng thẳng, kích động, sau đó tôi mới biết là họ đang cá độ. Còn bàn bên kia chỉ có hai người đang chơi và một người đứng xem.
Để thu hút khách, những nhà khác đều đặt bàn ngoài cửa, còn bàn bida của nhà này lại giấu vào tận trong sân sau, khi đó tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ đứng bên cạnh bàn bida ít người kia và xem. Một trong hai người chơi cúi sát người xuống, khi lau gậy ngắm mục tiêu, cười với người đang đứng xem bên cạnh, nói: " Làm ăn tốt quá nhỉ, đến cả học sinh tiểu học cũng đeo cặp sách vào chơi này. "
Người chơi còn lại vừa đánh xong một gậy, lúc này mới để ý bên cạnh có thêm một người nữa, liền nhìn tôi từ đầu đến chân, nói: " Em gái, đến giờ tan học rồi, về nhà đi. Nếu không bố mẹ sẽ biết là em trốn học đấy. "
Anh ta rất cao, không đoán được tuổi, tuy rằng mồm mép lém lỉnh nhưng vẻ mặt lại rất nghiêm nghị. Hôm đó đúng là tôi đã ăn phải thuốc nổ, không cần biết người ta có ý tốt hay xấu, tôi bật lại ngay: " Ai là em của anh? Nếu mắt anh bị cận thị, thì mau đi đo kính đi. "
Cả ba người đều quay đầu lại nhìn tôi. Người chơi bóng còn lại đang định nói gì đó, anh ta liền nhún nhún vai, quay sang nói với bạn: " Đừng làm bạn nhỏ sợ! " rồi cúi người tiếp tục so gậy, nhanh nhẹn chống tay, thử gậy, ngắm chuẩn, chọc, một đường bóng đẹp. Anh ta đứng thẳng người, vác gậy chọc bóng lên vai, vừa tìm điểm đặt gậy tiếp theo vừa cười liếc nhìn tôi, như muốn hỏi: " Người cận thị có làm được thế không? "
Người thanh niên đứng xem bên cạnh bàn bida khoảng hơn hai mươi tuổi. Anh ta cúi người xuống cầm chai bia dưới đất lên. Nhìn thấy hình xăm trên người anh ta, tôi bỗng cảm thấy bất an. Không nói không rằng, tôi vội vã quay người, đi ra ngoài.
Lúc đầu tôi nghĩ, cô Triệu sẽ tức tối gọi cho bố mẹ tôi mách tội. Chắc chắn, bố mẹ sẽ mắng tôi một trận. Nhưng khi về nhà, bố chỉ đưa cho tôi bài tập ngày hôm ấy, yêu cầu tôi làm lại một lần nữa. Nhìn tôi làm xong, bố không nói gì, bảo tôi đi ăn cơm. Ăn cơm xong, bố mẹ ngồi trong phòng thì thầm với nhau rất lâu, chắc chắn đang bàn cách để "xử lý" tôi.
Trước giờ ngủ, mẹ dịu dàng nói: " Cho dù nguyên nhân xuất phát từ đâu, con ngang nhiên cãi lại cô giáo như thế là không đúng, ngày mai đến lớp, con hãy đến gặp cô Triệu và xin lỗi cô. Còn nữa, chiêca bút máy này là bố con mua khi đi công tác ở Bắc Kinh, bây giờ tặng lại cho con, sau này con cần thứ gì thì cứ nói với bố mẹ. "
Tôi biết, cô Triệu đã nói với bố mẹ tôi chuyện ăn cắp bút lần trước, nhưng có lẽ mẹ sợ chạm tới lòng tự trọng của tôi nên không hỏi câu nào, tôi cũng không nói, kéo chăn nằm xuống. Mẹ còn định nói thêm gì nữa, nhưng em gái đã gọi toáng lên trong nhà vệ sinh, mẹ đứng ngay dậy, đặt chiếc bút lên bàn, rồi vội vội vàng vàng đi ra. "
Tôi nghe thấy tiếng cười vọng ra từ nhà vệ sinh, kéo chăn trùm kín đầu. Ban ngày, khi bị cô Triệu chửi mắng, đánh đập, tôi không khóc, nhưng lúc này, không biết tại sao, nước mắt lại rơi lã chã. Nếu có ông ngoại ở đây, liệu ông có thương tôi không, liệu ông có nói với cô Triệu bằng một giọng chắc nịch rằng: " Kỳ Kỳ không bao giờ ăn cắp đồ của người khác. " Liệu tôi có thể lao vào lòng ông để khóc không.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top