Chương 1+2

CHƯƠNG 1: Trảm Dạ

Trận hỏa hoạn trước núi xông thẳng lên bầu trời đêm cao vợi vợi như một con rồng khổng lồ sắp sửa thoát khỏi xiềng xích trong gang tấc. Tiếng gào thét và tiếng binh khí va đập hòa trộn hỗn tạp với nhau vang vọng khắp vùng núi đồi sơn dã.

Có một đạo nhân trẻ tuổi mặc đạo bào xanh lục, một tay dắt theo một tiểu đạo đồng tầm sáu bảy tuổi, một tay cầm kiếm chém giết mở ra một con đường máu trong cơn hỗn loạn. Hắn hệt như một con chim ưng ẩn vào trong bóng tối.

Tiểu đạo đồng được hắn bế trong tay sắc mặt tái xanh, trên mặt dính phải mấy giọt máu đỏ tươi. Đứa bé mở to đôi mắt trong veo như nước, mắt nó phản chiếu lại hình ảnh ngọn lửa màu máu ấy.

Đạo nhân áo xanh phi thân lên, chạy thẳng về phía một ngọn tiểu lâu ở lưng chừng núi.

Ngọn tiểu lâu này dựa vào thế núi mà xây nên, một nửa tòa lầu ăn vào trong núi. Cánh cửa gỗ dày nặng mà to lớn giờ đây tựa như cái miệng tối đen sâu hoắm của một con dã thú. Trong bóng đêm, nó hết sức xác xơ tiêu điều.

Đạo nhân áo xanh đẩy cửa đi vào, đặt tiểu đạo đồng lên ghế, nhanh chóng lôi một bọc đựng quần áo từ dưới gầm bàn ra rồi nhét vào trong lòng cô bé, "A Ngưng, nghe ta nói này."

Tiểu đạo đồng búi một chỏm tóc trên đầu, thân hình gầy nhom, nhưng mặt mũi và mấy ngón tay ngắn ngủn trông vẫn núc ních đáng yêu, đôi mắt trắng đen rõ ràng, trên khuôn mặt nhỏ bé dính phải mấy chấm máu li ti. Có vẻ như cô bé đã bị những thứ vừa nhìn thấy dọa cho sợ mất hồn rồi, gương mặt em đầy vẻ mê mang.

Đạo nhân áo xanh vươn tay vỗ vỗ mặt tiểu đồng, "A Ngưng."

Sự tập trung trong mắt đạo đồng được gọi là A Ngưng dần trở lại như là đã hồi hồn rồi. Trên mặt đạo nhân áo xanh trẻ tuổi hiện ra một tia vui mừng xen lẫn phức tạp, "Sư môn của chúng ta gặp nạn, mọi người đều đang bận ngăn địch, không thể phân thân ra được. Muội ra đến phương ngoại(1) (方外chú thích sau) phải tìm được thần đao của bổn môn thì mới cứu được sư môn."

A Ngưng mím chặt môi, nhìn chằm chằm đạo nhân áo xanh mà chẳng nói một lời.

Nghe thấy tiếng chém giết bên ngoài, đạo nhân áo xanh nóng nảy quát, "Có nghe chưa!"

"Nhị sư huynh, sư phụ đâu?" A Ngưng cuối cùng cũng mở miệng.

"Sư phụ bị kẻ xấu hại rồi."

"Đại sư huynh đâu?"

"Đại sư huynh đi cứu sư phụ rồi!"

"Vậy..."

Đạo nhân áo xanh ngắt lời cô bé, "Đừng hỏi nữa. Nhớ lời ta dặn, đến phương ngoại rồi, muội ngàn vạn lần không được để lộ thân phận của mình, tìm được thần đao là quay lại được rồi. Nếu cả đời mà cũng không tìm ra thì khi tuổi thọ tự hết ắt sẽ tự quay về được. Nhớ kĩ là tuổi thọ tự hết đấy nhé! Thần đao của bổn môn tên Trảm Dạ. Trên người muội có một cái ngọc bội sư phụ cho, đúng chứ? Gặp được thần đao, ngọc bội sẽ có phản ứng."

"Còn nữa, võ công của những kẻ ở phương ngoại đều rất thấp, muội tuyệt đối không được để lộ manh mối!" Hắn vừa nói vừa đi đốt hết nến trong phòng lên, miệng nhẩm niệm cái gì đó, thuận tay xoay cơ quan ẩn bên cạnh giá sách, bên cạnh từ từ có một cái động mở ra, "Vào đi, mật đạo này thông đến phương ngoại."

A Ngưng ghi nhớ hết tất thảy, "Nhị sư huynh yên tâm, muội nhất định sẽ tìm được thần đao!"

Trên gương mặt anh tuấn của đạo nhân áo xanh nở ra một nụ cười khe khẽ. Trên tấm thân đầy máu tươi và sát khí ấy ánh lên một thứ khí thế khiến cho lòng người lấy làm kinh hãi, "Được."

A Ngưng mang theo bọc quần áo đi vào cửa động.

Đạo nhân áo xanh nhét vào tay cô bé một ngọn nến, "Cầm lấy, trước khi ra khỏi động không được làm tắt nến. Nếu không tất cả đều thành công dã tràng hết."

Dứt lời, hắn khởi động cơ quan một lần nữa, cánh cửa mật đạo từ từ đóng kín.

A Ngưng nhìn tấm thân cao gầy tựa ngọc của nhị sư huynh, vành mắt đỏ lên, "Lần này huynh không gạt muội chứ?"

Hắn gật đầu.

Tiếng đánh nhau ngoài cửa mỗi lúc một gần, nhị sư huynh phất tay áo một cái, tất cả đế nến trong phòng đều lũ lượt ngã xuống, mấy quyển sách kia chẳng biết đã dính phải thứ gì mà vừa gặp lửa đã cháy ầm ầm, một mùi hương nồng đậm tỏa ra trong không khí.

A Ngưng hoảng hốt kêu lên, "Nhị sư huynh!"

Trong khoảnh khắc cuối cùng trước khi khe hở ấy khép lại, cô bé thấy người mặc áo bào xanh ấy không hề xông ra ngoài mà lại chốt cửa lại.

Cửa mật thất đã khép chặt, em cố sức đập vào bức tường dày và lạnh như băng mà thét lên, "Nhị sư huynh! Nhị sư huynh!"

Ngọn nến trong tay bị lay động nên chợt tắt, em giật mình hoảng loạn, vội dừng lại. Bàn tay nhỏ bé của em thận trọng dè dặt bảo vệ cho ánh lửa, song cơ thể em bởi vì phải nhẫn nhịn nỗi bi thống thấu cả tâm can mà không ngừng run rẩy.

Đầu A Ngưng ong ong, trong lòng chỉ còn lại duy nhất một ý niệm: Không được tắt. Không được tắt. Nến mà tắt thì nhị sư huynh chết vô ích rồi...

Bàn tay bưng nến của em cứ run rẩy mãi, ánh sáng trong động cũng không ngừng nhảy múa.

A Ngưng tựa vào cửa động, sau lưng em rõ ràng là bức tường đá lạnh như băng song em chỉ thấy nó nóng rát thật chẳng gì sánh bằng.

Tai em phảng phất nghe thấy vô số con ve sầu đang kêu, ánh lửa trước mắt trùng trùng điệp điệp.

"Ầm" một tiếng, tất cả đều bị vùi lấp vào trong bóng tối.

Em ngã về phía trước mà lòng nghĩ, thôi xong...

... nến tắt rồi.

...

Trong "Trang Tử Nam Hoa Kinh - thiên Đại Tông Sư" từng đề cập đến vùng đất phương ngoại. Trong Đạo môn, phương ngoại là thế giới của tiên nhân nằm ở ngoài hồng trần.

Song sư phụ cũng từng bảo, phương ngoại chắc gì đã là tiên cảnh, cũng có khả năng đó cũng là nơi mà những người bình thường sinh sống, bởi vì tiên nhân chắc chắn không thể nào chỉ quản lí có một phần địa giới mà thôi được.

Thôi Ngưng tỉnh lại đã năm ngày nhưng chỉ mới gặp được một người già mà thôi, đó là một bà lão trông coi phật đường. Bà mặc quần áo màu xanh rêu, mái tóc muối tiêu của bà được búi thành một búi tóc thật chỉnh tề. Mặt mày bà trắng nõn, nom chừng hơn năm mươi tuổi. Bà thường hay cầm một chuỗi phật trong tay. Rõ ràng là một bà cụ rất bình thường, song khi bà ngồi bất động dưới tán cây lại giống như một bức họa tràn đầy thiện ý vậy.

Bà chẳng nói gì cả, thế nhưng ánh mắt bà nhìn em rất trìu mến.

A Ngưng ngồi thừ người ra dưới gốc cây ngô đồng già cỗi, còn bà thì ngồi bên hiên lần chuỗi phật. Trong khoảnh sân yên ắng, tiếng gió luồn qua kẽ lá xào xà xào xạc, ánh mặt trời xuyên qua tán lá cây dày đặc rồi lẻ tẻ rơi xuống đất mấy đốm sáng vàng tươi.

Mấy ngày gần đây, Thôi Ngưng không tài nào kềm lại được toàn bộ ký ức về đêm hôm ấy cứ lũ lượt hiện lên trong đầu mình, bóng dáng nhị sư huynh chôn thân trong biển lửa mỗi lúc một rõ ràng hơn. Dường như nó muốn thẩm thấu vào trong máu, khắc sâu vào trong tủy, khiến cả người em cảm giác đau đớn hệt như bị kim châm, dao róc vậy. Cùng với kí ức và cơn đau này, cái lạnh xé cả tim gan và cả nỗi hận thù ngất trời cũng kéo đến. Những tình cảm hung bạo mãnh liệt ấy là thứ quá nặng để cho thân thể nhỏ bé của em có thể chất chứa. Do vậy, mấy ngày nay em cứ luôn mang một bộ dạng ngây ngốc như thế.

Trong mắt em, ánh sáng trước mặt đâu phải là ánh sáng, mà là ngọn lửa hung tàn đã thiêu cháy cả con người ta trong tòa lầu sách ấy. Trong mắt em, cái cây trước mặt đâu chỉ là cây, mà còn là những tháng ngày xưa kia em đã từng cùng các sư huynh cười đùa vui vẻ dưới bóng cây mát mẻ.

"Ngưng nương."

Giọng nói già nua vang vọng bên tai, kéo em từ trong ký ức quay về với thực tại.

Một cơn gió thổi qua, em mới phát giác ra chẳng biết tự bao giờ khuôn mặt mình đã thấm đẫm nước mắt.

"Con đừng buồn. Mấy hôm nữa phu nhân sẽ đến đón con về thôi mà." Bà lão dịu dàng an ủi em.

Chẳng hiểu tại sao, em đột nhiên không còn gắng gượng được nữa. Dường như những nỗi u uất đang tàn phá dần mòn trong cơ thể em đã tìm thấy nơi để phát tiết, em ôm lấy chân bà mà gào khóc, em cứ khóc mãi khóc mãi cho đến khi mất đi ý thức. Trên người của bà có mùi đàn hương nhè nhẹ làm cho người ta cảm thấy ấm áp và an toàn.

Khi em tỉnh lại thì trời đã chạng vạng.

Căn phòng trống chỉ có mỗi mình em, em ngồi dậy, chân trần đi trên nền đất lạnh như băng. Em dần dần tỉnh táo trở lại, cái đầu tựa hồ bị đóng băng suốt mấy ngày nay cuối cùng cũng đã được rã đông.

Em sững người, sờ sờ thử cổ tay mảnh khảnh của mình, vẫn cứ ốm tong ốm teo như trước.

Bà lão bưng cơm bước vào, thấy em mặc trung y đứng trên nền đất với đôi chân trần thì vội bỏ đồ trên tay xuống, kéo em lên giường ngồi, cởi chiếc áo khoác mỏng manh trên người mình ra rồi khoác lên người em.

Bàn tay ấm áp của bà nắm lấy bàn chân em, miệng cằn nhằn, "Con gái con đứa phải biết yêu thương chính mình. Mới qua khỏi một trận phong hàn nặng, cơ thể đang suy nhược, sao mà chịu nổi dày vò thế này nữa. Ta đã báo cho tiền viện rồi, ngày mai mẫu thân con sẽ đón con về."

Mẫu thân? A Ngưng nghĩ, làm gì có mẹ ruột nào lại nuôi con gái rượu của mình thành cái bộ dáng hệt như con khỉ ốm thế này chứ! Tám phần là mẹ kế rồi. Lớn lên dưới sự đầu độc của nhị sư huynh, trong cái đầu tí hon của A Ngưng bắt đầu hiện ra đủ thứ tiểu phẩm trên đời, cái gì mà mẹ ruột đã chết, cha cưới mẹ kế, tiểu cô nương liền biến thành cây cải trắng non nớt mặc cho người ta chà đạp, các loại.

A Ngưng vừa nghĩ vừa chà chà lau lau mặt, "Con... con không còn nhớ chuyện trong nhà nữa rồi."

Dứt lời, em nín thở, thận trọng quan sát biểu cảm của bà lão. Em sợ bị lộ, sợ người ta tưởng mình là yêu quái rồi lấy dây thừng trói lại đem đi thiêu luôn.

Bà thở dài một hơi, trầm mặc chốc lát, nói với giọng thương xót, "Ta họ Lâm, con cứ gọi ta là Lâm ma ma đi."

"Ma ma." Thôi Ngưng thấy Lâm ma ma không hoài nghi gì, không khỏi thở phào một hơi, khôn khéo ngọt ngào gọi bà một tiếng rồi thẳng người lên hỏi, "Con đỡ người ngồi xuống nhé?"

A Ngưng nghe kể từ lúc còn nằm nôi là em đã bị bỏ lại trước cổng núi. Nhị sư huynh kể hồi em còn chưa biết nói thì đã biết cười khanh khách làm cho người ta vui vẻ rồi, lớn thêm chút nữa thì kỹ năng nịnh bợ tốt khỏi chê luôn!

Lâm ma ma để cho em đỡ ngồi xuống, ánh mắt bà nhìn em lại càng từ bi hơn, "Cái này cũng khó trách. Mấy hôm trước cô nương sốt cao dữ dằn, phải ba ngày khó khăn lắm mới hạ sốt được, người bình thường ai mà chịu cho thấu?"

"Con hơi nghịch ngợm một tí, có đẩy tỳ nữ của công tử tộc họ Việt xuống ao. Một tỳ nữ thôi thì cũng chả có gì to tát, chẳng qua trước mặt khách khứa mà làm vậy thì lại mất thể thống. Ở thôn quê thì cũng thôi đi, nhưng đứa con gái nào mà đầu thai vào nhầm Thanh Hà Thôi thị chúng ta thì đành phải chịu nhiều quy củ hơn rồi..."

Lâm ma ma nói nhiều lắm, có những thứ A Ngưng nghe mà không hiểu lắm, nhưng em vẫn rất nghiêm túc ghi nhớ, đại khái cũng hiểu được tình cảnh hiện giờ của mình rồi.

Hóa ra con gái nhà này tên cũng chỉ có một chữ "Ngưng". Chắc đây chính là thứ gọi là cơ duyên trong truyền thuyết rồi.

Em thấy mình may mắn thật. Lúc ở trong động, rõ ràng nến đã tắt rồi, nhưng em vẫn thành công đến được phương ngoại, trở thành con của một hộ gia đình nào đó.

Nhờ Lâm ma ma mà biết được Thôi Ngưng là con thứ do mẹ cả sinh của phòng nhỏ Thôi thị, cũng cùng tuổi với chính em, tám tuổi. Trên cô bé có một người chị, dưới thì có một cậu em trai, cả ba đều cùng một mẹ sinh ra. Hiện tại Thôi Ngưng phạm lỗi nên bị giam vào phật đường suy ngẫm lại lỗi lầm, mấy ngày trước sốt cao không giảm... Vì vậy bị em chiếm chỗ.

Vốn cũng chẳng biết hồn của cô nương kia đã đi về nơi đâu, A Ngưng nghĩ thoáng qua như vậy rồi thôi, bình tĩnh đón nhận thân phận mới này.

Đích thân trải qua chuyện li kì như thế, em cảm giác biểu hiện bình tĩnh của mình quả thực 可圈可点.

Thôi Ngưng, Thôi Ngưng... Em cứ lặp đi lặp lại mãi trong đầu, không để ý nên buộc miệng nói ra luôn, "Mình có họ rồi nè."

"Đương nhiên là con có họ rồi! Còn là dòng họ cao quý vô cùng nữa kìa." May mà Lâm ma ma không nghi ngờ gì, bà nói tiếp, "Chuyện con bị mất trí nhớ, ta sẽ nói cho mẫu thân con biết."

Thôi Ngưng toát mồ hôi lạnh, vội gật đầu, "Đúng rồi đúng rồi, ma ma nghĩ chu đáo quá."

Như vậy không cần em lúc nào cũng phải kiếm cớ giải thích rồi. Hồi trước nhị sư huynh cũng từng bảo, người càng lớn tuổi thì kiến thức càng nhiều, họ nhìn một cái là biết ngay con nít đang nói dối. Mặc dù cũng có mấy lần em gạt được sư phụ nhưng nhị sư huynh lại bảo đấy là do sư phụ thương em nên mới cố ý không vạch trần.

Em không nhịn nỗi mà phát sầu, không biết có còn cơ hội nào để cho em hỏi sư phụ xem ông ấy có nhìn thấu được những lời nói dối của em hay không.

"Còn chứ." Thôi Ngưng nắm chặt tay thành quả đấm. Chỉ cần tìm được thần đao...

Nghĩ đến Thần Đao, em vội hỏi Lâm ma ma, "Ma ma có từng thấy miếng ngọc bội trên người con?"

"Ý cô nương là miếng ngọc bội song ngư thái phu nhân cho ạ?" Lâm ma ma lôi một miếng ngọc bội tua rua đỏ từ trên đầu giường ra đưa cho em.

Miếng ngọc bội trước kia dùng dây màu xanh lục tết lại, hình dáng đâu có giống thế này. Em lật tới lật lui miếng ngọc bội nhìn một lượt lại cảm giác hình như chính là nó.

Nhất thời Thôi Ngưng nảy lên rất nhiều nghi hoặc, nhưng em đã nhớ kỹ lời dặn của nhị sư huynh nên không dám để lộ những suy nghĩ của mình. Tất cả mọi sự đều chỉ có thể quy về hai chữ mà em cảm thấy rất thần bí kia - cơ duyên.

--- Hết chương 1 ---


CHƯƠNG 2: Mẫu thân

Có ngọc bội bên người, Thôi Ngưng cuối cùng cũng coi như là ngủ được một giấc an ổn. Hồi còn ở trên núi, Thôi Ngưng dậy rất sớm, trời mới tờ mờ sáng đã xách chổi đi quét cổng núi rồi. Hoặc cũng có khi vì đổi nơi ở mới nên có chút không quen, em dậy còn sớm hơn trước kia nữa.

Ngoài trời còn tối đen như mực, em ngồi thừ người ra ôm chăn.

Chừng hai khắc sau, nghe gian kế bên có tiếng động, em mới vội đứng dậy mặc quần áo.

"Sao cô nương dậy sớm dữ vậy." Lâm ma ma vừa ra khỏi cửa đã thấy em đứng trong sân thì hơi giật mình.

Thôi Ngưng chạy qua kéo tay Lâm ma ma, "Nghĩ tới việc sắp phải rời khỏi phật đường, vừa vui mà vừa không nỡ rời xa ma ma nên cuối cùng ngủ không được."

Lâm ma ma cười, "Cô nương mà nhớ lão nô thì cứ tới phật đường nhìn một cái là được."

"Con nhất định sẽ tới." Thôi Ngưng không hề nói dối, từ tận sâu trong lòng em thấy Lâm ma ma lớn tuổi vậy rồi mà còn chăm nom em từng li từng tí như vậy quả thực không dễ chút nào.

Em theo Lâm ma ma đi lau dọn phật đường, thắp hương cho bồ tát xong mới đi ăn sáng.

Trong phật đường dường như chẳng có ai khác nữa, bữa sáng được bên ngoài đưa tới, cháo sệch được nấu bằng gạo bích碧粳粥, mấy đĩa rau xào cầu kì bắt mắt và mấy cái bành bao trắng mềm. Thôi Ngưng ăn rất ngon miệng, từng cái từng cái bánh bao đều lần lượt trôi tuột hết vào bụng em. Đợi đến lúc no nê, em mới để ý thấy nghi thái khi ăn uống của Lâm ma ma. Lúc người ta dùng canh thì sẽ húp từng muỗng một, một tiếng động nhỏ thôi cũng chẳng hề phát ra, ăn bánh bao cũng cắn từng miếng từng miếng nhỏ. Chứ đâu có như em, hai ngụm đã chén xong một cái bánh bao, phồng mang trợn má hết cả lên.

Ăn xong, Lâm ma ma mới nói với em, "Ở trong phật đường tùy ý một chút cũng không sao, ra ngoài rồi thì người nhớ chú ý chút. Chứ không là coi chừng chưa được mấy ngày đã phải quay lại bầu bạn với tôi nữa đấy nhé!"

"Dạ." Thôi Ngưng tự nhiên thấy ê răng, ngày trước em vừa hâm mộ những người có gia giáo, hay tuân theo luật lệ, lại vừa không thích họ làm ra vẻ. Mà giờ đây, Thôi thị cho em nương thân hiển nhiên đâu phải là nơi có thể để cho em tùy tiện muốn làm gì thì làm.

Lâm ma ma đánh giá em thêm mấy lần nữa rồi cũng chẳng nói gì thêm.

Vừa đến trưa, quả nhiên đã có người đến rước Thôi Ngưng. Dẫn đầu là một phụ nhân tầm hơn hai mươi, theo sau là hai tỳ nữ cũng tầm hơn hai mươi, ăn mặc giản dị, song vẫn nhìn ra được y phục trên người đều làm từ chất liệu không tồi.

Phụ nhân kia hành lễ chào Lâm ma ma trước, dời mắt sang thấy Thôi Ngưng thì lấy làm kinh ngạc, lúc này nàng ta mới thi lễ một cái với em, "Phu nhân nghe nhị nương tử không nhớ rõ chuyện trước đây nữa nên bèn sai nô tỳ tới rước nhị nương tử, thuận tiện kể cho nhị nương tử nghe mấy chuyện trong nhà luôn."

Thôi Ngưng bình thường là một người sâu xa, nhưng lần này em vẫn hết sức cẩn thận, chẳng nói gì nhiều.

Phụ nhân kia thấy vậy thì bảo, "Nô tỳ họ Tùy, nhị nương tử gọi nô tỳ Tùy nương là được. Tỳ nữ lúc trước của nương tử do phạm lỗi nên đã bị phu nhân đánh rồi bán đi mất rồi. Đây là những tỳ nữ kề cận mới của người được phu nhân lựa chọn, một đứa tên Tiểu Hạnh, một đứa tên Tiểu Phúc. 

Nếu nhị nương tử không thích tên như thế thì chừng nào quay về đổi lại là được."

Hai tỳ nữ kia hành lễ với Thôi Ngưng, "Ra mắt nhị nương tử."

Thôi Ngưng gật gật đầu, hơi bứt rức khó chịu trong lòng. Từ đó tới nay đã bao giờ có nhiều người thi lễ với mình vậy đâu!

"Thôi về được rồi." Lâm ma ma nói. Tùy nương khom lưng nói với Lâm ma ma, "Nô tỳ cáo lui."

Thôi Ngưng hoang mang trong lòng. Từ hồi mới đẻ tới nay, em chỉ mới xuống núi được có hai lần, mà còn có các sư huynh ở bên nữa. Lần này chỉ có thể một thân một mình mình đi thám hiểm thôi.

Thôi Ngưng theo Tùy nương rời đi, đi một bước quay đầu ba lần. Bộ dạng đáng thương ấy khiến cho Lâm ma ma không kiềm nổi sự chua xót trong lòng, thở dài một hơi rồi xoay người trở vào trong nhà.

Người tộc họ Thôi tụ cư lại có hơn trăm hộ. Các hộ giàu có mà nghèo cũng có, song hộ nào đếm ngược lên ba đời cũng đều từng có lúc hiển hách, cao nhất lên đến vị trí Tể tướng dưới một người mà trên cả vạn người, thấp nhất thì cũng là quan phụ mẫu một vùng, còn có mấy hộ còn xuất hiện cả Hoàng hậu, phi tần nữa.

Phật đường cách nhà Thôi Ngưng cũng không tính là quá xa nhưng Tùy nương vẫn cho em ngồi kiệu, chỉ mấy một chốc công phu là đến.

Kiệu vừa tiếp đất, Tùy nương liền đứng bên ngoài nhẹ giọng nói, "Nhị nương tử, đến rồi."

Thôi Ngưng hít sâu một hơi, xuống kiệu.

Ánh mặt trời bên ngoài quá chói chang, em híp mắt lại, thấy khắp nơi đều là phòng ốc, nhìn không thấy tường viện, cũng chẳng biết căn nhà này rộng bao nhiêu. Cây cỏ trong viện mọc sum suê, những khóm hoa thấp thoáng thoắt ẩn thoắt hiện. Trong cái nóng bỏng của không khí, hơi thở của hoa cỏ như xộc thẳng vào mũi.

Tùy nương dắt em vào phòng, ánh sáng chợt tắt dần, đợi đến khi hơi thích ứng được với ánh sáng mới thấy trong phòng có không ít người đang đứng. Người phụ nhân xinh đẹp khoảng hơn ba mươi tuổi ngồi trên ghế chủ tọa chầm chậm đứng dậy.

Người phụ nhân ấy đẹp ơi là đẹp, thế nhưng vóc dáng bà gầy còm, sắc mặt tái nhợt, trông có vẻ như mới vừa qua cơn bạo bệnh.

Thôi Ngưng vừa mới thấy rõ cặp mắt đỏ au của thị thì đã bị thị ôm chằm vào lòng, "Con của mẹ, con của mẹ..."

Đây là mẹ ư?

Thôi Ngưng ngửi mùi hương thơm ngát trên người thị, nghĩ bụng, trông giống tiên tử thật đấy! Mùi cũng thơm nữa.

Những người trong phòng khuyên mãi Thôi phu nhân mới nín khóc.

"Con mẹ chịu khổ rồi." Thôi phu nhân kéo tay em, vừa nói vừa nhịn không nổi mà rơi lệ, "Sao lại gầy thành thế này!"

"Sau này cứ để tỷ tỷ tấm bổ cho một tí là hết ngay ấy mà! Mẫu thân đừng khóc nữa." Một giọng nói trong trẻo đang vờ làm người lớn của trẻ con vang lên.

Thôi Ngưng dời mắt nhìn sang, hóa ra là một cậu nhóc sáu bảy tuổi mũm mĩm đáng yêu, tóc được buộc lại thành hai búi, mặc đồ lụa mỏng, trên cổ còn đeo một cái túi tiền bằng gấm sặc sỡ, nom vừa phú quý lại vừa khả ái. Cạnh cậu nhóc là một cô bé khoảng trên dưới mười tuổi đang ngồi, ngoại hình của cô nàng hệt như được đúc ra cùng một khuôn với Thôi phu nhân vậy. Quả là một tiểu mỹ nhân.

Ánh mắt của tiểu mỹ nhân và em chạm vào nhau, đầu tiên cô nàng hơi sững sốt trong giây lát rồi sau đó đi đến ghẹo, "Sao mới tới phật đường có mấy ngày mà đã thành thế này rồi? Để xem ngày sau muội còn dám nghịch ngợm nữa không."

"Phật đường cũng đâu có tệ lắm..." Thôi Ngưng nhỏ giọng nói.

Đây là câu nói đầu tiên mà em cất lên kể vừa khi mới bước vào phòng đến giờ, tất cả mọi người đều phát hiện ra sự khác biệt của em so với trước kia.

"Muội muội con sốt cao ba ngày liên tiếp nên đã quên mất một số việc rồi." Thôi phu nhân nói xong rồi giới thiệu lại từng người một cho Thôi Ngưng biết mặt.

Thì ra tiểu mỹ nhân ấy là chị gái của em, tên Thôi Tịnh. Cậu nhóc mới ra vẻ ông cụ non ban nãy là em trai của em - Thôi Huống. Còn tất cả những người còn lại đang đứng trong phòng đều là người hầu.

Thôi Tịnh nghe kể Thôi Ngưng phải chịu khổ nhiều như vậy, bèn kéo tay em gái xót xa bảo, "Thảo nào vừa nãy ánh mắt muội nhìn ta cứ sai sai sao ấy! Mẫu thân, đã cho y sinh khám chưa ạ?"

"Ngày mai y sinh tới tái khám." Thôi phu nhân đáp.

Mọi người đều ngồi xuống trò chuyện, Thôi Ngưng chỉ ngồi im lắng nghe, cẩn trọng chẳng nói một lời.

Thôi phu nhân thấy bộ dáng thấp thỏm dè dặt của em mà lòng quặn thắt, "Chỉ một con hầu thôi mà, rớt xuống nước thì không nói, đã vậy còn biến con gái ngoan của ta thành..."

Thôi Ngưng chợt để ý đến lời này, chẳng lẽ không phải thị cho giam lại?

Thôi phu nhân lại kéo em vào lòng mà ôm chặt nữa.

Mấy ngày nay Thôi Ngưng thấy không có ai hoài nghi mình, giờ đây em mới dám buông lỏng cảnh giác một chút. Em những tưởng bản thân đã che giấu rất kỹ rồi, nào ngờ bộ dạng như thú nhỏ hoảng sợ ấy lọt vào mắt Thôi phu nhân lại khiến tim bà đau đớn như ai khoét.

Giờ cơm trưa, từ đầu tới cuối Thôi Ngưng chỉ lo căng hết dây thân kinh ra mà đối phó, nhất cử nhất động (mọi cử chỉ động tác) đều cố mà phỏng theo Thôi Tịnh. Mặc dù thức ăn đầy bàn nhưng em chẳng thể ăn ngon miệng được như ban sáng nữa.

Ăn xong, ngồi cạnh Thôi phu nhân một lúc nữa thì em mới được thả đi.

Thôi Tịnh dắt em gái về phòng, trên đường đi, cô bé bảo, "Lần này muội bị nhốt lại là do ý của TỘC LÃO, mẫu thân cũng bị người ta bức ép thôi. Hôm muội phát sốt, mẫu thân có đi tìm tộc lão van xin nhưng lại bị đuổi về."

"Xô tỳ nữ nhà họ Việt là lỗi lầm rất lớn ạ?" Thôi Ngưng không hiểu lắm, dù sao thì cũng chỉ là một tỳ nữ thôi, mắc gì mà phải dày vò chủ tử thành bộ dạng thế này chứ!

"Vốn việc ấy cũng chẳng tính là to tát gì, chỉ là lúc ấy hành vi cử chỉ của muội có phần mất thể thống." Thôi Tịnh nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng vẫn cứ là nói thẳng cho em mình biết, "Để muội tự suy nghĩ lại bản thân cũng không hoàn toàn chỉ vì mỗi chuyện này, tác phong trước đó của muội cũng thật sự quá trái đạo đức (ly kinh phản đạo离经叛道) rồi. Đến cả phụ thân cũng oán trách mẫu thân không dạy dỗ muội đàng hoàng được. Bây giờ ăn một cú giáo huấn thật to thì sau này ngoan ngoãn hơn được một chút rồi. Nhưng mẫu thân vì vậy mà lâm bệnh một trận, cả tháng nay ngày nào bà ấy cũng khóc sưng vù cả mắt."

Thôi Ngưng sợ đến mức muốn cắn nhầm vào cả lưỡi. Rốt cuộc là tội tày đình cỡ nào mà phải bị giam một tháng, có chết cũng không được thả ra đây?!

Thôi Tịnh thấy em sợ hãi nên vội nói, "Lần này phạt xong đích xác là đã ngoan hơn rồi, chứ còn theo ta thấy thì phạt cỡ hai ba ngày có lệ cho Việt thị thấy là được rồi."

Tộc lão của Thôi thị không chỉ làm cho có hình thức mà làm thật như vậy cho thấy rằng Thôi Ngưng kia vốn bình thường quá mất dạy rồi. Hồi đó Thôi Ngưng cũng hay quậy phá bị sư phụ phạt quét sân cả tháng trời nên em cũng không thấy bị nhốt một tháng là hình phạt nặng nề gì. Chỉ là cô nương kia bị nhốt trong phật đường nguyên một tháng trời, bị bệnh đến nỗi chết đi sống lại mà cũng không được thả ra, thật sự quá là vô nhân tính rồi!

Về đến phòng, sắc mặt Thôi Tịnh không ổn cho lắm nên căn dặn thị nữ săn sóc em mình cho tốt rồi rời đi ngay.

Lục đục được một lúc, trong phòng lại an tĩnh một cách khác thường. Tiểu Hạnh đi chuẩn bị nước tắm cho em, Tiểu Phúc thì ở lại trong phòng để hầu hạ.

Thôi Ngưng nhìn một vòng cho quen hết cảnh vật xung quanh rồi đến ngồi trước bàn trang điểm.

Trong gương đồng hiện ra một khuôn mặt rõ nét, Thôi Ngưng mới nhìn một cái đã hãi hùng té khỏi ghế một cái "phịch", "Á... Cái quỷ gì vậy!"

Khuôn mặt trong gương vẫn là khuôn mặt của chính bản thân em, chỉ là nét bụ bẫm của trẻ thơ đã không còn trên đó nữa. Cằm em nhòn nhọn, đầu tóc rối nùi, nhìn từ đầu tới chân cứ như dân tị nạn cả nửa tháng trời không có hột cơm nào trong bụng vậy!

"Nương tử!" Tiểu Phúc giật bắn mình, vội tới đỡ em, "Nương tử sao vậy ạ?"

Thôi Ngưng không để ý tới nàng, bò dậy đến gần chiếc gương rồi nhìn thêm một lúc lâu nữa mà lòng kinh hãi không thôi - Thế mà lại hệt nhau như đúc!

Thì ra Nhị sư huynh không hề gạt mình. Thế gian thật sự có cơ duyên, nhân quả!

--- Hết chương 2 ---


Chú thích

(1) Phương ngoại (nguyên văn: 房外) theo editor hiểu "phương ngoại" ở đây cụ thể là chỉ vùng ở ngoài ngọn núi của sư môn nữ chính. Tuy nhiên, khi kết hợp với nghĩa của Nam Hoa Kinh thì chuyển ngữ "phương ngoại" thành "bên ngoài" lại có vẻ không đúng (không sát nghĩa) lắm. Cuối cùng, editor quyết định giữ nguyên âm Hán-Việt là "phương ngoại".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #edit